Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

Điểm sách "Đại Vệ Chí Dị" của blogger Người Buôn Gió

Hoàng Nhất Phương
Những năm đầu của thế kỷ 21, Người Buôn Gió - tác giả tiểu thuyết dã sử “Đại Vệ Chí Dị”- bỗng trở thành khuôn mặt nổi bật của làng Văn Học Việt Nam hải ngoại cũng như trong nước. Độc giả thích cách hành văn cổ sử, ưa câu xin xem hồi sau sẽ rõ, đều say mê theo dõi từng tập viết về "nhà Sản" - một triều đại tưởng như chỉ có trong hư cấu…Nhưng lạ thay khi đọc những giòng chữ của Lái Gió…
"Năm Mậu Tí, đời Vương Mạnh, hiệu Hoà Sản. Ngập lụt triền miên khắp đất nước. Ở kinh thành là nước ngập đến ngang hông. Nước dâng cao làm chết hàng chục người. Dân kinh thành sống khổ sở, nheo nhóc vì nước lũ. Phường lái buôn nhân cơ hội ấy mà trục lợi, mớ rau con cá giá gấp chục lần hàng ngày. Kẻ lái buôn tên là Gió ở ngoại thành, nghe tin kiếm được bạc vội vàng vào kinh thành để dò la giá cả, hòng tính kế làm ăn. Vội vàng bất chấp mưa gió từ bên kia sông chèo thuyền sang. Đến giữa dòng thuyền xoay tít không sao đi được, thấy xa xa là núi Tản Viên bèn khấn thầm. '- Thần cho con qua được quả này, con tạ thần một con lợn béo.' Tức thì thuyền ngừng quay, mũi thuyền hướng bờ Nam lao vun vút, nhắm mắt đã thấy bờ…" [1]
…Ngay lập tức độc giả nhận ra những tệ nạn có trong xã hội Việt Nam đương đại; từ sự thờ ơ của chính phủ trước cảnh đói nghèo của dân chúng, đến hành động tham ô của tầng lớp giai cấp lãnh đạo. Những kẻ từng khiêm tốn nhận mình là "đầy tớ của nhân dân," đã đang dùng mọi thủ đoạn hà hiếp, bóc lộc, trấn áp "chủ nhân." Trong cảnh tranh tối tranh sáng của đất nước, Lái Gió không ngừng "buôn chuyện":
"Nước Vệ triều nhà Sản. Năm thứ 67, đời Vệ Kính Vương thứ hai. Nứt đập chắn nước ở nam trung bộ, tính mạng hàng trăm ngàn bá tính bị đe dọa. Dân oan bốn phương kéo về kinh đô đánh trống kêu oan ngày một đông. Ngoài biên cương nước Tề kéo thủy quân nhòm ngó lãnh hải, bắt đi cơ man nào là ngư dân đòi tiền chuộc. Ngân khố cạn kiệt, giá cả vẫn leo thang chóng mặt. Nhà nhà phá sản, khánh kiệt. Kẻ có bạc vẫn hoang phí, xa hoa, quan chức thì xây cung điện, dinh cơ tráng lệ. Phường trọc phú tậu xe tứ mã nhập ngoại, tổ chức hôn lễ đình đám tốn hàng ngàn lượng vàng..." [2]
Sinh ngày 06 tháng 02 năm 1972, Người Buôn Gió hay còn gọi là Lái Gió tên thật là Bùi Thanh Hiếu, người xã Tiên Châu, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, thường trú tại ngõ Phất Lộc phường Hàng Buồm, tạm trú trong khu tập thể Quân Đội Bắc Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội. Thân thế và bối cảnh gia đình của Người Buôn Gió "bị" hay "được" một số người miêu tả "cực kỳ khốc liệt." Nhưng đọc lời của thiên hạ, sao bằng đọc "thư kiếm ân cừu lục" do chính Lái Gió tự viết về bản thân: "Mình chả làm dân chủ chứ đừng nói biểu tượng dân chủ, mình vẫn nói mình là lưu manh. Sao cứ đẩy mình lên làm nhà dân chủ rồi lại chê trách mình thế. Xưa nay mình đã rút ra hết các hội nhóm hàng năm trời. Xin các bạn dư luận viên và các bạn dân chủ đừng phong mình là nhà dân chủ rồi lại phê phán mình không đủ tư cách, thô thiển thế nào? Cứ gọi là thằng buôn heroin, trấn lột là được rồi. Cám ơn nhiều nhiều, chúc các bạn năm mới đoàn kết, thành công." [*]
Có ai đó nói rằng người ở miền Bắc Việt Nam luôn mang hai thứ ở trên thân thể của họ: Đó là lớp dày của quần áo và lớp vỏ trong cách xử thế. Chính vì vậy muốn hiểu người phương Bắc, muốn nhận ra những ẩn ý nằm trong văn phong của người phương Bắc thật không dễ. Hay nói một cách khác dù thích hay không thích, dù khen thật hay khen giả, thì "Đại Vệ Chí Dị" vẫn là quyển sách không thể bỏ qua, nếu muốn tìm hiểu con đường gian khổ mà nhân dân "nhà Sản" đang phải nếm trải. Cổ nhân từng nói: "Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách…" Đứng trong hàng ngũ những người phải có trách nhiệm với nhà với nước, Người Buôn Gió - bằng khả năng sáng tác đặc biệt - đã dùng văn phong cổ sử như phương tiện, để ghi lại những điều trông thấy từ nước Vệ triều Sản, để phản ánh thực trạng xã hội Việt Nam bây giờ, và để nói lên sự quan ngại của riêng anh, khi đứng trước vận mệnh của tổ quốc. Nhớ xưa khi bị Đặng Trần Thường bức bách bằng câu đối hiểm: "Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai." Ngô Thì Nhậm không hổ danh là Sĩ Phu Bắc Hà, đã khẳng khái đáp: "Thế chiến quốc, thế xuân thu, gặp thời thế, thế thời phải thế." Tấm lòng cương trực và văn tài của Ngô Thì Nhậm đã lưu danh thiên cổ. Bây giờ, sự ưu thời mẫn thế của Người Buôn Gió trong "Đại Vệ Chí Dị," phải chăng cũng nên để lịch sử nói lời thanh nghị.
Hoàng Nhất Phương
5:03am Chủ Nhật ngày 2 tháng 2 năm 2014
[1]. "Đại Vệ Chí Dị." Tập 1.
[2]. "Đại Vệ Chí Dị. Dẹp Loạn Nhân Quyền"

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"