Phạm Lê Vương Các
Ngày 27/2/2014 chương trình “Vì An ninh Tổ quốc” của Đài
truyền hình Đồng Tháp thực hiện phóng sự về việc bắt giữ ông Nguyễn Bắc
Truyển và khoảng 20 người liên quan trong vụ án này.
Cảnh quay đã được chuẩn bị một cách chu đáo công phu ngay từ lúc
vụ việc xảy ra, nhằm mục đích miêu tả lại toàn bộ diễn biến của vụ việc,
cho dư luận thấy những người bị bắt giữ trong vụ án này đã vi phạm pháp
luật, và Công An Đồng Tháp đã thực hiện đúng theo quy định pháp luật.
Ai sai?
Mở đầu phóng sự nêu: Ngày 9/2/2014 CA Đồng Tháp nhận được yêu cầu phối hợp của Cơ quan CSĐT CA TP. HCM về việc hỗ trợ áp giải, bắt giữ đối tượng Nguyễn Bắc Truyển,
sinh năm 1968, thường trú tại Bến Vân Đồn, Quận 4 TP. HCM, tạm trú bất
hợp pháp tại xã Long Hưng B, Huyện Lấp Vò-Đồng Tháp, có liên quan trong
vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, theo Quyết Định khởi tố
hình sự số 488-01 ngày 14/11/2013 của CQ CSĐT CA TP.HCM. Tuy nhiên khi
lực lượng làm nhiệm vụ đến trao giấy mời về cơ quan làm việc, thì đối tượng Nguyễn Bắc Truyển và những người trong nhà không hợp tác, khóa cửa nhà, cố thủ bên trong và có những lời nói hành động chống đối xúc phạm đến lực lượng thi hành công vụ...
Thứ nhất, thông tin đầu tiên được nêu ra là việc CA Đồng Tháp hỗ
trợ áp giải, bắt giữ đối tượng Nguyễn Bắc Truyển theo yêu cầu của CA
TP.HCM. Thế nhưng CA Đồng Tháp lại không tiến hành tiến hành việc bắt
giữ, mà lại đi “trao giấy mời” về cơ quan làm việc???
Vậy thì việc “trao giấy mời” này được thực hiện như thế nào? Qua
đoạn video có rất nhiều người đàn ông không mặc sắc phục theo quy định
của công an khi làm nhiệm vụ, đã xông vào sân, bao vây trước cửa nhà của
vợ chồng ông Nguyễn Bắc Truyển. Trong đó thấy rõ có một người đàn ông
không mặc sắc phục công an, một tay cầm một tờ “giấy mời” đưa lên, tay
kia đập vào tấm cửa kính nhà vợ chồng ông Truyển.
Với hành vi "trao giấy mời" như thế này, ông Truyển không buộc phải
thực hiện nghĩa vụ của mình. Bỡi lẽ về nguyên tắc nếu công an cấp tỉnh,
huyện vào nhà người dân làm nhiệm vụ, cho dù có được phép hóa trang
trong trường hợp này đi chăng nữa, thì cũng phải có sự hỗ trợ của công
an khu vực mặc trang phục đúng quy định của ngành, đề người dân biết
phân biệt đâu là thật và đâu là giả.
Căn cứ vào Điều 5 Quyết định số 2818 /QĐ-BCA quy đinh về Văn hóa giao tiếp và ứng xử của Côn an khu vực thì trang phục của Công an khu vực khi làm nhiệm vụ phải mặc đúng trang phục công an theo Điều lệnh Công an nhân dân.
Nhưng xem video những người bao vây nhà vợ chồng ông Truyển đều
không thấy trang phục của công an khu vực, mà chỉ là hình ảnh của những
người ăn mặc bình thường, xông vào và bao vây và đập cửa như những côn
đồ, thì ông Truyển khóa trái cửa, cố thủ bên trong đó là hành vi hợp lý.
Vì ở Việt Nam, công đồ bao vây nhà của một người dân trước sự chứng
kiến của Công an không phải là chuyện hiếm.
Một khi cơ quan thi hành công vụ làm sai quy định ngay từ đầu cho
hành vi đầu tiên là “đưa giấy mời”, thì dừng đòi hỏi một công dân phải
chấp hành và tuân thủ cho các yêu cầu tiếp theo của công an.
Thứ hai, theo như phóng sự này cáo buộc thì ông Truyển và gia đình có những lời nói hành động chống đối xúc phạm đến lực lượng thi hành công vụ.
Nhưng xem qua video thì chúng ta không thấy bất kỳ hành động nào có
thể coi là “chống đối lực lượng thi hành công vụ” của ông Truyển. Hành
động của ông Truyển trong video là dùng điện thoại để quay lại cảnh công
an đang bao vây nhà mình. Đây là việc làm phù hợp nhằm giám sát những
người thi hành pháp luật. Nó không được xem là hành động chống đối.
Và trong video, chúng ta thấy ông Truyển từ trong nhà nói vọng ra,
nhưng không thể xác định rằng ông Truyển đã nói những gì vì phóng sự đã
cắt đi phần âm thanh tiếng nói của ông Truyển.
Tại sao chương trình truyền hình An ninh Đồng Tháp không đưa lên
đoạn âm thanh mà ông Truyển đã nói, để làm bằng chứng cho cáo buộc “xúc
phạm đến lực lượng thi hành công vụ”. Truyền hình An ninh Đồng Tháp đã
“dám” đăng tải tới lời nói “Đả đảo cộng sản” từ miệng của một của một
quần chúng nhân dân đã chứng kiến, thì tại sao không dám đưa âm thanh
lời nói của ông Truyển “xúc phạm đến lực lượng thi hành công vụ” như thế
nào, để lấy đó làm bằng chứng buộc tội ông Truyển?
Như vậy có thể nói rằng, chương trình truyền hình An ninh Đồng
Tháp cáo buộc ông Truyển có những lời nói, hành động chống đối xúc phạm
đến lực lượng thi hành công vụ mà không thể đưa ra được bất kỳ một bằng
chứng nào, thì đủ cơ sở để nói rằng cáo buộc này vô căn cứ, vu khống ông
Nguyễn Bắc Truyển và gia đình ông.
Bắt người trái luật
Sau khi quay cảnh công an Đồng Tháp xông vào nhà, trấn áp và bắt
giữ thành công, áp tải ông Truyển lên một chiếc xe thùng chuyên dụng,
thì phóng sự tiếp tục có đoạn:
“Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của giám đốc CA Đồng Tháp, các lực
lượng CA Đồng Tháp đã hỗ trợ thành công CA TP. HCM thi hành việc áp giải
đối tượng Nguyễn Bắc Truyển về CQCS Điều tra CA TP.HCM để tiếp tục điều
tra làm rõ hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Trong thời
gian chờ đợi Viện Kiểm Sát Nhân Dân TP.HCM phê chuẩn lệnh tạm giam,
ngày 10/2/2014 Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP. HCM tạm thời trả tự
do cho ông Triển. Sau đó một số trang mạng cho rằng lực lượng CA ĐT vô cớ bắt giữ đối tượng Nguyễn Bắc Truyển.”
Qua tình tiết này cho thấy, lúc CA Đồng Tháp bắt giữ ông Truyển đã
không có sự phê chuẩn của Viện Kiểm Sát Nhân dân TP. HCM. Đến khi bắt về
rồi cũng không được chấp thuận của Viện Kiểm Sát. Ông Truyển không
thuộc trường hợp "bắt khẩn cấp" nhưng CA vẫn xông vào nhà trấn áp và áp
tải ông Truyển về đến CA TP. HCM. Nhưng khi đến nơi thì CA. TP HCM phải
trả tự do cho ông Truyển.
Như vậy, đây là hành vi bắt giữ người tùy tiện của CA Đồng Tháp,
không tuân theo trình tự, quy định pháp luật về việc bắt giữ người. Nếu
có sự phối hợp của CA. TP HCM trong việc bắt giữ này thì cả hai cơ quan
này đã làm sai luật. Bắt giữ không chứng cứ, dùng cáo buộc mơ hồ là
“liên quan đến vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Hơn hết, phóng sự đã áp đặt vào trong suy nghĩ của người xem rằng,
ông Truyển như là một tội phạm, và không sớm thì muộn cũng là một tội
phạm, bằng cách sử ngôn từ theo kiểu suy diễn vô căn cứ như “tạm thời
trả tự do”, “chờ đợi Viện kiểm Sát phê chuẩn”.
Đứng từ góc độ của một người làm truyền hình, cũng như một chương
trình đại diện cho tiếng nói của ngành CA Đồng Tháp, thì phóng sự này đã
vi phạm nghiêm trọng đến nghiệp vụ báo chí, cũng như vi phạm đến nguyên
tắc “suy đoán vô tôi” khi Hiến pháp đã viết rõ không ai bị xem là tội
phạm cho đến khi có một bản án xét xử của tòa án đã có hiệu lực pháp
luật.
Giám đốc công an ngụy biện
Đoạn phóng sự được tiếp tục với lời giải trình của Giám đốc CA Đồng Tháp, Thiếu tướng Nguyễn Minh Thuấn: “Chúng
tôi quán triệt và thông suốt những quy định của Hiến pháp và Pháp luật
Việt Nam. Do vậy vào ngày 9/2/2014 lực lượng CA Đồng Tháp không có bắt giữ Nguyễn Bắc Truyển mà chúng tôi thực hiện về việc phối hợp đối với Cơ quan CSĐT CA TP. HCM để áp giải Nguyễn Bắc Truyển đang tạm trú bất hợp pháp tại Lấp Vò- Đồng Tháp về CQCSĐT Công an TP.HCM để làm rõ hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, mà, cơ quan Điều tra CA TP. HCM đã khởi tố vụ án”.
Qua lời ông Thuấn, chúng ta có thể thấy ông đang né tránh trách
nhiệm cho vụ bắt giữ tùy tiện ông Truyển bằng cách lập luận “không có
bắt giữ” mà chỉ... “phối hợp để áp giải” ông Truyển về Cơ quan CSĐT
TP.HCM.
Sự ngụy biện cho việc bắt giữ trái pháp luật này, được ông Thuấn
dùng một mệnh đề lấp liếm để áp đặt cho người nghe bằng câu nói mở đầu: “Chúng tôi quán triệt và thông suốt những quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam”.
Đúng là tài thât! Giữa một rừng luật ở Việt Nam, cho tới giờ này chưa
từng có một nhà nghiên cứu là Giáo sư, Tiến sỹ Luật dám cho rằng mình là
người “thông suốt những quy định của Hiến pháp và Pháp luật Việt Nam”.
Thế mà ông Giám đốc CA Đồng Tháp, Thiếu tướng Nguyễn Minh Thuấn lại
tuyên bố “mạnh miệng” như vây?
Tìm kiếm thông tin trên google thì được biết ông Thuấn có bằng Thạc
sỹ luật. Nhưng đối với những người đã học qua luật, hay cho tới một
người dân chưa tiếp cận các khái niệm về luật, khi nói về Hiến pháp và
pháp luật thì ai cũng đều nhắc đến việc “tôn trọng, tuân thủ, chấp hành”
đối với Hiến pháp và pháp luật, chứ chẳng có ai khi nhắc đến Hiến pháp
và pháp luật lại đi dùng cái sự “quán triệt và thông suốt” như ông.
Bên cạnh đó, phát ngôn của ông mang tính hằn học và không đúng
đúng chuẩn của một người đang thi hành pháp luật, đặc biệt là đang ở
cương vị là Giám đốc CA tỉnh, khi ông nói “Nguyễn Bắc Truyển đang tạm trú bất hợp pháp tại xã Long Hưng B, Huyện Lấp Vò- Đồng Tháp”.
Không có một văn bản pháp luật nào đề cập đến khái niệm hay mô tả
cho việc “tạm trú bất hợp pháp” là như thế nào. Trong Luật Cư trú và các
Thông tư hướng dẫn liên quan đến việc tạm trú, chỉ quy định cho việc có
hoặc không Đăng ký tạm trú. Giả sử ông Truyển không đăng ký tạm trú thì
cơ quan chức năng cần nhắc nhở cho ông Truyển đăng ký tạm trú. Nếu sau
khi nhắc nhở mà không chấp hành thì có quyền kiểm tra và tiến hành xử
phạt. Nếu giả sử ông Truyển đã từng bị xử phạt vì không đăng ký tạm trú
khi ở đây, thì đó cũng chỉ được xem là hành vi vi phạm quy định về việc
đăng ký tạm trú, chứ không thể gọi là “tạm trú bất hợp pháp” như ông
Thuấn nói.
Qua việc ông Thuấn xua quân xông vào nơi ở hợp pháp của công dân,
bất chấp pháp luật để tiến hành bắt ông Truyển, và việc sử dụng những
phát ngôn hằn học,chỉ thể hiện rằng ông Thuấn đang dùng quyền uy của
mình để "tống khứ" một công dân Việt Nam là ông Truyển ra khỏi khu vực
địa lý mà ông đang quản lý.
“Giấu đầu lòi đuôi”
Đoạn tiếp theo phóng sự này đã vô tình lột tả được bản chất của vụ việc này bằng đoạn: “Vào khoảng tháng 5/2013 đối tượng Nguyễn Bắc Truyển đã lén lút về xã Long Hưng B, Huyện Lấp Vò- ĐT móc nối với các phần tử xấu, lợi dụng tôn giáo, tuyên truyền để chống đối Đảng và Nhà nước ta. Hành vi trên của Nguyễn Bắc Truyển đã vi phạm pháp luật.”
Phóng sự gán ghép cho sự xuất hiện của ông Truyển tại xã Long Hưng
B, Huyện Lấp Vò- ĐT là “lén lút”. Khi nói đến một hành vi “lén lút” nào
đó thì chúng ta nghĩ ngay đến các hành động, việc làm xấu xa, cần phải
dấu giếm. Tuy nhiên việc ông Truyển đến cư ngụ tại địa bàn nêu trên
không phải là hành vi “lén lút” như phóng sự đã nêu. Bỡi lẽ, cộng đồng
sử dụng facebook đều biết ông Truyển đang cư ngụ tại đây cùng với một
người vợ sắp cưới của mình. Thông tin này được ông loan tải rộng rãi
trên facebook cá nhân ngay từ khi ông Truyển đến xã Long Hưng B, và mới
đây nhất ông còn sử dụng nó để mời bạn bè, người thân đến tham dự lễ
cưới của ông tại đây.
Như vậy phóng sự này sử dụng đến thuật ngữ “lén lút” nhằm cho người
xem diễn dịch rằng ông Truyển đến đây để làm một việc xấu xa, đáng lên
án và lồng ghép việc "lén lút" này nhằm mục đích "chống Đảng và nhà
nước". Nhưng người xem phóng sự dễ dàng nhận ra, và ý đồ này đã thất
bại, khi phóng sự không thể đưa ra được bất kỳ một bằng chứng nào, thông
tin cụ thể để chứng minh. Cũng là lối quen thuộc để giải quyết vấn đề
một cách nhanh chóng, bằng cách quy kết là "phần tử xấu, lợi dụng tôn
giáo để chống Đảng và Nhà nước", như vậy là "vi phạm pháp luật".
Điều quan trọng hơn, từ chỗ Công an Đồng Tháp bắt giữ ông Nguyễn
Bắc Truyển với lý do liên quan đến vụ án lạm dụng tín nhiệm để chiếm
đoạt tài sản, thì nay bỗng dưng lại nhảy qua tội danh “móc nối với các
phần tử xấu, lợi dụng tôn giáo, tuyên truyền để chống đối Đảng và Nhà
nước ta”.
Điều này cho thấy, sau khi ông Truyển không bị bắt giam ở TP. HCM,
Công An Đồng Tháp như “bị hố” cho việc bắt giữ tùy tiện vừa qua, bị công
luận và quốc tế lên án, nên cố gắng dựng nên phóng sự này để biện minh
cho hành vi bắt giữ người trái luật này.
Thay vì sử dụng đến các bằng chứng và các lập luận thuyết phục để
cáo buộc cho một hành vi phạm tội, thì CA Đồng tháp chỉ có thể dùng đến
các biện pháp trấn áp, rồi vu khống, rồi quy chụp cho ông Truyển từ tội
danh này sang tội danh khác một cách hồ đồ.
Thủ thuật này dù được sự tiếp sức của chương trình truyền hình An
ninh tỉnh Đồng tháp, bằng cách chuẩn bị trước máy quay, tường thuật chi
tiết diễn biến của vụ việc, cũng như được dàn dựng công phu, nhưng nó
lại bộc lộ sự thiếu logic trong lập luận, cũng như không đưa ra được bất
kỳ bằng chứng nào để chứng minh là ông Truyển vi phạm pháp luật.
Về phần ông Nguyễn Bắc Truyển, ông là người được biết đến với các
hoạt đông cho dân chủ và nhân quyền. Sử dụng đến các tội danh hình sự để
gán ghép và quy chụp cho các hoạt động dân chủ và nhân quyền là cách
thức thường được các Cơ quan Công an điều tra sử dụng trong thời gian
qua.
-------------
(Còn tiếp phần 2, phân tích về những cáo buộc tiếp theo từ phóng sự, và quyết định khởi tố 3 trong số 20 người từ vụ việc này.)