Thứ Ba, 18 tháng 3, 2014

Ai ai ấy thì ta cũng... ấy

Nguyễn Hưng Quốc
Nhà văn Nguyễn Hưng Quốc, người mới mở tài khoản trên Facebook:
https://www.facebook.com/profile.php?id=100007989635687
Lâu nay, mỗi lần bạn bè văn nghệ ở Úc tụ tập nhậu nhẹt và tán gẫu, một trong những đề tài được anh em bàn tán sôi nổi nhất là những chuyện trên phây bút. Thoạt đầu, tôi có chút tò mò; sau, hơi ngài ngại, chủ yếu ngại mất thì giờ, và sau đó nữa, hoàn toàn hỡ hững, xem đó như một thế giới khác, xa lắc, không thuộc về mình. Nhưng cuối tuần vừa rồi, có dịp đi Sydney, trong một buổi tối ăn nhậu ở nhà Phong Lê và Tha Thủy, tôi lại bị cả ba anh em nhà họ Hoàng (từ Hoàng Ngọc-Tuấn đến Hoàng Ngọc Diệp và Hoàng Ngọc Diêu) xúm vào dụ. Thì cứ xem phây bút như một phương tiện truyền thông. Nó hơn blog ít nhất ở ba điểm: tầm phổ biến rộng hơn; khó bị tường lửa hơn và sự tương tác nhanh chóng hơn. Nghe cũng bùi tai. Vậy là, cuối cùng, ngay ngày hôm sau, tôi có trang phây bút và cũng bắt đầu út iếc với bạn bè xa gần.

Vừa viết chữ “út iếc” ở trên, tự dưng lại nhớ bài hát nói của cụ Trần Lê Kỷ:
Từ lên một đến mười lăm còn trẻ nít
Bốn mươi năm cút kít đã về già
Tính trong vòng cắn đá với trăng hoa
Già cho lắm ba mươi năm là sắp kiệt
Thế mà còn đi học đi hiệc đi thi đi thiếc khi đỗ khi điệc làm quan làm kiếc
Việc đời vấn vít biết bao ngơi
Trời đã sinh ra kiếp làm người
Chả chơi nữa người cười ra chú vích
Được ngày nào ta chơi cho thích
Cho phong lưu thanh lịch mới là trai
Thấy ai ai ta cũng ai ai
Ai ai ấy thì ta cũng ấy
Chớ có quở chữ dâm là chữ bậy
Nếu không dâm sao lại nẩy ra hiền
Nhủ em em chớ giữ gìn.
Trong cuốn Văn đàn bảo giám do Trần Trung Viên sao lục, xuất bản lần đầu năm 1927, tiểu sử của Trần Lê Kỷ chỉ được viết ngắn gọn “quê làng Bát Tràng, tỉnh Bắc Ninh, làm chức đốc học” (tập 1, tr.104). Không có năm sinh và năm mất. Có thể đoán cụ viết bài hát nói trên vào khoảng cuối thế kỷ 19 hoặc đầu thế kỷ 20. Ở đây, tôi không bàn về tư tưởng. Chỉ nói về ngôn ngữ, bài hát nói ấy có hai đặc điểm nổi bật và thú vị: Một, kiểu tạo từ theo lối “iếc-hóa” (đi thi đi thiếc khi đỗ khi điệc…) và hai, cách dùng chữ “ấy” (Ai ai ấy thì ta cũng ấy). Cả hai đều khá phổ biến trong khẩu ngữ, nhưng trong thơ văn, trước thế kỷ 20, tôi chưa hề thấy ai sử dụng.
“Ai ai ấy thì ta cũng ấy.”
Áp dụng chữ “ấy” ấy vào chuyện phây bút phây biếc chắc cũng được chứ nhỉ?
Ai ai ấy thì ta cũng… ấy!

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"