Lâm Bình Duy Nhiên
Những ngày đầu tháng hai, thời tiết tại Lausanne và Genève vẫn ấm
áp lạ thường. Mùa Đông dường như vẫn chưa chịu xuất hiện. Không thấy
tuyết rơi mà thay vào đó là một khung trời xám xịt, se se lạnh, mưa rơi
nhè nhẹ, thoáng đến, thoáng đi, càng làm cho cảnh vật vốn đã buồn tênh
nay lại thêm quạnh hiu và trống vắng.
Nhưng mưa bỗng rơi nặng hạt và tầm tã trong suốt buổi chiều ngày
5/2/2014 tại Genève. Thành phố hiền hòa bên hồ Leman thơ mộng này đón
tiếp phiên họp Kiểm điểm Nhân quyền Định kỳ Phổ quát lần thứ 18
(Universal Periodic Review – UPR) mà tại đó các đại diện của nhà cầm
quyền cộng sản Việt Nam đã phải trả lời chất vấn trước Hội đồng Nhân
quyền Liên Hiệp Quốc. Quảng trường trước trụ sở Liên Hiệp Quốc đã trở
thành nơi tụ hợp của những phái đoàn người Việt từ khắp nơi trên thế
giới: Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Bỉ, Việt Nam, Thụy Sĩ…Xa xa, một chiếc xe chống
bạo động của cảnh sát thành phố Genève nằm im chờ đợi…Những lá cờ vàng,
tiếng loa "Việt Nam, Việt Nam tự do, dân chủ", "Hoàng Sa, Trường Sa - Việt Nam"…vẫn
vang lên trong tiếng mưa rơi mỗi lúc nặng hạt. Đoàn người biểu tình một
cách ôn hòa, họ đã nỗ lực vạch trần sự thật về tình trạng nhân quyền
tại Việt Nam cho các tổ chức nhân quyền, phi chính phủ quốc tế.
Phía bên
trong trụ sở Liên Hiệp Quốc, chắc chắn các đại diện của CSVN cũng đang
cố gắng giải bày hay biện minh cho những vi phạm nhân quyền mà họ đã bị
chỉ trích. Nhưng khó có một lập luận thỏa đáng nào hòng bào chữa cho một
chính phủ độc tài đã và đang chà đạp lên những quyền lợi căn bản của
một công dân, đó là quyền tự do ngôn luận. Đảng cộng sản từ hơn 38 năm
qua đã không đưa ra một cải cách đáng kể nào về chính trị. Vẫn là một cơ
chế cứng nhắc, lỗi thời của một chính phủ độc tài khi chỉ biết co mình
bảo vệ quyền lợi và sự tồn tại của đảng, của bộ máy cầm quyền và bỏ mặc
những yêu cầu cấp bách của dân tộc: sự tự do và dân chủ. Cái cốt lõi của
vấn đề vẫn là quyền con người trong một chế độ cộng sản và cái quyền đó
vẫn đang bị xâm phạm hàng ngày bởi một bộ máy công an hung tợn, sẵn
sàng đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến. Càng khó có thể chấp
nhận được sự giải thích khi cho rằng quyền con người ở Việt Nam trước
tiên phải là "cơm no, áo ấm, độc lập…" mà chính phủ cộng sản đã
nỗ lực mang đến cho dân tộc. Cơm no, áo ấm, vật chất đầy đủ… chắc chắn
chỉ đáp ứng cho một số ít thành phần được đảng ưu ái nhưng đại đa số
người dân Việt Nam thì như thế nào? Sự độc lập của một quốc gia phải
chăng là thái độ nhún nhường, hèn nhát trước Trung Quốc, khi mà đất đai
và lãnh hải đã bị ngấm ngầm dâng tặng để đổi lại sự bảo vệ của ngoại
bang? Cái quyền con người ấy tưởng chừng như đơn giản đối với thế giới
tiến bộ lại là một bài toán hóc búa mà chế độ CSVN luôn cố tình che
giấu. Khai thông những quyền căn bản như tự do chính trị, tự do ngôn
luận, tự do tín ngưỡng là điều không thể chấp nhận được đối với nhà cầm
quyền cộng sản. Bởi vì họ thừa hiểu đó là sự sống còn của chế độ, của cả
một hệ thống tư tưởng suy thoái và thối nát mà họ vẫn đang bám víu vào!
Dẫu biết rằng quyền con người, một cách ưu việt, hoàn hảo là điều mà
ngay cả ở những quốc gia tiến bộ cũng chưa có thì cái quyền ấy, ở mức độ
tối thiểu vẫn chưa hề tồn tại ở Việt Nam. Đau đớn thay!
Có thể dễ dàng đoán trước một kết quả tốt đẹp mà những thành viên
trong Liên Hiệp Quốc dành cho phái đoàn CSVN sau phiên điều trần. Âu đó
cũng chỉ là sự ngoại giao và những quốc gia khác khó lòng đặt thẳng
những vấn đề nổi cộm về vi phạm nhân quyền đối với CSVN. Có chăng cũng
chỉ là những câu hỏi chung chung và những góp ý, lưu ý nhẹ nhàng về tự
do báo chí, về quyền internet…Và một lần nữa, chính quyền CSVN lại thoát
ra khỏi những chỉ trích, kết án của những tổ chức phi chính phủ hay
nhân quyền quốc tế.
Nhưng có những bản án mà CSVN sẽ không bao giờ thoát khỏi, đó là
những bản án của chính dân tộc Việt Nam dành cho họ. Sự căm phẫn ngày
càng dâng cao của một xã hội vốn đã chịu quá nhiều áp bức và bất công.
Nhận thức về quyền làm người của mỗi công dân đã trở nên cụ thể hơn bao
giờ hết. Họ đã lên án sự điều hành độc đảng, họ đã dám đương đầu với cả
một bộ máy an ninh để yêu cầu dân chủ hóa đất nước. Họ đã công khai lên
án tệ nạn tham nhũng ở mọi cấp bậc trong guồng máy cộng sản. Họ đã xuống
đường để biểu hiện lòng yêu nước trước sự đe dọa của ngoại bang, bất
chấp sự can thiệp bẩn thỉu của chính quyền. Chính những bản án đó mới có
thể làm suy yếu và làm tan rã một chế độ độc tài. Chỉ có sự bất mãn của
người dân mới đem lại luồng gió mới cho một dân tộc.
Và một dân tộc dám đứng lên để đòi thay đổi, để theo kịp với thời đại là một dân tộc thông minh và tiến bộ.
Trên quảng trường nho nhỏ trước trụ sở Liên Hiệp Quốc, nơi có những
người Việt đến từ nhiều nơi trên thế giới, bất chấp cơn mưa và giá lạnh,
đang cổ động cho một Việt Nam tự do. Đó chính là những tín hiệu trân
trọng và đáng mừng cho công cuộc dân chủ hóa quê hương. Dẫu trong muôn
vàn khó khăn, trở ngại, vẫn còn đó những người con của đất Mẹ Việt Nam,
đâu đó trên thế giới này, luôn luôn hướng mình về đất nước, sẵn sàng góp
ít sức mọn của mình cùng với đồng bào nơi quê nhà trong sự đấu tranh
chống bạo quyền. Lòng yêu nước của những người Việt Nam chân chính là
bất khả kháng và đó cũng chính là một bức thông điệp dứt khoát, mạnh mẽ
gởi đến nhà cầm quyền CSVN.
Hơn ai hết, chỉ có chúng ta, những người Việt mang trong mình dòng
máu của một dân tộc can đảm và bất khuất mới có thể làm thay đổi vận
mệnh của đất nước Việt Nam. Bất chợt, lời ca hào hùng giữa Genève đang
chìm trong mưa lớn và giá lạnh bỗng vang lên như một lời nhắc nhở:
Ta như giống dân đi tràn trên lò lửa hồng
Mặt lạnh như đồng cùng nhìn nhau về một xa xăm
Da chân mồ hôi nhễ nhại cuộn vòng gân trời
Ôm vết thương rĩ máu ta cười dưới ánh mặt trời
Ta khuyên con cháu còn tiếp tục làm người
Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam
Làm người ngang tàng điểm mặt mày của nhân gian
Hỡi những ai gục xuống ngồi dậy hùng cường đi lên
Mặt lạnh như đồng cùng nhìn nhau về một xa xăm
Da chân mồ hôi nhễ nhại cuộn vòng gân trời
Ôm vết thương rĩ máu ta cười dưới ánh mặt trời
Ta khuyên con cháu còn tiếp tục làm người
Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam
Làm người ngang tàng điểm mặt mày của nhân gian
Hỡi những ai gục xuống ngồi dậy hùng cường đi lên
Genève 1954 và Genève 2014, 60 năm xa cách nhưng dân tộc Việt vẫn
mang trong mình một nỗi niềm, một ước mơ mãnh liệt và một khát vọng cháy
bỏng. Đó là xây dựng một đất nước Việt Nam Tự do, Dân chủ. Và sẽ không
có một thế lực đen tối nào có thể ngăn cản nổi ước vọng cao cả, chính
đáng ấy của dân tộc!
Lâm Bình Duy Nhiên
Lausanne, mồng 6 Xuân Giáp Ngọ 2014