Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

Muốn thay đổi một chế độ – phải để cái thối nát đến chỗ tận cùng

Đỗ Thành Công
Cách mạng ở Ukraine (on the net)
Cách mạng ở Ukraine (on the net)

“Đất nước Việt Nam là tài sản chung của dân tộc Việt Nam, không phải của riêng cá nhân hay dòng họ Hồ, Nguyễn, Lê, tập thể nào, đảng phái nào…Cái thối nát quan trọng nhất về mặt chính trị là Đảng CSVN đã dành thưởng công cho Đảng quyền độc tài cai trị.”

Lenin đã từng nhiều lần nhấn mạnh đối với những học trò cộng sản chuyên nghiệp của ông: Muốn thay đổi một chế độ, thì phải để cái thối nát đến chỗ tận cùng.

Rất tiếc ông đã không còn sống để tận mắt thấy chủ nghĩa cộng sản tệ hại và lạc hậu cỡ nào. Chính cái tàn độc của chế độ bạo quyền này đã đẩy đảng CS Nga đi vào chỗ bị tiêu hủy. Đối với VN, không rõ các nhà lãnh đạo đảng có đủ nhạy cảm để lượng định được mức độ thối nát của chế độ đã đến chỗ tận cùng chưa? Liệu có đúng như lời tiên đoán của Lenin hay không?, người cộng sản vĩ đại và đời đời của họ.

Về bản chất, các chế độ cộng sản giống nhau. Chuyên chính vô sản ở Liên Bang Sô Viết, Trung Quốc, Cộng sản Đông Ấu hay tại Viêt Nam đều là một sự rập khuôn. Nó chỉ là sự trá hình của chủ nghĩa độc tài đảng trị, mục đích chính nhằm tiêu diệt và chận đứng các tiếng nói đối lập chính trị. Đảng cộng sản nào cũng ngụy danh chuyên chính vô sản để biện minh cho các hình thức trấn áp của Đảng. Đảng này, tiêu biểu qua các nhà lãnh đạo, mượn danh vô sản nhưng thực chất hữu sản hơn tất cả những nhà tư bản khác. Tiếm danh Dân Chủ và tìm mọi cách che đậy, dấu diếm bản chất phi dân chủ, tuy nhiên nhiều lúc cũng cần phải công khai xác nhận bản chất độc quyền để có được tính hợp hiến.

So sánh bản Hiến Pháp của nước Cộng Hoà Liên Bang Sô Viết Nga trước cách mạng Đông Ấu và bản Hiến Pháp của Đảng CSVN thì sẽ thấy rất rõ nhu cầu phải minh thị bản chất độc tài của hai Đảng. Chương 1, phần cấu trúc của hệ thống chính trị nước Nga qua điều 6 xác nhận:

- Đảng Cộng Sản Liên Sô, lực lượng tiên phong và là trọng tâm của các cơ chế chính trị, bao gồm tất cả các hệ thống chánh quyền và cơ quan công cộng. Đảng Cộng Sản Liên Sô hiện hữu vì nhân dân và phục vụ cho nhân dân. Đảng Cộng Sản Liên Sô vũ trang với chủ nghĩa Mac-Lenin, quyết định mọi đường lối liên quan đến việc phát triển xã hội và các chính sách đối nội lẫn đối ngoại, xây dựng những kiến trúc vĩ đại vì nhân dân Sô Viết, hoạch định mọi kế hoạch, hệ thống hoá và lý luận hoá cho cuộc đấu tranh vì thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản. Tất cả những tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ qui định Hiến Pháp của nước Cộng Hoà Liên Bang Sô Viết.

Điều 4 Hiến Pháp của Đảng CSVN không khác gì điều 6 Hiến Pháp của đảng CS Nga. Tuy đơn giản hơn nhưng ngược lại việc minh thị vị trí độc quyền của Đảng rõ ràng và quyết liệt:

- Đảng CSVN, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến Pháp và pháp luật.

Cái thối nát quan trọng nhất về mặt chính trị là Đảng CSVN đã dành thưởng công cho Đảng quyền độc tài cai trị. Quyền này, như điều 4 Hiến Pháp đã ghi rõ Đảng CSVN là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Đảng được quyền đơn phương quyết định mọi chính sách, đường lối liên quan đến tương lai của đất nước và dân tộc Việt Nam.

Quyền lực này đã diễn ra trong quá khứ, hiện hữu qua hiện tại và sẽ nối tiếp trong tương lai, kéo dài từ thế hệ này đến thế hệ khác. Quyền lực này chỉ chấm dứt khi nào điều 4 được bỏ đi hoặc thay đổi bằng một quy điều khác trong Hiến Pháp hoặc qua những đột biến của lịch sử, vị trí của đảng CSVN không còn tồn tại nữa.

Điều 4 Hiến Pháp đã và đang chính là một tai họa cho Việt Nam. Một dân tộc thông minh, có đủ bản lãnh để đưa đất nước ra khỏi cảnh lạc hậu, nghèo đói. Một quốc gia với hơn 90 triệu người, có biết bao nhân tài trong và ngoài nước, có biết bao tinh hoa của dân tộc lại cứ phải tiếp tục cúi đầu dưới ách thống trị của một đảng CS tự đời này sang đời khác sao? Đảng CS Nga đã đưa đất nước họ phiêu lưu trong hơn 70 năm cầm quyền. Hậu quả đã để lại cho nhiều thế hệ sau phải cưu mang một nước Nga nghèo, hỗn loạn, ngày càng bị bỏ rơi trước trào lưu văn minh của thế giới.

Trước đây, khi đối diện với viễn ảnh sắp sửa bị tiêu diệt, điều 6 Hiến Pháp đã được đảng CS Nga vội vã tu chính để chấp nhận chia sẻ quyền lực. Tuy nhiên quá muộn, cuộc biến động tại Nga không dừng lại ở đó mà đã cuốn phăng cả một hệ thống đảng CS quốc tế đi vào chỗ tận cùng.

Nhìn lại Việt Nam, bài học đó những người lãnh đạo đảng chừng nào mới thuộc. Liệu dân tộc Việt Nam, còn phải chịu đựng những độc đoán của chế độ cực quyền này bao nhiêu lâu nữa? Liệu chúng ta cứ tiếp tục nhẫn nhục, sợ hãi, chấp nhận và cho phép cái thối nát của Đảng CSVN cứ tự tung tự tác mãi trên đất nước Việt Nam sao?

Đất nước Việt Nam là tài sản chung của dân tộc Việt Nam. Không phải của riêng cá nhân hay dòng họ Hồ, Nguyễn, Lê, tập thể nào, đảng phái nào. Do đó, đảng CSVN cho dù có công khai quốc công thần đi chăng nữa cũng không thể vượt qua các giới hạn trên. Khi quy định ra điều 4 trong Hiến Pháp, CSVN đã tự cho phép đảng đứng lên trên tất cả mọi hệ thống chính trị, trở thành chủ nhân ông, độc quyền cai trị Việt Nam vĩnh viễn. Vì vậy, những đòi hỏi chính đáng nhằm đưa đất nước ra khỏi cảnh nghèo túng, những tranh đấu ôn hòa kêu gọi dân chủ hóa đều bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Trong bối cảnh sinh hoạt chính trị bệnh hoạn và phản tiến bộ như vậy, Việt Nam muôn đời thuộc quyền sở hữu chủ của Đảng CSVN.

1- Đã đến lúc bạo lực không thể vĩnh viễn là chỗ dựa vững chắc của các cơ chế độc tài và phản tiến bộ. Lòng sợ hãi chỉ làm cho dân tộc càng lúc càng tụt hậu. Quyền lực và sức mạnh của quần chúng đủ sức lật đổ tất cả bạo quyền. Những cuộc cách mạng đòi tự do dân chủ tại các nước Cộng Sản và ở các quốc gia Trung Đông, đã minh chứng một luận cứ vững chắc – Dân là Nước, Chế độ là Thuyền – Nước chở Thuyền thì Nước cũng có thể lật Thuyền.

2- Đã đến lúc điều 4 Hiến Pháp phải được hủy bỏ hoặc bởi chính những người lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam để Nhân Dân Việt Nam thực sự có cơ hội đóng góp vào sinh hoạt chính trị trong bối cảnh tự do và dân chủ. Hoặc phải bị vứt bỏ bởi các Lực lượng Dân chủ tiến bộ để Tự do Dân chủ có cơ hội nẩy mầm trên đất nước Việt Nam.

3- Đã đến lúc quyền lực phải được trả về cho Nhân Dân, để hơn 90 triệu người Việt Nam được quyền tham dự vào mọi sinh hoạt chính trị một cách Tự do Dân chủ để đóng góp công sức và trí tuệ, hầu đưa đất nước đến chỗ thịnh vượng phú cường.

© Đỗ Thành Công

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"