Lê Lương Bình
Dân Luận: Những chuyện hậu trường chính trị ở Việt Nam thường chỉ được bàn luận nơi trà dư tửu hậu, nó là phó sản của một nền thông tin - truyền thông bị quy về một mối với mục tiêu duy nhất là biến thành công cụ để phục vụ cho đảng cầm quyền như Hồ Chí Minh đã từng viết: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ...." và "người làm báo cách mạng luôn không ngừng phải học tập, rèn luyện bản lĩnh chính trị, tác phong, đạo đức nghề nghiệp để đáp ứng tốt nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ giao phó."
Truyền thông thường được gọi là "Lề trái" như Dân Luận với mong muốn làm lành mạnh hóa môi trường thông tin cũng gặp nhiều khó khăn vì những lý do khác nhau nên khó có điều kiện kiểm định và đánh giá chất lượng nguồn tin như những thông tin được nêu ra ở trong bài viết này bởi vậy mong bạn đọc tham khảo thông tin với một thái độ thận trọng
Sẽ có nhiều người ngạc nhiên khi đọc tiêu đề bài viết này, vì ông
Nguyễn Xuân Phúc là đương kim Phó Thủ tướng, sao lại là Phó Thủ Tướng
Thứ Nhất Tự Xưng. Nhưng xin thưa mọi việc đều có nguyên do của nó và
chính cụm từ 'Phó thủ tướng thứ nhất tự xưng' phản ánh đầy đủ, sinh động
nhất chân dung ông Nguyễn Xuân Phúc.
Lật lại những tháng ngày ông Nguyễn Xuân Phúc rời Quảng Nam ra Hà
Nội. Hành trang chính trị của ông Nguyễn Xuân Phúc chẳng có gì, ngoài
yếu tố "miền Trung". Mặc dù được bổ nhiệm, cất nhắc khá sớm, nhưng ông
Nguyễn Xuân Phúc không có gì sáng tạo mang tính chất đột phá, thậm chí
nhiều cán bộ đánh giá là thiếu tư duy và tầm nhìn chiến lược. Quảng Nam
trước khi ông Phúc làm lãnh đạo nghèo và sau khi ông Phúc làm lãnh đạo
vẫn nghèo như xưa, có chăng xuất hiện một vài "đại gia" mà tài sản có
được chủ yếu nhờ vào sự bảo trợ của ông Nguyễn Xuân Phúc thông qua việc
mua bán tài nguyên của tỉnh và tất nhiên một phần lợi nhuận đó nằm trong
tay ông Bảy Phúc. Dù vậy, cũng phải công nhận ông Nguyễn Xuân Phúc là
một bậc thầy trong sử dụng yếu tố "miền Trung" để thăng tiến trong sự
nghiệp chính trị của mình. Để được bổ nhiệm Phó Tổng thanh tra chính
phủ, Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng, chủ nhiệm
Văn phòng Chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc luôn rêu rao nói rằng, cần có
nhân tố "miền Trung" trong các cơ quan quyền lực cao nhất của Chính
phủ, miền Trung hi sinh mất mát, đau thương trong chiến tranh nhiều
nhất, nên hòa bình cần quan tâm, ưu ái đến người miền Trung và nhân tố
"miền Trung" chính là ông ta, ông ta là đại diện cho người miền Trung.
Khi nắm chắc vị trí Chủ Nhiệm Văn Phòng Chính Phủ, ông Nguyễn Xuân
Phúc lại tiếp tục nhìn ngắm chức vụ cao hơn, đó là Bộ Chính Trị, là lãnh
đạo Chính Phủ. Nhưng việc sử dụng nhân tố "miền Trung" gặp khó khăn, vì
xuất hiện 2 người đều là miền Trung, đó là Lê Thế Tiệm, Thứ trưởng Bộ
Công an và Nguyễn Bá Thanh, Bí Thư Thành Ủy Đà Nẵng. Bề ngoài, Nguyễn
Xuân Phúc ru ngủ Lê Thế Tiệm, Nguyễn Bá Thanh bằng chiêu bài, người miền
Trung phải đoàn kết, thương yêu nhau, cùng dắt tay nhau thăng tiến
trong các nấc thang chính trị, nhưng kỳ thực tất cả các ngón đòn chính
trị hiểm độc nhất đã được ông Bảy Phúc tung ra để hạ uy tín, phá Lê Thế
Tiệm, Nguyễn Bá Thanh. Lê Thế Tiệm bỏ phiếu vào Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư
lần nào cũng trượt. Tất nhiên nguyên nhân chủ yếu do Lê Thế Tiệm yếu về
tài, kém về đức, nhưng cũng có một phần do ông Bảy Phúc phá, mọi yếu
kém của ông Sáu Tiệm bị ông Bảy Phúc bí mật phơi bài đến các ủy viên
Trung ương. Nguyễn Bá Thanh có tài, quyết đoán, có thành tích lớn ở địa
phương bỏ phiếu vẫn trượt. Khi đó, ông Nguyễn Bá Thanh và nhiều người đã
nghi oan cho Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, cho rằng Thủ tướng "đánh" Bá
Thanh. Nhưng kỳ thực không hoàn toàn như vậy, thủ phạm chính là ông Bảy
Phúc. Nếu ông Thanh vào Bộ Chính Trị, Ban bí thư thì nhân tố "miền
Trung" sẽ là ông Bá Thanh, không còn là ông Bảy Phúc nữa, vì nếu đặt hai
người lên bàn cân thì ông Bá Thanh hơn hẳn ông Bảy Phúc cả về tài lẫn
đức. Ông Nguyễn Bá Thanh trượt, Nguyễn Xuân Phúc thắng lớn, vừa loại
được đối thủ tiềm tàng, vừa đẩy được thủ tướng ra "đổ vỏ", kích động gây
chia rẽ giữa Thủ tướng với ông Nguyễn Bá Thanh.
Khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm nhiệm kỳ đầu thì ông Nguyễn Xuân
Phúc làm Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ; làm nhiệm kỳ 2 thì ông Phúc là
Ủy viên BCT, Phó Thủ Tướng Chính Phủ. Như vậy, dù ít, hay nhiều thì sự
thành đạt của ông Nguyễn Xuân Phúc có sự giúp đỡ, hỗ trợ của Thủ Tướng
Nguyễn Tấn Dũng. Đó là sự thật không thể chối cãi. Nhưng khi Bộ Chính
Trị, Trung Ương mới chuẩn bị bàn về việc xét kỷ luật Thủ Tướng Nguyễn
Tấn Dũng, ông Nguyễn Xuân Phúc đã trở cờ, cho rằng đồng chí Nguyễn Tấn
Dũng khó có cơ hội trụ vững và đây là thời cơ để ông Phúc có thể nắm giữ
chức vụ Thủ Tướng. Do vậy, thời điểm đó, ông Nguyễn Xuân Phúc liên tục
đi các địa phương, nói là kiểm tra công tác, nhưng kỳ thực là vận động
hạ bệ đ/c Nguyễn Tấn Dũng và ủng hộ ông Phúc lên làm Thủ Tướng. Có ngày,
ông Phúc đi hai, ba tỉnh, chạy đua với thời gian để tìm lực lượng ủng
hộ. Đi đến đâu, ông Phúc cũng muốn mọi người giới thiệu là "Phó Thủ
Tướng Thứ Nhất"; một số bộ, ngành, địa phương chỉ giới thiệu là "Phó Thủ
Tướng" thì giận dỗi, khó chịu. Có lẽ trong nhiệm kỳ này quy định không
có "Phó Thủ Tướng Thường Trực" nên ông Phúc đã linh hoạt thành "Phó Thủ
Tướng Thứ Nhất" để khẳng định sau khi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng là đến
ông Nguyễn Xuân Phúc. Nếu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngã ngựa giữa nhiệm
kỳ, thì người thay thế đương nhiên là ông Nguyễn Xuân Phúc. Nhưng cuối
cùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không nhưng không ngã ngựa mà còn ngày
càng mạnh lên, vì vậy ông Nguyễn Xuân Phúc cũng ít đề cập đến danh xưng
"Phó Thủ Tướng Thứ Nhất" nữa mà tập trung cho việc đi các địa phương vận
động lực lượng cho đại hội tới để có thể đảm nhiệm vị trí Thủ Tướng
Chính Phủ núp dưới hình thức đi kiểm tra mà nội dung giữa các tỉnh hoàn
toàn giống nhau./.
Lê Lương Bình
Cán bộ Bộ Ngoại giao nghỉ hưu
Nơi nhận
- Các đ/c lãnh đạo Đảng, Nhà nước
- Các cơ quan báo chí
- Các cơ quan báo chí