Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

Suy Nghĩ Về “Hiệu Ứng Cánh Bướm” Tại Việt Nam

Lý Thái Hùng
“Hiệu Ứng Cánh Bướm” là nhóm từ mà nhà Khí tượng học Edward Norton Lorenz thuộc Đại học M.I.T của Hoa Kỳ sử dụng để mô tả một hiệu ứng vật lý về khí tượng, nhưng lại trở thành nền tảng về lý thuyết hỗn loạn (chaos theory) với câu nói nổi tiếng: Liệu con bướm đập cánh ở Brasil có thể gây ra cơn lốc ở Texas?
Lý thuyết này phát sinh từ một sự “vô tình” của ông Lorenz. Vào năm 1961 khi cho nhập các dữ liệu vào máy vi tính, ông đã bỏ bớt những con số lẻ quá nhỏ để tiết kiệm thời gian thí nghiệm. Ví dụ các con số 0,506127 được ông Lorenz nhập vào máy là 0,506. Kết quả là máy vi tính đã đưa ra dự báo hoàn toàn khác xa với dữ liệu gốc, dù giá trị của những con số lẻ 0,000127 tự nó hoàn toàn không đáng kể.
Việc làm “vô tình” này đã dẫn đến kết quả dự đoán thời tiết hoàn toàn khác biệt so với tính toán ban đầu. Từ đó ông đã kết luận rằng một thay đổi dù nhỏ trong điều kiện ban đầu của một hệ thống năng động có thể tạo sự thay đổi to lớn trong kết quả lâu dài.
Ông đã đặt tên cho kết quả này là “hiệu ứng cánh bướm” trong một bài phát biểu tại Hội nghị thăng tiến khoa học Hoa Kỳ vào tháng 4 năm 1972 qua đề tài: Khả năng dự đoán: Liệu con bướm đập cánh ở Brasil có thể gây ra cơn lốc ở Texas?

Ông Lorenz cho rằng sự kiện một con bướm vỗ cánh dù yếu ớt nhưng nó đã tạo ra một tác động nhỏ với một luồng không khí nhẹ chung quanh. Luồng khí nhẹ này có thể gây ra những thay đổi tương ứng trong bầu không khí và khi có những luồng phản ứng dây chuyền tiếp nối, cuối cùng có thể đưa đến những thay đổi lớn về thời tiết như cơn lốc tại một địa điểm cách nơi con bướm vỗ cánh hàng vạn cây số.
Giải thích của Lorenz tuy khó hiểu vì nó có liên hệ nhiều đến phương trình toán học phức tạp; nhưng phát hiện của ông Lorenz đã nói lên một điều là mỗi sự vỗ cánh của con bướm hay một sự kiện nào dù nhỏ xảy ra, đều có tác động làm thay đổi lớn ở môi trường khác.
Kết quả nghiên cứu của Lorenz đã góp phần rất lớn làm thay đổi về lý thuyết hỗn loạn ngày nay, khi các nhà nghiên cứu từ khí tượng, xã hội, kinh tế cho đến tâm lý học đều cho rằng những thay đổi dù nhỏ đều có thể dẫn đến những thay đổi đột phá, nhất là trong các hệ thống, môi trường vận động cực kỳ nhạy cảm.
Từ kết quả của một nghiên cứu liên quan đến khí tượng, “Hiệu Ứng Cánh Bướm” ngày nay đã được diễn giải dưới cái nhìn nhân quả ở các hiện tượng xã hội không chỉ trong lãnh vực khoa học.
Trong lãnh vực xã hội, “Hiệu Ứng Cánh Bướm” chính là sự chuyển biến tư duy, hành động của mỗi cá nhân, nhưng nếu nó được liên kết với nhau tạo thành những phản ứng dây chuyền thì có thể tạo ra những biến động, thay đổi cực kỳ to lớn trong xã hội.
Cho đến nay, chưa có một nghiên cứu nào được công bố chính thức về các tác động của “Hiệu Ứng Cánh Bướm” trong lãnh vực xã hội; nhưng nếu chúng ta nhìn lại một số biến động trên thế giới, thì nhiều sự việc đã được khởi đi từ một nguyên nhân/hành động rất nhỏ nhưng đã được lan tỏa và tạo thành phản ứng dây chuyền đem đến một kết cuộc bất ngờ, một thay đổi rộng lớn.
Hiệu ứng cánh bướm từ một thanh niên bán hàng rong tại Tunisia:
Sinh viên Mohamed Bouazizi xứ Tunisia quyết định tự thiêu vào ngày 17 tháng 12 năm 2010 để phản đối cảnh sát đã ngăn cản không cho anh lập một quầy bán trái cây để kiếm sống trên đường phố tại thành phố Sidi Bouzid, cách thủ đô Tunis non 200 cây số. Bình thường ra, sự bất mãn tự thiêu của một cá nhân trong chế độ độc tài không phải là điều gì to lớn. Nhưng trước và sau khi Bouazizi tự thiêu, xã hội Tunisia ở trong một bối cảnh nhạy cảm khi số sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm ngày một gia tăng và nhất là xã hội bị kiềm chế đến nghẹt thở vì nạn quan liêu, tham nhũng.
Cái chết của Mohamed Bouazizi đã như tiếng sét, xé tan sự im lặng vốn bao trùm 23 năm dài dưới sự trấn áp thô bạo của công an và đã thôi thúc nhiều giới quần chúng Tunisia phải làm một cái gì đó để thay đổi nguyên trạng. Những cánh bướm phẫn uất từ thành phố Sidi, nơi Bouazizi tự thiêu, đã được cộng hưởng và tạo thành một làn sóng biểu tình nhanh chóng lan rộng đến các thành phố Jendouba, Sousse, Sfax và thủ đô Tunis. Các cuộc biểu tình lên tới đỉnh điểm bằng sự chấm dứt quyền lực cai trị của Tổng thống Zine El Agidine Ben Ali, khi ông này cùng với gia đình đã phải bỏ trốn khỏi Tunisia vào ngày 14 tháng 1 năm 2011.
Xã hội Việt Nam hiện cũng đang ở trong bối cảnh rất nhạy cảm với nhiều “bức xúc” của xã hội như Tunisia vào giai đoạn cuối; từ giáo dục, y tế, tiền lương, công ăn việc làm cho đến văn hóa, an ninh, đối ngoại, bất công, chênh lệch giàu nghèo ...
Trong nhiều năm qua, những bức xúc này đã từng bộc phát thành một số biến cố đáng chú ý như cuộc nổi dậy của hàng vạn người dân Thái Bình, cuộc chống đối của anh em ông Đoàn Văn Vươn, cuộc chống cưỡng chiếm đất của bà con Văn Giang, sự lên tiếng tập thể của giới trí thức, sinh viên trước sự kết án phi lý, phi pháp đối với sinh viên Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha...
“Cánh bướm vỗ” thì có rất nhiều tại Việt Nam, nhưng chưa tạo được hiệu ứng hay động lượng thay đổi mang tính đột biến vì còn thiếu ít nhất hai thành tố:
Thứ nhất là các chuyển biến chưa tác động dây chuyền được ở nhiều nơi vì sự sợ hãi và hoài nghi do chế độ độc tài tạo ra vẫn còn lớn ở Việt Nam.
Thứ hai là sự thiếu vắng các sinh hoạt xã hội dân sự đã làm cho những nối kết giữa các nhóm, cá nhân độc lập bị khó khăn trong nỗ lực tung hứng các “hiệu ứng” của xã hội.
Nhưng rõ ràng càng ngày sự sợ hãi càng giảm và sự hình thành các nhóm dân sự càng gia tăng ở tốc độ tỷ lệ thuận với mức đàn áp và khủng hoảng nội bộ của chế độ, mà tốc độ chuyển biến có thể do lường được gần như hàng ngày tại Việt Nam.
“Hiệu Ứng Cánh Bướm” có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong hoàn cảnh quá nhiều “bức xúc” của tình hình Việt Nam ngày hôm nay. (LTH 2014)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"