Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

Thông tin tiếp về vụ tham nhũng 9 tỉ đồng ở Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Trực Ngôn

Sau khi bài “Hé lộ vụ tham nhũng 9 tỷ đồng ở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam” được đăng tải trên Dân Luận (và được nhiều trang mạng khác đăng lại), nội dung nêu đích danh hai ông Phó Chủ tịch LHHVN là Phan Tùng Mậu và Phạm Văn Tân (ông Tân còn kiêm Tổng thư ký), ngoài ra có nói qua về vai trò của ông Đặng Vũ Minh – Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam khi nâng đỡ cho người nhà lộng hành, (vị người nhà của ông Minh phụ trách trang Web nội bộ của cơ quan, tiêu tới hơn 2 tỷ một năm mà lượng truy cập không nổi 100 lượt mỗi ngày). Chúng tôi tiếp tục nhận được thông tin phản hồi của các cán bộ ở đây (có 21 người cung cấp thông tin thêm cho chúng tôi bằng các kênh liên lạc được thiết lập bí mật). Qua phản ánh của cán bộ ở đây mới thấy thật là kinh hoàng với không khí đang diễn ra ở cơ quan này, ba ông Đặng Vũ Minh, Phạm Văn Tân và Phan Tùng Mậu đang lồng lộn truy tìm tác giả bài báo, một số nhân viên hợp đồng ở cơ quan còn được họ hứa hẹn là nếu do thám tìm được tác giả bài viết thì sẽ được tiếp nhận chính thức vào cơ quan, cho vào biên chế nhà nước. Bằng cách này họ đã biến khá nhiều người trong cơ quan thành mật thám, ở cơ quan đã xảy ra việc bi hài là một số nhân viên có mâu thuẫn với nhau, lợi dụng cơ hội để tố điêu đổ vạ (hệt như thời cải cách ruộng đất).
Do đó nhiều cán bộ trong cơ quan nhắc nhau nhớ lại câu khẩu hiệu mà người ta hay dán trên tường thời chống Mỹ là: “Ở đây tai vách mạch rừng/ Những điều bí mật xin đừng nói ra”. Tìm, tìm và tìm…ai, ai là người dám chống đối. Tất cả những nhân viên nào đã từng phản biện, cãi sếp, đều thuộc diện nghi vấn. Thật nực cười cho các ông, mang danh tiến sĩ nhưng trí tuệ không cao hơn ngọn cỏ, nên không biết rằng có gan hùm, rồi được “thế lực thù địch” cho tiền, thì cán bộ nhân viên của cả cái cơ quan mang danh trí thức này cũng không dám viết. Vì dân chủ là một tính từ cực kỳ xa lạ với cái cơ quan có tên là Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cán bộ ở đây bị đè nén lâu ngày nên đã nhụt chí khí từ lâu rồi. Các ông mất công truy tìm mà làm gì, hãy làm việc có ích cho dân cho nước, không tham ô, tham nhũng, lưu manh hại người, thì ai viết được bài nói các ông? Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, các ông cướp lắm của dân, thì đến ngày chúng tôi phải vạch mặt mà thôi. Bởi vậy trong bài này, chúng tôi nêu tiếp số liệu thể hiện sai phạm trong dự án “Cổng thông tin điện tử Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam” và vai trò của ông Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Phạm Văn Tân để bạn đọc được biết những lãnh đạo Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã lũng đoạn cơ quan, ăn bẩn đến thế nào.
Sau khi được Văn Phòng Chính Phủ đồng ý cho phép đầu tư từ ngân sách Nhà Nước, tháng 10/2007 Dự án “Cổng thông tin điện tử của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam” được phê duyệt với tổng dự toán là 8.900.000.000,đ (tám tỷ chín trăm triệu đồng), trong đó chi phí: thiết bị và phần mềm là 7.308.757.300 đồng; Chi khác 873.060.295 đồng; Dự phòng 818.181.759 đồng. Chưa đầy ba tháng sau khi được phê duyệt, tháng 1/2008, Dự án được điều chỉnh tổng dự toán là chẵn 9.000.000.000, đồng (chín tỷ đồng). Trong đó chi phí thiết bị và phần mềm giữ nguyên: 7.308.757.300, đồng, chi phí khác tăng lên 1.691.242.700, đồng. Điều bất thường là cùng một dự án do cùng một cơ quan phê duyệt, thế mà tổng dự toán kinh phí lại khác nhau đến cả trăm triệu đồng, và cơ cấu đầu tư thay đổi luôn xoành xoạch với những con số khác nhau một cách khó hiểu. Chẳng hạn trong Quyết Định Phê Duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán ghi: Chi thiết bị và phần mềm: 7.410.549.569, đồng và chi khác 1.589.450.431, đồng nhưng trong hồ sơ thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán lại ghi: Kinh phí thực hiện đầu tư: 7.407.025.949, đồng; Chi khác 1.592.974.051, đồng. Như vậy có tới 3 con số khác nhau trong hồ sơ dự án khiến người đọc không thể không nghĩ rằng đây thực chất là nguỵ tạo chứng từ, hồ sơ dự án sao cho hợp lệ để rút tiền ngân sách. Xin lưu ý hai chi tiết để bạn đọc thấy rõ sự tuỳ tiện và bất chấp pháp luật của những người quản lý dự án: Việc phê duyệt và điều chỉnh dự án không hề kèm theo đề cương dự án, ông Chủ tịch phê chuẩn dự án, còn ông Phó Chủ Tịch lại điều chỉnh dự án mà không hề được uỷ quyền hay xin ý kiến Chủ Tịch. Cho đến nay, mặc dù bộ phận tài vụ kiểm tra yêu cầu cung cấp các văn bản, giấy tờ liên quan đến hồ sơ dự án trong đó có đề cương dự án (ban đầu và khi điều chỉnh), nhưng ông Hoàng Quốc Trị vẫn chưa cung cấp đủ, quá thời hạn đã lâu mà dự án chưa quyết toán được là bởi vậy.
Trong quá trình thực hiện dự án, ông Hoàng Quốc Trị khỏi cần tuân thủ quy định đấu thầu mua sắm thiết bị, tự tiện ký hồ sơ mời thầu các gói thầu không đúng thẩm quyền, định giá gói thầu không căn cứ vào dự toán được duyệt, chẳng hạn giá gói thầu chi phí thiết bị trong thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán là 4.277.949.900, đồng, nhưng giá gói thầu cho hạng mục này trong quyết định phê duyệt kế hoạch đấu thầu chi tiết lại là 4.281.473.520 đồng. Ông Hoàng Quốc Trị là người chường mặt trong công việc, nhưng có ba đầu sáu tay, thì một ông Trưởng Ban cũng chỉ là kẻ thi hành. Người ẩn mặt là thủ trưởng cơ quan. Trong trường hợp này thì đích danh là ông Phó Chủ Tịch kiêm Tổng Thư Ký - Phạm Văn Tân giữ vai trò chủ đạo, lộng quyền vi phạm pháp luật, biển thủ kinh phí dự án, bởi ông ta là cấp trên của ông Hoàng Quốc Trị, và chính ông ta, mới là Chủ tài khoản của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Không phải ý đồ của ông ta, đố lấy sai nổi một xu, việc này thì cán bộ Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ai cũng rõ. Nhưng phía sau ông Phạm Văn Tân là ai, mà trước sự cố nặng nề khi “Cổng thông tin điện tử Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam” chưa dùng đã “liệt” (đi toi 9 tỷ đồng thuế của dân vô ích), ông Tân không mảy may lo lắng trách nhiệm. Ông vẫn mời ông Hoàng Quốc Trị làm cố vấn chuyên môn cho ông “cà rốt” Phan Tùng Mậu, đồng thời tham gia Ban Biên Tập trang vusta.vn. Ai, một cá nhân hay là cả tập thể lãnh đạo Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã khéo chia mảng ăn phần, hồi sau rồi ai cũng sẽ rõ?
Vì sao có sự gắn bó của những người thừa mưu mẹo, thiếu chuyên môn có lẽ cũng nên cung cấp thêm cho bạn đọc một số thông tin: Trước khi ông Phan Tùng Mậu nghỉ hưu, ông làm Vụ Phó Vụ Khoa Học trên Ban Tuyên Giáo Trung Ương, ông là người theo dõi hoạt động của LHHVN, chính do vậy, ông đã “nắm gáy” lãnh đạo LHHVN từ lâu, nên ngay khi về ông đã ngả bài, tất cả chúng ta cùng vì lợi ích cá nhân, quên lợi ích tập thể đi. Cán bộ ở Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam quá biết nhân cách ông Mậu từ những ngày ông đi xe Dream tòng tọc đến la liếm phong bì lớn nhỏ trong đủ mọi hoạt động của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Nay ông bỗng dưng “một phát lên cao”, có xe camry đưa rước hàng ngày, có phòng riêng điều hòa hai chiều, điện thoại gọi “buôn dưa lê” cơ quan trả tiền, lương lậu và “hoa hồng” phân bổ kinh phí đề tài dự án đủ nuôi cả họ, nhưng nết “ăn bẩn” của ông thì không cải tạo được, vẫn la liếm nhặt nhạnh từng cái phong bì trăm bạc…
Ông Phạm Văn Tân và Phan Tùng Mậu đang liên kết với nhau, dùng mọi thủ đoạn bỉ ổi để kiếm thật nhiều tiền hòng chạy chọt kiếm thêm nhiệm kỳ nữa, để lại tiếp tục được vơ vét cho đầy túi tham. Không hiểu hàng triệu hội viên Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam có lờ ngờ mà lại để những người chỉ biết kiếm chác mưu lợi cá nhân như các ông lãnh đạo mình không? Còn Nhân dân thì thật sáng suốt khi đã gạch thẳng cánh ông Phạm Văn Tân trong danh sách ứng viên Đại biểu Quốc hội khóa XIII vừa qua, chứ không thì giờ đây Quốc hội đã có một con sâu to đùng ngồi gật gù giữa Ba Đình. Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương cũng đã cho ông “oạch”, có thể khi đó họ cũng đã có thông tin về ông?. Nhân tiện nói thêm, ông Tân sinh năm 1954, tuổi Giáp ngọ, người Thái Bình, đồng tuổi, đồng hương và đồng tộc (cùng họ Phạm) với Thượng tướng công an “nổi danh…trong sạch” Phạm Quý Ngọ.
Chúng tôi đưa tiếp bài này để vạch rõ chân tướng sự việc, bởi ngày hôm qua (25 tháng 2), ông Phạm Văn Tân, Phan Tùng Mậu, và Hoàng Quốc Trị đã vội vã tổ chức bàn giao tài sản của Dự án “Cổng thông tin điện tử”, trong vòng 2 giờ, như một cách bịt miệng dư luận và các cơ quan quản lý nhà nước. Một dự án 9 tỷ đồng, như lời comment của một độc giả là giá trị ngang với 9 nghìn tấn thóc, số chứng từ chất đầy một tủ, vậy mà được bàn giao trong một thời gian nhanh kỷ lục. Thế mới hay các “anh tài” Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam giỏi lắm thay!
Kính mong các cơ quan nhà nước hãy nhanh chóng vào cuộc điều tra kẻo họ sẽ phi tang, thậm chí có thể xảy ra chập điện, cháy nổ… thì uổng công chúng tôi khó nhọc vất vả, thậm chí nguy hiểm khi thu thập chứng cứ.
Trực Ngôn

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"