Thứ Năm, 6 tháng 2, 2014

Phản ứng về UPR từ Việt Nam

Kính Hòa, phóng viên RFA


Nhiều người biểu tình trước trụ sở Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Geneve hôm 05/02/2014, yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho các tù nhân lương tâm.
Ngày 05/02/2014 giữa lúc kỳ họp về kiểm định nhân quyền định kỳ phổ quát dành cho Việt Nam đang diễn ra tại Geneva, Đài Á Châu Tự Do ghi nhận ý kiến một số người dân trong nước về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam.

Vẫn cam kết, vẫn đàn áp

Khi được hỏi là sẽ có hy vọng gì về sự cải thiện nhân quyền ở Việt Nam sau kỳ kiểm định của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc lần này hay không, chị Xuân Mai, một giáo viên ở Tiền Giang trả lời:
“Tôi thấy không được lạc quan, mấy hôm nay theo dõi tin tức thấy ông Phạm Chí Dũng bị cắt internet, rồi không được đi tham dự. Tình hình coi bộ không được lạc quan.”

Chị Xuân Mai muốn nhắc tới việc nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng từ TP.HCM được mời đến Geneve để đọc tham luận của ông về xã hội dân sự đã bị nhà cầm quyền Việt Nam không cho xuất cảnh, viện lý do là sẽ bị các thế lực thù địch lợi dụng.
Trước đây vài ngày ông Dũng có nói với đài RFA:
“Trước tết một ngày Ban giám đốc Công an Thành phố có gọi điện và sau đó cử người gồm một nhóm công an, lãnh đạo ngành tới nhà gọi là chúc tết và họ có tỏ ý là không đồng tình với chúng tôi khi đi dự hội thảo đề tránh sự lợi dụng, còn lợi dụng cái gì có lẽ do họ tự hiểu vần đề này.”

Giới trẻ dấn thân

Tham gia phiên họp của Liên hiệp quốc lần này có nhiều người vận động cho nhân quyền từ trong nước tham gia, trong đó có nhiều người trẻ tuổi. Nhìn vào hiện tượng mới này, chị Hoàng Vi từ TP.HCM có cái nhìn lạc quan hơn:
“Tôi thấy kỳ này các bạn trẻ ở phía đối lập với chính quyền Việt Nam làm việc rất tốt. Tôi không cần biết kết quả là Việt Nam có thay đổi nhiều hay không, tôi thấy có sự nổ lực lớn của nhiều người.
Mình nên lạc quan, mình đừng nên nhìn vào những kết quả trước mắt, có thể trước mắt không có kết quả nhưng về lâu vè dài sẽ có sự thay đổi ạ.”
Cũng với cái nhìn lạc quan như vậy, anh Nguyễn Anh Tuấn một trong các bạn trẻ tham gia cuộc vận động quốc tế nhân quyền lần này, đã nói với chúng tôi khi được hỏi rằng tình hình phong trào dân chủ và nhân quyền trong nước có phải hiện nay ít được người quan tâm:
“Tức là ngay từ điểm xuất phát của họ, những người quan tâm đến các quyền tự do dân chủ nhân quyền đều là thiểu số, bao giờ cũng là một thiểu số. Đó là cái lý do mà chúng tôi phải làm việc, đó là cái lý do mà chúng tôi đi Hoa Kỳ và Geneva hôm nay. Bây giờ nó là thiểu số nhưng mà hy vọng ngày mai nó thành đa số.”
Cùng một quan điểm với chị Hoàng Vy, kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh ở Đà Nẵng đánh giá cao việc hoạt động quốc tế của những người đấu tranh cho nhân quyền trong nước:
“Theo quan điểm của tôi thì cái này nó thể hiện ý thức của người dân cao. Việc vận động như vậy nó là một cơ chế để tránh việc bưng bít thông tin. Sự lên tiếng như vậy rất là quan trọng trong việc cải thiện tình hình nhân quyefn ở Việt nam trong thời gian sắp tới.”
Trong kỳ kiểm định nhân quyền định kỳ này của Liên Hiệp quốc, một việc chưa có tiền lệ là sự xuất hiện đến hai phái đoàn Việt Nam, một phái đoàn của chính phủ Việt nam đến Geneve để nói rằng họ làm tốt vấn đề nhân quyền ở nước mình, phái đoàn thứ hai cũng là những người Việt từ trong nước, không có liên quan đến chính quyền Việt Nam đến đất nước thanh bình Thụy sĩ để nói rằng những người dân Việt cần chính phủ của mình làm tốt hơn nữa về nhân quyền, nhất là trong vai trò ủy viên hội đồng nhân quyền Liên Hiệp quốc.
“Chính phủ phải làm tốt hơn nữa” cũng là điều mọi người đang chờ đợi. Những người dân mà Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do chúng tôi có dịp nói chuyện đều xem kỳ kiểm định nhân quyền định kỳ này của Liên Hiệp quốc là tín hiệu tốt lành đầu năm cho một sự phát triển xã hội dân sự tại Việt nam cũng như sự trưởng thành của một thế hệ thanh niên độc lập và lạc quan cho tương lai đất nước.
Tín hiệu đó, khởi đầu vẫn là “chính phủ phải làm tốt hơn nữa”.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"