Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

Cuộc Cách Mạng Nhung tại Séc-Slovakia tháng 11 năm 1989: Một cách nhìn khác (Phần I)

Trần Hoàng biên dịch
Sự kiện tháng 11 năm 1989 ở Séc-Slovakia hoàn toàn không phải là một cuộc cách mạng tự phát của quần chúng nhân dân. Đó là một thay đổi có tính bước ngoặt được chuẩn bị từ trước. Phe cộng sản đã khôn khéo lợi dụng sự non nớt, thiếu kinh nghiệm thực tế, cũng như những sai lầm và yếu điểm của lực lượng dân chủ trong thời kỳ đàm phán, gặt hái được nhiều lợi ích cho họ.
Cuối năm nay, nhân dân hai nước Cộng Hoà Séc và Cộng Hoà Slovakia, hai quốc gia trước kia thuộc Liên bang Cộng Hoà Séc-Slovakia, một quốc gia nhỏ ở Trung Âu có tên gọi chính thức trong những năm 1918-1960 (trừ thời gian chiến tranh thế giới thứ hai 1939-1945) là Cộng hòa Séc - Slovakia (có hoặc không có gạch nối), trong những năm 1960-1989 Cộng hòa XHCN Séc-Slovakia (không có gạch nối), và trong thời kỳ 1989-1992 là Liên Bang Cộng Hòa Séc và Slovakia, sẽ kỷ niệm 25 năm ngày xảy ra sự kiện có ý nghĩa vô cùng trọng đại trong lịch sử của hai dân tộc. Đó là sự kiện được toàn thế giới biết đến dưới tên gọi cuộc Cách Mạng Nhung tháng 11 năm 1989. Sau sự kiện ra đời của nước Cộng Hòa Séc-Slovakia vào năm 1918, đây là bước ngoặt quyết định nhất trong diễn biến chính trị-xã hội cũng như kinh tế ở quốc gia Trung Âu này, chấm dứt một thời kỳ dài dưới chế độ cộng sản toàn trị, chuyển sang thời kỳ dân chủ và kinh tế thị trường theo các định chuẩn phương Tây.

Theo quan điểm được thế giới biết đến nhiều nhất, cũng phổ biến nhất tại Séc-Slovakia, đồng thời được quảng bá nhiều nhất trên các phương tiện thông tin đại chúng và được giảng dạy ở nhà trường – tức là quan điểm chính thống – thì vào tháng 11 năm 1989, quần chúng nhân dân ở Séc-Slovakia đã tự phát, nhất loạt đứng lên đấu tranh chống chính quyền cộng sản, buộc giới lãnh đạo cộng sản nước này phải chấp nhận đàm phán với lực lượng dân chủ đối lập, thành lập một chính phủ lâm thời đa thành phần và sau đó tổ chức đợt tổng tuyển cử tự do đầu tiên vào năm 1990 sau nhiều năm dài dưới chế độ toàn trị. Cuộc cách mạng này là đỉnh cao của phong trào đấu tranh dân chủ ngày càng mạnh mẽ và lan rộng trong những năm 80 của thế kỷ trước ở Séc-Slovakia, với sự ủng hộ ngày càng cao của quần chúng nhân dân vốn phải chịu nhiều hạn chế trong quyền tự do công dân, thiệt thòi trong quyền lợi xã hội-chính trị dưới một chế độ toàn trị hà khắc, phải đương đầu với đời sống ngày càng khó khăn do nền kinh tế XHCN xuống dốc, lại được ủng hộ về mặt tinh thần của công cuộc đổi mới perestroika của ông Goóc-ba-chốp ở Liên Bang Xô-Viết, của các thành quả và tiến bộ của phong trào dân chủ ở các nước láng giềng, trước hết là ở Ba Lan, Hung-ga-ri và Đông Đức. Cuộc cách mạng này được gọi là Cách Mạng Nhung vì có diễn biến hòa bình, êm ả, có thể nói là không xảy ra xung đột vũ lực lớn và không có đổ máu. Đó là quan điểm chính thống.
Tuy nhiên, còn có một quan điểm nhìn nhận, đánh giá khác về sự kiện lịch sử này, được biết tới nhiều nhất dễ hiểu là ở hai nước Séc và Slovakia, và ở một chừng mực nào đó cũng được biết đến ở một số nước phương Tây. Các điểm chính trong đánh giá, nhìn nhận này gồm:
1. Sự kiện tháng 11 năm 1989 ở Séc-Slovakia hoàn toàn không phải là một cuộc cách mạng tự phát của quần chúng nhân dân. Đó là một thay đổi có tính bước ngoặt được chuẩn bị từ trước.
2. Phe cộng sản đã khôn khéo lợi dụng sự non nớt, thiếu kinh nghiệm thực tế, cũng như những sai lầm và yếu điểm của lực lượng dân chủ trong thời kỳ đàm phán, gặt hái được nhiều lợi ích cho họ.
Cùng với dòng thời gian, ngày càng có nhiều tài liệu lịch sử mới được biết tới và được công bố, nhiều tin chứng, hồi tưởng, thổ lộ, thú nhận và cân nhắc lại của những người trong cuộc, của những tên tuổi quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội và kinh tế cho thấy những đánh giá, nhìn nhận không chính thống trên không phải là hoàn toàn vô bổ, vô căn cứ mà ngược lại, chúng ngày càng có tính thuyết phục hơn cho nhiều người. Người ta thấy chúng đáng được để được để tâm tới nhiều hơn, nghiêm túc hơn.
Sau đây, chúng ta sẽ lần lượt xem xét những sự việc, tình tiết trong diễn biến chính trị tại Séc-Slovakia trong và sau cách mạng Nhung, những khẳng định và nhận xét của những người trong cuộc, có hiểu biết và nghiên cứu sự kiện này có thể được xem như những lý lẽ và bằng chứng khẳng định, bênh vực cho các đánh giá, nhìn nhận trên.

1. Sự kiện tháng 11 năm 1989 hoàn toàn không phải là một cuộc cách mạng tự phát của quần chúng chống lại chế độ Cộng Sản. Đó là một thay đổi có tính bước ngoặt được chuẩn bị từ trước

Cuộc Cách Mạng Nhung, hay cuộc đảo chính tháng 11 năm 1989 – tùy theo cách gọi – bùng nổ vào ngày 17.11.1989, được khởi đầu bằng một cuộc biểu tình, thực chất là một cuộc tuần hành bắt đầu vào khoảng bốn giờ chiều tại thủ đô Praha. Có một chi tiết quan trọng mà các nguồn tin nước ngoài ít chú ý tới là cuộc tuần hành này được chính quyền chính thức cho phép (Ban chấp hành TW Đảng Cộng Sản Séc-Slovakia trực tiếp phê duyệt và tiếp sau là Ủy Ban Quốc Gia Quận chấp lệnh), tổ chức dưới sáng kiến của nhóm sinh viên độc lập có tên STUHA, với sự cộng tác và bảo trợ của Đoàn Thanh Niên Xã Hội Chủ Nghĩa (SSM) tổ chức để tưởng niệm sinh viên Jan Opletal, người đã chết sau khi bị đánh trọng thương trong lúc tham gia một cuộc biểu tình chống chủ nghĩa quốc xã vào tháng 10 năm 1939, trong thời gian Cộng Hoà Séc bị Đức chiếm đóng. (Theo Báo cáo tổng kết của Hội Đồng Quốc Hội Liên Bang Séc-Slovakia giám sát việc làm rõ các sự kiện trong ngày 17.11.1989).
Bài viết đăng điện tử của Đài truyền hình Séc CT24 ngày 17.11.2009 cơ bản khẳng định điều trên. Theo bài viết này thì cuộc tuần hành này được tổ chức bởi lực lượng sinh viên độc lập, dưới sự bảo trợ của Đoàn Thanh Niên XHCN, với tinh thần tránh gây khiêu khích. Các đại diện chính của giới chống đối hoàn toàn không tham gia vào hoạt động này, họ dự kiến sẽ tổ chức một hoạt động lớn vào ngày 10.12.1989 nhân dịp Ngày Quyền Con Người. Giới chính quyền Cộng Sản cũng không tính đến việc đối đầu với lực lượng tuần hành; các đơn vị cảnh sát nhận được mệnh lệnh chính thức tránh không can thiệp, tuy nhiên, họ nhận được lệnh cản trở không để lực lượng tuần hành vào trung tâm Praha. Quả nhiên như vậy, sau khi chương trình tuần hành kết thúc vào lúc 18 giờ thì phần đông trong số 15 nghìn người tham gia đã đi theo hướng vào trung tâm thành phố, lực lượng cảnh sát tìm cách ngăn cản họ, đã có những va chạm đầu tiên xảy ra, đoàn người đi theo các phố phụ tới Nhà hát quốc gia và đi tiếp dọc theo Đại lộ quốc gia. Vào khoảng 19 giờ 30 phút, cảnh sát dùng lực lượng khóa hai đầu, dồn khoảng 10 nghìn người tham gia tuần hành vào giữa, khi cảnh sát cho mở lối thoát ra vào khoảng 20 giờ 30 phút thì do những nguyên nhân cho tới tận ngày nay không được làm rõ, đã xảy ra xung đột vũ lực giữa hai bên, tất cả có khoảng 560 người của phía tuần hành bị thương.
Yếu tố quyết định, đóng vai trò ngòi nổ cho cuộc cách mạng sau đó là tin có một sinh viên khoa Toán-Lý trường ĐH Karlova có tên Martin Smid đã bị đánh chết trong cuộc tuần hành vào ngày 17.11.1989. Tin này được nhanh chóng lan truyền ở Praha cũng như trong cả nước (Đài Châu Âu Tự Do cũng ngay lập tức cho phát tin này), gây phẫn nộ trong đông đảo quần chúng nhân dân, thúc đẩy họ đồng loạt tham gia các cuộc biểu tình, đình công, bãi công bày tỏ bất bình, phản đối trước lãnh đạo chính quyền Cộng Sản. Các hoạt động này nhanh chóng phát triển thành một làn sóng dân chủ đòi hỏi phải có thay đổi thể chế chính trị. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó thì người ta mới ngã ngửa người ra khi biết tin này lại là tin giả. Tại khoa Toán-Lý trường ĐH Karlova quả thật có hai sinh viên tên Martin Smid, một người không tham gia cuộc tuần hành ngày 17.11.1989, người thứ hai bỏ về trước khi có can thiệp của cảnh sát (người thứ hai sau có lên truyền hình để cải chính tin, nhưng đã quá muộn). Trong lúc đó, Ludvik Zifcak, một nhân viên an ninh quốc gia StB, đã ra tự thú nhận rằng chính ông ta đã đóng vai người sinh viên bị đánh chết này. Ông Zifcak này một trong những người dẫn đầu đoàn tuần hành (các tin chứng của người tham gia biểu tình, ảnh chụp và đoạn phim quay ca-mê-ra còn giữ được cũng chứng thực điều này), sau đó đóng cảnh bị cảnh sát dùng dùi cui đánh ngã xuống đất bất tỉnh nhân sự trước mặt nhiều người rồi được xe cứu thương quân đội chở đi.
Một bài phỏng vấn ông Zifcak do ông Robert Buchar, một nhà làm phim kiêm đạo diễn Mỹ, thực hiện, đã được tác giả trích đăng trong cuốn sách có tựa đề “And Reality Be Damned ..." (tạm dịch: Còn sự thực thì cứ để cho người ta la ó), một cuốn sách được viết dựa trên bộ phim tài liệu The Collapse of Communism – The Untold Story (Sự tan rã của chế độ Cộng Sản – câu chuyện không được kể) làm vào năm 2009 của chính tác giả, với nột dung chính: cái gọi là phong trào tự do dân chủ tự phát ở Đông Âu trong năm 1989 về thực chất là một đợt đảo chính được điều khiển từ phía Mát-xơ-cơ-va qua bàn tay KGB. Trong bài phỏng vấn này, ông Zifcak khẳng định chính ông ta là người đóng vai "người sinh viên bị đánh chết", đồng thời cho biết công việc chuẩn bị cho vai diễn của ông ta đã được chuẩn bị từ trước đó khá lâu. Theo kế hoạch thì sau khi hoàn thành xong nhiệm vụ này, lẽ ra ông ta phải nhận được mật lệnh tiếp theo để đi ra nước ngoài (lúc làm nhiệm vụ, ông Zifcak mang trong người hộ chiếu giả, chứng minh thư giả, cả vé máy bay và tiền để dùng ở nước ngoài, hiện nay ông vẫn giữ những vật này). Tuy nhiên, theo lời ông Zifcak ông ta lại không nhận được mật lệnh nào nữa, và cũng do có lo sợ cho gia đình nên ông ta đã ở lại trong nước. Ông Zifcak cho biết mục đích hoạt động của ông ta là: “Mục đích là hoàn toàn rõ: khơi gọi một tình thế có tính phát nổ, trên cơ sở đó tạo ra điều kiện để xuất hiện bắt buộc phải có thay đổi trong lãnh đạo cao nhất trong nội bộ Đảng Cộng Sản Séc-Slovakia.” Tất nhiên là ông Zifcak không thể tự ý thực thi một nghiệp vụ quan trọng như vậy. Ai đã ra lệnh cho ông ta, điều này ông Zifcak không tiết lộ mà chỉ khẳng định là lệnh này xuất phát từ cấp trên, đồng thời ông ta cũng có hàm ý cho rằng đó là từ giám đốc an ninh nhà nước Alojz Lorenc. Ngoài ra ông Zifcak có dự đoán là cấp trên của ông ta nhận được lệnh này từ một ai đó trong nhóm lãnh đạo cao nhất trong Đảng CS Séc-Slovakia, liên quan thậm chí còn có thể đi xa hơn nữa: “Chắc chắn không phải là CIA. Hoạt động này được tổ chức ra từ phương Đông, tức là từ Liên bang Xô-viết.”
Theo tin tức của ông Zifcak thì: “Sự việc trong ngày 17.11 đó lẽ ra phải được tiếp nối bằng những hoạt động, bước đi tiếp theo. Đó phải là những bước đi chính trị để dẫn đến sự từ chức của một số quan chức lãnh đạo cấp cao trong đảng. Và lẽ ra phải có những hoạt động an ninh để giải quyết các vấn đề trong đất nước. Một điều gì đó tương tự như ở Ba Lan. Tức là phe đối lập lẽ ra phải bị bắt giữ trong vòng 24 giờ, phố xá được Tự Vệ Nhân Dân, quân đội cai quản. Điều này sẽ có nghĩa là mọi việc sẽ được giải quyết trong vòng 3-4 ngày theo hướng thắng lợi cho Đảng Cộng Sản. Sự việc không diễn ra như vậy cho thấy công tác giải quyết chính trị không đi đúng dự định.”
Thông tin sai lệch về người sinh viên bị giết chết được lan truyền rộng rãi khắp Praha qua cô Drahomira Drazska, cũng được cho là nhân viên an ninh nhà nước StB. Chính cô ta là người đã thông tin cho ông Petr Uhl, một phần tử chống đối nòng cốt, thành viên Hiến Chương 77 (tổ chức đối kháng quan trọng nhất tại Séc-Slovakia trong thời kỳ Cộng Sản), để ông này chuyển tiếp tới đài Châu Âu Tự Do và Reuters, từ đây, tin này được nhanh chóng truyền đi mọi nơi. Tuy nhiên, trong bài đăng trên trang điện tử của Đài Truyền Hình Séc CT24 ngày 18.11.2009, cô Drazska khẳng định cô ta không làm việc cho StB, rằng bản thân cô ta cũng bị thương trong vụ 17.11.1989, cái tin về người sinh viên bị chết là do cô ta tự nghĩ ra khi nằm trong bệnh viện. Ngược lại, Ludvik Zifcak khẳng định cô ta làm việc trong nhóm phụ trách vụ việc “sinh viên bị đánh chết”, với nhiệm vụ “họ phải đảm bảo làm sao để thấy có người nằm dưới đất, để có các nhân chứng đáng tin cậy đứng gần đó. Ít nhất là có bốn người đứng ở đó thật, họ thấy có xe cứu thương quân đội tới …”. Ông này cũng cho biết thông tin rằng vào ngày 13.11.1989, người trong Hiệp hội sinh viên độc lập cùng người của Đội An Ninh Quốc Gia SNB và với một số thành viên của Hiến Chương 77 (trong đó có ông Petr Uhl đã nói tới ở trên) đã có một cuộc gặp gỡ để thống nhất kế hoạch có tên PHÁT NỔ nhằm cài người vào đoàn tuần hành trong ngày 17.11 để thực hiện khiêu khích khiến lực lượng cảnh sát phải ra tay; cái tên Martin Smid cũng được nhắc tới trong mối liên hệ với cái tên Drahomira Drazska trong cuộc gặp này.
Những thú nhận của ông Ludvik Zifcak tóm lại cho thấy sự kiện 17.11.1989 có thể là một sự kiện được An Ninh Nhà Nước StB chuẩn bị từ trước, điều hành trực tiếp. Và trong một quốc gia với chế độ CS thì khả năng có mối quan hệ trực tiếp giữa An Ninh Nhà Nước và lãnh đạo cao cấp của Đảng CS trong một hoạt động quan trọng như vậy của cơ quan này rõ ràng là rất cao.
Cần bổ xung ở đây là các cuộc điều tra chính thức sau đó không khẳng định giả thuyết âm mưu thông đồng của ông Zifcak. Tòa án chỉ khẳng định một điều là ông Zifcak đã hoạt động tình báo cho An Ninh Nhà Nước StB dưới tên tuổi và vai trò Milan Ruzicka, sinh viên trường Đại Học Mỏ tại Ostrava có tiếng tăm trong giới sinh viên vì những hoạt động dân chủ, đã sáng lập ra Hiệp Hội Sinh Viên Độc Lập; trong buổi chiều ngày 17.11.1989 ông Zifcak đã cùng người của hội này lái dòng người tuần hành vào trung tâm thành phố, tiếp đó vào vòng vây chờ sẵn của An Ninh Nhà Nước StB. Tòa vì vậy đã tuyên án ông ta 16 tháng tù, tuy nhiên sau 8 tháng thực hiện án, ông ta được thả ra có điều kiện.
Để nhận xét ngắn gọn về các cuộc biểu tình, tuần hành tại Séc-Slovakia trong thời kỳ trước sự kiện 17.11.1989 thì có thể thấy rằng tuy trong những năm 80 của thế kỷ trước, tại quốc gia này đã xuất hiện các cuộc biểu tình hay tuần hành đòi hỏi dân chủ, có biểu hiện phản đối lãnh đạo nhà nước CS nhưng đó chỉ là những hoạt động lẻ tẻ, hãn hữu. Chỉ từ năm 1988 trở đi thì tần số và qui mô các cuộc biểu tình như thế mới tăng lên đáng kể. Có các bằng chứng cho thấy các cơ quan phụ trách an ninh như An Ninh Nhà Nước StB, Đội An Ninh Quốc Gia SNB hay An Ninh Công Cộng (tức Công An) VB đã tìm cách cài người của mình vào lực lượng dân chúng tham gia biểu tình với mục đích lan truyền thông tin, ý kiến, lý lẽ có lợi cho chế độ đồng thời tìm kiếm bằng chứng để kết tội những phần tử chủ chốt. Điều này chẳng có gì là đáng ngạc nhiên, là hoàn toàn có thể dự đoán được. Tuy nhiên, lại có những bằng chứng cho thấy có khả năng chính người của Đảng Cộng Sản đứng đằng sau một số cuộc biểu tình hay tuần hành. Tài liệu có tên gọi "Nói ra hết và không ỉm dấu bất kỳ điều gì" đăng tải toàn bộ lời khai của các nhân chứng trước Hội Đồng Quốc Hội Liên Bang phụ trách điều tra các sự kiện ngày 17.11.1989 bao gồm một phát hiện trớ trêu: chính ông Jiri Solil, sinh viên luật, đại diện của Đoàn Thanh Niên XHCN trong Hội Đồng này, lại là thành viên của một nhóm đoàn viên và đảng viên cộng sản trẻ đã qua thử thách, được người của Đảng CS chọn lựa ra để chuẩn bị cho nhiệm vụ gây dựng nghi ngờ trước những phát biểu của các đại diện phe đối kháng, đồng thời tạo dựng không khí thuận lợi cho cải cách thực sự, tức là cải cách CS. Cùng với nhóm này, ông Solil được tham gia một đợt huấn luyện bí mật do Đảng CS tổ chức vào mùa hè 1989. Ngay sau đó, ông ta đã được người của tổ chức mời đến tham gia hoạt động đầu: cuộc biểu tình vào ngày 21.9 kỷ niệm ngày quân đội khối Vác-xa-va xâm nhập Séc-Slovakia với mục đích, như theo lời khai của ông Solil: "để chúng tôi thấy rõ rằng các quan điểm của phe đối lập là sai lầm và rằng sẽ không xảy ra bất kỳ một can thiệp vũ lực hung bạo nào". Các thành viên trong nhóm đã tham gia huấn luyện được trao một tờ giấy có ghi ba số điện thoại phòng cho trường hợp bị bắt giữ. Đáng chú ý ở đây là thông tin: “Người ta cho chúng tôi biết đó là một hoạt động của Đảng CS, đồng thời bảo chúng tôi không quá tin vào lực lượng an ninh, nếu có gì chỉ cần đưa cho họ xem tờ giấy là đủ, không tranh luận với họ.” Lời khai của ông Solil ủng hộ cho nhận định rằng có sự phân hóa và âm mưu, tính toán bí mật nào đó trong nội bộ giới lãnh đạo Đảng CS Séc-Slovakia.
Ngay sau sự kiện tháng 11 năm 1989, ông Miroslav Dolejsí, nguyên tù nhân chính trị của chế độ CS, đã công bố bản Phân tích sự kiện 17.11.1989 (đăng trên http://www.szcpv.org/04/an1.html). Đây là một bản phân tích dầy dặn và chi tiết, được cho là có tính thuyết phục cao và thường được trích dẫn tới để bảo vệ cho khẳng định sự kiện này thực chất là một cuộc đảo chính trong nội bộ Đảng CS Séc-Slovakia, được chuẩn bị kỹ càng.
Trích dẫn từ bản Phân tích này về sự kiện tháng 11 năm 1989:
“Cuộc đảo chính này thực chất đã được chuẩn bị khoảng từ tháng 5 năm 1988, các tình huống dẫn đến đảo chính đã được phát triển và phân tích, đánh giá từ các đợt rà soát, chỉnh huấn trong nội bộ Đảng CS nước này trong các năm 1969-1970, cũng như qua việc thành lập Hiến Chương 77. Khẳng định này có thể được chứng minh bởi các thực tế sau:
1. Các cuộc đảo chính ở tất cả các nước CS Châu Âu đã diễn ra một cách có dàn dựng, có phối hợp với nhau về thời điểm, trong quãng thời gian 7 tháng. Từ phương diện tâm lý học và xã hội học, khả năng để các cuộc đảo chính này được thực hiện một cách tự phát, thực hiện bởi lực lượng quần chúng không có tổ chức, chống lại quyền lực vô hạn của chính phủ cộng sản tại các nước này, được đảm bảo về mặt quân sự và anh ninh bởi siêu quyền lực thứ hai trên thế giới – Liên bang Xô-viết – là điều không tưởng.
2. Kết quả của tất cả các cuộc đảo chính trên là quyền lực vẫn nằm trong tay các đảng CS – ít nhiều trá hình (đổi tên, sửa đổi chương trình hoạt động một cách chiến thuật, …)
3. Phong trào đối kháng ở tất cả các nước này được xây dựng bởi các đảng viên CS cũ, vốn giữ các chức vụ có tính trang trí trong hệ thống quyền lực của đảng, sau đó rời khỏi đội ngũ chính thức, bị theo dõi hay cầm tù giả tạo – một phương pháp làm cho các đối tượng này trở nên có tiếng tăm - được đài báo phương Tây giúp sức tuyên truyền.
4. Mục tiêu cốt lõi của các cuộc đảo chính trên là thực thi phương sách phân chia quyền lực mới ở Châu Âu, mở đầu bằng việc thống nhất Châu Âu, trước hết là thống nhất nước Đức. Các cuộc đảo chính ở các nước CS Châu Âu được tổ chức nhằm ủng hộ việc thống nhất nước Đức và được điều khiển ăn khớp về thời gian với quá trình thống nhất này.
5. Có khả năng rất cao là hình thức và diễn biến các cuộc đảo chính ở Châu Âu là nội dung một hiệp ước giữa Reagan và Goóc-ba-chốp vào tháng 5 năm 1988, khi Reagan thăm Mát-xơ-cơ-va. Kể từ thời điểm nêu trên công cuộc chuẩn bị đảo chính ở tất cả các nước CS Châu Âu hiện hình rõ (thành lập các nhóm đối kháng ở Bul-ga-ri, Ru-ma-ni, Hung-ga-ri và công cuộc tuyên truyền từ phương Tây, tăng cường các hoạt động chống đối chính phủ, …)
6. Một bộ phận rõ ràng của các thỏa thuận trên là thống nhất sử dụng các tập đoàn lãnh đạo CS để giữ trật tự và để bảo lưu ảnh hưởng của phong trào CS quốc tế trong hệ thống quyền lực các nước sau đảo chính. Để phục vụ cho mục đích này, CIA và KGB đã cộng tác với nhau, các ủy ban chung của hai cơ quan tình báo này đã điều khiển các cuộc đảo chính cũng như lựa chọn, thông qua nhân lực cho các chính phủ mới.
7. Tuyên bố của các chính phủ mới sau đảo chính về thông hiểu dân tộc không phải là một hành vi nhân đạo mà là một biện pháp nhằm phục hồi vị thế cho giới đảng viên CS, để họ tiếp tục tham gia chia sẻ quyền lực chính trị. Biện pháp này được điều khiển bởi các thỏa thuận giữa Liên bang Xô-viết và Mỹ (KGB – CIA). Để thực hiện cho mục tiêu này, trước đó 12 năm, khái niệm quyền con người đã được đề xướng, ý nghĩa của khái niệm này bắt đầu được áp dụng trong các chính sách chính trị và các thỏa thuận giữa hai cường quốc, trở thành chỗ dựa tin cậy cho các chiến thuật của họ. Hoạt động tham gia của các nhân vật đối kháng trong phong trào quyền con người sau này sẽ tạo điều kiện biện hộ cho thái độ nhân nhượng, cũng như cho cộng tác chia sẻ quyền lực của họ với CS, mức độ cộng tác giữa hai lực lượng trong lĩnh vực quyền lực trong thực tế là lớn hơn rất nhiều so với mức độ nhìn nhận, đánh giá được theo bề ngoài.
8. Cuộc đảo chính chính trị ở Séc-Slovakia cũng như đường lối chính trị của chính phủ Vaclav Havel tuyệt đối không phải là công việc nội bộ của nước này mà là một bộ phận của chiến thuật chính trị của cặp đôi Liên bang Xô-viết – Mỹ ở châu Âu. Bất kể giả thuyết nào khác dùng cho việc phân tích và dẫn giải đường lối chính trị này đều sẽ không thành công.” (Hết trích dẫn)
Theo Bản Phân Tích, diễn biến chính trị tại Séc-Slovakia bắt đầu khẩn trương rõ rệt từ mùa thu năm 1988, khi "ông John Whitehead, tư vấn của tổng thống Mỹ, trong cuộc đi thăm kéo dài 12 ngày tại Đông Âu nhận thấy rằng tình hình chính trị cho phép để công tác chuẩn bị đảo chính có thể bắt đầu. Đối với Séc-Slovakia (Hiến Chương 77), điều này đồng nghĩa với hiệu lệnh ra hoạt động công khai, thành viên của Hiến Chương 77 đã thành lập hàng loạt các nhóm làm việc, được gọi là các sáng kiến độc lập như Hội những người bạn bè của nước Mỹ, Phong Trào Tự Do Dân Chúng, Sáng Kiến Dân Chủ, Phục Sinh (liên đoàn các nhà CS cũ từ năm 1968) vv…v." Trong nội bộ lãnh đạo Đảng CS, cụ thể là trong Ban Chấp Hành TW Đảng xuất hiện một nhóm có tư tưởng tiến bộ hơn, muốn cải cách chính trị theo hướng Perestroika của ông Goóc-ba-chốp, đứng đầu là ông Rudolf Hegenbart, chủ tịch bộ phận phụ trách hành chính nhà nước, bộ phận chỉ đạo những mảng quan trọng nhất của quyền lực nhà nước: quân đội, công an, tòa án và công tố. Có sự hỗ trợ từ Đảng CS Liên Xô và liên kết chặt chẽ với phong trào Hiến Chương 77, nhóm này có kế hoạch hạ bệ nhóm bảo thủ của tổng bí thư Milos Jakes, tiến hành các biện pháp cải cách, tăng cường tính dân chủ hóa trong đường lối lãnh đạo đất nước.
Khi xem xét cụ thể về các diễn biến cụ thể trong ngày 17.11.1989, bản Phân Tích viết:
"Để bổ xung cho những sự việc công luận đã biết về diễn biến của cuộc đàn áp trên Đại lộ quốc gia, có thể chỉ tiếp ra những điểm sau:
a) Khoảng hai giờ trước khi dòng người tuần hành đi tới Đại lộ quốc gia, các chuyến xe điện đã ngừng chạy ở cả hai chiều. Công ty giao thông như vậy phải nhận được lệnh có liên quan khoảng 3 giờ trước đó. Đồng thời, Đại lộ quốc gia được dẹp trống (còn rất ít người).
b) Các nhóm trực ban thuộc Đội An Ninh Quốc Gia SNB được chuẩn bị sẵn sàng hành động ở phố Mikulandska (một phố dẫn vào Đại lộ quốc gia) ba giờ trước khi dòng người tuần hành tới Đại lộ quốc gia.
c) Khoảng 1 giờ trước khi dòng người tuần hành tới, cổng tất cả các tòa nhà nằm dọc Đại lộ quốc gia, từ Pernstyn tới Nhà Hát Quốc Gia được khóa lại.
d) Trung đội can thiệp (thuộc Bộ Phận Huy Động Nhanh), được đặt trong tình trạng sẵn sàng số 3 (thành viên được ở nhà nhưng sẵn sàng nghe điện thoại), nhận được lệnh qua điện thoại lập tức quay trở lại đơn vị vào lúc 10 giờ 30 (8 giờ trước khi được huy động), tức là khoảng 4 giờ trước khi cuộc tuần hành bắt đầu. Sau khi quay lại đơn vị, binh sĩ của trung đội được đặt trong trạng thái sẵn sàng xuất kích. Khi trung đội này được tập trung trong đồng phục ngụy trang và mũ ngụy trang, họ nhận được lệnh đeo mũ nồi đen, vốn là một phần của đồng phục mặc khi ra ngoài. Vào lúc 11h30, trung đội này được chở bằng xe bus tới phố Bartolomejska để tập trung. Từ lúc 13.45, họ được phổ biến mệnh lệnh bới ba sĩ quan an ninh nhà nước StB mặc thường phục về nghiệp vụ can thiệp trước Nhà hát quốc gia – tức là lúc dòng người tuần hành chỉ mới hình thành ở một vị trí cách đó 3 km. Trung đội can thiệp được giải thích qua hình vẽ phóng to việc khóa chặn Đại lộ ở vị trí sát Nhà Hát Quốc Gia, cũng như việc sử dụng ô-tô có khung chắn. Họ nhận được lệnh bắt giữ một số cá nhân trong dòng người tuần hành được các sĩ quan chỉ điểm.
Bộ phận huy động nhanh được huấn luyện cho các nghiệp vụ chớp nhoáng chứ không phải cho việc giữ gìn trật tự an ninh. Trung úy Becvar, người đã ban lệnh huy động, phải biết đơn vị này sẽ có phản ứng gì. Ông ta phải biết việc sử dụng tới bộ phận này là không thích hợp, vì theo luật định và nội qui của Bộ Nội Vụ thì bộ phận này chỉ được huy động tới khi có tình trạng nguy hiểm trực tiếp tới an toàn tính mạng, khi có hoạt động đối kháng có tổ chức và có trang bị vũ khí. Không có bất kỳ nguy hiểm như thế có thể dự đoán là có khả năng xảy ra tại Đại lộ quốc gia. Trung úy Becvar được chính Hegenbart xếp đặt vào chức vụ và có khả năng rất cao là ông ta không tự mình ra một mệnh lệnh trái qui định như thế. Ở đây có thể ẩn chứa các nguyên nhân, tại sao ông ta sau đó lại dùng súng tự kết liễu đời mình.
e) Trong buổi chiều ngày 17.11.1989, toàn bộ giới lãnh đạo Hiến Chương 77 cùng với gia đình của họ đã rời khỏi Praha. Chỉ có hai ông Uhl, Benda và bà Nemcova ở lại thành phố. Rõ ràng là có nguy cơ họ sẽ bị bắt giữ trong trường hợp ông Hegenbart không thành công trong việc làm tê liệt mọi phản ứng và quyết định của số đông lãnh đạo Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản và Bộ Nội Vụ Liên Bang không có chân trong phi vụ. Tất cả các thành viên của Hiến Chương tuy thế đều về đến Praha trước trưa ngày thứ bảy 18.11.1989. Trong ngày này và ngày chủ nhật, Hegenbart thành công hoàn toàn trong việc đẩy lùi nguy cơ có can thiệp nguy hiểm từ phía lực lượng Dân vệ mà ông Jakes đã huy động.
Mục tiêu của chiến dịch không chỉ là dẹp bỏ tổng bí thư Jakes mà còn bao gồm rút phe CS lui vào các vị trí đã chuẩn bị sẵn sàng, việc rút lui và ngụy trang đã được thỏa thuận với nhóm Hồi sinh (nhóm nòng cốt trong Hiến Chương 77 – chú thích của người biên dịch) từ tháng 1.1989. Từ thời điểm đó cho tới lúc ông Vaclav Havel bị bắt giữ, giới diễn viên, ca sĩ … đã được Hegenbart huy động lấy chữ ký yêu cầu thả. Mọi cá nhân tích cực khởi xướng đều là người của Cộng Sản.
Dựa theo biên bản ghi chép các sinh viên đã tham gia chuẩn bị tuần hành và sau đó đứng ra tổ chức lực lượng thì có thể thấy họ toàn là con cái của những gia đình có tiếng tăm. 86 % những sinh viên này có bố mẹ là hoặc là quan chức cao cấp của Đảng Cộng Sản, Bộ Nội Vụ, các cơ quan ngoại giao, hoặc giữ các chức vụ tổng giám đốc công ty, giáo sư đại học … Tồn tại nhiều bằng chứng cho thấy các sinh viên này được bố mẹ chỉ thị, hướng dẫn. Cũng tồn tại các bằng chứng cho thấy từ tháng 5.1989, các khẩu hiệu như “Chúng tôi không như họ”, “Chúng tôi không muốn có bạo lực”, v.v…v... đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, các khẩu hiệu này được dùng tới là để giúp phe Cộng Sản tránh được nguy cơ trở thành mục tiêu của vũ lực từ phía quần chúng (một trong các điều kiện của thỏa thuận về trao nhận quyền lực), còn việc đảm bảo chấp hành theo khẩu hiệu thì được đưa ra thông qua lực lượng lãnh đạo giới sinh viên.” (Hết trích dẫn)
Bản Phân tích cũng cho biết: "Khi những nghi ngờ này của dân chúng được biết đến, đài BBC đã cho quay một phóng sự về sự kiện 17.11.1989, với diễn biến được chỉnh lý và dẫn hướng tới kết luận cuối cùng rằng đó là một cuộc đảo chính không thành công trong nội bộ Đảng CS, nhắm vào việc hạ bệ nguyên tổng bí thư Jakes, nhưng vào thời điểm cuối đã tuột khỏi tầm kiểm soát", đồng thời cảnh giác công luận trước kết luận không chính xác, có tính chữa cháy của phóng sự này của BBC.
Như vậy, theo ông Miroslav Dolejsi, người trước hết có liên quan trực tiếp tới hoạt động của An ninh nhà nước StB trong thời gian trước và trong cuộc đảo chính khởi đầu vào ngày 17.11.1989 là Rudolf Hegenbart, thành viên Ban chấp hành, chủ tịch bộ phận phụ trách hành chính nhà nước thuộc Ban chấp hành TW Đảng CS Séc-Slovakia. Bản thân ông Hegenbart tuy nhiên sau này bác bỏ là có tham gia vào công việc đảo chính.
Theo chứng thực của ông Jiri Wolf, một thành viên tiếng tăm của Hiến chương 77, tù nhân chính trị của chế độ CS đăng trên freeglobe.parlamentnilisty.cz ngày 24.1.2012 thì sáng ngày 17.11.1989, ông ta bị bắt và giữ tại một trụ sở của Đội An Ninh Quốc Gia SNB ở Praha, với lý do là để ông này: “không gây quấy phá cuộc tuần hành ôn hòa do Đoàn thanh niên tổ chức được An Ninh Quốc Gia StB bảo trợ!”. Trong thời gian bị giữ lại ở đây, hai nhân viên cảnh sát canh giữ đã tiết lộ cho ông ta biết điều gì sẽ xảy ra trên Đại lộ quốc gia. Sau khi được thả ra, ông Wolf chạy đến Đại lộ quốc gia, được tin về hoạt động khiêu khích của An Ninh Quốc Gia StB và “lập tức hiểu ngay là mọi việc xung quanh ngày 17.11 đã được lên kế hoạch từ trước.” Theo ông Wolf, không riêng cuộc tuần hành ngày 17.11.1989 mà “cũng tương tự như tất cả các hoạt động khác trong mùa thu đó tại Kampa hay cổng John Lennon ở Praha. Đều do Đoàn Thanh Niên XHCN tổ chức.” Ông còn cho biết:
“Việc tôi bị cầm giữ tại Pankrac, sau Cổng Vysehradska sau này được chính ông Alexander Dubcek chứng thực. Ông Dubcek bị bắt tại ga metro Gottvaldov, ngày nay là ga Vysehrad, cùng ngày. Khi ông ta xuống tàu metro, an ninh nhà nước StB đã chờ sẵn ở đó. Việc bắt giữ ông Dubcek xảy ra do có khai báo của một thành viên Hiến Chương 77 với mật hiệu "thủ thư". An Ninh Nhà Nước StB không muốn để ông Dubcek sẽ trở thành người anh hùng của cách mạng, không muốn cho ông ta là người anh dũng, không hề run sợ đứng lên phát biểu trước sinh viên, kêu gọi giới trẻ lật đổ chế độ toàn trị. StB đã có những anh hùng khác, được chuẩn bị trước.”
Theo một tin chứng khác thì ngoài ông Rudolf Hegenbart, chủ tịch bộ phận phụ trách hành chính nhà nước thuộc Ban chấp hành TW Đảng CS Séc-Slovakia đã nói tới ở trên thì một trong những người có biết về kế hoạch chuẩn bị đảo chính là ông Jozef Lenart, nguyên thành viên hội đồng tịch Ban chấp hành TW Đảng CS Séc-Slovakia. Trong chuyến đi thăm tỉnh Liptovky Mikulas (Slovakia) các ngày 3. và 4.9.1989, ông Lehart đã tiết lộ trước một nhóm cán bộ cao cấp rằng tình hình là tồi tệ, rằng họ - tức là giới lãnh đạo cũ – chắc không trụ giữ được tới cuối năm. Nhưng mọi việc đã được thu xếp bằng cách giao tất cả cho An Ninh Quốc Gia, để tránh không ai bị việc gì. Ông Lenart nói vậy với vẻ tự hào và chắc chắn. (Theo báo Phương Hướng – Smer – ngày 8. 12. 1990).
Nhưng ở đây còn có nhiều chứng thực khác về việc tham gia đảo chính của một trung tâm quyền lực quan trọng hơn cả Đảng CS Séc-Slovakia, đó là Đảng CS Liên Xô. Theo lời khai của ông Miroslav Stepan, một thành viên của hội đồng chủ tịch Ban chấp hành TW Đảng CS Séc-Slovakia thì trong một buổi tiếp khách tại Đại sứ quán Séc-Slovakia tại Mát-xơ-cơ-va ngày 28.10.1989, ông Gerasimov, cố vấn của Goóc-ba-chốp, lúc đó đã ngà ngà say, đã nói rằng vào giữa tháng 11.1989 đường phố Praha sẽ đặc người vì các vấn đề trong nội bộ Đảng CS Séc-Slovakia (theo báo Nhân dân – Lidové noviny – ngày 6.11.2004).
Đáng chú ý là tiết lộ với nội dung như vậy của ông Gerasimov cũng được ông Valtr Komarek, đảng viên Đảng CS Séc-Slovakia, giám đốc Viện dự đoán thuộc Viện hàn lâm khoa học Tréc-Slovakia, một trong những lãnh đạo trụ cột của Diễn Đàn Công Dân (tổ chức tập trung lực lượng dân chủ ở Séc ra đời sau ngày 17.11.1989, tổ chức tương tự ở Slovakia có tên là Công Chúng Chống Bạo Lực), phó thủ tướng thứ nhất trong chính phủ thông hiểu dân tộc sau ngày 10.12.1989, nói đến. Trong bài phỏng vấn đăng trên báo Mặt Trận Trẻ Hôm Nay – Mlada fronta dnes – ngày 6. 11. 2004, ông Valtr Komarek cho biết:
“Vào cuối tháng mười (1989) tôi được Ban chấp hành TW Đảng Cộng Sản Liên Xô tiếp tại Mát-xơ-cơ-va, tại đó chúng tôi đã thảo luận về việc chuyển đổi giao nhận quyền lực ở Liên Bang Séc-Slovakia. Người ta đã lưu ý tôi rằng có khả năng sẽ có tuyên bố thiết quân luật hay can thiệp bằng lực lượng quân đội, nhưng họ sẽ nỗ lực mọi cách để mọi việc diễn ra một cách êm ả. Chúng tôi biết là nếu có chuyện gì xảy ra thì sẽ được lùi lại vào đầu tháng 12.1989. Tuy nhiên, ngày có lễ kỷ niệm 17.11 (tức là Ngày Sinh Viên Quốc Tế - chú thích của người dịch) là một thời điểm thần kỳ, rõ ràng là có khả năng khơi mào cao cho các cuộc biểu tình đông đảo hơn thường lệ. Tuy chúng tôi, với tư cách là các chuyên viên dự đoán, không biết trước được chính xác từng giờ, nhưng biết rằng thỏa thuận giữa Bush với Goóc-ba-chốp đã được thông qua và vấn đề phải được giải quyết nốt tại Séc-Slovakia.”
Tiện nhắc tới đây, ông Komarek cũng là người có nhận định rằng sự kiện tháng 11 năm 1989 là kết quả trước hết của các tác động từ bên ngoài (Liên Xô, Mỹ và Tây Âu), các nỗ lực trong nước chỉ có một phần đóng góp phụ. Theo ông thì ngay cả trong năm 1989, ở Liên Bang Séc-Slovakia vẫn chưa có dấu hiệu gì cho thấy sẽ có triển biến rõ rệt, số người biết đến những diễn biến then chốt ở Liên Xô và một số quốc gia Cộng Sản ở Đông Âu là ít ỏi, đó vẫn là "một xã hội xem như là trật tự, ngoài số tám trăm cá nhân thuộc phía chống đối, trong số đó một nửa là điệp viên của An Ninh Nhà Nước StB” như theo lời của ông ta trong một bài phỏng vấn đăng trên blesk.cz ngày 25.12.2012. Đồng thời ông Komarek cũng là một trong những nhân vật “huyền thoại của cuộc cách mạng" có thất vọng lớn với diễn biến chính trị-xã hội và kinh tế tại Séc-Slovakia sau sự kiện tháng 11 năm 1989, theo như ông đánh giá, đó là những diễn biến “xấu nghiêm trọng”.
Thú vị hơn nữa là trong số tài liệu mật của An Ninh Nhà Nước được chính ông Ludvik Zifcak, hay “người sinh viên bị đánh chết” đã nói tới ở trên công bố có bản Báo Cáo Mật của Cục Quản Lý I thuộc Đội An Ninh Quốc Gia SNB ngày 15.11.1989 cho ông Milos Jakes, trong đó có đoạn “thông tín viên tạp chí Stern (một tạp chí của Tây Đức – chú thích của người biên dịch) tại Mát-xơ-cơ-va nhận được từ ông Gerasimov, người phát ngôn bộ ngoại giao Liên Xô, thông tin rằng trong tuần này ‘sẽ xảy ra một điều gì đó khiến người dân Praha xuống đường’”. Bản báo cáo này cũng nói tới nhận định của các nhà báo Tây Đức cho rằng: "trong cuộc gặp gỡ với tổng bí thư ban chấp hành TW Đảng Cộng Sản Liên Xô vào tháng 12 tới, tổng thống Bush có dự định sẽ thảo luận cả về tình hình tại Đông Đức và Liên bang Séc-Slovakia. Họ cũng nhận xét rằng không thể loại trừ khả năng là ông Bush muốn cùng ông Goóc-ba-chốp giải quyết xong vấn đề Séc-Slovakia trước khi sang thăm chính thức nước Ý. Thông tín viên tạp chí Stern sau đó nói về bài viết được chuẩn bị đăng trên báo Bild am Sonntag (được đăng vào ngày 5.11), trong đó sẽ có tin rằng theo các nguồn tin từ Mát-xơ-cơ-va thì vào tháng 11 năm nay tổng bí thư Ban chấp hành TW Đảng CS Séc-Slovakia sẽ từ chức và ông Stepan, hiện là bí thư trưởng Ủy ban Đảng Cộng Sản thành phố Praha, sẽ lên thay.”
Ông Petr Pithart, thành viên nòng cốt của phong trào Hiến Chương 77, một trong những lãnh đạo nòng cốt của Diễn Đàn Công Dân, cộng tác gần gũi của tổng thống Vaclav Havel trong những năm then chốt 1989-1990 cũng đã có nhận định: "đó thực không phải là một cuộc cách mạng mà là một cuộc chuyển giao quyền lực theo thỏa thuận", và bổ xung thêm: “Tôi thì tôi nghĩ rằng đó không phải là một cuộc cách mạng. Tôi kiên chắc với điều này và cho rằng đây là một điều quan trọng, không phải là xoi mói, bới lông tìm vết. Tôi thì không quan tâm tới các định nghĩa. Tôi có quan điểm chắc chắn rằng cách mạng là một công cuộc hàm chứa nhiều nguy hiểm, với kết quả không chắc chắn, có tính tới khả năng là sẽ có hy sinh. Sự kiện tháng 11 năm 1989 cơ bản không bao gồm bất kỳ một trường hợp nào trong số đó.” Ông Pithart cũng có nhận xét là mặc dù có những diễn biến lớn ở các nước lân cận Ba Lan, Hung-ga-ri và Đông Đức, tình hình xã hội và tâm trạng của công chúng trong Liên Bang Séc-Slovakia trong thời kỳ đó chưa có dấu hiệu gì cho một cuộc cách mạng. Theo lời của ông ta thì chỉ có những người ở nước ngoài mới biết tới các diễn biến dân chủ ở Trung và Đông Âu, ở Séc-Slovakia thì số lượng người có thông tin đầy đủ là ít ỏi, ngay cả giới đối kháng vẫn nghĩ là "ở ta thì phải vài năm nữa, trời mới biết là khi nào" và chưa có chuẩn bị gì nhiều. Thực sự thì tất cả các phía: dân chúng, lực lượng hoạt động dân ... chủ đều ngạc nhiên, sửng sốt trước các diễn biến đột ngột sau đó. (Bài phỏng vấn đăng trên dennik.cz ngày 19.10.2009).
Một tài liệu cũng hay được tham khảo tới là bài viết có tiêu đề “Những người anh hùng và những tên Giuđa năm 1989 hay mọi thứ đều là không phải như vậy. Sự thật về sự kiện 17.11.1989”. của ông Jiri Abraham đăng trên trang điện tử listopad.wordpress.cz (một trang chuyên đăng các bài viết quanh sự kiện tháng 11 năm 1989) ngày 29.5.2010. Theo nhận định của bài viết này thì sự kiện 17.11.1989 là một chiến dịch có mưu toan thông đồng, được vạch định kỹ càng và chi tiết từ trước, được thực hiện với vai diễn chính do An Ninh Nhà Nước StB, dưới sự chỉ đạo của tướng an ninh Alojz Lorenc, thời đó là thứ trưởng thứ nhất Bộ Nội Vụ, đảm nhiệm. Mục tiêu cuối cùng là đưa các quan chức cộng sản kiểu Goóc-ba-chốp lên nắm quyền. Ông Abraham còn đi xa hơn nữa với nhận đình rằng trong hướng giải quyết tình thế này không phải chỉ có một mình Liên Bang Séc-Slovakia. Đó chỉ là một trong những tảng đá nặng treo trên cổ Mát-xơ-cơ-va. Trong thời Reagan, “Vương quốc của cái ác” trượt dốc và “con gấu Nga” đã mệt mỏi, đứng trước nguy cơ tan vỡ. Chiến thuật không khoan nhượng của phương Tây, đứng đầu bởi Mỹ, buộc Goóc-ba-chốp công nhận không thể giữ được quyền cai trị với các nước chư hầu. Bên cạnh đó, bản thân Đảng Cộng Sản Séc-Slovakia cũng đã bị phân hóa từ lâu. Các phe cánh tìm cách chơi nhau. Trong giới lãnh đạo, phe bảo thủ của đương kim tổng bí thư Milos Jakes không còn được tính đến không chỉ vì những bộ óc đần độn, mà còn vì họ đã trở thành cản trở cho các thay đổi, ít nhất là cho các thay đổi có vẻ dáng cải cách, có vẻ hướng tới dân chủ để phù hợp với tình hình mới. Nhưng phe này đâu có dễ dàng chịu rời bỏ cái chỗ ngồi ấm áp của mình, vì thế, cuộc chiến kéo dài bên trong nội bộ đảng. Thậm chí từ Mát-xơ-cơ-va, người ta phải cho gửi tới những lời huấn thị.
Để phục vụ cho mục đích thay đổi lãnh đạo trên, An Ninh Nhà Nước StB phải tìm cách đánh thức dân chúng khỏi trạng thái thờ ơ, lãnh cảm và thụ động, huy động họ xuống đường để gây sức ép chính trị cần thiết. Các cuộc biểu tình, trong đó có cả cuộc biểu tình ngày 17.11.1989, vì thế đã được StB, với sự cộng tác của các tổ chức thanh niên, sinh viên, góp sức tổ chức nhằm vào mục đích này. Sau can thiệp vũ lực tàn bạo của lực lượng an ninh nhà nước trước Nhà Hát Quốc Gia trên Đại Lộ Quốc Gia ngày 17.11.1989, dân chúng quả thực đã thức tỉnh khỏi giấc ngủ lờ đờ. Nhưng họ lại thức tỉnh và phản ứng quá mức, họ muốn làm cách mạng, muốn có thay đổi chế độ và đó là điều mới lạ, nguy hiểm cho giới cộng sản kiểu mới. Vì thế người của tướng Lorenc phải thay đổi chiến thuật, chuyển sang tìm cách giải quyết chính trị. Người của tướng Lorenc về cơ bản dự đoán được điều gì sẽ xảy ra, và họ đã chuẩn bị sẵn một số phương án. Phương án được chọn lựa là đối thoại với lực lượng đối lập đang nhanh chóng thành hình quanh Diễn đàn công dân đề xướng.
Theo ông Abraham thì việc đàn áp, bắt bớ và đập tan Diễn Đàn Công Dân là điều rất dễ dàng, nhưng có điều đối lập cũng lại là nằm trong kế hoạch dự tính. Người ta cần đến lực lượng này, đã quá hiểu rõ về lực lượng này. Một số phần tử trong lực lượng này là những “người quen”, đó là những người của họ. Do vậy, phương án đối thoại được xem như là tối ưu nhất. Cũng theo ông Abraham, do nhờ vào tên tuổi, tiếng tăm ở phương Tây, Vaclav Havel được tính tới cho chức vụ lãnh đạo cao nhất. Ông ta là lựa chọn số một đối với phương Tây, nhưng cũng phù hợp cho “người của tướng Lorenc”.
Nói tới nhận định sự kiện tháng 11 năm 1989 thực chất là một âm mưu, kế hoạch được An Ninh Nhà Nước StB chuẩn bị từ trước không thể không nhắc tới cuốn sách có tựa đề tiếng Séc là Polojasno (tạm dịch là Nửa quang nửa mù) của ông Vaclav Batuska, sau đã được dựng thành một bộ phim cùng tiêu đề. Trong thời kỳ lịch sử năm 1989, ông Bartuska là sinh viên ngành báo chí trường Đại học Karlova, đại diện giới sinh viên tham gia Hội Đồng Quốc Hội Liên Bang phụ trách giám sát công tác điều tra sự việc ngày 17.11.1989. Trong thời gian hoạt động trong hội đồng này, ông Bartuska đã có nhiều nghi ngờ khi phát hiện ra những mối quan hệ gần gũi giữa An Ninh Nhà Nước StB và các nhân vật lãnh đạo cao cấp trong Đảng Cộng Sản, cũng như giữa giới lãnh đạo mới (sau cách mạng) với giới lãnh đạo Cộng Sản trước đó, những nghi ngờ này của ông đã được khẳng định sau khi ông được một “người đàn ông phía kia” giải thích tường tận về mưu đồ, kế hoạch của StB. Theo quan điểm của ông Bartuska trong cuốn sách này thì cuộc cách mạng tháng 11 năm 1989 là một công việc được chuẩn bị từ trước bởi tướng Alojz Lorenc, thứ trưởng thứ nhất Bộ Nội Vụ Liên Bang, cùng với ông Hegenbart và một số quan chức khác trong Đảng Cộng Sản, nhóm này cũng đã có thỏa thuận cộng tác từ trước với một số nhân vật trong phe đối lập. Ghi chép cuối cùng của ông trong thời gian làm việc tại Hội Đồng nói trên là: “Tôi đã thấy rõ đại diện của cơ cấu quyền lực mới dùng thẩm quyền của mình che giấu cho các hành động của các cá nhân thuộc cơ cấu quyền lực cũ. Sự thống nhất về quan điểm giữa hai tổ chức quyền lực - một bên vừa chiến thắng, một bên đã thua - khiến tôi phải đặt câu hỏi có bao nhiêu đại diện của cơ cấu quyền lực mới thực sự quan tâm tới việc tìm ra sự thật ngày 17.11.1989. Và cũng có thể lương tâm của họ không được trong sạch hoàn toàn. Bộ mặt thì được thay mới, nhưng nột dung bên trong vẫn giữ nguyên.” Tuy thế, cần phải bổ xung ở đây là ông Vaclav Bartuska sau này đã tuyên bố từ bỏ giả thuyết về âm mưu thông đồng của An Ninh Nhà Nước StB của mình được nói tới trong cuốn sách này. Hiện nay, ông Bartuska là đại sứ năng lượng của Bộ Ngoại Giao nước Cộng Hoà Séc.
Cũng cần phải nói đôi điều về Hội Đồng Quốc Hội Liên Bang giám sát công việc điều tra các sự kiện ngày 17.11.1989. Có hai hội đồng như vậy: Hội đồng thứ nhất được thành lập ngay sau tháng 11 năm 1989, ngoài đại diện của giới sinh viên còn có các đại diện của Đảng CS và tới ba điệp viên của An Ninh Nhà Nước StB (Diễn Đàn Công Dân không có đại diện nào), vì vậy công tác điều tra của hội đồng này được coi là không đáng tin cậy. Hội đồng này kết thúc hoạt động vào tháng 5 năm 1990, sau khi nộp báo cáo tổng kết lên Quốc Hội Liên Bang. Báo cáo này được tuyên bố là tài liệu bí mật, không được công bố công khai. Hội đồng thứ hai được thành lập vào tháng 10 năm 1990, với thẩm quyền lấy lời khai của các cá nhân và được sử dụng tài liệu lưu trữ của An Ninh Nhà Nước StB. Kết quả điều tra của Hội đồng này cũng được coi là tài liệu bí mật, chỉ mới được công bố từng phần trong những năm gần đây.
Trước ngày kỷ niệm 23 năm sự kiện tháng 11 năm 1989, một cuốn sách với tựa đề "Cái chết Nhung" đã ra mắt công chúng và ngay lập tức đã gây được nhiều chú ý. Tác giả của cuốn sách không phải là ai khác ngoài ông Petr Hajek, một nhà báo tên tuổi, đồng sáng lập, nguyên giám đốc biên tập tuần báo tiếng tăm Reflex, nguyên phó chủ tịch Văn phòng tổng thống CH Séc. Trong cuốn sách này, ngoài các quan điểm vượt quá khuôn khổ của bài viết này, ông Hajek đưa ra nhận định rằng sự tan rã của Chủ Nghĩa Cộng Sản ở châu Âu, cũng như cái gọi là cuộc Cách Mạng Nhung tại Liên Bang Séc-Slovakia không phải là thành quả của làn sóng nổi dậy tự phát trong các tầng lớp nhân dân, xuất phát từ bất bình với chế độ Cộng Sản, mà là kết quả của hoạt động của các cơ quan tình báo, cũng như các tổ chức, thế lực trong hai phe khối Đông và Tây, cộng sản và tư bản, mà công chúng ít hoặc hoàn toàn không biết tới, các hoạt động với định hướng tới một "hội tụ" giữa hai trung tâm quyền lực. Ông Hajek gọi đó là "cuộc hội tụ Nhung" của hai hệ thống, một bước đi trên con đường dẫn tới điểm đích: trật tự thế giới mới. Đồng thời, ông này cũng có nhận xét là các đảng Cộng Sản tại các nước thuộc phe Xô-viết cũ đã chớp nhoáng lấy tên gọi mới, thay hình đổi dạng, cải biến chương trình hoạt động, đưa các mục tiêu xã hội, dân chủ lên hàng đầu để tiếp tục tham gia vào đời sống chính trị, kinh tế và xã hội, giữ chỗ đứng và thế lực nhất định trong công tác lãnh đạo quốc gia tại các nước này.
Qua những điều nêu trên, ta có thể thấy có các quan điểm tương đối khác nhau trong nhìn nhận chung sự kiện tháng 11 năm 1989 tại Liên bang Séc-Slovakia không phải là một cuộc cách mạng tự phát của quần chúng chống lại chế độ Cộng Sản. Trong số đó có quan điểm cho rằng đó là một cuộc đảo chính trong nội bộ Đảng Cộng Sản được chuẩn bị từ trước (thành công hoặc không thành công); có quan điểm cho rằng về bản chất đó là một sự chuyển giao quyền lực cũng được chuẩn bị kỹ càng từ trước, với sự đồng thuận tham gia của các lực lượng chính trị trong nước, có tính toán, theo đuổi những mục đích nhất định (sẽ nói tới tiếp ở phần sau); cũng như có quan điểm cho rằng đó là một chuyển giao quyền lực như là kết quả hoạt động của các thế lực lớn hơn, có quy mô, tác động toàn cầu.
Trần Hoàng
(Còn tiếp)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"