Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

Vừa kể chuyện vừa bốc phét về Ukraina (1)

Cavenui
Dân Luận: Tuy tác giả nói tỷ lệ bốc phét chiếm 20% nội dung bài, nhưng chúng tôi vẫn quyết định cho đăng bởi vì tỷ lệ này vẫn còn thấp hơn báo Nhân Dân khá nhiều.
Bài này được sửa vài chữ từ bài viết cho trẻ con - đứa cháu con nhà ông anh đang học trung học - nên 80% là em kể thật, 20% là em bốc phét. Bác nào bê y nguyên đi đâu bị trẻ con lêu lêu em không chịu trách nhiệm.

Ukraina
Ukraina (tiếng Anh: Ukraine) là nước có diện tích lớn nhất châu Âu (đâu như hơn 600 ngàn km2): nước Nga nửa Á nửa Âu không tính, còn nước Pháp nếu tính cả lãnh thổ hải ngoại thì hơn, nhưng nếu chỉ tính phần lục lăng châu Âu diện tích Pháp chưa đến 550 nghìn km2. Đất đai Ukraina phì nhiêu, trồng lúa mì cực tốt.

Theo quan niệm truyền thống của người Nga, người Ukraina là những người anh em trong đại gia đình các dân tộc Slave, mấy anh bạn Nga của bọn em xưa kể mãi thời trung cổ từng có nước Nga Kiev. Người Nga gọi Belarus là “Bạch Nga” (tên nước cũng thể hiện), còn gọi Ukraina là “tiểu Nga” (tên nước lại nghĩa là miền biên viễn). Đại khái, tiểu hổ (mèo) không phải là hổ thì cũng cùng 1 họ, tiểu Nga với Nga cũng rứa. Không rõ sao lại “tiểu” nhưng con gái Ukraina nhỏ nhắn hơn con gái Nga và chậm phát sồ hơn con gái Nga, đẹp lâu hơn con gái Nga. Người giỏi tiếng Nga nghe tiếng Ukraina hiểu được độ 90%, người dốt tiếng Nga như em hiểu độ 73,7%, từ giống nhau khá nhiều tuy tiếng Ukraina có lẫn 1 vài ký tự Latinh là lạ (ví dụ chữ i).
Quan niệm Nga-Belarus-Ukraina là 1 đại gia đình, 1 đại dân tộc là quan niệm phổ biến ở rất nhiều người Nga, không phụ thuộc vào quan điểm chính trị, vào thái độ đối với ông Lenin-vị lãnh tụ trán hói bị quật tượng ở Ukraina hôm nọ. Chẳng hạn văn hào Solzhenitsyn-nhà bất đồng chính kiến lừng danh từ thời Liên Xô chưa tan rã từng hô hào hãy để cho Baltik và Trung Á độc lập, nước Nga giữ bên mình Belarus, Ukraina và 1 phần đất Kazakhstan là đủ (ta thấy liên minh thuế quan mà Putin muốn xây dựng cũng nhắm đến những xứ này trước tiên).
* * *
Tuy nhiên mảnh đất mà người Nga nghiễm nhiên coi là sân sau của mình chưa bao giờ yên ổn đối với Nga. Từ những thế kỷ xa xưa, Nga và nhiều nước láng giềng oánh nhau tưng bừng tranh giành ảnh hưởng ở vùng “biên viễn”. Trên lãnh thổ nay là Ukraina, có vùng đất thời đó thuộc về nước này, vùng khác thuộc về nước khác. Lịch sử khá lằng nhằng em không nhớ được, ghi chép hết vào internet, các bác muốn biết chi li xin mời gúc. Chỉ biết khi Nga ca khúc khải hoàn vào cuối thế kỷ XVIII, Sa Hoàng đã nuốt lời hứa về 1 xứ Ukraina tự trị, tiếp đó là chính sách русификация hòng đồng hóa người Ukraina, cấm dùng tiếng Ukraina trên sách vở đơn từ và ở nơi công cộng. Đại khái chó nhà hàng xóm ị vào nhà anh, anh với nó chửi nhau bằng tiếng Ukraina vô tư nhưng nếu viết đơn ra phường thì phải viết tiếng Nga đúng chính tả ngữ pháp. Dễ hiểu khi tinh thần dân tộc của người U bừng tỉnh trong thế kỷ XIX, thằng em Ukraina nhiều lúc rất muốn bạt tai đá đít thằng anh.
Mối quan hệ lâu năm vừa gắn bó vừa thù hận giữa 2 dân tộc dẫn đến sự chia rẽ trong tinh thần dân chúng Ukraina cũng từ rất lâu. Đến khi Thế chiến I nổ ra, 3,5 triệu người Ukraina phục vụ Sa Hoàng thì 250 ngàn người chiến đấu trong hàng ngũ Áo-Hung, có hẳn những đội quân Ukraina được các bạn Trung Âu dùng làm đội quân tiên phong để nện các chú Ivan, chúng mày biết tiếng nhau chửi nhau cho sướng. Đến khi cách mạng tháng 10 nổ ra thì có ngay nước CH XHCN Xô viết Ukraina thân bolsevik, đồng thời có cả CH Nhân dân Tây Ukraina không thân. Hồng quân rút súng ra chơi, chiếm được phần lớn đất Ukraina cũ, sau khi 1 phần lãnh thổ về tay các nước láng giềng. Đại loại lãnh thổ/đường biên giới Ukraina cũng lằng nhằng, biến thiên theo lịch sử, xê dịch theo các trận chiến và các thỏa ước hậu chiến, muốn biết chi tiết mời các bác gúc. Năm 2008, tại 1 cuộc họp thượng đỉnh Nga-NATO, Putin bảo Bush đằng ấy không biết đường biên giới Ukraina là không tự nhiên à làm tổng thống Mỹ ngẩn tò te thừa nhận là mình chỉ giỏi điều hành kinh tế thôi chứ cực kỳ dốt sử.
Tóm tắt, tóm cực kỳ tắt lịch sử Ukraina trong vài dòng cũng đã thấy, nước này (rộng quá mà) có truyền thống bị chia rẽ. Ngày nay, không chỉ miền đông đa số cư dân nói tiếng Nga (khai khoáng và luyện kim sống được nhờ đơn đặt hàng của Nga phải luyện tiếng Nga cho dẻo); miền tây đa số ghét tiếng Nga mà cả tôn giáo cũng khác. Dung dưỡng tinh thần miền đông là nhà thờ Orthodox Christianity (tuy có chia rẽ giữa giáo chủ Moskva và Kiev), còn ở miền tây là nhà thờ Catholic.
*
Trong mối quan hệ vừa thân vừa hận giữa 2 dân tộc, vụ holodomor những năm 1930 gần đây được nhắc nhiều. Holodomor là nạn đói nhân tạo làm hàng triệu người chết dù thời tiết mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Nạn đói này do chính sách công nghiệp hóa cưỡng bức của Stalin gây ra, trưng thu lương thực thực phẩm ở mức độ cao nhất để xuất khẩu lấy tiền nuôi công nghiệp nặng, chia rẽ người lao động thành thị (những người xây dựng tương lai tươi sáng của CNXH) với tầng lớp kulak cất giấu khoai tây dưới hầm nhà, để nông trang hóa và tận diệt sở hữu cá thể trong nông nghiệp (các bác đọc tiểu thuyết Liên Xô cũ chắc sẽ nghe nói đến “bọn cu-lắc”). Theo tổng thống Nga Medvedev (nay là thủ tướng), đấy là món nợ của CNCS, nói đúng hơn là chủ nghĩa stalin (vì NEP của Lenin không thế) trước các dân tộc ở Liên Xô chứ không phải chỉ trước Ukraina, tức là không có vấn đề dân tộc ở đây, và người Nga (trong các nạn nhân của holodomor có cả người Nga) không nợ nần gì người Ukraina cả.
Nhưng, do người chết đói chủ yếu là người Ukraina nên holodomor dưới mắt nhiều nhà nghiên cứu Ukraina chính là 1 vũ khí Stalin dùng để triệt hạ tinh thần dân tộc Ukraina, giết hại người Ukraina, nó phải coi là 1 cuộc diệt chủng nhằm vào Ukraina, cuộc diệt chủng diễn ra khi Ukraina và Nga sống chung dưới 1 mái nhà.
2 thằng cầu thủ da trắng va chạm trên sân rồi chửi nhau thì đó chỉ là chúng nó chửi nhau, nhưng 1 thằng da trắng chửi nhau với 1 thằng da đen thì câu chửi của thằng trắng rất dễ bị quy là phân biệt chủng tộc. Kể ra cũng có tí oan cho thằng trắng nhưng ai bẩu bọn trắng giàu có văn minh một thời làm thực dân làm chi. Cũng như có tí oan cho Nga nhưng ai bẩu Nga là người kế thừa di sản Liên Xô, ai bẩu ngày xưa thanh niên VN đi Liên Xô học, dẫu có được phân xuống tận những xứ sở da vàng tóc đen có nhà thờ Hồi giáo củ hành thì bố mẹ ở nhà vẫn khoe với hàng xóm là cháu nó đi Nga du học.
*
Khi Thế chiến II bắt đầu nổ ra, quân Đức tấn công Ba Lan thì Hồng quân Liên Xô cũng tranh thủ tràn vào miền đông Ba Lan, lôi về cho Ukraina một số miền đất trước đây bị cắt như Đông Galicia hay Volhynia (đã nói, biên giới Ukraina co bóp liên tục). Những vùng đất phía tây Ukraina này là những vùng đất người dân Ukraina không bị tuyên huấn về tinh thần quốc tế vô sản hơn hai chục năm nên tinh thần dân tộc chủ nghĩa cao ngất trời. Nếu như thủ đô Kiev trở thành “thành phố anh hùng” vì kiên cường chống phát xít Đức khi Xô-Đức giao tranh thì ở nhiều miền đất phía tây Ukraina, nhiều nhóm vũ trang Ukraina theo chủ nghĩa dân tộc ra đời, mượn gió nazi bẻ măng xô viết. Có những lúc họ đã sát cánh với quân đội phát xít trong cuộc chiến tranh vì Cường quốc Ukraina.
Người kiệt hiệt nhất trong các thủ lĩnh vũ trang Ukraina vùng Galicia giai đoạn này là Stepan Bandera-1 Vàng Pao Đông Âu. Khi Galicia còn nằm trong lãnh thổ Ba Lan, Bandera đã tẩn nhau với người Ba Lan vốn là sắc dân thiểu số ở vùng đất chủ yếu là người Ukraina này; khi Galicia về Ukraina nhưng là Ukraina xô viết thì quân đội của ông tiếp tục oánh Liên Xô. 8 ngày sau khi quân Đức tấn công Liên Xô, 30/6/1941 ở Lviv, Bandera tuyên bố về sự ra đời của Nhà nước Ukraina độc lập. Ngoài việc đệ tử của Bandera từng được người Đức huấn luyện trước đó và những lời có cánh dành cho nước Đức trong tuyên ngôn độc lập, không còn chứng cớ nào về sự hợp tác với Đức trong giai đoạn Đức đánh Liên Xô vì chẳng bao lâu sau, Đức đã hiểu lực lượng Bandera không phục tùng mình nên Bandera đã bị chính Đức bắt, đưa vào trại tập trung và phải ngồi đếm kiến đến tận 1944, 15 năm sau Bandera bị KGB đầu độc ở München (Đức).
Một chút hợp tác với Đức phát xít của Bandera không khiến các nhà ái quốc Ukraina hiện nay phải lăn tăn, họ coi ông chủ yếu là người đấu tranh cho Ukraina độc lập, tẩn mọi kẻ thù của Ukraina. Năm 2010, tổng thống Ukraina lúc đó là Yuschenko truy tặng Bandera danh hiệu “Anh hùng Ukraina” vì sự bảo vệ tư tưởng dân tộc và đấu tranh cho nhà nước Ukraina độc lập. Danh hiệu này bị cả Nghị viện châu Âu, Ba Lan, các tổ chức người Do Thái phản đối và Nga thì tất nhiên coi đây như 1 sự khiêu khích. Đến thời Yanukovych, danh hiệu này bị bãi. Trong khi đó rất nhiều thành phố miền tây, trong đó có Lviv vẫn dành cho Bandera danh hiệu “công dân danh dự”.
Chuyện Bandera với chuyện holodomor chỉ là 2 trong rất nhiều chuyện cho thấy lịch sử Ukraina thế kỷ XX còn nhiều điều gây tranh cãi, rất phức tạp không thủng được ngay đâu nếu mới tìm hiểu 1-2 ngày, không thể gọi tên nhân vật sự kiện một cách giản lược kiểu anh hùng hay tội phạm, độc tài hay nhân dân, bên mình hay bên nó như phim chiến đấu của hồng quân Liên Xô ngày xưa hay những stt trên fb tiếng Việt về các sự kiện ở Ukraina (cả phe thân Nga lẫn phe ghét Nga) ngày nay.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"