Trần Quốc Hoàn
Dân Luận: Có nhiều mức độ tham gia vào phong trào dân chủ, với mức độ nguy hiểm khác nhau. Nếu bạn chỉ là độc giả Dân Luận, thì mức độ rủi ro có an ninh tới gõ cửa sẽ thấp hơn là một cộng tác viên viết bài thường xuyên cho Dân Luận, mà cộng tác viên ngồi một chỗ viết bài vẫn ít rủi ro hơn tham gia một tổ chức chính trị với những mục tiêu cụ thể hoạt động tại Việt Nam v.v... Hãy tự mình đánh giá xem mình đang ở mức độ nào, và tùy theo độ rủi ro hãy thiết lập những nguyên tắc bảo mật tương ứng. Nếu chỉ là một độc giả thi thoảng vào Dân Luận thì không cần phải mã hóa ổ cứng, thay đổi địa chỉ email thường xuyên với mỗi đối tác v.v... vì như thế là quá cẩn thận :D
Trước hết, muốn tìm ra biện pháp bảo đảm an toàn cho mình thì lại cần
phải tìm hiểu sơ qua một số công tác nghiệp vụ của các cơ quan an ninh.
Công việc hàng ngày của các bộ phận an ninh nghiệp vụ (cả công an và
quốc phòng) là phải thu thập và xem xét tất cả các thông tin có liên
quan chống đối nhà nước cộng sản, xử lí các thông tin đó. Tất nhiên, tất
cả các bài viết trên các trang báo ở hải ngoại, các đài phát thanh quốc
tế mà họ cho là “đài địch” đều được họ nghiên cứu rất kĩ, không bỏ qua
một chi tiết nhỏ nào. Đặc biệt là những tài liệu mật của nhà nước cộng
sản bị tiết lộ, hoặc những bài viết có nội dung thông tin những chi tiết
bí mật mà họ cần dấu kín, những thông tin chống đối nhà nước có tính
chất nguy hiểm, lực lượng an ninh sẽ phải phân tích thật cẩn thận, từng
chi tiết. Với mục đích quan trọng nhất là phải tìm ra tác giả của những
thông tin đó, nếu không thì cũng phải phán đoán ra nhóm đối tượng để tìm
cách giăng bẫy, hoặc ngăn ngừa. Cần biết một thực tế là không phải các
độc giả hay các tổ chức đối lập là những người đọc những bài viết đó
nhiều nhất, mà chính là những bộ phận kĩ thuật nghiệp vụ của cơ quan an
ninh mới là nơi quan tâm nhiều nhất.
Họ lật đi, lật lại từng trang viết,
từng đoạn văn, từng câu chữ, để thu thập các cứ liệu, tỉ như: phải tìm
hiểu xem tác giả thật sự là ai, lai lịch ra sao? đàn ông hay đàn bà? độ
tuổi bao nhiêu? văn phong, thổ ngữ của người ở vùng nào ? miền Nam, hay
miền Bắc, hay miền Trung? Bắc di cư hay Nam tập kết? Trình độ của người
viết ? Họ xem kĩ từng chi tiết, cách đánh dấu chấm, phảy, chấm than,
chấm hỏi, ngoặc đơn, ngoặc kép. Thói quen trong cách ngắt câu, xuống
dòng. Thói quen sử dụng Font chữ gì, cỡ chữ bao nhiêu, cách dàn trang
như thế nào, cách đánh dấu chữ Việt kiểu nào, thói quen đánh chữ hoa,
chữ nghiêng, chữ in đậm ...? Những lỗi ngữ pháp, chính tả hay gặp, thậm
chí cả những bài viết quá tròn trịa, cẩn thận cũng là những đặc điểm để
phán đoán ra đối tượng. Họ tìm hiểu nội dung bài viết, những thông tin
của bài viết để tìm ra vị trí của người viết, sự chính xác của những
thông tin ấy, mục đích tác giả muốn gì, nhắm tới ai? Mức độ nguy hiểm và
tác hại của bài viết ra sao ? ... Rồi tìm địa chỉ E-mail, tìm ra
Password, tìm IP, tìm ra xuất xứ nơi gửi tin, bài, tìm ra thời gian gửi
đi, lần tìm ra các mối liên hệ .... Tất nhiên, tác giả càng có nhiều bài
viết được đăng tải (dù là sử dụng các bút danh khác nhau) thì sẽ lại
càng có nhiều chi tiết, manh mối để cơ quan an ninh lần tìm ra. Cơ quan
an ninh sắp xếp các chi tiết thu nhận được như những nhà khoa học sắp
xếp các chuỗi ADN, từ từ họ sẽ sàng lọc, khoang vùng đối tượng và càng
nhiều chi tiết được tìm ra thì cái phạm vi được khoanh vùng sẽ càng bị
thu hẹp lại cho đến khi tìm ra đối tượng. Đây là nhiệm vụ và công việc
hàng ngày của các cơ quan kĩ thuật nghiệp vụ trong an ninh Công an và
Quân đội. Thật ra, người viết cũng không lạ lẫm gì các công việc này,
tuy nhiên những điều đó là một mối nguy hiểm đối với những người đang
hoạt động đấu tranh với chế độ cộng sản. Tất nhiên là đe dọa trực tiếp
đến những người đang phải sống trong vòng kềm tỏa của họ, còn những
người hoạt động ở hải ngoại thì điều này lại bị ảnh hưởng ở góc độ khác,
đấy chính là: phá vỡ các mối liên hệ, làm phong trào đấu tranh không
phát triển được, chặn bắt và ngăn ngừa các lực lượng đối lập.
Các bộ phận nghiệp vụ trinh sát thì có thể nói rằng: dày đặc và chồng
chéo. Ở bên Công an và Quốc phòng, nghành nào cũng có cơ quan tình báo,
phản gián, cả ở trong nước và hải ngoại. Rồi còn tình báo của Biên
phòng và sắp tới đây cả Hải quan cũng sẽ có cơ quan tình báo. Lực lượng
mật vụ này chồng chéo, dẫm chân lên nhau trong các tổ chức chính quyền,
kinh tế, xã hội, không trừ một cơ quan nào. Đặc biệt là quân báo, kéo
dài cả một quá trình mấy chục năm, nhân viên cơ quan tình báo quân đội
đã được cài đặt vào sâu trong các cơ quan chính quyền, đoàn thể và cơ
quan kinh tế quan trọng. Tất cả các cơ quan Bộ và ngang Bộ ở Trung ương,
tất cả các cơ quan Ủy ban hành chính ở các địa phương đều có đặc tình
của Tổng cục II. Các cơ quan đoàn thể như Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ
quốc Việt Nam, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và đến cả Hội phụ nữ
cũng đều có người của Tổng cục II. Các cơ quan kinh tế quan trọng như
các Tổng công ty Dầu khí, Du lịch, Điện lực, Bưu chính viễn thông, Ngân
hàng nhân viên an ninh nhiều nhan nhản (phải dùng từ này mới chỉ đúng
thực tế).
Cần phải nói rõ là, người ta vẫn biết quá ít những thông tin về cơ
quan an ninh của cộng sản mà đặc biệt là Tổng cục II, kể cả các cán bộ
cấp rất cao, từ đó có những đánh giá, phân tích và quan điểm thiếu chính
xác, còn coi thường, nương nhẹ. Nên nhớ rằng, các nhân viên của Tổng
cục II hiện tại đều đã nắm một vị trí Thứ trưởng hoặc tương đương thứ
trưởng ở hầu hết các Bộ nghành. Trong các Tổng công ty lớn Nhà nước thì
họ đều có một nhân vật ngồi ghế Phó tổng giám đốc hoặc tương đương, tùy
vào từng thời điểm. Lợi dụng từ nhiệm vụ chính trị, Tổng cục II đưa
người chui sâu vào các cơ quan chính quyền một cách cưỡng ép. Trong cơ
chế độc quyền lãnh đạo, quyền lực lại đẻ ra kinh tế. Đặc biệt lại nắm
tất cả các cơ quan kinh tế quan trọng nên họ đã thao túng, lũng đoạn
những khoản tài chính khổng lồ từ ngân sách quốc gia (hoặc trước khi nộp
ngân sách quốc gia). Nhờ vậy mà thế lực ngầm của an ninh quân đội hiện
tại là rất mạnh. Đã vậy, không những ngân sách nhà nước đã phải xuất ra
một khoản tài chính rất lớn để các cơ quan hành chính, sự nghiệp phải
nuôi những “con ong trong tay áo” này một cách rất vô lí, ngược lại các
cơ quan an ninh công an và quân đội lại còn được sử dụng một khoản tiền
mật quỹ để chi phí cho tất cả hệ thống khổng lồ đó như lực lượng “đặc
tình”. Không thể thống kê được chi phí tài chính hàng năm cho các lực
lượng này, bởi dựa vào lí do là bí mật quốc gia nên không có một cơ quan
kiểm toán hoặc thống kê nào có thể nắm được dù là gần chính xác, chắc
chắn con số sẽ vô cùng khổng lồ, mặc dù chi phí thực sự trong đó chỉ có
khoảng 10%, còn lại 90% là tham nhũng và lãng phí.
Xin khẳng định lại rằng: hầu hết các số liệu về sức mạnh kinh tế của
Tổng cục II đã được tố cáo công khai đều là những con số quá nhỏ nhoi so
với thực tế. Từ nắm được kinh tế, dùng các thủ đoạn để khống chế lãnh
đạo, cơ quan an ninh lại giữ được những vị trí chủ chốt trong tổ chức
nhân sự, điều đó dẫn đến việc họ thao túng toàn bộ nền chính trị của đất
nước. Đấy là câu trả lời cho những bê bối chính trị khủng khiếp nhất
trong lịch sử Việt Nam lâu nay vẫn bị dư luận lên án mà không thể giải
quyết được.
Lại nói lạc đề một chút về điều này: thông tin tiếp nhận quyết định ý
thức và hành xử. Diễn biến tâm lí và những phản ứng tự nhiên của con
người đã thể hiện một cách tự phát rất rõ trong những sự việc này. Ví dụ
như một người “phó thường dân”, chỉ biết được toàn những điều tốt đẹp
về chế độ, về chính quyền qua các cơ quan ngôn luận đã được Ban Tư tưởng
– Văn hóa TƯ chỉ đạo thì nhận thấy rằng: ừ, cuộc sống như thế là cũng
tạm ổn, ngày xưa còn ăn cơm độn bo bo, khoai mì ngày nay đã có đủ cơm
ăn, áo mặc thế là cũng tốt rồi. Đất nước đang dần dần thay da đổi thịt,
nhà cửa công trình xây dựng mới nhiều hơn, như thế là sự lãnh đạo của
Đảng và Nhà nước là đúng đắn. Thế còn những người “có thông tin” hơn một
chút, biết được thế nào là nhân quyền, là tham nhũng, là lãng phí, là
cửa quyền, là quan liêu thì có thái độ bức xúc và đã có những phản ứng
với chính quyền. Và tiếp đến là một số ít những người có hiểu biết và
nắm được một vài thông tin quan trọng về sự độc tài lãnh đạo, thiếu dân
chủ và tham nhũng nghiêm trọng trong tập thể lãnh đạo đất nước thì phản
ứng gay gắt hơn, bằng những đơn từ, đóng góp xây dựng Đảng, rồi tố cáo,
khiếu nại, phản đối. Thế đến khi xuất hiện hàng loạt các tố cáo và bằng
chứng cụ thể của một số vị lão thần như thư tố cáo của ông Nguyễn Nam
Khánh về một số (xin lưu ý ở đây là chỉ có một vài sự việc có liên quan
đến các vị lãnh đạo, cụ thể là yêu cầu làm rõ vụ Xiêm Riệp, Sáu Sứ và
T4) sai phạm của Tổng cục II, rồi ông Đặng Quốc Bảo tố cáo Nguyễn Văn
An, Trần Đức Lương là tham nhũng và có những khoản tiền rất lớn một cách
vô lí. Thế là dư luận phản ứng ầm ầm lên, và người ta lập tức muốn đưa
ngay những vụ việc đó ra xét xử. Xin thưa với các quí độc giả là những
vụ việc ấy đã diễn ra và kéo dài đến mấy chục năm nay rồi, chẳng qua là
vì không được tiết lộ ra mà thôi (mãi đến ngày 17/6/2004 ông Khánh mới
có thư gửi lên TƯ). Cũng như việc của kĩ sư Đỗ Nam Hải, cơ quan công an
đã tạm giữ trái pháp luật từ ngày 6/8/2004, vậy mà đến ngày 10/12/2004
(có nghĩa là hơn 4 tháng sau) sau khi Nam Hải thông báo chính thức lên
các báo chí ngoài nước thì mọi cá nhân, tổ chức mới biết đến và đồng
loạt phản ứng từ khắp nơi. Thế mới biết dân ta hiền lành, thiếu thông
tin và vẫn chỉ là những phản ứng bộc phát, tức thời. Vậy, lại càng phải
thưa rõ hơn với quí độc giả rằng những tội lỗi mới chỉ được khều khều ra
trong cái đống rác đó thì có thấm thía gì so với những sự thật của nó.
Cần phải biết một cách rất đầy đủ và chính xác rằng: cái sự dối trá, tàn
bạo và tham nhũng của cái chế độ cộng sản này, cái hệ thống an ninh
đang thao túng chế độ chính trị này, cái tập thể lãnh đạo này nó khủng
khiếp lắm lắm rồi, người viết có đưa ra những con số làm bằng chứng thì
cũng không ai có thể tin được đấy là sự thật. Người ta vẫn bảo nhau là
đừng chống cộng một cách cực đoan, đừng thể hiện thái độ quá khích, rằng
truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam là khoan dung, là độ lượng,
là tha thứ, là cải tà qui chính, là xoá bỏ hận thù ... xin thưa rằng,
đấy là vì các vị còn chưa biết hết sự thật đó thôi, nếu các vị đã có đầy
đủ thông tin thì chắc rằng các vị còn đòi treo cổ tất cả cái đám lãnh
đạo này lên cũng chưa hết được tội.
Những sự việc này nói lên hai vấn đề: thứ nhất là các lực lượng đối
lập còn rất thiếu thông tin cho nên mọi hoạt động mới chỉ là bộc phát,
thiếu tính dự đoán, tính chiến lược, tính ngăn chận, tính phản ứng từ
xa, và quan trọng hơn cả là thiếu thông tin sẽ không thể hành động hoàn
toàn chính xác, thiếu thông tin cũng làm cho việc tập hợp và phát triển
lực lượng chưa đạt được kết quả cao. Thứ hai là việc truyền bá rộng rãi
thông tin là rất quan trọng, hiệu quả của công việc này trong suốt một
khoảng thời gian rất dài vừa qua là còn rất kém .
Quay lại nội dung chính của bài viết, tất cả những thông tin về hệ
thống an ninh cộng sản cho chúng ta hiểu rằng: ở trong một xã hội bị
kiểm soát chặt chẽ bởi tầng tầng, lớp lớp những cơ quan an ninh của
chính quyền cộng sản, những hoạt động đối lập, chống đối nhà nước cộng
sản là một việc làm vô cùng nguy hiểm và khó khăn. Tất cả những người
chưa một lần học thuộc những kinh nghiệm này đều đã bị trả giá bằng
chính cuộc đời mình. Tất cả những người còn chủ quan, coi thường bộ máy
an ninh cộng sản thì nếu không phải trả giá bằng những hậu quả cụ thể
thì chắc chắn cũng khó làm được việc gì đáng để cho họ lo sợ. Nên nhớ
rằng, những cơ quan phản gián nổi tiếng Thế giới cũng đã từng phải trả
giá đắt khi đối đầu với lực lượng an ninh cộng sản. Cơ quan an ninh cộng
sản đã có những việc làm mà kẻ thù của họ cũng từng phải kính nể.
Đừng nghĩ rằng chúng ta đang đề cao họ mà cần phải nhận thấy đấy là
một thực tế rất hiển nhiên. Cũng cần phải thấy rằng không phải biết như
vậy để chúng ta sợ hãi, nhụt nhuệ khí, mất tinh thần, phàm là làm công
việc gì cũng phải “biết người biết mình” thì mới đảm bảo được thành công
và giành phần thắng .
Phải có những thông tin chính xác và hiểu biết tương đối đầy đủ về
mạng lưới an ninh cộng sản thì những người đang đấu tranh, đối mặt với
họ - dù là dưới hình thức nào, công khai hay bí mật - sẽ tìm ra những
biện pháp để né tránh, đối phó và vô hiệu hoá nó.
Trong điều kiện hiện tại, đa số những cá nhân và tổ chức đấu tranh
với chế độ cộng sản Việt Nam đều sử dụng phương tiện thông tin, máy
tính, Internet làm phương tiện đấu tranh của mình. Sự lựa chọn đó là
hoàn toàn chính xác và rất có hiệu quả. Song người sử dụng cũng cần phải
biết đến thiết bị tin học, phương tiện Internet cũng là những con dao
hai lưỡi. Chức năng và khả năng của các thiết bị tin học thì không một
người nào có thể biết hết, đặc biệt là những người hoạt động chính trị
lại càng không phải là những chuyên gia tin học. Mà các mánh khoé, thủ
đoạn, kĩ thuật tin học lại phát triển không ngừng. Điều này cần đến một
sự phổ biến liên tục và cập nhật những kinh nghiệm của các chuyên gia
tin học. Những người có chuyên môn, có tài liệu và có tấm lòng với đất
nước cần phải quan tâm và phổ biến nhiều hơn nữa những tác dụng và tác
hại, những kĩ xảo và thủ thuật, những biện pháp bảo đảm bí mật và an
toàn cho người làm việc với máy tính và mạng thông tin. Những người đang
đấu tranh trong xã hội cộng sản phải hết sức lưu tâm và tìm hiểu, học
hỏi thêm những kinh nghiệm này.
Trên thực tế, những người đã từng một lần thiếu may mắn, bị đối diện
với cơ quan an ninh cộng sản, đa số đều không nắm được phương pháp xóa
bỏ một cách triệt để những File tài liệu trong máy tính để các bộ phận
kĩ thuật chuyên môn không thể phục hồi lại được. Hoặc là việc để lại dấu
vết các liên lạc, các thao tác đã thực hiện trên máy tính. Đây là những
bằng chứng để cơ quan an ninh qui kết và đấu tranh với họ.
Cần phải phân biệt sự khác nhau giữa hai mạng điện thoại công cộng và
dịch vụ Internet cộng cộng. Tất cả các phương tiện thông tin liên lạc
đều có thiết bị theo dõi, nghe trộm, do vậy điện thoại công cộng ở những
vị trí bất kì là tương đối đảm bảo an toàn. Ngược lại, các dịch vụ
Internet công cộng lại chính là nơi bẫy chết người. Hầu hết các dịch vụ
Internet công cộng ở các đô thị lớn đều được đặt những “trap” để giăng
bắt các thông tin.
Đặc biệt, các địa chỉ những trang Web hoặc e-mail của các tòa soạn
báo điện tử ở hải ngoại đều được kiểm soát chặt chẽ. Do vậy, việc gửi
thông tin đến các báo cần tránh gửi trực tiếp. Tốt nhất là có sự giúp đỡ
của những địa chỉ trung gian ở nước ngoài, họ sẽ là cầu nối gián tiếp
chuyển những tài liệu đó đến thẳng các địa chỉ cần thiết mà không sợ bị
kiểm duyệt hoặc hệ lụy. Khi gửi thông tin ra nước ngoài, nếu không quá
lớn nên tránh gửi ở dạng File hoặc có password, điều này cũng dễ làm cho
hệ thống cảnh báo quan tâm đến.
Qua bài viết này người viết cũng có đôi điều trao đổi với các tổ chức
và cá nhân có cùng một mục đích đấu tranh với chế độ cộng sản Việt Nam,
đang hoạt động tại hải ngoại. Điều rất quan trọng là sự cẩn trọng, chặt
chẽ, luôn luôn cảnh giác với bộ máy an ninh cộng sản. Một sự việc cụ
thể là: trong vài lần trao đổi với một nhân vật hoạt động đối lập rất
nổi tiếng tại hải ngoại (xin được giấu tên), người viết yêu cầu phải có
một địa chỉ e-mail hoặc một số điện thoại tuyệt đối an toàn để trao đổi
các thông tin tiếp theo (bởi vì ông ta thường dùng một địa chỉ e-mail và
một số điện thoại để trao đổi với nhiều người khác nhau, và cũng không
ít người đã biết những địa chỉ ấy, cơ quan an ninh cộng sản cũng đã nắm
trong tay những địa chỉ đó), đây là một việc làm quá đơn giản trong một
xã hội phát triển và tự do. Nhưng sau đó người viết đều nhận được từ ông
ta một thái độ bất cẩn, không cho rằng việc phải có những địa chỉ liên
lạc an toàn là quan trọng. Xin khẳng định, đây là một sự cẩu thả cực kì
nguy hiểm, đây là một sự coi thường “chết người”, và đấy cũng là một
trong những nguyên nhân chính dẫn đến những công việc không đạt được
hiệu quả. Đối với những cá nhân và tổ chức đang hoạt động tại nước
ngoài, việc để lộ những địa chỉ liên lạc như e-mail, số điện thoại ...,
có thể không gây hại gì cho chính họ (chắc chắn là có những thiệt hại mà
họ không hề biết, không nhìn thấy), thế nhưng điều đó lại rất nguy hiểm
cho những cá nhân và tổ chức ở trong nước nếu có liên hệ với họ. Cơ
quan an ninh sẽ lần theo các mối liên hệ đó để tìm ra được những người
hoạt động ở trong nước Việt Nam, và vậy là rất nhiều người sẽ vì thế mà
chết oan. Vì vậy, xin khẳng định lại: những bất cẩn và coi thường đó là
những “nguy hiểm chết người”, sự bất cẩn đó cũng phải được coi như một
tội ác. Trong những hoàn cảnh rất khó khăn như hiện nay, phong trào đấu
tranh cần phải tổ chức, xây dựng và tập hợp thành một lực lượng lớn
mạnh, mọi hành động mang đến sự thiệt hại, tổn thất lực lượng cho phong
trào đối lập đều phải coi là những tội lỗi, không thể chấp nhận.
Bản thân người viết, khi gửi và nhận các thông tin đều phải có sự
giúp đỡ trung gian của nhiều cá nhân từ nhiều quốc gia khác nhau. Xin ví
dụ một kinh nghiệm thực tế, người viết có một địa chỉ thư điện tử để
“lộ” ra, được cơ quan an ninh biết và “quan tâm”. Có những lần, ở một
địa chỉ này vừa mở hộp thư ra kiểm tra thấy có 2 e-mail trong Inbox,
chưa kịp nhận và chuyển đi, một khoảng thời gian ngắn sau đó ở một địa
điểm khác mở ra lại thì đã thấy hộp Inbox báo về số 0, có nghĩa là một
số e-mail đã “không cánh mà bay”. Sự việc này cho thấy sự nguy hiểm của
việc để lộ ra địa chỉ thư điện tử. Cho dù là bạn ở nước ngoài, cơ quan
an ninh có thể không gây hại được cho tính mạng bạn, nhưng trước hết là
họ sẽ biết được các mối liên hệ của bạn (và từ dây cà lại ra dây muống,
biết đâu lại chẳng tìm ra cả một tổ chức?) Sau nữa là họ sẽ bí mật xâm
phạm vào hộp thư của bạn mà bạn không hề biết, họ sẽ ngăn chặn các mối
liên hệ, làm gián đoạn các công việc, mục đích quan trọng là làm mất
thông tin và ngăn cản việc phát triển các lực lượng đối lập. Cũng nên
nhớ rằng các cơ quan an ninh không bao giờ xóa hết các thông tin gửi
đến, một số thông tin không quan trọng hoặc chỉ mang tính chất phổ biến
rộng rãi họ sẽ để nguyên cho bạn vẫn cảm giác là vẫn nhận được các thông
tin trao đổi bình thường.
Như tựa đề của bài viết, tất cả chúng ta, ai cũng cần phải thấy rằng
việc bảo đảm an toàn là quan trọng nhất. Phải bảo đảm an toàn cho cá
nhân mình để bảo đảm an toàn cho tất cả những người có liên hệ với mình.
Bảo đảm an toàn cho mình và mọi người có nghĩa là bảo vệ cho sự an toàn
và lớn mạnh của phong trào đấu tranh chống chế độ độc tài cộng sản. Thế
nhưng cũng cần phải nói thêm, bảo đảm an toàn không đồng nghĩa với việc
không có các mối quan hệ, liên lạc với nhau, phải né tránh tất cả những
cơ hội, nhìn vào mọi sự việc đều là giả dối, đều đáng nguy hiểm. Đây là
một vấn đề đòi hỏi phải có sự tinh tế, có kinh nghiệm và có phương pháp
đối phó hợp lí với từng trường hợp cụ thể. Nếu chúng ta cứ có một suy
nghĩ cứng nhắc hoặc quá thận trọng, cẩn thận một cách ngớ ngẩn thì nhiều
cơ hội sẽ qua mất, công việc chung sẽ không thể phát triển, quãng đường
sẽ dài ra đến vô cùng. Vấn đề này rất cần được suy nghĩ, nhận thức và
mỗi cá nhân tự rút ra như những bài học nghiêm túc để ứng xử và hành
động hiệu quả hơn trong những giai đoạn đấu tranh trước mắt.
Chắc chắn bài viết có một số chi tiết sẽ không làm hài lòng một số
đông độc giả, song người viết nhận thấy rằng trong giai đoạn hiện nay,
cái điều cần thiết nhất là những sự thật, những lời nói thật có thể mất
lòng, song nó sẽ mang đến những hiệu quả thực tế. Lực lượng đối lập Việt
Nam cần tìm hiểu những sự thật, cần phải biết đầy đủ những thông tin để
đưa ra những quyết sách, hành động đúng đắn, để vận động và xây dựng
lực lượng lớn mạnh hơn, chứ không phải là những lời khen ngợi, ru ngủ,
những lí luận dài dòng thiếu tính thực tiễn.
Trần Quốc Hoàn