Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

Nhật ký Kiev -- ngày 10 tháng 12, 2013

David Satter
Carl Trần chuyển ngữ
Với nhiệt độ dự kiến ​​sẽ giảm đến 16 độ dưới không đêm thứ Ba, những người biểu tình ở Maidan, quảng trường trung tâm, đang dọn tuyết và băng và nhen các đống lửa. Trong khi đó, các trận tuyến ở Ukraina đang quyết liệt hơn.
Tối thứ Ba, Tổng thống Ukraina Viktor Yanukovych đã gặp ba cựu tổng thống để bàn thảo một kế sách thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị. Cuộc họp kết thúc với một đề nghị rõ ràng là thả một số người bị bắt sau cuộc tấn công vào người biểu tình ở quảng trường ngày 30 tháng 11. Không rõ có ai được thả hay không, nhưng các bản cáo trạng sẽ không được hủy bỏ và đề nghị ấy không được cả người biểu tình ở Maidan lẫn phe đối lập quan tâm.
Quan trọng hơn đối với những người biểu tình, vào đêm thứ Hai, lực lượng đặc biệt xông vào trụ sở của đảng đối lập Batkivshchina ("Quê hương") -- người đứng đầu đảng này là cựu thủ tướng và hiện nay là tù nhân Yulia Timoshenko. Những kẻ tấn công tịch thu máy vi tính chủ của đảng, và sau đó ít lâu, các cơ quan an ninh Ukraina nói họ đã mở một cuộc điều tra đối với một số chính trị gia cụ thể nhưng được không nêu tên vì những hành động nhằm tiếm quyền nhà nước.

Quân đội nội địa lập thành vòng tròn bao quanh trung tâm thành phố, dùng xe cơ giới nặng chặn các ngả đường. Họ dẹp bỏ những rào chắn của người biểu tình trong khu vực các cơ sở chính phủ, nhưng không can thiệp vào đám đông ở Maidan. Thật ra, các quân nhân, nhiều người đến từ Crimea, đã nói chuyện với người biểu tình và chấp thuận cho các xe chở thực phẩm và củi vào quảng trường mà không hề ngăn cản.
Tuy nhiên, cách hành xử của quân đội nội địa, vốn là các thanh niên đi nghĩa vụ quân sự và không vũ trang, thật khác bới cảnh sát chống bạo loạn Berkut có vũ trang đang chờ đợi sẵn sàng ở ga tàu điện ngầm Teatralnaya -- vào lúc tôi viết bài này, chưa rõ khi nào thì cuộc tấn công kế tiếp sẽ xảy ra.
Nỗi lo sợ rằng Yanukovych sẽ tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị của Ukraina bằng vũ lực được hiện rõ qua những biện pháp an ninh mới ở Maidan. Hai lối vào quảng trường từ Khreschatik, con đường chính của Kiev, bây giờ là một và thành phố lều trong quảng trường giờ đây đầy những trạm kiểm soát nội bộ, hạn chế sự đi lại trước đây vốn tự do. Nhiều cựu chiến binh Ukraina từ Chiến tranh Afghanistan và những tình nguyện viên khác đang chuẩn bị chống lại bất cứ cuộc tấn công nào. Trên sân khấu của Maidan đêm thứ Hai, 50 cựu chiến binh, nhiều người mặc quân phục rằn ri, trấn an đám đông rằng họ sẽ tạo thành một lá chắn bằng người giữa người biểu tình và bất cứ kẻ tấn công nào. "Chúng tôi sẽ không cho phép cuộc biểu tình bị phá vỡ bằng vũ lực," một trong số họ dõng dạc tuyên bố.
Cuộc đối đầu sẽ là điều nan giải -- nhiều người biểu tình cảm thấy đang đánh cuộc cả tương lai của mình. Markiya Matsekh, một chuyên gia IT từ Lvov, nói, "Tôi không muốn sống cả đời trong nỗi sợ bị cảnh sát bắt đi. Nếu chúng tôi thua, một nửa nước sẽ phải ra đi. Chúng tôi phải chống cự đến cùng."
Phe đối lập đang yêu cầu chính phủ của Thủ tướng Nikolai Azarov phải từ chức, bộ trưởng nội vụ phải bị truy tố vì đã để cảnh sát hành hung người biểu tình ở Maidan ngày 30 tháng 11 (chính vụ này đã dấy lên cuộc khủng hoảng), và các tù nhân chính trị phải được thả. Nhưng rào cản thực thụ đối với bất cứ giải pháp nào của cuộc khủng hoảng chính là bản chất của chế độ Yanukovych.
Chế độ này là sản phẩm của cuộc tư hữu hóa. Quá trình tư hữu hóa ở Ukraina gian lận ở khắp mọi nơi trừ ở Donetsk Oblast, nơi Yanukovych khởi đầu sự nghiệp của mình -- ở nơi đó nó được thi hành bằng mũi súng. Nhân vật thân cận nhất của Yanukovych và là người giúp đưa ông lên đỉnh cao quyền lực là Rinat Akhmetov, người giàu nhất Ukraina. Akhmetov, người trở thành nhà tài trợ chính của Đảng Các Vùng, khởi đầu sự nghiệp trong vai trò một trợ lý cho Akhat Bragin, một trùm tội phạm Donestsk đầy quyền uy, người sau này bị hạ sát cùng sáu vệ sĩ của mình trong một vụ đánh bom bí ẩn. Ngay sau vụ ám sát, các chuyên gia cho rằng Akhmetov đã thừa hưởng một đế chế tài chính rộng lớn từ Bragin.
Năm 2010, khi Yanukovych đắc cử tổng thống, trong Verkhovnaya Rada, Quốc hội Ukraina, có một đa số thuộc phe dân chủ. Nhưng đa số này không tồn tại lâu. Yanukovych bắt đầu một quá trình mua chuộc hoặc uy hiếp các đại biểu, cuối cùng tạo ra một đa số mới nằm dưới sự kiểm soát của ông. Một khi quá trình này hoàn tất, ông chuyển sự chú ý sang Tòa án Hiến pháp, sa thải một phần ba trong số 18 thẩm phán. Tòa án mới giờ đây có một đa số kiểm soát được và đa số này đã hành động để tước mất khả năng xem xét các vụ kháng cáo của Tòa án Tối cao, trong khi giao quyền đó cho những tòa án thấp hơn. Đồng thời, các luật lệ của hội đồng tư pháp Ukraina, cơ quan giúp ngành tư pháp có khả năng tự điều phối, được thay đổi để giao quyền hạn không cân xứng cho các thẩm phán tại các tòa án hành chính và kinh tế, là những kẻ tham nhũng nhất. Kết quả: Toàn bộ hệ thống tư pháp lọt vào tay Yanukovych.
Đến cuối năm 2010, Tòa án Hiến pháp hủy bỏ các thay đổi hiến pháp đã được giới thiệu vào năm 2004, theo đó biến đất nước từ tổng thống chế thành tổng thống/nghị viện chế.
Khi cả nước hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của mình, Yanukovych đưa ra các đề xuất cho 21 cuộc "cải cách," bao gồm những thay đổi về thu thuế, y tế, tư pháp, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác.
Trong khi cả nước bị đánh lạc hướng bằng những cải cách, Đảng Các Vùng của Yanukovych bắt đầu một chiến dịch "đột kích" rộng lớn, trong đó các đảng viên chiếm hữu các doanh nghiệp và tài sản của người khác trên cơ sở những phán quyết sai trái của tòa án. Những vụ lạm dụng xảy ra trắng trợn đến nỗi một số doanh nhân nhận được phán quyết của tòa trong những vụ kiện mà trước đó họ không hề biết là có. Những phán quyết ấy thông báo với họ rằng giờ đây họ là cựu chủ sở hữu doanh nghiệp của chính mình.
Chiến dịch đột kích tác động đến những doanh nghiệp lớn cũng như nhỏ, và Ukraina hoàn toàn không có một cơ chế nào để bảo vệ các quyền của cá nhân.
Hệ thống mà Yanukovych đã tạo ra hoàn toàn không phù hợp với những đòi hỏi pháp lý và kinh tế của Liên Hiệp Châu Âu. Thái độ ngần ngại của Yanukovych trong việc liên kết với Châu Âu được hỗ trợ bởi những doanh nhân cảm thấy làm việc với Nga thì dễ dàng hơn trong khi sản xuất hàng hóa chất lượng thấp và tránh đầu tư nghiêm túc.
Tuy nhiên, sự chống đối Liên Hiệp Châu Âu trong giới doanh nhân Ukraina không phải là đồng bộ. Một số tập đoàn Ukraina ấn tượng với những quy chế của Châu Âu nhằm bảo vệ tài sản và doanh nghiệp và, mặc dù họ chẳng quan tâm gì đến một nền pháp trị như thế, họ hiểu công dụng của nó trong việc bảo vệ những gì mà họ sở hữu. Có nghĩa là, nếu các tập đoàn chính trị Ukraina có cuộc xung đột, họ sẽ đối chọi với nhau không ở tòa án Ukraina mà ở London, Mỹ, hay Thụy Sĩ.
Trong khi căng thẳng gia tăng, sự hiện diện của những kẻ cực đoan sẽ là một yếu tố bất khả dự tri. Sau cuộc biểu tình hôm Chủ nhật, một cuộc biểu dương tình đoàn kết quốc gia bởi ngót một triệu người, cả thế giới lại tập trung chú ý vào vụ phá hủy tượng Lenin trên đại lộ Shevchenko.
Nhưng đây không phải là vụ phá tượng đầu tiên: Vào ngày 1 tháng 12, sau khi kết thúc cuộc tụ tập đông đảo đầu tiên ở Maidan, cũng đã có một vụ phá tượng của những phần tử chủ chiến được trang bị đầy đủ, nhưng họ bị đẩy lui bởi cảnh sát chống bạo loạn Berkut làm bị thương nhiều thường dân đến xem.
Tuy nhiên, vào đêm Chủ Nhật [ngày 8 tháng 12, 2013 -- theo người dịch, vì tác giả viết bài này vào ngày 10], sau khi đã được canh gác nghiêm ngặt suốt tuần, một cách đáng ngờ, bức tượng hoàn toàn không được bảo vệ.
Vào khoảng 8 giờ tối Chủ nhật, khi tôi đến Quảng trường Bessarabskaya, chiếc bệ mà bức tượng Lenin đứng trên lúc ấy đã trống không, còn bức tượng thì đang bị phá hủy bằng những chiếc búa tạ. Người dân đến xem chụp ảnh và đục đẽo những mảnh tượng làm vật lưu niệm. Một lá cờ đen và đỏ của phong trào Bandera được cắm ở trên cùng của bệ tượng -- các thành viên của phong trào Bandera là những kẻ theo Nazi gây ra vụ thảm sát ít nhất 40.000 người Ba Lan ở tỉnh Volhynia miền tây Ukraina. Hình ảnh lá cờ Bandera phất phới trên bệ của bức tượng Lenin đã bị lật đổ, nhìn từ quan điểm của chế độ Yanukovych, đã nói lên biết bao nhiêu điều.
Sức mạnh của cuộc biểu tình Maidan là tính cách ôn hòa của nó. Điều được nhiều người chia sẻ là bạo lực từ phía người biểu tình sẽ được chế độ dùng để biện minh cho bạo lực lớn hơn nhiều từ phía chế độ. Trong khi mọi cảm xúc dâng trào, chưa rõ liệu đại đa số người biểu tình có thể mãi thủy chung với phương thức bất bạo động hay không.
David Satter là một học giả ở Viện Hudson, Đại học Johns Hopkins, và Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại. Ông được Radio Liberty/Radio Free Europe cử sang làm việc tại Kiev.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"