Nguyễn Minh Đào
Những tháng ngày nầy 35 năm trước, quân ta mở cuộc tổng phản công
đánh chiến Phnom Penh – sào huyệt Khmer Đỏ, kết thúc cuộc chiến tranh
bảo vệ biên giới Tây Nam và cũng là kỷ niệm 35 năm ngày Trung Quốc xua
quân xâm lược các tỉnh biên giới phía Bắc. Với cuộc chiến tranh bảo vệ
biên giới Tây Nam, năm nay cũng như mọi năm, báo chí chính thống và trên
các diển đàn không nghe nhắc đến, như cuộc chiến tranh nầy không hề có
vậy! Đầu tháng giêng vừa rồi, tôi viết bài “Không bao giờ quên tội ác
diệt chủng bọn Khmer Đỏ trên biên giới quê hương ta” gởi đăng báo An
Giang, hôm sau gặp Tân Văn Ngữ, Tổng biên tập ngồi cạnh tôi trong buổi
tiệc liên hoan mừng Xuân nói với tôi:“Chú Tư ơi, bài của chú cháu không đăng được, chú để cháu làm vài năm nghỉ hưu chú ơi, xin lỗi chú đừng buồn tụi cháu!” – Tôi nói:“Đăng hay không là quyền của tổng biên tập chú đâu dám buồn!” – Ngữ nói và đưa mặt cho tôi: “Chú không buồn hôn cháu đi!”.
Tôi hôn Ngữ, hai chú cháu cùng cười vui! – Chú nói chuyện nầy với sự
cãm thông, chia sẻ Ngữ những khó khăn, vướng mắc trong trách nhiệm làm
báo chính thống ở tỉnh nhà, chớ không có ý gì khác Ngữ nhé!
Tháng trước, tôi đọc bài “Cần “giải mật” cuộc chiến biên giới Tây Nam”
trên báo Tuổi Trẻ, ghi cuộc trò chuyện báo Tuổi Trẻ với đạo diển Lê
Phong Lan. Là người con quê hương An Giang, cuộc chiến tranh nầy để lại
trong tôi ký ức đau buồn không thể nào quên, với những gì tôi chứng kiến
trước, trong và sau cuộc chiến tranh, tôi muốn trao đổi với đạo diển Lê
Phong Lan tham khảo, qua bài tôi viết cùng tên bài của báo Tuổi Trẻ,
gởi đạo diển Lê Phong Lan nhờ báo Tuổi Trẻ chuyển. [*] Nhưng đến nay tôi
không nhận được hồi âm của báo Tuổi Trẻ và đạo diển Lê Phong Lan. Biết
nói sao đây, cách hành xử của một tờ báo lớn như Tuổi Trẻ và người đạo
diển tên tuổi như bà Lê Phong Lan với một độc giả?!
Đọc báo An Giang số ra ngày 18/2, chuyên mục “Vấn đề hôm nay” có bài “Sự thật lịch sử phải được tôn trọng” của Ngô Hoàng, trích dẫn bài viết của giáo sư Vũ Minh Giang, Ngô Hoàng viết: “Đã lâu lắm rồi chúng ta mới được nghe một ý kiến chính thống về cuộc chiến diễn ra cách nay tròn 35 năm…”, Đoạn cuối Ngô Hoàng viết: “Giấu giếm lịch sử là một hành động có tội với dân tộc, có tội với các liệt sĩ, những người đã đổ xương máu bảo vệ đất nước…”. Cám ơn Ngô Hoàng nói thay tôi điều tôi muốn nói và hoan nghinh báo An Giang đăng bài viết nầy!
Kỷ niệm 35 năm Trung Quốc gây chiến tranh biên giới phía Bắc, một số
tờ báo chính thống có những bài viết lay động lòng người, như loạt ba
bài “Hoa đào biên viễn” của Đào Tuấn trên báo điện tử Một Thế Giới, hay
bài trả lời phỏng vấn báo Lao Động điện tử của giáo sư Vũ Minh Giang,
báo Tuổi Trẻ có một bài ngày 16/2 “Không thể bỏ qua một giai đoạn đau
thương”, đăng trang nhất ảnh hai chị em cháu bé cỏng nhau cùng bà con
thị xã Cao Bằng chạy giặc Trung Quốc sáng ngày 17-2-1979… nhưng dường
như các bài trên báo điện tử bị gở bỏ; trong khi đó các trang mạng “lề
trái” có nhiều bài đáng đọc đánh dấu ngày kỷ niệm đau buồn nầy!
Cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam do Khmer Đỏ gây ra thời
gian không dài, nhưng tổn thất về người và của quân dân ta các tỉnh vùng
biên giới Tây Nam, trong đó có An Giang vô cùng to lớn, gây mất mát đau
thương hàng vạn gia đình, để lại những hậu quả nặng nề trong đời sống
xã hội kéo dài nhiều năm, nhưng đến nay chưa được tổng kết nghiêm túc và
báo chí gần như quên lãng! Vì sao sự thật lịch sử cuộc chiến tranh nầy
không được tôn trọng, chẳng lẽ ta sợ bọn Pôn Pốt đội mồ sống lại trả
thù, hay vì duyên cớ nào?! Dù bất cứ lý do gì cũng không thể chấp nhận,
vì trái với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Đảng thường khuyên
bảo!? Nếu người chết có linh hồn, thì linh hồn các liệt sĩ ngã xuống để
bảo vệ toàn vẹn từng tất đất biên cương của Tổ quốc, cho chúng ta có
cuộc sống bình yên hôm nay sẽ hờn trách biết bao!! Cách hành xử vô tình
bạc nghĩa như vậy, thử hỏi nếu một mai vùng biên cương của Tổ quốc tái
diển thãm họa chiến tranh xâm lược của ngoại bang như 35 năm trước –
điều đó có ai dám chắc không xảy ra, thì Đảng và Nhà nước ta nói gì để
động viên toàn dân cầm súng hy sinh chiến đấu bảo vệ một lần nữa!
Long Xuyên, tháng Hai Buồn – 2014
N.M.Đ
_________________
[*] Kính gởi: Đạo diển Lê Phong Lan – Nhờ Tòa soạn báo Tuổi Trẻ chuyển giao, cám ơm!
Tôi là Nguyễn Minh Đào, cán bộ hưu trí ở An Giang xin được làm quen
với chị.Tôi có đọc bài ghi cuộc trò chuyện của Tuổi Trẻ với chị về cuộc
chiến tranh biên giới Tây Nam. Tôi rất vui khi biết chị quan tâm đến
cuộc chiến này, rất hiếm có người như chị. Tôi cũng như chị rất day dứt
về cuộc chiến vô nghĩa nầy, có biết bao người ngã xuống mà ngày nay gần
như người ta quên lãng. Tôi có bài viết lấy tên bài báo cho tên bài viết của tôi,
vì chắc rằng các báo chính thống không đăng, nên tôi gởi đăng trang
viet-studies của Trần Hữu Dũng, xin chị mở trang này sẽ thấy, tôi cũng
có gởi báo Tuổi Trẻ để tham khảo, chị đọc có ý kiến gì cần trao đổi, xin
gởi đến tôi qua địa chỉ email: minhdaoag@gmail.com. Năm mới chúc chị mạnh khỏe, thành đạt và có nhiều niềm vui trong cuộc sống. Thân ái chào chị.
Tác giả gởi cho viet-studies ngày 19-2-14