Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

Trung Quốc được cai trị như thế nào: Vì sao việc trị dân ngày càng trở nên khó khăn hơn đối với Bắc Kinh?

David M. Lampton
Trần Ngọc Cư chuyển ngữ

Công nhân làm sạch tượng Mao, 24 tháng Chín, 2013 (ảnh: Reuters)
Trung Quốc trải qua ba cuộc cách mạng trong thế kỷ 20. Đầu tiên là sự sụp đổ của nhà Thanh năm 1911, và đi kèm với nó, là sự sụp đổ của đường lối cai trị truyền thống tại nước này. Sau một thời kỳ nhiễu nhương kéo dài, cuộc cách mạng thứ hai diễn ra năm 1949, khi Mao Trạch Đông và Đảng Cộng sản giành được thắng lợi trong cuộc Nội chiến Quốc-Cộng và khai sinh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; việc sử dụng quyền hành bằng bạo lực và bất bình thường của Mao chỉ chấm dứt cùng với cái chết của ông năm 1976.
Cuộc cách mạng thứ ba còn đang tiếp diễn, và cho đến nay, kết quả của nó là tích cực hơn nhiều so với hai cuộc cách mạng trước. Tiến trình này bắt đầu vào giữa năm 1977 với việc lên nắm quyền của Đặng Tiểu Bình, người đã phát động một thời kỳ cải tổ chưa từng thấy trong lịch sử Trung Quốc, kéo dài hàng chục năm nay, chuyển đổi nền kinh tế cô lập sang một nền kinh tế dẫn bước toàn cầu, đưa hàng trăm triệu người Trung Hoa thoát cảnh đói nghèo và mở đường cho một cuộc di dân vĩ đại từ vùng quê vào các thành thị. Cuộc cách mạng này đã tiếp diễn qua nhiệm kỳ của những người kế vị Đặng Tiểu Bình, đó là Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, và Tập Cận Bình.

Dĩ nhiên, cuộc cách mạng do Đặng khởi xướng đã không mang tính cách mạng trong một ý nghĩa quan trọng: Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn duy trì độc quyền chính trị. Tuy nhiên, lối nói rập khuôn cho rằng Trung Quốc đã cải tổ kinh tế mà không cải tổ chính trị trong những năm kể từ 1977 đã che mờ một sự thật quan trọng: rằng cải tổ chính trị, như một nhà chính trị Trung Quốc nói riêng với tôi năm 2002, “đã diễn ra một cách lặng lẽ và thiếu công khai.”
Thực tế là, chính quyền trung ương Trung Quốc ngày nay đang hoạt động trong một môi trường trên cơ bản khác xa với môi trường đã hiện hữu vào đầu nhiệm kỳ của Đặng Tiểu Bình trong ba cung cách chủ yếu. Một, quyền lực của các cá nhân lãnh đạo Trung Quốc đã dần dần trở nên yếu hơn trong tương quan giữa họ với nhau và với phần còn lại của xã hội. Hai, xã hội Trung Quốc, cũng như nền kinh tế và hệ thống thư lại, đã nứt rạn, làm gia tăng các khối cử tri mà các lãnh đạo Trung Quốc phải đáp ứng, hay chí ít phải quản lý. Ba, lãnh đạo Trung Quốc hiện phải đối đầu với một dân số có nhiều nguồn lực hơn bao giờ cả – bằng tiền bạc, tài năng, và thông tin.
Vì tất cả những lý do này, việc cai trị Trung Quốc ngày nay đã trở nên thậm chí khó khăn hơn so với thời của Đặng. Bắc Kinh đã phản ứng lại những chuyển biến này bằng cách tiếp thu công luận vào việc làm chính sách của mình, trong khi vẫn giữ nguyên những cấu trúc chính trị cơ bản. Tuy nhiên, các lãnh đạo Trung Quốc đã sai lầm nếu họ tin rằng họ có thể duy trì ổn định chính trị và xã hội vô hạn định mà không cần nhanh chóng cải tổ hệ thống điều hành đất nước. Một Trung Quốc với một nhà nước yếu hơn và một xã hội dân sự mạnh hơn sẽ đòi hỏi một cấu trúc chính trị khác với hiện nay rất nhiều. Nó đòi hỏi một cam kết mạnh mẽ hơn đối với chế độ pháp trị, thông qua các cơ chế đáng tin cậy hơn – như tòa án và các cơ quan lập pháp – để giải quyết xung đột, đáp ứng các lợi ích khác nhau, và phân phối các nguồn lực. Trung Quốc cũng cần điều hành chính phủ tốt hơn, cần có tính minh bạch, và trách nhiệm giải trình. Nếu thiếu những phát triển này, Trung Quốc sẽ lâm vào bất ổn chính trị trong tương lai, còn nghiêm trọng hơn tình trạng nó đã kinh qua trên bốn thập niên nay. Những hậu chấn chắc chắn sẽ lan đến các nước láng giềng của Trung Quốc và nhiều vùng khác trên thế giới, nếu căn cứ vào ảnh hưởng toàn cầu ngày càng lớn của Trung Quốc. Những cải tổ vừa qua của Trung Quốc đã tạo ra các tình thế mới mà lãnh đạo nước này cần phải nhanh chóng thích nghi. Việc cải tổ cũng giống như đi một chiếc xe đạp: nếu không tiếp tục đạp cho xe đi tới, thì bạn sẽ ngã.
KHÔNG PHẢI TẤT CẢ CÁC NHÀ LÃNH ĐẠO ĐỀU GIỐNG NHAU
Theo nhà xã hội học Đức Max Weber, các chính phủ có thể tiếp nhận thẩm quyền của mình từ ba nguồn: truyền thống, phẩm chất và sức thu hút của cá nhân lãnh đạo, và các qui phạm hiến định và pháp lý. Trung Quốc, qua quá trình của thời kỳ cải tổ, đã diễn biến xa dần hai dạng thức đầu của tính chính danh và đang hướng tới dạng thức thứ ba.
Cũng như Mao, Đặng đã hưởng được một sự pha trộn thẩm quyền gồm yếu tố truyền thống và sức thu hút cá nhân. Nhưng những nhà lãnh đạo sau ông đã tạo được chính danh bằng cách khác. Giang (lãnh đạo Trung Quốc từ 1989 đến 2002) và Hồ (cai trị từ 2002 đến 2012) ở nhiều mức độ khá nhau đã được chính Đặng chỉ định, còn việc đưa Tập lên địa vị chóp bu, vào năm 2012, lại là sản phẩm của một tiến trình chính trị tập thể trong nội bộ ĐCSTQ. Qua thời gian, một loạt tiêu chuẩn qui định việc tuyển chọn lãnh đạo đã phát triển, gồm việc giới hạn nhiệm kỳ và tuổi tác, những thước đo thành tích, và việc lấy ý kiến trong nội bộ Đảng. Mặc dù những chuẩn mực này là quan trọng, nhưng người ta không nên nhầm lẫn chúng với luật pháp – vì chúng vẫn còn nhiều bất cập, thiếu chính thức, và có thể bị đảo ngược – song những chuẩn mực này thực sự đánh dấu một cuộc chia tay ngoạn mục với hệ thống lãnh đạo bốc đồng của Mao.
Khi các nền tảng của tính chính danh đã thay đổi, những người kế vị Đặng nhận thấy khả năng tự mình đưa ra các chính sách suy giảm đi nhiều. Mặc dù Đặng không hưởng được quyền lực vô hạn như Mao, nhưng trong các quyết định chiến lược, ông có thể hành động độc đoán và quả quyết sau khi đã tham khảo các nhân vật có thế lực trong Đảng. Hơn nữa, tầm cỡ và phạm vi ảnh hưởng của những quyết sách do Đặng đưa ra thường là vô cùng to lớn. Ngoài việc phát động cải tổ kinh tế, Đặng còn thực hiện một số quyết định then chốt khác, như đưa ra chính sách một con năm 1979, đàn áp phong trào Bức tường Dân chủ cũng trong năm ấy, và, năm 1989, thiết quân luật và triển khai binh lính [trong vụ thảm sát Thiên An Môn] tại Bắc Kinh. Còn về vấn đề Đài Loan, Đặng cảm thấy đủ yên tâm để chấp nhận một thái độ mềm dẻo với đảo quốc này, dành việc giải quyết các quan hệ xuyên Eo biển Đài Loan cho thế hệ sau.
Trái lại, Giang, Hồ, và Tập bị hạn chế nhiều hơn. Sự khác biệt này được biểu hiện đầy đủ vào cuối năm 2012 bước sang 2013, vào thời điểm Tập kế vị Hồ. Trong những năm 1970, nhằm xây dựng quan hệ với Nhật Bản, Đặng đã tránh né được thứ chính trị dân tộc chủ nghĩa rất dễ bùng nổ quanh các vấn đề chủ quyền trên đảo Điếu Ngư (mà Nhật Bản gọi là đảo Sensaku). Nhưng Tập, vừa mới vươn lên địa vị chóp bu và muốn củng cố quyền lực của mình tiếp theo sau việc Nhật Bản quốc hữu hóa đảo Sensaku, cảm thấy bị bó buộc phải hành động một cách cứng rắn để phản ứng lại động thái này của Tokyo.
Nói cách khác, Trung Quốc đã đi từ tình trạng được cai trị bởi các thủ lĩnh độc tài (strongmen) dựa vào uy tín cá nhân đến các nhà lãnh đạo bị hạn chế bởi quyết sách tập thể, bởi giới hạn nhiệm kỳ và các qui phạm khác, bởi công luận, và bởi tính cách kỹ trị (technocratic characters) của mình. Như một nhà ngoại giao cao cấp Trung Quốc đã nói với tôi năm 2002, “Mao và Đặng có thể tự mình quyết định; Giang và các nhà lãnh đạo hiện nay phải lấy ý kiến.”
Các lãnh đạo Trung Quốc còn đi ra khỏi lề lối của Mao và Đặng trong một phương diện quan trọng khác: họ bắt đầu nhận thấy mục đích của mình không chủ yếu nằm ở việc tạo nên các thay đổi to lớn, mà ở nỗ lực duy trì hệ thống chính trị và cải thiện thành tích của nó. Mục tiêu của Đặng là chuyển hóa vận mạng đất nước. Đặng tìm cách nâng cao Trung Quốc trên thang kinh tế cũng như trên đẳng trật quyền lực toàn cầu, và ông đã thực hiện được điều này. Ông mở cửa Trung Quốc để đón nhận kiến thức từ ngoài vào, khuyến khích giới trẻ Trung Quốc đi ra nước ngoài học hỏi (một thái độ được ảnh hưởng bởi chính những năm trưởng thành của ông tại Pháp và Liên Xô), và cho phép nguyên tắc lợi thế so sánh (comparative advantage), mậu dịch, và giáo dục tạo phép lạ của chúng.
Người kế vị Đặng, là Giang, lên cầm quyền chỉ vì ông ta tiêu biểu một sự thay đổi trong phong cách lãnh đạo: tiếp theo sau những cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, cả thế lực ủng hộ cải tổ lẫn lực lượng lo ngại cải tổ đều coi Giang là một người có khả năng và không đe dọa lợi ích của họ. Nhưng cuối cùng ông từ bỏ thái độ đứng giữa để ngả theo xu thế cải tổ nhanh chóng. Giang đưa Trung Quốc vào Tổ chức Thương mại Thế giới, chuẩn bị đưa người đầu tiên lên thám hiểm không gian, và tuyên bố, lần đầu tiên, rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc cần phải kết nạp vào hàng ngũ của mình những con số đông đảo gồm những người có đầu óc sáng tạo và có kỹ năng. Trong 13 năm cầm quyền của ông, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trung bình 9,7% mỗi năm.
Tuy nhiên, do cá tính và hoàn cảnh riêng, Giang khó trở thành một thủ lĩnh độc tài có khả năng chuyển đổi đất nước như Đặng. Vốn là một kỹ sư được đào tạo theo bài bản, Giang có đầu óc thực tiễn và thường chú tâm làm cho mọi việc vận hành có hiệu quả. Năm 1992, chẳng hạn, ông kể lại với một nhóm người Mỹ rằng một thập kỷ trước đó, khi còn là một quan chức nhỏ, ông đã đến thăm Chicago và đặc biệt chú ý đến việc thu nhặt rác của thành phố này vì ông hi vọng tìm ra một giải pháp cho vấn đề vệ sinh do các vỏ dưa hấu bị thải bỏ bừa bãi ở quê nhà. Rồi Giang khoe với những người Mỹ này rằng khi làm thị trưởng Thượng Hải, ông đã tiết kiệm diện tích đất bằng cách xây các đường dốc vào cầu theo hình xoắn ốc, nhờ vậy giảm bớt nhu cầu di dời cư dân thành phố. Những việc như thế này chắc chắn không thay đổi xã hội nhanh chóng, song những bận tâm của Giang thực sự cải thiện đời sống của người dân Trung Quốc bình thường.
Hồ và vị thủ tướng của mình, là Ôn Gia Bảo, lại càng tỏ ra ít có khả năng chuyển đổi xã hội hơn. Người ta có thể thấy trước diễn biến này thậm chí từ năm 2002, vào thời điểm Hồ sắp nhậm chức. “Một xu thế khác sẽ hướng tới lãnh đạo tập thể, chứ không phải là những lãnh đạo tối cao,” một nhà ngoai giao cao cấp Trung Quốc đã nói với tôi vào thời đó. “Việc lãnh đạo đất nước trong tương lai sẽ có tính cách tập thể và dân chủ hơn; các lãnh đạo sẽ tìm kiếm đồng thuận chứ không đưa ra những quyết sách độc đoán. Nhưng mặt yếu là, họ sẽ ít có quyền hạn hơn. Vì việc ra các quyết sách táo bạo khi đất nước cần đến những quyết sách táo bạo sẽ trở nên khó khăn hơn đối với họ.” Hồ gần như không thực hiện một cải tổ chính trị hay kinh tế nào; thành tựu đáng ghi nhận nhất của ông là đã cải thiện được quan hệ với Đài Loan. Cách lý giải độ lượng nhất đối với những năm tháng cầm quyền của Hồ là, ông ta đã tiêu hóa những cải tổ sâu rộng mà Đặng và Giang đưa ra.
Sau khi được đưa lên địa vị lãnh đạo cao nhất trong Đảng vào tháng Mười Một năm 2012, Tập đã củng cố quyền lực của mình một cách ấn tượng trong năm 2013, cho phép một cuộc tranh luận sôi nổi về các cải tổ xuất hiện, thậm chí khi ông đã thắt chặt các giới hạn về tự do bày tỏ. Cốt lõi của cuộc tranh luận này liên quan đến phương cách để tiếp sinh lực lại cho tăng trưởng kinh tế và mức độ theo đó một cuộc thay đổi chính trị có thể trở thành điều kiện tiên quyết cho tiến bộ kinh tế hơn nữa.
Sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung Ương tháng Mười Một 2013 (Hội nghị toàn thể lần thứ 3), chính quyền Tập tuyên bố ý định “làm sâu sắc thêm việc cải tổ một cách toàn diện” và đã thành lập một nhóm chuyên trách để thực hiện điều này. Việc cần đến một bộ phận như thế báo hiệu rằng nhiều tranh chấp chính sách vẫn còn tồn tại và rằng chính phủ trung ương có ý định tiếp tục tập trung vào cải tổ chí ít cho đến năm 2020. Nhưng giản dị là, không có một lộ trình đưa ra thật rạch ròi, vì trong vài lãnh vực, Trung Quốc cần thị trường hóa; trong một số lãnh vực khác, Trung Quốc cần phải phân tán quyền hành; và trong vài lãnh vực khác nữa, Trung Quốc cần phải tập trung quyền hành.
Mặc dù vẫn còn nhiều chỗ hàm hồ [trong tuyên bố của Hội nghị], nhưng cốt lõi của chính sách đang triển khai là cho phép thị trường đóng một vai trò quyết định trong việc phân phối các nguồn lực, đồng thời Bắc Kinh sẽ tạo sân chơi bình đẳng ở trong nước giữa các công ty nhà nước và các công ty phi-nhà nước và giản lược các thủ tục hành chánh về việc cấp giấy phép. Doanh nhân nước ngoài có thể tìm thấy một số điều vừa ý khi chính phủ hứa hẹn “nới lỏng tiếp cận đầu tư, tăng tốc việc xây dựng các khu tự do mậu dịch, và triển khai chính sách cởi mở kinh tế ở nội địa và miền duyên hải.” Những chính sách này cũng sẽ mang lại nhiều hậu quả chính trị, và thông cáo của phiên họp nói trên đã nhắc đến nhu cầu cải tổ trong ngành tư pháp và trong chính quyền địa phương, đồng thời một cách mơ hồ đề xuất thêm nhiều quyền cho người nông dân. Tuy vậy, trong việc kêu gọi thành lập hội đồng an ninh quốc gia, bản thông cáo đã xác định an ninh đối nội và đối ngoại là những quan tâm chính. Một cuộc trường chinh nằm trước mặt.
XÃ HỘI PHÂN HÓA
Những thay đổi này trong phong cách lãnh đạo cá nhân đã diễn ra đồng thời với một thay đổi cơ cấu khác: đó là tiến trình phân hóa xã hội, kinh tế, và bộ máy thư lại của Trung Quốc. Trong thời đại của Mao, các lãnh đạo quyết đoán rằng họ chỉ phục vụ một lợi ích – đó là lợi ích của quần chúng Trung Hoa. Công việc của chính phủ là đàn áp các thế lực ngoan cố và giáo dục người dân về lợi ích thực sự của họ. Việc quản trị quốc gia không nhắm vào hòa giải các dị biệt, mà là loại bỏ các dị biệt ấy đi.
Tuy nhiên, kể từ Mao về sau, xã hội và bộ máy thư lại Trung Quốc đã phân hoá ra nhiều mảng, khiến Bắc Kinh khó làm các quyết định và thi hành các chính sách hơn trước. Để đối phó với thử thách này, chính phủ Trung Quốc, đặc biệt từ thời Đặng, đã phát triển một hệ thống chính trị độc tài nhưng có khả năng đáp ứng một số đòi hỏi, rõ ràng quân bình các nhóm lợi ích quan trọng liên quan đến địa lý, chức năng, phe phái, và chính sách bằng cách cho chúng được đại diện ở những cấp cao nhất trong ĐCSTQ. Mặc dù những con đường dẫn đến việc bày tỏ thái độ chính trị riêng vẫn còn bị hạn chế và việc làm chính sách của giới lãnh đạo chóp bu vẫn thiếu công khai, nhưng các lãnh đạo Trung Quốc hiện nay cố gắng giải quyết, chứ không triệt tiêu, các xung đột giữa những nhóm lợi ích cạnh tranh nhau, chỉ dập tắt chúng khi họ nhận thấy chúng đặc biệt trở thành những đe dọa to lớn. Lãnh đạo Trung Quốc cố gắng thu hút hàng ngũ của các nhóm cử tri khác nhau, đồng thời đàn áp những người đứng đầu các phong trào chống chính phủ.
Nhiều nhóm lợi ích mới và có thế lực của Trung Quốc từ bản chất là lợi ích kinh tế. Giới lao động và giới quản lý hiện nay thường xung đột nhau về điều kiện làm việc và tiền lương. Trong một cung cách tương tự, khi các doanh nghiệp Trung Quốc trở nên giống các tập đoàn kinh tế phương Tây, chúng chỉ tuân theo các chỉ thị của Đảng một phần nào đó thôi. Chẳng hạn, như học giả Tabitha Mallory đẫn chứng, công nghiệp đánh bắt cá ngày càng được tư hữu hóa – năm 2012, có đến 70 phần trăm công ty đánh bắt cá “ở các vùng nước xa bờ” nằm trong tay tư nhân – khiến chính phủ trung ương ngày càng khó ngăn chặn việc đánh bắt cá vượt số lượng qui định [overfishing].
Đồng thời, trong khu vực quốc doanh, Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đang hậu thuẫn những chính sách tăng cường tính quyết đoán tại biển Hoa Nam [Biển Đông Việt Nam], nơi người ta cho rằng có trữ lượng hydrocarbon to lớn nằm dưới lòng đất, và do đó tập đoàn kinh tế này tìm thấy một mẫu số chung với hải quân Trung Quốc, là lực lượng đang đòi hỏi một ngân sách lớn hơn và một hạm đội được hiện đại hóa. Trong các vấn đề đối nội cũng như đối ngoại, các nhóm lợi ích đã trở thành những kẻ tham gia ngày càng có tiếng nói trong tiến trình làm chính sách.
Giới thư lại Trung Quốc đã tìm cách thích nghi với sự lan tràn của các nhóm lợi ích bằng cách tự mình phân hóa ra nhiều mảng. Các quan chức sử dụng những diễn đàn gọi là “tiểu tổ lãnh đạo” (lingdao xiaozu) để giải quyết các xung đột giữa những tổ chức và địa phương tranh chấp nhau. Do đó, các Phó Thủ tướng và các Ủy viên Quốc vụ viện mất nhiều thì giờ giải quyết những tranh chấp này. Trong khi đó, các tỉnh, các thành phố lớn như Thượng Hải chẳng hạn, và các hiệp hội công nghiệp và thương mại ngày càng dựa vào các người đại diện tại Bắc Kinh để đẩy mạnh lợi ích của mình bằng cách vận động hành lang các nhà làm quyết sách ở cấp quốc gia – một mô hình cũng đã được sao chép ở cấp tỉnh.
QUYỀN LỰC CỦA NGƯỜI DÂN
Mao gần như không bao giờ cho phép công luận hạn chế những chính sách của mình; ý dân là điều mà ông tự mình định nghĩa lấy. Nhưng về sau, Đặng lại đưa ra các cải tổ, vì ông sợ rằng ĐCSTQ có nguy cơ mất chính nghĩa, nhưng Đặng chỉ nghe theo công luận khi nó phù hợp với sự phân tích của chính ông.
Ngày nay, trái lại, gần như tất cả lãnh đạo Trung Quốc đều công khai nói về tầm quan trọng của công luận, với mục đích là để chặn trước các vấn đề có thể xảy ra. Vào tháng Tám 2013, chẳng hạn, tờ báo nhà nước Trung Quốc Nhật báo nhắc nhở người đọc rằng Ủy ban Phát triển và Cải tổ Quốc gia đã ra điều lệ đòi hỏi quan chức địa phương tiến hành các cuộc đánh giá rủi ro [risk assessments] để định khả năng xảy ra các xáo trộn trong dân chúng khi họ phản ứng chống lại các dự án xây dựng quan trọng và nói rõ rằng những công trình như thế phải đóng cửa tạm thời nếu chúng tạo ra một sự chống đối “ở mức trung bình” trong dân chúng.
Trung Quốc đã xây dựng một bộ máy đồ sộ với mục đích đo lường quan điểm của người dân – vào năm 2008, là năm gần đây nhất mà ta có thể tìm thấy dữ liệu, khoảng 51.000 hãng, nhiều hãng có hợp đồng với chính phủ, đã tiến hành các cuộc thăm dò dư luận – và thậm chí Bắc Kinh đã bắt đầu sử dụng các dữ liệu thăm dò để hỗ trợ việc đánh giá xem các quan chức ĐCSTQ có đáng được thăng thưởng hay không. “Sau Đặng, cho đến nay chưa có một thủ lĩnh độc tài nào xuất hiện, vì thế công luận đã trở thành một loại xã hội dân sự,” một chuyên gia thăm dò ý kiến, một người ngày càng nhận thêm nhiều hợp đồng từ chính phủ trung ương, đã nói với tôi năm 2012. “Tại Hoa Kỳ, thăm dò dư luận được sử dụng trong các cuộc tuyển cử, nhưng tại Trung Quốc, một công dụng chính của việc thăm dò là để theo dõi thành tích của chính phủ.”
Những diễn biến như thế này cho thấy rằng các lãnh đạo Trung Quốc hiện nay nhìn nhận rằng chính phủ cần phải đáp ứng các đòi hỏi nhiều hơn nữa, hay chí ít phải tỏ ra như thế. Thật vậy, từ năm 2000 trở đi, càng ngày họ càng viện dẫn công luận nhiều hơn trong việc giải thích các chính sách của mình về tỉ giá trao đổi ngọai tệ, thuế má, và cơ sở hạ tầng. Công luận thậm chí có thể là động lực thúc đẩy tính quyết đoán của Bắc Kinh trong khu vực vào năm 2009 và 2010. Niu Xinchun, một học giả Trung Quốc, tranh luận rằng Bắc Kinh đã theo đuổi một lập trường cứng rắn hơn trong các tranh chấp biển đảo và trong các vấn đề đối ngoại khác vào giai đoạn nói trên như một cách đáp ứng trực tiếp cơn phẫn nộ của công chúng về những chỉ trích từ phương Tây đối với hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc, nhất là trong thời gian gần Thế vận hội 2008, khi một số lãnh đạo phương Tây gợi ý là có khả năng họ sẽ không tham dự. Người Trung Quốc đặc biệt chán ghét thái độ của Pháp đến nỗi Trung Quốc Nhật báo đưa tin rằng “nhân dân Trung Quốc không muốn thấy Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tham dự lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh.”
Thái độ sẵn sàng đáp ứng rộng rãi hơn của Bắc Kinh phần lớn phát xuất từ việc nhìn nhận rằng khi các chính quyền địa phương, các tổ chức phi-nhà nước, và các cá nhân càng có nhiều quyền lực, thì chính phủ trung ương càng mất dần độc quyền về ngân quĩ, nhân tài, và thông tin. Ta hãy xét đến vấn đề vốn. Kể từ thời Đặng trở về sau, càng ngày vốn càng được tích lũy trong các ngân quĩ nằm ngoài thẩm quyền của chính phủ trung ương. Từ năm 1980 đến năm 2010, số tiền trong thu nhập tổng cộng của nhà nước được chi tiêu ở cấp địa phương đã tăng lên từ mức 42 phần trăm đến 82 phần trăm. Trong khi đó lượng hàng hóa trong toàn bộ sản phẩm công nghiệp do khu vực nhà nước sản xuất đã rớt xuống từ mức 78 phần trăm năm 1978 xuống 11 phần trăm năm 2009. Tất nhiên, nhà nước vẫn nắm quyền kiểm soát chặt chẽ các khu vực chiến lược liên quan đến quốc phòng, năng lượng, và các cơ sở hạ tầng công cộng có qui mô lớn, và người dân Trung Quốc bình thường vẫn chưa hưởng được bất cứ một điều gì gần gũi với tự do kinh tế vô giới hạn. Sự thay đổi chính sách này cũng làm lợi cho các quan chức tham nhũng địa phương, các lãnh đạo quân sự, các tổ chức tội phạm, và các doanh nhân côn đồ (rogue entrepreneurs), vì tất cả bọn họ đều có thể đi ngược lại các lợi ích công dân. Nhưng khi người dân giành được quyền kiểm soát các nguồn lực kinh tế, họ có rất nhiều lựa chọn hơn trước về nơi họ muốn ở, về tài sản họ muốn mua, về cách họ muốn giáo dục con cái, và về những cơ hội họ muốn theo đuổi. Đây chưa phải là tự do không hạn chế, nhưng chắc chắn đây là một khởi đầu.
Còn về vốn con người (human capital), vào niên khóa 1977-78, niên khóa đầu tiên sau cuộc Cách mạng Văn hóa, có khoảng 400.000 học sinh trúng tuyển vào các đại học tại Trung Quốc; vào năm 2010, con số đó đã tăng lên 6,6 triệu. Ngoài ra, hiện nay có nhiều sinh viên Trung Quốc đang du học ở nước ngoài – trong niên khóa 2012-13, riêng tại Mỹ có hơn 230.000 sinh viên Trung Quốc đến học tập – và nhiều người sẽ trở về nước sau khi tốt nghiệp. Kết quả là Trung Quốc đang có một vựa nhân tài đồ sộ, những người có khả năng tạo sức mạnh cho các tổ chức và các doanh nghiệp nằm ngoài kiểm soát của nhà nước. Những thực thể này đang lớn mạnh từng ngày về số lượng và quyền lực, và trong một số trường hợp, chúng đã bắt đầu thực hiện những chức năng trước đây chỉ được nhà nước đảm trách – hay chẳng được ai ngó ngàng đến. Chẳng hạn, Viện Nghiên cứu các Vấn đề Công cộng và Môi trường, một tổ chức phi chính phủ chuyên thu thập và công bố các dữ liệu về cách vất bỏ đồ phế thải của các nhà máy, đã tạo được sức ép buộc một số công ty gây ô nhiễm môi trường phải sửa đổi lề lối làm việc của mình.
Người dân Trung Quốc bình thường cũng đang tiếp cận được một lượng thông tin đồ sộ chưa từng thấy. Hiện nay đã có hơn nửa tỉ người Trung Quốc sử dụng Internet. Ngoài việc khống chế dòng chảy thông tin bằng cái gọi là bức Đại Tường thành Lửa [the Great Firewall], hiện nay chính phủ cần phải dùng thông tin để chọi lại thông tin. Chẳng hạn, nhằm đối phó các đồn đãi trên mạng về quan chức ĐCSTQ bị thất sủng Bạc Hi Lai, chính phủ đã công bố những phần đã kiểm duyệt của các lời chứng tại toà án cho các mạng xã hội Trung Quốc. Chính phủ trung ương đã thực hiện các nỗ lực phi thường vừa để vận dụng những lợi ích của Internet vừa để ngăn chặn những hệ quả gây bất ổn nhất của nó.
Đồng thời, ngày càng nhiều công dân Trung Quốc lũ lượt tràn vào các thành thị. Tiến trình đô thị hóa có xu thế gắn liền với trình độ giáo dục và mức lương cao hơn trước, đồng thời nâng cao những kỳ vọng của người dân. Như một chuyên gia kinh tế Trung Quốc có nhiều thâm niên đã nói với tôi năm 2010, “Ở thành thị, người dân có thể thở một không khí tự do tươi mát.”
Việc kết hợp những yếu tố gồm các khối dân cư ngày càng sống chen chúc trong các thành thị, cùng với những kỳ vọng của người dân tăng lên nhanh chóng, với sự bành trướng tri thức, và sự dễ dàng hơn về trong việc phối hợp các hành động xã hội, có nghĩa là các lãnh đạo Trung Quốc sẽ thấy việc cai trị dần dần trở nên thách thức hơn đối với họ. Thật ra họ đã thấy rõ điều này. Vào tháng Mười Hai 2011, chẳng hạn, một bí thư địa phương thuộc tỉnh Quảng Đông trong khi phải đối đầu với các nông dân đang phẫn nộ về việc đất đai của họ bị cưỡng chế, đã xẵng giọng trước đám đông, “Chỉ có một bọn người thật sự chịu nhiều gian khổ chồng chất, từ năm này sang năm khác. Đó là ai, quí vị biết không? Đó là cán bộ, chính là cán bộ, trong đó có tôi.”
CÔNG DÂN HAY THẦN DÂN?
Cuộc cách mạng cải tổ của Trung Quốc đã đi tới một điểm mà Đặng và đồng bào của ông chưa bao giờ có thể dự kiến. Hiện nay các lãnh đạo chóp bu Trung Quốc đang phấn đấu vất vả để cai trị bằng đường lối tập thể, đừng nói chi đến việc quản lý một bộ máy thư lại ngày càng phức tạp và một xã hội ngày càng phân hóa. Việc lãnh đạo của họ càng trở nên khó khăn hơn do Trung Quốc thiếu hẳn các định chế để kết hợp các nhóm lợi ích khác nhau, phân xử một cách vô tư các xung đột giữa chúng với nhau, và để đảm bảo việc thực thi chính sách có trách nhiệm và công bằng. Nói thế khác, mặc dù Trung Quốc có thể có một nền kinh tế sung sức và một quân đội hùng mạnh, nhưng hệ thống cai trị của nó đã trở nên dễ gãy đổ.
Những sức ép này có thể đưa Trung Quốc vào một trong những lộ trình có thể xảy ra sau đây. Một lựa chọn là, lãnh đạo Trung Quốc sẽ cố gắng tái lập hệ thống trung ương tập quyền độc tài, nhưng việc này cuối cùng sẽ không đáp ứng nhu cầu của một xã hội Trung Quốc đang nhanh chóng chuyển mình. Khả năng thứ hai là, trước tình trạng hỗn hoạn và thối nát, một lãnh tụ có sức thu hút quần chúng và có khả năng thay đổi vận mạng đất nước sẽ đứng ra thiết lập một trật tự mới – có lẽ sẽ dân chủ hơn nhưng cũng có thể độc tài hơn. Kịch bản thứ ba nguy hiểm hơn nhiều: Trung Quốc tiếp tục phân hóa, mà không xây dựng được những định chế và qui phạm cần thiết để quản trị đất nước một cách có trách nhiệm và công bằng và để hành xử một cách xây dựng đối với nước ngoài. Con đường này có thể dẫn đến hỗn loạn.
Nhưng còn có một kịch bản thứ tư, trong đó các lãnh đạo Trung Quốc sẽ thúc đẩy quốc gia đi tới, bằng cách thiết lập chế độ pháp trị (the rule of law) và các cơ cấu điều hành có khả năng phản ánh trung thực hơn các lợi ích đa dạng của đất nước. Bắc Kinh còn cần phải tìm kiếm thêm chính nghĩa cho mình ngoài phạm vi tăng trưởng kinh tế, chủ nghĩa duy vật, và địa vị toàn cầu, bằng cách xây dựng các định chế có nền móng là hậu thuẫn đích thực của người dân. Điều này không có nghĩa là phải chuyển sang một thể chế hoàn toàn dân chủ, mà có nghĩa là phải chấp nhận những đặc điểm dân chủ như: sự tham gia của người dân vào sinh hoạt chính trị ở cấp địa phương, tính minh bạch của quan chức nhà nước, những cơ quan tư pháp và chống tham nhũng độc lập hơn, và một xã hội dân sự dấn thân hơn, những kiểm soát có tính định chế (institutional checks) đối với quyền hành pháp, và những định chế lập pháp và dân sự để giúp những nhóm lợi ích đa dạng trong nước thể hiện được nguyện vọng của mình. Chỉ sau khi tất cả những biện pháp này được thực hiện đầy đủ, chính phủ Trung Quốc mới có thể bắt đầu thử nghiệm việc cho phép người dân có tiếng nói trong việc tuyển chọn các lãnh đạo hàng đầu trong chính phủ.
Những câu hỏi then chốt cần đặt ra hiện nay là, liệu Tập có ủng hộ một đường lối như vậy không, thậm chí chỉ trên lý thuyết, và liệu ông ta có đủ bản lĩnh để theo đuổi đường lối này đến nơi đến chốn không. Các dấu hiệu sơ bộ cho thấy rằng những phần tử ủng hộ cải tổ kinh tế đã thắng thế dưới sự lãnh đạo của ông, và những chính sách quan trọng được Hội nghị toàn thể lần thứ 3 phê chuẩn sẽ gia tăng sức ép đòi cải tổ chính trị. Nhưng thời đại Tập Cận Bình chỉ mới bắt đầu, và hãy còn quá sớm để ta có thể nói là thời gian ở trong quân đội và kinh nghiệm phục vụ của Tập tại những vùng được hiện đại hóa, những đô thị lớn, có giao lưu toàn cầu nhất – Phúc Kiến, Chiết Giang, và Thượng Hải – có mang lại cho nhà lãnh đạo này thẩm quyền và viễn kiến cần thiết để đẩy đất nước theo hướng đi của lịch sử hay không. Tập và sáu thành viên khác trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị hiện nay, cơ quan làm quyết sách có quyền lực nhất Trung Quốc, xuất thân từ những bối cảnh giáo dục khác nhau hơn so với thành viên của các Ban Thường vụ trước đây. Tính đa dạng này có thể báo trước một giai đoạn sáng tạo, nhưng nó cũng có thể tạo ra tình trạng tê liệt.
Thông thường vẫn có một nguy cơ là những người đã leo được lên địa vị chóp bu của một hệ thống chính trị rồi, có thể không còn thấy gì xa hơn nữa. Nhưng lịch sử vẫn cho người ta hi vọng: tại Trung Quốc, Đặng đã nhìn xa hơn Mao và hệ thống chính trị mà Mao nặn ra, và tại Đài Loan Tưởng Kinh Quốc đã mang lại những cải tổ nhằm tự do hóa xã hội vào thập niên 1980, một điều mà cha ông là Tưởng Giới Thạch trước đó đã tìm cách ngăn chặn.
Những nguy cơ khiến Trung Quốc đứng yên một chỗ thì nhiều, mà những cơ may vươn tới phía trước thì ít, và Trung Quốc chỉ có thể hi vọng rằng các lãnh đạo của mình nhận ra được sự thật này để đẩy đất nước đi tới, thậm chí dù không biết chính xác là họ sẽ đi đâu. Nếu Tập và phe nhóm của ông không làm được điều này, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng: chính phủ sẽ đánh mất tăng trưởng kinh tế, lãng phí tiềm năng con người, và có lẽ thậm chí hũy hoại cả ổn định xã hội. Tuy nhiên, nếu các lãnh đạo mới của Trung Quốc có thể vạch ra một lộ trình để tiến tới một hệ thống quản trị quốc gia nhân đạo hơn, có sự tham dự của người dân, và đặt cơ sở trên luật lệ – trong khi vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh và ổn định xã hội – thì họ sẽ phục hồi được sức sống của quốc gia, vốn là tiêu chí của những nhà yêu nước và cải tổ suốt một thế kỷ rưỡi nay.
D. M. L.
DAVID M. LAMPTON là Giáo sư ngành Trung Quốc học – ngạch giáo sư vinh danh George và Sadie Hyman – và là Giám đốc SAIS-China tai Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp của Đại học Johns Hopkins. Bài tiểu luận này dựa vào cuốn sách của ông nhan đề Following the Leader: Ruling China, From Deng Xiaoping to Xi Jinping (Đi theo lãnh đạo: việc cai trị tại Trung Quốc, từ Đặng Tiểu Bình đến Tập Cận Bình), do the University of California xuất bản, 2014.
Nguồn: Foreign Affairs, Jan/Feb 2014
Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"