Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

Tổng Bí thư hoàn toàn tỉnh táo.

Xích Tử
Sau khi cầm gậy chỉ huy đe nẹt để 486 người dự họp “Quốc hội” là đảng viên đảng cộng sản bấm nút thông qua “Hiến pháp”, ông Chủ tịch nước sửa soạn bút để ký công bố nhanh; ông Tổng Bí thư đi gặp gỡ cử tri để chào hàng.
Tại quận Ba Đình, Hà Nội, ông đã có những phát biểu lạ, rất ấn tượng, đến mức một số blogger bình luận gia cho rằng ông bị tẩu hỏa nhập ma.
Tôi thì không cho là như thế. Những phát biểu của ông về vấn đề tham nhũng khi được nhiều cử tri, nhất là cử tri có máu mặt, nổi tiếng là thâm thúy ở một quận trung tâm của đất Tràng An đặt ra, là hết sức tỉnh táo, với tư thế của người chiến thắng.
Trước kỳ họp “Quốc hội”, vấn đề nói trên được đưa ra trên nhiều diễn đàn, trong đó có hội nghị trung ương 8, với những bàn luận, đánh giá gay gắt. Kết luận của Hội nghị ghi “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt được mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi” chứ không nhẹ nhàng ở mức “ngứa ghẻ” mà ông Tổng đã nói trước đó; bản kết luận cũng xác định nhiệm vụ tiếp tục “đẩy mạnh” công tác này trong năm 2014 và phần còn lại của nhiệm kỳ XI. Đó là lời hứa của đảng khi chưa thông qua “Hiến pháp” sửa đổi.

Thế nhưng, một khi đã thông qua được “Hiến pháp” rồi, bằng những phát biểu của mình, ông Tổng Bí thư đã thể hiện sự hài hước một cách không nghiêm túc nhưng hoàn toàn tỉnh táo của một người đã giành được chuôi dao, một người thắng cuộc, chuẩn bị cho một cuộc trở cờ, chạy làng.
Với phát biểu rằng sắp xử án tham nhũng, bà con chờ xem, ông biến một trong những hoạt động tư pháp quan trọng đối với tội phạm tham nhũng mà cả nước nóng ruột chờ đợi trở thành vở kịch, trò giải trí không hơn không kém. Có người xem ông như một người viết tiểu thuyết chương hồi nhiều tập với “hồi sau sẽ rõ” và “nên có thơ rằng”; riêng tôi thì vì có xem cảnh ông cười rất tươi trong buổi gặp gỡ với số “cử tri”có chọn lọc của ông, tôi có cảm giác như ông đang tham gia một gánh mãi võ Sơn Đông lãng vãng ở các chợ miền quê ngày xưa, với trò ảo thuật nội công mà trước đó chủ gánh võ rao tất to “mua zô, mua zô...” và chờ xem.
Còn khi ông nêu việc hối lộ, tham nhũng trong chuyến đi thỉnh kinh của Đường Tăng, xem đó là chuyện phổ biến đương nhiên từ ngày xưa ngay cả trong giới tăng lữ cõi Phật và do vậy cần phải xem xét tham nhũng một cách biện chứng, khoa học thì rõ ràng ông rất nghiêm túc và tỉnh táo trong việc tự khoe sự thiếu hiểu biết nhưng thừa thái độ xem thường nhân dân của mình. Bởi là một cử nhân ngữ văn, ông thừa biết chi tiết mà ông nêu làm gương là chuyện hư cấu của tiểu thuyết và kịch bản phim với hai tác giả sống ở hai thời đại khác nhau. Khi nhà văn dựng nên chi tiết đó, không chắc hẳn là việc có thật trong chuyến thỉnh kinh của nhà sư đời Đường; và nhà văn có ngụ ý riêng khi phản ánh vấn đề thời đại của họ vào chi tiết của truyện/phim, cũng như chi tiết tương tự trong Truyện Kiều, rồi một nhà thơ sau đó khích vào thời buổi của mình “Có tiền việc ấy mà xong nhỉ / Đời trước làm quan cũng thế ru ?”.
Nhưng khi ông lấy chi tiết đó làm ví dụ, ông lại hiểu đó là sự thật lịch sử, nên hiện tượng này có từ lâu, và do vậy, có tính tất yếu, cần phải nhìn biện chứng và khoa học. Đến đây, ông lòe nhân dân bằng ngôn ngữ macxít lêninit, và lừa nhân dân rằng, vấn đề tham nhũng còn cần phải nghiên cứu, chưa thể kết luận được, và chưa thể giải quyết ngay được như đã hứa trước đó và rất lâu rồi. Với cách nói đó, ông gián tiếp chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng, trong đó, vừa có phương án có lý có tình, không gây ân oán thù oán trong vụ CIPUTRA của ông, vừa nhắc nhở việc ông kiên trì ủng hộ để ông Bí thư Thành ủy Hà Nội trở thành Tổng Bí thư tương lai v.v...Xa hơn nữa, ông gián tiếp giao nhiệm vụ cho Hội đồng lý luận trung ương và các cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn đăng ký chương trình nghiên cứu khoa học quốc gia về tham nhũng, trong đó phải định nghĩa chính xác về tham nhũng, nguồn gốc, bản chất, lịch sử hình thành và phát triển của nó, tính giai cấp, tính đảng, tính dân tộc của tham nhũng, phân biệt tham nhũng tư bản chủ nghĩa và tham nhũng xã hội chủ nghĩa, cuộc đấu tranh ai thắng ai, một mất một còn giữ hai loại tham nhũng này; dự báo con đường vận động lịch sử của tham nhũng trên thế giới và ở Việt Nam để họa chăng chủ nghĩa xã hội có hoàn thiện vào cuối thế kỷ XXI.
Hoan nghênh sự tỉnh táo minh triết của ông Tổng Bí thư.
Xích Tử

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"