Trịnh Hữu Long
Ngày 10 tháng 12 năm 2013
Bối cảnh
Hành vi được phân tích trong bài này được thực hiện vào hồi 17h ngày
08 tháng 12 năm 2013 tại Công viên 23-9, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh,
bởi công dân Nguyễn Tuấn Anh, sinh năm 1981, nhân viên của tổ chức Đoàn
Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tại thành phố Hồ Chí Minh (thường gọi là
Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh), trình độ học vấn: thạc sỹ quản lý hành
chính công. [1]
Chứng cứ được sử dụng để phân tích là một đoạn phim dài 01 phút 11 giây được người sử dụng Thanh Long đăng tải trên website ngày 08/12/2013. [2]
Phân tích hành vi
Đoạn phim cho thấy một tài sản là tệp giấy của một người phụ nữ tên
là Nguyễn Hoàng Vi được chuyển dịch cơ học từ Vi sang Tuấn Anh. Khoa học
hình sự Việt Nam đưa ra bốn yếu tố để phân tích một hành vi nào đó có
phải là tội phạm hay không, hay còn gọi là bốn yếu tố cấu thành tội
phạm, bao gồm: mặt khách quan, mặt chủ quan, khách thể, chủ thể. Bài
viết sẽ tập trung phân tích bốn yếu tố này trong hành vi của Nguyễn Tuấn
Anh được ghi nhận trong đoạn phim nêu trên, để trả lời cho hai câu hỏi:
(i) hành vi này có phải là tội phạm không?
(ii) nếu có, hành vi này là tội gì?
(ii) nếu có, hành vi này là tội gì?
1. Mặt khách quan
Mặt khách quan là tất cả những dấu hiệu được biểu hiện ra bên ngoài của hành vi.
a. Hành vi khách quan
Trong đoạn phim được sử dụng làm chứng cứ, Nguyễn Tuấn Anh đã có các hành vi khách quan sau:
(i) Giật tài sản: Bắt đầu từ giây thứ 52, Nguyễn Tuấn Anh đã giật tài
sản thuộc quyền sở hữu hoặc quyền quản lý của Nguyễn Hoàng Vi. Tài sản
được xác định là bản sao bằng giấy của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền,
đang được Nguyễn Hoàng Vi cầm trên tay.
Tính chất nhanh chóng và bất ngờ là dấu hiệu đặc trưng của hành vi
giật. Tại đoạn phim, Nguyễn Tuấn Anh đã thực hiện hành vi chiếm đoạt tài
sản của Nguyễn Hoàng Vi một cách bất ngờ và trong thời gian 03 giây đã
hoàn thành mục đích chiếm đoạt tài sản.
Hành vi của Nguyễn Tuấn Anh được diễn ra tại một không gian công cộng
là công viên 23-9, xung quanh có đông người và nhiều phương tiện ghi
hình đang làm việc. Điều này cho thấy Nguyễn Tuấn Anh không có ý định
che giấu hành vi của mình, đồng nghĩa với việc công khai thực hiện hành
vi.
(ii) Tẩu thoát: Ngay sau khi thực hiện xong hành vi giật tài sản,
Nguyễn Tuấn Anh đã tẩu thoát ra một địa điểm cách Nguyễn Hoàng Vi khoảng
5 mét và sau đó tiếp tục đi bộ ra khoảng cách xa hơn.
b. Hậu quả
Hậu quả của hành vi là sự thiệt hại về tài sản, tinh thần và sức khỏe
của công dân Nguyễn Hoàng Vi. Mặc dù hậu quả và thiệt hại được cho là
không đáng kể, nó vẫn được xem xét như một phần của cấu thành tội phạm.
2. Mặt chủ quan
Mặt chủ quan của hành vi là biểu hiệu về mặt tâm lý của người thực
hiện đối với hành vi và hậu quả của hành vi đó. Mặt chủ quan bao gồm 03
yếu tố: lỗi, động cơ và mục đích thực hiện hành vi.
a. Lỗi
Lỗi là thái độ tâm lý của một người đối với hành vi nguy hiểm cho xã
hội và hậu quả của hành vi đó dưới hình thức cố ý hoặc vô ý. [3] Đoạn
phim cho thấy Nguyễn Tuấn Anh nhận thức được hành vi của mình là nguy
hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả
đó xảy ra. Đây là lỗi cố ý theo quy định tại Khoản 1, Điều 9, Bộ luật
Hình sự, hay còn được khoa học hình sự gọi là lỗi cố ý trực tiếp.
Có ý kiến cho rằng, Nguyễn Tuấn Anh không nhận thức được hành vi của
mình là nguy hiểm cho xã hội, với suy nghĩ rằng việc chiếm đoạt bản
Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền là chống lại các thế lực mà anh cho là
“thù địch”, chống lại các hành vi mà anh cho là “diễn biến hòa bình”, từ
đó góp phần ổn định trật tự xã hội. Tác giả bài viết không đồng ý với
các lập luận này, vì cho rằng Nguyễn Tuấn Anh có đầy đủ năng lực chủ thể
để hiểu rằng, việc chiếm đoạt một tài sản hợp pháp của người khác là
nguy hiểm cho xã hội, bất chấp tài sản hợp pháp đó là bản Tuyên ngôn
Quốc tế Nhân quyền hay Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam.
b. Động cơ:
Có ý kiến cho rằng, đối tượng này muốn lập thành tích với đơn vị công
tác trong việc ngăn cản các “thế lực thù địch”, “âm mưu diễn biến hòa
bình”. Tuy nhiên, tác giả chưa có căn cứ xác đáng để xác định động cơ
của Nguyễn Tuấn Anh khi thực hiện hành vi này.
c. Mục đích:
Đoạn phim cho thấy Nguyễn Tuấn Anh đã thực hiện hành vi một cách quả
quyết và dứt khoát, trong thời gian rất ngắn, đó là dấu hiệu cho thấy
đối tượng này có mục đích chiếm đoạt tài sản một cách rất rõ ràng.
3. Khách thể
Khách thể của tội phạm là các quan hệ xã hội bị xâm phạm mà các quan
hệ xã hội đó được Bộ luật hình sự bảo vệ. [4] Ở đây, hành vi của Nguyễn
Tuấn Anh đã cùng lúc xâm phạm hai quan hệ xã hội: quan hệ tài sản và
quan hệ nhân thân, mà cụ thể ở đây là: (i) sở hữu cá nhân của Nguyễn
Hoàng Vi đối với bản sao bằng giấy của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, và
(ii) trạng thái tinh thần, sức khỏe của Nguyễn Hoàng Vi.
4. Chủ thể
Nguyễn Tuấn Anh, người được xác định là chủ thể của hành vi, 32 tuổi,
nằm trong độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự đầy đủ đối với hành vi
của mình.
Tác giả không có hồ sơ bệnh án đối với các bệnh về tâm thần của
Nguyễn Tuấn Anh và căn cứ dựa trên việc đối tượng này đang làm việc tại
tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, tác giả cho rằng Nguyễn
Tuấn Anh không mắc các bệnh về tâm thần. Có ý kiến cho rằng biểu hiện
tâm lý của đối tượng trong đoạn phim như cười nhếch mép, đối xử thô bạo
với một phụ nữ có thể hình kém hơn hẳn, cướp giật một văn kiện pháp lý
quốc tế quan trọng về nhân quyền (mà Việt Nam là nước ký kết) từ một
người đang cố gắng giúp người dân tiếp cận, bỏ chạy sau khi thực hiện
xong hành vi,... là dấu hiệu của bệnh tâm thần và cần được trưng cầu
giám định. Tác giả giữ quan điểm cho rằng, những dấu hiệu này thuộc về
phạm trù tâm lý học tội phạm chứ không phải phạm trù bệnh lý và cho rằng
tình trạng sức khỏe tâm thần của Nguyễn Tuấn Anh hoàn toàn bình thường.
Như vậy, căn cứ vào Điều 12 của Bộ luật Hình sự về tuổi chịu trách
nhiệm hình sự và Điều 13 về tình trạng không có năng lực trách nhiệm
hình sự, tác giả cho rằng Nguyễn Tuấn Anh là người có đầy đủ năng lực
trách nhiệm hình sự.
Kết luận
Từ các phân tích nêu trên, tác giả cho rằng hành vi của Nguyễn Tuấn
Anh là hành vi cướp giật tài sản, được quy định tại Điều 136 của Bộ luật
Hình sự:
Điều 136. Tội cướp giật tài sản
1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;
g) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
h) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng.
Theo thạc sĩ Đinh Văn Quế, nguyên Phó Chánh tòa Tòa hình sự, Tòa án Nhân dân Tối cao, “cướp giật tài sản là nhanh chóng giật lấy tài sản của người khác một cách công khai rồi tìm cách tẩu thoát”. [5]
Bộ luật Hình sự không quy định giá trị tài sản bị cướp giật như là
tình tiết định tội. Điều này đồng nghĩa với việc giá trị tài sản bị loại
bỏ trong quá trình xem xét một hành vi của Nguyễn Tuấn Anh có phải là
tội cướp giật tài sản hay không. Bất kể bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân
quyền của công dân Nguyễn Hoàng Vi có giá trị bao nhiêu, đó vẫn là tài
sản đang nằm trong sự chiếm hữu của Nguyễn Hoàng Vi, và hành vi của
Nguyễn Tuấn Anh phải được xác định là cướp giật tài sản.
Tại sao hành vi của Nguyễn Tuấn Anh không phải là cướp tài sản mà lại
là cướp giật tài sản? Sự khác nhau giữa hai hành vi này là yếu tố vũ
lực.
Điều 138, Bộ luật Hình sự quy định như sau:
Tội cướp tài sản
1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
Dựa trên đoạn phim được sử dụng làm chứng cứ, chúng ta có thể xác
định Nguyễn Tuấn Anh không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực
ngay tức khắc đối với Nguyễn Hoàng Vi hoặc có hành vi nào khác làm cho
Nguyễn Hoàng Vi lâm vào tình trạng không thể chống cự. Hành vi của
Nguyễn Tuấn Anh là dùng tay tác động vào bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân
quyền và giật nó ra khỏi tay Nguyễn Hoàng Vi. Việc Nguyễn Hoàng Vi bị
chao đảo và sắp ngã không phải là hậu quả của việc Nguyễn Tuấn Anh sử
dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực.
Như vậy, thông qua các phân tích trên đây, chúng ta nhận thấy những
dấu hiệu rõ ràng của việc phạm tội cướp giật tài sản, mà người thực hiện
là Nguyễn Tuấn Anh./.
____________
____________
Chú thích
[1] Xem: Tiếng vọng quê hương thôi thúc tôi trở về, báo Đại Đoàn Kết, ngày 15/11/2013, tại http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1463&Style=1&ChiTiet=71698
[2] Xem: MLBVN chào mừng ngày Quốc Tế Nhân Quyền tại công viên 23/9. phần 3, tại http://www.youtube.com/watch?v=edpSSgF40W0&feature=youtu.be
[3] Xem: Bình luận Bộ luật hình sự (phần riêng), Chương XIV Các tội
xâm phạm sở hữu trong Bộ luật hình sự năm 1999", Đinh Văn Quế, Nhà xuất
bản TP. Hồ Chí Minh.
[4] Xem: Như trên.
[5] Xem: Bình luận Bộ luật hình sự (phần riêng), Chương XIV Các tội
xâm phạm sở hữu trong Bộ luật hình sự năm 1999", Đinh Văn Quế, Nhà xuất
bản TP. Hồ Chí Minh.
* Do một số hạn chế khách quan về tài liệu, một số trích dẫn trong
bài viết này đã không được chú thích một cách đầy đủ. Tác giả rất mong
được độc giả lượng thứ.