Một quan chức thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người vừa tuyên bố ly khai Đảng hồi đầu tháng 12, đang trong tình ‘trạng sức khỏe nguy kịch’ và được ‘cấp cứu tích cực’ ở bệnh viện, theo nguồn tin từ gia đình.
Hôm 14/12/2013, người nhà của luật gia
Lê Hiếu Đằng, Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật
thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, xác nhận với BBC tin
ông Lê Hiếu Đằng đang được cấp cứu ở một bệnh viện tại Sài Gòn do bị
‘hôn mê’ và cần tới thiết y tế bị hỗ trợ hô hấp và hồi sức tích cực.
“Các bác sỹ vẫn đang cấp cứu, họ nói là bao giờ cấp cứu xong thì sẽ báo,” một người thuộc hàng con cái trong gia đình ông Đằng không muốn công bố danh tính, cho biết.
“Ông nhập viện đã hai tuần và có tiền sử bệnh ung thư, hiện người nhà vẫn chưa vào thăm được.”
Cũng hôm thứ Bảy, luật sư Trần Quốc
Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội, cho hay ông
Đằng đang trong tình trạng mà theo ông là ‘hấp hối’ và ‘rất nguy kịch’.
Ông nói: “Ông Lê Hiếu Đằng đang ở trong tình trạng gọi là hấp hối, bệnh tình rất nguy kịch, tím tái hết và bị hôn mê.”
“Theo nhận định của anh em là đang ở những giờ phút cuối,” ông Thuận cho biết thêm.
Tuy nhiên, cùng này, ông Huỳnh Ngọc Chênh, một blogger
đã tới thăm ông Đằng tại Khoa Ưng thư, thuộc Bệnh viện 115, nơi nguyên
phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh đang được
chăm sóc, cho BBC hay:
“Ông Đằng vẫn còn trong cơn nguy kịch,
phải thở máy, tuy sau khi được chăm sóc đã có biểu hiện khá hơn đôi
chút, nhưng vẫn còn phải được theo dõi, và chưa biết thế nào,
“Hiện bệnh viện chỉ cho duy nhất một
người ở bên trong phòng cấp cứu bên cạnh ông Đằng và vợ của ông đang ở
trong đó, những người khác, bạn bè, người thân chưa vô trong thăm được.”
‘Công an hiện diện?’
Trước đó, trên một trang blog của mình,
blogger Huỳnh Ngọc Chênh, nguyên Thư ký Tòa soạn báo Thanh Niên, cập
nhật tình hình sức khỏe của ông Đằng, thông báo viết:
“Nguồn tin từ bác sĩ: Bác Đằng, sau cấp cứu đã tỉnh lại và có vẻ khỏe lên đôi chút.”
Hôm 14/12, trang Diễn đàn Dân sự do nhóm
của Tiến sỹ Nguyễn Quang A điều hành nói vị luật gia đang được ‘theo
dõi đặc biệt’ tại một phòng Hồi sức cấp cứu, và cho biết ‘một số bạn
hữu’ của ông Đằng đã có mặt bên cạnh gia đình, trong đó có các ông Huỳnh
Tấn Mẫm, Lê Công Giàu, Huỳnh Kim Báu, Kha Lương Ngãi v.v…
Cùng ngày, khi được hỏi liệu có thực có việc một số đông an ninh,
công an đã xuất hiện ở bệnh viện nơi ông Đằng được cấp cứu hay không,
như có phản ánh trên mạng xã hội, người nhà ông Đằng đã không bác bỏ,
cũng như không xác nhận tin này.
“Dạ, cái đó tôi không biết,” nguồn này nói.
Khi được hỏi tiếp liệu có ai thuộc cơ
quan Mặt trận, đảng hoặc chính quyền ở bất kỳ cấp nào tới thăm viếng ông
Đằng hay không, người nhà của ông trả lời:
“Dạ cái đó là công việc của ông, tôi cũng không biết ạ, tôi chỉ biết là bây giờ quan tâm, chăm sóc ông mà thôi.”
Tuy nhiên, luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng hiện tượng này cũng có thể là ‘bình thường’, nếu công an, an ninh có mặt. Ông nói:
“Câu chuyện công an họ có mặt ở chỗ này, chỗ kia ở Việt Nam thì theo
tôi là câu chuyện cũng bình thường, nếu họ không làm việc gì động chạm
nhất là đến ông Đằng và các anh em khác, thì tôi cho là cũng không có
vấn đề gì.”
‘Chất vấn Quốc hội’
Hôm thứ Bảy, trang Diễn đàn Xã hội Dân sự công bố hai văn bản viết tay được cho là của luật gia Lê Hiếu Đằng với chữ ký của ông.
Một trong hai văn bản đề ngày 10/12 nêu quan điểm của ông liên quan quyền lập tổ chức chính trị, xã hội của công dân.
Văn bản đề gửi tới Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ của cơ quan lập pháp này viết:
“Tôi là Lê Hiếu Đằng, công dân, cử tri
TP Hồ Chí Minh, trân trọng đề nghị các vị trả lời công khai, minh bạch
văn bản đề ngày 22-08-2013 của LS Trần Vũ Hải về việc luật pháp có cấm
công dân tổ chức các tổ chức chính trị, xã hội. Nếu các vị không công
khai trả lời thì đương nhiên công dân có quyền này.
“Trong thời gian luật định nếu các vị không công khai trả lời thì công dân có quyền thực hiện quyền này.”
Hôm 14/2, một nguồn quen biết với ông
Đằng nói với BBC nếu chỉ căn cứ riêng trên nét chữ, chữ ký và văn phong
trong văn bản nói trên, thì đây đúng là ‘thủ bút’ và ‘văn phong’ của vị
luật gia.
Còn luật sư Trần Quốc Thuận khẳng định
với BBC tinh thần văn bản này ‘phản ánh đúng quan điểm’ của ông Lê Hiếu
Đằng, người đã kêu gọi lập một chính đảng mới là Đảng Dân chủ Xã hội
trong một khoảng thời gian khá lâu trước khi ông tuyên bố ly khai Đảng
Cộng sản Việt Nam.
Ông Lê Hiếu Đằng, người có hơn 45 năm là
đảng viên Đảng Cộng sản, mới đây đã có hai văn bản gây chú ý dư luận,
trong đó hôm 4/12/2013, ông công bố công khai ly khai khỏi chính đảng
duy nhất đang cầm quyền ở Việt Nam.
Trong một văn bản khác hôm 8/12, ông lên
tiếng phản đối việc trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM đã buộc
một nữ sinh, cô Nguyễn Phương Uyên, người đang chịu án một bản án tù
treo 3 năm với 52 tháng thử thách do bị Tòa án khép vào tội “tuyên
truyền chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam”, phải thôi học.
*****
Nguồn: