Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

Nón Cối

Tưởng Năng Tiến
Trong ánh mắt của chúng ta, tha nhân - hình như - ai cũng đang đội cái nón cối trên đầu, hay có vẻ như đang dấu một cái đuôi hay một cái gì đó sau lưng.
Cuối đời, Thanh Nam hay làm thơ và viết phiếm cho tờ Đất Mới - xuất bản ở Seattle, tiểu bang Washington. Ông phụ trách mục “Chuyện Quanh Bàn Nhậu”, và có “tha thiết” ngỏ ý mời tôi cộng tác.
Thưở ấy, những năm đầu của thập niên 80, tôi được coi là một “mầm non có (rất) nhiều triển vọng” – trong cả hai giới: cầm chai và cầm viết - nên “được lời như cởi tấm lòng.” Tôi hăm hở gửi đến ông câu chuyện đầu tiên, ghi được quanh bàn nhậu:

“Sau tháng 4 năm 1975 không lâu, bộ đội cũng như dân chúng hai miền Nam - Bắc đều muốn "giã từ" nón tai bèo và nón cối. Đội mãi rồi cũng ớn. Đến một lúc - tự nhiên - cả nước cùng chợt nhận ra rằng cả hai loại nón (thổ tả) này trông xấu xí, quê mùa đến độ không còn ai chịu nổi nữa.”
“Trước tình trạng này, một vị Ủy Viên Trung Ương Đảng bèn có ý kiến rằng nón tai bèo thì cho đi luôn là phải, để lại không những đã bận mắt mà còn có thể làm cho đám Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam nổi giận (hay nổi loạn). Nhưng nón cối thì phải tìm cách lưu giữ.”
“Lý do được nêu ra là Đảng ta hoàn toàn không có tương lai, buộc phải sống nhờ vào dĩ vãng (nói cách khác là phải ăn mày dĩ vãng) mà trong chuyện lễ lạc rầm rộ để tưởng niệm những chiến thắng xa xưa thì rất cần nón cối. Thiếu nó "cách mạng" sẽ mất đi vẻ truyền thống …”
“Từ đó, ở Việt Nam có Viện Lưu Trữ Nón Cối. Làm giám đốc cái viện này - tất nhiên - không có cơ hội xà xẻo, móc ngoặc hoặc tham nhũng nhưng được cái là an nhàn và (chắc chắn) an thân. Ai cũng tưởng vậy mà không phải vậy.”
“Một hôm, Cục Tình Báo Hải Ngoại bỗng phát hiện ra cả trăm ngàn cái nón cối đã bị mang ra nước ngoài, và được xử dụng thường xuyên trong những cộng đồng người Việt tị nạn. Thế là vị giám đốc bị đưa ra toà, lãnh rất nhiều năm tù - và cả đống năm quản chế - với tội danh là “hoạt động gián điệp, tạo điều kiện cho kẻ địch xâm nhập vào hàng ngũ Đảng… "
"Bản cáo trạng về vụ án này, cũng như tất cả những bản cáo trạng (có liên quan đến gián điệp) trước cũng như sau đó của hệ thống pháp lý CHXHCNVN, chỉ là một sự vu cáo trắng trợn. Sự thực, số nón cối thất thoát đã không rơi vào tay bất cứ một tổ chức nào tại hải ngoại mà đều được mua lại bởi những cửa hàng - chuyên buôn bán những vật dụng dùng cho việc thủ dâm.”
- Đừng có giễu dở nha, cha nội. Trong vụ này nếu nghèo óc tưởng tượng và cần “tiếp thị” (visual aid) thì người ta mua báo Play Boy hay đồ lót của phụ nữ ở Secret’s Victoria chớ ai nhìn tới cái nón cối làm chi. Coi ghê thấy mẹ.
- Nói như vậy là biết một mà không biết hai. Thủ dâm có tới hai kiểu chớ không phải một.
- Thiệt vậy sao?
- Chớ sao, khi không có người bạn tình (sexual partner) bên cạnh mà có nhu cầu giải quyết những “bức xúc” sinh lý thì người ta mới nhìn vào (hoặc hình dung ra) một hình ảnh gợi dục nào đó để thủ dâm bằng tay. Còn khi muốn chống cộng quá cỡ mà dân làng Ba Đình Hà Nội ở quá xa, với không tới thì người ta dùng tới nón cối. Cứ chụp đại nó lên đầu bất cứ một thằng cha con mẹ nào đó, đang đứng sớ rớ ở kề bên, hô hoán lên nó là cộng sản hoặc làm tay sai cho cộng sản, rồi nhào vô đánh đấm túi bụi, chửi rủa xối xả cho nó …. đã (miệng). Đó là một hình thức “thủ dâm”, để thoả mãn nhu cầu tâm lý!”

Ảnh: Bruno BarBey. Nguồn: dulichvietnam.com
Sau khi đọc xong, Thanh Nam xé mấy trang bản thảo làm tư và vứt vào sọt rác. Trông ông (bỗng) nghiêm và buồn thấy rõ:
- Chụp mũ là một thảm kịch của chúng ta, không phải là một chuyện đùa. Nếu chú quan tâm đến vấn đề thì phải bỏ thời giờ suy nghĩ, tìm hiểu để viết một bài báo nghiêm chỉnh. Đâu phải chuyện gì cũng mang ra để cười giỡn được. Nói chú đừng tự ái chứ chuyện chú viết tôi cười… không nổi, nó chỉ khiến tôi buồn, và buồn (thiếu điều) muốn… chết! Rồi ông qua đời thật, không lâu, sau đó. Tôi ở lại hụt hẫng, thôi la cà quanh bàn nhậu nhưng vẫn uống lai rai, và (thường) uống mình ên. Đôi lúc, khi chuyếnh choáng, tôi vẫn nghĩ đến những câu thơ - đẫm nước mắt và hơi men - mà Thanh Nam làm lúc cuối đời, và món nợ về “thảm kịch chụp mũ” (vẫn) chưa thanh thỏa được với ông.
Có thời gian (ngăn ngắn) tôi làm xướng ngôn viên, trong một trại tị nạn, ở Thái Lan. Công việc hàng ngày chấm dứt đúng vào lúc 10 giờ tối, với thông báo cuối của ban phát thanh, như sau:
“Đồng hồ của phòng thông tin chúng tôi bây giờ là 10 giờ tối, xin mọi người vui lòng trở về lô lều của mình, và điều chỉnh mọi âm thanh vừa đủ nghe để khỏi làm phiền người bên cạnh, đang cần sự yên lặng để nghỉ ngơi. Kính chúc đồng bào một đêm an lành và ngon giấc.” Tôi luôn luôn cảm thấy có đôi chút ngập ngừng ở câu nói cuối cùng. Vào thời điểm đó, suốt những năm dài của cả thập niên 1980, không ai trong số hàng triệu người Việt ở khắp những trại tị nạn Á Châu (kể cả những đứa bé thơ) có được một giấc ngủ bình thường - nói chi đến chuyện “an lành” hay “ngon giấc”. Những cơn ác mộng của những kẻ hốt hoảng, bồng bế dắt díu nhau bỏ chạy khỏi quê hương, đều gần giống như nhau: bị săn đuổi, bắt bớ, đánh đập, hãm hiếp, lạc lõng đói khát giữa biển trời bao la, hay bị chìm thuyền giữa đại dương giông bão …
Sau mộng mị, chúng tôi thường thức giấc giữa khuya - toát đẫm mồ hôi vì sợ hãi và mệt nhọc - nằm định thần một lát rồi… thở phào nhẹ nhõm khi nhận ra rằng mình đã thoát, và (chỉ) vừa trải qua một giấc mơ! Mộng dữ như thế thưa dần, với thời gian, rồi dứt hẳn nơi phần lớn những người tị nạn - nhất là sau khi cuộc sống của họ đã tạm ổn định nơi vùng đất mới.
Tiến trình bình thường này, tiếc thay, không xẩy ra cho tất cả mọi người. Với số người còn lại, thỉnh thoảng, họ vẫn cứ tiếp tục bị mộng mị và những hồi ức hãi hùng theo đuổi. Một số ít hơn nữa thì sống hoàn toàn bình thường và an lành một thời gian, rồi bỗng dưng lại bị ám ảnh bởi những cơn ác mộng hay những hồi tưởng về những kinh nghiệm khủng khiếp mà họ đã trải qua.
Trường hợp sau, có tên gọi là hội chứng PTSD (Post Traumatic Stress Disorder) With Delay Onset. Theo DSM - IV – TR (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorder, Fourth Edition. Text Revision. Washington, DC, American Psychiatric Association, 2000 - cẩm nang hiện dụng của khoa Tâm Thần Học) thì dù “phát chậm” (delay) hay không, Hậu Chấn Thương Tâm Lý đều có nguyên nhân từ những biến cố kinh hoàng - ngoài sức chịu đựng bình thường của con người - thường xẩy ra nơi chiến trận, hay khi chúng ta là nạn nhân của sự bạo hành, hãm hiếp, cướp bóc, tù đầy, khủng bố, tra tấn …
Ngoài ác mộng và những hồi tưởng như thật, DSM - IV - TR cũng liệt kê đến những hội chứng khác nữa của PTSD như: nghi ngại thái quá, bất an, lãnh đạm (hypervigilance, sense of foreshortened future, feelings of detachment from others, sđd, trang 468).
Có đến mười phần trăm dân số Việt Nam (hay hơn nữa) đã trải qua cảnh vượt biên, tù đầy - hoặc cả hai. Số còn lại, nếu không bị thương tích hay tai họa gây ra do bom đạn trong thời chiến, đều phải chịu dựng những kinh nghiệm sống (rất) bất thường khác dưới chế độ cộng sản: cải cách ruộng đất, kiểm thảo, đấu tố, vượt tuyến, di cư, di tản, đổi tiền, kiểm kê tài sản, thi hành nghĩa vụ lao độngỉ, đi kinh tế mới … Dân Việt, ở thời đại này, có vô số “cơ hội” để mắc chứng Hậu Chấn Thương Tâm Lý!
Đôi lúc, tôi trộm nghĩ dân tộc mình đang bị “PTSD tập thể”. Nếu không, làm sao giải thích được sự nghi ngại thái quá (hypervigilance) của cả một cộng đồng như vậy - ở hải ngoại. Trong ánh mắt của chúng ta, tha nhân - hình như - ai cũng đang đội cái nón cối trên đầu, hay có vẻ như đang dấu một cái đuôi hay một cái gì đó sau lưng.
Thái độ e ngại dè dặt này, có thể, khiến cho một số người “yên tâm” hơn nhưng (chắc chắn) không làm cho chúng ta vững mạnh hơn - nếu chưa muốn nói là ngược lại. Tôi thường nghe là cộng sản cho người trà trộn vào những tổ chức, hay hội đoàn … gì đó để gây chia rẽ và làm suy yếu cộng đồng.
Trời, sao đang sống ở phố Bolsa của tiểu bang California mà nói năng y trang như đám dân làng Ba Đình, Hà Nội vậy - mấy cha? Tụi nó cũng luôn miệng kết tội và bỏ tù hết người này đến người khác vì “lạm dụng tự do và dân chủ”, dù dân chủ cũng như tự do đều chỉ là “hàng mẫu không bán” trong chế độ cộng sản. Tương tự, chúng ta cũng có bao giờ đoàn kết và mạnh mẽ đâu mà “lo” chuyện bị kẻ địch len lỏi vào hàng ngũ để làm cho chia rẽ hay suy yếu.
“Với một lực lượng hùng hậu vài triệu "nhân tài" ở nước ngoài, cộng đồng hải ngoại không làm được gì hơn là hô hào và trông chờ vào con số đếm trên đầu ngón tay những người đấu tranh trong nước” (Lê Phạm Bảo Khánh, "Dân Chủ Từ Trên Trời Rơi Xuống” - Đàn Chim Việt, Dec. 2003).
Nói thế tuy hoàn toàn không sai nhưng (e) chưa đủ. Con số đếm trên đầu ngón tay này không phải chỉ là chỗ “trông chờ” của vài triệu “nhân tài” ở hải ngoại thôi đâu. Đó còn là niềm hãnh diện và hy vọng (rất) mong manh của toàn dân cơ đấy. Và dân Việt, có lẽ, chỉ còn số người (“đếm trên đầu ngón tay”) này dám sống. Kỳ dư, kể như là đã chết hay đang chờ chết. Xin đơn cử vài thí dụ, về những trường hợp dở sống và dở chết như thế.
Tế Hanh từng là ủy viên ban chấp hành hoặc thường vụ Hội Nhà Văn VN, từng mười năm liền phụ trách đối ngoại của hội, từng có chân trong ban phụ trách nhà xuất bản Văn học. Ông cũng từng hãnh diện khoe rằng “ bọn tôi, thừ thuở 20-25 đã làm nên Thơ mới… Rồi bọn tôi thay nhau dẫn dầu trong thơ viết về chống Mỹ, cũng như có những bài thơ hay nhất ca ngợi chủ nghĩa xã hội.”
Và cái “bọn tôi” đó, vào lúc cuối đời, đều đành chép miệng mà rằng:“trải qua hai cuộc chiến tranh mình còn được sống, được làm thơ, còn may mắn hơn khối người khác, thế là được rồi” [Vương Trí Nhàn, Cây Bút Đời Người, (Phương Nam Corp, 2002]. Sống dở chết dở ra sao, làm thơ để chống ai hay ca ngợi ai thì dường như không phải là những điều mà “bọn tôi” (dám) bận tâm?
Sao mà dễ chịu (và dễ dậy) đến thế nhỉ? Bất cứ một ông hay một bà cửu vạn nào đó - đang ngồi bó gối, ở vỉa hè của khu phố Giảng Võ - cũng đều có thể suy nghĩ y như thi sĩ Tế Hanh. Họ cũng tự an ủi là mình “còn may mắn hơn khối người khác.”
- Ai?
- Thì những người homeless (vô gia cư) khác nhưng không còn đủ chân tay để làm phu cửu vạn chứ ai?
Tại sao mọi người đều “nhìn xuống”, đều không còn ai dám kỳ vọng gì nữa vào một nếp sống bình thường hay tốt đẹp, và tất cả đều sống với cái cảm giác tạm bợ (sense of foreshortened future), vô vọng - đến như thế? Có phải đây là một hội chứng khác của bệnh Post Traumatic Stress Disorder hay không? Còn lớp người trẻ hiện tại - họ sinh sau chiến tranh hay may mắn không phải sống trong thời chiến, không bị những thương tật tinh thần do “cách mạng” gây ra - thì sao? Họ có bình thường và lành mạnh hơn cha anh của mình không?
Hình như không! Hoặc nếu có (e) cũng không nhiều. Họ bị “lây” chứng lãnh đạm (feelings of detachment from others) từ PTSD của những thế hệ trước nên đều mắc vào một thứ bệnh thời đại khác: bệnh “mackeno”. Đây cũng là một dạng thức HIV, về tâm lý, có tên là “bệnh liệt kháng trước bất công” - theo như cách nói hiện giờ.
Lịch sử của giai cấp cầm quyền (thường) chỉ là lịch sử của những thằng hay những con ăn cướp. Và ít có đảng cướp nào “may mắn” như Đảng CSVN. Sau khi dồn toàn dân vào hết cuộc chiến này đến cuộc chiến khác, bắt ép mọi người trải qua đủ thứ kinh nghiệm sống hãi hùng (đến độ phát sinh tâm bệnh), rồi họ “tọa hưởng kỳ thành.”
Thành quả ở đây là mồ hôi nước mắt của cả một dân tộc, là tài nguyên của cả một quốc gia, là những đồng tiền vay mượn hay viện trợ… để mà tha hồ phung phá. Họ không gặp phải sự ngăn cản hoặc chống đối của bất cứ ai vì cả dân tộc Việt đều còn đang trong tình trạng thương tật. Bao giờ mà những thương tật tinh thần này chưa được nhìn nhận và giải toả thì tập đoàn lãnh đạo cộng sản (hay bất cứ một nhóm người bất nhân nào khác) vẫn còn có cơ hội nắm được quyền bính ở đất nước này.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"