Lâm Bình Duy Nhiên
Tôi vẫn còn nhớ trong cuốn sách « Chặng đường dài đến tự do » [1], ông đã viết: « Được Tự do không chỉ là tự thoát khỏi xiềng xích mà là sống một cách tôn trọng và thúc đẩy sự tự do của người khác ». Trong suốt sự nghiệp vĩ đại của mình, ông đã có những câu nói bất hủ nhưng có lẽ câu nói trên đã tóm tắt trọn vẹn nhân cách cao cả của ông. Nó cũng chính là biểu tượng của sự đấu tranh bất bạo lực và ôn hòa mà ông đã bền bỉ, kiên trì theo đuổi một cách không mệt mỏi trong suốt 67 năm hoạt động chính trị. Xuyên suốt chiều dài lịch sử cận đại của nhân loại, đã có không ít những giai đoạn bi thương, nhục nhã đã đưa đẩy con người đến tận cùng của tội ác. Đó là sự hiện diện của chủ nghĩa phát xít, của chủ nghĩa cộng sản hay sự hình thành của các chế độ phân biệt chủng tộc (apartheid) tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Nam Phi, quê hương của Nelson Mandela. Trong 27 năm bị cầm tù bởi nhà cầm quyền da trắng, ông đã trở thành một biểu tượng sống trong công cuộc đấu tranh đòi hỏi công bằng xã hội và quyền bình đẳng cho người dân da màu tại Nam Phi. Tù đày, bạo lực không làm ông chùn bước, sợ hãi mà ngược lại nó càng thúc đẩy ông vững tin vào lý tưởng của mình: « Tôi đã học được rằng lòng can đảm không phải là sự vắng mặt của sự sợ hãi mà là khả năng chiến thắng nó » [2]. Ông đã chiến thắng cái chế độ ngu xuẩn mà trong đó con người sinh ra đã là khác biệt, đã bị phân nhóm: sắc màu, chủng tộc, tôn giáo, thông minh, ngóc nghếch… bằng sự ôn hòa.
Cả thế giới cảm động tiễn đưa ông ra đi. Nước mắt của người dân Nam Phi dường như vẫn chưa nói hết được tấm lòng của dân tộc đối với người con ưu tú. Sự đấu tranh cho một xã hội công bằng và sự hòa giải dân tộc của ông chính là nền tảng cho một Nam Phi phát triển và phồn thịnh. Tuy vẫn còn nhiều vấn đề về chính trị, kinh tế, giáo dục… nhưng đất nước Nam Phi của ông đã đoạn tuyệt với những trang sử đen tối nhất của mình và trở thành một đối tác quan trọng, không thể thiếu của các cường quốc trên bình diện quốc tế.
Có cái gì đó rất thật, rất cảm động khi xem những hình ảnh thế giới đau buồn chia tay Nelson Mandela. Cũng không thể nào quên được những hình ảnh công chiếu của báo đài nhà nước Việt Nam về đám tang của viên Đại tướng lỗi lạc của họ. Nhưng có gì đó ngường ngượng khi có cảm giác tất cả như một vở kịch được dựng lên bởi nhà cầm quyền. Người người khóc nấc, ôm hình Đại tướng ngoài đường, ngoài ngõ. Thức sáng đêm chỉ để được viếng ông, dựng bàn thờ ngay trên quốc lộ. Xếp hàng rồng rắn tiễn đưa Đại tướng… Thông thường tại các quốc gia độc tài, những vở kịch vụn như thế vẫn thường được dựng lên như để che đi những bí mật động trời của nhà cầm quyền (Liên Xô, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên…). Tất cả những gì quá đáng trở nên trơ trẽn và gượng gạo!
Lịch sử của mỗi dân tộc luôn xuất hiện nhiều người con ưu tú. Chính họ làm nên những trang sử hào hùng của đất nước. Nhưng trên bình diện quốc tế, nhân loại chỉ có vài người con kiệt xuất. Đối với lịch sử thế giới từ thế kỷ 19, chúng ta có Monhandas Karamchand Ganhi (Ấn Độ), Martin Luther King (Mỹ) và Nelson Mandela. Chính họ là những người đã thổi đến một luồng gió mới để thế giới của chúng ta đổi thay, bớt bệnh hoạn. Chính nhờ sự đấu tranh ôn hòa « đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy trí nhân để thay cường bạo » mà họ đã đẩy lùi được tàn bạo. Đó chính là nhân cách lớn của những bậc vĩ nhân mà nhân loại đã sinh ra. Họ đã vượt ra khỏi biên giới của một quốc gia, của một sắc dân. Họ lớn hơn tất cả những phạm trù nhỏ bé mà con người ta cố tình gán ép. Họ đơn giản là bất tử!
Và chắc chắn những Lénine, Staline, Mao hay vị « cha già dân tộc » (mà đảng Cộng sản Việt Nam luôn cố tình bắt mọi người tôn thờ, thần thánh hóa để đưa ông thành kiệt xuất, thành vĩ nhân) sẽ không bao giờ được nhân loại nhắc đến như những người con vĩ đại của thế giới!
Cuộc đời và tinh thần của Nelson Mandela chính là tấm gương cho thế hệ mai sau, cho sự bình đẳng, phồn thịnh và hòa bình của các quốc gia trên thế giới.
Cuộc đời và tinh thần của Nelson Mandela chính là tấm gương cho thế hệ mai sau, cho sự bình đẳng, phồn thịnh và hòa bình của các quốc gia trên thế giới.
Lâm Bình Duy Nhiên
10/12/2013
10/12/2013
[1], [2] - Un long chemin vers la liberté (1996)