Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

Ký: Cuộc truy đuổi ở Hà Nội

Nguyễn Phương Uyên
VRNs (10.12.2013) – Bình Thuận – “Mắt trái giật, một tín hiệu bất thường không may mà tôi tiên đoán…”
Tôi chính thức bắt đầu vào đời từ năm trước khi rời quê hương, rời xã hội để đến với môi trường nhà tù ở tuổi 20. Ngày rời tù tôi hoan hỉ vì chút tự do cho người yêu tổ quốc. Tôi quyết định viếng thăm những vùng đất tổ dâng lời cầu nguyện. Từ những phút đầu tiên trong hành trình này tôi đã nhóm thấy có một thế lực nào đó đang rình rập theo từng bước chuyển của tôi, và dường như khi quá ức chế họ đã đối xử với tôi cùng mọi người như những con chó săn khát máu. Hành động của họ cốt để dằn mặt, áp đảo tinh thần chúng tôi để chúng tôi phải e dè.
Tối 24/09/2013 chúng đến nhà khách (nơi chúng tôi trọ) sách nhiễu đòi kiểm tra chứng minh thư, để tránh việc chúng thu giữ chứng minh thư gây khó khăn trong việc đi lại của tôi, mọi người đã sắp xếp cho tôi sang ở nhà blogger Nguyễn Tường Thụy, trong lúc bắt taxi tôi thấy rõ nhiều tên áo đen quần quanh khu vực tôi đứng. Tưởng chừng mọi việc sẽ được ổn thoải với chuyến bay lúc 21h00” ngày 25/09/2013 sẽ đưa chúng tôi trở lại Sài Gòn, nhưng rồi mọi chuyện hoàn toàn khác. Khoảng 19h00” tối hôm đó, khi chú Phạm Bá Hải, bác Dương Thị Tân, mẹ tôi Nguyễn Thị Nhung, chú Lê Quốc Quyết và một vài người khác cùng tôi đang ở trong nhà blogger Nguyễn Tường Thụy thì công an đã đập cửa và xông vào bắt mọi người đi.

Trước đó, vì sự an toàn của tôi, mọi người đã yêu cầu tôi lên phòng chốt cửa lại. Tại đây tôi đã vào facebook kêu cứu mọi người và chỉ còn nghe bên dưới nhà những tiếng va đập thật mạnh cùng tiếng la hét phản kháng xáo trộn. Rất nhanh sau đó họ cũng phá cửa và lôi tôi xuống dưới nhà cùng mẹ, giầy tôi trượt khỏi chân. Họ bắt đầu hỏi nhưng chẳng câu nào ra câu nào trong khi chân tay tôi luôn bị họ khống chế và bóp chặc.
Với thái độ như thế của họ tôi bất hợp tác: “Các ông muốn gì?”
Tôi hét lớn, một tên đàn ông to tướng mặc áo sơ mi màu kem bỏ vào quần, tay có đeo đồng hồ bằng dây sắt táng nhanh vào mặt tôi liên hồi và lên tiếng: “Lôi nó đi !”
Ngay tức khắc cả bọn tứ mã phanh thây tôi và rinh tôi tống vào hàng xe ở băng ghế trước bằng những cú đạp mạnh và cơ thể, những cái bạt tai liên hồi không ngớt của gã đàn ông đó rồi hắn lôi tôi ra tống vào băng ghế sau với một người đàn bà to con tóc tém mặc áo Jean mang đôi giầy bít màu xanh nhớt.
Những cái tát của gã đàn ông đó có lực hơn và gọng kính tôi rơi ra… Tôi hoang mang… Người đàn bà ấy kẹp cứng cổ vật tôi ngã ra phía sau. Tiếp đến mẹ tôi cũng bị tống vào trong xe cùng tôi, tôi rơi nước mắt nắm chặc tay Mẹ, lo lắng cho Mẹ.
Họ đưa chúng tôi vào một đồn công an, tách tôi ra khỏi Mẹ. Tôi phản đối thì họ tấn đầu tôi vào tường và đe dọa: “Có muốn về Bình Thuận cùng Mẹ nữa hay không?” Sau đó ba bốn người vừa lôi vừa xô đẩy tôi vào một căn phòng. Người đàn bà ấy lấy điện thoại của tôi và tiến hành thẩm vấn, bắt tôi phải viết bản tường trình về hành trình chuyến đi vừa rồi của tôi với nội dung gồm địa điểm đến, người đã từng gặp mặt, và mục đích của cuộc trò chuyện. Ngoài ra bà ta còn hỏi thêm về các mối quan hệ của tôi.
Tôi từ chối viết bản tường trình, tức khắc tôi tiếp tục bị tấn đầu vào tường đe dọa: “Viết đi ! Nếu không thì đợi xe tù đến đưa về lại trại giam”. Tôi: “Tôi bị các người lừa nhiều rồi, tôi không vi phạm điều gì để viết cả, muốn đưa đi đâu tùy”. Tôi nghĩ với nền chuyên chính vô sản họ có thế làm bất kỳ điều gì họ muốn mà không bận tâm quốc tế nghĩ gì về họ. Tôi sẵn sàng đợi họ đưa tôi về lại nhà tù cộng sản…
Bỗng nhiên họ đưa vào một ông tuổi khoảng trên dưới 50 ăn mặc bảnh bao với áo sơ mi màu xanh xám bỏ vào quần. Người đàn bà ấy lên tiếng: “Cô xin giới thiệu với con bác này bên Bộ giáo dục xuống làm việc với con”. Vì ông này từ chối để lại tên tuổi nên phần thông tin cá nhân của ông được giấu nhẹm đi.

Sinh viên Nguyễn Phương Uyên đứng trước cổng trường Đại học, nơi mới đuổi học cô
Ông hỏi việc học hành của tôi. Tôi đáp: “Mặc dù đã làm theo yêu cầu của nhà trường và khóa học mới cũng đã bắt đầu nhưng tôi vẫn chưa thấy hồi đáp từ họ”. Bấy nhiêu thôi rồi ông ta bỏ đi không nói một câu. Tôi tiếp tục chờ đợi xe tù đến…
Một viên cảnh sát mặc sát phục bước vào phòng vứt mạnh lên bàn một tập giấy khổ A4 nói:“Chị ký tên vào đây!” Tôi: “Đây là cái gì thế?” Viên cảnh sát: “Chị có biết chị đang vi phạm pháp luật không? Chị có biết chị bị án treo không mà chị đi khỏi địa phương không thông báo gì hết ?”
Tôi: “Tôi không vi phạm điều gì cả, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm của tôi đã giải thích rằng tôi không cần phải đi trình diện cơ quan nào hết, khi nào có quyết định thi hành án người ta sẽ gửi giấy mời, và sau đó ra làm việc đồng thời trình diện. Vậy anh đưa tôi xem cái quyết định”.
Anh ta nhanh tay giật lại và vội vã gọi một người vào ký tên phần người làm chứng. Tôi hỏi: “Cái anh người làm chứng này là ai, công an hay người dân?” Viên cảnh sát: “Công an”. Tôi: “Vậy hóa ra lậy ông tôi ở bụi này hả?” Viên cảnh sát: “Chị không cần quan tâm”. Rồi anh ta nghiễm nhiên bước ra khỏi phòng nhanh chóng mất hút.
Gần 21 giờ thì xe đến, nhưng không phải xe tù mà là một chiếc ôtô 7 chỗ. Họ gọi tôi: “Đi thôi”. Tôi hỏi một người đàn ông mặc áo sơ mi xám xanh bỏ ngoài quần dáng cao nhỏm và ốm: “Ủa, sao nói chờ xe tù đến đưa về lại trại giam mà?” Người đàn ông: “Ai nói đưa lại trại giam?” Tôi chỉ tay về hướng người đàn bà: “Cô đó”. Người đàn ông nhoẻn miệng cười trừ không đáp, mở cửa xe chuôi vô nghe điện thoại.
Sau khi hỏi, Mẹ được biết họ đưa hai mẹ con tôi đến sân bay Nội Bài, ép buộc chúng tôi trở về Bình Thuận ngay lập tức trong khi hành lý của chúng tôi còn ở nhà bogger Nguyễn Tường Thụy.
Mọi người trong xe đều bận rộn với chiếc điện thoại của mình trừ hai mẹ con tôi, có người xin chỉ đạo, có người gọi về nhà bình thản sau việc trấn áp tôi cùng mọi người vừa rồi.
Người đàn bà: “Con về rồi hả, mở nước nóng tí mẹ về tắm nha…”.
Mẹ tôi xĩu ngay sao đó vì chưa ăn uống gì cả. Nhưng họ nhẫn tâm tống hai Mẹ con tôi lên máy bay trong lúc trời mưa và gió rất mạnh quần áo tôi xộc sệt, tóc tai rối bời và chân không một chiếc dép, tình thế như vậy khiến tôi quyết định hủy chuyến bay. Làm thủ tục với anh Trần Quốc Hoàn là ca trưởng đại diện cho hãng Jetstar Pacific Airlines xác nhận việc khách đã làm xong thủ tục và đã boarding chuyến bay xuống xe bus chuẩn bị lên máy bay thì bị ngất xĩu với phương án giải quyết tại sân bay hỗ trợ đón khách vào phòng chờ, gọi y tế hàng không hỗ trợ và lập biên bản ghi lại sự việc.
Một viên an ninh hàng không tên Nguyễn Đình Trung mượn giấy chứng minh thư của tôi cùng mẹ tôi với lý do làm thủ tục hỗ trợ cho chuyến bay khác nhưng rất lâu sau đó tôi yêu cầu trả lại thì trốn mất.
Lúc 24 giờ mọi người gồm bác Tân, chú Hải, chú Quyết, bác Thiện Nhân đến ứng cứu cho hai mẹ con tôi, thì bị an ninh hàng không chận lại không cho vào. Bên trong tôi cũng bị cấm không cho gặp mọi người nói chuyện. Họ yêu cầu tách hai mẹ con tôi ra. Tôi phản đối. An ninh mặc sác phục lẫn thường phục bỗng đâu xuất hiện lũ lượt khoảng hai mươi mấy tên và đông dần lên khoảng bốn mươi mấy. Tôi dìu mẹ đứng dậy thì một tên mặc áo thun đen bỏ vào quần, mắt một mí đảo liên hồi chạy lại cố tình đưa tay vào người xô hai mẹ con tôi ngã xỗng xoài ra nền gạch. Tôi tiếp tục dìu mẹ đứng dạy, hắn lập lại hành động ấy bằng cách đưa tay vào ngực tôi lần thứ hai. Lần này tôi không nhịn được vì cơ thể bị xâm phạm hai lần thì không thể là vô ý. Tôi hét vào mặt hắn: “Ông làm cái gì đấy? Sao lại xàm sở tôi?” Hắn quay đi bỏ ra phía sau. Tôi để mẹ nằm lên băng ghế toan bỏ chạy, thì hắn và một đám đuổi theo chụp tôi lại, vật tôi ngã và lôi tôi đi trong phản kháng…(video).
Tôi liên tiếp yêu cầu cho tôi làm việc với người có trách nhiệm giải quyết, nhưng không thấy ai đáp trả. Rất lâu sau khoảng 4 giờ sáng ngày 26/09/2013 một nhóm khoảng 4 người xuất hiện trong đó có người đàn bà lúc tối, nhưng thay vì mặc áo jean bà ta đã khoác lên chiếc áo vàng đeo kính râm non giang hồ và đáng sợ hơn. Mẹ tôi lúc đấy cũng đã tỉnh lại. Khi mẹ đi vệ sinh thì nhóm này đã khống chế và tước đoạt túi đeo của mẹ trong đó có nhiều giấy tờ tùy thân và nhiều vật dụng đáng giá khác mà không có một văn bản kê khai hay một giấy tờ thu giữ nào.
Tôi cho rằng đây là hành động trấn lột, khi mẹ tôi bật điện thoại thì người đàn bà ấy nhanh chóng nhào đến bẻ tay mẹ ra sau và ghì chặt cổ mẹ bắt phải giao nộp nốt điện thoại. Đồng thời đề nghị chúng tôi không được nhắn tin và nghe điện thoại. Mẹ tôi phản kháng thì bị liên tiếp mấy tên đàn ông mặc thường phục nhào tới bẻ tay lôi đi. Tôi kéo mẹ lại hét lớn:”Mẹ tôi có đầy đủ quyền tự do của công dân, các ông thả mẹ tôi ra ngay”.
Sau đó, tôi liên tục yêu cầu trao trả giấy chứng minh thư cho hai mẹ con tôi nhưng chỉ có im lặng trả lời. 6 giờ sáng ngày 26/09/2013 họ áp giải chúng tôi lên máy bay Airbus của Vietnam Airlines và xuống sân bay Tân Sơn Nhất đều bằng lối riêng, rất nhiều người đưa mắt tò mò về phía tôi e dè ái ngại. Họ tiếp tục áp giải hai mẹ con tôi như tội phạm bằng lối riêng, đưa lên ôtô 7 chỗ và kè sát bằng hai người ngồi cạnh. Trên xe tổng cộng có 6 người, 3 người đàn ông, 2 người ngồi băng trước, 1 người đàn ông ngồi băng sau cùng 1 người phụ nữ kè chặc chúng tôi trên cùng một băng ghế sau (băng ghế cuối 4 người ngồi). Người đàn bà áo vàng ấy giao túi đeo của mẹ tôi cho một tên mặc áo đỏ, một người đàn ông cũng đưa chứng minh thư của hai mẹ con tôi cho anh này. Xe chạy… Tôi hỏi: “Mấy anh chị đưa chúng tôi đi đâu vậy?” Người phụ nữ trả lời bằng một tiếng: “Hứ!” và im bặt.
Khoảng hơn 13 giờ trưa cùng ngày, họ đưa hai mẹ con tôi về đến Ủy Ban Nhân Dân xã Hàm Trí. Tại hội trường của xã có mặt khoảng chừng trên dưới 300 người, họ thực hiện việc trao quyết định thi hành án tù treo cho tôi và trao trả túi đeo cho mẹ tôi, nhưng thay vì thái độ ôn hòa thì họ trở nên khích bác chúng tôi. Mẹ tôi từ chối nhận lại túi vì nhiều lí do chính đáng. Tôi yêu cầu họ trao trả giấy tờ tùy thân là chứng minh thư cho tôi cũng mẹ thì họ không giải quyết. Trong khi mọi việc còn chưa giải quyết ổn thoải họ đã thông báo yêu cầu bà con địa phương giải tán.
NGUYỄN PHƯƠNG UYÊN

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"