Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

Tiếp tục đổi mới tư duy chứ không phải “ tái cấu trúc tư duy

Nguyễn Mộng Hoài
Sáng nay, 20-9, đang ngồi húp bát "phở ăn liền" và nghe thời sự của Đài quốc doanh, chợt để ý đến mấy nét nội dung của bài bình luận: "tái cấu trúc Vinasin hay tái cấu trúc tư duy" Công bằng mà nói, dạo này Đài phát thanh quốc doanh tương đối mạnh dạn đá đưa đến một số mặt tiêu cực xã hội, nghe ra có vẻ thẳng thắn, khách quan. Nhưng tôi vẫn thấy còn sặc mùi "mị dân" chứ chưa thật sự là một nét của "tự do ngôn luận" mà chỉ "gãi gãi" vào những sự thật đau lòng của đất nước mà thôi.
Trong bài bình luận của Đài tôi chú ý cụm từ "tái cấu trúc tư duy". Tái cấu trúc hay tái cơ cấu tư duy là như thế nào. Đài Tiếng Nói Việt Nam là kênh thông tin đại chúng, những người làm nhà đài khi dùng ngôn ngữ tuyên truyền nên phổ cập dễ hiểu, chớ có đánh đố người nghe. Có lẽ bây giờ, chẳng có đài nào để nghe nên như tôi vẫn sáng sáng mở đài "quốc doanh" nghe lướt qua mục thời sự.

Cách đây gần ba mươi năm, thời gian của một thanh niên trưởng thành đã biết tự mình lập thân lập nghiệp, khi ấy còn Ông Trường Chinh và Ông Nguyễn Văn Linh cùng tập thể những người lãnh đạo cao nhất Việt nam đề ra chủ trưởng "đổi mới tư duy" trước hết là "đổi mới tư duy kinh tế"...đã tạo nên những "đột phá mới" làm chuyển biến tình hình vốn rất sai lầm và trì trệ sau hơn một thập kỷ hoàn thành công cuộc thống nhất nước nhà. Tuy còn có sự dè dặt, vừa làm vừa nghe ngóng, thăm dò đúng sai, được mất, nhưng rõ ràng công cuộc đổi mới đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VI của Đảng và theo nguyện vọng chính đáng của nhân dân, chúng ta đã tạo nên nhiều bước đột phá, trước hết là có gan đột phá vào cái "chủ nghĩa xã hội" trong kinh tế, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp.
Bước đổi mới đột phá này có thể nói bắt nguồn từ "Chỉ thị 100 TƯ" của Ban Bí thư trung ương, tiếp sau đó không lâu là "Nghị quyết 10 TƯ của Bộ Chính trị về thay đổi cơ bản cách khoán quản trong nông nghiệp. Sau Đại hội VI ta mới làm là rất chậm, chậm còn hơn không. Tình hình lúc đó, nhất là ở miền Bắc, sau hơn 30 năm thực hiện "công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp" pha trộn theo "Đại Trại" Trung quốc và "nông trường quốc doanh Liên Xô", giai cấp nông dân, lâu nay được mệnh danh là "đội quân chủ lực của cách mạng Việt Nam" đã và đang bị "dồn vào chân tường, cái chính là vì "cái vòng kim cô" hợp tác hóa nông nghiệp đưa HTX lên bậc cao ! Chính bản thân nông dân được chia ruộng trong CCRĐ tưởng rằng có thể phát huy tài năng trí tuệ biến ruộng đất nhả ra thật nhiều của cái vật chất, nhất là lương thực thực phẩm nuôi sống gia đình và xã hội, thì lại là người mất ruộng, vì phải đưa ruộng, công cụ sản xuất, thậm chí cả con người vào "tập thể hóa xã hội chủ nghĩa" cuối cùng là sản xuất đình trệ, lãng phí ruộng đất, làm giầu cho một số người, chủ yếu là người lãnh đạo HTX, còn đại đa số "xã viên" thì có nguy cơ bị đói (một số nơi đã có người chết đói !). Nếu không có "Chỉ thị 100 TƯ" thì...Giá như, ngay từ đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, chúng ta nghiêm túc nhạy bén làm theo "Ông Kim Ngọc" Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc "khoán hộ" trong nông nghiệp thì có lẽ nông nghiệp nước ta tiến đến đâu rồi chứ.
Song vẫn còn may, sau Đại hội VI, riêng trong nông nghiệp có đổi mới, bỏ hẳn phong trào hợp tác hóa cả làng để "Xã viên làm việc bằng ba/Để cho chủ nhiệm xây nhà xây sân !", thực hiện giao ruộng đất sử dụng lâu dài cho từng hộ nông dân. Mới làm đến đấy thôi, chúng ta đã có thể khai thác được nhiều tiềm năng trong nông dân và những người làm nông nghiệp, để ngày nay không chỉ loay hoay vác rá đi vay ăn mà đã có dư lương thực xuất khẩu. Tất nhiên, chúng ta đổi mới mạnh hơn nữa, dứt khoát "trả lại ruộng đất cho NGƯỜI CÀY", tức là cho họ cái quyền sở hữu đất đai của họ như nghìn đời nay vẫn thế, thì họ sẽ phát huy mạnh hơn trpng phát triển nông nghiệp toàn diện và chất lượng cao hơn.
Tiếc rằng, chung ta thực hiện đổi mới tư duy nửa vời, không đồng bộ, hết sợ đi chệch hướng, lại sợ "không như ai" thành ra kết quả chưa đâu đến đâu. Sau Đại hội VI và từ Đại hội VII đến Đại hội XI, năm kỳ Đại hội, thời gian trên dưới 25 năm, một phần tư thế kỷ, tuy Đại hội nào cũng nhấn mạnh "tiếp tục đổi mới", nhưng thực chất thì không đổi mới bao nhiêu. Có nhiều lĩnh vực lại "quay về cái cũ" mà một thời gian dài kìm hãm đất nước, không thể đưa đất nước tiến lên bằng anh bằng em trong khu vực chứ chưa nói đến thế giới !
Đó là, trong kinh tế, vẫn duy trì "quốc doanh là chủ đạo" mà nó chủ đạo ra làm sao thì mọi người đã biết, chắc chắn chỉ có thua lỗ và thất bại, là cơ sở nuôi béo mẫm một số người, một số nhóm lợi ích mà thôi. Trong nông nghiệp, giải tán HTX cả làng, khoán sâu cho hộ nông dân mà chẳng thấy ông bà nông dân nào lên được chủ nghĩa tư bản mà chỉ có làm được nhiều hớn lương thực, thực phẩm cho đất nước. Nhưng rồi người nông dân "chân lấm tay bùn" bán lưng cho trời, bán mặt cho đất quanh năm, cuối cùng lại bị "thiên hạ" ăn chặn đủ mọi ngõ ngách. Xuất khẩu gạo nhiều thế, những thực chất nông dan làm ra lúa gạo để xuất thì có được lãi đâu, tiền lãi và lợi nhuận rơi vào túi ai hết cả, chỉ có Trời mới biết. Công nghiệp quốc doanh là chủ đạo xem ra chỉ là "bánh vẽ" vì ỷ thế "quốc doanh", người ta thi nhau đục khoét ngân sách, đục khoét vốn nhà nước, làm giầu cho nhóm lợi ích và cá nhân ích kỷ.
Chủ nghĩa xã hội là có bản chất tốt đẹp, trong đó có sự bảo đảm sự công bằng, xóa bỏ bóc lột, xóa bỏ làm thuê, làm nô lệ và phân phối của cải xã hội một cách công bằng. Tuy nhiên, những điều đó chỉ trên lời nói khoa trương, chứ trong thực tế xã hội Việt Nam hiện nay, thì đang hình thành một xã hội có giai cấp, giai cấp giầu và giai cấp nghèo, tầng lớp làm ông bà chủ vô cùng giầu có và đông đảo người lao động vẫn lúng túng trong cái nghèo khổ, thậm chí cùng cực, Hai thái cực giầu nghèo càng ngày càng xa nhau. Tầng lớp quý tộc (bao gồm cả hệ thống lãnh đạo từ vi mô đến vĩ mô" đều giầu lên, cái chính không do mồ hôi công sức của từng người tạo ra mà là do "nhóm lợi ích" và lòng ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân tạo ra. Bây giờ, ngoài những "ông lớn" có cả một bầy "mệnh phụ phu nhân" đài các hơn cả công chúa ngày xưa. Các nhà lý luận hậu duệ của Cụ Mác và Cụ Lê nin có thấy được tình hình thực tế ấy không và có thứ lý luận nào giải thích hiện trạng xã hội ta bây giờ được không?
Trong lúc này, chúng ta không nên "tự dối lòng" và dối người về "công lao thành tích Trong lúc này, chúng ta phải tiếp tục "đổi mới tư duy", không được tự dối mình và dối người về cái đã giành được trong quá khứ để che lấp cái tội lỗi hiện tại. Một loạt câu hỏi sẽ được nhiều người dân nêu ra mong được những người "cầm đảng và cầm quyền" giải đáp căn kẽ để từ đó có tư duy mới, đường lối mới, chủ trương mới, chính sách mới nhằm thu phục nhân tâm, huy động sức mạnh tổng hợp của 90 triệu dân một cách hữu hiệu, thực chất vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu đang bị "ruỗng nát" từ bên trong và đe dọa từ bên ngoài.
Vì sao, sau 68 năm có độc lập tự do, gần 40 năm hòa bình thống nhất nước nhà, mà chúng ta chưa thật sự hòa hợp dân tộc, nhiều người vẫn bị phân biệt đối xử. Kẻ nào là "thế lực thù địch" phải được chỉ mặt đặt tên chứ không thể chỉ nêu lên một cách mơ hồ, chung chung, lẫn lộn.

Vì sao mức sống của dân ta vẫn còn ở mức thấp của thế giới và rất không đồng đều, vẫn cái cảnh "kẻ ăn không hết người lần không ra ?"
Vì sao rất nhiều người có công vẫn chưa được tưởng lệ thích đáng. Vì sao có tệ tham nhũng, những ai và đối tượng nào tham nhũng, tham nhũng sao vấn còn ở cương vị lãnh đạo. Lãnh đạo cao có tham nhũng không và tham nhũng bao nhiều, những gì, làm hại dân đến đâu
Vì sao có hàng chục vạn phụ nữ trẻ phải "đi nước ngoài" mong lấy được tấm chồng tử tế? Vì sao trong nước có đến 30 vạn gái điếm, chưa kể gái làm tiền theo phương thức khác. Vì sao nền giáo dục xập xệ ? Vì sao ngành y tế càng nêu cao "y đức" lại càng bị thất đức. Vì sao "mua quan bán chức" lại là cái sự đương nhiên và tất nhiên ? Vì sao có xã hội đen. Vì sao có "dân oan". Vì sao, trong thời bình lại có đổ máu vì chuyện đất đai ? Vì sao vẫn tồn tại nạn người bóc lột người ?v,v...
Năm 2013 sắp qua đi. Một nhiệm kỳ nữa cũng sắp qua đi. Có bao nhiêu người lợi dụng nhiệm kỳ để "vinh thân phì gia" Những điều đó có phải là bản chất của "chủ nghĩa xã hội" tươi đẹp của chúng ta không ?
Tóm lại, cái cần bây giờ là đổi mới, tiếp tục đổi mới tư duy vừa giống như hồi Đại hội VI vừa phải nâng cao hơn, thích nghi hơn. Nhưng người "cầm lái vĩ đại" một đất nước 90 triệu dân, có truyền thống lịch sử hàng nghìn năm, với một dân tộc kiên cường, tự chủ, biết tôn trọng cộng đồng quốc tế, chẳng lẽ chịu khoanh tay chờ hết nhiệm kỳ để về "ôm lấy nhà cao cửa rộng vợ đẹp con khôn?" Cái gì thuộc về thời đại, thuộc về vận hành hiện tại và tương lai của một thế giới văn minh thì người Việt Nam ta phải thay đổi suy nghĩ, đổi mới tư duy, đổi mới hành động, nói phải đi đôi với làm và làm theo thế giới văn minh. Cuối cùng phải là Nhân dân là tối thượng, là có quyền quyết định vận mệnh quốc gia chứ không phải là một đàn cừu !

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"