Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

“Mở Miệng & Giấy Vụn” và những hệ lụy

Nguyễn Ngọc Chính

Bốn chàng trai tuổi đời trên dưới ba mươi – Bùi Chát, Lý Đợi, Khúc Duy, Nguyễn Quán – đã làm một cuộc “nổi loạn về văn hóa” tại Sài Gòn vào cuối năm 2000. Đến tháng 6/2002 họ chính thức xuất bản một tập thơ “chui” lấy nhan đề là Mở Miệng. Tập thơ được phổ biến bằng cách “chuyền tay” tại Sài Gòn do chính “nhà xuất bản” của họ mang tên Giấy Vụn bằng cách dùng máy photocopy.
Một trong “tứ nhân bang”, Bùi Chát – một bút hiệu dí dỏm vì vừa “ngọt bùi” lại vừa “chua chát” của Bùi Quang Viễn – cho biết họ là những sinh viên mới ra trường, đầy nhiệt huyết và cũng đầy tham vọng cống hiến cho xã hội. Rào cản trước mắt họ là sự phi lý, trì trệ “đến khó hiểu” trong sinh hoạt văn hóa – văn nghệ tại Việt Nam. Đó cũng là lý do những người trẻ quyết tâm… Mở Miệng (1).

Về việc thành lập nhà xuất bản, Bùi Chát cho rằng đó là hệ quả tất yếu của việc chọn lựa hướng đi, quan điểm thẩm mỹ và cách sinh hoạt văn chương. Họ cũng ý thức: làm thơ kiểu Mở Miệng thì chỉ có thể in theo kiểu Mở Miệng. Trong cuộc phỏng vấn với Nhã Thuyên trên trang web Tiền Vệ, Bùi Chát khẳng định:
“Ban đầu, chúng tôi cũng không có ý định thay đổi quan điểm của người khác, nhất là các biên tập viên ở các nhà xuất bản và các quan chức văn nghệ; chúng tôi chỉ muốn họ thấy dù thừa nhận hoặc không thừa nhận thì vẫn có một dòng văn chương khác đang tồn tại bên cạnh họ. Thay đổi để phù hợp với thực tế hay không là chuyện của họ không phải chuyện của chúng tôi”.
Bùi Chát (Ảnh AFP)
Còn Lý Đợi, một thành viên của nhóm Mở Miệng, cho biết nhóm được hình thành từ ý tưởng của Bùi Chát. Cái tên Mở Miệng lấy ý từ Kinh Thánh: “Khởi thuỷ là lời”, mà muốn phát ra thành lời thì phải… mở miệng. Nhóm bốn người này đến Sài Gòn từ hai miền đất nước: Lý Đợi, Khúc Duy, Nguyễn Quán gốc từ Quảng Nam – Đà Nẵng ở miền Trung và Bùi Chát từ Hố Nai, xứ của dân di cư Công giáo vào Nam năm 1954 khi đất nước bị chia cắt.
Cũng trong cuộc phỏng vấn của Nhã Thuyên, Lý Đợi nói rõ những suy nghĩ của mình: “Suy cho cùng, một tác phẩm văn chương cũng giống như một sản phẩm hàng hoá, đều có thể được mua bán, trao đổi, biếu tặng... Cho nên, nếu một cơ sở xuất bản chính thống nào có thoả thuận hay hợp đồng rõ ràng, thoả đáng cho việc dùng tác phẩm, thì tôi nghĩ việc in ấn chỉ còn là phương tiện. Chính thống hay ngoài luồng, chẳng qua cũng là cách xuất bản, vấn đề còn lại, làm thế nào để đôi bên cùng có lợi và cùng được tôn trọng. Tuy nhiên, theo tôi thấy, lúc mà Mở Miệng xuất hiện thì các cơ sở xuất bản chính thống chưa làm được điều này”.
Như vậy, Mở Miệng muốn bày tỏ quan điểm của mình đối với cuộc sống hiện nay qua đường văn chương, chữ nghĩa. Việc thành lập Mở MiệngGiấy Vụn là phản ứng của họ trước vấn đề kiểm duyệt và cấp phép xuất bản hiện hành. Họ chỉ muốn “bình thường hoá” việc tự do ngôn luận, tự do sáng tác và tự do xuất bản.
Lý Đợi (Ảnh Trần Việt Đức)
Trong con mắt của chính quyền, nhóm Mở Miệng biểu hiện cho một sự bất an về chính trị khi họ đứng ra thành lập “nhà xuất bản” Giấy Vụn với phương tiện in ấn bằng máy photocopy. Giấy Vụn mặc nhiên từ chối, thậm chí còn thách thức sự kiểm duyệt của nhà nước để tự hiện hữu như một “đối trọng” của hệ thống xuất bản chính thống do nhà nước kiểm soát từ đầu đến cuối.
Bản thân Bùi Chát, người phụ trách nhà xuất bản Giấy Vụn, đã nhiều lần bị bắt bớ. Những người trong nhóm cũng không ít lần bị gọi lên công an. Dưới mắt chính quyền, Mở Miệng và nhà xuất bản Giấy Vụn không phải là “một hiện tượng văn học”, mà lại là “một hiện tượng chính trị”.
Trong bài viết Meike Fries – Kẻ thù của nhà nước (1) do Phạm thị Hoài dịch có đoạn đối thoại giữa Bùi Chát và phóng viên báo Zeit sau một cuộc thẩm vấn tại trụ sở công an:
“Họ nhắc đi nhắc lại các biên bản từ những cuộc thẩm vấn trước đây và lặp lại toàn các câu hỏi giống nhau”, Bùi Chát kể. “Ai đứng đằng sau các anh, ai tài trợ? Mở Miệng có quan hệ với những nước nào? Có liên lạc với những văn nghệ sĩ, trí thức, luật sư nào?” Rồi họ cho anh xem những văn bản luật pháp và bảo rằng in sách không có giấy phép của nhà nước là bị nghiêm cấm. Bùi Chát cho biết, anh đã quen với những vụ “làm việc” như vậy với công an ở TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, nỗi sợ vẫn thường xuyên rình rập.
“Anh đến ăn mừng với bạn bè vì anh vừa được thả. Trên đường về nhà, có bốn người đàn ông đi xe máy bám theo anh. Anh dừng xe, hỏi vì sao. Không một lời đáp, họ đánh anh vào ngực, vào lưng và rất nhiều lần vào đầu. Vài ngày sau, Bùi Chát gửi email cho tôi [phóng viên báo Zeit], thông báo. Một trong số những người đó bảo: “Mày còn thò mặt đến con hẻm này thì chúng tao giết.”
Bùi Chát sống ở chính con hẻm đó”.
Bùi Chát, Khúc Duy, Lý Đợi, Nguyễn Quán cùng… Mở Miệng(Ảnh chụp năm 2006)
Tập thơ Vòng tròn sáu mặt của 6 tác giả Mở Miệng – Bùi Chát, Lý Đợi, Khúc Duy, Nguyễn Quán, Hoàng Long và Trần Văn Hiến – ra đời năm 2002 và tiếp theo là sự xuất hiện của nhà xuất bản Giấy Vụn. Khác với các nhà xuất bản “ngoài luồng” khác chỉ cho ra đời một vài tác phẩm rồi dừng, Giấy Vụn không chỉ xuất bản các tác phẩm của Mở Miệng mà còn của nhiều tác giả khác.
Bùi Chát khẳng định: “Các tác phẩm do Giấy Vụn xuất bản luôn tôn trọng bản quyền của tác giả”. Đã có hơn 40 đầu sách thuộc nhiều thể loại, lĩnh vực được Giấy Vụn giới thiệu đến tay bạn đọc gần xa, trong có hơn 10 cuốn của nhóm Mở Miệng.
Theo lời Lý Đợi, những cuốn sách đầu tiên anh và Bùi Chát phải tự làm theo cách thủ công tất cả các công đoạn từ việc biên tập, sửa lỗi chính tả, vẽ bìa, in ấn, xén giấy, đến dán bìa, đóng gáy… Nếu trước đây Giấy Vụn phải in sách bằng “công nghệ tự mình đến tiệm photocopy” thì hiện nay chỉ cần gởi bản thảo hoàn chỉnh qua email, cùng với những yêu cầu là sẽ có sách.
Bùi Chát, người chịu trách nhiệm chính của Giấy Vụn, tiết lộ: “Nhiều đầu sách do độ nhạy cảm cùng với yêu cầu cao đã bị nơi photocopy tăng giá, nhưng để có cuốn sách hoàn hảo phải chấp nhận”. Có lẽ vì thế mà blogger Nhị Linh (dịch giả Cao Việt Dũng) nhận xét: “Sách của Giấy Vụn đủ đẹp để làm ghen tị toàn hệ thống xuất bản Việt Nam từ chính thống đến ngoài luồng”.
Tập thơ Khi kẻ thù ta buồn ngủ của Lý Đợi được in thành 2 phiên bản. Bản bìa màu vàng do nhà xuất bản Giấy Vụn in và phát hành trong giới độc giả tiếng Việt và bản bìa màu xanh do quỹ thơ Eva Tas Book xuất bản tại châu Âu, phục vụ người đọc trong cộng đồng tiếng Anh.

“Khi kẻ thù ta buồn ngủ”, bản tiếng Việt, Nxb Giấy Vụn
Khi kẻ thù ta buồn ngủ
………………
Thì chúng ta đã ngủ
Vợ và con gái và bọn đàn bà [nói chung] đang mơ ăn thù đủ
Đám nhà thơ nghĩ mình nằm trong hũ
Bọn chính khách thì móc đứng mình trong tủ
Bọn công an mắt bị bưng mủ
Tất cả là giấc ngủ
Quên đi chuyện ấp ủ
Nguyên đây chỉ vần… ủ!
Chúng đột kích ta từ phía sau
Mở toang cửa vào vườn rau
Đắp đường làm cầu
Diệt xong bến Văn Lâu
Giành đánh trống chầu
Có trời mới biết nó là gì
Có trời mới biết nó là gì…
Thì đó là bản sắc văn hóa Việt Nam
Nó giống như một xác chết thối
Giống như một cái gối cũ
Như một vết thương bưng mủ
Được lôi lên từ vũng bùn
Đầy mùi xú ế…
Chứ còn nghi ngờ gì nữa, rõ khổ…
When Our Enemy Falls Asleep, Nxb Eva Tas Book
Ở nước ngoài, hoạt động của Bùi Chát và nhóm Mở Miệng trong việc đương đầu với kiểm duyệt của chính quyền đã gây được tiếng vang. Trung tâm Văn bút Thụy Điển đã chọn anh làm thành viên danh dự. Hiệp hội các Nhà xuất bản Quốc tế (The International Publishers Association, IPA) chọn để trao giải Tự do Xuất bản năm 2011. Lễ trao giải diễn ra tại Hội chợ sách Buenos Aires, Argentina.
IPA đã giữ kín thông tin này, trước khi Bùi Chát rời khỏi Việt Nam. Nhưng khi về nước, anh bị công an bắt và tạm giam 48 tiếng đồng hồ. Các tập thơ anh mang theo, giải thưởng và bằng chứng nhận đều bị tịch thu.

Bùi Chát nhận giải thưởng Tự Do Xuất bản năm 2011
tại Hội chợ sách Buenos Aires
Gần đây, khi bàn đến những hệ lụy của “Mở Miệng & Giấy Vụn” người ta nghĩ ngay tới Nhã Thuyên, người đã nhiều lần phỏng vấn các thành viên của nhóm Mở Miệng, lần thứ nhất ngày 05/11/2010 và lần phỏng vấn bổ sung ngày 09/01/2011. Nhã Thuyên viết phần tựa bài phỏng vấn đăng trên Tiền Vệ như sau:
“Vào tháng 11 năm 2010, khi nhóm Mở Miệng và hoạt động xuất bản của nhóm thông qua “cơ quan ngôn luận” là nhà xuất bản Giấy Vụn đã đi được một chặng đường dài gần 9 năm, tôi đã đề nghị phỏng vấn Lý Đợi và Bùi Chát, với mục đích ban đầu là làm tư liệu cho một nghiên cứu cá nhân về “những tiếng nói ngầm trong thơ Việt Nam hậu đổi mới” (nghiên cứu này vẫn đang được tiến hành với sự hỗ trợ một phần của tổ chức ANA - Artsnetworkasia).
“Thực hiện cuộc phỏng vấn này, tôi muốn tìm hiểu một cách tương đối kĩ lưỡng về sự hình thành, phát triển, những hoạt động cũng như những vấn đề xung quanh sáng tác và hoạt động xuất bản của Mở Miệng và nhà xuất bản Giấy Vụn. Một phần vì khoảng cách địa lý [Nhã Thuyên ở Hà Nội còn nhóm Mở Miệng ở Sài Gòn], một phần vì cuộc phỏng vấn sẽ phải kéo dài và nhiều vấn đề có lẽ chỉ có thể rõ ràng và thuận tiện trình bày trên văn bản, chúng tôi thống nhất là phỏng vấn qua email.
Từ phía người phỏng vấn, tôi cũng cảm thấy vài bất lợi như sự đứt đoạn hay việc không được cảm nhận trực tiếp thái độ, cảm xúc của những người cùng trò chuyện. Do đó, sau khi nhận được trả lời phỏng vấn lần 2 vào ngày 9/1/2011, tôi có nghĩ tới một dịp tiếp xúc trực tiếp để trao đổi thêm một vài vấn đề để hoàn tất cuộc phỏng vấn”.
Nhà văn Nhã Thuyên
Nhã Thuyên là bút hiệu của cô giáo Đỗ Thị Thoan, giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội. Cô giáo Thoan vào năm 2010 đã soạn một luận văn thạc sĩ nghiên cứu về nhóm thơ Mở Miệng với nhan đề “Vị trí của kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa”.
Đề tài luận văn đụng chạm đến một hiện tượng rất mới mẻ của văn học đương đại nhưng Đỗ Thị Thoan đã được bộ môn Lý luận Văn học của khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, chấp nhận. Luận văn đó đã được chấm điểm 10, tức là điểm tuyệt đối, từ năm 2010 nhưng không hiểu sao năm 2013, tức là 3 năm sau, lại có cả một làn sóng phê phán gay gắt luận văn này. Có nhiều bài viết chỉ trích cả người viết Đỗ Thị Thoan, người hướng dẫn (Phó giáo sư TS Nguyễn Thị Hòa Bình, trưởng Khoa Văn trường Đại học Sư Phạm Hà Nội), người chấm và cơ quan chủ quản.
Luận văn Thạc sĩ của giảng viên Đỗ Thị Thoan
Tại Hội nghị Lý luận - Phê bình Văn học lần thứ III do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đầu tháng 06/2013 ở Tam Đảo, nhiều nhà phê bình văn học trong hội đã phê phán luận văn của Đỗ Thị Thoan, với giọng điệu gay gắt, phẫn nộ, đòi “xử lý trách nhiệm” của tất cả những ai có dính líu đến bản luận văn.
Nhà nghiên cứu-phê bình văn học Nguyễn Văn Lưu gọi đó là “một luận văn kích động sự phản kháng và chống đối”. Có người còn nói rằng: “Đây là một luận văn trá hình mang nội dung chính trị phản động…”.
Riêng đối với báo chí “lề phải”, theo tác giả Thanh Phương, tờ Quân đội Nhân dân số ra ngày 07/07/2013 có một trong bài chính luận mang tựa đề “Một góc nhìn phản văn hóa và chính trị”, đã kịch liệt lên án bản luận văn của Đỗ Thị Thoan. Tờ báo cho rằng các thi sĩ trong nhóm Mở Miệng đã dùng thơ để “hạ bệ các thần tượng, giải thiêng lãnh tụ và các danh nhân... xúc phạm tình cảm của hàng triệu đồng bào ta đối với Bác Hồ kính yêu”.
Có lẽ tờ báo dựa vào đoạn thơ dưới đây trong bài thơ Cùng khổ của Bùi Chát để kết tội nhóm Mở Miệng đã “phạm thượng” với chữ Hồ được viết hoa trong câu “Chúng ta cùng chảy một Hồ nước mắt” (?):
“…Chúng ta cùng tồn tại trong một môi trường
Chúng ta được tạo ra làm những cỗ máy
Chúng ta cùng nhai một loại thực phẩm
Chúng ta cùng chảy một Hồ nước mắt…”
Bài viết trên tờ Quân đội Nhân dân số ra ngày 7/7/2013
Nói theo ngôn ngữ ngày nay, Nhã Thuyên và nhóm Mở Miệng đã bị “ném đá” không thương tiếc. Hệ lụy trước mắt không chỉ bài luận văn bị đả kích, cô giáo Đỗ Thị Thoan nghe nói còn bị chấm dứt hợp đồng giảng dạy ở khoa Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội và giáo viên hướng dẫn cô cũng bị thôi chức trưởng bộ môn.
Trong một chừng mực nào đó, sự kiện này khiến người ta nhớ lại vụ Nhân Văn – Giai Phẩm từ cách đây nửa thế kỷ. Theo Phạm Xuân Nguyên trong cuộc trả lời phỏng vấn RFI từ Hà Nội, kiểu đả kích luận văn của Đỗ Thị Thoan là một lối phê bình “chỉ điểm”. Hiểu theo hình tượng những “mật thám” ngày xưa “chỉ điểm” để chính quyền bảo hộ bắt những người chống đối. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận xét:
“Về nhóm Thơ Mở Miệng, tôi cũng có thể nói rằng là phần lớn những người phê bình có thể chưa đọc hoặc không biết gì về nhóm này. Nhóm Mở Miệng bao gồm những người trẻ ở Sài Gòn, đều đã tốt nghiệp đại học.
Họ làm một thứ thơ trước hết là nhằm phản ứng lại những thứ thơ đang thịnh hành: thứ thơ du dương, véo von, hoặc thứ thơ không đi sát đời sống... Họ làm một thứ thơ mà bản thân họ tự nhận là “thơ dở”, “thơ rác”, “thơ nghĩa địa”, thứ thơ nên “đào đất chôn đi”. Họ thực hành một thứ thơ nhằm biểu lộ một thái độ. Thơ của họ có những bài tục, có những bài thơ nhại, tức là lấy một bài thơ quen thuộc, nổi tiếng, sửa đi một vài từ, thêm một vài từ, biến một bài thơ nghiêm túc thành một bài thơ cợt nhả…”
Tôi vốn là người thích loại thơ tiền chiến, đặc biệt là thơ tình. Chẳng hạn như những câu trong bài Chiều của Xuân Diệu: “Hôm nay trời nhẹ lên cao / Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”. Thơ của thời đó vừa trau chuốt với ngôn từ, vừa mới lạ với ý tưởng.
Quả thật rất khó “tiêu hóa” những ngôn từ & ý tưởng của thơ Mở Miệng như trong bài thơ Vần ‘inh’ của Bùi Chát trong tập thơ Cái lồn bỏ đi & những bài thơ chửi rủa [bới, lộn], Nxb Giấy Vụn, 2004:
tôi buồn khóc như buồn nôn
ngoài phố
nắng thuỷ tinh
tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ
thanh tâm tuyền
[í quên, bùi chát chớ!]
...
tôi thèm giết tôi
loài sát nhơn muôn đời
tôi gào tên tôi thảm thiết
buồi chét! buồi chét! bù ù ù ồ ồ ì ì ì ché é é t t t !
bóp cổ tôi chết gục
để tôi được phục sinh
vợ tôi hôm nay bất ngờ có kinh…
Người ta có nhiều “gout” khi thưởng thức một bài thơ, người thì thích ngôn ngữ của nhà thơ, kẻ thì thích ý tưởng của người làm thơ. Nhưng nếu đọc thơ Mở Miệng người ta có lẽ phải gạt bỏ những sở thích “sáo mòn” đó để bước vào một thế giới thơ… “lạ”. Lạ từ cách dùng từ như Xáo chộn chong ngày (2003) một hình thức sử dụng chính tả ngược ngạo: trộn thành chộn, trong thành chong
Xáo chộn chong ngày là một tập thơ khiến các nhà ngôn ngữ học phải nhíu mày vì cách phát âm và chính tả. Ẩn ý ở đây nằm trong sự khác biệt về cách phát âm của hai miền Nam-Bắc. Không phải chỉ mình Hà Nội nói ngọng (Bùi Chát là người Bắc di cư) cũng không phải giọng Hà Nội “ngọng” hơn Quảng Nam, quê hương của 3 thành viên còn lại trong nhóm Mở Miệng. Bài Hiện chạng có thể coi là điển hình về phát âm và chính tả trong tập thơ Xáo chộn chong ngày:
Không jì có thể đoạt tôi khỏi những bàn tay
cái nhìn không tương xứng lăm ngón
Jữa con mắt fải và chái
không fải cái mũi thò nò xanh
thế jới lày không thể bóp tôi
những hình ảnh cũ thay đổi tôi như mới
thái độ nên cầu ngồi xổm để jơi một vật jưới lước
Người đọc có cảm giác Mở Miệng muốn đảo lộn tất cả. Ngay cả ca dao cũng bị họ “chọc ngoáy” như trong bài Du lịch, tập thơ Xin lỗi chịu hổng nổi, Nxb Giấy Vụn, 2007:
“Đường vô xứ Huế quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh bờ hồ
Ai vô xứ Huế thì vô... quầy lưu niệm”
Bùi Chát nói với Nhã Thuyên: “Đối với chúng tôi, văn chương đôi khi là phương tiện, đôi khi là mục tiêu để đạt tới (đôi khi cả 2), nhưng dù là gì đi nữa chúng tôi cũng không bao giờ giống với thế hệ đi làm cách mạng ở Việt Nam, nghĩa là không đời nào chúng tôi chịu làm công cụ cho một ý thức hệ hay tư tưởng nào sai khiến cả”.
Thích hay không thích thơ Mở Miệng còn tùy thuộc vào sở thích riêng của từng cá nhân. Có điều ta phải “ngả mũ” trước Mở MiệngGiấy Vụn đã dũng cảm dấn thân, bất chấp những hệ lụy trước mặt.
Khúc Duy, Lý Đợi, Nguyễn Quán, Bùi Chát
***
Chú thích:
(1) Tác phẩm đã in của nhóm Mở Miệng:
• Bùi Chát: Xáo chộn chong ngày (2003); Cái lồn bỏ đi & những bài thơ chửi rủa [bới, lộn] (2004); Tháng tư gãy súng (2005); Xin lỗi chịu hổng nổi (2007); và Bài thơ một vần/One-rhyme poems – thơ song ngữ Anh Việt (2009)
• Lý Đợi: Bảy biến tấu con nhện (2003); Trường chay thịt chó (2005); Khi kẻ thù ta buồn ngủ / When our enemy falls asleep – thơ song ngữ Anh Việt (2010)
• Các dự án chính: Vòng tròn sáu mặt (tập thơ 6 tác giả), Mở Miệng (tập thơ 4 tác giả); Khoan cắt bê tông (tập thơ chung 23 tác giả), Có jì dùng jì có nấy dùng nấy (tập thơ chung 47 tác giả).
(2) Meike Fries: “Der Staatsfeind”, tạp chí Zeit Campus số 2 (tháng 3&4 2012) của tuần báo Zeit, trang 70-73.
***
(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)
Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:
Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
Tác giả đang viết tiếp Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"