Phan An Sa
Phản hồi của bác Phan An Sa con trai cụ Phan Khôi
Trưa ngày 18/9/2013, tôi được một người bạn e-mail cho bài SAO LẠI "TÂM HỒN VONG BẢN"!? của tác giả Minh Diện, đăng trên blog Bùi Văn Bồng và được blog Quê choa đăng lại, cùng ngày 17/9. Sau đó tôi đọc trực tiếp bài này trên hai blog nói trên và buộc phải lên tiếng bằng bài viết này.
Tôi vốn hay đọc Quê choa của anh Nguyễn Quang Lập chỉ vì mê những mẩu tản văn của anh rút từ cuốn CHUYỆN ĐỜI VỚ VẨN. Vì lẽ đó, tôi gửi bài này cho anh, coi như một comment đối với bài viết nói trên của tác giả Minh Diện.
Mong anh Nguyễn Quang Lập vui lòng đăng cho.
Khi đọc cái tựa của bài viết, lại đăng kèm bức ảnh cuối cùng của Cụ Phan do chính mình cung cấp cho báo chí cách đây mấy năm, thì tôi chú ý ngay vì hiểu là bài này viết về cha mình. Thấy tác giả bài viết là Minh Diện, tôi cứ ngờ ngợ vì nghe quen quen, nhưng chịu, không nhớ ra là ai. Vì đó, bài viết này của Minh Diện thu hút ngay sự chú ý của tôi.
Nhưng thật là bất ngờ, tôi hoàn toàn thất vọng vì ông Minh Diện đã xuyên tạc và bịa đặt quá nhiều sự việc thuộc về lịch sử có liên quan đến cha tôi. Dụng ý không trong sáng của tác giả thì đã rõ, nhưng tội nghiệp là tội nghiệp cho 38 cái comment của độc giả, vì không biết thực hư thế nào, nên đã tỏ ra hưởng ứng với tác giả bài viết.
Khi viết bài này, tôi hướng đến đông đảo độc giả, chứ tuyệt đối không có ý tranh luận với tác giả bài viết, vì tôi không đủ thì giờ để làm việc đó. Độc giả đã đọc bài của ông Minh Diện, nay độc giả lại đọc bài của tôi, và tự họ làm phép so sánh. Và đương nhiên rồi, trong mọi trường hợp tương tự, thì chân lý chỉ có một!
Tác giả đã tìm được cách để đi thẳng vào lòng độc giả khi mở đầu bài viết của mình bằng một đoạn văn lâm li, bi ai, chỉ tiếc rằng đoạn văn ngắn đó có quá nhiều sai sót:
Quan tài cha tôi đặt trên chiếc xe song mã màu đen. Đó là loại quan tài xấu nhất được mua phân phối giá hai đồng bảy hào năm xu. Sáu mảnh gỗ tạp, bào qua loa, không sơn phết, tấm thiên, tấm địa và bốn góc đều hở. Trên nóc quan tài chỉ có ba nén nhang cắm vào quả trứng luộc để trong chén cơm...
Ngoài con ngựa kéo xe, chỉ có 10 người đưa đám, kể cả hai nhân viên dịch vụ mai táng và người đánh xe ngựa. Người bạn, người đồng nghiệp duy nhất của cha tôi là nhà thơ Yến Lan, còn lại là người trong gia đình. Chúng tôi bấu víu vào nhau, đẩy chiếc xe ngựa lăn bánh chậm chạp ra khỏi con hẻm, đi về hướng Đông...
Mẹ tôi bảo dừng lại một phút cho cha tôi chào Hà Nội một lần cuối. Mẹ tôi và chúng tôi thay mặt cha tôi quỳ xuống lạy ba lạy".
Trước hết, tác giả phải trả lời độc giả: rằng mình đã hỏi chuyện ai trong số những người con của Cụ Phan? Ai là người đứng ngôi thứ nhất - xưng tôi trong đoạn văn trên - để kể với tác giả những điều xằng bậy như vậy? Chắc chắn là tác giả không thể trả lời được câu hỏi này, vì đó là tác giả bịa ra, chứ trong số các con ông, không có ai tiếp chuyện với tác giả theo kiểu ấy cả.
Độc giả cũng nên nhận chân một sự thật, là chỉ một đoạn văn ngắn như trên, đã dày đặc những chi tiết bịa tạc của tác giả, và tiếc thay, những chi tiết bịa tạc này lại rất dễ chiếm được lòng tin của độc giả. Tôi sẽ chỉ ra các chi tiết đó:
So với các loại quan tài sơn son thếp vàng ngày nay, thì hồi ấy, cái quan tài mộc mạc và đơn sơ thật, nhưng nhất quyết đó không phải là loại quan tài xấu nhất, như tác giả viết có dụng ý. Trước đó hai mươi năm - vào năm 1939 - chú họ tôi là Phan Thanh qua đời, đám tang ông lớn nhất Hà Nội thời bấy giờ, cũng chỉ dùng loại quan tài mộc như vậy. Tập quán ngày đó là vậy, chứ không hề có ý phân biệt nhân thân người quá cố, như ẩn ý của tác giả.
Rồi cái chi tiết được mua phân phối giá hai đồng bảy hào năm xu, thì tác giả lấy ở đâu ra? Nếu vẫn là từ miệng một người con của Cụ Phan - như ý đồ của tác giả muốn độc giả hiểu như vậy - thì sự dối trá của tác giả không còn chỗ để trắng trợn hơn. Xin nói cho nhanh: ngày Cụ Phan qua đời, miền Bắc vẫn sử dụng tiền giấy Ngân hàng Quốc gia Việt Nam phát hành trong cuộc đổi tiền lần thứ hai, ngày 6/5/1951 trên Việt Bắc, tính bằng chục đồng, trăm đồng, ngàn đồng; ví dụ bát phở chín giá 200 đồng, phở tái 250 đồng, sốt vang 300 đồng. Sau khi Cụ Phan qua đời, đến tháng 2/1959 mới đổi tiền lần thứ ba: 1 đồng Ngân hàng mới, ăn 1000 đồng Ngân hàng cũ, lúc đó mới tính bằng đồng, hào, xu. Vậy thì ngày Ông Cụ mất, lấy đâu ra cái giá hai đồng bảy hào năm xu?
Trên nóc quan tài chỉ có ba nén nhang cắm vào quả trứng luộc để trong chén cơm, là tác giả đem cái hiểu biết sơ đẳng về một đám tang của người Việt mà gắn vào, chứ tôi là con Ông Cụ, sau hơn nửa thế kỷ, đã không còn nhớ nổi là có hay không cái chi tiết ấy? Mười phần, thì chín phần tôi tin là không có, vì chúng tôi là gia đình miền Nam tập kết những năm 1954 - 1955, các anh chị lớn trong nhà đứng ra làm tang cho cha đều là cán bộ, đảng viên, mà những người này thì làm việc gì cũng nhất nhất tuân theo quy định của tổ chức, họ sẵn sàng bỏ qua cả phong tục tập quán nếu nó không phù hợp với các quy định ấy.
Ngoài con ngựa kéo xe, chỉ có 10 người đưa đám, kể cả hai nhân viên dịch vụ mai táng và người đánh xe ngựa. Độc giả thử nghĩ xem tác giả có mất trí không mà tính ngựa với người vào làm một? Rồi 10 người đưa đám, mà trừ đi hai nhân viên dịch vụ và người đánh xe, rồi trừ đi nhà thơ Yến Lan như tác giả kể đến ở dưới, thì hóa ra gia đình Ông Cụ chỉ có sáu người đi đưa đám thôi ư? Thật là bậy bạ! Độc giả nên biết rằng: ngày ấy, vợ, con, cháu Ông Cụ ở Hà Nội rất đông - trừ một số cháu còn nhỏ quá thì phải để ở nhà do trời hôm đó vừa mưa vừa rét - số còn lại đều đi đưa đông đủ cả. Tác giả, để đạt được ý đồ của mình, đã xúc phạm nặng nề đến thân nhân, gia quyến của Ông Cụ.
Người bạn, người đồng nghiệp duy nhất của cha tôi là nhà thơ Yến Lan. Xin nói luôn, chưa bao giờ nhà thơ Yến Lan là bạn của Ông Cụ cả, vì nhà thơ sinh năm 1916, chỉ đáng tuổi các con thứ của Ông Cụ, lại tập kết từ trong Nam ra, còn Ông Cụ ở Việt Bắc về, họ quen nhau lúc nào mà gọi là bạn? Cái chi tiết nhà thơ Yến Lan có đi đưa đám là do con gái nhà thơ - chị Lâm Bích Thủy - mấy năm trước có kể lại trong một mẩu hồi ký, rồi tác giả lấy cài vào bài viết của mình, nhưng lại dẫn ra như lời kể từ miệng một người con của Ông Cụ. Trong cuốn sách của tôi(*), về việc này, ở trang 624 có viết: "Nhiều chục năm sau, khi tên tuổi ông được nhắc nhở trở lại, các tác phẩm của ông được tái bản và xuất bản ngày một nhiều, thì có người kể lại rằng mình có dự đám tang ông ngày ấy. Nhưng theo trí nhớ của các con ông, thì ngày ấy, đám tang ông và cuộc đưa tiễn ông đến nơi an nghỉ cuối cùng, chỉ có vợ và con cháu của ông, tất cả khoảng hai mươi người". Xin đọc giả biết cho, đây mới là sự thật!
Chúng tôi bấu víu vào nhau, đẩy chiếc xe ngựa lăn bánh chậm chạp ra khỏi con hẻm, đi về hướng Đông. Chúng tôi là các con cháu của Ông Cụ, ngày ấy có thừa sức khỏe và tinh thần để lo đám tang cho cha ông mình theo cách chu toàn nhất có thể, thì tại sao lại phải bấu víu vào nhau như một đám thân tàn ma dại, thất tha thất thểu, để đến nỗi tác giả phải viết như vậy? Còn chiếc xe tang song mã di chuyển theo tốc độ nào cho phù hợp với một đám tang là bởi tay nghề điều khiển của người xà ích đối với đôi song mã, hà cớ gì mà chúng tôi lại phải đẩy chiếc xe ngựa lăn bánh ra khỏi con hẻm...? Và ông Minh Diện phải trả lời sòng phẳng với độc giả điều này: tại khu vực có số nhà 73 phố Thuốc Bắc, ông hãy chỉ cho thiên hạ xem ở đó có con hẻm nào không?, và cái con hẻm ông nói, là con hẻm nào? Còn trường hợp ông thú nhận không phân biệt nổi một con hẻm với một con phố, thì xin lỗi, tôi miễn bàn.
Chưa hết:
Mẹ tôi bảo dừng lại một phút cho cha tôi chào Hà Nội một lần cuối. Mẹ tôi và chúng tôi thay mặt cha tôi quỳ xuống lạy ba lạy... Đây lại là một chi tiết bịa đặt lố bịch. Trong gia đình, chúng tôi có hai bà mẹ, ông Minh Diện nói mẹ tôi là định nói bà mẹ nào: bà cả hay bà hai? Sau vụ Nhân Văn - Giai Phẩm, Cụ Phan chết trong tình cảnh bị thời cuộc ghẻ lạnh. Bản thân Cụ, khi con cái tới thăm Cụ còn không buồn tiếp chuyện, và Cụ chọn cách quay mặt vào tường - tức là quay lưng lại với thế sự - để nhắm mắt xuôi tay, thì hà cớ gì chúng tôi lại làm cái việc ngược đời là dừng lại một phút để cha tôi chào Hà Nội một lần cuối? Rồi còn: Mẹ tôi và chúng tôi thay mặt cha tôi quỳ xuống lạy ba lạy, thì tôi quyết là ông Minh Diện mắc chứng thần kinh! Ông hãy trả lời độc giả: ví dụ cha ông chết trong sự phẫn chí, mà ông lại thay mặt cha ông làm cái việc ngu xuẩn đó, thì giả dụ trời cho cha ông sống lại, thử hỏi cha ông có vùng dậy đạp vào mặt ông mấy cái cùng với lời rủa sả thằng con vừa ngu vừa bất hiếu không? Và hỏi ông tiếp câu này: quỳ xuống lạy ba lạy, là quỳ giữa đường à? Tại sao lại phải quỳ, phải lạy? Và lạy ai???
Ông còn viết: Ông Phan An vừa lom khom chậm rãi bước vào trong con hẻm phố Thuốc Bắc. Và tiếp: Một lần nữa ông Phan An lại từ Đà Nẵng ra Hà Nội, tìm về căn nhà số 73 hẻm phố này, nơi cha ông đã sống những ngày cuối cùng. Ông Minh Diện phải trả lời độc giả lần nữa, rằng: Phan An là ai? Trong số những người con trai còn sống của Cụ Phan, ông hãy chỉ ra ai là Phan An? Theo cách ông nói tiếp ở đoạn dưới: Ông Phan Lang Sa tâm sự: Khổ tâm nhất là anh Phan Thao. Anh ấy trong Ban biên tập báo Nhân Dân mà ngày nào cũng phải nghe, phải đọc những lời nhục mạ, vu khống cha mình. Không chịu nổi, Phan Thao phải xin từ nhiệm và Phan Lang Sa phải đổi tên thành Phan An, thì tôi hiểu là ông đang nói về tôi, người đang đối diện với ông trước bài viết này. Thế là ông đụng hàng rồi, phải không ông Minh Diện!?
Xin nói để độc giả biết, sau khi cha tôi qua đời, cuộc sống nội trú tập thể của tôi gặp nhiều trắc trở vì cái tên cha mẹ đặt cho, thầy Hiệu trưởng lo cái tên của tôi cứ như chọc vào mắt các nhà tổ chức - nhân sự, nên xin với Chủ tịch tỉnh đổi tên tôi từ Phan Langsa (viết và đọc theo lối Pháp) thành ra Phan An Sa, và tôi dùng nó đến tận bây giờ. Trong gia đình Cụ Phan không có ai Phan An là con Cụ cả. Ông Minh Diện nên nhớ rằng: tôi chưa gặp ông, chưa biết ông, nên không bao giờ có chuyện tôi tâm sự, ông không nói là tâm sự với ai, nhưng đọc lên thì phải hiểu là tâm sự với ông, mà đâu phải chỉ tâm sự một chuyện này, mà tâm sự suốt từ đầu bài viết của ông kia. Cũng nói để ông Minh Diện biết luôn: tôi tập kết ra Bắc năm 1955 lúc mười tuổi, trừ hai năm học ở Trung Quốc và năm năm vác súng vào chiến trường, thời gian còn lại tôi ở Hà Nội, hộ khẩu Hà Nội, và chắc là cả cho tới khi "đi Văn Điển" vẫn hộ khẩu Hà Nội. Vậy, cái người mà ông gọi là Phan An đó lại từ Đà Nẵng ra Hà Nội, là Phan An nào, và Phan An ra Hà Nội lúc nào? Còn anh Phan Thao của tôi thì không bao giờ xin từ nhiệm chức vụ ở báo Nhân Dân cả, anh về báo Thống Nhất là bởi tờ báo này mới thành lập để phục vụ cho công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước và nó cần có anh, thế thôi!
Ông còn viết: Tuy ông - tức Cụ Phan - không phải đi tù như Nguyễn Hữu Đang, Thụy An, nhưng ông bị đày đọa khổ sở còn hơn tù. Viết thế, ông Minh Diện không sợ người ta bảo là vu khống sao? Người ta sẽ hỏi ông: đày đọa khổ sở còn hơn tù là đày đọa thế nào? Hãy nói cho cụ thể các hình thức đày đọa và hậu quả mà nạn nhân phải chịu? Hỏi thế là ông bí, phải không ông Minh Diện? Ông liều thật đấy, đâu phải cứ chuyện đã lùi xa nửa thế kỷ, thì muốn nói thế nào cũng được. Ở thời điểm hơn năm chục năm trước, người ta cố la thật to là Ông Cụ phản động để kiếm cớ khai trừ Ông Cụ khỏi Hội Nhà văn, chuyển chỗ ở của Ông Cụ về nơi tồi tệ hơn, chứ Ông Cụ vẫn lãnh lương, vẫn tự do đi lại, vẫn đọc báo hàng ngày, vẫn viết và ghi chép bất cứ thứ gì Ông Cụ muốn, và được vợ, con chắm sóc. Rơi vào tình cảnh oan khiên như Cụ Phan lúc đó, thì ai mà chẳng đau đời, nhưng nói đày đọa khổ sở còn hơn tù, như cách ông Minh Diện nói, là ngoa ngôn, lý tình đều không được.
Tả về hình ảnh Cụ Phan lúc lâm chung, ông Minh Diện đã dựng nên một cảnh tượng thật hãi hùng: Đó là lúc cụ nằm úp mặt vào tường, ho cơn ho cuối cùng, thổ những giọt máu tươi ra quyển sách đang đọc dở trên tay. Ông Minh Diện, ông lấy đâu ra những chi tiết ấy? Thổ huyết thì chỉ những người ho lao thôi, Cụ Phan không ho lao. Phút lâm chung, Cụ vẫn nói một lời cuối: Thế - sự - nó - là - thế! để trả lời bà vợ hai và người con dâu trưởng là tại sao Cụ lại quay mặt vào tường? Lúc đó Cụ đã mấy ngày không đọc được sách nữa rồi, tức là cũng không có quyển sách nào đang đọc dở trên tay hết.
Một nấm mồ nông vùi người con Quảng Nam nơi đất Bắc, trên đơn sơ một mảnh ván viết hai chữ Chương Dân. Đến nấm mồ của người quá cố, ông Minh Diện cũng không tha bôi bác. Chuyện đào huyệt là chuyện của nghĩa trang, có quy cách, không thể tùy tiện, vì vậy cái huyệt nào chẳng giống cái huyệt nào. Vậy hà cớ gì ông Minh Diện lại khoét ra cái chuyện nông, sâu ở đây? Và tại sao ông dám liều mạng viết: trên đơn sơ một tấm ván viết hai chữ Chương Dân?Trong khi sự thật về tấm bia mộ thì như tôi đã viết trong cuốn sách của mình(*), ở trang 621- 622: "Nơi chân mộ là một tấm bia bằng đá bề ngang khoảng hai mươi phân, bề dài gần bốn mươi phân, để còn chôn phần chân bia xuống đất, lưng bia còn hằn những vết đẽo thô ráp khum khum dày lên ở chính giữa. Tấm bia cho người ta cái cảm giác nó nhỏ đến mức không thể nhỏ hơn được nữa, nhìn sang các mộ bên cạnh, cũng rặt một thứ bia nhỏ như thế cả. Mặt trước của tấm bia nhẵn, khắc chìm hai dòng chữ đơn sơ Cụ Chương Dân, mất ngày 16 - 1 - 1959; không có quê quán, không nơi cư trú. Với một tấm bia đơn sơ như thế, dễ chừng, nếu không phải là người trong gia đình, khó mà biết ai nằm dưới mộ!". Viết như vậy, dù nghe nó có thê lương đến mấy, thì cũng phải viết, vì nó là sự thật. Nhưng tuyệt đối không được viết theo cách vừa sai sự thật, vừa bôi bác và đầy ẩn ý xấu, như ông Minh Diện đã viết.
Tóm lại, ông Minh Diện, kể ra ông viết tiểu thuyết thì không sao, ông bịa thế nào cũng được, miễn là được độc giả tin. Đằng này ông thuật lại sự thật đoạn cuối cuộc đời của một một nhân vật lịch sử như Cụ Phan, mà ông bịa tạc đến như thế, thì tâm địa ông là cái tâm địa gì? Ông định đánh lừa độc giả chăng? Đừng, tội sẽ lớn lắm đó!
Tôi có cảm nhận: hình như ông Minh Diện đã đọc cuốn sách nói trên của tôi(*) và ông cũng đã xem bộ phim tài liệu Con mắt còn có đuôi của NSƯT Huỳnh Hùng, tóm tắt về cuộc đời Cụ Phan, là bộ phim đã nhận được hai Giải thưởng Toàn quốc, đầu tiên do Đài PTTH Đà Nẵng phát sóng, rồi tiếp đến là các kênh truyền hình Trung ương như ANTV của Công an Nhân dân, VOV của Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng nhiều lần, rất được hoan nghênh. Ông Minh Diện nhặt nhạnh mỗi nơi một tý rồi chắp nối lại cốt thể hiện cho được ý đồ riêng của mình. Cái cách ông Minh Diện đã làm không mấy sạch sẽ và dễ nhận ra lắm. Cuốn sách của tôi có bốn phần, thì tôi dùng nguyên hai phần cuối để nói về giai đoạn năm 1954 Ông Cụ từ Việt Bắc trở về Hà Nội cho đến khi qua đời và những hệ lụy kéo dài cho đến những năm tháng gần đây. Chính ông Minh Diện đã rút tỉa một số chi tiết từ các trang sách đó, của bộ phim đó, rồi thêm lời lẽ của mình vào, để viết thành bài Sao lại "tâm hồn vong bản"!? mà tôi đang phải bàn đến ở đây. Trong hai phần này của cuốn sách, tôi tỏ thái độ phản đối cái cách người ta đã đối xử với Cụ Phan và những người như Cụ hơn năm mươi năm về trước, nhưng tôi căn cứ trên sự thật mà phản đối, tôi không nói thêm, không làm xô lệch sự thật. Ông Minh Diện nên nhớ: bình sinh Cụ Phan chỉ tôn thờ sự thật và tự do, trong đó cao hơn hết là tự do tư tưởng. Ông nói sai sự thật về Cụ, thì là ông xiển dương Cụ hay làm Cụ đau lòng vì một kẻ hậu sinh không biết tôn trọng sự thật?
Về tiểu sử Cụ Phan, sự nhầm lẫn của ông Minh Diện - không biết do cố tình hay do cẩu thả - cũng không thể không nhắc đến.
Phan Khôi với truyền thống yêu nước của gia đình, đã tham gia phong trào chống Pháp từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Xin nói rõ với độc giả, Cụ Phan không học ở bất cứ trường nào cả, nên không thế nói trên ghế nhà trường được. Ở tuổi thiếu niên và thanh niên, Ông Cụ được học chữ Hán với cụ Trần Quý Cáp trong mười năm, ngay tại nhà cụ Trần, học trò ngồi lê trên những tấm ván kê khắp mấy gian nhà, gặp ngày thi thì cả trăm học trò ngồi tràn cả ra thềm, ra sân và ra cả các bụi chuối ngoài vườn. Cũng không phải Ông Cụ đã tham gia phong trào chống Pháp ngay từ hồi đi học - như Minh Diện viết - mà Ông Cụ chỉ tham gia hoạt động cách mạng từ sau khi thi đỗ tú tài năm 19 tuổi, dưới sự dẫn dắt trực tiếp của chí sĩ Phan Châu Trinh.
Sau Cách mạng tháng 8 - 1945, Hồ Chủ tịch trọng tài đức của Phan Khôi, trực tiếp viết thư mời ông ra Hà Nội góp sức xây dựng chính phủ Việt Năm Dân chủ Cộng hòa. Viết như thế cũng lại sai nốt. Sự thật là: tháng 6 năm 1946, Ông Cụ nhận được Giấy mời của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng ký, với nội dung ra Hà Nội dự Hội nghị Văn hóa Toàn quốc Lần thứ nhất, rồi từ Hà Nội, sau ngày Toàn quốc Kháng chiến 19/12/1946, ông tìm đường lên Việt Bắc.
Thân phụ ông là Phan Trần. Viết thế là sai, đúng, phải là Phan Trân.
Chú ruột Phan Khôi là Phan Dinh, cha của nhà cách mạng Phan Thanh, Phan Bôi. Cũng sai, đúng, phải là Phan Định.
Người thầy đầu tiên của Phan Khôi là Trần Quý Cáp. Năm 1908 ông phải chứng kiến cái chết chém ngang lưng của thầy mình. Lại một sự suy diễn vô lối của tác giả Minh Diện. Sự thật là: đầu năm 1908, sau khi vụ xin xâu nổ ra quyết liệt ở Quảng Nam và các tỉnh miền Trung, thì Phan Khôi bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội, dẫn về Quảng Nam kêu án ba năm tù, giam tại nhà lao Hội An. Cũng như vậy, Trần Quý Cáp đang làm chức giáo thọ ở huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa) cũng bị bắt và không lâu sau bị xử chém tại đó. Một người thụ án trong nhà lao Hội An, làm cách nào để chứng kiến cảnh xử chém thầy giáo của mình ở Khánh Hòa? Cái này xin để ông Minh Diện trả lời độc giả vậy!./.
Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả
_______________
Chú thích: NẮNG ĐƯỢC THÌ CỨ NẮNG - Phan Khôi từ Sông Hương đến Nhân Văn, 686 trang, khổ 16 x 24cm, Phan An Sa, Nhà xuất bản Tri Thức, Hà nội, 2013, giá 170 000 đồng. Tái bản lần thứ nhất, tháng 5/2013. Liên hệ Nhà xuất bản và tác giả.