Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Tròn 4 tháng Trương Duy Nhất bị bắt

Nguyễn Trọng Tạo

CA đưa Bloger, nhà báo Trương Duy Nhất lên máy bay từ Đà Nẵng ra Hà Nội, 26.5.2013 – Ảnh Internet.
Lâu không có tin gì về Trương Duy Nhất từ trại tạm giam, thấy nong nóng con mắt, tôi gọi điện cho người bạn thân của Nhất, hỏi xem có tin gì mới không. Người bạn nói “Nhất vẫn khỏe”. Chả là cách đây 1 tuần, người nhà được gặp Nhất ở trại tạm giam cho biết như thế. Và bạn của Nhất nói thêm “Hôm nay là đúng ngày Nhất bị bắt 4 tháng trước, ngày 26.5 2013.
Tôi giật mình. Vậy mà đã 4 tháng tròn, 4 tháng mà lệnh tạm giam đã có hiệu lực và hết hiệu lực.
Lục lại tin cách đây 4 tháng trên báo Thanh Niên:

(TNO) Chiều nay 26.5, nguồn tin Thanh Niên Online cho biết Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an vừa tiến hành bắt giữ ông Trương Duy Nhất (49 tuổi, ngụ tại TP.Đà Nẵng) về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước Việt Nam, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân theo điều 258, Bộ luật Hình sự.
Sau khi thực hiện lệnh bắt, Cơ quan an ninh điều tra cũng đã tiến hành khám xét khẩn cấp đối với ông Trương Duy Nhất (hộ khẩu thường trú và chỗ ở: số 25 Tống Phước Phổ, P.Hòa Cường Bắc, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Quá trình bắt và khám xét khẩn cấp được Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an phối hợp với Công an TP.Đà Nẵng thực hiện.
Chiều cùng ngày ông Nhất đã được di lý từ TP.Đà Nẵng ra Hà Nội.
Ông Trương Duy Nhất nguyên là nhà báo nhưng được biết đến nhiều hơn với tư cách là chủ của trang blog Một góc nhìn khác.
Hiện tại trang blog Một góc nhìn khác do ông Nhất điều hành đã không còn truy cập được.
Được biết, ông Trương Duy Nhất có thời gian làm báo Công an Quảng Nam Đà Nẵng, sau đó chuyển sang báo Đại Đoàn Kết, thường trú khu vực miền Trung.
Ông Trương Duy Nhất “gia nhập” cộng đồng mạng bằng tuyên bố “bỏ viết báo, chuyển sang viết blog”, và bắt đầu thu hút sự chú ý bằng các bài viết bình luận thời sự, nhưng dưới một góc nhìn khác, theo chủ ý Trương Duy Nhất.
Các bài viết của ông Trương Duy Nhất gây ra nhiều tranh cãi, thậm chí cả những cuộc “bút chiến” kịch liệt giữa các blogger.
Hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của ông Trương Duy Nhất để xử lý theo quy định của pháp luật. (Hết trích)
Điều 258 bộ luật hình sự là thế này đây:
“Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm”.
Đã có nhiều bình luận trái chiều khi Nhất bị bắt. Người cho rằng Nhất viết blog có quan điểm “phe phái chính trị” xúc phạm lãnh đạo, người lại cho rằng Nhất “nói quá thẳng về suy nghĩ của một công dân”.
Tôi nghĩ, cả hai điều đó đều đúng với Nhất. Nếu có gì sai, chỉ cần tranh luận hay trao đổi thẳng thắn thì cũng chả sao. Còn nếu cứ khép vào tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ” thì quá nặng nề, cho dù là phạt cảnh cáo đi nữa. Nếu cứ chê ông này, khen ông kia, và nói thẳng suy nghĩ của mình một cách công khai thì đấy là quyền của mỗi người. Cái quyền đó mà mất đi thì con người chỉ còn là cái máy gật mà thôi.
Thời này viết lách sao mà khó thế. Viết mà cứ nghĩ mình sẽ bị bắt thì còn lòng dạ đâu mà viết nữa!
Không biết ở trại tạm giam, Nhất đang nghĩ gì? Có viết được bài nào nữa không hay chỉ ngồi viết tường trình, viết lại những cuộc thẩm vấn? Hay đây chỉ là một cuộc “đi thực tế” để sau này được tự do sẽ viết về Công an, Tòa án?
Chỉ biết là “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” tức là ”một ngày trong tù (bằng) nghìn thu ở ngoài”.
Chỉ biết là mỗi tháng 2 lần được vợ con đến trại giam tiếp tế nhưng không được gặp.
Lần được gặp vợ con 1 tuần trước khi hết hạn tạm giam (4 tháng) không biết Nhất có vui không. Chỉ biết là lần gặp duy nhất đó, Nhất bảo vợ con mời luật sư cho Nhất. Vậy là chuyện bắt Nhất có thể sẽ thành án? Điều này ngoài suy nghĩ của tôi. Và trước mắt nếu Nhất chưa được tại ngoại thì chắc chắn lệnh tạm giam tiếp theo đã được ký.
Ai sẽ làm luật sư cho Nhất?
Hà Nội, 26.9.201

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"