Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

Về các bản đồ mốc giới Việt-Trung

Dương Danh Huy
Gần đây ông Trương Nhân Tuấn (TNT) có viết một số bài về các bản đồ mốc giới mà chúng tôi gửi cho BVN và Dân Luận.
Quan điểm của Trương Nhân Tuấn dựa trên những điểm chính sau:
"Các bản đồ được các tác giả gọi là "bản đồ mốc giới Việt Nam - Trung Quốc theo tọa độ từ nghị định thư phân giới cắm mốc" đã được thực hiện không theo đúng bất kỳ một qui cách quốc tế "cartographie – vẽ bản đồ" nào [1]. Cách vẽ của các tác giả là cách vẽ của con người thời cổ đại, lúc nhân loại chưa biết trái đất có hình cầu [2].
Thật vậy, các tác giả đã vẽ các bản đồ biên giới Việt-Trung theo tiêu chuẩn trái đất hình vuông [3]. Điều này được kiểm chứng ở các đường thẳng đứng vẽ song song [4]. Tức các ô ca-rô trên bản đồ đều là hình vuông và bằng nhau [5]. Trong khi các bản đồ, từ thế kỷ thứ 19 trở lại đây, người ta đã biết tới yếu tố « hình cầu – géodésie » của quả đất [6]. Từ hệ quả đó, ta thấy trên bất kỳ một tấm bản đồ nào, các đường kinh tuyến, tức các đường theo chiều bắc-nam, không phải là đường thẳng mà là đường cong, hội tụ lại với nhau ở hai điểm: cực bắc và cực nam (cực địa lý – khác với cực từ) [7]. Các đường ngang – tức vĩ tuyến – cũng là các đường cong, song song với nhau, chiều dài của các đường này không bằng nhau [8]. Những « tứ giác » trên bản đồ không bằng nhau, nếu khác vĩ tuyến. [9]"
Điều [1] và [2] là bậy bạ. Bản đồ của chúng tôi là bản đồ dùng phép chiếu Mercator, một trong những phép chiếu thông dụng của ngành vẽ bản đồ, mà Trương Nhân Tuấn nói là "không theo đúng bất kỳ một qui cách quốc tế «cartographie – vẽ bản đồ» nào", là "cách vẽ của con người thời cổ đại, lúc nhân loại chưa biết trái đất có hình cầu".
Điều [3] cũng thật lạ lùng, khi Trương Nhân Tuấn khẳng định rằng bản đồ dùng phép chiếu Mercator của chúng tôi là "theo tiêu chuẩn trái đất hình vuông". Dĩ nhiên là trái đất là hinh khối bầu dục ba chiều, và người ta dùng phép chiếu Mercator như một trong những phép chiếu có thể để chiếu lên một hình hai chiều (ie lên một bản đồ), chứ không phải là "theo tiêu chuẩn trái đất hình vuông".
Điều [4] giải thích ba điều lạ lùng [1], [2], [3]: Trương Nhân Tuấn không biết rằng trên một bản đồ dùng phép chiếu Mercator thì các đường kinh tuyến là các đường thẳng đứng song song.
Điều [5] là Trương Nhân Tuấn nói đại mà không nhìn vào thực tế. Ai kiểm chứng cũng có thể thấy được rằng,
(a) các ô trên bản đồ của chúng tôi là các ô kinh tuyến, vĩ tuyến,
(b) chúng không phải là ô vuông như Trương Nhân Tuấn nói đại mà là ô chữ nhật,
(c) chúng không phải bằng nhau như Trương Nhân Tuấn nói đại mà có kích thước khác nhau.
Ở đây tôi cũng xin nói thêm là trên bản đồ Mercator thì các ô kinh tuyến, vĩ tuyến có những đặc điểm (b) và (c).
Điều [6]: Thật ra trong bản đồ Mercator mà chúng tôi dùng thì người ta, và chúng tôi cũng biết tới yếu tố hình khối bầu dục của trái đất.
Điều [7] cho thấy rõ ràng là Trương Nhân Tuấn không biết về bản đồ Mercator. Trên bản đồ Mercator, các đường kinh tuyến là đường thẳng song song với nhau. Điều đó được dạy ở từ trường trung học. Vậy mà Trương Nhân Tuấn lại dạy cộng đồng rằng "ta thấy trên bất kỳ một tấm bản đồ nào, các đường kinh tuyến, tức các đường theo chiều Bắc-Nam, không phải là đường thẳng mà là đường cong, hội tụ lại với nhau ở hai điểm: cực bắc và cực nam".
Điều [8] cũng là sai hoàn toàn về bản đồ Mercator. Trên bản đồ Mercator, các đường vĩ tuyến là các đường thẳng song song với nhau và có chiều dài bằng nhau.
Chỉ có điều [9] thì Trương Nhân Tuấn nói đúng, "Những «tứ giác» trên bản đồ không bằng nhau, nếu khác vĩ tuyến", nhưng mà trên thực tế các hình chữ nhật trên bản đồ của chúng tôi không bằng nhau khi chúng khác vĩ tuyến. Nhưng Trương Nhân Tuấn đã nói đại là chúng bằng nhau (mà không kiểm chứng) để có gì mà phê phán.
"Cái sai khác nữa là đem tấm bản đồ của Mỹ, vẽ theo các nguyên tắc khoa học, lên một mặt phẳng kẻ ô vuông [10]."
Điểm [10] là hệ quả của Trương Nhân Tuấn không biết bản đồ của chúng tôi là bản đồ Mercator, hiểu sai cơ bản về bản đồ Mercator, và cho rằng bản đồ Mercator của chúng tôi là "mặt phẳng kẻ ô vuông". Cũng xin nói thêm là dù không hiểu về bản đồ Mercator thì cũng có thể kiểm chứng là các ô trên bản đồ của chúng tôi không phải là vuông mà là chữ nhật.
Thật ra, các bản đồ của chúng tôi đã được vẽ theo đúng tiêu chuẩn của một bản đồ Mercator dùng hệ địa trắc WGS84. Những bài Trương Nhân Tuấn viết thật ra chỉ là ông ấy không hiểu các bản đồ đó là gì, không hiểu về bản đồ Mercator, và có một số mục đích cá nhân.
Vấn đề mà người xem cần lưu ý khi xem các bản đồ đó là như tôi đã viết trên Dân Luận:
"Xin lưu ý rằng chúng ta không biết CIA World DataBank II đã dùng cơ sở nào để vẽ biên giới Việt-Trung (trước hiệp định 1999), và mức độ đáng tin cậy của nó là bao nhiêu.
Nếu so sánh biên giới của CIA World DataBank II với Google Maps ở những đoạn mà biên giới là sông thì có thể thấy rằng CIA World DataBank II đã đơn giản hóa biên giới. Quan trọng hơn, có vẻ như là biên giới trong CIA World DataBank II chỉ có độ phân giải khoảng một vài trăm mét, và sẽ không chính xác dưới độ phân giải đó.
Thí dụ như khi biên giới là Sông Hồng, và cột mốc nằm hai bên sông, thì vị trí của sông và biên giới trong CIA World DataBank II rõ ràng là sai, và CIA World DataBank II không thể hiện các khúc quanh của sông có trong Google Maps.
...
Tôi chỉ xem đường đỏ như có giá trị tham khảo (eg nó cho ta biết biên giới công bằng có lẽ ở đâu đó lân cận) và khuyến cáo mọi người không nên kết luận gì từ nó."
Cũng xin nói thêm là trong 5 năm qua Trương Nhân Tuấn có một số mục đích cá nhân cho nên hay đi theo các bài viết của tôi và Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông để "phản biện". Trên nguyên tắc thì phản biện nào cũng là quý, bất kể động cơ. Đáng tiếc là trên thực tế "phản biện" của Trương Nhân Tuấn dựa quá nhiều trên mục đích cá nhân và quá ít trên hiểu biết, cho nên nó thường đem kiến thức sai lầm đến cho cộng đồng.
Dương Danh Huy

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"