Tô Văn Trường
Chỉ cần tra cứu trên các phương tiện thông tin chính thống của Nhà
nước có thể nhận thấy, đánh giá tình hình kinh tế trì trệ, vô vàn khó
khăn làm người dân rối như “canh hẹ”. Hay nói đúng hơn là những người có
trách nhiệm quản lý điều hành đất nước và bộ phận tham mưu giống như
những học trò “kém” đang loay hoay đi tìm quỹ tích không hề có trong
hình học không gian vậy!
Nguyên nhân cốt lõi
Tình hình các nước có sự phát triển vượt bực làm cho Việt Nam ngày
càng lâm vào cảnh tụt hậu xa hơn. Thể chế và con đường chúng ta đang mò
mẫm đi theo kiểu đã có “Đảng và Nhà nước lo” gây nên biết bao hệ lụy
nhãn tiền!
Hiện nay, chỉ có ASEAN, Ucraina, Nga, Trung Quốc, Venezuela và Nam
Phi công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, nguyên nhân chỉ vì
“kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”, không phải do được quyết định
bởi quy luật cạnh tranh tự do của thị trường.
TPP, WTO, hội nhập quốc tế, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, sửa Hiến pháp
Cũng là da vàng, tóc đen sùng bái “Đạo Khổng”, Singapore và Hàn Quốc
cũng phải trải qua một thời kỳ kinh tế chính trị khắc khổ, độc tài và
thắt lưng buộc bụng, mà sao con tàu kinh tế của họ vẫn về đến đích. Sự
hy sinh của các thế hệ dẫu sao cuối cùng còn có nụ cười no ấm, dân chủ
và hạnh phúc của con và cháu họ. Ít nhất sự trả giá còn có lối thoát.
Xã hội các nước châu Á có nét phát triển khác với châu Âu nên Mác-Ăng
ghen có đề cập đến phương thức sản xuất châu Á. Theo tôi hiểu, thì
phương thức sản xuất châu Á có đặc điểm là các cuộc cách mạng xã hội,
gắn với các cuộc nổi nổi dậy của nông dân, dù có thành công, cũng chỉ
dẫn đến thay đổi dòng họ trị vì chứ không thay đổi chế độ xã hội như đã
xảy ra tại châu Âu.
Do đó, nhân dân Việt Nam đã có câu tổng kết “Con vua thì lại làm làm
vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa”. Nói cách khác, tâm lý phong kiến,
tiểu nông đã ăn sâu vào thâm căn cố đế trong tư duy của người dân.
Các nước châu Á chưa qua giai đoạn cách mạng công nghiệp (gắn với
thời đại phục hưng) như của các nước tư bản châu Âu. Do đó, nền sản xuất
lớn cơ giới hóa được hình thành tại các nước này là do các nước thực
dân, đế quốc phương Tây đưa vào chứ không phải do tự thân vận động của
các nước đó. Tuy nhiên, cũng phải thấy Nhật Bản đã chủ động tiếp nhận
quá trình công nghiệp hóa để phát triển nên mang tính chất ngoại lệ.
Chính sách đối với các nước thuộc địa của thực dân Pháp và thực dân
Anh- Mỹ có nét khác biệt cơ bản. Về mặt kinh tế, thực dân Pháp duy trì
nền kinh tế tại nước ta ở trình độ nền sản xuất nhỏ và chỉ đưa yếu tố
của nền sản xuất lớn ở mức độ nhất định. Thế nhưng đế quốc Anh- Mỹ đã
thực hiện chính sách tư bản hóa giai cấp lãnh đạo tại các nước mà họ đặt
chân xâm chiếm, dẫn đến thực hiện công nghiệp hóa tại các nước này.
Ai cũng nhìn thấy vấn đề ở đây là hạn chế về tư duy, phẩm chất của
nhiều vị lãnh đạo, (do lỗi hệ thống tuyển chọn nhân tài). Vấn đề minh
bạch, cần tra soát đề bạt và bãi miễn hệ thống nhân sự điều hành cho phù
hợp với năng lực và hoàn cảnh cống hiến trở nên là “vấn đề “của Việt
Nam trong con mắt các nhà đầu tư sáng giá và chuẩn “vàng ròng”.
Còn chúng ta thì sao nhỉ? Ra nước ngoài thì cũng là thân phận thấp
hèn, dù trí tuệ và nhân phẩm của một nhóm con người ưu tú đâu có thua
dân tộc nào. Còn ở trong nước thì từ cao đến thấp phổ biến tự dối lừa
bản thân và tự ngạo mạn vô lối. Trong dân gian có câu khẩu ngữ 4 D nói
về “nhóm lợi ích” thao túng đất nước “Đố kỵ, Dối trá, Độc ác, Dửng
dưng” nghe thật cay đắng, bởi thế chưa có thời kỳ nào người dân coi
thường lãnh đạo như ngày nay.
Ngược lại, bản thân người dân cũng lúng túng, loay hoay không biết dựa vào ” cột trục” chuẩn mực nào để xây cuộc đời.
Chỉ riêng bài toán kinh tế cũng không có nghiệm vì tình trạng phổ
biến là nhiều vị lãnh đạo từ trung ương đến địa phương có xu hướng báo
cáo nặng về thành tích, nói đến khuyết điểm chỉ mang tính chất cho có vẻ
khách quan, cốt để đánh bóng cho bản thân mình, tìm cách trấn an dư
luận xã hội.
Trong nội bộ lãnh đạo, không có cơ chế kiểm soát hữu hiệu, thiếu sự
đấu tranh tự phê và phê bình một cách nghiêm túc dẫn đến mất đoàn kết
nội bộ đã được đại hội Đảng nhiệm kỳ VI-XI liên tục ghi nhận nhưng hầu
như không chuyển biến. Theo đánh giá của đại hội Đảng lần thứ VI thì đội
ngũ cán bộ chiến lược (tham gia vào quá trình hoạch định và tổ chức
thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách) đã phạm sai lầm nghiêm
trọng và kéo dài vì bị chi phối bởi hệ tư tưởng tiểu tư sản vừa tả
khuynh vừa hữu khuynh.
Nợ công và con số thống kê
Để đánh giá “sức khỏe” của nền kinh tế phải dựa vào các con số thống
kê, trong đó có nợ công để đưa ra các quyết sách. Tương tự như trong
lĩnh vực khoa học tài nguyên nước, khi muốn xây dựng con đê, cống lớn,
nhà máy thủy điện vv…người ta phải dựa vào mô hình toán thủy văn, thủy
lực để mô phỏng lựa chọn phương án tốt nhất.
Độ chính xác của mô hình phụ thuộc vào số liệu cơ bản, chất lượng
phần mềm tính toán và năng lực của người xử lý mô hình. Chỉ riêng số
liệu cơ bản đầu vào mà sai thì chất lượng của mô hình coi như đồ bỏ,
nếu sử dụng thì chỉ mang lại tai họạ! Đấy chỉ là trong phạm vi của
ngành, còn số thống kê của cả nước sai sự thật, thì hậu quả còn lớn hơn
nhiều.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan khi nghe những báo cáo thống kê nửa
chặng đường phát triển kinh tế trong 5 năm từ 2011 – 2015, đã phát biểu
“Các con số của Việt Nam cứ thế nào ấy. Tôi không dám tin. Thế mà chúng
ta lại đem số liệu đấy ra phân tích nữa thì chắc là càng không đúng”.
Bản thân người viết bài này ngay từ mấy năm trước đã mạnh dạn viết về sự
bất cập của số liệu thống kê Việt Nam qua các bài như “Nợ công đại vấn
đề”; “Đằng sau các con số thống kê”; “Con số mà biết nói năng” vv…
Theo đánh giá của chuyên gia Vũ Quang Việt nguyên nhân của tình trạng
bất ổn định kéo dài từ năm 2008 đến hôm nay thì dường như ai cũng biết.
Nhà nước vừa chi tiêu quá trớn, vừa sử dụng chính sách đẩy mạnh tín
dụng. Kết quả là đầu tư và phát triển thiếu chất lượng, nợ nước ngoài
tăng, lạm phát cao, nợ xấu tăng, nhiều doanh nghiệp mất khả năng trả nợ
và nhiều ngân hàng trên bờ phá sản, còn tốc độ tăng GDP thì lại trên đà
suy giảm.
Tất nhiên trong tình hình như thế, doanh nghiệp không muốn đầu tư,
ngân hàng bó buộc phải cắt giảm và thận trọng hơn trong cho vay. Đầu tư
nước ngoài cũng không thể tăng như trước. Tình hình đình đốn như thế này
sẽ còn kéo dài nhiều năm. Chính sách kích cầu chỉ như đổ dầu vào lửa.
Tuy nhiên trong tình hình như thế, nhà nước không phải chỉ ngồi bó tay
mà cần lợi dụng thời cơ thiết lập lại trật tự kinh tế.
Một trong những trật tự cần thiết lập (chứ không phải thiết lập lại)
là hệ thống kiểm soát và cân bằng (check and balance) giữa Chính phủ và
Quốc hội trong hoạt động kinh tế.
Loạn “sứ quân”!
Ngân sách là phản ánh cụ thể chính sách kinh tế. Ngân sách hàng năm
được Quốc hội thông qua ở nhiều nước mang đầy đủ tính chất của một đạo
luật. Vi phạm bằng cách vượt mức chi ngân sách đề ra là vi phạm luật.
Điều này Quốc hội Việt Nam chưa bao giờ đặt ra và thực hiện, dù rằng
Chính phủ chi vượt qui định là thực tế đã xảy ra hàng năm. Tỷ lệ chi
ngân sách vượt mức Quốc hội quyết đã rất cao và còn đang tăng, từ 31%
lên 42% trong khoảng thời gian 2007-2011.
Chỉ có thể thấy tính nghiêm trọng của vấn đề trên nếu đem so số nợ
vay thêm trên với số nợ tối đa mà Chiến lược vay nợ của Chính phủ đã đề
ra cho giai đoạn 2011-2015. Nợ tối đa được qui định là 225,000 tỷ đồng,
tức là 10,6 tỷ US. Tuy nhiên, số nợ tăng thêm tính từ đầu năm 2011 đến
tháng 6 năm 2013 đã hơn 11 tỷ US, nhưng vẫn còn 02 năm rưỡi nữa mới hết
thời hạn kế kế hoạch. Đấy là chỉ kể nợ trái phiếu bao gồm cả tín phiếu
ngắn hạn, chưa tính tới nợ vay chính phủ hay ngân hàng nước ngoài.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh nhận xét tham
nhũng, lãng phí trong đầu tư công xuất hiện chủ yếu từ khâu quyết định
chủ trương đầu tư. Hàng loạt các công trình xây dựng xong bỏ hoang, lãng
phí không sử dụng, nhưng không ai chịu trách nhiệm cho nên khoản nợ
đọng xây dựng cơ bản của các địa phương cả nước lên đến 91.000 tỉ đồng.
Theo tôi hiểu, thiếu tiền, nhiều địa phương lại tìm mọi cách “moi
tiền” mà không biết ai có thể kiểm soát được họ, kể cả phát hành thêm
trái phiếu, thêm nợ. Ngay ở Trung ương, ông Vương Đình Huệ tuyên bố là
7% lạm phát nằm trong kế hoạch những năm tới, có nghĩa là bình thường.
Với tư duy kinh tế như vậy, không hiểu nền kinh tế của đất nước sẽ đi về
đâu? Lẽ nào, theo Hiến pháp Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của
Nhà nước nhưng thực tế mãi mãi vẫn chỉ là “hữu danh, vô thực”!?
Bài học về Vinashin
Ngay từ khi bùng nổ, vụ Vinashin đã được nhiều chuyên gia phân tích
đánh giá rất sâu sắc. Tôi cũng đã viết bài “Vinashin đừng đánh bùn sang
ao”.
Tháng 2/2013, có ý kiến cho rằng Bộ Tài chính có thể đứng ra bảo lãnh
cho khoản nợ quốc tế tới 600 triệu USD của Tập đoàn Công nghiệp
Vinashin Vinashin cùng 23 triệu đô la tiền lãi chưa thanh toán thành
loại trái phiếu chiết khấu có thời hạn 12 năm, do Bộ Tài chính Việt Nam
phát hành để tránh chủ nợ bắt các tầu cũng như ngăn chặn hàng hóa của
Vinashin trên thị trường quốc tế để lấy lại vốn.
Đề án này đã được Tòa thượng thẩm chấp thuận hôm 4/9. Như vậy, nó
không còn là nợ của Vinashin nữa. Bộ Tài chính đang phải “đứng mũi chịu
sào” cho bao nhiêu những khoản nợ của nhóm “khu vực chủ đạo” – doanh
nghiệp Nhà nước (DNNN)!?.
Người nước ngoài không cần biết tên Vinashin hay bất cứ thứ tên nào
tương tự nữa. Đến ngày đáo nợ họ sẽ đến Bộ Tài chính để đòi. Nếu đã
quyết định đẩy các công ty con đi cho người khác chịu trách nhiệm thì
bây giờ cái còn lại đã là 01 công ty mới rồi. Nó không còn liên hệ gì
với những cái bị đẩy đi nữa. Nhà nước đã lãnh đủ cái đó rồi. Vậy cái mới
có đủ sức sống không thì phải đánh giá tình trạng tài chính và kế hoạch
của họ trong tương lai. Thông tin ở đâu để đánh giá?
Về phát triển ngành đóng tầu trên thế giới thì đây là ngành đi xuống
từ trước năm 2006 và sẽ tiếp tục đi xuống. Không có khả năng đóng tầu để
bán. Vậy thị trường đóng tầu trong nước như thế nào? Có đóng nổi tầu
chiến hay nên mua nước ngoài? Về mặt quản lý thì không hy vọng gì, bởi
vì cái hệ thống quản lý quốc gia vẫn như cũ. Nếu không còn có thị
trường đóng tầu thương mại mà chỉ có nhu cầu đóng tầu chiến thì nên giao
nó cho quân đội.
Thay cho lời kết
Kinh nghiệm của nhiều quốc gia phát triển, và Đảng ta luôn nói lắng
nghe mọi ý kiến góp ý, nhưng lắng nghe kiểu như vừa qua, thì rút cục đất
nước VN vẫn sẽ “đứng ngoài” nhân loại, và sự phát triển. Chính sự tôn
trọng sự khác biệt, tôn trọng mọi sự sáng tạo, trong đó, có tư duy, mới
là động lực kích thích cho dân tộc đó phát triển, và cũng chứng tỏ chính
quyền của quốc gia đó mạnh.
Người mạnh là người biết lắng nghe mọi chính kiến khác biệt.