Sơn Diệu Mai
…nhà
cầm quyền Trung quốc đã dùng Khổng Khâu chính xác như một thứ chổi quét
sàn hoặc thứ giấy vệ sinh mà ta vẫn mua ở các siêu thị.
Không chỉ trong giai cấp quý tộc, vàng
bạc đầy rương, gấm tơ đầy tủ mới xảy ra chuyện giết chóc lẫn nhau để
tranh quyền tước vị, ngay đám dân đen hoặc tầng lớp trung lưu cũng đâu
thiếu kẻ giết mẹ, giết cha? Nhiều trường hợp, mục tiêu cuộc sát nhân
không phải vì tranh chấp lợi quyền mà là muốn bảo đảm chữ “Tôi Trung”của
họ.
Dẫn chứng: Vào đầu thập kỷ 60 thế kỷ
trước, XX, Mao trạch Đông đưa cả nước Trung Hoa vào cuộc phiêu lưu Đại
nhảy vọt, dẫn đến nạn đói khủng khiếp, giết chết từ 35 đến 55 triệu
người (theo ông Lý Chí Tuỵ là 43 triệu). Khoảng giữa thập kỷ, để dập xoá
tội ác của mình và tấn công các đối thủ, Mao quyết định mở cuộc thanh
trừng dưới chiêu bài Cách mạng văn hoá. Thanh thiếu niên được tổ chức
thành các đội Hồng vệ binh. Đám thanh thiếu niên này được phép đốt sách,
đánh đập các giáo sư, đốt phá chùa chiền và hương miếu thờ tổ tiên. Họ
được quyền chà nát tất thảy dưới chân mình và chỉ tôn trọng duy nhất
“ông vua Mao yêu dấu”.
Trong đám Hồng vệ binh đó có một cậu tên
là Zhang Hongbinh, 11 tuổi, tự nguyện đổi tên thành Zhang Garde-Rouge.
Lúc đó, cha Zhang bị kết tội vì ông ta là giám đốc một cơ quan y tế, đám
Hồng vệ binh bắt ông ta chịu 18 cuộc đấu tố, chửi rủa, bắt ông ta đội
trên đầu cái mũ có tai lừa ghi dòng chữ: “Con chó liếm đít”. Trong một
cuộc đấu tố, vợ ông ta, nữ y tá Fang Zhongmou trèo lên bục để bảo vệ
chồng, nhưng chính Zhang, con trai họ, đứng trong đội Hồng vệ binh lại
chửi mẹ một cách điên cuồng để bảo vệ “cách mạng”.
Năm 1968, đến lượt mẹ Zhang trở thành
cái đích bắn phá của quyền lực. Fang Zhongmou là con gái của một địa
chủ, bị hành quyết năm 1951. Để chuộc tội có gốc rễ tư sản, chị phải rời
thành phố về trại cải tạo hai năm, làm công việc quét dọn chuồng xí.
Zhang thấy hình phạt đó vô cùng xứng đáng. Trước mắt cậu, mẹ không còn
là mẹ mà chỉ còn là kẻ thù giai cấp.
Tháng giêng năm 1970, Fang Zhongmou hết
hạn cải tạo, được phép trở về gia đình. Cuộc xum họp không dài lâu bởi
trong khi cha con Zhang còn tôn trọng Mao thì mẹ cậu, ngược lại, hoàn
toàn bị bẻ gẫy vì nỗi thống khổ. Không chỉ những nhục nhã, khốn cùng mà
vợ chồng chị phải chịu, đứa con gái đầu của chị đã bị chết đột ngột trên
quảng trường Thiên An Môn, trong một buổi lễ tôn xưng Mao. Một chiều
tháng Hai, chị hét lên: “Mao đã huỷ diệt gia đình tôi. Tại sao tôi phải
tôn kính ông ta? Nếu ông ta muốn cho dân tộc hạnh phúc, ông ta phải từ
chức”. Trong nỗi tuyệt vọng và đau đớn, chị đã xé tấm chân dung Mao treo
trên tường và ném vào lửa. Hai cha con Zhang sửng sốt: Đó là một hành
vi phạm thượng. Zhang nhẩy bổ đến, hét: “Đồ phản bội, tao sẽ đập nát cái
đầu chó của mày”. Cậu ta xông đến đấm mẹ, dập mẹ xuống đất rồi bắt đầu
đánh mẹ với chiếc gậy mà chính cha cậu ta chìa cho con. Sau đó, Zhang
trói mẹ vào một chiếc ghế. Cha Zhang tuyên bố: “Tao sẽ đi tố cáo nó”.
Ông ta đi. Nhưng Zhang nghi ngờ sự trung thực của cha. Vậy thì, cậu ta
phải đích thân hành động. Zhang viết một lá thư tố cáo mẹ, đề nghị nhà
nước phải xét xử và hành quyết Fang Zhongmou nhân danh nền chuyên chế vô
sản. Rồi cậu ta mang lá thư ấy đến nhà một sĩ quan trong khu. Sau đó,
cha Zhang ly hôn để tránh tiếng xấu xa, Zhang vô cùng sung sướng vì mẹ
cậu ta, kẻ thù nhân dân đã bị hành quyết. Cậu ta được nêu lên làm gương
sáng cho thanh thiếu niên trong khu vực.
Năm tháng trôi qua, đứa trẻ 11 tuổi năm
ấy giờ đã 58 tuổi, luật sư, khá thành đạt. Song le, người ta gọi ông ta
là “đứa con tội phạm”. Họ hàng nhổ nước bọt khi ông ta đi qua. Zhang
Hongbinh bắt đầu nghi ngờ mình: Ông ta là bậc anh hùng hay là con quỷ?
Bây giờ, để chuộc lại tội lỗi của mình,
Zhang Hongbinh mở một Blog trong đó ông ta kể lại câu chuyện này. Một số
người trách ông ta làm nhơ bẩn ký ức nước cộng hoà nhân dân. Tuy nhiên,
chính phủ Trung quốc không dám ngăn cấm. Zhang tuyên bố: “Chẳng quan
trọng gì những lời doạ nạt. Tôi đã chết một lần rồi, cái ngày mà tôi
giết mẹ tôi.”
(Tôi lược kể, vị nào muốn đọc kỹ hơn xin tìm Le Nouveau Detective . N° 1601, 22 mai 2013.) [DCVOnline: China's Cultural Revolution: son's guilt over the mother he sent to her death. Tania Branigan in Guzhen, Anhui, theguardian.com, Wednesday 27 March 2013.]
Có một Zhang Hongbinh sám hối nhưng còn
bao nhiêu vạn Zhang Hongbinh náu mình trong bóng đêm của lương tâm,
trong im lặng? Bởi họ sợ hãi trước những kẻ chỉ trích: “làm nhơ bẩn ký
ức của nước cộng hoà nhân dân” vì họ tuân theo truyền thống “tốt đẹp phô
ra, xấu xa đậy lại”. Vì họ hèn nhát trước tội lỗi của mình? Vì cái bản
tính đạo đức giả đã chảy ngàn năm trong máu huyết? Với tất thảy những
yếu tố tiên quyết đó, hành vi sám hối của Zhang Hongbinh bị coi là không
chính đáng.
Câu chuyện trên là đặc sản của nước
Trung Hoa vĩ đại. May thay, hồi đó cuộc cách mạng văn hoá này chưa lan
sang Việt nam và các Tiểu anh hùng Zhang Hongbinh chưa kịp nhân giống ở
vùng đồng bằng sông Hồng, sông Đuống. Phải chăng là vong linh run rẩy
của những vị anh hùng dựng nước và giữ nước Đinh, Lý, Trần, Lê đã cố sức
giữ cho con cháu họ khỏi sa vào cơn điên rồ, bất nhân và phi luân lý?
Hoặc, với cách hành xử của một nước chư hầu nhưng cứng cổ, đám cộng sản
Việt nam cũng dám nghĩ thầm “Tôi đếch theo ông”, và cũng với cái gia tài
tinh thần của một tên chư hầu cứng cổ, họ còn đủ tỉnh táo để tránh khỏi
cơn bạo loạn này?
Nghĩ lại, thật hú hồn hú vía.
Nghĩ lại, thật hú hồn hú vía.
Còn đức thánh Khổng, trước những bi kịch gia đình kiểu như gia đình Zhang Hongbinh, ông ta sẽ nghĩ gì? Ông ta cười hay khóc?
- Khóc, vì lũ hậu duệ của ông ta khạc nhổ lên chữ Hiếu.
- Cười, vì họ đội lên đầu một cách kính cẩn chữ Trung.
- Cười, vì họ đội lên đầu một cách kính cẩn chữ Trung.
Tôi nghĩ rằng Khổng Khâu sẽ cười, sau
vài phút giả vờ hu hu khóc, theo đúng kiểu diễn xuất của Lưu Bang. Bởi
vì, giữa chữ Hiếu và chữ Trung ông ta đặt chữ Trung lên trên. Nghệ thuật
Kinh kịch nảy sinh trên đất Trung Hoa và được phát triển một cách đầy
hứng khởi. Tôi không rõ thời Khổng Tử, nghệ thuật Kinh kịch đã có chưa
nhưng tôi nghĩ ông ta là kẻ có biệt tài diễn xuất. Lý thuyết của ông đặt
nền móng trên việc duy trì trật tự phong kiến và trong cái trật tự ấy,
kẻ lãnh đạo phải Tu thân thành Chân Quân tử. Theo ông Nguyễn Hiến Lê thì
chữ “quân tử” ở đây được hiểu theo cả ba nghĩa: kẻ lãnh đạo dân chúng
(trỏ địa vị), kẻ đức hạnh (trỏ tư cách), và, cùng một lần, trỏ cả địa vị
lẫn tư cách. Khổng Tử có cả một mớ tiêu chuẩn để dựng lên cái lò sản
xuất quân tử mà mục tiêu là đào tạo ra một lớp quan lại: “Giữ mình thì
khiêm cung, thờ vua thì kính cẩn, nuôi dân thì có ân huệ, sai dân thì
hợp nghĩa.”
Nghe thật hay ho, cám dỗ, nhưng điều trớ
trêu là chính Khổng Khâu lại thú nhận rằng cái chuẩn mực ông ta nêu ra
vô cùng khó khăn:
“…Tử Lộ hỏi cái đạo của người quân tử. Khổng Tử đáp:
- Sửa mình thành người kính cẩn.
Tử Lộ lại hỏi:
- Chỉ có thế thôi ư?
Khổng Tử đáp:
- Sửa mình để trăm họ được yên trị. Sửa mình để trăm họ được yên trị, dẫu Nghiêu Thuấn e cũng khó làm được thay!”
(Khổng Tử – Nguyễn hiến Lê, trang 214)
Thời Nghiêu Thuấn được coi là triều đại
lý tưởng tột đỉnh của dân tộc Trung Hoa về vua hiền, nước thịnh, có thể
ví như lý tưởng cộng sản của ông Lê-nin: Làm theo năng lực, hưởng theo
nhu cầu, vàng được dùng để lát chuồng xí!
Thời Nghiêu, Thuấn đều tồn tại trong một
thời xa lơ xa lắc, hơn hai ngàn năm trước công nguyên (Nghiêu: 2356
–2255 ; Thuấn: 2255 – 2205). Có nghĩa là họ ở nơi rừng xanh núi thẳm,
sương khói mịt mù, không ai kiểm chứng được. Như thế, Nghiêu Thuấn là
huyền thoại, dĩ nhiên. Vậy mà Khổng Khâu lại sáng tác ra một thứ quân tử
kể cả Nghiêu Thuấn cũng khó lòng đạt được. Rõ ràng, luận thuyết của ông
ta còn trên cả huyền thoại, đó là sự không tưởng thuần tuý (Pure
utopie).
Nếu chúng ta tin ở ông Nguyễn Hiến Lê
thì Khổng Khâu là nhà giáo đại tài. Nhưng một nhà giáo dạy học sinh
những điều mà chính ông ta cũng không làm nổi, kiểu như một giáo viên
thể dục yêu cầu học trò phải nhẩy cao qua hai thước rưỡi trong khi chính
ông ta cố lắm cũng chỉ vượt qua một thước hai mươi lăm phân, liệu đó có
phải một ông thầy chân chính và biết điều hay là kẻ nguỵ biện, xảo
ngôn, diễn tuồng đạo đức?
Trong cuốn Khổng Tử, ông Nguyễn Hiến Lê viết như sau:
Trong cuốn Khổng Tử, ông Nguyễn Hiến Lê viết như sau:
“…Khổng Tử đòi hỏi ở kẻ trị dân nhiều quá: người quân tử thành con người hoàn toàn rồi ; môn sinh của ông không chắc có ai theo được, mà chính ông cũng tự nhận chưa được là người quân tử…
…Ông yêu con người, tin ở bản tính con người có thể cải hoá được, ông trọng sự nhân ái, sự công bằng, tặng nhân loại một hệ thống luân lí hợp tình người, để lập lại trật tự xã hội , thay đổi thế giới.Nhưng đạo của ông có lẽ cao quá nên không ai dung nạp được ông.…Ông còn thất bại ở chỗ ông không đạt được mục đích giáo dục. Ông muốn đào tạo những người vừa có tài vừa có đức để cho ra làm quan, nhưng trong số ba ngàn đệ tử, chỉ có vài ba người có đức thì hoặc chết sớm hoặc không chịu ra làm quan như Mẫn tử Khiên mà ở ẩn hoặc về dạy học, vài ba người có tài, và có tư cách chứ chưa gọi là có đức được, chịu ra làm quan, mà ông chỉ coi như hạng bề tôi tạm dùng được thôi (cụ thần) như Trọng Do, Nhiễm Cầu, và năm sáu người nữa kém tài hơn, tổng cộng không trên mười người. Ba bốn chục năm đào tạo mà kết quả như vậy, thật đáng nản.Lỗi đâu ở ông, mà ở bản chất con người. Bất kì người nào chủ trương đức trị thì cũng phải thất bại như vậy: loài người chưa đủ văn minh để theo được bài học của ông.”
(Khổng Tử – Nguyễn hiến Lê, trang 219, 224, 235)
Xưa nay, người ta đã tổng kết: Muốn dậy
con trước hết cha mẹ phải làm gương. Cha mẹ làm gương tốt rồi mà chưa
chắc con đã ngoan, bởi chúng chịu tác động của môi trường bên ngoài
nhiều lắm, và hơn nữa, chúng có tâm tính riêng, thế nên mới có câu “Năm
ngón tay có ngón dài, ngón ngắn”, ý nói rằng cùng cha sinh mẹ dưỡng,
cùng lớn lên dưới một mái nhà, cùng hưởng chung một nền giáo dục, nhưng
mỗi đứa con mỗi tính, hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, yếu tố đầu tiên,
yếu tố cốt lõi và không thể thiếu là cha mẹ phải sống cho tử tế. Người
thầy muốn dạy trò cũng vậy. Dẫu lời lẽ hoa gấm, dẫu ý tứ khúc chiết đến
đâu nhưng nếu như người thầy hành xử không đúng với những điều ông ta đã
dậy, chắc chắn không thể thuyết phục được học trò. Hoặc họ nói ra lời,
phản ứng tức thì và quyết liệt như Tử Lộ hoặc họ im lặng, thì kết quả
cũng như nhau: Họ thấy ông thầy của mình giả dối. Tôi cho rằng số học
trò ra đi nhiều gấp bội số người ở lại với Khổng Khâu là chính vì lý do
ấy. Còn như lời ông Nguyễn Hiến Lê, cho rằng nhân loại tồi tệ, hèn kém
quá, họ không đủ chiều cao để với tới học thuyết của Khổng Tử, tôi xin
được nhắc ông Lê rằng: chính Khổng Khâu cũng có với nổi học thuyết của
ông ta đâu? Cho nên, xét cho cùng thứ học thuyết ấy chỉ là bản thống kê
của những giả định và những ước muốn. Đem giả định và ước muốn, tức là
đem những cái bóng ra để làm ước định xã hội, làm khuôn phép cho muôn
người noi theo, ắt xã hội ấy phải bị cắt theo chiều ngang: Tầng trên là
những kẻ sống đầy đủ với mớ niêm luật của lễ giáo, vì thứ lễ giáo ấy bảo
vệ quyền thống trị của họ, đem cho họ tiện nghi vật chất lẫn tinh thần.
Tầng dưới là số đông còn lại, buộc phải cam chịu mọi thứ trói buộc nhục
nhằn, khốn khổ cả tinh thần lẫn vật chất và sau rốt, chỉ có một cách
cởi bỏ mối căm hờn và phá bỏ xiềng xích là làm bùng nổ những cuộc khởi
loạn của nông dân (Jacquerie) những cơn bạo hành làm đổ hàng biển máu để
sau rốt bị dìm trong những biển máu khác. Cả tầng trên lẫn tầng dưới
đều gian dối như nhau, bởi thói đạo đức giả, sự dối gian là phương thức
duy nhất để tồn tại. Tầng trên cần phải gian dối để che đậy sự thối nát
và gìn giữ uy danh. Tầng dưới cần dối gian để tự bảo vệ và để nguỵ trang
lòng phẫn uất.
Khổng Tử, vào những ngày đầu rao giảng học thuyết:
“Quân quân, Thần thần, Phụ phụ, Tử tử:
Vua hết đạo vua, Tôi hết đạo tôi, Cha hết đạo cha, Con hết đạo con”. Đã
có người vặn ông ta, “nếu vua không ra vua thì sao?”
Khổng Khâu im không trả lời. Ông ta
không trả lời được, bởi lý thuyết của ông ta là sự mộng tưởng được áp
đặt một chiều. Phải một trăm năm sau, học trò ông ta là Mạnh tử mới đáp:
“Vua không ra vua thì phải giết, ví như giết Kiệt Trụ thì chẳng còn là
giết vua mà chỉ còn là giết kẻ Kiệt Trụ mà thôi.”
Thời ấy, chẳng ai hỏi câu này: Nếu cha không ra cha thì sao?
Bản chất vấn đề là như nhau nhưng không
ai nỡ hỏi. Vì mọi sợi dây luyến ái đều khiến lòng người Chẳng nỡ. Trong
thực tiễn, nếu có vô số ông vua độc ác thì cũng không thiếu kẻ làm cha
mà vô tư cách, làm mẹ mà vô liêm sỉ. Thời Đông Chu, Sở bình vương cưới
nàng Mạnh Doanh cho con trai là thái tử Kiến thấy con dâu nhan sắc kiều
diễm liền chiếm làm vợ mình rồi đẩy con đi khỏi kinh thành, truất ngôi
thái tử, sau đó sai người đi theo giết. Còn ở Trung Hoa thời hiện đại,
xin cứ đọc tiểu thuyết “Vú to mông lớn” của Mạc Ngôn là đủ biết. Xưa nay
dân gian vẫn có câu “Hổ không ăn thịt con” để nói sự sâu xa của tình
mẫu tử, vậy mà bà mẹ viên tướng Loan Doanh, chỉ vì tư thông với Châu Tân
nên vu cho con đẻ của mình làm giặc để bảo vệ tình nhân. Rồi, lại có
những trường hợp “cha hùm, con sói” như Sở thành Vương và thái tử Thương
Thần… Không thể kể hết ví dụ về những kẻ mặt người dạ thú.
Một hệ thống Đức trị, một lý thuyết vô
cùng đẹp đẽ, một lý tưởng thuần tuý được bảo hành bằng một hệ thống
khác, trái ngược hoàn toàn, đó là bộ máy đàn áp với những thứ hình phạt
khốc liệt nhất, man rợ nhất trái đất như lăng trì, nấu vạc dầu, chém
treo ngành, ngựa xé…Đó là tấm huy chương hai mặt của nền văn minh phương
Đông. Sự tồn tại của những nghịch lý như thế, người phương Tây không
hiểu được. Vì thế Đông và Tây vẫn là hai thế giới cách biệt cho dù lúc
này họ đã đào tạo được một đội ngũ đông đảo những người dịch sách (Les
Traducteurs) và phiên dịch (Les Interprètes).
Ví dụ: ngày 16 tháng 8 năm 2007, hãng đồ
chơi khổng lồ của Mỹ Mattel phải thu hồi 18 triệu đồ chơi gia công ở
Trung quốc sau vụ tai tiếng đồ chơi gây nhiễm độc chì. Thứ kim loại này
gây độc hại cho tất cả mọi người nhưng đặc biệt cho trẻ em bởi vì từ 40
đến 50 phần trăm chì trong thực phẩm sẽ thấm vào máu chúng trong khi đối
với người lớn thì chỉ có từ 5 đến 10 phần trăm thôi. Chì gây chứng nôn
mửa, ỉa chảy ở người lớn, nhưng đối với trẻ em chúng gây ra những tổn
thất trong sự phát triển trí khôn, chứng liệt thận, căng động mạch,
chứng đái tháo, chứng vô sinh và một số trường hợp, ung thư.
Từ cuối tháng 8 cho đến tháng 9 năm
2007, hãng Mattel đã thu hồi tổng số trên 20 triệu đồ chơi. Sự kiện này
đã gây ra một cuộc tranh cãi ồn ào trên báo chí Mỹ về việc nhập cảng
hàng hoá Tầu và khả năng kiểm soát của nhà nước với tất thảy các “yếu tố
ngoại lai” có thể gây nguy hiểm cho xã hội. Bởi vì, ngoài đồ chơi, còn
có các thứ sản phẩm nhập khẩu khác của Trung quốc như thuốc rởm, tôm cá
có các chất bảo quản ngoài mức độ cho phép, thực phẩm cho súc vật…
Tôi cho rằng các nhà đầu tư Mỹ không dễ
dàng bỏ tiền ra trước khi tính toán mối lời họ có thể thu về. “Tiền là
lý do, là mục đích hành động”. Chủ nghĩa tư bản tuyên bố công khai như
thế. Chắc chắn những người điều hành hãng Mattel đã phải tìm hiểu về đất
nước Trung Hoa một cách kỹ lưỡng trước khi quyết định cộng tác làm ăn.
Thế nhưng, họ vẫn bị bươu trán, gẫy răng, cú đòn này không nhẹ. Vì sao?
Vì hai nền văn hoá khổng lồ nhưng khác biệt. Một con cá voi ắt không
hiểu được cách sinh sống của một con gấu ngựa tuy chúng đều thuộc loại
động vật to lớn kềnh càng. Ở Mỹ, người ta không chấp nhận sự dối trá.
Một nhân vật càng chiếm vị trí cao, càng bị công dân và các đối thủ
chính trị soi xét. Dân chúng yêu cầu người lãnh đạo phải có nhiều phẩm
chất tốt, nhưng trước hết, phải trung thực. Hãy nhớ lại trường hợp TT
Bill Clinton. Ông ta vừa xú xớ với một con mèo trong văn phòng nhà
trắng, liền bị đảng Cộng hoà xát xà-phòng, hắt nước sôi, té thêm bùn,
rồi báo chí la ó ba bề, bốn bên, cuộc phản ứng ào ào như giông bão. Sau
rốt, ông tổng thống đành phải thú nhận một cách công khai “những phút
yếu đuối” và trịnh trọng xin lỗi công chúng, xin lỗi vợ. Từ phút đó, mọi
sự lại êm đẹp. Đài truyền hình đưa lên những bộ mặt hớn hở của công
dân.
“Ông ấy cũng là một con người, như chúng tôi,”những người đàn ông cao giọng tuyên bố và ngoác miệng cười khoái trí.
“Bil Clinton đã xin lỗi vợ, ông ấy là người chồng biết điều,” những người đàn bà nói với vẻ hài lòng.
Nhắc lại sự kiện này, tôi muốn khẳng
định rằng người dân Mỹ không chấp nhận dối trá và luật pháp của họ bảo
hành cho sự công khai phê phán. Thế nhưng, ở bên kia địa cầu, sự dối trá
lại trở thành món ăn thường nhật, được dùng một cách đại trà từ lầu vua
phủ chúa xuống đến chốn lều tranh. Thế nên, hãng Mattel mới bị cú đòn
đau đến thế. Họ không biết rằng các công dân của Đức thánh Khổng có khả
năng vừa hùng hổ giáo dục nhân loại chữ Nhân chữ Nghĩa, vừa sản xuất thứ
đồ chơi giết hại trẻ con, miễn là thu tiền đầy túi. Dân chúng tuyệt đối
trung thành với đức vua. Họ hành động theo đúng phương châm “Nói một
đằng, làm một nẻo” của vị Lãnh tụ siêu quần bạt tuỵ, nhà cầm lái vĩ đại
Mao trạch Đông.
Bây giờ, chúng ta quay trở lại vấn đề chữ Hiếu.
Xưa nay, thời nào cũng có hiếu tử và
nghịch tử, dẫu rằng thời nào người ta cũng giáo dục con cái. Không bậc
cha mẹ nào muốn con cái mình thành người tồi tệ cả, trừ những kẻ vốn dĩ
tồi tệ và họ không tự ý thức được mình. Tuy nhiên, các khuôn mẫu đạo đức
lại khác nhau. Người theo đạo Hồi có bảng giá trị khác người theo Thiên
chúa giáo. Người Thiên chúa giáo có những dị biệt về nhận thức so với
người theo đạo Do Thái, tuy rằng tôn giáo của họ có nguồn gốc chung.
Giữa người Thiên chúa giáo và người theo đạo Tin lành cũng thế. Thế nên,
chúng ta không có mẫu số chung cho các giá trị văn hoá và các nền luân
lý. Nhưng chúng ta có thể tìm được những điểm đồng quy căn bản để dàn
xếp cuộc chung sống, nhất là trong thời đại mà thế giới đã trở thành một
bình thông. Sự tôn trọng giữa người với người có thể coi là nguyên lý
thứ nhất. Vấn đề nảy sinh khi có sự bất đồng. Thái độ thích hợp khi xảy
ra bất đồng là cả hai bên đều lùi một bước về đất của mình để suy nghĩ
và tìm biện pháp thoả đáng. Giữa cha mẹ và con cái cũng chỉ là quan hệ
người với người, tuy có những điểm khác biệt. Do đó, sự tôn trọng lẫn
nhau cũng là yếu tố hàng đầu để làm chắc sợi dây máu mủ. Tuy nhiên, điều
này không dễ dàng bởi khi những đứa con còn nhỏ cha mẹ phải giáo dục
chúng. Nhưng khi chúng vượt qua cái ngưỡng tuổi thiếu niên để trưởng
thành, hình ảnh ấu thơ của chúng vẫn lưu lại trong trái tim lẫn óc não
kẻ làm mẹ làm cha và họ có thể quên rằng năm tháng đã trôi qua, rằng
những “chó con, cún con, tí hon…” của họ giờ đã trưởng thành và đòi
quyền quyết định đời sống của chính chúng. Nếu những đứa con không có
được cái quyền cốt lõi ấy, chúng sẽ chẳng có đời sống thật sự mà chỉ là
những bản cóp-pi của cha mẹ mà thôi. Chính vì thế nên trước đây hơn 2000
năm, những người học trò của Lão tử đã mượn lưỡi ông để mắng Khổng Tử
rằng:
“Tôi nghe nói người giàu sang tiễn nhau bằng tiền bạc, người nhân tiễn nhau bằng lời nói. Tôi không phải người giầu sang, mạn phép tự coi là người nhân mà tiễn ông bằng lời này: Kẻ thông minh và sâu sắc thì khó sống vì ham phê bình người, kẻ giỏi biện luận biết nhiều thì nguy tới thân vì hay nêu cái xấu của người. Kẻ làm con và kẻ làm tôi đều không có cách gì để giữ mình cả.”
(Khổng Tử – Nguyễn Hiến Lê, trang 43, 44)
Từ thời ấy, người ta đã biết rằng lý
thuyết Khổng Tử là cái chụp sắt úp lên đầu kẻ làm con và kẻ làm tôi, họ
không có cách gì để bảo vệ mình vì luân lý cho phép kẻ làm chúa và làm
cha quyền sinh, quyền sát. Cái sự thật đáng buồn này không chỉ có ở
phương đông mà còn ở phương Tây, dẫu nó có giảm nhẹ hơn. Và thói áp đặt
của cha mẹ lên con cái kéo dài dọc theo 20 thế kỷ. Cứ mở sách báo vào
nửa đầu thế kỷ XX, các vị sẽ gặp đầy rẫy những câu chuyện kiểu như: Một
nhà buôn Anh quyết định con trai ông ta phải quản lý những công xưởng do
ông lập ra trong khi chàng trai này chỉ mơ ước trở thành nhạc trưởng.
Suốt thời niên thiếu, cậu ta chỉ thực sự sống những phút giây sung sướng
khi bà mẹ dẫn đến thành Vienne nghe hoà tấu. Vào năm cuối trung học,
chàng trai ra sức năn nỉ ông bố. Mẹ cậu cũng tìm hết cách để lay chuyển
ông chồng nhưng bậc gia trưởng không nao núng.
“Nếu mày học nhạc, tao sẽ không chi một
xu học phí, ông tuyên bố bằng một giọng đanh thép; và cậu con trai, chọn
lối giải thoát bằng cách bắn một viên đạn vào đầu mình.
Loại bi kịch vừa kể trên cũng là một thứ
Romeo-Juliette nhưng thay vì khát vọng trong tình yêu đôi lứa là khát
vọng sự nghiệp. Kẻ sát nhân trong Romeo-Juliette là quyền lực của một
dòng họ (ý chí của cộng đồng) còn trong trường hợp vừa kể trên là quyền
lực của người cha. Người làm mẹ làm cha áp đặt ý muốn của họ lên con cái
vì nghĩ rằng con tính của họ đúng. Họ quên rằng mỗi người có một cuộc
đời; dù làm mẹ làm cha họ cũng không thể làm chủ được cuộc đời của một
người khác. Niềm tin đinh ninh của các bậc làm mẹ làm cha vào sự khôn
ngoan, trí thông minh lẫn kinh nghiệm sống của họ thường dẫn đến sự thất
bại cho con cái, hoặc nếu không, một sự phẫn uất bị nén chặt, một hối
tiếc khôn nguôi vì trong khi tuân lệnh bề trên, những đứa con không được
quyền sống theo ý chúng, không được quyền đánh ván cờ mà chúng đã lựa
chọn. Các bậc cha mẹ đó không hiểu rằng con tính của họ nẩy sinh trên
lòng vị kỷ. Bởi trong thực tế, họ không coi những đứa con là những con
người thật sự mà chỉ là những mẩu sinh tồn được kéo ra từ chính họ,
chúng có nhiệm vụ nối dài đời sống của họ và hoàn thành những ước mơ dở
dang của họ. Điều này có thể diễn ra một cách vô thức.
Với thời gian và sự tiến bộ xã hội,
những cú tự sát kiểu trên dường như không còn nữa. Bây giờ, một loại bi
kịch khác nảy sinh. Tình thế gần như đảo ngược. Ở Việt nam thời nay,
dường như chẳng ai dám nói “Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”. Nói cho chính
xác, thực tế diễn ra theo kiểu này: “Con cái đặt đâu, cha mẹ ngồi đấy”.
Những đứa con bây giờ có nhiều quyền hơn
thuở xưa, thậm chí có thể khuynh loát cả cha mẹ. Chúng muốn lấy ai cha
mẹ cũng phải đồng tình tức khắc. Dù bằng lòng hay không họ cũng phải lo
đám hỏi, đám cưới, nhân danh tình phụ tử và mẫu tử. Lạm dụng thứ tình
yêu này, có khá nhiều thanh niên chưa kịp đứng vững trong cuộc đời đã
lao vào vòng yêu đương, chưa kiếm nổi miếng ăn nuôi mồm đã chửa đẻ rồi
tay bế tay bồng dúi con về cho cha mẹ, bất kể họ muốn hay không muốn,
bất kể tình trạng kinh tế lẫn sức khoẻ của họ có thể gánh vác được việc
nuôi dưỡng những đứa bé hay không. Có những đứa con trai cưới ba bốn đời
vợ (bởi vì sự ly hôn bây giờ được coi là giải pháp rẻ và dễ nhằm thanh
toán các mâu thuẫn), và lần nào cũng yêu cầu bố mẹ phải đứng lên “giúp
đỡ” cả tinh thần lẫn vật chất. Chưa kể những đứa theo bạn bè rủ rê
nghiện ngập, truỵ lạc, rồi tù tội. Một thứ tự do “bùn lầy” dẫn đám thanh
niên vào vòng quay ma quỷ. Đó là mặt trái tấm mề-đay của thời hiện đại.
Với những đứa con như thế, đừng nói chi
đến lòng hiếu thảo, chúng chưa xô bố mẹ vào nhà tù hoặc giết họ đã đủ
may rồi. Sự hưởng lạc không kiềm chế ắt phải gây ra những rối loạn trong
xã hội và hủ hoá nhân cách. Một khi con người không có trách nhiệm với
chính bản thân họ, không có ý thức về hành vi của họ, nói cách khác là
không có lòng tự trọng, không có liêm sỉ, họ biến thành đám ký sinh
trùng và họ hút máu kẻ khác để mà tồn tại. Thời nào cũng có những vấn
nạn của thời ấy. Bi kịch và hài kịch của mỗi thời mang những gương mặt
khác nhau. Vì sự khác biệt đó, nên mong ước dùng một giải pháp cũ để xử
lý một vấn đề hiện tại là ảo tưởng. Tôi hiểu tâm lý của những bậc làm
cha làm mẹ trước cái hiện thực buồn thảm ngày hôm nay. Họ muốn cứu vãn
tình thế bằng cách hú hồn con ma Khổng Khâu trở lại. Họ tin rằng lý
thuyết Khổng Tử thực sự là một cứu cánh? Hoặc trong cơn hoảng hốt và bối
rối họ không tìm được một biện pháp nào hữu hiệu hơn? Cũng có thể là
những duyên cớ trên hợp lại. Tuy nhiên, ý tưởng đó là ảo vọng, một ước
muốn thuần tuý, một câu chuyện thần tiên.
Chúng ta cần phải nhìn thẳng vào thực tế
để tìm cách xử lý cho thoả đáng. Chủ nghĩa cá nhân là một động lực phát
triển của xã hội tư bản. Nó giải phóng con người, tạo cho họ những điều
kiện rộng rãi để phát triển tài năng. Mặt trái của nó là sự ích kỷ và
thói tự thị vốn dĩ bị kiềm chế trong các xã hội truyền thống nay có điều
kiện nảy nở một cách tối đa. Óc thực dụng thay cho các định chế luân lý
cũ. Bố mẹ “còn dùng được”, nói cách khác còn hữu ích, còn có thể khai
thác thì còn gần gũi. Một khi bố mẹ trở thành gánh nặng thì họ muốn
“quẳng gánh lo âu” cho nhẹ xác. Nếu như trước công nguyên 800 năm, bi
kịch vua Lia là một ca đặc biệt thì giờ đây các kiểu vua Lia khác nhau
len vào đời sống của con người. Tính theo tỷ lệ thì người vị tha luôn
luôn ít hơn kẻ vị kỷ. Một đứa con có hiếu trước hết phải là người vị
tha, cho dù sự vị tha này chỉ thực thi trong phạm vi gia đình. Vì thế,
không thể cầu mong tất cả những đứa con đều có hiếu. Chữ Hiếu không thể
áp đặt mà chỉ có thể Mong ước, và do đó, các bậc làm mẹ làm cha, dẫu hy
vọng tràn trề ở những đứa con của họ, vẫn phải sắp xếp lo liệu sao đó để
chủ động tổ chức cuộc đời của chính mình. Từ xưa, cổ nhân đã dạy: “Biết
lo xa thì tránh được cái hoạ gần” là vì thế. Chế độ “tam đại đồng
đường” không còn nữa, giờ đây, chế độ “tiểu gia đình – gia đình hạt
nhân” cũng đang xô lệch, rạn vỡ, vá víu vì các vụ ly hôn và sự bội phát
hiện tượng “làm lại cuộc đời”. Sự biến đổi nào cũng có nguyên nhân và
cũng sẽ dẫn đến một mớ hậu quả, có nghĩa là một mớ những thay đổi khác,
theo cách phản ứng dây chuyền. Nếu không tỉnh táo trước những đổi thay
chóng mặt của thời cuộc, con người sẽ vỡ mộng và sẽ phải trả giá cho các
câu chuyện thần tiên mà họ trông cậy một cách mù quáng.
Đến đây, độc giả có thể kêu lên: “Ôi! Nếu thế thì buồn quá. Nếu thế
thì cuộc đời còn gì là nghĩa lý. Và ai còn muốn sinh con đẻ cái làm gì?”
Có thể chính vì lý do này mà ở phương
Tây, một số người chọn cách sống độc thân. Nhưng tôi nghĩ sự bi quan
thái quá cũng vô lý. Bởi, cho dù bao nhiêu đổi thay xảy ra, tình người
với người vẫn còn, tình phụ tử và mẫu tử vẫn còn thì chữ hiếu vẫn còn.
Các bậc cha mẹ không thể buộc những đứa con phải yêu họ như họ đã từng
yêu chúng. Nhưng họ có thể mong muốn và xây dựng chữ hiếu. Trước hết
bằng tấm gương của chính họ. Phần còn lại, sẽ là sự rủi may khi con xúc
xắc đổ xuống. Nếu nói đến tính ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa, đa số dân châu
Á đều nhăm nhăm tìm ví dụ trong thế giới phương Tây. Tuy nhiên, chớ
quên rằng có những tấm gương cực kỳ chói lọi về lòng hiếu thảo và nhân
nghĩa đã nảy sinh ở cái thế giới “cá nhân chủ nghĩa” này. Có những thanh
niên Mỹ tự nguyện cắt một bên thận để ghép cho bà, cho mẹ. Có những
người Pháp, người Đức tự nguyện cho tuỷ anh em của họ trong những ca
bệnh hiểm nguy. Ở đâu cũng thế thôi, có người này và người kia, không có
dân tộc nào toàn thiện cả.
Bây giờ, tôi xin trở lại với hai mẩu
chuyện mà tôi tìm thấy trong cuốn Thái Ất tử vi năm 2013: “Tự thân nếm
thuốc dâng mẹ” và “Vì mẹ nguyện chôn con”.
1. Tự thân nếm thuốc dâng mẹ
Ai cũng hiểu rằng người biên tập có ý
nêu lên các đài gương sáng chói để dạy dỗ thanh niên. Tuy nhiên, sự chọn
lựa này dường như hài hước vì nêu gương là để người khác noi theo. Đưa
một ai đó lên làm mẫu mực mà cái mẫu mực ấy hoàn toàn lạc lõng với đời
sống thật thì chẳng những việc làm ấy vô dụng mà còn gợi cho người đọc
sự phản cảm. Ông vua Hán cao Tổ kia sống cách chúng ta hai ngàn năm. Vì
là vua, ông ta không cần kiếm sống, lại có cả một triều đình phục vụ mọi
nhu cầu vật chất lẫn tinh thần: Nào hoàng hậu, phi tần, giai nhân cho
ông ta thoả mãn thân xác. Nào con hát, nhạc công, vũ công cho ông ta vui
mắt, vui tai. Nào các quan hoạn lo việc ẩm thực và trang phục, thậm chí
tắm táp tấm thân Rồng… Còn những đứa con thời nay, sáu giờ sáng đã phải
lên đường, kiếm một ổ bánh mì, một cốc cà-phê để trên xe hơi (hoặc
trong xe điện ngầm) vừa đi vừa gậm, sao cho kịp đến nơi làm việc. Những
đứa con thời nay không thể mặc đồ lớn, thắt cà-vạt đứng trước giường mẹ
từ năm giờ sáng cho đúng với nghi lễ của Khổng Khâu bởi họ phải kiếm
sống, phải cố gắng để không rơi vào cảnh thất nghiệp, phải lo tích trữ
để phòng trường hợp rủi ro cũng không đến nỗi trở thành kẻ vô gia cư
sống lây lất trên vỉa hè. Thêm nữa, nếu họ có vợ con, họ phải lo cho
những đứa trẻ được ăn học đầy đủ, và những trách nhiệm này dồn lên vai
họ. Thế nên, người con hiếu thảo nhất thời nay cũng chỉ có thể dành
những ngày cuối tuần cho bố mẹ, và một khi cha đau, mẹ ốm, họ biết hy
sinh những nhu cầu của chính bản thân để dành tiền đưa bố mẹ vào những
bệnh viện đầy đủ tiện nghi, hoặc những nhà dưỡng lão có uy tín. Cuộc
sống bây giờ là một con tính chia. Người nào làm được một phép tính thoả
đáng đã quý hoá lắm rồi.
2. Vì mẹ nguyện chôn con
Đọc chuyện này khiến tôi giật mình. Tôi
không hình dung nổi vào năm 2013, còn có người hâm mộ, tán tụng loại
chuyện như thế. Nó bộc lộ đầy đủ tư duy của kẻ ăn thịt người. Kẻ ăn thịt
người một cách thường xuyên là người rừng tiền cổ, sau đó là các bộ lạc
dã man mà phong tục cho phép họ ăn thịt kẻ thù, tin rằng điều đó đem
cho họ sức mạnh và có thể huỷ diệt tận gốc rễ đối phương. Tuy nhiên,
cũng có những trường hợp người bình thường trở thành kẻ ăn thịt người
khi lâm vào cảnh đói khát. Cái đói xô đẩy họ qua ranh giới của nền văn
minh để trở lại với lối sinh tồn hoang dã xưa kia. Không phải bất cứ
người đói nào cũng biến thành kẻ ăn thịt người. Cùng một trạng thái đói,
nhưng một số người này chấp nhận chết đói chứ nhất quyết không ăn thịt
đồng loại trong khi một số người khác chọn một cách ứng xử trái chiều.
Nhiều yếu tố gây nên sự khác biệt, trong đó, thói quen và quan niệm sống
giữ vai trò quyết định hơn cả. Ăn thịt người, đồng nghĩa coi người khác
không phải là người mà chỉ là một thứ thực phẩm, một thứ vật chất nhằm
thoả mãn cho cái dạ dày của chính mình. Muốn ăn được thịt người, buộc
phải xoá đi mọi sợi dây liên hệ giữa đồng loại và coi việc huỷ diệt kẻ
khác như điều kiện đương nhiên để duy trì cuộc sống. Tóm lại, phải vượt
qua cái ngưỡng phân cách giữa con người với các bầy vượn người, quay lại
thời nguyên thuỷ. Điều này không phải bất cứ ai cũng có thể làm được.
Vì thế, tôi mới cho rằng quan niệm sống và thói quen giữ vai trò quyết
định tối cao. Việc đem chôn đứa con là một cách biểu hiện khác của tư
duy ăn thịt người. Kẻ có thể hành động được như vậy, ắt không coi đứa
con mình là một con người với đầy đủ ý nghĩa của con người mà chỉ coi nó
là một thứ sản phẩm vật chất, giống như một cái lọ được lôi ra từ lò
gốm, một cái chai lấy ra từ lò gốm. Đứa con, lấy ra từ cái tử cung của
người mẹ và người ta coi nó như một cái lọ có thể đập tan đi vì lò gốm
vẫn còn. Phải chăng, thứ tư duy này nảy sinh trong các hoàn cảnh lịch sử
nghiệt ngã, và dân Trung Hoa đã phải chấp nhận như một lựa chọn cho
cuộc tồn sinh?
Trong cuốn Quản tử, trang 234, có viết:
Trong cuốn Quản tử, trang 234, có viết:
“ …Đánh nhau, kẻ thắng lợi cũng hại (hại người, hại binh khí, hại của và lương thực). Vây thành của địch, khiến dân trong thành đói đến nỗi phải bán con lấy gạo, hoặc đổi con cho nhau để ăn thịt, phải đào mả lấy xương khô đun bếp vì không ra được ngoài thành kiếm củi. Tuy kẻ vây thành thắng thế, nhưng lâu ngày, vì địch cố thủ, kẻ thắng cũng hao quân kiệt lực, vậy cũng tai hại không kém.”
Sau đây, một đoạn trong cuốn Thuỷ Hử:
“…Tôi họ Trương tên Thanh, trước coi chùa Minh Quang ở gần đây, sau vì tranh cãi một việc nhỏ, tôi nóng tiết giết sư ở chùa ấy, rồi cho một nắm lửa mà thiêu hoá cả chùa…Tôi ở đó được ít lâu không tiện, lại phải quay về đây làm mấy gian nhà lá bán hàng kiếm ăn. Thỉnh thoảng khách thương qua lại, có món nào khá thì đánh thuốc mê cho chết, rồi lấy thịt mà làm thịt bò, và làm bánh gánh đi các nơi bán……Trương Thanh lại dẫn Võ Tòng vào nhà làm thịt, thấy trên vách căng mấy cái da người, trên sà nhà treo dăm bẩy cái đùi người, còn hai tên công sai thì nằm vật ở trên ghế mổ…”
(Thuỷ Hử ; chương 26, trang 249 và 251)
Còn thời gian gần chúng ta nhất, thập kỷ
60 thế kỷ XX, trong cuộc Đại nhẩy vọt Trung hoa, mà theo ông Lý Chí
Tụy, 43 triệu người chết đói, cảnh ăn thịt người tái hiện trên một bề
rộng gấp bội phần những thành luỹ bị vây hãm thời Xuân thu của ông Quản
tử. Báo chí thế giới nói đã đủ, tôi không cần nhắc lại.
Bây giờ, xin độc giả lưu ý và làm so
sánh: tỷ lệ người chết đói ở Trung quốc trong thập kỷ 60 cũng chưa bằng
tỉ số dân miền Bắc Việt nam chết đói năm 1945. Trung quốc chết 43 trên
600 triệu. Dân Bắc bộ chết hai triệu rưỡi trên 9 triệu người (Xin đọc
lại Tập san Sử Địa, năm thứ V, số 17&18, tháng 1
đến tháng 6 năm 1970. Bài của ông Tăng Xuân An). Hậu quả nạn chết đói
này là do chính sách thâm độc, tàn ác của bọn thực dân Pháp và phát xít
Nhật, bởi trong lúc một phần tư số dân sông Đuống, sông Hồng chết đói
thì ở miền Nam thóc thừa mứa. Vì chiến tranh không xuất khẩu được, gía
thóc rẻ đến nỗi nhà đèn Chợ Quán đốt thóc thay thế cho than đá. Theo ông
Tăng xuân An thời đó cái đói đã xô đẩy con người đến mức phi luân như
phải bán con đổi thóc. Rồi đến mức ăn cả những con vật ghê tởm như chuột
cống. Có tin đồn là bọn bất lương bắt những đứa trẻ lạc về làm thịt
khiến các gia đình đều lo nơm nớp giữ con. Một người bạn của tác giả làm
việc tại Sở Cảnh sát Hải phòng cho biết cảnh binh bắt được hai tên bất
lương đang giết một đứa trẻ trong nghĩa trang An Dương. Vì sợ dân chúng
hoang mang nên chính quyền không dám đem vụ đó ra xử công khai. Tuy
nhiên, trong số trên hai triệu người chết đói kia tuyệt nhiên không có
cảnh cha ăn thịt con, bà ăn thịt cháu. Họ ăn hết rau sam, rau má, rau
dền hoang rồi đến củ chuối. Hết củ chuối có người móc đất sét lên ăn cho
đầy dạ. Rồi sau chót, ôm nhau mà chết cả nhà. Ai sống sót thì lê lên
tỉnh ăn mày và chết dọc đường dọc xá. Bởi vì, phương châm xử thế của
người Việt là: “Chết cả đống hơn sống một người”
Cái phương châm xử thế này là cốt lõi để
gắn kết khối cộng đồng dân tộc, để xây đắp một tinh thần quốc gia, và
cái tinh thần đó đã được un đúc, tôi luyện qua hàng ngàn năm để chống
lại sự xâm lăng và âm mưu đồng hoá của Trung hoa. Những người chết đói
chắc chắn phải ở tầng lớp bình dân nhất trong xã hội, dân nghèo của dân
nghèo, loại cùng đinh. Họ không đủ điều kiện để học thứ chữ vuông như
hòm của Đức thánh Khổng và phải chăng chính vì thế, chưa kịp học thói ăn
thịt người của dân tộc vĩ đại của ngài?
Ngẫm lại xưa để thấy ngày nay, tôi trở
lại với mẩu chuyện “Vì mẹ nguyện chôn con” trong cuốn Thái Ất tử vi
2013. Sự chọn lựa này là bằng chứng hiển nhiên cho thói sùng bái văn hoá
Trung Hoa một cách nô lệ. Chỉ có tâm thế nô lệ mới xui khiến hành động
theo cách đó: Muốn đề cao lòng hiếu thảo, muốn nêu gương đạo đức nhưng
rút cục lại bộc lộ bản chất man dã của kẻ ăn thịt người, nói cách khác,
đem trưng bầy thứ bóng tối hang động hàng vạn năm trước.
Để kết thúc cuộc đối thoại với những
người bảo vệ luật Khổng Tử, tôi xin nhắc họ hãy xem lại những đoạn phim
tài liệu chiếu trên đài truyền hình Pháp về thời “Trung quốc dưới Mao”.
Hãy nhớ lại khẩu hiệu: “Phi Khổng, Phi Lâm” mà Mao trạch đông đã dùng để
đánh Lâm Bưu. Nếu lúc đó, Khổng Khâu còn sống, ắt ông ta phải leo lên
bục cho các “Tiểu tướng” đấu tố. Đầu ông ta phải đội mũ giấy có hai cái
tai lừa với dòng chữ: Con chó liếm đít. Chắc chắn ông ta sẽ được hưởng
mùi vị khạc nhổ, vặt râu, ghè răng, rứt tóc của đám Hồng vệ binh kia.
Một nửa thế kỷ qua, lúc này, Khổng Khâu
lại sắm vai ông thánh để giảng dạy đạo lý cho mọi người. Từ ông Thánh
rơi xuống Con chó liếm đít, rồi lại từ Con chó liếm đít nhảy lên ông
Thánh, nhà cầm quyền Trung quốc đã dùng Khổng Khâu chính xác như một thứ
chổi quét sàn hoặc thứ giấy vệ sinh mà ta vẫn mua ở các siêu thị.
Tôi không lạ, vì cái cách thức lật lọng,
đổi trắng thay đen ấy đã có từ thời Lưu Bang Hán cao tổ rồi. Nó thuộc
về cái mà người ta vẫn gọi là truyền thống. Tôi chỉ ngạc nhiên vì những
người Việt di cư trách móc tôi đã lên án Khổng Tử, với hy vọng dựng cái
thây ma Khổng Khâu lên thì con cái họ hiếu đễ hơn. Bởi họ, cũng như tôi,
đã sống ở nước Pháp này xấp xỉ bốn mươi năm rồi.
Paris ngày 14/8/2013
© 2013 DCVOnline