Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

“Luật hóa” sự đàn áp Internet ở Trung Quốc

Stanley Lubman | China Real Time Report
Mai Xương Ngọc dịch
Hành vi sử dụng Internet – đặc biệt là tham gia các microblogs trên trang Sina Weibo, mạng xã hội lớn nhất của Trung Quốc, tương tự mạng Twitter của Mỹ – đang tạo ra những thách thức mới và những nỗ lực mới từ phía một chính phủ quyết tâm duy trì quyền kiểm soát. Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh đã tung ra một cuộc tấn công đa hướng nhắm vào những chỉ trích trực tuyến về các chính sách và các tổ chức hiện nay, bao gồm một chiến dịch tuyên truyền, các đợt bắt giữ và một quy định pháp lý mới có tính trùng lặp để cố gắng biện minh cho hành vi đáp trả và ngăn chặn những chỉ trích trực tuyến trong tương lai.

Bắc Kinh nới rộng Điều 246, BLHS để nhắm vào những chỉ trích trực tuyến. (Ảnh: Internet)
Lời kêu gọi đấu tranh này không phải là mới, nhưng việc hợp thức hóa nó dưới cái vỏ bọc pháp lý là điều đáng lo ngại và đại diện cho một mối đe dọa đang gia tăng đối với các thảo luận và bất đồng chính kiến trực tuyến ở Trung Quốc.
Các thành phần của cuộc tấn công bao gồm:
  • Một “cách diễn giải” mới mẻ, đồng bộ dưới quyền Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, ban hành ngày 10 tháng 9 năm 2013, áp dụng các quy định của Bộ Luật hình sự Trung Quốc để ngăn chặn và trừng phạt các nhà phê bình trực tuyến;
  • Một đợt tuyên truyền mạnh mẽ của “phe tân tả”, những kẻ mong muốn quay trở lại với chính sách của Mao Trạch Đông và khiển trách sự xâm lược nguy hiểm của những tư tưởng chống Trung Quốc từ phương Tây, đặc biệt là Mỹ, để truyền bá những thông tin sai lệch về Đảng và Nhà nước; và
  • Bắt giữ những nhà phê bình, bao gồm cả các luật sư hoạt động xã hội và gần đây nhất, một tỷ phú tự do cùng với nhóm “BigV’s”, gồm các blogger có ảnh hưởng và có tài khoản đăng ký tên thật, những người bình luận về các vấn đề chính sách quan trọng.
Cách diễn giải pháp lý mới đã mở rộng phạm vi của Điều 246, Bộ Luật hình sự Trung Quốc, trong đó định nghĩa hành vi phỉ báng hình sự. Dưới chiêu bài kiềm chế sự lan tỏa tin đồn trực tuyến và thông tin sai lệch, điều luật này đã trở thành một công cụ đối phó với tội phạm sử dụng bất kỳ “mạng thông tin… sử dụng thiết bị điện tử” nào để gây ra “sự hỗn loạn công cộng” hoặc “gây nguy hiểm nghiêm trọng tới trật tự xã hội hoặc lợi ích quốc gia.”
Hành vi “phỉ báng” hình sự, nêu tại Điều 246, quy định rằng bất kỳ ai “công khai làm nhục người khác hoặc bịa đặt ra những câu chuyện để bôi nhọ người khác, trong trường hợp nghiêm trọng” phải bị trừng phạt tới ba năm tù. Điều khoản này có thể được viện dẫn không chỉ bởi người bị hại, mà còn bởi các nhân viên nhà nước trong trường hợp “gây thiệt hại nghiêm trọng đến trật tự công cộng hay lợi ích của Nhà nước.” Cách diễn giải mới sử dụng mệnh đề trên để trừng phạt bất kỳ bài viết trực tuyến nào “gây nguy hiểm nghiêm trọng tới trật tự xã hội và lợi ích quốc gia.” Tất nhiên, định nghĩa “lợi ích quốc gia” là bất cứ điều gì mà chính phủ đưa ra.
Cách diễn giải này cụ thể hóa những trường hợp có thể bị trừng phạt, lý do là bị kích động bởi những bài viết trực tuyến gây ra những việc sau đây: “sự cố hàng loạt”, “hỗn loạn công cộng”, “xung đột sắc tộc và tôn giáo”, “phỉ báng nhiều người, gây ra tác động phản cảm xã hội [hoặc] làm tổn hại hình ảnh quốc gia, gây nguy hiểm nghiêm trọng tới lợi ích quốc gia” hoặc “tạo ra ảnh hưởng xấu tới quốc gia” và “các tình huống khác”. Điều này được áp dụng không chỉ đối với Internet và máy tính, mà còn áp dụng với truyền hình, điện thoại cố định và các thiết bị di động.
Bộ luật mới được nới rộng có thể áp dụng cho những hành vi phạm tội được xác định một cách mơ hồ; nếu chúng xuất hiện trong bất kỳ lời biểu đạt trực tuyến nào được đăng lại 500 lần hoặc nhiều hơn, hoặc được xem và truy cập trên 5000 lần.
Bề rộng của cách diễn giải mới cho thấy quyết tâm trừng phạt bất kỳ sự biểu đạt quan điểm nào được coi là đe dọa Đảng và Nhà nước. Những người ủng hộ tự do ngôn luận chỉ trích rằng đó là “một nỗ lực tạo ra sự chống lưng bằng luật nhằm đàn áp bất đồng chính kiến trên mạng.”
Cách diễn giải này bổ sung thêm vào kho vũ khí pháp lý vốn đã được sử dụng đối với những người tham gia vào việc “cố ý thêu dệt và phổ biến trực tuyến những thông tin sai lệch” để gây ra “sự xáo trộn trật tự xã hội”. Nó cũng tạo thêm sự trừng phạt, vốn đã nằm trong một mục khác của Luật hình sự về việc “tổ chức hoặc kích động người khác phổ biến [thông tin sai lệch] trên mạng lưới thông tin, tạo ra một sự náo động hoặc hỗn loạn công cộng đáng bị trừng phạt.”
Những hạn chế có khả năng ảnh hưởng sâu rộng đến sự bày tỏ những ý kiến không dễ chịu phản ánh mối lo ngại sâu sắc về tác động của những thay đổi xã hội rộng lớn ở Trung Quốc đối với ổn định xã hội, đặc biệt là ở phe được gọi là “tân tả”, những kẻ muốn nhà nước củng cố kế hoạch kinh tế và quay trở lại với các giá trị liên quan đến Mao Trạch Đông. Giọng điệu dân tộc chủ nghĩa bạo lực đến từ phe tân tả để lên án những ảnh hưởng của phương Tây, đặc biệt là Mỹ, tới các cuộc tranh luận công khai ở Trung Quốc.
Một chuỗi ba bài dịch của ông Rogier Creemers, học giả trường Oxford, đăng trên tờ Bản thảo Cờ Đỏ (Red Flag Manuscripts), một tạp chí liên kết với tạp chí lý luận Qiu Shi (Tìm kiếm Sự thật) của Đảng Cộng sản, minh họa cho thấy một số lập luận ủng hộ sự hạn chế tự do ngôn luận.
Một bài viết cho thấy sự cần thiết phải xử phạt “tin đồn độc hại và phổ biến tin đồn”, bởi vì tin đồn trực tuyến làm tăng hoảng loạn xã hội, kích động các cuộc khủng hoảng về niềm tin xã hội (chẳng hạn về những khác biệt giữa người giàu và người nghèo, và tham nhũng) hoặc “gây thiệt hại hình ảnh đất nước… dưới sự hướng dẫn, hoặc không, của lực lượng thù địch phương Tây.” Bài viết khác lại tìm ra “gốc rễ của sự lan tràn những tin đồn trực tuyến” nằm ở “chủ nghĩa đa nguyên, tính đa dạng và tính dễ thay đổi ý thức hệ của người dân trong một giai đoạn chuyển đổi xã hội,” “sự ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường,” “sự theo đuổi lợi nhuận của một số doanh nghiệp ngành truyền thông” cũng như “sự xâm nhập của các nước phương Tây… bởi phương tiện truyền thông truyền thống và trực tuyến.” Bài viết cuối cùng trong chuỗi này công bố rằng để “tự do ngôn luận bị hạn chế,” phải tăng cường tuyên truyền, và bộ luật hình sự phải được sử dụng để tấn công những tin đồn trực tuyến.
Một ví dụ cho thấy quyết tâm của chính phủ nhằm thực hiện chiến dịch một cách mạnh mẽ khi ông Vương Công Quyền (Wong Gongquan), một nhà tư bản, tỷ phú tự do ngành đầu tư mạo hiểm đã bị bắt giữ tuần trước với lý do gây rối trật tự công cộng. Một blogger nổi tiếng khác người Mỹ gốc Hoa, ông Charles Xue (Tiết Man Tử), đã bị bắt vì tội gạ gẫm gái mại dâm, nhưng một số cư dân mạng nhận thấy việc bắt giữ là một phần của chiến dịch đàn áp các blogger như ông ta.
Các blogger có thể chiến đấu lại – và họ đã làm, một phần bằng cách chỉ ra các khả năng vi phạm của bộ luật mới bởi phương tiện truyền thông chính phủ. Nhưng mối đe dọa sách nhiễu và bắt giữ đã trở thành sự thật, và cả nguy cơ bóp nghẹt ngôn luận. Giáo sư luật nổi tiếng và là người bênh vực tự do ngôn luận, ông Hạ Vệ Phương (He Weifang), đã gửi lời đề nghị chua cay đến với một triệu người đang theo dõi ông ta trên mạng Weibo, “xin đừng đăng lại tin của tôi hơn 500 lần, hãy để cho tôi sống sót.”
[*] Stanley Lubman, một chuyên gia nhiều năm về luật pháp Trung Quốc, là một giảng viên ưu tú tại Trường Luật, Đại học California, Berkeley. Ông là tác giả của “Chim trong lồng: Cải cách Luật ở Trung Quốc sau thời kỳ Mao” (Stanford University Press, 1999), đồng thời là chủ biên của “Diễn biến Cải cách Luật pháp ở Trung Quốc: Một chiều hướng bấp bênh.” (Elgar, 2012).
NguồnStanley Lubman: “The ‘Legalization’ of China’s Internet Crackdown“, China Real Time Report, ngày 18 tháng 9 2013.
Bản Tiếng Việt © 2013 The Pacific Chronicle

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"