Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Vì sao xã hội dân sự Việt Nam yếu? (6)

Nguyễn Văn Thạnh

Bài 6: Chủ nghĩa luồn lách-một cản trở lớn cho XHDS

Ngày nay, với sự phát triển bùng nổ của mạng internet và điện thoại Smartphone đã cung cấp một siêu vũ khí cho những người bị áp bức cùng nhau kết đoàn xây dựng XHDS. Điều mà cách đây vài chục năm không thể làm được trong thể chế toàn trị ở nước ta.
giaothongvn.png
Luồn lách trong giao thông Việt Nam
Tuy nhiên cũng như bao cuộc chiến khác, vũ khí dù hiện đại đến mấy cũng không quyết định chiến thắng chung cuộc, yếu tố quyết định vẫn là con người.
Trong bài viết trước, tôi đã chỉ ra nguyên nhân XHDS Việt Nam yếu là do sự quá khôn ngoan của tầng lớp cầm quyền: họ luôn tìm mọi cách để cản trở, lũng đoạn nó, làm nó suy yếu từ trong trứng nước,…. Trong bài viết này và các bài kế tiếp, tôi cố gắng chỉ ra và phân tích các nguyên nhân đến từ tầng lớp dưới-tầng lớp dân chúng.
Trong một bài viết trước, tôi có nhắc đến sự cảm nhận chủ nghĩa luồn lách đã gây khó khăn trong việc hình thành và lớn mạnh của CLB máu khó đông. Trong bài viết này, tôi sẽ đi sâu, làm rõ ảnh hưởng của chủ nghĩa này đối với sự phát triển XHDS.

Theo tôi, chủ nghĩa luồn lách là từ chỉ hiện tượng hối lộ, bôi trơn, lo lót, thỏa hiệp với người công vụ để luồn lách qua các qui định hiện tại nhằm đạt được công việc của riêng mình.
Những người luồn lách là những người có điều kiện: tiền bạc, quan hệ và hiểu biết. Quá trình luồn lách tạo ra sự bất công vì chỉ có một số nhỏ vượt qua rào chắn, và vì chỉ có số nhỏ nên mức độ hưởng lợi rất lớn.
Chủ nghĩa luồn lách đưa đến đói nghèo, lạc hậu. Như chúng ta thấy, ở VN hiện nay có hàng trăm, hàng ngàn thứ qui định vô lý từ y tế, xây dựng đến giáo dục, môi trường,…. ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân. Tất cả những bất cập này đưa đến xã hội thiếu hiệu quả, người dân mệt mỏi, sức lao động bị lãng phí.
Theo lẽ tự nhiên, cái gì không hợp lý sẽ bị đào thải theo thời gian, vấn đề là tốc độ đào thải. Trong khi thiên hạ tiến bộ hàng ngày, hợp lý hóa ngày một còn ta thì 10 năm vẫn như cũ thì chắc chắn chúng ta sẽ thua cuộc trong sân chơi toàn cầu này.
Tại sao người VN chúng ta có tư tưởng luồn lách? Theo quan sát cá nhân tôi có các nguyên nhân sau:
1. Trong một thời gian dài, chúng ta đã “kêu gào” sự hy sinh lợi ích cá nhân cho tập thể, cộng đồng, đất nước để rồi chỉ có một bộ phận khôn lanh không làm theo điều đó và chúng trở nên thành công, giàu có. Việc này diễn ra trong thời gian dài nên người dân trở nên khôn ngoan, nghi ngờ tất cả những ai kêu gọi đứng chung thuyền để tranh đấu cho một lợi ích chung. Mạnh ai người đó toan tính, lo việc của mình có vẻ là giải pháp ổn nhất. Người dân mất niềm tin vào người cầm đầu.
2. Chế độ toàn trị với truyền thông bị bóp ngẹt cùng với chiến lược ngăn cản xã hội dân sự phát triển nên để cùng nhau đứng vào một đội ngũ để thúc đẩy một giải pháp chung là vô cùng khó khăn. Điều này làm cho tiến trình tranh đấu cho một cải thiện chung thường rất chậm trễ, do vậy những người có điều kiện sẵn sàng chi tiền để tìm kiếm giải pháp riêng cho mình.
Trong xã hội mà niềm tin vào thủ lĩnh không còn, người có điều kiện tách rời để đi lối riêng thì phần đông còn lại chỉ còn là một đám ngơ ngác.
3. Còn một nguyên nhân nữa thúc đẩy chủ nghĩa luồn lách là cách cửa luồn lách luôn rộng mở cho ai có điều kiện: luật pháp không nghiêm, tình trạng bao che, hối lộ, nhận hối lộ tràn lan ở mọi nơi là một mảnh đất tốt cho hạt giống của chủ nghĩa luồn lách sinh sôi nảy nở. Có thể nói kết cấu của hệ thống chính trị hiện nay khuyến khích cho chủ nghĩa luồn lách phát triển.
4. Thêm một nguyên nhân rất lớn nữa là người Việt chúng ta chưa thấy sự liên đới lẫn nhau giữa các công dân trong một đất nước. Triết lý “lợi ích riêng được nhận thức đúng” chưa đến được đại bộ phận dân chúng. Rất ít người khi tranh đấu cho lợi ích cá nhân của mình suy nghĩ đến việc gắn bó lợi ích đó trong một tập thể, một cộng đồng lớn hơn. Điều này, được các chuyên gia xã hội xác định là người VN ta chưa trưởng thành về mặt xã hội dân sự. Một cá nhân chỉ thấy lợi riêng của mình mà không thấy trách nhiệm trong cộng đồng thì chưa gọi là trưởng thành. Một xã hội có quá nhiều người như thế thì xã hội đó chưa trưởng thành (lấy ý từ một bài viết mà tôi đã đọc).
Ban đầu tôi cũng là người theo chủ nghĩa luồn lách để giải quyết các vấn đề bệnh máu khó đông mình mắc phải nhưng rồi tôi thấy chi phí, công sức như vậy là rất lớn và không bền vững. Bằng cách tranh đấu cho câu lạc bộ máu khó đông TP Đà Nẵng, tôi đã được những kết quả cho cá nhân tôi và những tiến bộ đó được cả cộng đồng hưởng lợi. May mắn là một số người đã đồng quan điểm này. Họ đứng vào hãng ngũ CLB: người bỏ công, người bỏ của; tôi thật sự cảm ơn những người giàu có đã chọn giải pháp ủng hộ hoạt động CLB thay vì chi tiền để luồn lách.
Có thể những điều tôi nêu ra bài viết này không mới, nhưng tôi nghĩ nó cần thiết cho chúng ta trong việc nhìn nhận nguyên nhân vì sao xã hội dân sự ở VN yếu, ngõ hầu tìm kiếm giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề.
Như một tất yếu, điều gì diễn ra lâu dài, có khả năng trở thành niềm tin, lối tư duy, thói quen của đại bộ phân dân chúng tức trở thành văn hóa và khi đó sẽ rất khó sửa. Chủ nghĩa luồn lách hiện nay đã thành nét “văn hóa” trong cộng đồng người Việt Nam chúng ta. Đây thực sự là một vấn đề nan giải.
Có thể nói rằng, chủ nghĩa luồn lách đã ăn sâu với máu, vào não của người VN và chính điều này góp phần làm cho XHDS ở VN yếu.
Theo ý kiến cá nhân tôi, để giải quyết vấn nạn chủ nghĩa luồn lách, chúng ta nên truyền thông để cộng đồng biết rằng nhiều vấn đề không thể giải quyết riêng rẽ được. Chúng ta chung nhau một tương lai.
Để kết bài này, tôi xin dẫn lại một câu nói của một danh nhân “một dân tộc có nhiều người khôn ngoan[*] là một dân tộc thất bại”.
Nguyễn Văn Thạnh.
[*] Khôn ngoan ở đây được hiểu theo nghĩa ma lanh.
Bài 7: Giải quyết chủ nghĩa Mackeno để thúc đẩy XHDS.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"