Câu hỏi càng cấp bách hơn khi trên mạng xã hội người ta lập tức và
liên tục bầy tỏ quan điểm ủng hộ cách hành xử của anh Viết, thậm chí còn
mách bảo nhau phải bạo lực như thế nào cho xứng đáng và hiệu quả. Quan
sát các cây bút và blog uy tín, chúng ta dễ dàng nhận thấy bạo lực dường
như đang được cổ vũ mà không có phanh hãm.
Làm gì sau cái chết của Đặng Ngọc Viết? – Không phải câu hỏi giản
đơn, nhưng nhất thiết phải tìm được câu trả lời thích đáng để ít nhất bù
đắp phần nào cái chết của anh Viết và sự khổ đau của gia đình. Chúng ta
phải làm gì để cái chết của một “dân oan” bớt phần oan trái? Để không
còn những bi kịch như vậy diễn ra?
Theo báo chí trong nước, ngày 11 tháng 9, “dân oan” Đặng Ngọc Viết
lẳng lặng tiến vào UBND TP Thái Bình, nã súng vào 4 cán bộ liên quan tới
đền bù đất đai khiến anh và gia đình khốn đốn. Anh Viết sau đó đã tự
vẫn, để lại cha, anh tật nguyền và hai đứa con thơ. Lý do bởi anh Viết
bức xúc trong đền bù đất đai.
“Anh hùng” bằng bạo lực?
“Con giun xéo mãi cũng quằn” là câu thường được dùng để mô tả tâm
trạng anh Viết – một công dân “vô danh tiểu tốt” đã bị tước đoạt mọi khả
năng tự vệ. Câu nói thể hiện sự cảm thông nhưng đồng thời mô tả thực tế
xã hội Việt Nam, nơi bạo lực đã là phương thức tất yếu để giải quyết
một số vấn nạn.
Vẫn trên đà đó, một bộ phận của xã hội hả hê nghe tin “1 người lành
chết cho 4 tham quan tàn”, công nhận nòng súng của anh Viết là lựa chọn
duy nhất để cất lên tiếng nói công bằng, để thức tỉnh tầng lớp độc tài
tham quan. Thậm chí không ít người coi hành động của anh Đoàn Văn Viết
là “anh hùng” và do đó đáng được noi theo.
Trước khi khẳng định bạo lực là điều cần bị lên án ở mọi nơi mọi lúc,
xin thuật lại đây những thổ lộ xúc động mà tôi nghe được trong một lần
trao đổi trên facebook. Bạn Thanh Pham nói: “Một người không được tự do
chon lựa từ lúc sinh ra, không được chọn lựa số phận dưới thể chế toàn
trị. Cái tự do cuối cùng là quyền tự do chọn lựa cho mình một cái chết
(…). Một cái chết tuyệt vọng. Dĩ nhiên không nên xem như là một hành
động anh hùng nhưng đó là quyền tự do cuối cùng mà không ai có thể cướp
đi được của anh ấy.”.
Quả thật, một chân lý khó phủ nhận. Nhưng sau đó nữa thì sao? Chúng
ta đành chấp nhận “một dân oan chết cho các tham quan tàn” mà không thấy
dân oan đang phải trả giá quá đắt, bằng mạng sống của mình? Không lẽ
chúng ta thật sự bế tắc nên không còn lựa chọn nào khác ngoài án mạng và
xả thân đòi công bằng cho miếng đất?
Tôi thật sự rùng mình khi thấy nhiều trang mạng và blog “ngoài luồng”
ồn ào phong “anh hùng” cho người gây án mạng. Coi việc giết tham quan
rồi tự tử là tấm gương đáng nể cần noi theo.
Cái chết của 2 người trong vụ anh Viết chưa nguôi thì báo chí lại đưa
tin nào là người đàn ông tự thiêu trước đồn công an, nào là bé gái 5
tuổi Phạm K.N. bị chết do sốc kháng sinh trong bệnh viện khiến công luận
quá bất bình, và cũng ngay lập tức có luồng dư luận tán thành việc “xử
lý” các y bác sĩ theo phương châm: “noi gương anh Viết”.
Hai lựa chọn
Trước quang cảnh bạo lực đó, chúng ta – xã hội Việt Nam – chỉ có hai
lựa chọn: hoặc khoanh tay thụ động chờ những cái chết oan thương gieo
rắc uất hận, hoặc suy tính cách hành động tích cực để hỗ trợ người dân.
Vụ thảm sát do anh Viết chủ mưu và nhất là phản ứng dư luận hô hào
bạo lực sau đó còn chỉ ra một thực tế buồn bã khác là Việt Nam vô cùng
thiếu vắng chỗ dựa nhân bản, tôn giáo, xã hội vững chắc, khiến người dân
không còn nơi bấu víu dẫu chỉ trên bình diện tinh thần. Tinh thần là
lĩnh vực đã thực sự bị nhà nước thống lĩnh khiến chúng ta chỉ còn biết
tìm tự do, công bằng, lẽ phải qua việc “phong thánh” cho người gây án
mạng? Ước gì câu trả lời là: không.
Có bạn hỏi tôi nếu không ủng hộ việc lấy dao súng đòi công bằng, ân
trả ân, oán trả oán, thì tôi định đưa ra giải pháp nào “khác” cho xã hội
Việt Nam. Câu hỏi không đơn giản, nhưng tôi đề xuất lấy tầm nhìn của
các nước Đông Âu hay gần đây là Miến Điện để tìm cố vấn. Họ là những ví
dụ rõ ràng cho thấy bất bạo động và ngăn ngừa bạo lực là con đường duy
nhất kể cả khi tình thế đã vô cùng bi đát. Miến Điện được thế giới ủng
hộ bởi không có trong họ hận thù được tính toán bằng súng đạn dẫu họ
phải đối diện với độc tài quân đội khét tiếng. Ở các nước Đông Âu, trước
khi phong trào biểu tình diễn ra hàng loạt, người ta đã phải bỏ công
sức nhiều năm xây dựng nào là “đại học di động” để dạy cho sinh viên các
môn lịch sử, văn học ngoài luồng; nào là “sa-lông nghệ sĩ” chỉ để lưu
giữ văn hóa, tinh thần cho người dân. Đấy là chưa kể tới vô số các câu
lạc bộ độc lập khước từ mọi dính líu với văn hóa “quốc doanh”, hay những
khóa huấn luyện y bác sĩ do người dân tự tổ chức để biến họ thành đội
quân hùng hậu phục vụ nạn nhân, thân nhân của các cuộc đàn áp. Các nhóm y
bác sĩ như vậy cho tới nay vẫn duy trì hoạt động, ví dụ như tại Ba Lan,
để chữa trị cho bao người cơ lỡ không có bảo hiểm y tế.
Liệt kê các thí dụ trên để thấy rằng người dân có khả năng tự tổ chức
hoặc ít nhất, có tiềm năng tiến tới thành lập các thang đỡ cho mình
trong lòng xã hội. Đó là giải pháp duy nhất có thể đưa ra, thay cho bạo
hành. Hồi chuông anh Viết đã gióng lên trên hết để thức tỉnh mỗi người
trong xã hội hành động theo chiều hướng tích cực, không phải để có những
cái chết oan sai, mà để tránh bản năng tiêu cực tự hủy hoại khi đối
diện với bạo quyền.
Lại sẽ có ý kiến cho rằng, tình hình Việt Nam rất “đặc thù” nên không
thể lấy thí dụ các nước khác “áp đặt” cho nước mình. Điều này xin hãy
để người Việt quyết định, liệu họ có muốn đầu tư cho tương lai con cháu,
hay muốn con cháu, thân nhân chết oan rồi mới tính chuyện trả thù. Và
có đúng là người Việt thích giải pháp bạo hành khi ở bước đường cùng hay
muốn làm tất cả để tránh không phải nằm trong tình trạng không lối
thoát.
Thách thức
Lặp lại câu hỏi: người Việt chúng ta phải làm gì để không còn xảy ra những án mạng đau lòng như trường hợp anh Viết?
Trong xã hội dân chủ, người dân không phải đối diện với câu hỏi thách
thức đó. Chỉ cần người dân biết lo lắng cho gia đình, bữa ăn, học hành
của con cái đã là quá tốt, trách nhiệm điều hành xã hội, tìm cân bằng và
công bằng có thể được phó thác cho các cơ quan nhà nước. Việt Nam chưa
phải xã hội dân chủ thì trách nhiệm xây dựng xã hội bị láng chuyển trực
tiếp tới tay mỗi người dân trong khi đảng và nhà nước chỉ có vai trò đối
nghịch với xã hội dân sự. Nói lên điều này cũng để mỗi chúng ta nhìn
nhận rằng mỗi người trong chúng ta chịu trách nhiệm với án mạng của anh
Viết, bởi đã không là một xã hội mà những người như anh có thể nương tựa
hay gửi gắm niềm tin khiến việc anh bị cướp đất đã trở thành lý do duy
nhất để gây án mạng mà trước đó không có một hành động tìm kiếm hỗ trợ
nào khác từ người thân, bạn bè, xã hội.
Một khi chúng ta chỉ lấy miếng đất, nồi cơm làm thước đo cuộc sống
hiện tại thì con cháu trong tương lai sẽ trả giá bằng cuộc sống trong
miếng đất chật hơn nữa, với nồi cơm vơi hơn những gì chúng ta đang có
trong cuộc sống thụ động ngày hôm nay. Cái chết của anh Viết, của bé
Phạm K.N., của người đàn ông tự thiêu hôm trước chẳng nói lên điều đó
hay sao?
Người dân Việt Nam từ già tới trẻ đã trả giá quá đắt bằng mạng sống
và bằng bao khổ ải chỉ để minh chứng rằng xã hội Việt Nam đang cần những
đổi thay. Không nên vì thế mà nhìn nhận lệch lạc về những cái chết lẽ
ra không nên có. Tự vẫn, sát hại không thể là hành động tích cực cho bất
cứ ai hay bất cứ xã hội nào!
Việc tung hô bạo lực “noi gương Đặng Văn Viết” còn cho thấy, các tác
giả của những lời tung hô đó đang bị cảm xúc tiêu cực ngự trị, khiến bế
tắc lòng tin vào con người Việt Nam, vào những cảm xúc và khả năng tích
cực của người dân trong tiến trình xây dựng xã hội dân sự.
28 tháng 9 năm 2013, Warszawa
© Tôn Vân Anh
© Đàn Chim Việt