Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Thư phản đối Quy định số 47-QĐ/TW về các điều Đảng Viên không được làm

Hồ Quang Huy
Dân Luận
Tác giả: Ngày 1/10/2012, tôi có gửi thư chất vấn BCH TW đảng cộng sản Việt Nam về Quy định số 47-QĐ/TW. Quá thời hạn quy định không thấy trả lời, tôi đã viết thư dưới đây để phản đối, tưởng sau khi nhận được thư này thì đảng cộng sản Việt Nam sẽ trả lời, nhưng chờ mãi cũng không thấy, nên hôm nay nhờ Dân Luận đăng giùm để rộng đường dư luận.
Xin cảm ơn!
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
THƯ PHẢN ĐỐI

Về việc Ban chấp hành Trung ương Đảng CSVN ban hành quy định sai trái
Kính gửi:
- Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
- Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng
Sau khi Ban chấp hành Trung ương Đảng CSVN (sau đây viết là TW) ban hành Quy định số 47-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm, ngày 01/10/2012 tôi đã gửi thư chất vấn TW về một số điều sai trái trong quy định này. Ngày 05/02/2013 là hạn cuối cùng phải trả lời cho người chất vấn nhưng đến hôm nay TW vẫn chưa trả lời cho tôi.

Với những gì tôi đã chứng minh trong thư chất vấn kết hợp với việc TW không trả lời làm cho tôi hiểu rằng: Các điều cấm này (và nhiều điều khác trong Quy định số 47/QĐ-TW) không phải để “tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng và giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, tính tiền phong gương mẫu của đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng” như mục đích Quy định 47-QĐ/TW nêu, cũng không vì Tổ quốc và nhân dân mà ngược lại là để triệt tiêu hoặc hạn chế sự đấu tranh của đảng viên, là để ngăn chặn tiếng nói trái chiều với đảng. Chính vì thế nên TW không thể nào trả lời được. Như trong thư chất vấn tôi đã chứng minh rằng những điều cấm này không những không có tác dụng như mục đích TW đã nêu, không những vi phạm Hiến pháp, pháp luật, vi phạm Điều lệ Đảng CSVN (tức là Quy định số 47 vi phạm các văn bản có hiệu lực cao hơn nó) và quyền công dân của đảng viên mà nguy hiểm hơn ở chỗ nó có ảnh hưởng xấu đến việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang có nhiều nguy cơ lớn như ngày nay.
Mặc dù việc chất vấn của tôi là có tính xây dựng và đúng quy định nhưng TW không trả lời chứng tỏ Đảng CSVN không tôn trọng đảng viên, không tôn trọng Điều lệ do chính mình ban hành.
Với những việc làm sai trái nói trên của TW, tôi thấy rằng mình có quyền tuyên bố như sau:
1. Tôi phản đối Ban chấp hành Trung ương Đảng CSVN và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về 2 việc: Việc thứ nhất là không trả lời thư chất vấn của đảng viên như Điều lệ Đảng CSVN đã quy định; việc thứ hai là đã ban hành Quy định 47-QĐ/TW sai trái làm ảnh hưởng xấu đến việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2. Từ nay trở đi tôi không thực hiện bất cứ điều cấm hay quy định nào sai trái hoặc bất lợi đối với Tổ quốc và nhân dân do Đảng CSVN ban hành mà không cần thiết phải chất vấn trước cho đến khi TW trả lời chất vấn lần này cho tôi một cách thuyết phục.
Tôi khẳng định những việc làm này của mình là nghiêm túc và không vi phạm bất cứ quy định nào hợp pháp và đúng đắn, do đó nếu có hậu quả đến với tôi thì tôi coi đó chỉ là sự trả thù đơn thuần./.
Nha Trang, ngày 01/3/2013
Người phản đối
Hồ Quang Huy, ĐT 09050298..
(Đã gửi và TW đã nhận được ngày 5/3)
___________________________
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
THƯ CHẤT VẤN V/v ban hành Quy định số 47-QĐ/TW trái Hiến pháp và luật
Kính gửi:
- Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam
- Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tôi tên là: Hồ Quang Huy - đảng viên ĐCSVN
Sinh hoạt tại: Chi bộ Nghiệp vụ Công ty Quản lý …
Địa chỉ: ……..tỉnh Khánh Hòa
Số thẻ Đảng:
Số điện thoại: 0905029…
Để bảo vệ uy tín của Đảng, bảo vệ quyền công dân của các đảng viên nhằm mục đích tối thượng là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu đồng thời để bảo vệ Hiến pháp và pháp luật,
Căn cứ điều 3 Điều lệ Đảng gửi thư này lên BCHTW (sau đây gọi là TW) và Tổng bí thư để chất vấn vấn đề sau đây:
Ngày 01/11/2011 TW đã ban hành Quy định số 47-QĐ/TW (sau đây gọi là Quy định 47) về các điều đảng viên không được làm. Văn bản này trích dẫn một số căn cứ để ban hành, trong đó có Hiến pháp và pháp luật đồng thời nói rõ mục đích của quy định này là:
“Để tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng và giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, tính tiên phong gương mẫu của đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng”
Ngay sau khi ban hành đã có dư luận cho rằng một số điều trong quy định này đã vi phạm Hiến pháp và pháp luật. Sau khi tìm hiểu các tài liệu liên quan kết hợp với tham khảo dư luận đa chiều, đa nguồn, tôi thấy rằng những phản ứng trong dư luận là có cơ sở, vì vậy tôi viết thư này gửi TW để chất vấn 4 nội dung như sau:
1. Mục 5 cấm đảng viên: “Cùng người khác tham gia viết, ký tên trong một đơn tố cáo.” (nói tắt là cấm tố cáo tập thể)
Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành số 09/1998/QH10 ngày 02 tháng 12 năm 1998 được sữa đổi năm 2004 và 2005 không cấm tố cáo tập thể. Thậm chí Luật Tố cáo sắp có hiệu lực số 03/2011/QH13 ngày 11 tháng 11 năm 2011 còn hướng dẫn việc tố cáo tập thể như sau (Trích khoản 2 Điều 19):
“2. Trường hợp tố cáo được thực hiện bằng đơn thì trong đơn tố cáo phải ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo; họ, tên, địa chỉ của người tố cáo; nội dung tố cáo. Đơn tố cáo phải do người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo bằng đơn thì trong đơn phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ của từng người tố cáo, có chữ ký hoặc điểm chỉ của những người tố cáo; họ, tên người đại diện cho những người tố cáo để phối hợp khi có yêu cầu của người giải quyết tố cáo..”
Như vậy ký tên tập thể vào đơn tố cáo là quyền công dân. Vấn đề ở chỗ việc tố cáo đó đúng hay sai, nếu việc tố cáo đúng thì sẽ làm cho bộ máy Đảng, Nhà nước trong sạch hơn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Như vậy không thể nói là làm xấu kỷ cương, kỷ luật của Đảng, giảm sức chiến đấu của Đảng… Mọi người đều biết, so với cá nhân tố cáo thì tập thể tố cáo sẽ có tác dụng mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn, chính xác hơn vì tập hợp được trí tuệ nhiều người, tránh được sai sót. Mặt khác người bị tố cáo thường là người có chức, quyền tức là có thế lực nên nếu cá nhân tố cáo rất dễ bị trả thù và nhiều người cùng ký vào một đơn tố cáo cũng là thể hiện ý chí của tập thể. Như vậy cấm tố cáo tập thể làm giảm sức chiến đấu của công dân (đảng viên), làm suy yếu tiếng nói của công luận và vi phạm Luật Tố cáo.
Ngoài ra, chúng ta chưa có biện pháp bảo vệ người tố cáo nên công dân rất ngại tố cáo, nay cấm như thế càng làm cho đảng viên ngại tố cáo hơn, tức làm thui chột tính chiến đấu, tính gương mẫu tiên phong của đảng viên.
Đó là chưa nói tập thể tố cáo cũng thuận lợi hơn cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Trong bối cảnh một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, trong lúc Đảng đang mở đợt đấu tranh mạnh mẽ với tình trạng này mà lại hạn chế sự đấu tranh của đảng viên như vậy thì nhân dân sẽ mất niềm tin vào Đảng và dư luận cũng đã ít nhiều tỏ ra ngờ vực.
2. Mục 6 cấm: “Tổ chức, tham gia các hội trái quy định của pháp luật; biểu tình, tập trung đông người gây mất an ninh, trật tự
- Biểu tình là một hình thức biểu lộ chính kiến, quan điểm, thể hiện nguyện vọng, biểu dương lực lượng của cộng đồng trước một vấn đề, sự kiện. Đây là một hình thức đấu tranh đặc thù, có sức lan tỏa, sức mạnh rất lớn vì vậy rất hiệu quả. Chính vì vậy, người biểu tình là người có trách nhiệm xã hội, có tính chiến đấu cao, là công dân gương mẫu thể hiện tính tiên phong, đạo đức cách mạng. Biểu tình cũng là quyền cơ bản của công dân không thể ban phát hay tước đoạt đồng thời nó cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Ngay Hiến pháp cũng thừa nhận các quyền này.
Việc cấm biểu tình, vô hình chung Đảng đã tước mất vũ khí đấu tranh hữu hiệu của đảng viên, tạo cho đảng viên của mình tính vô cảm trước vận mệnh dân tộc, trước đồng loại. Chúng ta thường nói: “đảng viên đi trước làng nước theo sau”, nay đảng viên đã bị vô hiệu thành vô cảm như thế thì thử hỏi quần chúng sẽ noi gương đảng viên như thế nào? Dư luận cũng đặt vấn đề trong tình hình nước ta đang đứng trước nguy cơ ngoại xâm và lệ thuộc như hiện nay, trong lúc tham nhũng đang là quốc nạn, cán bộ đảng viên suy thoái, quản lý nhà nước yếu kém thì việc cấm này sẽ gây bất lợi cho công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, cũng như công cuộc xây dựng đất nước. Từ vấn đề này dư luận không những nghi ngờ mà còn có những chỉ trích nặng nề đối với Đảng, Nhà nước.
3. Mục 7 cấm: “Đảng viên (…) tự ứng cử, nhận đề cử và đề cử các chức danh của tổ chức Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội (theo quy định phải do tổ chức Đảng giới thiệu) khi chưa được tổ chức Đảng có thẩm quyền cho phép.”
Cách viết như trên làm cho mọi người sẽ dễ nhầm tưởng rằng pháp luật đã quy định muốn ứng cử các chức danh của tổ chức Nhà nước, mặt trận …thì phải do đảng giới thiệu. Tuy nhiên thực tế thì pháp luật không có quy định nào kỳ cục như vậy nên điều cấm này không có ý nghĩa gì. Đây là cách viết này rất mơ hồ, khó hiểu.
Quốc hội là tổ chức Nhà nước, Đại biểu Quốc hội là chức danh, vậy Đại biểu Quốc hội là một chức danh trong tổ chức Nhà nước. Hiến pháp và Luật bầu cử đại biểu Quốc hội đều quy định công dân đủ 21 tuổi đều có quyền ứng cử Đại biểu Quốc hội. Như vậy thì điều cấm này ít nhất cũng vi phạm Hiến pháp và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội.
Đảng viên tự ứng cử, nhận đề cử các chức danh trên đây là thể hiện tinh thần làm chủ đất nước, thể hiện trách nhiệm đối với nhân dân, đất nước, thể hiện tính tiên phong gương mẫu. Một Đảng có các đảng viên ưu tú như thế thì chắc chắn sẽ nâng cao sức chiến đấu, tăng kỷ cương, kỷ luật của Đảng; nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng. Nếu đảng viên tự ứng cử hoặc nhận đề cử vào chức danh đại diện của nhân dân thì phải để nhân dân tự quyết định, tại sao Đảng lại làm công việc sàng lọc dẫn đến hạn chế sự lựa chọn của nhân dân? Khi người dân có nhiều lựa chọn thì sự lựa chọn sẽ chất lượng hơn. Đảng viên tín nhiệm ai thì phải để họ được quyền đề cử người đó, nếu họ không tín nhiệm người do Đảng chọn mà chỉ tín nhiệm người khác thì phải bỏ phiếu như thế nào đây?
Ông Nguyễn Ngọc Đán, người tham mưu ban hành Quy định 47 nói, quy định như vậy là cần thiết nhằm bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng và nguyên tắc Đảng lãnh đạo công tác cán bộ là không thuyết phục. Bởi vì thứ nhất, nguyên tắc tập trung dân chủ có 6 nội dung thì trường hợp này chỉ có thể liên quan đến mấy chữ này của nội dung thứ 4, đó là “…cá nhân phục tùng tổ chức…”. Tức là theo ông Đán thì mục đích của quy định này là để cá nhân phải phục tùng tổ chức, điều này vô lý. Mặt khác, vấn đề đặt ra không phải là đảng viên chấp hành (phục tùng) hay không chấp hành, mà vấn đề là quy định này vi phạm hiến pháp và luật, không hợp lý và không có tác dụng như mục đích đặt ra. Thứ 2, Nếu nói nguyên tắc tập trung dân chủ thì tại nội dung thứ 6 có nói: “Tổ chức Đảng quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình, song không được trái với nguyên tắc, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước…”. Các điều cấm trong thư này đề cập đều trái Hiến pháp và luật. Như vậy thì rỏ ràng mâu thuẫn, nói thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ nhưng thực chất là đi ngược lại với nguyên tắc tập trung dân chủ. Thứ 3, nguyên tắc nào đi nữa thì cũng không được trái hiến pháp, pháp luật, mà đặc biệt phải phù hợp với lợi ích đất nước, dân tộc, nếu không phù hợp thì phải sữa đổi hoặc bải bỏ. Thứ 4, về nguyên tắc Đảng lãnh đạo công tác cán bộ, ông Đán nói: “…cử ai vào cương vị nào đều được bàn trong cấp ủy, trong tổ chức Đảng.” Đúng là có quy định này, nhưng nó bất hợp lý cần bải bỏ. Đơn cử như trên đã nói, đại biểu Quốc hội là đại diện cho dân, vì vậy phải để dân toàn quyền quyết định sao lại phải Đảng cử?
4. Mục 16 cấm: “Tự mình hoặc có hành vi để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột đi du lịch, tham quan, học tập ở trong nước hoặc nước ngoài bằng nguồn tài trợ của tổ chức trong nước hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.”
Việc này chỉ nên cấm đối với đảng viên cao cấp có chức to, có quyền lớn, có nhiều ảnh hưởng trong Đảng, nhà nước, xã hội còn cấm đảng viên thường thì không có tác dụng gì nên điều này chưa họp lý. Mặt khác không nên và không thể vì ngăn ngừa một thiểu số người làm bậy mà cấm toàn bộ đảng viên. Chẳng lẽ, một đảng viên là công nhân nghèo được Hội từ thiện bảo trợ để đi chữa bệnh cũng phải được sự cho phép? Cơ quan có thẩm quyền là cơ quan nào? Ai quy định cơ quan thẩm quyền này? Việc tổ chức, cá nhân tài trợ cho đảng viên đi du lịch, chữa bệnh… là giao dịch dân sự đơn thuần đã được Bộ luật Dân sự bảo vệ (điều 4 và một số điều khác). Như vậy điều cấm này đã vi phạm Bộ luật Dân sự.
Ngoài ra quy định như vậy không hợp lý, không khả thi, vì mỗi cá nhân chỉ có thể và phải chịu trách nhiệm với người trong gia đình mình (người sống chung trong 1 nhà), nhưng ở đây bắt họ chịu trách nhiệm cả với những người thường là khác gia đình như: anh, chị, em. Giũa đảng viên với anh, em chỉ là quan hệ huyết thống mà không thể là quan hệ trách nhiệm. Đó là chưa nói, nếu việc tài trợ nhằm gây ảnh hưởng đến người được tài trợ thì họ chẳng khó khăn gì để che dấu nên thực tế không thể phát hiện.
Đảng là một tổ chức chính trị, một phần của đất nước, xã hội Việt Nam do đó mọi việc làm, hoạt động của Đảng phải theo hiến pháp và pháp luật. Điều 4 Hiến pháp quy định (trích): “Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.”
Điều 9 Điều lệ Đảng cũng quy định (trích): “6. Tổ chức Đảng quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình, song không được trái với nguyên tắc, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và nghị quyết của cấp trên.”
Đối chiếu Quy định 47 với 2 điều trích dẫn trên đây cũng như các phân tích ở trên, cho thấy TW đã làm trái Hiến pháp, luật và cả Điều lệ của chính mình đồng thời các điều quy định này có tác dụng ngược so với mục đích mà Quy định 47 đề ra. Do đó, cho dù bỏ qua tính pháp lý, thì các điều cấm này cũng không phù hợp với một đảng chân chính và đảng viên của nó cũng như gây bất lợi cho dân tộc, đất nước.
Đảng cấm được đảng viên của mình thì các tổ chức khác, các ngành, đơn vị cũng cấm được các thành viên của mình nếu họ cho rằng điều đó là cần thiết. Ngoài ra, cấm được việc này thì cũng có thể cấm được việc khác, như vậy luật pháp không được tôn trọng là việc rất nguy hiểm.
Chúng tôi hiểu rằng, đảng viên khác công dân thường, phải chịu một số ràng buộc, hạn chế nhất định. Tuy nhiên những hạn chế trong Quy định 47 vừa xâm phạm quyền, lợi ích của đảng viên, vừa vi phạm pháp luật, mà đặc biệt là không phù hợp với lợi ích của dân tộc, đất nước.
Vì những lẽ trên, đề nghị TW trả lời cho chúng tôi:
+ Nhận thức, quan điểm trên đây về Quy định 47 đúng sai như thế nào?
+ Mở đầu Quy định 47 có nói căn cứ để ban hành là hiến pháp, luật và Điều lệ Đảng, nhưng lại vi phạm Hiến pháp, 1 bộ luật, 2 luật và cả Điều lệ Đảng. Đề nghị TW giải thích vấn đề này.
+ Chứng minh cụ thể từng nội dung các vấn đề sau:
- Nếu đảng viên vi phạm các điều cấm nói trên sẽ làm giảm kỷ cương, gây mất kỷ luật của Đảng như thế nào?
- Việc cấm như thế sẽ nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng như thế nào?
- Nếu đảng viên vi phạm các điều nói trên thì bị suy giảm phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, tính tiên phong gương mẫu của đảng viên như thế nào?
- Những điều cấm này sẽ đem lại lợi ích nào đối với đất nước, dân tộc?
+ Trường hợp đảng viên được tổ chức nào đó tài trợ đi tham quan, chữa bệnh… thì phải phép xin phép cơ quan nào? Văn bản nào quy định thẩm quyền này?
+ Tại mục 1 cấm đảng viên “Nói, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Đảng;”. Đề nghị TW giải thích phạm vi áp dụng, cụ thể là trong trường hợp nào, không gian nào? Những việc này có áp dụng trong các cuộc họp của các tổ chức, cơ quan Nhà nước không?
+ Nếu TW thấy Quy định 47 có vi phạm Hiến pháp và pháp luật hoặc chưa hợp lý thì hướng khắc phục như thế nào và khi nào khắc phục?
Ngoài các ý kiến trên đây, còn có một số điều khác cũng đang gây phản ứng trong dư luận, đề nghị TW kiểm tra lại toàn bộ để điều chỉnh cho phù hợp.
Nếu nhận thức và quan điểm trên đây về Quy định 47 chưa đúng, đề nghị TW giải thích để giải tỏa nỗi băn khoăn của chúng tôi và khi cần chúng tôi còn giải thích cho người khác.
Trân trọng kính chào!
Khánh Hòa, ngày 23/9/2012
Người làm đơn
Hồ Quang Huy

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"