Giáng Thủy
Mẹ sinh con ra, bằng tình yêu của cha. Con chào đời và thừa kế những di sản của gia đình và dân tộc.
Sinh ra là người Việt Nam, có nghĩa con có mức thu nhập trung bình
1,500 USD/năm, đứng thứ 141, theo bảng xếp hạng của Ngân hàng thế giới.
Con biết những người bạn khác, sinh ra ở Na Uy hay Luxembourg, họ có thu
nhập gần 100,000 USD/năm. Nhưng họ ở tận Bắc Âu xa xôi, vùng đó nhiều
băng tuyết và lạnh lắm. Con thích sống ở vùng nhiệt đới gió mùa, cây cối
xanh tươi quanh năm hơn. Con không buồn đâu, vì con hiểu đất nước mình
còn nghèo, trải qua bao nhiêu năm chiến tranh nên 38 năm rồi hậu quả vẫn
như còn đó. Nếu so với Thái Lan hay Trung Quốc, các bạn cũng chỉ giàu
hơn con có 4 lần thôi, và trên thế giới vẫn còn có nước nghèo hơn mình
mẹ ạ. “Con không chê cha mẹ khó”, nên mẹ đừng lo, con không buồn đâu.
Khi con chào đời, cũng có nghĩa con đã khoác lên mình khoản nợ 826
USD rồi. Như vậy, con chỉ cần nhịn ăn, nhịn mặc nửa năm là có thể giúp
chính phủ trả hết nợ công. Con không buồn đâu, vì để phát triển đất nước
chúng ta phải đầu tư chứ. Đầu tư hiện tại để sinh lời cho tương lai, để
cho những người sinh ra sau con có cuộc sống tốt đẹp hơn. Con biết mẹ
trăn trở với những Vinashine hay Vinalines, và lo tương lai của con chìm
xuống đáy biển. Con không buồn đâu, vì kinh doanh và đầu tư phải có rủi
ro mẹ ạ. Thất bại cũng là cách để mình học, và ai cũng cần phải học để
lên khôn. Con không lo đâu vì các Tổng giám đốc quản lý các doanh nghiệp
nhà nước đều được lựa chọn rất kỹ. Họ đều là những đảng viên tiêu biểu,
họ có tâm huyết và luôn làm đúng quy trình. Giao nguồn lực đất đai, tài
chính, nhân tài của đất nước vào tay họ, con không lo đâu.
Sinh ra là người Việt Nam, nên con được học tiểu học miễn phí trong
trường công lập. Con sẽ ngoan, và lắng nghe chăm chú những lời thầy cô
giảng dậy để biết cái gì là đúng, cái gì là sai, cái gì là đẹp, cái gì
là xấu. Con sẽ học thuộc lòng những áng văn thơ kiệt tác của nhân loại;
những trang lịch sử hào hùng của dân tộc. Bốn nghìn năm dựng nước và giữ
nước, hiên ngang, hào hùng, đâu phải nước nào cũng có. Con hiểu đất
nước mình tươi đẹp, có “rừng vàng biển bạc”, lại ở vị trí địa chính trị
quan trọng, nên có nhiều thế lực thù địch nhòm ngó. Chính vì vậy, con sẽ
cảnh giác, không nghe đài địch, để làm thất bại các cuộc chiến tranh
tâm lý của kẻ thù. Con tỉnh táo lắm, xin mẹ đừng lo.
Trong lớp học, chúng con tự hào vì mình nghĩ giống nhau, hưởng thụ
văn hóa giống nhau, và như vậy sẽ dễ lắng nghe, dễ thống nhất hơn. Sự
giống nhau tưởng như đơn điệu, nhưng thực ra là thế mạnh vì nó tạo ra sự
đoàn kết, nhất trí. Khi có chính sách đưa xuống, chúng con có thể làm
ngay tấp lự, không phải tranh cãi hay phản biện gì. Như vậy có phải công
việc nhanh hơn không? Chúng con đâu có như các bạn ở nước khác, phải tự
phân tích để có những suy luận về xã hội, phải tranh luận về triết học
để có quan điểm về đạo đức, phải học cách làm việc nhóm vì các bạn khác
nhau nhiều quá. Ấy vậy, mà các bạn vẫn không thống nhất được, phải bỏ
phiếu để lựa chọn giải pháp cho nhóm mình. Như vậy có phải tốn thời gian
và nguồn lực không?
Dù mẹ sinh con ra trong gia đình nông dân, hay gia đình trí thức, gia
đình giàu có hay gia đình nghèo khó, mẹ đừng lo cho con, vì con sẽ sống
hết mình. Là nông dân con sẽ chăm chỉ trồng cấy, áp dụng khoa học kỹ
thuật trên mảnh đất của mình, cho xứng với những mồ hôi, nước mắt và cả
máu xương của dòng họ nhà mình đã đổ trên những thửa ruộng. Tuy không
được sở hữu đất đai như những bạn ở nước khác, nhưng con không buồn đâu.
Để công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thì nhà nước phải thu hồi đất đai
giao cho doanh nghiệp thôi. Giao cho họ rồi, thì họ có quyền bán theo
giá thị trường, còn mình thì nhà nước ấn định giá đất thu hồi, đỡ phải
phụ thuộc quy luật cung cầu phức tạp, mẹ ạ.
Là trí thức con sẽ cố gắng làm một người nhuần nhuyễn chủ nghĩa duy
vật biện chứng, áp dụng cho phương pháp nghiên cứu khoa học của mình.
Con sẽ tuyên truyền và diễn giải chính sách để người dân hiểu và thực
hiện theo. Mọi chính sách đều phục vụ cho mục đích “dân giàu, nước mạnh,
xã hội dân chủ, công bằng, và văn minh”. Nếu có khúc mắc gì, chắc do
nhân dân chưa hiểu thôi. Mà dân chưa hiểu, thì trí thức phải đi đầu
trong việc truyền bá, đó không phải là một nhiệm vụ vinh dự sao?
Nếu mẹ sinh con ra trong một gia đình giàu có, con sẽ gắng theo
truyền thống cha ông. Con sẽ đi du học, mang kiến thức mới về phục vụ
đất nước. Mẹ đừng lo con thay đổi, vì học gì mình cũng phải chọn lọc mẹ
ạ. Các khoa học kỹ thuật như máy tính, internet, điện thoại hay Tivi, ô
tô hay xe máy, iphone hay ipad là sản phẩm của nhân loại nên mình du
nhập về sử dụng không sao. Còn những vấn đề tự do, dân chủ, hay nhân
quyền là sản phẩm của phương Tây, vì đặc thù lịch sử, văn hóa và điều
kiện phát triển của đất nước chưa hợp, con sẽ không máy móc mang về đâu.
Sinh ra là người Việt Nam, mẹ ơi con không buồn đâu!