Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

tự xử - Chó ơi là chó

Govapha
Tối hôm qua, ngồi ăn mực nướng với thằng bạn, tranh luận nổ như bắp rang. Vấn đề được đem ra bàn cãi không phải để tranh giành thắng với thua. Riêng tôi, đọng lại duy nhất một cảm xúc, buồn quá xá quà xa. Quan điểm của tôi là, cần xử lý thật nghiêm thật nặng những người trộm chó để ngăn chận bớt tệ nạn này. Một mặt, luật pháp cũng phải nghiêm trị những người đã gây ra cái chết cho những người trộm chó. Pháp luật được tạo ra không phải nhằm mục đích để mọi người “tự do” làm hại nhau, tự xử mạng sống của nhau. Hắn nói với tôi hết nguyên nhân xa tới nguyên nhân gần, chung quy tại chế độ thổ tả ĐCSVN mới khiến người dân đi đến đánh giết lẫn nhau. Trách nhiệm phải ở trên cao. Hắn còn đem trường hợp anh Viết ra làm thí dụ, để chứng minh cho trường hợp đánh chết người trộm chó. Máu đổ vì đất, máu đổ vì chó.

Tôi thở dài liên hồi, sờ râu, sờ miết mà râu cứ cứng đờ. Có chỗ đéo nào gọi là giống? Một bên là sự phản kháng trước bất công bạo quyền, một bên là nạn nhân của tệ nạn trộm cắp. Anh Viết là một người dân (trong tên gọi nhân dân) đối diện trực tiếp với chính quyền qua sự bất công kéo dài từ “chính sách đất đai”. Sự tuyệt vọng lên đến đỉnh điểm, đẩy anh tới bước đường cùng mới khiến anh đi vào con đường sát nhân rồi sau đó tự kết liễu cuộc đời. Nếu không tự tử, anh Viết cũng không thể trốn khỏi lưới pháp luật. Bức xúc vì bị mất con chó có làm cho đám đông, đến nguyên cả làng đi đến tuyệt vọng tận cùng, bị dồn vào đường cùng nên cần đánh chết người rồi sẽ rủ nhau tự tử hết không? Thành thật một chút đi, làm ơn. Anh Viết không thể lôi đầu mấy thằng trong chính quyền vô tù, chứ dân bắt được thằng trộm chó thì cứ giao cho CA tống vô tù, còn được ban tặng bằng khen công dân tốt nữa đấy. Đem đi so với trường hợp anh Viết, hắn chém gió cỡ bậc thầy chứ đùa à! Từ trước tới nay, chuyện mất gà, mất bò, mất chó, mất mèo, mất xe… là chuyện thường ngày ở huyện. Ai mà không rầu về tệ nạn trộm cắp , phơi có cái quần đùi ngoài ban công, chưa kịp khô đã bị móc trộm mất mẹ. Trộm nhỏ tới trộm lớn, cướp ít với cướp nhiều. Không biết ai trộm thì chửi đổng như bà mất gà, bị cướp thì chỉ biết vô đồn CA khai báo hoặc ngậm đắng nuốt cay. Dân trông chờ vào bàn tay luật pháp trừng trị kẻ xấu. Nếu rượt đuổi bắt được kẻ xấu thì giao nộp cho CA, để kẻ xấu đó bị chế tài bởi luật pháp, có gì không đúng hả?
Trong guồng quay của tên gọi tệ nạn xã hội trong đó có nạn trộm cướp xảy ra như cơm bữa. Người bị mất trộm đối diện với nạn trộm, những tên trộm vừa túng vừa liều. Nói theo kiểu thông thường bình dân thì ‘đúng là xui chết mẹ”, xui bị trộm viếng. Nói theo kiểu phản động thì là, đm, tại chế độ này làm dân đói quá nên sinh ra nhiều trộm cướp, ảnh hưởng lên đời sống của những người dân lành. Ấy chà, vậy rủ nhau đánh sụp mẹ chế độ này đi mới đúng. Chứ đánh chết tên trộm làm đéo gì, nó cũng là nạn nhân của chế độ đấy. Dĩ nhiên, bị mất trộm tức lắm, nếu con chó đang làm nhiệm vụ giữ nhà hoặc khi con chó là tài sản duy nhất trong nhà. Chó ở lâu bên người cũng sinh ra tình cảm, hiểu được. Bây giờ chó lại cao giá, có người nuôi để bán, vỗ béo đem bán. Đùng một phát, tiêu tan hết chỉ vì thằng trộm chó. Nỗi niềm hoàn cảnh này cũng hiểu được luôn. Chỉ cần chộp được tên trộm rồi cho nó đi tù, thì đâu nên nỗi. Tôi hồi cha sanh mẹ đẻ đến giờ, lần đầu mới thấy có chuyện đánh chết người chỉ vì con chó. Có tức giận tới đâu thì khi bắt được trộm cứ giao cho CA xử lý, chỉ cần làm tròn bổn phận công dân. Có thể đổ tại vì nghèo đói nên đi trộm, vì nghèo đói mới tím ruột bầm gan khi mất của. Thì thằng trộm vẫn phải đi tù vì đã ăn trộm. Còn người tím ruột bầm gan cũng phải đi tù nếu như đánh chết người. Bởi vì không thể nhân danh nghèo đói để hợp pháp hóa cho hành vi ăn trộm hay hành vi đánh chết người. Đem chó ra làm cái cớ lại càng sai, cho dù cố ra sức chứng minh con chó còn tốt hơn một số người.
Khi bắt được tên trộm, chó cũng lấy lại được. Ấy vậy mà dân không chịu giao CA, chỉ muốn đánh chết kẻ trộm mới chịu. Tại sao? Không thể tin nổi khi cả làng cùng nhận tội đánh chết người trộm chó, luật pháp bó tay vì không thể xử. Hồi tháng Sáu, tôi cũng giật mình thót một cái qua hình ảnh và cái tít trên báo “Hàng ngàn người vây đánh “cẩu tặc”, không cho đi cấp cứu”. Con số này bỏ xa con số người dân đi biểu tình luôn. Đợi đến lúc CA thoát ra được vòng vây của dân, đưa vào viện cấp cứu thì người cũng đã ngủm. Đúng là thách thức vào luật pháp, thách thức vào lương tâm con người. Tình hình trở nên phức tạp rối ren vì số người nhận tội quá đông lên đến con số 800, không thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Thế là không thể xử lý, tạm thời đình chỉ, hay rồi sẽ chìm xuồng? Từ trên xuống dưới, đã phá hủy tất cả ý nghĩa của pháp luật.
Xã hội nào cũng có trộm, có cướp, có kẻ giết người. Cứ bắt bỏ tù hoài mà tội phạm còn hoài, người vô tù người ra tù cứ vậy hoài. Nhưng, đó chính là luật pháp. Chưa kể, trong luật pháp còn có tình người. Khi kẻ xấu bị chế tài bằng luật pháp, có người bị tử hình, người bị chung thân, có án nặng án nhẹ. Có người chỉ cần chịu sự trừng phạt tội lỗi xong là được thả ra, còn có cơ hội để làm lại cuộc đời. Còn những người trộm chó? Đám đông dựa vào đâu khi đánh chết người tại chỗ? Lương tâm con người để đâu? Cả làng đồng lòng cùng nhận tội, mới gọi là biết đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết để bảo vệ cho hành vi sai trái sao? Người dân tôi ơi, không có quyền làm vậy, đừng nên làm vậy.
Tôi hiểu được một điều, nền pháp luật nguy hiểm nhất là được dùng để phục vụ với mục đích bảo vệ chế độ, củng cố quyền lực, sự chuyên quyền, quy tắc của kẻ mạnh dùng để đối phó với dân vì lợi ích riêng, rất dễ dàng dẫn đến một xã hội không ổn định. Sự áp bức, đàn áp, cầm tù, người dân sợ hãi và lòng tin cạn kiệt. Bên cạnh, khi luật pháp trở thành luật rừng, công lý không được thực thi. Hậu quả để lại, chính là sự xem thường luật pháp từ dân. Nhưng, (mỗi lần tôi nhưng với nhị, thằng bạn tôi rất ứa gan). Không có một chế độ nào là tồn tại vĩnh viễn, rồi cũng tới một ngày chúng ta sẽ được nhìn thấy sự thay đổi. Hiện tại, không vì chế độ thối tha tệ hại mà người dân cũng phải thối tha tệ hại theo. Chế độ này có phá nát đất nước rách tả tơi đến đâu, xã hội tang thương thế nào, đều có thể dễ dàng xây dựng lại. Mặc kệ là mười năm hay hai mươi năm. Nhưng (lại nhưng nữa) nếu đánh mất nguyên tắc đạo đức cá nhân, đạo lý làm người trong gia đình, lương tâm tình người ngoài xã hội thì phải mất đến một trăm năm hoặc lâu hơn. Rất nhiều khó khăn trên con đường phục hồi, vun trồng bồi đắp gìn giữ. Tình trạng xấu nhất, không có cơ hội nào. Nếu như phần nhiều người dân ngoảnh mặt quay lưng với nền tảng gốc rễ quý giá duy nhất đó.
Máu đổ vì chó, huhu. Chó ơi là chó!

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"