Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Đâu chỉ chuyện thay tên nước?

Võ Văn Tạo
Theo blog Quê Choa
Chuyện tên nước
Tiếp xúc cử tri Hà Nội ngày 28-9, Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng nói: “Có ý kiến muốn lấy lại tên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhưng tuyệt đại đa số nhân dân vẫn chọn tên nước là Cộng hòa XHCN Việt Nam”. Theo Tổng Bí thư Trọng, giữ tên nước như hiện nay để “phòng bên ngoài, thế lực xấu lợi dụng đổi tên nước để làm việc khác, chứ không phải muốn trở lại với Bác Hồ”(!), và “đây là một bước tiến, vì chúng ta đang đi lên CNXH, chứ không dừng lại ở cách mạng dân tộc dân chủ”, và “chỉ có con đường CNXH mới giải phóng dân ta khỏi ách nô lệ”(?!).
Thật lạ! Chẳng lẽ “vốn liếng tư duy” của một GS-TS từng cầm chịch Hội đồng lý luận quốc gia chỉ sơ sài có vậy.

Những người có tìm hiểu lý luận Mác – Lê Nin đều biết câu kinh điển: “thực tiễn là thước đo chân lý”. Một phần tư thế kỷ trước, người dân (trong đó có không ít lãnh đạo cộng sản) Liên Xô và Đông Âu – “quê hương của Cách mạng Tháng Mười”, “cái nôi, thành trì của phe XHCN” – quá ngán ngẩm cái gọi là “con đường XHCN” (theo tiếng Việt, phải nói là con đường XHCN mới chuẩn, không phải con đường CNXH như cử nhân văn chương Nguyễn Phú Trọng nói) sau nhiều thập niên chịu đựng và trả giá, đã bừng tỉnh và đoạt tuyệt mê lộ này. Hơn nửa thế kỷ bị cưỡng bức theo con đường XHCN, đời sống kinh tế - xã hội ở các quốc gia này bỗng chốc thay đổi 180 độ, thời kỳ đầu không tránh khỏi xáo trộn, khó khăn. Nhưng chỉ có rất ít những kẻ hưởng đặc quyền đặc lợi thời XHCN, hoặc lẩm cẩm, trì trệ, quen dựa dẫm… nuối tiếc cái quá khứ đầy rẫy dối trá và nghẹt thở ấy. Chỉ sau khoảng một thập niên thoát khỏi “vòng kim cô” của điện Cremlin, nhiều quốc gia Đông Âu tiến bộ rõ rệt về đời sống kinh tế - xã hội – chính trị, đủ điều kiện gia nhập Liên minh châu Âu; các đảng cộng sản ở các nước này (ban đầu một số nước cấm hoạt động để tránh bất ổn) hiện nay vẫn teo tóp tồn tại, nhưng chẳng kiếm được mấy lá phiếu qua các kỳ bầu cử dân chủ và minh bạch. Chính việc đảng cộng sản và nhiều đảng đối lập khác vẫn tồn tại và hoạt động công khai cho thấy các quốc gia này về cơ bản mang bản chất dân chủ.
Trừ CNXH kiểu trại lính theo mô hình và ý đồ của Polpot, xã hội bao giờ cũng gồm nhiều giai tầng khác nhau, có quyền lợi và tư tưởng, khát vọng phong phú. Một đảng phái chính trị chỉ đại điện cho một giai tầng nhất định. Vì vậy, làm sao có thể nói có bản chất dân chủ ở một quốc gia với thiết chế chỉ duy nhất một đảng chính trị được hoạt động?
Việc Pháp, Nhật chấm dứt ách cai trị, Mỹ rút khỏi Việt Nam chỉ thuộc phạm trù độc lập hay lệ thuộc, không thuộc phạm trù dân chủ hay độc tài. Theo quan niệm phổ cập của nhân loại, một quốc gia chỉ có thể được coi là dân chủ khi pháp luật quy định và việc thực thi pháp luật luôn đảm bảo các đảng phái chính trị, các tôn giáo, các tổ chức nghiệp đoàn, các hội đoàn nhân dân được tự do thành lập và hoạt động; việc bầu cử và quá trình xây dựng luật pháp cơ bản phản ánh trung thực nguyện vọng của đa số cử tri; tự do báo chí, tự do tư tưởng và ngôn luận được tôn trọng; trong khuổn khổ pháp luật, bộ máy công quyền phục vụ lợi ích và ý chí của các tầng lớp nhân dân, dễ dàng bị dân phế truất nếu hoạt động kém hiệu quả.
Căn cứ các đặc điểm trên, đối chiếu với thực tiễn ở ta, một cách trung thực và thẳng thắn, chỉ có thể nói nền dân chủ như nhân loại quan niệm đang là khát vọng cần vươn tới của Việt Nam. Chưa nói toàn xã hội, ngay trong nội bộ Đảng CSVN, không phải hiện nay không ít lãnh đạo cấp cao vẫn khẳng định tệ mất dân chủ trong đảng là phổ biến đó sao?
Về độc lập dân tộc, từ Hội nghị Thành Đô tháng 9-1990, lãnh đạo Đảng CSVN tự ngả vào vòng tay Bắc Kinh (biện bạch cho chủ trương tệ hại ấy, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và nhiều lãnh đạo Đảng CSVN biện bạch để giữ XHCN), mà theo nhận định của người trong cuộc là Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ là “mở ra một thời kỳ Bắc thuộc mới đầy nguy hiểm”. Mỗi dịp dự kiến nhân sự chủ chốt trước đại hội đảng, Hà Nội đều phải dò ý Bắc Kinh. Sau đại hội, lại tức tốc sang bẩm báo. Chỉ ai thần kinh “có vấn đề” mới nói Việt Nam thật sự có độc lập. Chưa mấy người quên sự kiện Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch – một trong rất ít nhân sự cấp cao của Đảng CSVN có tư duy thực tế, tầm nhìn xa trông rộng và sáng suốt - bị loại khỏi Bộ Chính trị để vừa lòng Bắc Kinh. Lúc ấy, máu đồng bào, chiến sĩ Trường Sa và biên giới phía Bắc chưa khô. Lãnh đạo quốc gia còn chẳng thoát ách nô lệ, nói chi đến dân đen?
Thời Pháp thuộc, chỉ có vài chục nghìn người phải đi lính cho Pháp trong chiến tranh thế giới thứ nhất và tha hương cầu thực. Trong khi đó, từ khi tên nước đổi thành Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1976, theo đường “xuất khẩu lao động” (người dân huỵch toẹt: “vì đô, nên mới phải làm la”), hàng triệu người tha hương cầu thực, hàng triệu người vượt biên, hàng trăm nghìn phụ nữ bôn ba bán mình làm dâu xứ người (ngôn ngữ bất đồng, làm sao có tình yêu?).
Rõ ràng, trước thực tế hiển nhiên ấy mà vẫn nói “chỉ có CNXH mới giải phóng dân ta khỏi ách nô lệ”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quả có biệt tài hài hước!
Đâu chỉ chuyện thay tên nước?
Tên nước có cần gắn với CNXH hay không, là điều phải bàn.
Nhưng vấn đề cốt tử lại không nằm ở đó.
Xét trình độ phát triển và hiệu quả sản xuất, năng suất lao động, thu nhập quốc dân và bình quân đầu người, giảm thiểu khoảng cách giàu nghèo, tạo công bằng qua tái phân phối thu nhập, đảm bảo phúc lợi công cộng và an sinh xã hội, mức độ minh bạch và dân chủ trong đời sống chính trị - xã hội… nhiều quốc gia Bắc Âu rõ ràng mang đậm đặc điểm XHCN (theo lý thuyết Mác - Lê Nin) hơn hẳn Việt Nam bội phần. Nhưng tên nước của họ đâu có gắn với cụm từ XHCN? Thậm chí một số nước còn mang cái tên có vẻ khá “lạc hậu” như “Vương quốc Na Uy”, “Vương quốc Thụy Điển”, “Vương quốc Đan Mạch”… Dám chắc một điều, nếu tổ chức trưng cầu dân ý một cách tự do và trung thực sau khi có tự do ngôn luận, dân ta (tất nhiên, trừ quan chức hủ bại, tham nhũng) chắc chắn sẽ chọn con đường các nước Bắc Âu đã và đang đi.
Lại nữa, nghèo đói lạc hậu, nghẹt thở dưới ách tập đoàn quân phiệt suốt nhiều thập niên, Miến Điện lúc nào chẳng kè kè kèm cụm từ XHCN trong tên nước đó sao?
Đất nước tiến nhanh hay chậm, ngoài nhận thức và thái độ của nhân dân, tư duy chính trị của giới cầm quyền có ảnh hưởng rất lớn. Theo cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu – một chính khách luôn thiện chí với Việt Nam - , “Việt Nam đang bị nhốt trong ý thức hệ XHCN”. Cái ý thức hệ XHCN mà ông Lý Quang Diệu nói ở đây là cái vòng kim cô đang thắt trên đầu nhiều lãnh đạo Đảng CSVN, bóp nghẹt mọi tư duy sáng tạo. Theo đó, để duy trì thể chế XHCN, Việt Nam phải giữ độc quyền lãnh đạo của Đảng CS bằng mọi giá, kiên quyết không chấp nhận đa nguyên, đa đảng, không chấp nhận tự do tư tưởng. Hậu quả là triệt tiêu nhiều nguồn lực tư duy xã hội lẽ ra có thể đóng góp tích cực cho đất nước. Không có đối thủ chính trị, không cần phải cạnh tranh, Đảng CSVN không có nhu cầu tìm người xuất chúng cho vai trò thủ lĩnh. Theo quy luật tâm lý, lãnh đạo kém cỏi, tham nhũng chẳng dung nạp người dưới quyền giỏi giang, trong sạch. Không một ai trong lãnh đạo Đảng CSVN phủ nhận tình trạng tiêu cực, tham nhũng, quan liêu, vô cảm, vô trách nhiệm tệ hại đã thành quốc nạn trong giới đảng viên chức quyền. Nhưng Đảng CSVN lại khăng khăng không chấp nhận tam quyền phân lập để có thể giám sát, chế ước quyền lực nhằm hạn chế tham nhũng, tiêu cực. Một số vị trông mong ở phê bình và tự phê bình có thể cứu đảng, khác nào hy vọng con người ta có thể tự túm tóc mà nhấc mình khỏi bùn lầy? “Chiến dịch” phê và tự phê, lấy phiếu tín nhiệm trong lãnh đạo vừa qua đang biến thành những câu chuyện tiếu lâm khôi hài trong nhân dân. Báo chí, ngôn luận chỉ được phép một chiều tụng ca đảng, tô hồng chế độ, Đảng CSVN làm sao thấy được vết nhọ trên mặt? Thông tin bị bưng bít, kiểm soát, định hướng khắc nghiệt, không chỉ nhân dân mà ngay chính lãnh đạo Đảng CSVN cũng khó biết được sự thật mọi vấn đề. Sự thật đôi khi là liều thuốc đắng. Nhưng dân ta từ lâu đã chẳng sáng suốt đúc kết: “thuốc đắng dã tật” đó sao?
Bao giờ thoát vòng kim cô?
Nghiền ngẫm lịch sử hình thành và sụp đổ của hệ thống phe XHCN trên quy mô toàn cầu, người viết bài này cho rằng, chính tư duy sai lầm và xơ cứng về CNXH của lãnh đạo các đảng cầm quyền là nguyên nhân cơ bản, chứ chẳng phải thế lực thù địch trong ngoài nào gây ra. Suy ngẫm đó cũng phù hợp với triết học (trong đó có triết học Mác – Lê Nin) khi quả quyết rằng bản thân sự vật tự thân vận động là chính, là cơ bản; yếu tố khách quan bên ngoài, có chăng, chỉ là xúc tác.
Muốn phát triển kinh tế, phải tuyệt đối tuân thủ các quy luật kinh tế, chớ có “thêm nếm” “gia vị” quan điểm chính trị, xã hội… như món “kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Chỉ khi kinh tế thật sự giải phóng được mọi nguồn lực, vận hành đúng quy luật, cho hiệu quả tốt, mới có tiền đề để thực hiện các mục tiêu chính trị - xã hội tốt đẹp như công bằng và an sinh xã hội. Bản chất chế độ tốt đẹp hay không, chính là đây.
Thời chống Mỹ, người Việt Nam không mấy ai không biết câu nói nổi tiếng của Fidel Castro: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Thế nhưng giờ đây, dù biết là Cuba đang khó khăn thiếu đói lương thực lắm đấy, nhưng thi thoảng Việt Nam cũng chỉ giúp được mỗi bận dăm ba nghìn tấn gạo. Có thấm tháp là bao so với viện trợ không hoàn lại của các quốc gia giàu mạnh và các định chế tài chính quốc tế (thành viên chủ yếu là các nước phi XHCN) cho quốc gia “thù nghịch” Việt Nam? Nếu Việt Nam cũng giàu mạnh như Mỹ, Nhật, Đức… hay chí ít cũng như Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan… có lẽ chẳng muối mặt giúp Cuba chỉ “tượng trưng” có vậy. Chính phủ Việt Nam cũng muốn người dân vùng sâu, vùng xa sớm có đời sống khấm khá, mọi trẻ em đủ cơm ăn, áo mặc và được đến trường. Nhưng kinh tế bết bát, tham nhũng, lãng phí tràn lan, tiền đâu?
Một khi cứ khư khư kinh tế nhà nước (cha chung chẳng ai khóc) là chủ đạo, làm sao kinh tế tránh khỏi bết bát? Những Vinashin, Vinalines… “ăn hại đái nát, phá gia chi tử”, chẳng lẽ chưa đủ sáng mắt?
Một khi cứ khư khư độc quyền cai trị hà khắc, trấn áp nghiệt ngã tự do và nhân quyền, làm sao tháo ngòi nổ bức xúc xã hội? Tất cả những chủ trương, biện pháp phản khoa học ấy đều từng được Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu khác vận dụng, thậm chí một số nước như CHDC Đức, Rumani, Liên Xô… còn “bàn tay sắt” chẳng kém Việt Nam, nhưng kết cục thế nào thì mọi người đều biết.
Người viết bài này đã từng đề cập trong bài “Bức tranh CNXH giàu sinh lực của ông Trần Hữu Phước”, nêu rõ tư duy sai lầm về CNXH theo khuôn mẫu của điện Cremlin tại Đại hội 81 đảng cộng sản và công nhân thế giới (Matxcova – 1960). Theo đó, một quốc gia chỉ được coi là mang bản chất XHCN khi có các đặc trưng cơ bản: do đảng cộng sản (hoặc dưới các tên khác, nhưng đều lấy chủ nghĩa Mác – Lê Nin làm hệ tư tưởng thống soái) cầm quyền; mọi công cụ và tư liệu sản xuất chủ yếu thuộc sở hữu nhà nước; xóa bỏ giai cấp bóc lột (chủ thuê lao động), xã hội chỉ tồn tại giai hai cấp công nhân và nông dân; tổ chức và điều hành nền kinh tế theo phương thức chỉ huy, kế hoạch hóa, tập trung; làm theo năng lực, hưởng theo lao động; không có sự đối lập, khác biệt giữa thành thị với nông thôn, giữa lao động chân tay với lao động trí óc.
Hơn nửa thế kỷ đã qua, thế giới trải bao biến động kinh thiên động địa, hệ thống phe XHCN đã sụp đổ hoàn toàn gần ¼ thế kỷ, nhưng có vẻ như không ít lãnh đạo cấp cao của Đảng CSVN vẫn còn mắc kẹt trong cái tư duy cũ kỹ và sai lầm ấy, giam hãm đất nước trong vòng tụt hậu, độc đoán.
Chẳng lẽ chỉ khi bị thực tiễn câu thúc, dồn sát bờ vực thẳm như trước Đại hội VI -1986, hoặc bức xúc xã hội bùng phát như Liên Xô và Đông Âu hồi thập niên 1980, họa chăng các lãnh đạo thủ cựu trong Đảng CSVN mới tỉnh cơn mê?
V.V.T.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"