Nguyễn Mộng Hoài
Theo blog Quê Choa
Mới đây, theo quyết định của Bộ Chính trị, ông Nguyễn Phú Trong,
TBT BCH trung ương Đảng được làm Trưởng Ban Ban chỉ đạo Tổng kết 30 năm
thực hiện công cuộc "đổi mới" 1986 - 2016. Việc này là nên làm và làm
cho thật tốt để rồi từ đó nhân dân Việt Nam hi vọng có nhiều "đổi mới"
cơ bản đưa đất nước tiến lên bằng chị bằng em trên thế giới cũng là để
đời sống nhân dân, kể cả đồng bào thiểu số ở Việt Nam có đời sống ngang
tầm với các nước khá giả trong khu vực, tiến tới bằng các nước giầu có
trên thế giới. Được như vậy, quả thật đáng mừng.
Bác Hồ khi còn sống đã từng dạy đại ý: làm việc gì cũng cần phải có
sơ kết tổng kết, từ đó rút ra những bài học thành công và chưa thành
công, rút ra những kinh nghiệm cần thiết để thúc đẩy mọi mặt công tác
ngày một tốt hơn, hiệu quả hơn. Nếu tính từ các đơn vị "vi mô" trở lên
đến "vĩ mô" thì hằng năm, đất nước ta diễn ra hàng chục vạn cuộc họp sơ
kết và tổng kết. Nhờ đó mà ta có được nhiều kinh nghiệm xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc.
Lần này Bộ Chính trị lại có quyết định tiến hành tổng kết trong cả
nước 30 năm "đổi mới", do đích thân Tổng Bí thư của Đảng làm Trưởng Ban
chỉ đạo Tổng kết. Rất hay. Ý tưởng rất hay. Sau cuộc tổng kết này chắc
chắn đất nước lại được đổi mới mạnh mẽ và mang lại nhiều thành công hơn
cả ba mươi năm qua, có khi có những thành công đột phá, tạo đà cho tăng
trưởng về mọi mặt. Ôi dân rất mừng. Những Tổng kết không phải chỉ là để
tổng kết, không phải là "cờ rong trống mở" chi tiêu tốn kém, cuối cùng
chỉ là "hoan hô thành tích" mọi người, mọi việc đều vui vẻ cả, rồi cuối
cùng mọi việc lại đâu đóng đấy thì...dân biết hi vọng vào đâu ?
Đúng là năm 1986, sau Đại hội VI của Đảng, đất nước chuyển động khá
rầm rộ (trong sự dè dặt cần thiết) sang "đổi mới" Tuy nhiên, việc chỉ
đạo thực hiện "đổi mới" cũng được "vừa làm vừa nghe ngóng" xem có quá đà
hoặc trật đường ray của "chủ nghĩa Mac-Lê-nin" không. Cho nên, tôi cho
sự dè dặt là cần thiết, nhưng xem ra lại hơi dè dặt quá đáng thành ra có
nhiều thứ chỉ "đổi mới nửa với" hoặc "đổi mới chút ít". Tiệp sau Đại
hội sấu, các Đại hội 7, 8,9.10.11, đại hội nào cũng có nhắc đến đổi mới,
và trong thực tế cuộc sống, chính nhờ "đổi mới" đất nước đang được vận
hành không đúng với mong mỏi của toàn dân, vẫn có những điều dân muốn
nói ra, nhưng không nói được vì sợ nói không ai nghe và có khi lại mang
vạ vào thân !
Vì sao, phải "đổi mới" ? Như tinh thần Nghị quyết Đại hội VI đã chỉ
rõ, vì sau 30 năm kháng chiến đánh thắng hai đế quốc to và chiến tranh
bảo vệ biên giới phía bắc và phía tây-nam, cả nước đi vào công cuộc cải
tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong cuộc sống của đất nước, của nhân
dân đặt ra nhiều vấn đề nếu không được thay đổi, hoặc nói như nghị
quyết nếu không được "đổi mới" thì sẽ có nguy cơ, hình như trong tổng
kết chỉ ra 4 nguy cơ thì phải, trong đó có nguy cơ "lạc hậu, trì trệ,
thậm chí kìm hãm về kinh tế".
Rút kinh nghiệm ở miến Bắc, sau kháng chiến chông Pháp, từ năm 1955,
chúng ta tiến hành "cuộc cách mạng ruộng đất" thực hiện cương lĩnh
"người cày có ruộng" Nghị quyết 8 trung ương (khóa 2) kịp thời và mạnh
dạn chỉ ra những "sai lầm nghiêm trọng" của cải cách ruộng đất đồng thời
đề ra chính sách sửa sai. Cuộc sửa sai độc đáo ấy đã nhanh chóng lấy
lại sự ổn định xã hội, làm nguội đi "sự tức giận vì oan ức", nhất là đối
với các đối tượng bị sai lầm của cải cách ruộng đất, của cải tạo kinh
tế tư bản tư doanh, của quản lý nhân hộ khẩu thành phố và của cả cuộc
"đại trấn áp" nhóm "Nhân Văn Giai Phẩm". Sau khi phát hiện những sai lầm
nghiêm trọng của CCRĐ, chính Bác Hồ kinh yêu, lúc đó vừa làm Chủ tịch
Đảng vừa làm Chủ tịch nước đã phải "vừa lấy khăn lau nước mắt, vừa tuyên
bố nhận sai lầm trong lãnh đạo CCRĐ để đưa đến những sai lầm nghiêm
trọng. Tổng Bí thư BCH trung ương Đảng Trường Chinh (Đặng Xuân Khu)
tuyên bố từ chức và chịu trách nhiệm về những sai làm nghiêm trọng của
CCRĐ. Như thế là có một thái độ "thực sự cầu thị" vì lợi ích tối cao của
dân tộc.
Nhưng tiếc rằng, chỉ sau một năm tiến hành sửa sai CCRĐ, chúng ta
định "đốt cháy giai đoạn" tiến hành ngay công cuộc "hợp tác hóa nông
nghiệp" tại miền Bắc, toàn bộ ruộng đất, công cụ sản xuất của nông dân
vừa mới giành lại được từ tay bọn địa chủ, phong kiến nay được đưa vào
"tập thể hóa" tức là một hình thức "công hữu hóa" để rôi đúng ba mươi
năm "làm ăn tập thể" tý nữa thì đưa toàn bộ giai cấp nông dân miền Bắc
vào bước đường cùng. Tổng kết phong trào hợp tác hóa, ta nói rằng "nhờ
có phong trào hợp tác hóa nông nghiệp chúng ta mới có điều kiện huy động
sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến tiến hành cuộc kháng chiến
chống Mỹ cứu nước 20 năm". Đó là cách nói bấy giờ, vì chúng ta đang tiến
theo con đường xã hội chủ nghĩa ảnh hưởng của cả Trung Quốc lẫn của
Liên Xô, mà quên rằng, trong lịch sử hàng nghìn năm phát triển đất nước,
hễ có giặc ngoại xâm xâm lược nước ta thì Bà Vua, ông Vua nào cũng có
thể huy động ngay lập tức lực lượng nhân dân chống xâm lược.
Thời kỳ khởi nghĩa Hai Bà Trưng chắc chắn chưa có Đảng, chưa có hợp
tác hóa nông nghiệp, thời kỳ chống xâm lược Nguyên Mông cũng vậy, cho
đến 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân xâm lược Pháp, chúng ta
chưa tiến hành cuộc cách mạng ruộng đất và chưa có phong trào hợp tác
hóa, chúng ta vẫn mời được nhiều nhân sĩ trí thức lớn ở nước ngoài và
huy động đông đảo thanh niên miền Bắc thực hiện cuộc "Nam tiến" rầm rộ
chưa từng có và tiến hành 9 năm kháng chiến dẫn đến thắng lợi vĩ đại
Điện Biên Phủ. Còn 20 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sẵn có truyền
thống chống ngoại xâm, hai miền Nam Bắc vẫn sát cánh chiến đấu. Yếu tố
hợp tác hóa nông nghiệp ở miền Bắc tạo điều kiện cho huy động sức người
sức của cho cuộc chiến đấu này chỉ là một yếu tố trong tổng kết nhấn
mạnh mà thôi. Nhưng, lợi bất cập hại, chúng ta quá nhiều "tả khuynh", mơ
hồ về chủ nghĩa xã hội, quá tin tưởng vào mấy "ông anh đi trước" nên
mới thế.
Đầu những năm 1960, hiện tương "khoán hộ Kim Ngọc Vĩnh Phúc" đã góp
phần tháo gỡ trì trệ trong hợp tác hóa nông nghiệp, song chúng ta phản
đối và ông Kim Ngọc phải mang nỗi oan xuống tuyền đài. Sau đất nước
thống nhất vào 30-4-1975, chúng ta cũng định và đã có làm nhưng với mức
độ khác miền Bắc thập kỷ 1950, việc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư
doanh và phong trào hợp tác hóa nông nghiệp ở miền Nam, mới chỉ bắt đầu
làm nhưng đã bộc lộ những phản ứng gay gắt của đồng bào, trong đó có
nông dân miền Nam. Hơn 10 năm 1975 - 1985, tình hình kinh tế chính trị
xã hội miền Nam có nhiều khó khăn. Vựa lúa của đồng bằng Nam Bộ cứ bị
teo dần. Thiếu ăn trong cả nước. Nông dân miền Bắc là những người sản
xuất ra lương thực thực phẩm những lại là những người bị nhịn đói đầu
tiên. Ta còn nhớ, một thời, ông Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thanh Nghị
chuyên "vác rá" đi vay lương thực về cứu đói dân ta. Còn nhiều, còn
nhiều nữa, các mặt khác của xã hội, nếu không được đổi mới thì chưa biết
sẽ đi đến đâu !
Vì thế, mới có công cuộc đổi mới. Đổi mới năm 1986 là công lao của
toàn đảng, toàn dân, có cả công lao của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt
như nguyên Tổng Bí thư Trường Chinh chẳng hạn. Chính đồng chí Trường
Chinh là một trong những người soạn thảo văn kiện Đại hội VI được các
đồng chí trong Bộ Chính trị và trung ương nghiêm túc xem xét và thông
qua. Người lĩnh trách nhiệm nổi bật mà tập thể giao cho chính là đồng
chí Nguyễn Văn Linh, lúc đó đang là Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí
Minh. Nghị quyết Đại hội VI mở ra một thời kỳ đổi mới, những mấy đại hội
tiếp sau mới hoàn chỉnh và đổi mới toàn diện hơn, bớt đi những cái "dè
dặt, cân nhắc" trước đó. Nhưng sau ba mươi năm đổi mới hoàn toàn được
tiến hành trong khung cảnh đất nước có hòa bình thống nhất và ý chí của
Đảng tương đối được đồng thuận, nhân dân hưởng ứng rất nhiệt tình.
Nhưng trong ba mươi năm ấy, chúng ta đã làm được gì có tính chất cách
mạng cho mọi mặt của đất nước, thì xem ra vẫn còn những vấn đề nổi cộm.
Trong đó phải nói rằng, chính sự kiên trì đi theo "chủ nghĩa xã hội"
trong khi "chủ nghĩa xã hội thế giới sụp đổ hàng loạt" mà chúng ta vẫn
chưa thấy được vì sao, đó là một thiệt thòi lớn, dẫn đến nhiều vẫn đề do
hoàn cảnh hòa bình, hoàn cảnh tác động tiêu cực, làm suy thoái "một bộ
phận không nhỏ" của đội ngũ đảng lãnh đạo, gây nên sự "xói mòn" lòng
tin, có nguy cơ đến tồn vong của chế độ và dĩ nhiên là đến cả sự tồn
vong của Đảng nữa. Điều này, trong tổng kết 30 năm đổi mới rất cần được
mổ xẻ kỹ càng, chân thực, dũng cảm để có những đánh giá đúng, và rút ra
những bài học đích đáng.
Vì sao, vẫn là sự lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của Đảng mà đất
nước đang tiến triển một cách ậm ạch, nhiều tiêu cực xã hội làm nhức
nhối mọi người, vì sao gần bốn triệu đảng viên của Đảng, và cả hệ thống
chính trị chính quyền đang lãnh đạo và điều hành đất nước mà làm sao lại
có nhiều vấn đề nhức nhối đến như vậy ? Kinh tê thì suy thoái. Quốc
doanh thì trì trệ không phát triển, thậm chí còn làm thất thoát phần lớn
ngân sách nhà nước. Như ông Tổng Bí thư đương chức Nguyễn Phú Trọng đã
từng nói "sờ đến đâu thấy có tiêu cực đến đấy" hoặc như ông Chủ tịch
nước đương nhiệm đã khẳng định : "từ một vài con sâu nay có đến cả một
bầy sâu (tham nhũng, suy thoái)", tại sao lại sinh ra "nhóm lợi ích",
tại sạo lại có "nợ xấu" đến nặng nề như vậy? Xây dựng dân giầu nước mạnh
là một chủ trương đúng, nhưng trong thực tế lại không đúng, chỉ tạo
thời cơ cho hình thành một tầng lớp giầu và siêu giầu, còn dân thì vẫn
nhì nhằng không hơn trước đổi mới là mấy. Thành tựu không phải là không
có, nhưng ậm ạch quá. Người ta có 40 năm xây dựng đất nước trong hòa
bình, người ta không đi theo chủ nghĩa xã hội, người ta giầu lên rất
nhanh. Nhật, Hàn quốc, Thái Lan, Xin-ga-po gần ta hiện là những tấm
gương mà ta cần phải học tập.
30 năm đổi mới được cũng không phải là ít, nhưng tồn tại và khuyết
điểm cũng còn nhiều, thậm chí còn có nhiều lực cản bước tiến của đất
nước của nhân dân. Muốn tổng kết thế nào thì tổng kết cũng phải chỉ ra
cho bằng được các chủ thể chịu trách nhiệm chính về tình hình đất nước
hiện nay. Nếu còn nói là Đảng lãnh đạo thì chính người lãnh đạo lại cần
phải thấy rõ ưu điểm, khuyết điểm và sự yếu kém của mình. Đó là trọng
trách, chứ không thể đổ tại khách quan được. Dân ta sau nhiều năm chiến
đấu bảo vệ tổ quốc hi sinh rất nhiều, thiếu thốn rất nặng nề, nay chỉ
muốn có được một đời sông dễ thở hơn, không bị một ai đè nén áp bức, có
công ăn việc làm tại trong nước không phải có một bộ phận đi làm cu ly
cho nước ngoài và làm điếm xứ người, hoặc chờ được lấy chồng người nước
ngoài.
Có một triết lý cụ thể rằng, cây đèn nào cũng tỏa sáng, nhưng dưới
chân đèn thì "ánh sáng không có được". Cho nên, là người dân, chúng tôi
mong sau tổng kết này dân được "dễ thở " hơn, đất nước có cơ hội tiến
triển hơn, xóa bỏ được "nhóm lợi ích", "tệ tham nhũng", tệ quan liêu và
rất nhiều tệ nạn khác, nhân dân được thực sự làm chủ đất nước mình,
không còn bị ức hiếp, không còn tệ mua quan bán chức, nói dối như cuội
nữa, xã hội không còn sự dối trá lừa lọc đáng sợ nữa, đêm nằm ngủ không
cần phải đóng cổng nhà nữa...