Alan Phan
JANUARY 11, 2013
( Một bài cũ của Alan Phan)
Một lập luận tôi nghe khá thường xuyên trong những lúc trà dư tửu hậu gần đây. Đó là tình hình suy thoái, nguy hiểm của chúng ta chứa nhiều “cơ hội tiềm năng” cho những doanh nghiệp biết nắm bắt và thích ứng. Thậm chí, một vài chuyên gia còn viết bài về “cơ may” của Việt Nam trong cơn khủng hoảng này.
Ai cũng đều đưa ra một minh chứng là từ ngàn xưa, chữ Trung Quốc đã ghi rõ “cơ” nằm giữa “nguy”. Những đầu óc đình đám nhất của chúng ta luôn giả định là các tổ tiên Tàu đã nói thế thì đây là chân lý rồi. Phận con cái phải nghe theo thôi. Thậm chí, một đại học giả còn nhắc chúng ta phải mang ơn mẫu quốc về cơm áo cũng như văn hóa đến đời đời con cháu sau này.
Ai cũng công nhận đi tìm “cơ” giữa “nguy” là một thái độ tich cực và sáng tạo. Hành động thể hiện một tư duy dựa trên niềm tin của tuổi trẻ, bất chấp những thất vọng của tình thế.
Tuy nhiên, khi sự lạc quan trở nên mù lòa và mất đi logic hay khoa học, “cơ” trong “nguy” trở thành một trò tuyên truyền dựng lên bởi các chánh trị gia để đa số người dân quên đi một thực tế khá bẽ bàng. Không có “cơ” nào cho một nền kinh tế mà phí quản lý cao hơn 42% GDP (mỗi đơn vị phải chi ra 42 xu mỗi đồng cho giá thành, chưa tính đến cac phí tổn sản xuất hay tài chánh khác). Không có “cơ” nào cho một hệ thống tài chánh mà 63% đầu tư chạy vào bong bong bất động sản và nguy cơ nợ xấu có thể vượt qua 38% GDP. Không có “cơ” nào cho một cơ chế mà 68% đầu tư bị các doanh nghiệp nhà nước chiếm lĩnh theo lối kinh doanh OPM.
Bao giờ thì chúng ta hiểu ra rằng “cơ” đã đi mất từ lâu. Chỉ còn “nguy” và “nguy”.