Nguyễn Trung
IV – Trung Quốc trở thành vấn đề của cả thế giới
Trong vòng hơn một thập kỷ nay, nhất là từ khi vứt bỏ khẩu hiệu “trỗi
dạy hòa bình”, Trung Quốc trong lời nói cũng như hành động, ngày càng
biểu lộ công khai khát vọng siêu cường của mình. Cũng trong khoảng thời
gian này, trên thế giới, nhất là ở Mỹ, ngày càng nhiều công trình nghiên
cứu, sách báo… cảnh báo thế giới những vấn đề siêu cường đang lên Trung
Quốc đang đặt ra cho cả thế giới[18].
Về kinh tế
So với khi tiến hành cải cách năm 1978, kinh tế Trung Quốc hiện nay
tăng khoảng 30 - 35 lần (về quy mô GDP). Hãy hình dung về tốc độ: Năm
1990 kinh tế TQ đạt GDP tính theo đầu người là 350 USD; năm 2000 là 1000
USD p.c.; năm 2009 là 3000 USD p.c. (đây là GDP p.c. danh nghĩa, tính
theo thời giá, không phải tính theo sức mua PPP)... Năm 2020 dự kiến GDP
p.c. sẽ đạt 8500 USD; năm 2030 dự kiến 20.000 USD p.c. Tập đoàn Goldman
Sachs dự báo GDP kinh tế TQ sẽ vượt Mỹ năm 2041. Hiện nay Trung Quốc có
khoảng 1500 tỷ USD dự trữ ngoại tệ và là chủ nợ của hầu hết các nước Mỹ
và Tây Âu (Trung Quốc nắm giữ 1250 tỷ USD trái phiếu Mỹ)…[19] Theo IMF,
GDP p.c. nominal của Trung Quốc năm 2012 là 6000 USD (trong khi đó của
Mỹ là 49.000 USD, của Thái Lan là 5678 USD, của Việt Nam là 1578 USD),
vân vân...
Trước hết xin đánh giá khái quát: Năm 1978 quy mô kinh tế Trung Quốc
chỉ bằng Hà-lan lúc đó. Ngày nay (nghĩa là trong vòng 35 năm) Trung Quốc
trở thành cường quốc kinh tế thứ 2 trên thế giới.
Cụ thể là: Năm 1980 GDP của Trung Quốc là 200 tỷ USD, xuất khẩu đạt
18 tỷ USD, năm 2012 GDP đạt 7000 tỷ USD và xuất khẩu đạt 1200 tỷ USD (số
tròn). Đây là hiện tượng chưa từng có trên thế giới.
Về nguyên nhân thành công, nói ngắn gọn là:
(a) thắng lợi của cải cách chuyển sang thể chế kinh tế thị trường,
(b) tận dụng tối đa lợi thế quy mô kinh tế (economics of scales) của
địa kinh tế và địa chính trị Trung Quốc – trong đó có lợi thế quy mô dân
số, quy mô thị trường…
(c) khai thác triệt để quá trình toàn cầu hóa của kinh tế thế giới đi
vào thời kỳ rất năng động sau khi chiến tranh lạnh kết thúc,
(d) động lực Đại Hán với khát vọng lấy lai 5 thế kỷ bị đánh mất được
khai thác triệt để gần như đồng nghĩa với khát vọng dân tộc, giấc mơ
Trung Quốc..,
(e) tầm nhìn rộng, sự tài giỏi, ý chí quyết liệt và nhất quán vươn lên siêu cường của lãnh đạo Trung Quốc.
Nhìn theo những giá trị và những tiêu chí kinh điển của chủ nghĩa xã hội (như vẫn được giảng dậy và tuyên truyền
về chủ nghĩa Mác – Lênin, nhất là những tiêu chí liên quan đến công
bằng, tự do dân chủ, nhân văn, bảo vệ môi trường, phúc lợi xã hội…),
không thể coi sự phát triển của Trung Quốc là thành tựu của chủ nghĩa xã
hội. Cũng theo nghĩa kinh điển này, không thể coi nền kinh tế Trung
Quốc là nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Học giả Trung Quốc Minxin Pei –
được tạp chí “Prospect” của Anh xếp hạng là một trong 100 trí thức nổi
tiếng, đánh giá chế độ chính trị Trung Quốc: “Hệ thống của Trung
Quốc hiện nay là một cơ chế cho thuê – phân phối khổng lồ. Các tầng lớp
cầm quyền đã học cách sống cùng nhau không phải bằng sự chia sẻ niềm
tin, các giá trị, hoặc các quy định, nhưng bằng cách chia nhau chiến lợi
phẩm của phát triển kinh tế.”[20]
Bên cạnh những mất cân đối vỹ mô ngày càng gia tăng trong kinh tế
(bao gồm cả những vấn đề liên quan đến dân số), một loạt các vấn đề nóng
bỏng trong nội trị Trung Quốc cũng tăng theo sự phát triển của Trung
Quốc: (1) chênh lệch giầu nghèo rất lớn, bất công xã hội gay gắt[21];
(2) tham nhũng và tội phạm xã hội trầm trọng làm cho xung đột xã hội
ngày càng khó kiểm soát, (3) ô nhiễm môi trường nặng nề, (4) đàn áp các
sắc tộc (tại các vùng Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông…), (5) chế độ toàn
trị tước đoạt gắt gao các quyền tự do dân chủ của dân - đấy là những vấn
đề tồn tại lớn của Trung Quốc… Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn có thể duy
trì đà tăng trưởng hiện nay trong thập kỷ tới.
Bản thân lãnh đạo Trung Quốc đưa ra lý thuyết chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc
để lý giải và biện minh cho sự phát triển không bình thường và gần như
bằng bất kỳ giá nào của Trung Quốc. Nếu phải diễn tả bản chất sự phát
triển đang diễn ra của Trung Quốc dưới một tên gọi, có lẽ đấy là: chủ nghĩa tư bản của chế độ toàn trị một đảng đặc sắc Trung Quốc.
Từ hàng chục năm nay trên thế giới có không biết bao nhiêu cảnh báo
và dự đoán về nguy cơ sụp đổ của nền kinh tế quá nóng của Trung Quốc.
Những cảnh báo và dự đoán này đưa ra rất nhiều chứng cứ và số liệu
thuyết phục, song điều dự báo vẫn chưa xảy ra, vì bản thân Trung Quốc là
một thế giới cho chính nó, sẽ bàn tới dưới đây. Dẫn chứng là một thập
kỷ nay, kinh tế thế giới đi vào khủng hoảng sâu sắc có tính cơ cấu, tác
động khốn khổ đến hầu hết mọi nước, Trung Quốc cũng không được miễn trừ.
Tuy nhiên, suốt thập kỷ vừa qua và hiện tại kinh tế Trung Quốc vẫn có
tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong hàng ngũ các cường quốc kinh
tế. Trung Quốc hiện nay vẫn giữ được GDP tăng khoảng 7 – 8% p.a. (trong
khi các cường quốc kinh tế thường là 1 – 2%). Trong một hai thập kỷ tới
tăng trưởng GDP của Trung Quốc được dự báo là 5 hoặc 6% p.a. (vẫn có một
số dự báo là từ 7 – 8%), điều mà các nền kinh tế Mỹ và phương Tây không
thể làm được.
Có 3 nguyên nhân chính khiến cho hiện tượng Trung Quốc còn có thể kéo dài một vài thập kỷ tới, đó là:
(1) dư địa cho phát triển của lợi thế quy mô kinh tế (economics of scales) của Trung Quốc còn khá lớn, bản thân Trung Quốc là một thế giới cho chính mình;
(2) Trung Quốc còn có thể tiếp tục khai thác, tận dụng tốt quá trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới đang diễn ra;
(3) vì là một thế giới cho chính mình, nên Trung Quốc có khả năng lớn
vận dụng phương thức hy sinh vấn đề cục bộ để giải quyết vấn đề toàn
cục khi tình hình đòi hỏi.
Hiện tượng Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới (dự
báo là khoảng giữa thế kỷ này) là một thực tế khách quan, với mọi hệ lụy
thế giới phải đối mặt.
Bàn thêm về hiện tượng Trung Quốc là một thế giới cho chính nó:
Thông thường trong phát triển kinh tế, mọi mất cân đối về bất kỳ
phương diện nào và vì bất kỳ lý do gì, đều có thể dẫn tới khủng hoảng và
sụp đổ. Quy luật thép này cũng không lọai trừ Trung Quốc.
Nhưng nhìn lại chúng ta thấy: Hàng thập kỷ liên tiếp, Trung Quốc đã
hy sinh hoàn toàn sự phát triển của phía Tây – bất chấp phải trả giá như
thế nào, để dồn mọi nguồn lực của cả nước và mọi cơ hội cho phát triển
phía Đông, đặc biệt là toàn vùng duyên hải. Mọi mâu thuẫn xã hội, khi
cần thiết thì được giải quyết bằng vũ lực với mọi giá, điển hình là vụ
tàn sát ở Thiên An Môn 1989. Hiện nay các vụ đàn áp ở Tây Tạng, Tân
Cương, Nội Mông vẫn tiếp tục (tại những vùng này nhiều nơi người người
Hán có tỷ lệ cao gấp đôi người các dân tộc địa phương tại chỗ, có hiện
tượng đồng hóa…), chưa kể đến mỗi năm có hàng vạn vụ đàn áp sự phản
kháng của nông dân liên quan đến vấn đề đất đai… (Chú ý: Trước cải cách
đã xảy ra thảm kịch tàn sát trong cách mạng văn hóa khắp Trung Hoa, cướp
đi hàng chục triệu sinh mạng).
Mọi cảnh báo hiện nay về phát triển kinh tế Trung Quốc được giới
nghiên cứu nêu lên – ví dụ: nợ công các địa phương đã chiếm tới khoảng
30% GDP cả nước, nguy cơ đổ vỡ của hệ thống ngân hàng, nguy cơ đổ vỡ của
kinh tế bong bóng bất động sản, nguy cơ không thể cứu vãn về ô nhiễm
môi trường, nguy cơ dân số lão hóa nhanh chóng vì chế độ 1 gia đình / 1
con, vân vân… - nói chung là xác đáng.
Song (a) vận dụng phương thức “mục tiêu biện minh cho biện pháp”, (b) vận dụng cách tiếp cận “trả giá bộ phận để thực hiện mục tiêu toàn cục”
trong những điều kiện đặc thù của quy mô kinh tế Trung Quốc với nghĩa
Trung Quốc là một thế giới cho chính nó, rõ ràng trong những thập kỷ vừa
qua Trung Quốc đã chứng minh một cách thuyết phục khả năng phi thường của nó trong việc “tiêu hóa” các cuộc khủng hoảng.
Ví dụ 1: Nguy cơ đổ vỡ của kinh tế TQ là nợ công, là
yếu kém của ngành ngân hàng… Đấy là những nguy cơ hoàn toàn xác thực, ở
mức độ như đang xảy ra tại Trung Quốc chắc chắn khó một nước nước
phương Tây nào – kể cả Mỹ - có thể chống đỡ nổi. Song Trung Quốc có thể
và đang chống đỡ được, vì nó có 1500 tỷ USD dự trữ, với cách tiếp cận “muc tiêu biện minh cho biện pháp”, với quan điểm “trả giá cục bộ để thực hiện mục tiêu toàn cục”…
Ví dụ 2: Chế độ chính trị Trung Quốc coi kinh tế
quốc doanh là chủ thể (hay chủ lực, họ không nói “chủ đạo”), chiếm tới
25% GDP. Nhưng trên thực tế kinh tế quốc doanh của Trung Quốc hiện nay
chỉ còn lại các tập đoàn lớn; quy mô của chúng khá lớn. Không ít tập
đoàn này còn lớn hơn các tập đoàn kinh tế của Nhật hay Mỹ… Những năm gần
đây xuất hiện ngày một nhiều tập đoàn kinh tế quốc doanh của Trung Quốc
đứng trong top 100 của thế giới; tất cả đều kinh doanh theo cơ chế thị
trường như tại các nước công nghiệp phát triển. Các tập đoàn kinh tế
quốc doanh Trung Quốc cạnh tranh với nhau quyết liệt không kém cạnh
tranh với nước ngoài, chưa nói đến những chi phối chính trị khác của nội
trị Trung Quốc, tệ nạn tham nhũng lớn nhất cũng diễn ra trong khu vực
này… Có thể nói đấy là các tập đoàn kinh tế tư bản nhà nước đặc sắc
Trung Quốc, vận hành trong khung khổ cơ chế cho thuê – phân phối khổng
lồ - như Minxin Pei đã phân tích. Thực tế này cũng toát lên nội dung cơ
bản của toàn bộ quá trình cải cách tiếp tục của Trung Quốc đang diễn ra
và sẽ tiếp tục diễn ra trong lĩnh vực kinh tế.
Vân vân…
Khoảng một thập kỷ nay TQ không còn thời kỳ tăng trưởng 2 con số nữa.
Với mục tiêu “nước giầu quân mạnh”, Đại hội 18 của ĐCSTQ đã đề ra
nhiều cải cách quyết liệt về cơ cấu kinh tế (đặc biệt là cơ cấu đầu tư)
và hệ điều hành (nhất là của hệ thống tài chính – tiền tệ, song vẫn chưa
tự do hóa đồng Nhân dân tệ, để bảo đảm khả năng kiểm soát của nhà nước
và giữ lợi thế trong xuất khẩu). Về đối ngoai, Đại hội 18 nêu ra đòi hỏi
thiết lập quan hệ nước lớn kiểu mới – hàm ý không thừa nhận trật tự
quốc tế một siêu đa cường… (Dương Danh Dy).
Trong những quyết định của Đại hội 18 về kinh tế, quan trọng nhất là
(a) chính sách đổi mới cơ cấu kinh tế để tăng cường sức mua nội địa, (b)
kế hoạch từ nay đến năm 2030 đưa 250 triệu dân vào sống trong đô thị
(chiến lược đô thị hóa). Đây là 2 quyết định đầy tham vọng, theo đuổi
mục đích duy trì tăng trưởng kinh tế 6 – 7%/năm trở lên, nhằm thực hiện 3
mục tiêu lớn: (a) duy trì ổn định ở mức có thể của nội trị Trung Quốc –
bao gồm cả vấn đề kiềm chế thất nghiệp, (b) duy trì tính chính danh vai
trò lãnh đạo của ĐCSTQ, (c)duy trì tiến độ trở thành siêu cường vào
khoảng giữa thế kỷ. Các chuyên gia kinh tế đã phân tích: tăng trưởng
kinh tế sẽ đạt tốc độ dưới 5%/năm (nhưng lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố sẽ
phất đấu đạt 6 – 7%/năm)…
Không có một mục tiêu hay một kế hoạch kinh tế nào Đại hội 18 đề ra
là dễ khả thi, không có một vấn nạn kinh tế nào của Trung Quốc là dễ
giải quyết.
Ví dụ 1: Quyết định đẩy mạnh đô thị hóa với cái đích
từ nay đến năm 2030 đưa 250 triệu dân nông thôn vào thành phố có thể
được xem như một nỗ lực quyết liệt “sống hay là chết!?”. Có lẽ đây là
gói “kích cầu” vỹ đại nhất trong lịch sử kinh tế thế giới. Quyết định
táo bạo này có thể đúng, với nghĩa công nghiệp hóa phải gắn liền với đô
thị hóa. Quyết định này được đưa ra giữa lúc nơi này nơi khác bong bóng
thị trường bất động sản đã nổ tung, nợ công của Trung Quốc vượt quá 30
GDP (một số nghiên cứu độc lập cho là khoảng 60 GDP)… Gần đây Kiểm toán
Trung Quốc đã công bố riêng nợ công của các chính quyền địa phương hiện
nay đã vượt 1700 tỷ USD – tương đương với 29% GDP, chủ yếu do đầu cơ
thua lỗ vào thị trường bất động sản... Vậy phải đặt ra câu hỏi: Thực
hiện gói kích cầu vỹ đại này bằng con đường nào? cái giá phải trả?..
Phải chăng với quyết định đô thị hóa này, Trung Quốc thời Tập Cẩm Bình -
Lý Khắc Cường đã lựa chọn phương châm “phải liều chết tiến lên phía
trước”? Nếu sự thật là như thế, phải nói đây là một quyết định đáng kính
nể và đáng gờm. Chắc bây giờ nhiều người còn nhớ cách Trung Quốc thời
Mao Trạch Đông đã chủ trương làm gang thép vượt thế giới. Nhìn lại, phải
thừa nhận việc thực hiện giấc mơ gang thép hồi ấy là một trò đùa chính
trị cao thủ. Còn kế hoạch đô thị hóa khổng lồ này? [22].
Ví dụ 2: Vấn nạn ô nhiễm môi trường không thể khắc
phục, cả nước hầu như không còn một con sông nào sạch, nhiều đô thị lớn
không khí như sương mù... Song Đại hội 18 ưu tiên duy trì tốc độ tăng
trưởng cao để giữ ổn định và để không chùn bước lên siêu cường. ĐCSTQ
coi đây mới là điều sống còn, chứ không phải vấn đề môi trường!
Hai ví dụ vừa nêu trên một lần nữa cho thấy:
(a) Trung Quốc là một thế giới cho chính mình, nên có thể có những quyết định mà ở các nước khác là không thể;
(b) “mục tiêu biện minh cho biện pháp”, và “trả giá cục bộ để thực
hiện mục tiêu toàn cục” là cách hành xử nhất quán của lãnh đạo Trung
Quốc cho mọi nơi, mọi lúc, và trong mọi vấn đề;
Vân vân…
Tìm hiểu Trung Quốc, 2 điều không nên bỏ qua là: (1)Trung Quốc trả
giá đến đâu và như thế nào cho sự phát triển với những quyết định kiểu
liều chết tiến lên phía trước của nó? (2) Toàn thế giới còn lại phải trả
giá theo đến đâu và như thế nào?
Các nước phải tính toán như vậy, bởi vì hầu như chắc chắn Trung Quốc
sẽ trở thành nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới vào giữa thế kỷ
này, sẽ tác động đến cả thế giới.
Tác động đối với thế giới về địa kinh tế: Có thể nói
sự phát triển có một không hai trên thế giới của Trung Quốc trong những
thập kỷ vừa qua là một trong những hiện tượng quan trọng nhất tác động
vào kinh tế toàn cầu[23].
Trước hết Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu lớn nhất thế giới về
mọi nguyên liệu thiết yếu trong các nhóm kim loại, năng lượng, các vật
liệu khác... Hiện tượng này diễn ra quyết liệt và bằng mọi giá hầu như ở
mọi vùng nguyên liệu quan trọng trên thế giới, được thực hiện bằng
nhiều thủ đoạn tinh vi. Thực tế này khiến cho trong giới nghiên cứu xuất
hiện các thuật ngữ như “chủ nghĩa thực dân mới kiểu Trung Quốc”
(“chinese neo-colonialism”), “chủ nghĩa thực dân mới của quyền lực mềm”
(neo-colonialism of soft power)… Phương thức thực hiện “chủ nghĩa thực
dân mới” này là đầu tư, thương mại, viện trợ, lũng đoạn nước chủ nhà
bằng mọi thủ đoạn tham nhũng… Không ít các chính khách tại một số nước ở
châu Phi, châu Mỹ Latinh công khai ca ngợi: Viện trợ của Trung Quốc
không xét nét chế độ chính trị độc tài hay tham nhũng của nước chủ nhà,
không quan tâm nước chủ nhà có những vấn đề như đàn áp sắc tộc, phạm tội
hủy diệt, hủy hoại môi trường, thuộc phe phái nào, vân vân.., không đòi
hỏi những điều kiện kèm theo về dân chủ, nhân quyền, bảo vệ môi trường,
thực hiện công khai minh bạch… như các nước phương Tây thường coi là
những tiêu chí để quyết định viện trợ...
Giới báo chí đã tổng kết thực tiễn hoạt động của Trung Quốc: cái gì
trong làm ăn thông thường không đạt được thì mua, không mua được thì mua
bằng nhiều tiền hơn nữa… “Chủ nghĩa thực dân mới cực đoan”, “chủ nghĩa
thực dân con rồng” (R. Kaplan, P. Navarro…) không có các chính quyền
thực dân mới của mình tại bất kỳ quốc gia đối tác nào, nhưng có ảnh
hưởng của tiền và quyền lực mềm, có không hiếm các đội quân lao động
người Trung Quốc ở thành làng, thành vùng tại những vùng nguyên liệu có
khai trường lớn – trước hết ở châu Phi, một số nơi ở châu Mỹ Latinh,
Trung Á, Đông Nam Á... Sự xuất hiện những đốm dân cư Trung Quốc như thế
gây nhiều hậu quả cho các nước chủ nhà (nội trị bị xáo trộn, xuất hiện
những xung đột xã hội mới, thất nghiệp của nước chủ nhà gia tăng, những
lũng đoạn về chính trị đối ngoại, tại một vài nơi ở châu Phi đã bắt đầu
ngán lao động Trung Quốc…)[24]… Chưa nói đến việc Trung Quốc hàng năm
thải ra khối lượng CO2 lớn nhất thế giới, nhưng đang thoái thác nghĩa vụ
của mình… Ngay tại Nam Mỹ, sân sau của siêu cường Mỹ, ảnh hưởng của
Trung Quốc khiến tâm lý chống Mỹ tăng lên rõ rệt tại những nước “cánh
tả”... Trong những nỗ lực này còn phải kể đến việc Trung Quốc đang ra
sức khai thác diễn đàn BRICS, diễn đàn Bác Ngao, vân vân…[25]
Trung Quốc trở thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới các mặt hàng
xưa nay vốn là các mặt hàng truyền thống của các nước đang phát triển,
bóp chết nhiều ngành công nghiệp của những nước này. Song hàng xuất khẩu
của Trung Quốc cũng xóa sổ không ít thành thị hay các trung tâm sản
xuất nhiều mặt hàng truyền thống khác của hầu hết các nước phát triển –
kể cả ở Mỹ[26].
Từ vài thập kỷ nay, việc các nước phát triển hàng năm nhập một khối
lượng ngày càng lớn hàng công nghiệp tiêu dùng từ Trung Quốc và việc
những nước này đẩy mạnh việc đưa sang Trung Quốc sản xuất nhiều lọai mặt
hàng để tận dụng chi phí sản xuất thấp (hiện tượng “outsourcing” sang
Trung Quốc), tất cả dần dần đã và đang tạo ra cho những nước phát triển
này sự mất cân đối mới trong cơ cấu kinh tế và trong cấu trúc lực lượng
lao động… Sự phụ thuộc này lớn dần lên đến mức nền kinh tế các nước phát
triển này không thể sống thiếu các hàng công nghiệp tiêu dùng giá rẻ
nhập từ Trung Quốc; chưa nói đến Trung Quốc đồng thời là thị trường xuất
khẩu không thể thiếu của các nước phát triển. Giới nghiên cứu thừa
nhận, nếu kinh tế Trung Quốc sóng gió, kinh tế nhiều nước phát triển sẽ
lao đao theo. Những năm gần đây tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại,
trong đó có nguyên nhân xuất khẩu của Trung Quốc sang các nước phát
triển giảm sút. Toàn cầu hóa là như vậy.
Trung Quốc thuộc loại siêu giỏi trong viêc vận dụng những thực tiễn
(practices) của chủ nghĩa con buôn (mercantilism)[27], vi phạm nhiều
tiêu chí quan trọng của WTO như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, các tiêu
chuẩn về chất lượng, các tiêu chuẩn về lao động (trong đó có vấn đề cấm
lao động là trẻ em, lao động là tù nhân), những quy định về về chống bán
phá giá, các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, vân vân… Ngoài ra Trung
Quốc còn có những công cụ lợi hại khác như điều phối các dòng tiền để
lũng đoạn, kiểm soát chặt chẽ tỷ giá ngoại tệ có lợi cho xuất khẩu của
Trung Quốc…
Phản ứng chống lại của Mỹ và các nước phương Tây nhìn chung chưa đạt hiệu quả mong muốn.
Đã thế, những quốc gia này đang quá bận rộn với nhiều vấn đề của
chính mình, như phải cấu trúc lại kinh tế, xử lý vấn đề nợ công quá nhạy
cảm, tình trạng bấp bênh của đồng Euro, tăng trưởng kinh tế sụt giảm…
Trung Quốc đang ra sức khai thác những khó khăn này để phân hóa nội bộ
phương Tây. Gần đây, trong chuyến thủ tướng Đức Merkel chính thức thăm
Trung Quốc 26-05-2013, phía Trung Quốc nói thẳng: Trung Quốc - nền kinh
tế lớn thứ hai thế giới, và Đức - nhân tố chính trong nỗ lực giải quyết
khủng hoảng nợ, cần phải phối hợp để đối phó với bão nợ công châu Âu…
Về địa chính trị: Thời kỳ “trỗi dậy hòa bình, giấu
mình chờ thời” đã lùi lại phía sau, từ hơn một thập kỷ nay siêu cường
đang lên Trung Quốc tận dụng mọi lợi thế và ảnh hưởng kinh tế của mình
mở rộng ảnh hưởng chính trị tại các châu lục và trong những vấn đề lớn
của thế giới, song khu vực trọng tâm số 1 là Biển Đông.
Hiện tượng bề ngoài nổi bật và dễ nhận biết nhất là: Bước sang thế kỷ
21, hoạt động quân sự và chính trị của Trung Quốc có tính uy hiếp và
lấn chiếm trên toàn Biển Đông gia tăng rõ rệt về tần số vụ việc cũng như
về mức độ nghiêm trọng của các hoạt động. Sang thập kỷ thứ hai của thế
kỷ này, những hoạt động này lại càng ráo riết hơn, trước hết nhằm vào
Philippines (vùng Scarborough / Hoàng Nham) và Nhật (đảo Senkaku / Điếu
Ngư). Trong hội đàm kinh tế - chiến lược vòng 5, Tập Cẩm Bình nói thẳng
với Obama: Trung Quốc coi Điếu Ngư / Senkaku là “lợi ích cốt lõi” (Kyodo
11-06-2013)[28].
Sự phản đối của Nhật và Philippines đã lên tới mức cao nhất về mặt
chính trị và chính trị đối ngoại, đồng thời tuyên bố sẵn sàng đáp trả
bằng các biện pháp quân sự nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực. Đỉnh điểm cho
đến nay trong phản ứng quyết liệt của Nhật là ban hành Sách trắng về
quốc phòng và đang vận động trong nước cho thay đổi Hiến pháp để có
những bước đi quyết liệt hơn.
Philippines không thể chấp nhận lập trường bất di bất dịch của Trung
Quốc là “thừa nhận chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp, cùng khai
thác”. Yêu sách này của Trung Quốc có nghĩa là: Cái gì Trung Quốc đã
chiếm được trên Biển Đông thì là của Trung Quốc; cái gì Trung Quốc chưa
chiếm được trên Biển Đông thì trước hết phải thừa nhận là thuộc chủ
quyền của Trung Quốc, rồi gác tranh chấp và cùng khai thác! Vì tiềm lực
mọi mặt đều yếu, nên Philippines một mặt kiên quyết đưa vấn đề tranh
chấp ra tòa án quốc tế, mặt khác xúc tiến việc để Mỹ có mặt trở lại về
quân sự trên lãnh thổ của mình để tăng cường quốc phòng.
Các hoạt động của Trung Quốc uy hiếp hay xâm phạm chủ quyền và lãnh
hải Việt Nam không hề giảm so với thập kỷ trước. Tuy cách tiến hành
không căng thẳng về mặt quân sự như đã áp dụng đối với Philippines và
Nhật, song tính chất nguy hiểm trong những hoạt động của Trung Quốc tiếp
tục leo thang nghiêm trọng, gắn với những tính toán và hoạt động chính
trị thâm độc hơn nhiều – vì Trung Quốc có nhiều điều kiện can thiệp vào
nội bộ Việt Nam.
Đặc biệt nghiêm trọng trong những hoạt động bành trướng không cần che
giấu là việc lập thành phố Tam Sa tại Hoàng Sa với tính chất là một đơn
vị hành chính hoàn chỉnh của Trung Quốc (26-06-2012, trong đó có việc
cấp chứng minh thư của thành phố Tam Sa cho cư dân), lập căn cứ quân đồn
trú thường trực ở đây, in bản đồ Hoàng Sa và Trường Sa vào hộ chiếu của
Trung Quốc, tiếp tục khẳng định “đường lưỡi bò”[29], cản phá quyết liệt
hợp tác khai thác dầu khí của Việt Nam với nước ngoài, ngang nhiên mời
thầu nước ngoài các lô dầu khí thuộc chủ quyền lãnh hải của Việt Nam,
v…v… Hàng năm Trung Quốc lặp đi lăp lại việc áp đặt lệnh cấm đánh cá,
việc đưa hàng trăm tầu cá dưới sự yểm trợ của các tầu hải giám và tầu
ngư chính xâm phạm vùng biển nước ta - có lúc vào sâu trong vùng lãnh
hải của ta cách bờ biển chỉ 30 - 50 hải lý (06-2012)[30]…
Đầu năm nay Trung Quốc thành lập xong hạm đội tuần giám đảm nhiệm
việc tuần tra thường xuyên toàn bộ Biển Đông, bao gồm 11 đội tầu chiến
với tổng số 16000 hải quân.
Nhìn lại, toàn bộ hoạt động lấn chiếm của Trung Quốc trên Biển Đông
là một quá trình leo thang liên tục, bắt đầu từ các đợt đánh chiếm các
đảo và bãi của Việt Nam ở Hoàng Sa 1956 và 1974, đánh chiếm thêm 7 đảo
và bãi ở Trường Sa của Việt Nam năm 1988, đồng thời ngày càng ráo riết
đòi thực hiện “đường lưỡi bò 9 vạch”; năm 1995 Trung Quốc đánh chiếm đảo
Vành Khăn (Mischief Reef), từ 2 năm nay đẩy mạnh thực hiện các hoạt
đông quân sự để kiểm soát bãi ngầm Scarborough / Hoàng Nham và bãi Cỏ
Mây / Second Thomas Shoal. Đồng thời các hoạt động ngoại giao và quân sự
của Trung Quốc nhằm vào Senkaku / Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông ngày càng
dồn dập.
Nhìn lại xa hơn nữa, đáng chú ý là: Tất cả các cuộc chiến tranh đã
xảy ra với các nước láng giềng cho đến nay đều do phía Trung Quốc chủ
động gây chiến.
Đó là: “cuộc kháng chiến chống Mỹ viện Triều” 1950 – 1953, cuộc chiến
tranh biên giới Trung - Ấn 1962, cuộc chiến tranh biên giới Trung – Xô
1969, cuộc chiến tranh biên giới Trung - Việt 02-1979 rất đẫm máu (“Dậy
cho tiểu bá Việt Nam bài học!”, tiếp theo là các hoạt động bắn phá và
lấn chiếm biên giới Việt Nam kéo dài liên tục đến 1989 mới chính thức
chấm dứt; trước đó còn phải kể đến việc Trung Quốc là cha đẻ của chiến
tranh Khme đỏ chống Việt Nam), rồi đến các hoạt động quân sự đánh chiếm
tiếp các đảo trên Biển Đông như đã nêu trên… Đương nhiên có thể sẽ có
lời biện hộ: Có cường quốc nào mà tay không vấy máu để mở rộng quyền lực
và phạm vi ảnh hưởng của mình?
Còn một vấn đề nữa: Nhìn riêng vào quan hệ Trung – Việt, còn phải lưu
ý đến những bước đi đột xuất có tính chất thay đổi trận tuyến, xẩy ra
do những diễn biến trong cục diện quốc tế.
Hai ví dụ điển hình là: (1)Khi Trung Quốc thấy cần xoay chuyển quan
hệ Trung – Mỹ từ đối đầu sang hợp tác, ngay lập tức có Thông cáo chung
Thượng Hải 1972 – giữa lúc Việt Nam đang ở thời kỳ quyết liệt nhất trong
kháng chiến chống Mỹ; (2) vứt bỏ mọi mối quan hệ “xã hội chủ nghĩa” và
quyết tiến hành cuộc chiến tranh 02-1972 tiến công biên giới phía Bắc
Việt Nam, nhằm tạo ra bước ngoặt trong vấn đề Campuchia để thay đổi cục
diện Đông Nam Á sau thất bại của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam và nâng
cao vị thế cường quốc Trung Quốc…[31]
Phải thừa nhận thế và lực của Trung Quốc cùng với quan điểm thực dụng
“mục tiêu biện minh cho biện pháp”, “trả giá cục bộ để thực hiện mục
tiêu toàn cục”… đã cho phép Trung Quốc xoay trở tình thế từ cực nọ sang
cực kia mau lẹ như vậy. Trong bàn cờ thế giới mọi thời đại, lúc nào cũng
có những tình huống thuận lợi cho sự trở cờ như vậy đối với mọi quyền
lực, các nước “bên thứ ba” luôn luôn đứng trước nguy cơ trở thành nạn
nhân.
Một câu hỏi phải đặt ra trong nghiên cứu nhưng chưa có câu trả lời:
Sự leo thang những hoạt động gây căng thẳng của Bắc Triều Tiên dưới thời
Kim Chong Il trong quan hệ với Hàn Quốc, Nhật và Mỹ có liên quan gì với
những bước đi vừa qua của Trung Quốc trên Biển Đông hay không?
Nếu nhìn những nỗ lực quân sự của Trung Quốc nêu trên trong khung khổ
những động thái chính trị khác, - thời sự nhất hiện này là sự hiệp đồng
Trung – Nga trong vấn đề Syri, thái độ thụ động hoặc thờ ơ của Trung
Quốc trong vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên và Iran, những nỗ lực lôi
kéo tạo liên kết Trung – Nga để chống lại Mỹ (nhất là qua các đợt tập
trận chung giữa 2 nước gần đây), những nỗ lực kinh tế và chính trị thâm
nhập vào sân sau của Mỹ ở Nam Mỹ, tăng cường quan hệ với Pakistan (nước
có nhiều mối quan hệ thù địch với Ấn Độ).., ra sức lôi kéo các nước
Trung Á (Kazakhstan, Turkmenistan, Uzbekistan, Afghanistan…) vì mọi lý
do kinh tế (để thu hút tài nguyên) và chính trị (để tác động vào Nga và
Mỹ…).., có thể hình dung được
- mối quan hệ qua lại với nhau giữa các hoạt động quân sự và các động thái kinh tế - chính trị của Trung Quốc,
- vai trò các động thái chính trị của Trung Quốc trong việc chuẩn bị,
dọn đường, tổ chức triển khai… các hoạt động kinh tế, quân sự trong
chiến lược toàn cầu của Trung Quốc,
- sử dụng rất nhiều tiểu sảo để đạt mục tiêu, nước lớn nhưng rất tiểu nhân...
Phản ứng trước mối nguy Trung Quốc, trong những tháng đầu năm nay Nga
lần đầu tiên hiến hành tập trận trên bộ quy mô lớn chưa từng có ở vùng
Viễn Đông - dưới sự thị sát của tổng thống Putin và huy động 100.000
quân tham gia. Cử chỉ này nhằm răn đe nguy cơ lấn chiếm của Trung Quốc
tại vùng Novosibirsk và Syberia, mặc dù Nga cùng đi với Trung Quốc trong
một số vấn đề địa kinh tế / địa chính trị quan trọng. Cũng trong những
tháng đầu năm nay Ấn-độ điều thêm 50.000 quân tăng cường cho biên giới
của mình tại các bang miền Tây Bangal cho đến tận điểm cao Kashmir; Nhật
tăng cường khả năng hải quân và không quân bảo vệ Senkaku / Điếu Ngư và
tuyên bố dứt khóat sẽ giáng trả nếu bị tấn công. Mỹ đã điều phối thêm
lực lượng không quân trong vùng để hỗ trợ Nhật, song trên tất cả là Mỹ
ráo riết triển khai chiến lược pivot to Asia & Pacific và TPP…
Xin đặc biệt lưu ý, so sánh lực lượng các mặt giữa Trung Quốc và thế
giới bên ngoài, đồng thời quan sát các hoạt động của Trung Quốc, có thể
kết luận: Hướng chính bành trướng khả thi nhất, hiện thực nhất, và cũng
rõ nhất của siêu cường đang lên Trung Quốc là khu vực Đông Nam Á và Biển
Đông. Bởi hai lẽ: (a) trên các hướng khác đã có các đối thủ lớn của
Trung Quốc án ngữ, (b) Trung Quốc có lợi thế và sức mạnh áp đảo đối với
các nước ASEAN.
Ý đồ lâu dài của hướng đi xuống phía Nam này là: Nếu thực hiện được
kiểm soát Biển Đông, Trung Quốc sẽ có thể thao túng nghiêm trọng toàn bộ
các nước ASEAN, tiến thêm những bước quyết định trong việc khuất phục
Đài Loan, đẩy lùi chiến lược “Pivot to Asia & Pacific”. Theo đuổi ý
đồ này, Trung Quốc còn muốn tạo ra cho mình khả năng uy hiếp trực tiếp
tuyến hàng hải Malacca lưu chuyển khoảng 3/5 tổng lượng hàng hóa chuyên
chở trên biển của cả thế giới, chưa kể đến nguồn tài nguyên phong phú
của Biển Đông.
Tất cả đang hé lộ tính đối kháng quyết liệt (categorical antagony)
của vấn đề Biển Đông đặt ra cho tất cả các nước hữu quan, trong đó Việt
Nam là điểm rất nhạy cảm.
R. Kaplan và một số học giả Mỹ thừa nhận: Trên thực tế trong vòng hai
thập kỷ nay, Trung Quốc đã thay đổi đáng kể cán cân quyền lực ở Đông
Bán cầu, mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình rất bất lợi cho Mỹ, không ồn
ào trong phương pháp thực hiện như các nước đế quốc trước đây vẫn làm,
nhưng tinh vi và có hiệu quả lớn, phù hợp với thời đại toàn cầu hóa ngày
nay…[32] Một số nhà nghiên cứu khác đánh giá: Chủ nghĩa thực dân con
rồng khôn ngoan hơn và đã thành công vượt bậc so với chủ nghĩa thực dân
cũ và mới… Con rồng ngày nay đang giương nanh vuốt của mình…
Đến đây có thể dễ dàng hình dung con rồng Trung Quốc đã và đang gây
ra những biến động địa kinh tế và địa chính trị gì ở phạm vi toàn cầu
như thế nào, gắn liền với sự bành trướng không mệt mỏi của quyền lực mềm
của nó.
Hẳn không phải ngẫu nhiên khi mở đầu bài viết “Yếu tố địa lý của
quyền lực Trung Quốc…”[33], R. Kaplan nhắc lại việc Halford Mackinder
trong cuốn “The geographical Pivot of History” (1904) đã cảnh báo thế
giới về mối nguy Trung Quốc[34], nhắc lại hy vọng của H. Mackinder cho
rằng chỉ có lý tưởng của dân chủ mới có thể mang lại một thế giới tốt
đẹp (H. Mackinder – trong cuốn “The democratic Ideals and Reality” -
1919).
V – Siêu cường đang lên Trung Quốc có thể với tới đâu?
Xin nhắc lại, trong giới nghiên cứu ở Mỹ và phương Tây có không ít ý
kiến cho rằng không có khả năng bao vây hay ngăn chặn sự đi lên của
Trung Quốc, sự việc Trung Quốc trở thành nền kinh tế có tổng lượng GDP
lớn nhất thế giới vào khoảng giữa thế kỷ này sẽ là không thể đảo ngược.
Sự thật có thể sẽ như vậy, bởi vì từ nay đến giữa thế kỷ này hình như
cũng khó xảy ra những biến động nào trong nội trị Trung Quốc đủ sức
xoay chuyển được hướng phát triển của nước Trung Quốc hiện tại sang bất
kỳ hướng nào khác (đổ vỡ? hay cải cách dân chủ?..).
Có 2 vấn đề lớn nên đặt ra để tìm hiểu:
(1) Kinh tế thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế nhỏ yếu của các
nước đang phát triển, sẽ phải đối mặt với những vấn đề gì, nếu con rồng
Trung Quốc tiếp tục mô hình phát triển của nó như hiện nay trong vòng
vài ba thập kỷ tới - với cái đói nguyên liệu không bao giờ thỏa mãn, với
mọi thực tiễn của chủ nghĩa con buôn (mercantilism) và sự tác quái của
quyền lực mềm như đang tiến hành.
(2) Cùng với khát vọng nhất quán ngoi lên siêu cường, việc ráo riết
tăng cường chi tiêu quốc phòng và phát triển nhanh chóng lực lượng quân
sự, nhất là ý đồ phát triển lực lượng hải quân nước xanh (blue marine –
hải quân đại dương) đặt ra những hệ lụy gì cho cân bằng lực lượng tại
khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và uy hiếp như thế nào các nước nhỏ bé
hơn trong khu vực?
Dưới đây xin bàn từng vấn đề.
Về vấn đề (1) – vấn đề kinh tế
Dù có những nỗ lực cải tiến gì trong quản lý nền kinh tế quốc dân hay
trong đổi mới cấu trúc kinh tế, về cơ bản và còn một thời gian dài kinh
tế Trung Quốc tăng trưởng và phát triển chủ yếu vẫn nhờ vào (a) đầu tư
và (b) nhờ lợi thế quy mô kinh tế (economics of scales)[35]. Hai đặc
điểm này (a và b) cho phép Trung Quốc tiếp tục giành những lợi thế trên
thị trường thế giới đối với nhiều quốc gia – kể cả các nước phát triển
cũng như các nước đang phát triển. Vì thế, cạnh tranh kinh tế với Trung
Quốc, nhất là cạnh tranh với các mặt hàng Trung Quốc sản xuất và có thế
mạnh, vẫn tiếp tục là ác mộng đối với nhiều nước.
Hơn nữa, dù là Trung Quốc đang có những nỗ lực chiến lược nhằm đẩy
mạnh hướng nội – bao gồm tăng sức mua và tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh đô
thị hóa (gói kích cầu đưa 250 triệu dân nông thôn vào đô thị).., nhưng
với việc duy trì bằng mọi giá tốc độ tăng trưởng kinh tế 5 – 6 hoặc 7 –
8% / năm, đòi hỏi của Trung Quốc về nguyên liệu, về năng lượng và về thị
trường ngày càng lớn. Xin lưu ý, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế
thấp hơn đồng nghĩa với suy sụp, trì trệ, thất nghiệp.., vì thế sẽ là
thảm họa cho nội trị Trung Quốc cũng như đối với vai trò nắm quyền của
ĐCSTQ. Nghĩa là, gần như một tất yếu, thực hiện tốc độ tăng trưởng cao
là vấn đề sống còn của chế độ. Điều này cho thấy vì sao Trung Quốc sẽ
tiếp tục đẩy mạnh mọi chính sách hiện hành đối với thế giới bên ngoài để
thỏa mãn đòi hỏi bên trong. Hệ quả không tránh khỏi là sẽ gây ra những
can thiệp hay lũng đoạn mới ở bên ngoài trên nhiều phương diện, những
tranh chấp mới…
Những dẫn chứng nổi bật là: Tháng 7 vừa qua Trung Quốc đã khánh thành
đường ống dẫn khí, và hiện nay đang tiếp tục hoàn thành đường ống dẫn
dầu từ Trung Đông qua lãnh thổ Myanmar (cảng Kyaukpyu) vào Vân Nam, mặc
dù quan hệ Myanmar – Trung Quốc hiện nay không xuôn xẻ gì; Trung Quốc
đang đẩy mạnh hợp tác với Nga, Kazkhstan, Turkmenistan, Azecbaijan… đẩy
nhanh các công trình dẫn dầu và khí từ Trung Đông và Trung Á, để hoặc
dẫn dầu vào Trung Quốc, hoặc để cạnh tranh địa kinh tế và địa chính trị
với phương Tây tại Trung Đông hay tại ngay Trung Á… Vân vân…
Tuy rằng lợi thế về giá lao động rẻ của Trung Quốc đang giảm dần, các
chi phí sản xuất ở Trung Quốc ngày càng cao lên (do mức thu nhập tăng,
chi phí về môi trường ngày càng đắt…), cả thế giới – bao gồm cả bản thân
Trung Quốc – vẫn chưa giải được bài toán khó: Làm thế nào để phát triển
kinh tế Trung Quốc trở thành một trong những động lực thúc đẩy phát
triển kinh tế thế giới?
Trong khi đó tình hình vẫn tiếp diễn là: Kinh tế Trung Quốc càng phát
triển, trên thế giới càng xuất hiện nhiều vấn đề địa kinh tế và địa
chính trị mới phức tạp hơn.
Rõ ràng những cam kết hay nỗ lực trong khung khổ đối thoại kinh tế
& chiến lược Mỹ - Trung, những chế định trong khung khổ các thể chế
hiện hành (WTO, WB, IMF, G2, G20…), quan điểm “win – win”… cho đến nay
chưa giải quyết được bài toán khó này. TPP có lẽ càng không… Mong đợi
một thiện chí của lẽ phải từ phía Trung Quốc sẽ chỉ là ảo tưởng nguy
hiểm. Nguyên nhân hàng đầu có lẽ là bản chất chế độ chính trị và trình
độ phát triển hiện nay của Trung Quốc vẫn đang ở thời kỳ chỉ dung nạp
được sự phát triển như đang diễn ra. Nói cách khác, Trung Quốc vẫn đang ở
giai đoạn phát triển mang cái tên chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc –
đó là chủ nghĩa tư bản đặc sắc Trung Quốc trong chế độ toàn trị một
đảng. Mô hình phát triển này còn là bất khả kháng trong một tương lai
nhất định - cho đến khi nào đó Trung Quốc tự bên trong đủ sức tiến hành
một cuộc cải cách sâu rộng thể chế chính trị. Thực tế này cùng với ảnh
hưởng sâu xa của truyền thống văn hóa Đại Hán càng làm sâu sắc thêm
những mâu thuẫn giữa Trung Quốc và thế giới bên ngoài.
Cũng xin lưu ý, ở Trung Quốc kể từ ngày thành lập nước CHNDTH thường
xuyên có những nỗ lực cải cách. Song cho đến nay tất cả những nỗ lực này
chỉ phát huy được trên phương hướng duy nhất: “mèo đen, mèo trắng không
thành vấn đề, miễn là bắt được chuột” và đã góp phần có ý nghĩa quyết
định tạo ra chủ nghĩa thực dân con rồng hôm nay.
Trong khi đó toàn bộ những nỗ lực cải cách thể chế chính trị ở Trung
Quốc cho đến nay đều bị bóp chết – chỉ kể từ khi tiến hành cải cách
1978: đó là Hồ Diệu Bang hay Triệu Tử Dương, rất đẫm máu như vụ Thiên An
Môn (1989), hay bớt ồn ào hơn như hàng trăm vụ đàn áp các nhân sỹ trí
thức khác… Trung Quốc hiện nay rất khó tiến hành cải cách thể chế chính
trị còn vì lẽ cả nước có tới hàng trăm nhóm lợi ích thao túng toàn bộ hệ
thống chính trị từ cấp cao nhất đến cơ sở. Quyền lực thật của các nhóm
lợi ích trước hết nằm trong tay các đại gia[36].
Có lẽ không phải ý thức hệ Mác hay Mao là nguyên nhân gốc làm cho chế
độ toàn trị ở Trung Quốc hiện nay vẫn trụ được. Sự thật là Đại hội 18
của ĐCSTQ đã khéo léo vượt qua vấn đề này rồi; Mác và Mao chỉ còn vai
trò trang trí để giữ cho chế độ của ĐCSTQ danh chính ngôn thuận mà
thôi[37]. Nguyên nhân sâu xa đối kháng lại cải cách chính trị có lẽ vẫn
là chủ nghĩa quốc gia, chủ nghĩa dân tộc Đại Hán, nền văn minh thiên
triều gần như một khát vọng.., đến mức ngày nay tầng lớp trung lưu ở
Trung Quốc nhìn chung cũng chưa thoát ra được di sản văn hóa này (Willy
Lam).
Có thể nói ngay đối với các nước phát triển và đang phát triển: Làm
gì để thích nghi được và để vượt qua được những hệ lụy của một thực tế
Trung Quốc nhãn tiền này? Làm gì để biến những thách thức mới thành cơ
hội?.. Đấy là những câu hỏi không thể không đặt ra, nếu như muốn sống
chung với lũ khi đang ở giữa cơn lũ.
Nhân đây lại xin nhắc lại, để định liệu công việc của mình, mọi quốc
gia hữu quan nhất thiết phải tính toán: Bản thân nước Trung Quốc phải
trả cái giá nào cho sự phát triển này của họ? Thế giới còn lại – trước
hết là các nước láng giềng và trong khu vực – sẽ phải trả giá theo như
thế nào cho sự phát triển này? Những năm gần đây không ít doanh nghiệp
hay vùng sản xuất một sản phẩm nhất định tại nhiều nước phát triển ở Mỹ,
ở châu Âu… đã tự đặt ra cho mình câu hỏi: Làm thế nào để không chết
đuối trong biển hàng hóa rẻ của Trung Quốc[38]?!... Có lẽ cũng đã đến
lúc các nước đang phát triển nên đặt thêm cho mình câu hỏi: Làm thế nào
để thoát được sự kiềm tỏa của quyền lực mềm Trung Quốc.
Vấn đề (2) – vấn đề quân sự
Trong thời bình, không có yêu cầu tiến hành một cuộc chiến tranh nào,
nhưng lại bị thôi thúc bởi đòi hỏi chớp lấy cơ hội chấm dứt thời kỳ
giấu mình chờ thời để mau chóng vươn lên siêu cường, tận dụng xu thế
siêu cường Mỹ ngày càng yếu đi và sa lầy vào nhiều vấn đề lớn, tận dụng
khoảng thời gian các cường quốc khác còn đang bận rộn với khủng hoảng
kinh tế trầm trọng mang tính cơ cấu chưa có lối ra.., Trung Quốc từ hai
thập kỷ nay ráo riết tăng cường tiềm lực quân sự của mình - song song
với bành trướng quyền lực kinh tế và quyền lực mềm ở phạm vi toàn cầu.
Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm 2000 là 30 tỷ USD, năm 2010
vọt lên 120 tỷ USD, năm 2012 là 160 tỷ USD (nghĩa là liên tục hàng thập
kỷ tăng trưởng 2 con số/năm) – đấy là theo số liệu được chính phủ công
bố, người ta cho rằng con số thực còn cao hơn. Quân số của Giải phóng
quân Nhân dân (PLA) hiện nay là 2,3 triệu, đông nhất thế giới. PLA được
hiện đại hóa rất nhanh; trang bị vũ khí, khí tài chỉ đứng sau Mỹ và Nga.
Tuy nhiên giới nghiên cứu hầu như có nhận xét thống nhất: Thời điểm
Trung Quốc có thể thách thức Mỹ và Nga về quân sự còn xa, (có người cho
rằng khoảng cách này giữa Trung Quốc và Mỹ là 20 – 30 năm).
Hiện nay hầu như chưa có khả năng Trung Quốc có thể thách thức trực
tiếp Mỹ hay Nga bằng quân sự ở bất kỳ nơi nào. Đụng độ tranh chấp biên
giới Trung - Ấn vẫn là nguy cơ thường trực, song ngày nay tiềm lực quốc
phòng của Ấn-độ và tương quan lực lượng so sánh khác trước rất nhiều so
với thời kỳ xảy ra chiến tranh biên giới năm 1962, hơn nữa thế giới ngày
nay đã thay đổi. Tranh chấp Trung – Nhật tại Hoa Đông và đảo Senkaku /
Điếu ngư dù căng thẳng thế nào, có lẽ vẫn rất ít khả năng nổ ra chiến
tranh hay đụng độ quân sự trực tiếp Trung – Nhật/Mỹ; bởi vì không thể
đánh giá thấp sức đề kháng của Nhật với sự hậu thuẫn trực tiếp của Mỹ.
Trong khi đó áp lực quân sự của Trung Quốc đang nhằm vào hướng chính là các nước láng giềng Đông Nam Á.
So sánh những gì đã xảy ra ở 2 vùng Hoa Đông và Scarborough / Hoàng
Nham, kết hợp với đánh giá so sánh lực lượng tổng thể toàn khu vực Biển
Đông, không loại trừ tình huống: Trung Quốc tuy gây áp lực quyết liệt
với Nhật ở Hoa Đông để uy hiếp, song có thể đòn tấn công chính, hay là
từng đòn tấn công chính của Trung Quốc trước hết vẫn là dành cho phía
Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc có dám đánh lớn trên Biển Đông hay không,
điều này còn tùy thuộc vào thái độ ứng xử của từng nước hoặc cả nhóm
ASEAN. “Mềm nắn, rắn buông”, đấy thường là tâm lý phổ biến của mọi kẻ
xâm lược. Mối nguy tiềm ẩn khó khắc phục hơn của ASEAN là sự nhất trí
rất có giới hạn của nhóm nước này trong đối phó với Trung Quốc[39].
Hiện nay, đánh giá tình hình so sánh lực lượng tại chỗ trên Biển
Đông, đánh giá những phản ứng dây chuyền có thể xảy ra ở từng nước bị
tiến công, phản ứng dây chuyền có thể xảy ra ở trong và ở ngoài khu vực,
thậm chí trên toàn thế giới… một khi Trung Quốc tiến hành đánh lớn trên
Biển Đông, có thể phán đoán: quyết định đánh lớn như vậy đối với Trung
Quốc có lẽ cũng không dễ dàng gì, chưa hẳn là cần thiết, trong khi đó
Trung Quốc có những thủ đoạn khác rẻ hơn, hữu hiệu hơn.
Bởi vì: Xem xét toàn cục, trận đánh lớn có thể thắng, nhưng làm chủ
được những hệ quả tiếp theo thì không hẳn; bản thân Trung Quốc đã có
nhiều kinh nghiệm này[40]. Bối cảnh Đông Nam Á - Biển Đông trong cục
diện quốc tế hiện nay cho thấy đánh lớn rất ít khả năng giải quyết gọn
những vấn đề có liên quan. Vì thế nhìn tổng thể, chung cuộc đánh lớn có
thể mang về bại nhiều hơn thắng. Cho đến nay lực của Trung Quốc hoàn
toàn cho phép đánh lớn trên Biển Đông (nhằm vào các nước láng giềng),
song điều này chưa xảy ra, có lẽ chỉ vì những lý do như vậy.
Trong khi đó Trung Quốc đang có chiến thuật gặm nhấm rất hiệu quả, có
cơ hội lại ào lên cắn trộm (1988, 1995…), rồi lại gặm nhấm tiếp. Mấy
thập kỷ nay chiến thuật này giành kết quả tốt, rủi ro ít, đỡ ồn ào, vẫn
đạt mục tiêu và uy hiếp được đối phương... Càng tác động được quyền lực
mềm vào từng nước ASEAN, càng phân hóa được nhóm ASEAN theo thủ đoạn bẻ
từng que đũa của bó đũa (chỉ chấp nhận đàm phán song phương), càng chia
rẽ được ASEAN với thế giới bên ngoài, hiệu quả của chiến thuật gặm nhấm
càng cao. Có lẽ chiến thuật này – cùng với tác động của những thủ đoạn
chính trị lung lạc đi kèm, tiếp đến là các thủ đoạn “xâm lăng không vũ
khí” bằng các đợt cho hàng trăm tầu cá lấn biển, kết hợp với các biện
pháp kinh tế khác, kết hợp với tác động của thời gian (gây mất ổn định
và kìm hãm sự phát triển của các nước ASEAN…)… Đấy mới là những đòn nguy
hiểm hơn cả cho các nước ASEAN – trước hết là cho Việt Nam và
Philippines.
Thực tế đã diễn ra là: Ngoài việc lập thành phố Tam Sa và đặt căn cứ
cho quân đồn trú thường trực ở Hoàng Sa, đến nay Trung Quốc đã xây dựng
xong những công trình cố định mới trên các đảo, các bãi ngầm và các rặng
san hô ở Trường Sa do Trung Quốc đánh chiếm trong các đợt 1988 (gồm 7
đảo và bãi), đợt 1995 (gồm Đá Vành Khăn và một số bãi). Tại những điểm
này Trung Quốc đã xây xong các căn cứ đóng quân cố định, căn cứ nổi, ụ
pháo, đài quan sát, vạch ra tuyến đường tuần tra cho hạm đội hải giám
(tổng cộng 11 đội tầu với 16.000 quân)… để hoạt động thường xuyên, qua
đó nhằm khẳng định trên thực tế chủ quyền “đường lưỡi bò”… Không thể nói
khác: Một cuộc xâm lược âm ỷ, bền bỉ năm này qua năm khác, vũ trang xen
kết phi vũ trang, để gặm nhấm tiếp, để leo thang tiếp, hình thành dần
dần một hành lang án ngữ trực tiếp trên biển đối với Việt Nam và
Philippines, tiến tới khống chế toàn vùng... Chiến thuật này đang rất
hữu dụng, chưa có các yếu tố nào mới khiến Trung Quốc phải thay đổi.
Trong khi đó phản ứng đơn phương hay đa phương của các nước nạn nhân ở
mức như hiện nay không thể chặn đứng hay đẩy lùi được chiến thuật gặm
nhấm này. Để lâu e rằng sẽ là chuyện đã rồi!
Nhưng trong trường hợp nhất định, ví dụ một biến cố lớn bất thường
xẩy ra ở bất kỳ đâu trên thế giới, kể cả trong lòng Trung Quốc, hay là ở
một nước là đối tượng xử lý (ví dụ quốc gia này lâm vào tình trạng
khủng hoảng bất thường),.. khả năng Trung Quốc đánh lớn trên Biển Đông
là không thể không tính đến. Cuộc chiến tranh 30 ngày năm 1979 của Trung
Quốc chống Việt Nam là một ví dụ thuyết phục.[41]
Hiển nhiên, thế giới ngày nay không hiếm những biến cố lớn bất thường
rất quyến rũ. Hiện tại có thể liệt kê ra cả một danh sách dài:
- giả định Mỹ tuột tay trong dàn xếp những mâu thuẫn Israel – Palestin;
- mâu thuẫn Israel – Iran bùng nổ;
- nguy cơ vấn đề sản xuất vũ khí A của Iran hay Bắc Triều Tiên vượt ra ngoài mọi khả năng kiểm soát của thế giới;
- Al-Qeada có thể bất ngờ tổ chức tấn công lớn vào Mỹ hoặc các nước phương Tây, khiến cho sự quan tâm của Mỹ bị phân tán;
- nguy cơ đồng Euro sụp đổ;
- một tính toán sai lầm nào đó của Trung Quốc hay của bất kỳ ai (ví
dụ những động thái rất nguy hiểm trong năm nay của Bắc Triều Tiên…);
- những yếu kém của đối tượng được dự định tấn công;
- vụ sử dụng vũ khí hóa học ở Syri có thể mở ra một bước ngoặt bi thảm;
- vân vân…
Có thể kết luận: So với Mỹ và đồng minh phương Tây,
lực lượng tiến hành chiến tranh của Trung Quốc không mạnh bằng, hay chưa
mạnh như các phát ngôn của giới diều hâu trong hàng ngũ tướng lĩnh
Trung Quốc phô trương. Tuy nhiên, lực lượng tiến hành chiến tranh của
Trung Quốc mạnh áp đảo so với các nước láng giềng phía Đông và Đông Nam
Á, đã có những hoạt động đủ nguy hiểm, đến mức Mỹ phải nhiều lần chính
thức cảnh báo: Trung Quốc đang đẩy Biển Đông đi vào chiến tranh.
Muốn hay không, các nước láng giềng của Trung Quốc đang rơi
vào một cuộc chạy đua với thời gian: Hoặc là kịp tạo ra sức mạnh vượt
lên những thách thưc mới đặt ra từ phía Trung Quốc, hoặc bị những thách
thức mới của Trung Quốc vượt qua.
Tóm lại, về nhiều phương diện như đã trình bầy trên, bao gồm cả những
hạn chế ban đầu không thể tránh khỏi, siêu cường đang lên Trung Quốc
buộc phải lựa chọn Đông Nam Á là địa bàn chính cho việc bành trướng
quyền lực. Mỹ nhất thiết phải tiến hành chiến lược “pivot to Asia &
Pacific” và TPP để kiểm soát tình hình. Thực tế này sẽ tạo ra những nhân
tố căng thẳng mới trong khu vực. Không phải ngẫu nhiên Mỹ coi Đông Nam Á
là trọng tâm trong những nỗ lực chuyển hướng mới của mình.
Gần đây nhất, nghĩa là chỉ ít lâu sau vòng đối thoại kinh tế &
chiến lược lần thứ 5 (Obama – Tập Cận Bình ngày 7 và 8-06-2013), tổng
thống Obama ngày 11-07-2013 đã lên tiếng phê phán những hoạt đông nguy
hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông, đòi Trung Quốc phải giải
quyết những tranh chấp bằng thương lượng hòa bình và tuân thủ luật pháp
quốc tế. Tiếp đến là Thượng viện Mỹ ngày 03-08-2013 thông qua nghị quyết
167 lên án Trung Quốc cùng nội dung, thúc giục Trung Quốc phải sớm tham
gia COC[42].
Trung Quốc phản pháo lại rất gay gắt: “Trung Quốc không bao giờ từ bỏ
các quyền và lợi ích chính đáng của mình trên biển, không bao giờ hy
sinh lợi ích quốc gia cốt lõi của mình… Trung Quốc sẵn sàng đối phó với
mọi diễn biến phức tạp, tăng cường khả năng bảo vệ các quyền và lợi ích
của mình trên biển, kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích của mình trên
biển…’’ Tập Cẩm Bình nhấn mạnh như thế với hàm ý muốn làm cho mọi người
hiểu: chỉ có “thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc, gác tranh chấp, cùng
khai thác” là lối ra… (Reuters 31-07-2013). Phát biểu của Tập Cẩm Bình
31-07-2013 là nhiệt kế đo điểm nóng nguy hiểm trên Biển Đông.
Xin đặc biệt lưu ý: Mỹ chuyển hướng chiến lược vào
CA-TBD / ĐNA là nhân tố kiềm chế quan trọng tham vọng bá quyền Biển Đông
của Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ kiên định sự chuyển hướng này đến đâu,
còn phụ thuộc không ít vào ý chí và sự hợp tác giữa các nước ASEAN với
nhau, vào ý chí của nhóm nước này dấn thân cho hòa bình, cho bảo vệ chủ
quyền và các quyền lợi chính đáng của mình trên Biển Đông. Không có bất
cứ cái gì “free lunch” cho các quốc gia Đông Nam Á trong toàn bộ câu
chuyện Biển Đông. Không phải không có lý do, ngay từ đầu Mỹ tuyên bố đòi
phải bảo đảm lưu thông tự do trên Biển Đông, mọi tranh chấp phải giải
quyết bằng thương lượng trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhưng nói rõ Mỹ
không can thiệp vào tranh chấp biển – đảo.
VI - Siêu cường Trung Quốc không thể lãnh đạo thế giới
Vào khoảng giữa thế kỷ này hoặc sớm hơn chút ít Trung Quốc có thể trở
thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, điều này là hiện thực. Nhưng cũng
trong khoảng thời gian dự đoán được như thế hoặc xa hơn chút nữa, hầu
như chắc chắn không thể có một siêu cường Trung Quốc lãnh đạo thế giới
hay sắm vai trò số 1 như Mỹ đang làm.
Sau đây là một số lập luận chính cho nhận định nói trên.
Một là: Trước hết lịch sử thế giới chưa từng có một
siêu cường nào đủ quyền lực lãnh đạo cả thế giới. Trong lịch sử thế giới
cận đại và trong nấc thang phát triển của thế giới hiện tại lại càng
không! Thế giới dù phải sống trong một trật tự chung nào đấy của quá
trình toàn cầu hóa, song vẫn là phân ra thành các mảng lớn khác nhau.
(Cũng có thể nói theo cách khác: Thế giới ngày nay quá trưởng thành để
chấp nhận một sự lãnh đạo nào đó của một ai, dù đấy là siêu cường Mỹ).
Lịch sử thế giới không thiếu những khát vọng điên cuồng muốn làm như
thế, nhưng đều thất bại. Thời chúng ta đang sống, có thể tổng thống Bush
ít nhiều đã mơ ước cái gì đó to tát na ná như điều này - vì những lý do
dễ hiểu đã xuất hiện trong thời kỳ hậu chiến tranh lạnh và sau sự kiện
11-09-2001. Song phải chăng chính mơ ước này đã dẫn tổng thống Bush đến
chiến tranh Iraq (2003 – 2010) và chung cuộc chịu thất bại trong chiến
tranh này?
Cho đến nay, nhất là trong nấc thang văn minh của thời đại
ngày nay, chỉ có tư tưởng nhân văn cùng với các giá trị nổi bật của nó
mới có thể có tác động nhất định vào quá trình hình thành xu thế phát
triển, hay là trở thành tinh thần hướng dẫn, hấp dẫn xu thế phát triển
của thế giới – được gọi dưới cái tên chung là các giá trị toàn cầu.
Ở nấc thang phát triển của thế giới hôm nay, chính xu thế này vừa ngày
càng trở thành nguồn gốc sức mạnh, vừa trở thành ngọn cờ tập hợp lực
lượng của hầu hết các nước phát triển. (Điều này hoàn toàn khác với tất
cả những gì được mô tả trong cái gọi là “xu thế tất yếu của thời đại là
tiến lên chủ nghĩa xã hội” và được minh họa bằng sự tồn tại và phát
triển của 4 nước XHCN còn sót lại như đang được giảng giải trong các
trường đảng ở nước ta, trong một số giáo trình chính trị và trong không
ít phát biểu của một số người lãnh đạo).
Đối với một quốc gia cũng như một dân tộc, một con người trong thế
giới văn minh ở trình độ phát triển hôm nay, nhận thức đầy đủ sự thật
nêu trên như một chân lý và các giá trị toàn cầu là điều vô cùng quan
trọng cho việc tự định đoạt số phận và tương lai của chính mình[43].
Hiển nhiên Trung Quốc hôm nay không thể đề ra được bất kỳ tư tưởng,
quan niệm hay giá trị nổi bật nào có sức hấp dẫn hay là tác động tích
cực vào xu thế phát triển của thế giới. Thậm chí Trung Quốc cũng không
đứng trong hàng ngũ các nước đi tiên phong theo đuổi những giá trị toàn
cầu ngày nay. Giá trị mà Trung Quốc muốn là chính nước Trung Quốc sẽ
định hướng những quan niệm và giá trị của thế giới, chứ không phải ai
khác… (“Giấc mơ Trung Quốc” – Lưu Minh Phúc, Đại học Quốc phòng, Bắc
Kinh).
Văn hóa Trung Quốc nói chung, nền văn minh Trung Hoa rực rỡ một thời
nói riêng, có những đóng góp quý báu vào kho tàng văn minh nhân loại,
trong đó có những giá trị phổ cập đóng góp vào những giá trị chung của
chân - thiện - mỹ. Ví dụ, những giá trị như nhân – nghĩa – lễ - trí –
tín ngày nay vẫn là những giá trị bền vững trong đạo đức học (ethic). Dĩ
nhiên, những giá trị này cũng nằm trong những giá trị nhân bản phổ cập
của nhân loại từ ngàn xưa, được văn hóa Trung Quốc – trước hết là Khổng
giáo – quan tâm đúc kết, và không tránh khỏi thấm nhuộm màu sắc văn hóa
Trung Quốc. Nội hàm của các giá trị bao giờ cũng thường xuyên phát triển
trong sự phát triển chung của văn minh nhân loại qua các thời đại.
Song văn hóa đại Trung Hoa với khát vọng lấy lại 5 thế kỷ đánh mất,
cùng với mọi chuẩn mực gói ghém trong phạm trù “chủ nghĩa xã hội đặc sắc
Trung Quốc” đang làm nên cường quốc Trung Quốc hôm nay, hiển nhiên rất
khác, rất khó hòa nhập, hoặc thậm chí hàm chứa không ít mâu thuẫn đối
kháng với những gì nằm trong các giá trị toàn cầu đang thôi thúc sự phát
triển của văn minh nhân loại.
Văn hóa đại Trung Hoa như vậy cùng với những chuẩn mực làm thành nội
hàm của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc có thể đang làm nên “giấc mơ
Trung Quốc” hôm nay của không ít người Trung Quốc. Người ta nói ông Tập
Cẩm Bình đã từng diễn giải ngắn gọn giấc mơ này như sau: Đó là một
Trung Quốc của tầng lớp trung lưu nhỏ và có quân đội mạnh chống lại bất
kể kẻ thù nào… (Willy Lam)[44]…
Rõ ràng giấc mơ Trung Quốc như thế rất khác với “giấc mơ Mỹ” như
Obama đã nhiều lần đề cập khi tranh cử, và càng khác với những quan niệm
và các giá trị toàn cầu đang hướng dẫn hay hấp sự phát triển của văn
minh nhân loại ngày nay như đã trình bầy trong các phần trên của bài
viết này.
Thế giới đã chứng kiến sự thất bại của Pax Americana. Rồi đây giả thử
xuất hiện một Pax Sinica tái sinh (cứ cho là như vậy), nhân loại sẽ đón
nhận ra sao đây? Từ những gì đang diễn ra trên Biển Đông, có thể suy
luận nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước Đông Nam Á khác hầu như chắc
chắn không muốn chào đón thứ “Pax Sinica” này.
Tuy nhiên, đừng lúc nào quên Trung Quốc đang là mối uy hiếp thường
trực ngày càng nguy hiểm đối với tất cả các nước láng giềng phía Đông và
Đông Nam Á.
Hai là: Trung Quốc về cơ bản còn đang ở nấc thang
của các nước đang phát triển, thậm chí về phương diện nhất định là còn
đang ở nấc thang nước chậm phát triển – nếu xét về các giá trị phổ cập
như đã nêu trên của văn minh nhân loại ngày nay.
Hiện nay tổng sản phẩm quốc nội danh nghĩa tính theo đầu người (GDP
p.c.) của Trung Quốc là 6000 USD (lấy con số tròn), đứng hàng thứ 86/182
trên thế giới, chỉ bằng khoảng 1/8 của Mỹ và bằng ¼ của Hàn Quốc –
(nhưng gấp 4 lần Việt Nam: 1500 USD, đứng hàng thứ 137/182 trên thế
giới)[45]. Song nếu xem xét về mức độ chênh lệch giầu nghèo, những bất
công trong xã hội, tình trạng ô nhiễm môi trường.., Trung Quốc không
tiến xa được bao nhiêu so với nhiều nước đang phát triển khác có mức GDP
p.c. tương đương hoặc nhỏ hơn.
So với họ (ví dụ: Ấn Độ), thậm chí Trung Quốc kém hơn rất nhiều trên
các phương diện thực hiện các quyền tự do dân chủ của nhân dân, quyền
con người, thực hiện các tiêu chí của nhà nước pháp quyền – đặc biệt là
trong những vấn đề công khai minh bạch, trong chế độ chịu trách nhiệm
giải trình, trong chống tham nhũng…
Có câu hỏi: Xem xét nhiều mặt, Trung Quốc và Ấn-độ
gần như cùng chung một khởi điểm phát triển, thế nhưng tại sao GDP p.c.
của Ấn-độ ngày nay chỉ tương tự như của Việt Nam (nghĩa là bằng ¼ của
Trung Quốc)? Phải chăng sự phát triển vượt bậc của Trung Quốc so với
Ấn-độ nói lên tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc?
Nếu muốn so sánh như vậy. có lẽ cũng sẽ phải đặt câu hỏi: Tại sao
cùng là chế độ xã hội chủ nghĩa như nhau do một đảng lãnh đạo (gọi đúng
tên là chế độ toàn trị), khi tiến hành cải cách điểm xuất phát của Trung
Quốc chỉ cao hơn Việt Nam chút ít (chênh lệch GDP p.c. ở thời điểm cải
cách so với Việt Nam khoảng +100 USD), thế nhưng tại sao GDP p.c. của
Trung Quốc bây giờ gấp 4 lần của Việt Nam (chênh lệch GDP p.c. bây giờ
là +4500 USD)? Trung Quốc đã đi được chặng đường dài trên con đường công
nghiệp hóa – hiện đại hóa, từng vùng đã mang tính chất là một nước công
nghiệp, tại sao Việt Nam còn đứng rất xa vời mục tiêu này? Vân… vân…
Như đã trình bầy trong phần viết về kinh tế Trung Quốc bên trên, sự
phát triển của Trung Quốc là hiện tượng độc đáo, với các nguyên nhân như
đã được nêu trên (đúng, sai đến đâu sau này sẽ bàn tiếp). Việt Nam cũng
có trong tay nhiều lợi thế tương tự, nhưng không vận dụng được. Ấn-độ
có lẽ cũng như vậy, mặc dù Ấn-độ có nền dân chủ hơn hẳn Trung Quốc.
Xin nhấn mạnh: Sự phát triển đột xuất của Trung Quốc
rất độc đáo, vô tiền khoáng hậu, nguyên nhân như đã phân tích. Hiện
tượng khác thường này chẳng liên quan gì đến chủ nghĩa xã hội theo học
thuyết Mác như mọi nỗ lực hoài công gán ghép cho nó. CNXH đặc sắc Trung
Quốc chỉ là tên gọi cho một hình thái phát triển đặc trưng không ít máu
và nước mắt của chủ nghĩa tư bản mang văn hóa Đại Hán trong thế giới
toàn cầu hóa ngày nay mà thôi. CNXH đặc sắc Trung Quốc như thế đến hôm
nay đã xâm phạm và đang tiếp tục uy hiếp nghiêm trọng lợi ích chính đáng
và chủ quyền quốc gia của nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam[46].
Có thể nói, kinh tế Trung Quốc ngày nay đủ mạnh và có một số phương
tiện uy hiếp hay lũng đoạn được nhiều nước, nhất là các nước đang phát
triển; có khả năng nhất định thao túng hay can thiệp một số vấn đề nào
đó của kinh tế thế giới – ví dụ vấn đề tỷ giá, các vấn đề liên quan đến
chủ nghĩa con buôn (mercantilism), chiến tranh mạng…
Cần tỉnh táo thấy rằng Trung Quốc vẫn đang trên đà tiếp tục tăng
trưởng và phát triển, vì các yếu tố nội tại và bên ngoài vẫn đang cho
phép như vậy. Cho đến nay có biết bao nhiêu dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ
sớm sụp đổ, vì chứa đựng nhiều khủng hoảng không thể cứu vãn, vì nhiều
thứ vân vân khác… Song chẳng có dự báo nào đã xảy ra, vài ba thập kỷ tới
chắc cũng thế[47].
Không ít người đi thăm Trung Quốc về kể cho tôi nghe một ấn tượng
chung: “Trung Quốc phải trở thành siêu cường lãnh đạo thế giới!” - điều
này gần như là một chất keo dính kết quốc gia khổng lồ này! Một thứ chủ
nghĩa sô-vanh nước lớn kiểu Trung Quốc?
Hiện tượng Trung Quốc khác thường này không thể dùng những quan điểm
học thuật thuần túy để lý giải. Phải chăng đây là một khúc quanh của
lịch sử: Một dạng trỗi dậy trở lại của văn hóa Đại Hán, nhờ vào những
yếu tố và đặc điểm của toàn cầu hóa thời đại ngày nay!? Chủ nghĩa dân
tộc ở quốc gia 1,3 tỷ dân này đang được thứ văn hóa này nuôi dưỡng, đến
mức đang xuất hiện một giấc mơ Trung Quốc, na ná như một thứ đạo Đại
Hán, tinh thần Đại Hán, chủ nghĩa Đại Hán… – được nuôi dưỡng bằng Khổng
giáo – tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ..! Nghĩa là trở thành
lãnh đạo thế giới thì không thể, và chắc Trung Quốc cũng chẳng cần.
Nhưng khát vọng bình thiên hạ, thì sẵn có trong hơi thở Trung Quốc từ
ngàn xưa. Đượm màu sắc văn hóa như vậy ở thời hiện đại này[48], nên thế
giới sẽ càng mệt! Vì thế vấn đề Trung Quốc càng thực sự sâu sắc, càng
trở thành vấn đề của cả thế giới.
Nếu liều đoán, cùng lắm cũng chỉ có thể nói mò: Xu thế phát triển
hiện nay của Trung Quốc chỉ thay đổi một khi sự vận động tự thân của các
yếu tố bên trong của Trung Quốc không kiểm soát được nữa. Dù quan trọng
đến mức nào, các yếu tố bên ngoài chỉ có vai trò hỗ trợ cho sự vận động
này. Hiển nhiên, đây là câu chuyện của thập kỷ, của nhiều thập kỷ.
Song cho dù một khi trở thành nền kinh tế số 1 thế giới (về tổng
lượng GDP), kinh tế Trung Quốc đến lúc ấy dự báo cũng chỉ chiếm tới 1/10
- 1/8 kinh tế thế giới, có nghĩa kinh tế Trung Quốc phụ thuộc rất lớn
vào kinh tế thế giới. Điều này có nghĩa khó lòng Trung Quốc có thể làm
mưa làm gió hơn hôm nay. Bởi vì đến lúc ấy, các nền kinh tế khác cũng sẽ
lớn hơn, thiên hạ cũng sẽ ngày một khôn hơn. Chưa nói đến khoảng cách
vài chục năm với phương Tây về tiến bộ khoa học kỹ thuật, về công nghệ,
về năng lực tổ chức và quản lý xã hội… Trung Quốc không dễ gì vượt qua.
Người Trung Quốc có câu “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” – hiểu nôm na theo
ngôn ngữ người châu Âu: xem anh chơi với ai, tôi sẽ biết ngay anh là
ai![49] Quyền lực mềm của Trung Quốc có nhiều đối tác lắm. Cứ xem các
đối tác của Trung Quốc khắp thế giới là ai, làm ăn cái gì và với ai, tìm
hiểu tại sao chủ nghĩa thực dân con rồng lại thành công hơn tất cả các
bậc đàn anh của nó ngày xưa (dù là Anh, Pháp, Bồ-đào-nha…), xem Trung
Quốc hành xử với các nước láng giềng, xem Trung Quốc ủng hộ những vấn đề
gì và chống vấn đề gì trên thế giới.., hoàn toàn không khó để nhận biết
khả năng và bản chất sự tập hợp lực lượng của Trung Quốc trong thế giới
này nay, kể cả một khi Trung Quốc trở thành siêu cường…
Một tập hợp lực lượng như thế có thể gây ra những ảnh hưởng lũng
đoạn, song không bao giờ và hoàn toàn không thể có ảnh hưởng lãnh đạo
thế giới.
Có thể dự báo khái quát:
1. Rồi đây, dù là một khi Trung Quốc trở thành cường quốc có nền kinh
tế lớn số 1, song hầu như chắc chắn đó chỉ là trên phương diện tính
toán khối lượng GDP. Trung Quốc sẽ không đủ lực và hoàn toàn không thể
có phép lạ gì để tạo ra cho mình sứ mệnh tinh thần thực hiện một tập hợp
lực lượng để dấy lên ở trên thế giới ngày nay một cái ảnh hưởng hay
trào lưu gì đó - ở quy mô và theo cách nào đó… ví dụ như một thời Liên
Xô đã từng làm – mặc dù về sau Liên Xô sụp đổ[50]. Hơn nữa, siêu cường
nước kinh tế lớn số 1 này không có hoài bão hay mục đích thực hiện một
tập hợp lực lượng như Liên Xô hồi ấy đã từng làm. Trung Quốc chỉ có giấc
mơ “bình thiên hạ” và sự nham hiểm của quyền lực đặc sắc Trung Quốc.
Vì bản chất sự phát triển và ý đồ của nó có nhiều cái cơ bản trái
chiều với các giá trị toàn cầu, Trung Quốc không có khả năng trở thành
siêu cường lãnh đạo thế giới.
2. Nếu có làm được gì trong tập hợp lực lượng trên thế giới, siêu
cường nước kinh tế lớn số 1 thế giới này lúc ấy chắc sẽ không thể đi xa
hơn bao nhiêu những gì nó đã và đang làm được mấy thập kỷ nay và đã được
trình bầy trong các phần trên của bài viết này – về cơ bản đấy sẽ là
tập hợp lực lượng của những lợi ích thực dụng và lợi dụng lẫn nhau.
Đương nhiên, trong những bối cảnh nhất định, sự tập hợp lực lượng như
thế sẽ không kém phần nguy hiểm cho hòa bình và ổn định (ví dụ: khả năng
về hình thành một trục Trung – Nga trong một số vấn đề nhất định, quan
hệ Trung – Nga trong vấn đề Syri, Trung Quốc trong vấn đề Bắc Triều
Tiên, quan hệ Trung Quốc – Pakistan – thế giới đạo Hồi, sự leo thang
tình hình căng thẳng trên Biển Đông…).
Tuy nhiên đến lúc ấy siêu cường Trung Quốc cũng khó có khả năng thách
thức Mỹ nói riêng và thế giới phương Tây nói chung về quân sự; nhưng
đối với các nước nhỏ láng giềng thì không hẳn thế, thậm chí tùy hoàn
cảnh có khi hoàn toàn ngược lại.
Siêu cường nước kinh tế lớn số 1 này chắc chắn đặt ra cho thế giới
nhiều thách thức mới về kinh tế và văn hóa. Song nếu Trung Quốc quá đà
và phạm sai lầm lớn, phản ứng của thế giới còn lại sẽ không dễ gì Trung
Quốc có thể vượt qua được, và sẽ phải trả giá.
Giả định rằng siêu cường nước kinh tế lớn số 1 này có tham vọng làm
mọi việc để lấy lại 5 thế kỷ đánh mất, thế giới còn lại có thể sẽ có
thêm những thách thức mới và những phiền toái mới – chắc sẽ không ít đau
đớn. Song hầu như chắc chắn kết cục chung cuộc của phiêu lưu này sẽ là
sự phân rã: Trong kịch bản này, ĐCSTQ sẽ không còn tồn tại nữa, đại
Trung Quốc có thể phân rã thành một số nước Trung Quốc. Kịch bản phiêu
lưu đẫm máu này chắc lãnh đạo ĐCSTQ không muốn, và có thể cũng không
dám; thế giới còn lại chắc chắn càng không muốn phải trả giá theo cho
lỗi lầm này của Trung Quốc.
3. Trong một khoảng thời gian nhất định, kể cả đến khi trở thành nước
có nền kinh tế lớn nhất thế giới, không thấy có khả năng xẩy ra cải
cách thể chế chính trị với đúng nghĩa ở Trung Quốc – ngoại trừ những cải
cách nhỏ và rất cục bộ, chỉ nhằm đáp ứng cho yêu cầu bảo đảm mức độ
tăng trưởng giữ cho chế độ không sụp đổ hoặc tránh được khủng hoảng lớn.
Đối với thế giới bên ngoài, thực tế vừa nêu trên có nghĩa
phải tìm cách sống cùng được và chế ngự được một Trung Quốc như hiện nay
thế giới đang có. Một thách thức hoàn toàn mới. Đối với các nước láng
giềng Trung Quốc: Phải tìm cách sống chung với lũ.
Lý do cơ bản là: Cho đến khi có được một cuộc cải cách sâu rộng thể
chế chính trị, nhìn chung Trung Quốc không thừa nhận, không muốn đi cùng
chiều với các giá trị toàn cầu – bởi vì bản chất sự phát triển của nó
đặt ra như thế, lại thêm di sản của văn hóa Đại Hán, văn hóa thiên
triều.
4. Tình hình các mặt hiện nay của Trung Quốc cho thấy: Trong một
tương lai xác định được, không có chuyện xảy ra một Trung Quốc đổ vỡ do
thất bại trong kiểm soát các vấn đề đối nội. Sự kiện Thiên An Môn, các
sự kiện gần đây ở Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông… cho thấy lãnh đạo Trung
Quốc sẵn sàng ngăn chặn và ngăn chặn được khả năng này với bất kỳ giá
nào.
5. Tuy bị đàn áp quyết liệt, thăng trầm tùy lúc khác nhau, thực tế
đang cho thấy xu thế cải cách ở Trung Quốc vẫn âm ỷ tồn tại, không thể
tiêu diệt được, đến một lúc nào đó có thể phát triển mạnh – ví dụ đến
một khi lực lượng trung lưu có vị trí áp đảo trong xã hội Trung Quốc...
Bởi vì đó là sự vận động tất yếu của những mâu thuẫn xã hội nội tại đang
ngày càng tích tụ ngay trong lòng Trung Quốc. Đã thế, càng phát triển
sự phụ thuộc của Trung Quốc vào thế giới bên ngoài sẽ càng lớn (ví dụ:
ngay từ bây giờ Trung Quốc đã phải tuân thủ ở phạm vi nhất định những
chuẩn mực của WTO, của UNO… thì mới có thể giao lưu được với thế giới
bên ngoài).
6. (a) Sự vận động của các mâu thuẫn nội tại trong xã hội Trung Quốc,
(b) cùng với sự phát triển của giới trung lưu, (c)áp lực phải thích
nghi với các chuẩn mực quốc tế để phát triển – có lẽ đấy là 3 yếu tố
chính thúc đảy quá trình cải cách thể chế chính trị ở Trung Quốc. Cả 3
yếu tố này đang tiếp tục tăng lên. Có một sự thật: Trong cuộc sống hiện
tại, quyền lực tuyệt đối hiện nay của ĐCSTQ đối với các nhóm lợi ích
đang ngày càng giảm; chính thực tế này mặt nào đó hé lộ sự vận động
không thể cưỡng lại của xã hội Trung Quốc hướng về cải cách. Song vì là
cải cách thể chế chính trị ở nước 1,3 tỷ dân có nền văn hóa Đại Hán, nên
thước đo thời gian có lẽ phải tính bằng nhiều năm, bằng thập kỷ,nhiều
thập kỷ, cả thế kỷ... Có người còn dự báo thế kỷ 21 là thế kỷ Trung Quốc
cơ mà (Schell, Delury…)! Sống cạnh Trung Quốc thì phải tính toán như
thế. Cũng đừng phí thời giờ nghĩ hộ người Trung Quốc nên cải cách như
thế nào, họ thông minh hơn người ngoài rất nhiều trong các vấn đề của
họ… Nhưng cần lưu ý: Mối lo bị phân rã của Trung Quốc cực kỳ nhạy cảm và
là một trong những nguyên nhân chủ yếu đối kháng cải cách thể chế chính
trị - bởi vì nguy cơ phân rã gần như đồng nghĩa với xóa bỏ đế chế Trung
Quốc.
7. Dù không tự nguyện, về cơ bản Trung Quốc chủ yếu vẫn phải lựa chọn
đi với cả thế giới theo cách của Trung Quốc. Vì thế, hòa bình và phát
triển phải luôn luôn được coi là ưu tiên số một của cả thế giới, vì thế
khuyến khích mọi hợp tác có lợi cho hòa bình và phát triển trên cơ sở
bình đẳng + cùng có lợi và bảo đảm tôn trọng chủ quyền của moi bên hữu
quan dù là rất khó, song vẫn phải là mục tiêu phấn đấu của các nước hữu
quan trong các mối quan hệ với Trung Quốc. Đòi hỏi này bao gồm cả sự cần
thiết dành cho Trung Quốc một vị thế quốc tế đúng với ảnh hưởng và
trách nhiệm của nó, tôn trọng những giá trị văn hóa chân chính của Trung
Quốc.
Hợp tác như vậy còn là phương thức làm cho cách đi của Trung Quốc với cả thế giới ngày càng gần với cả thế giới.
8. (a) Nhìn cho rõ bản chất những vấn đề Trung Quốc đặt ra cho thế
giới bên ngoài và (b) tâm lý bài xích Trung Quốc là hai việc hoàn toàn
khác nhau. Bài xích bất kể một nước nào, đều là sai và chỉ dẫn đến mù
quáng. Bài xích Trung Quốc càng như thế, nhưng với hệ quả và cái giá
phải trả sẽ lớn hơn nhiều, và không thể thay đổi được tình hình. Bài
xích Trung Quốc, sợ Trung Quốc, hay dựa vào Trung Quốc đều ngu xuẩn như
nhau, không thay đổi được gì, chỉ tăng thêm cái giá phải trả.
9. Ứng xử của các quốc gia trong quan hệ với Trung Quốc cho thấy: Chỉ
thực hiện được bình đẳng + cùng có lợi trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ
quyền của nhau trong quan hệ với Trung Quốc nếu quốc gia ấy – dù là
nước nhỏ hay lớn – có bản lĩnh đối nội & đối ngoại là chính mình.
Hiểu Trung Quốc là một thách thức, điều này là cần thiết. Song làm thế
nào sống được với thách thức ấy, điều này còn quan trọng hơn nhiều. Vẫn
có khả năng, có con đường biến thách thức ấy thành cơ hội, nếu quyết
cùng với cả thế giới tiếp cận thách thức này, bằng ý chí và trí tuệ với
mục đích như vậy.
10.Siêu cường nước kinh tế lớn số 1 xuất hiện trên bàn cờ thế giới
đồng thời cũng làm cho các “cuộc chơi” giữa các nước lớn phức tạp hơn.
Cụ thể bây giờ một bên là “lợi ích cốt lõi bao gồm đến 80% Biển Đông”
đang đối chọi quyết liệt với bên kia là chiến lược “Pivot to Asia &
Pacific” + TPP. Các nước bên thứ ba phải làm thế nào để bảo tồn được lợi
ích chính đáng và chủ quyền của mình, đồng thời không cho phép biến
nước mình thành sân chơi của các cuộc chơi giữa các ông lớn, hoặc biến
thành vật đổi chác với nhau của các nước lớn. Đây thật là một nhiệm vụ
rất khó. Nước bên thứ ba chỉ có sự lựa chọn: thành hoặc bại! Không có
kịch bản khác.
11.Không có “free lunch” trong tìm cách sống cùng được với “con rồng”
Trung Quốc và chế ngự nó. Mỗi quốc gia dù lớn dù nhỏ đều phải dấn thân
cho những giá trị toàn cầu, để hiệp đồng thúc đẩy xu thế tiến bộ của cả
thế giới – bao gồm cả trong lòng Trung Quốc, để các chuẩn mực của các
giá trị toàn cầu được cả thế giới – bao gồm cả Trung Quốc – cùng nhau
tôn trọng, thực hiện, phát huy. Đã lỗi thời nhìn nhận dân tộc này dân
tộc nọ theo tư duy phân biệt chủng tộc; cần trí tuệ và bản lĩnh xây dựng
mối quan hệ bình đẳng và hữu ái giữa các dân tộc mọi quốc gia trên cơ
sở tôn trọng nhân phẩm và quyền con người – đây chính là một trong những
giá trị toàn cầu, vì nó chúng ta phấn đấu.
Ngày nay, hơn bao giờ hết phẩm chất và bản lĩnh quốc gia, bản lĩnh
dân tộc của mỗi nước trở thành yếu tố tiên quyết quyết định vận mệnh mỗi
nước. Chỉ một đất nước của con người tự do, mới có thể xây dựng, vun
đắp, phát huy phẩm chất và bản lĩnh quốc gia, phẩm chất và bản lĩnh dân
tộc của nước mình.
*
Nhìn toàn cục sự vận động kinh tế thế giới hiện nay trong bối cảnh
trật tự quốc tế một siêu đa cường đang ngày càng định hình rõ nét, có
thể rút ra 3 điều đang lưu ý sau đây:
Một là, sự việc CA – TBD trở thành trung tâm năng
động mới của kinh tế thế giới trong bối cảnh cường quốc kinh tế số 1
(Mỹ) và cường quốc kinh tế số 2 (Trung Quốc) đều coi khu vực này là
trọng tâm, đang tạo ra những căng thẳng mới – đặc biệt là tại khu vực
Đông Nam Á và Biển Đông; trong khi đó những vấn đề “nóng” ở các khu vực
trên thế giới vẫn tiếp tục giữ nguyên cường độ. Mọi quốc gia đều đứng
trước những thách thức và cơ hội mới, đặc biệt trong đó Trung Quốc với
mọi nỗ lực vươn lên siêu cường mang sắc thái Đại Hán đang trở thành vấn
đề của cả thế giới.
Hai là: Những thách thức và cơ hội mới trong cục
diện thế giới hiện nay, với tất cả tính triệt để và tính quyết liệt của
chúng, đang gõ cửa từng quốc gia. “Phải thay đổi!” – điều này ngày nay
trở thành thành đòi hỏi quyết liệt như một mệnh lệnh đối với mọi quốc
gia.
Ba là: Cuộc sống cũng cho thấy tập hợp lực lượng
xoay quanh các giá trị toàn cầu đang trở thành một xu thế, một quyền lực
ngày càng mạnh trong quá trình phát triển của thế giới ngày nay. Mỗi
nước cần vận dụng khả năng mới này tạo ra tập hợp lực lượng để bảo vệ
lợi ích chính đáng của mình, đồng thời thúc đẩy hợp tác: Cùng nhau vì
hòa bình, vì phát triển, chống lại cái “ác” (vấn đề dấn thân).
-----------------------------------------------------------------
[18] Một trong những ấn phẩm đáng chú ý về đề tài này có thể là
cuốn “Death by China” (“Chết dưới tay Trung Quốc”) - (2011) - của Peter
Navarro và Greg Autry. Cuốn sách này đã được nhóm trí thức ở
Montréal / Canada do tiến sỹ Lê Minh Thịnh chủ trì dịch ra tiếng Việt: http://www.vietnam.ca/vi/tai-lieu/cac-bai-viet-dang-luu-y/chet-duoi-tay-trung-quoc.html .
[19] Tham khảo thêm: “China 2030 - Building a Modern, Harmonious, and
Creative Society” do World Bank và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của
Hội đồng Nhà nước nước CHND Trung Hoa soạn thảo.
[20]Tham khảo: Minxin Pei, “The Politics of a Slowing China“, Project Syndicate, ngày 6 Tháng Bảy 2013.
[21]So sánh với những nước có GDP p.c. tương đương với Trung Quốc ,
các số liệu thống kê cho thấy chênh lệch giầu nghèo ở Trung Quốc cao hơn
nhiều, chỉ số gini qua các năm gần đây ở Trung Quốc là 0,5 - 0,6..,
trong khi đó ở những nước so sánh thường là 0,4 (chú ý: chỉ số gini càng
cao, mức chênh lệch giầu nghèo càng lớn).
[22] Tham khảo: Vũ Quang Việt: “Về cải cách sắp tới ở TQ: một cuộc trốc rễ vĩ đại” trên Bô-xit Viêt Nam và các bài báo khác.
[23] Thật ra ngày nay khó tách bạch phạm trù địa kinh tế với phạm trù
địa chính trị, đến mức hai thuật ngữ này bị coi là lỗi thời và hầu như
không còn được sử dụng nữa. Tuy nhiên trong bài viết này, để tiện cho sự
theo dõi của bạn đọc, tôi vẫn “chia đôi” ra như vậy, cũng là để tôi dễ
trình bầy, mong được thông cảm.
[24] Tham khảo thêm: “Chết dưới tay Trung Quốc”, sách đã dẫn, chương 7: “Chết dưới tay con rồng thực dân”.
[25] Khối “BRICS” bao gồm các nước Brasil, Nga, Ấn-độ, Trung Quốc,
Nam Phi; diễn đàn Bác Ngao / Hải Nam hiện nay đang được Trung Quốc nỗ
lực đẩy lên như một diễn đàn kinh tế thế giới kiểu WEF tại Davos.
[26] Tham khảo thêm: “Chết dưới tay Trung Quốc”, sách đã dẫn, chương
4: “Cái chết của nền sản xuất của Hoa Kỳ: Tại sao hàng Mỹ không còn ‘ăn
khách’ (*) nữa?”
[27] Hiểu theo nghĩa sự can thiệp của nhà nước vào thương mại và mọi
hình thức lũng đoạn khác trái với tinh thần WTO. Chỉ cần liên hệ với
thực tiễn quan hệ kinh tế Trung – Việt và những gì thương nhân Trung
Quốc hàng ngày đang làm ở nước ta, cũng có thể hiểu được tính nghiêm
trọng của vấn đề.
[28] Chính giới Trung Quốc đã nhiều lần giải thích “lợi ích cốt lõi”
có nghĩa là Trung Quốc coi các đảo và cái gọi là chủ quyền của Trung
Quốc trên Biển Đông quan trọng như Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông…
[29] Năm 1950 Trung Quốc đã nêu ra “đường lưỡi bò”. Nhưng từ sau khi
Mỹ thất bại trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Trung Quốc mới bắt đầu
tiến hành ráo riết âm mưu “đường lưỡi bò”, năm 2009 Trung Quốc đã chính
thức đưa yêu sách này ra Liên hiệp quốc.
[30] Báo chí Trung Quốc gần đây cho biết: Trong khuôn khổ chiến dịch
Hồng kỳ rực Biển Đông, Trung Quốc huy động xong 6000 tầu cá ra Hải Nam,
sẵn sàng tùy lúc thực hiện sự có mặt khắp nơi trên Biển Đông với sự yểm
hộ của các tầu hải giám và các chiến hạm…
[31] Nên tham khảo thêm Sách trắng “Sự thật về quan hệ Việt Nam -
Trung Quốc trong 30 năm qua” , Nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội 1979, do Bộ
Ngoại giao phát hành, để thấy rõ mọi chiều cạnh quan hệ Việt – Trung
hiện nay.
[32] Tham khảo thêm: R. Kaplan – “Geograpy of Chinese Power: How far
can Beijing reach on Land and at Sea” – tài liệu đã trích dẫn. Bài này
đã được nhóm Nghiên cứu Quốc tế dịch ra tiếng Việt.
[33] Tài liệu đã dẫn.
[34] Loại trừ cách nhìn nhận vấn đề Trung Quốc của Mackinder ít nhiều
có mầu sắc phân biệt chủng tộc, song những nhận định về mối hiểm họa
tiềm tàng Trung Quốc của ông ta là có lý, nhiều nét tương đồng với nhận
xét của người hùng nước Pháp – Napoléon – cũng về vấn đề này.
[35] Trong đó có các lợi thế lao động rẻ, lợi thế cạnh tranh về giá
thành, lợi thế về quy mô thị trường, nhất là những thực tiễn của chủ
nghĩa con buôn (merchandism) luôn luôn là những vũ khí nguy hiểm …
[36] Một ví dụ: Tập đoàn dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) là một
vương quốc riêng cho chính nó, trên thực tế quyền lực nhà nước cũng
không thể xen vào (Willy Lam / Hongkong); cương trực như cựu thủ tướng
Chu Dung Cơ cũng đành bó tay… Các tập đoàn kinh tế quốc doanh của Trung
Quốc đều là như thế.
[37] Tham khảo thêm các bài của Dương Danh Dy viết về Đại hội 18 ĐCSTQ.
[38] Một ví dụ tiêu biểu: Năm 2012 vùng Bordeau đã bán 23 trong tổng
số 37 vườn nho của mình cho Trung Quốc, kèm theo cả công nghệ, các
phương tiện khỹ thuật… Doanh nhân Trung Quốc dự tính phi vụ này sẽ phục
vụ việc phát triển ngành rượu vang ở những vùng thích hợp tại Trung
Quốc, nhiều thương hiệu vang Pháp nổi tiếng ở Bordeau sẽ rơi vào tay
Trung Quốc. Ví dụ này là một trong hàng trăm phi vụ đã xảy ra trong quan
hệ kinh tế với Trung Quốc mấy thập kỷ vừa qua, một hiện tượng đương
nhiên của quá trình toàn cầu hóa.
[39] Campuchia, Malaysia, Singapore, Thái Lan đã có lúc có tiếng nói
không phải là hướng vào hành động chung của ASEAN trong vấn đề Biển
Đông. Việc Philippines đưa v/đ Trung Quốc lấn chiếm Mischief và
Scarborough ra kiện tại tòa án quốc tế, Singapore không công khai không
tán thành, các nước ASEAN khác – trong đó có Việt Nam - im lặng…
[40] Ví dụ: Trong chiến tranh Triều Tiên, mang cái tên là “Cuộc kháng
chiến chống Mỹ viện Triều”, ban đầu Trung Quốc thắng nhiều trận đánh
lớn, nhưng chung cuộc Trung Quốc thua cả cuộc chiến vì đã thất bại trong
việc thực hiện những mưu đồ quyết định xúc tiến chiến tranh. Riêng
trong chiến tranh 17-02-1979 chống Việt Nam Trung Quốc đánh lớn đúng 1
tháng 1 ngày (kết thúc 18-03-1979 với những tính toán rất kỹ lưỡng, sau
đó chuyển sang bắn phá và lấn chiếm biên giới kéo dài đến 1989. Liên Xô
cũ trong chiến tranh Afghanistan, Mỹ trong chiến tranh Iraq và
Afganistan vừa qua… cũng là những ví dụ thuyết phục.
[41] Lúc đó Trung Quốc có nhiều vấn đề nội bộ cần hướng ra ngoài để
giảm áp lực, cần nâng cao thanh thế của Đặng Tiểu Bình vừa mới được phục
hồi, có yêu cầu phải kiềm chế Việt Nam trong vấn đề Campuchia, nhận
được thái độ bật đèn vàng của tổng thống J. Carter và tâm lý hội chứng
Việt Nam của giới cầm quyền Mỹ, lại vào thời điểm Liên Xô đang trên đà
đi xuống, Việt Nam đang khủng hoảng kinh tế nặng nề… Tham khảo thêm ý
kiến của Dương Danh Dy: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/02/110217_1979_war_history.shtml .
[42] Tình hình thực tế này cho phép suy đoán đối thoại kinh tế &
chiến lược vòng 5 vừa qua không đem lại bước đột phá nào cải thiện quan
hệ Mỹ - Trung.
[43] Ở nước ta, rất tiếc rằng sự thật gần như là một chân lý này đang
bị ý thức hệ, những tư duy dị giáo khác và sự ngu dốt che lấp hay vùi
dập. Đây là một trong những vấn nạn gốc đau lòng của nước ta, nhất thiết
phải sớm được khắc phục - để nhìn rõ thực trạng khắc nghiệt hiện nay
của đất nước, song quan trọng hơn thế là để giải phóng nghị lực sáng tạo
và mọi tiềm năng kiến tạo lại và phát triển của quốc gia.
[44] Tham khảo thêm: Lưu Minh Phúc - “Giấc mơ Trung Quốc”, Nguyễn Hải Hoành dịch.
[45] Thống kê của IMF 2012.
[46] Tham khảo: Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng, diễn văn tại
trường đảng cao cấp Cuba Nico Lopez – VOV 11-04-2012.: “…Trung Quốc,
Việt Nam, Lào,…đang đổi mới thành công, giành được nhiều thành tựu và
tiếp tục vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Cuba vẫn hiên ngang đứng
vững, vẫn là tấm gương sáng về tiến bộ và công bằng xã hội, về đoàn kết
quốc tế, về tinh thần bất khuất vì tự do cho các dân tộc và phẩm giá con
người. Và những bước tiến cách mạng đang diễn ra ở Vênêxuêla, Bôlivia,
Êcuađo... cùng sự lớn mạnh của các phong trào cánh tả tại nhiều nước Mỹ
Latinh khác thể hiện trào lưu hướng tới chủ nghĩa xã hội đang nổi lên
mạnh mẽ tại Tây Bán cầu này. Các nước xã hội chủ nghĩa khác tại Châu Á
vẫn tiếp tục con đường tiến lên phía trước. Nhiều đảng cánh tả, các
phong trào nhân dân tiến bộ các nước tại các châu lục ngày càng giương
cao khẩu hiệu đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội và xác định ngày càng rõ
rằng đây là sự lựa chọn duy nhất đúng để vượt qua những bế tắc của mô
hình phát triển đang khủng hoảng hiện nay. Đó là những bằng chứng đầy
khích lệ về sức sống của chủ nghĩa xã hội…”
[47] Xin nhắc lại: Goldman Sachs và không ít cơ quan nghiên cứu khác
dự báo Kinh tế Trung Quốc sẽ lớn vượt Mỹ vào đầu thập kỷ 2040. Nên thấy
rõ những đặc trưng của Trung Quốc đã được trình bày trong các phần trên
để cắt nghĩa tại sao Trung Quốc với mô hình hiện này vẫn có thể tiếp tục
thời kỳ phát triển của nó trong một tương lai nhất định.
[48] S. P Huntington trong “The Clash of Civilizations and the
Remaking of World Order”, xuất bản 1996, cho rằng thời đại đấu tranh ý
thức hệ đã chấm dứt; ngoài những mối quan hệ mọi mặt vốn có trong đời
sống giữa các quốc gia, đang ngày càng nổi lên sự đụng độ có nguồn gốc
từ các nền văn minh khác nhau, thường dẫn đến sự đụng độ giữa nhóm nước
này với nhóm nước kia. Đặt vấn đề như vậy, Huntington chủ yếu cảnh báo
phải nhìn thấy đặc thù này trong khi tìm cách xử lý các đụng độ và qua
đó tái tạo lại trật tự thế giới.
[49] Người Đức nói: “Sag mir mit wem du gehst, ich sage dir wer du bist.”
[50] Xin lưu ý: Một sự thật lịch sử là Liên Xô đã một thời giương cao
được ngọn cờ của chủ nghĩa xã hội, có ảnh hưởng quyết định trong việc
hình thành hệ thống thế giới xã hội chủ nghĩa, hậu thuẫn mạnh mẽ phong
trào giành độc lập dân tộc của các nước thuộc địa sau chiến tranh thế
giới II, hình thành được một tập hợp lực lượng chế ngự 1/3 địa cầu.
Ngoài lực, sự tập hợp này còn do Liên Xô đã phát huy được những giá trị
lúc đó đang là khát vọng của một bộ phận đông đảo nhân loại trên 2
phương diện: (a) Những lý tưởng tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội; (b) khát
vọng độc lập dân tộc của các nước thuộc địa. Khi phong trào giành lại
độc lập dân tộc đã hoàn thành sứ mệnh của nó và kết thúc, khi những lý
tưởng của chủ nghĩa xã hội sau này chứng tỏ không thể trở thành hiện
thực trong thể chế chính trị toàn trị, Liên Xô sụp đổ, tập hợp lực lượng
do Liên Xô đứng đầu tan biến. Trên thế giới bây giờ chỉ còn lại một số
rất ít đảng cộng sản. Nhưng phong trào cộng sản và công nhân quốc tế
như một thời đã từng tồn tại đã hoàn toàn đi vào dĩ vãng.