Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

Suy ngẫm về thời cuộc (1)

Nguyễn Trung
Nội dung
Dẫn đề
I – Vài nét về thế giới hôm nay
II – Đôi lời về Mỹ
III – Đôi điều lưu ý về Mỹ
IV - Trung Quốc trở thành vấn đề của cả thế giới
V - Siêu cường đang lên Trung Quốc có thể với tới đâu
VI – Siêu cường Trung Quốc không thể lãnh đạo thế giới
VII – Nhìn lại chặng đường 38 năm
VIII - Thách thức, cơ hội và sự lựa chọn của Việt Nam
Tài liệu tham khảo
*
Dẫn đề
Ngày 12-07-2013, một ngày như mọi ngày. Song đây là ngày tôi bắt đầu sưu tầm các tài liệu cho việc ghi lại những suy ngẫm của mình về thời cuộc. Lên mạng, thấy các kênh truyền thông trong nước đưa tin:
- Phát huy kết quả chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Chủ tịch Trương Tấn Sang;

- Phó tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó thủ tướng Trung Quốc Uông Dương khai mạc vòng đối thoại song phương (hàng năm, lần thứ 5) về Chiến lược và Kinh tế;
- Tin Tổng thống Obama sẽ đón tiếp Chủ tịch Trương Tân Sang vào ngày 25-07-2013;
- Hai tầu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị hải quân Trung Quốc tấn công, chặt cờ, cướp săng dầu và thiết bị, hành hung ngư dân… trong vùng biển Hoàng Sa; cựu Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, ông Lương Lê Phương, lên tiếng: “…phải hỗ trợ ngư dân khi đánh bắt trên biển. Phải thành lập lực lượng kiểm ngư mạnh, đủ tầm để bảo vệ ngư dân khi đánh bắt xa bờ…"
- Thương lái Trung Quốc hoành hành khắp các vùng từ Bắc chí Nam trong cả nước ta, thực hiện nhiều hoạt động lũng đoạn như: thu gom mua vải thiều, dìm giá nhãn đang vào mùa, thu mua các hàng độc như móng trâu, rễ quế, đỉa, râu ngô, lá điều, mua vơ vét dừa khiến nhiều nhà máy chế biến dừa của ta chỉ còn hoạt động được khoảng 1/3 công suất…
- Trung Quốc phản ứng dữ dội bác bỏ Sách trắng Quốc phòng 2013 của Nhật…
- Hải quân hai nước Nga và Trung Quốc lần đầu tiên cùng nhau tập trận lớn…
- Vụ Edward J. Snowden rầm rĩ báo chí mọi phương trời và gây rắc rối cho một số nước …
- Liên hiệp quốc tiếp tục bó tay trong vấn đề nội chiến Syri đã kéo dài hơn 30 tháng không làm sao có được giải pháp, vì Nga và Trung Quốc đi với chính quyền Asad và sử quyền veto ngăn cản mọi quyết định của Hội đồng Bảo an LHQ; Mỹ và phương Tây không chấp nhận chính quyền tàn sát phong trào nổi dậy…
- IMF dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới 2013 giảm –0,2% so với 2012 vì những khó khăn của những nền kinh tế lớn và các châu lục còn nguyên vẹn…
Vân vân…
Trong một ngày như mọi ngày, những mẩu tin như vậy có vẻ như rời rạc, chẳng ăn nhằm gì với nhau, nhưng lại phản ánh đầy đủ nhất tình hình địa chính trị toàn cầu đầy xáo động đang diễn ra và những tác động vào Việt Nam. Đời sống quốc tế hiện tại là sự tổng hợp những ngày đầy ắp những sự kiện nóng bỏng như thế.
Tìm hiểu những chuyển biến đang diễn ra trên bàn cờ quốc tế hôm nay và nhận định xu thế của chúng với những phân tích khách quan, để rút ra những đánh giá, nhận định cần thiết, đấy là mong muốn của chuyên đề này.
*
I - Vài nét về thế giới hôm nay
(1) Việc Mỹ dưới thời Obama (nhiệm kỳ I bắt đầu từ ngày 20-01-2009) tìm cách mau chóng rút ra khỏi chiến trường Iraq và Afghanistan để tập trung sự quan tâm của mình vào chính sách “trục xoay hướng về châu Á – Thái Bình Dương” (ngoại trưởng Hillary Clinton công bố ngày 14-10-2011); (2) việc Trung Quốc với tính cách là nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới (sau Mỹ) đã thôi náu mình trong cái vỏ “trỗi dậy hòa bình” để công khai tham lam hơn trên thị trường thế giới và hiếu chiến hơn trên Biển Đông, qua đó đang trở thành mối lo của cả thế giới; và (3) tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay tiếp tục kéo dài, thậm chí đang ngày càng đặm nét của một cuộc đại suy thoái toàn cầu lần thứ hai (lần thứ nhất là cuộc đại suy thoái toàn cầu 1929 – 1933), có lẽ đấy là 3 yếu tố nổi bật nhất chi phối tình hình địa chính trị và địa kinh tế toàn cầu hiện nay.
Hệ quả là tất cả các quốc gia trên thế giới, dù lớn dù nhỏ, dù tọa độ tại châu lục hay vùng nào, đều phải đối mặt với nhiều vấn đề kinh tế, nhiều vấn đề chính trị (đối nội cũng như đối ngoại) mà trước đây họ chưa bao giờ gặp phải:
- Trong quá trình toàn cầu hóa ở giai đoạn hiện tại, sự vận động của kinh tế thế giới đặt ra cho mọi quốc gia những đòi hỏi mới về cải cách và cấu trúc mới nền kinh tế nước mình, nhằm phát huy tốt hơn động lực của nội địa và tạo ra năng lực cạnh tranh mới. Những đòi hỏi và thách thức mới này sâu xa đến mức kinh tế của mỗi nước gần như phải làm mới mình về cấu trúc và hệ điều hành, để thích nghi và phát triển được trong bối cảnh quốc tế hôm nay.
- Thể chế chính trị và chính sách đối ngoại của mỗi quốc gia bắt buộc phải đáp ứng được những đòi hỏi mới của phát triển kinh tế trong nước cũng như những vấn đề mới trong trật tự quốc tế “một siêu đa cường” đã hình thành; những thách thức truyền thống và phi truyền thống trong quan hệ quốc tế tiếp tục đan xen nhau rất phức tạp; xung đột lợi ích và tập hợp lực lượng trong các mối quan hệ song phương, đa phương, khu vực, quốc tế ngày càng đa dạng và phức tạp. Ở nấc thang mới hiện nay của quá trình toàn cầu hóa, hơn bao giờ hết thể chế chính trị của một quốc gia một mặt phải đáp ứng tốt nhất những chuẩn mực quốc tế chung, mặt khác nó còn phải có khả năng phát huy tối đa nội lực của mình trong xử lý mọi vấn đề nó phải đối mặt.
- Trong những biến động mới của một trật tự một siêu đa cường đã hình thành, những đòi hỏi truyền thống của nhân loại (1) về hòa bình, (2) về phát triển, (3) về dân chủ và quyền con người, (4) và về gìn giữ môi trường… là những giá trị toàn cầu phổ cập, đang ngày càng được chú trọng hơn trong các chuẩn mực chi phối các mối quan hệ và trật tự quốc tế. Trật tự quốc tế mới một mặt làm xuất hiện những tập hợp lực lượng mới, song đồng thời cũng ngày càng chịu sự chi phối của những giá trị toàn cầu này. Nói một cách khác: Những giá trị này có tính phổ cập toàn cầu ngày càng cao và trở thành một xu thế chung ngày càng lớn. Các tập hợp lực lượng đang diễn ra trong trật tự quốc tế mới hôm nay đều tận dụng, lợi dụng, hay bám vào sự vận động này. Quốc gia nào thành công nhiều nhất trong phấn đấu cho những giá trị toàn cầu này, sẽ có được tập hợp lực lượng đáng mong muốn nhất cho chính mình.
II – Đôi lời về Mỹ
Trong giới nghiên cứu không ít ý kiến cho rằng Mỹ là một siêu cường đang đi xuống. Cách đánh giá này dựa vào nhận định chung cho rằng ảnh hưởng của siêu cường Mỹ đang “nhỏ” đi (a) so với thời cao điểm sau khi kết thúc chiến tranh lạnh (các nước Liên Xô – Đông Âu sụp đổ 1989-1991), (b) so với kết quả đạt được trong những vấn đề nó phải giải quyết, (c) so với những thách thức mới nó phải đương đầu, và (d) so với sự lớn mạnh của các cường quốc khu vực và một số quốc gia đối tác / đối thủ. Nói một cách khác: Nước Mỹ đang ngày càng chậm hơn so với những diễn tiến trên thế giới liên quan đến nó, ngày càng nhỏ đi so với vị thế siêu cường duy nhất của nó[2].
Có rất nhiều số liệu và dữ kiện làm căn cứ cho nhận định nói trên.
- Về kinh tế Mỹ, cuộc khủng hoảng bắt đầu từ năm 2008 mang tính khủng hoảng cơ cấu và thể chế, chịu nhiều tác động sâu sắc của những quan điểm của chủ nghĩa tân tự do bắt đầu từ thời R. Reagan; mặt khác quá trình toàn cầu hóa kinh tế - nhất là vấn đề “outsourcing” tạo ra những mất cân đối mới về cấu trúc. Có thể nói đây chính là cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản Mỹ (F. Fukuyama, P. Krugman…). Cuộc khủng hoảng này tuy đã qua thời kỳ chạm đáy, song hiện nay về cơ bản vẫn là “đi ngang” hay đang bước vào thời kỳ phục hồi chậm chạp.
Từ nhiều năm nay, nợ công của Mỹ đã vượt 100% GDP, thâm hụt cán cân thương mại và dịch vụ bắt đầu giảm nhưng vẫn còn cao (540 tỷ USD năm 2012 so với 559 tỷ USD năm 2011…), trong đó riêng thâm hụt cán cân thương mại và dịch vụ với Trung Quốc giảm nhiều song vẫn còn rất cao (năm 2012 là -315 tỷ USD, những năm cao nhất trước đó ước khoảng từ -400 đến -450 tỷ USD/năm), tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm nhưng vẫn ở mức cao (năm 2009 là 11%, năm 2012 là 8,2%), tỷ lệ lạm phát bắt đầu giảm (năm 2012 là 1,8%, vài năm trước đó là <2%) … Nói một cách tổng quát, những tổn thất mọi mặt kinh tế Mỹ đang phải gánh chịu trong cuộc khủng hoảng hiện nay gần tương đương với những tổn thất của kinh tế Mỹ trong đại suy thoái kinh tế thế giới lần thứ nhất (1929 -1933), những vấn đề nước Mỹ hôm nay phải giải quyết có nhiều mặt trầm trọng không kém, hoặc thậm chí có những vấn đề phức tap hơn[3].
Nhiều dự báo cho rằng phải sau năm 2017 kinh tế Mỹ mới có thể lấy lại sức tăng trưởng như trước khi lâm vào khủng hoảng. Tuy nhiên điều kiện phải có cho triển vọng này là Mỹ phải thành công trong thay đổi tư duy kinh tế vỹ mô và trong kiến trúc lại thể chế điều hành – trước hết là hệ thống tài chính -ngân hàng (Lawrence Summers[4]). Nói một cách đơn giản: Mỹ phải cấu trúc lại nền kinh tế và thể chế điều hành với tư duy mới – chỉ làm như vậy mới có thể đối mặt với quá trình siêu cường Mỹ đang đi nhanh vào dĩ vãng (John Kao). Trong giới nghiên cứu Mỹ không ít ý kiến cảnh báo bản thân thể chế dân chủ của các nước phương Tây – kể cả Mỹ - đang gặp nhiều bất cập trong tiến trình toàn cầu hóa hiện nay[5]
- Có hay không trong quá trình suy yếu này Mỹ đã phạm phải sai lầm chiến lược (hay những sai lầm chiến lược) trong địa chính trị toàn cầu? Câu hỏi này không dễ trả lời, nhưng phải đặt ra để phân tích. Người viết bài này đứng về phía trả lời: “Có!”. Cuối năm 2010, nghĩa là ít lâu sau khi chiến tranh Iraq kết thúc, trong bài viết “Việt Nam trong thế giới của thập kỷ thứ 2 thế kỷ 21” tôi đã phần nào trình bầy những suy nghĩ của mình cho câu trả lời này[6].
Hai cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan dù được tiến hành với bất kể lý do gì, kết quả Mỹ đạt được rất hạn chế so với mục tiêu đề ra, cái giá Mỹ phải trả là thế và lực của Mỹ bị tác động đáng kể. Mỹ đã mất 6640 binh sỹ (nếu tính cả đồng minh trong NATO là trên 8000), bị thương khoảng trên 40.000 (chưa kể đồng minh NATO), và phải chi trên 2000 tỷ USD. Kết cục, Mỹ đạt được một thế chiến lược yếu hơn so với vị thế Mỹ đã với tới được sau khi Liên Xô sụp đổ và đã duy trì được vị thế chưa từng có này cho đến khi tiến quân vào Iraq ngày 20-03-2003[7]. Thậm chí có thể nói, trong hai cuộc chiến tranh này Mỹ không đạt được một số mục tiêu chiến lược hàng đầu về địa chính trị và địa kinh tế.
Song thất bại lớn nhất của Mỹ trong 2 cuộc chiến này có lẽ nằm bên ngoài chiến trường: Trung Quốc chớp được thời cơ vươn lên vị trí nền kinh tế có quy mô GDP lớn thứ 2 trên thế giới, với nhiều tác động có tính toàn cầu và không ít hệ lụy cho một số nước hữu quan, nhất là các nước láng giềng. Tình hình phức tạp đến mức (a) kinh tế Mỹ và Tây Âu ngày nay rất khó được cải thiện nếu không cải thiện được các mối quan hệ nhiều mặt của họ với Trung Quốc – kể cả trên phương diện kinh tế; sự phụ thuộc lẫn nhau trong kinh tế ngày càng lớn; (b) đặc biệt là từ một thập kỷ nay Trung Quốc đẩy mạnh uy hiếp công khai bằng vũ lực trên biển, uy hiếp ngày càng trực tiếp các nước láng giềng – trong đó có các đồng minh quan trọng của Mỹ như Nhật, Hàn Quốc, có địa bàn chiến lược của Mỹ là Đông Nam Á; hòa bình ở Biển Đông bị de dọa nghiêm trọng, quyền lực mềm Trung Quốc luồn sâu vào sân sau của Mỹ ở châu Mỹ Latinh..; (c)chính sách thực dụng và 2 mặt của Trung Quốc trong một số vấn đề nóng bỏng ở châu Phi, trong những vấn đề có liên quan đến những đối tượng/đối tác rất nhạy cảm của Mỹ (Pakistan, Afghanistan, Iran, Syri, thế giới hồi giáo và vấn đề chống khủng bố…) luôn gây ra cho Mỹ những diễn biến phức tạp mới.
Nhìn theo tư duy “zero sum game” của địa chính trị toàn cầu, cũng có thể nói một cách hình ảnh: Sa lầy vào chiến tranh tại Iraq và Afghanistan, siêu cường Mỹ dưới thời Bush đã đánh mất thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 vào tay Trung Quốc[8].
- Chưa thấy các lý lẽ thuyết phục để cho rằng 2 cuộc chiến tranh Iraq & Afghanistan là nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng kinh tế hiện nay ở Mỹ (bắt đầu từ năm 2008), mặc dù 2 cuộc chiến tranh này và những hệ lụy kèm theo đã gây ra gánh nặng rất lớn cho nền kinh tế Mỹ.
Bản tổng kết của Mỹ trong thập kỷ vừa qua là: (1) kết cục không như mong muốn đã xảy ra của 2 cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan, (2) khủng hoảng kinh tế của Mỹ diễn ra đồng thời, lại trong bối cảnh cùng một lúc toàn bộ các nền kinh tế của phương Tây (trước hết là EU và Nhật) đều rơi vào khủng hoảng lớn, giữa lúc toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang trở thành khu vực kinh tế phát triển năng động nhất của thế giới, (3) rồi đến sự lớn mạnh của các cường quốc khu vực là Trung Quốc, Nga, Ấn Độ đang đặt ra nhiều vấn đề mới cho chính sách đối ngoại của Mỹ, (4) những vấn đề phức tạp có liên quan đến thế giới Hồi giáo, đặc biệt là những thách thức đặt ra trực tiếp đối với Mỹ (trong đó có nguy cơ Iran sẽ có thể sản xuất vũ khí A, nguy cơ khủng bố lại bùng phát…) hầu như còn nguyên vẹn…
Toàn bộ tình hình như thế trên cả 2 bình diện địa chính trị và địa kinh tế đã tạo ra sức ép mới, buộc Mỹ phải thay đổi chiến lược có tính mở đầu một giai đoạn mới: trọng tâm chính của mọi nỗ lực mới của Mỹ sẽ chuyển vào châu Á – Thái Bình Dương.
Trên bình diện địa chính trị, sư thay đổi chiến lược của Mỹ là chủ trương thực hiện “trục xoay hướng vào châu Á – Thái Bình Dương” (the pivot to Asia & Pacific).
Trên bình diện địa kinh tế, đấy là đẩy mạnh xúc tiến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans Pacific Partnership Agreement - TPP).
Đồng thời Mỹ đẩy mạnh tập hợp lực lượng dưới ngọn cờ hòa bình – phát triển – dân chủ & quyền con người – bảo vệ môi trường. Đối tượng chủ yếu của Mỹ trong chiến lược trục xoay này và trong TPP là Trung Quốc.
Như vậy hoàn toàn có thể nói: Trật tự quốc tế một siêu đa cường đã chấm hết thời kỳ hậu chiến tranh lạnh. Trong cục diện quốc tế mới này xuất hiện những “cuộc chơi” mới (các games) song phương và đa phương, trong đó các “cuộc chơi” Mỹ - Trung có xu hướng ngày càng nổi bật, có tác động sâu sắc mang ý nghĩa chi phối nhất định đối với địa chính trị và địa kinh tế toàn cầu – thậm chí là chi phối quyết định trong một số vấn đề cụ thể (ví dụ: quan hệ Mỹ - Trung trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên…).
Dù là dưới hình thức tranh giành nhau hay đối phó, dù là dưới hình thức hợp tác hay đối đầu, trong tình hình nhất định không loại trừ đụng độ quân sự.., nét nổi bật của các “cuộc chơi” Mỹ - Trung là: địa bàn chính là khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Đụng độ quân sự như thế nào, gián tiếp hay trực tiếp, giữa ai và ai là chính.., là những vấn đề để ngỏ. Thực tế này đẻ ra nhiều hệ lụy mới cho các nước trong khu vực – đặc biệt là cho các quốc gia từ Nhật trở xuống tới hết vùng Đông Nam Á.
Những nỗ lực của Mỹ dồn vào chuyển hướng chiến lược mới này là toàn diện và rất lớn: Những biện pháp vực dậy nền kinh tế, đổi mới hệ thống tài chính tiền tệ, cải cách giáo dục – đặc biệt là hệ đại học..; khắc phục tình trạng sa lầy ở Iraq và Afghanistan (bao gồm cả chủ trương tiến hành đàm phán trực tiếp với phe Taliban), xắp xếp lại quân đội theo hướng đẩy mạnh hiện đại hóa và tối ưu hóa hơn nữa; giảm ngân sách quốc phòng (tổng mức phải giảm từ nay cho đến trong vòng 10 năm tới là 500 tỷ USD) nhưng vẫn phải ưu tiên nâng cao vị thế và sự có mặt về quân sự của Mỹ ở khu vực CA-TBD (nhất là tại Nhật, Philippines, Đài Loan, Úc…); bố trí lại hải quân đáp ứng những ưu tiên mới này trên khu vực CA-TBD; tăng cường hợp tác và sự có mặt quân sự của Mỹ tại Úc; gia tăng các mối quan hệ với Ấn Độ, Myanmar; cổ vũ sự hợp tác của ASEAN…
Đồng thời Mỹ tiến hành nhiều hoạt động kinh tế và chính trị khác tăng cường các mối quan hệ đồng minh và liên minh của mình với mọi đối tác truyền thống ở các châu lục; tìm cách cải thiện quan hệ với một số nước châu Mỹ Latinh bất hòa – chủ yếu ở Nam Mỹ; giảm bớt những căng thẳng với thế giới đạo Hồi... Có nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ tích cực thúc đẩy hòa đàm Israel – Palestine, thậm chí đang tính đến những bước đi mới với Iran… Cùng với các đồng minh và liên minh của mình và thông qua tăng cường mọi hình thức hợp tác, Mỹ đang ra sức nâng cao vai trò của các thể chế khu vực và quốc tế mọi dạng – từ các diễn đàn như G7, G20.., đến các thể chế như UNO, WTO, IMF, WB, các diễn đàn với ASEAN, đẩy mạnh các vấn đề chung như môi trường, vấn đề chống các thách thức truyền thống và phi truyền thống (trong đó có những vấn đề hệ trọng như Không phổ biến vũ khí A, vấn đề chống khủng bố)…
Không phải ngẫu nhiên đã có không ít tiếng nói của Trung Quốc – đặc biệt là nhóm “diều hâu” trong quân đội… - cho rằng: Mỹ đang thực thi chiến lược bao vây Trung Quốc!
Mỹ có theo đuổi một chiến lược bao vây Trung Quốc không?
Câu hỏi này cũng được đề cập đến trong giới nghiên cứu – kể cả ở Mỹ. Đương nhiên chính giới Mỹ chính thức bác bỏ sự nghi ngờ này (!). Trong đối thoại kinh tế & chiến lược Mỹ - Trung lần thứ 5 (Obama – Tập Cận Bình ngày 07 & 08-06-2013), Obama nhấn mạnh xây xựng mối quan hệ nước lớn dựa trên sự tin cậy chiến lược (strategic trust).
Giới nghiên cứu Mỹ cũng có không ít ý kiến cho rằng không có khả năng ngăn chặn hay bao vây Trung Quốc; hợp lý và khả thi hơn là phải hướng Trung Quốc vào thực hiện trách nhiệm nước lớn của mình đối với thế giới (K. Rudd, J. Cassidy. R. Kaplan…).
Song dù thừa nhận hay không thừa nhận, “pivot to Asia & Pacific” và “TPP” trước hết hay sâu xa là nhằm kiềm chế Trung Quốc.
III - Đôi điều lưu ý về Mỹ:
(a) Với tính cách là siêu cường, Mỹ vốn có những lợi ích riêng, những đòi hỏi riêng và những thách thức riêng do vị thế siêu cường và do việc duy trì vị thế này đặt ra; không nhất thiết các đồng minh / liên minh của Mỹ (kể cả một số đồng minh chí cốt) có thể cùng chia sẻ, chưa nói đến lúc này lúc khác có những mâu thuẫn nhất định với nhau. Điều này là lẽ tự nhiên.
(b) Bên cạnh sử dụng sức mạnh và ảnh hưởng theo khả năng cho phép, siêu cường Mỹ luôn luôn phải giương cao ngọn cờ chính trị để xác lập tính chính đáng cho vai trò quốc tế của mình trong tập hợp lực lượng. Đây chính là nguồn gốc chủ yếu của cái gọi là tính hai mặt, tiêu chuẩn kép (doppel standard) trong không ít vấn đề đối ngoại của Mỹ. Tiêu chuẩn kép như vậy đương nhiên không thể thiếu trong những vấn đề dân chủ - nhân quyền cũng như trong xúc tiến Hiệp định TPP hiện nay...
Thật ra thời nào cũng thế, đã là siêu cường, là cường quốc, thì từng bước đi của nó trước hết đều do lợi ích của nó quyết định – chứ không phải do các chuẩn mực phổ cập của đạo đức (ethic).
Nói một cách trắng / đen: Trong chiến lược đối ngoại quốc gia nói chung, không gian dành cho sự thống nhất giữa bạo lực và đạo đức (theo nghĩa các chuẩn mực phổ cập) thường rất hẹp hoặc thậm chí có khi không có. Phạm trù đạo đức trong chiến lược đối ngoại quốc gia thường có những tiêu chuẩn khác... Mỹ là nước đã từng ném bom nguyên tử xuống Hirosima và Nagasaki, rải chất độc da cam lên miền Nam Việt Nam, chủ động tiến hành chiến tranh Iraq… Song hiển nhiên hiện nay Mỹ còn là một trong những nhân tố quyết định trong tập hợp lực lượng thế giới đấu tranh cho các giá trị toàn cầu. (Xin lỗi đã nói dài dòng về điểm này, vì muốn lọai bỏ những lướng vướng theo kiểu tư duy máy móc và tư duy ý thức hệ).
Ngọn cờ chính trị này của siêu cường Mỹ trong thời kỳ chiến tranh lạnh là chống cộng nhân danh tự do.
Trong thế giới của thời hậu chiến tranh lạnh ngày nay, ngọn cờ này của siêu cường Mỹ là dân chủ và nhân quyền.
Không phải ngẫu nhiên trong hội đàm Obama – Trương Tấn Sang trong chuyến thăm Mỹ chính thức của Chủ tịch nước Việt Nam (25-07-13), vấn đề Mỹ quan tâm số một là dân chủ và nhân quyền, mặc dù Biển Đông và vị thế của Việt Nam đặt ra nhiều vấn đề chiến lược khác rất hệ trọng và nóng bỏng hơn nhiều (sẽ bàn tiếp trong phần sau)[9].
Tuy nhiên, sẽ là mù quáng chết người nếu phủ nhận: Sự phát triển của văn minh nhân loại ở nấc thang hiện tại của quá trình toàn cầu hóa đang làm cho các giá trị toàn cầu như hòa bình, phát triển, tự do dân chủ, quyền con người, bảo vệ môi trường… ngày càng trở thành khát vọng chung của toàn nhân loại. Xu thế này ngày càng mạnh mẽ và phổ cập hơn, thành một quyền lực ngày càng mạnh hơn. Xu thế này, chứ không phải là ngọn cờ của chủ nghĩa xã hội, đang tác động, đang hấp dẫn, hướng dẫn sự vận động của văn minh nhân loại[10].
Ngọn cờ dân chủ - nhân quyền siêu cường Mỹ đang giương cao – dù là tính hai mặt và thực dụng lúc này lúc khác đặm nhạt thế nào (vấn đề “tiêu chuẩn kép”) – tự nó khách quan có những điểm phù hợp với khát vọng chung của thời đại trên những phương diện nhất định, có tác dụng hậu thuẫn ở mức nào đó khát vọng chung của thời đại. Cần xem khía cạnh này là một nhân tố tích cực của thời đại. Phong trào các nước đấu tranh cho những giá trị toàn cầu này là cần thiết cho sự phát triển của chính các quốc gia đó, đồng thời khách quan thuận lợi cho sự phát triển của mọi quốc gia khác – trong đó kể cả siêu cường Mỹ. Đấy chính là một nội dung mới trong xu thế thời đại của thế kỷ 21, là một nét mới của tình hình quốc tế hiện nay: Chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng hướng về những giá trị chung của nhân loại - những giá trị toàn cầu. Thời kỳ chiến tranh lạnh không thể là như vậy.
Giương cao ngọn cờ dân chủ và nhân quyền như vậy không hề có nghĩa là nước Mỹ là toàn vẹn hay chiếm đỉnh cao của nhân loại trên phương diện này. Chưa nói đến giương cao ngọn cờ là một chuyện, hành xử để bảo vệ hay thực hiện lợi ích của siêu cường lại là chuyện hoàn toàn khác.
(c) Mỹ và các đồng mình / liên minh đã hình thành một tập hợp lực lương chung quanh các giá trị phổ cập của nhân loại.
Bất luận còn xảy ra nhiều điều trái ngược, còn những cái gọi là “tiêu chuẩn kép”.., trên thực tế và về nhiều phương diện, các nước phát triển ở mọi châu lục, hiện nay đang trở thành lực lượng dẫn dắt trào lưu tiến bộ của thế giới; nguyên nhân chính là (1) trình độ phát triển cao đã đạt được của họ, và (2) họ hướng về lấy các giá trị toàn cầu làm các thành tố xây dựng các chuẩn mực chi phối quan hệ quốc tế mọi mặt. (3) trật tự quốc tế ngày nay vừa đòi hỏi vừa cho phép thúc đảy xu thế vận động này. (Đã đến lúc trong nghiên cứu và giảng dậy phải rỡ bỏ mọi kiêng cấm ý thức hệ đang cố bỏ qua thực tế này).
(d) Những thay đổi đang diễn ra trong so sánh lực lượng nhiều mặt (kinh tế, quân sự, chính trị, công nghệ và khoa học kỹ thuật, các nguồn lực khác…) giữa siêu cường Mỹ và toàn thế giới còn lại cho thấy Mỹ ngày càng “nhỏ hơn” so với những đòi hỏi hay thách thức nó phải đối mặt. Nhưng mặt khác, là chủ lực quan trọng số 1 (không phải là chủ lực duy nhất) của đội ngũ đồng minh / liên minh trong tập hợp lực lượng mới chung quanh các giá trị toàn cầu, Mỹ đã và đang tìm được môi trường mới, đang hình thành một chiến lược mới cho việc duy trì và tiếp tục bảo tồn hay phát huy vị thế của chính mình trong thế giới ngày nay. Đây cũng là sự thay đổi ngày càng rõ nét của siêu cường Mỹ trong một thế giới đang thay đổi quyết liệt. Thực tế này bù lại được phần nào những thiếu hụt trong quá trình vị thế “đang nhỏ dần đi” của siêu cường Mỹ trên bàn cờ quốc tế.
Cần hiểu rõ thực tế vừa nêu trên để thấy: Bên cạnh củng cố thực lực, Mỹ coi thực hiện chủ trương phát huy tập hợp lực lượng chung quanh những giá trị toàn cầu là một đòi hỏi sống còn cho sự tồn tại và phát triển của chính nước Mỹ, là một mũi tiến công quan trọng cho việc bảo tồn vị thế hiện nay của Mỹ. Yêu cầu này của Mỹ khách quan tạo ra không gian mới nhất định cho các mối quan hệ hợp tác xây dựng giữa các nước với Mỹ.
(e) Sẽ là sai lầm nếu như coi siêu cường Mỹ là anh hùng cứu nhân độ thế cho tự do dân chủ, quyền con người, cho các giá trị toàn cầu khác... Nhưng cũng sẽ là ngu ngốc không kém và sớm muộn sẽ phải trả giá, nếu một quốc gia không lựa chọn cho mình con đường đi cùng xu thế tiến bộ của nhân loại, thậm chí muốn đi ngược lại, hay không biết nương theo trào lưu của thời đại.
Nhìn từ góc độ các nước đang phát triển, có thể và cần rút ra kết luận: Thời đại ngày nay cho phép, một quốc gia nếu xác định được con đường đi cùng với trào lưu của thời đại – trào lưu của các giá trị toàn cầu - để phát triển và để khẳng định chính mình, sẽ có thể tìm được lối ra và tranh thủ được sự thừa nhận và hậu thuẫn rộng rãi của cộng đồng quốc tế, vô luận đấy là nước lớn hay nhỏ, rơi vào hoàn cảnh nào, và nằm ở bất kỳ đâu trên trái đất này. Thay đổi ở Myanmar có thể được xem như một ví dụ gần đây nhất, có tính thời sự nóng hổi nhất đang nói lên khả năng này? Phải chăng đây cũng là một kết quả, một nét mới trong thay đổi mọi tương quan trên bàn cờ quốc tế ngày nay?
Nói rõ hơn nữa: Cần có cách nhìn vấn đề như vừa trình bầy trên, để không xem những vấn đề hay đòi hỏi của Mỹ đặt ra cho các đối tác của mình về tự do dân chủ, về quyền con người đơn thuần chỉ là “vũ khí can thiệp vào công việc nội bộ nước khác” – mặc dù điều này là không tránh khỏi. Muốn trở thành đối tác được tôn trọng của Mỹ, cũng không phải là chỉ cần chấp nhận “dựa” vào Mỹ hay tuân thủ các đòi hỏi của Mỹ, mà trước hết phải là một thành viên chủ động và năng động trong trào lưu tiến bộ của thời đại ngày nay – một thành viên chủ động và có bản lĩnh trong cộng đồng quốc tế.
(f) Chiến tranh thế giới II đã diễn ra giữa các nước lớn. Song kể từ đó đến nay điều này không xảy ra nữa, vì các lẽ: (1) ngày nay khả năng hủy diệt lẫn nhau rất lớn, (2) không thể vượt qua được sự phụ thuộc lẫn nhau toàn cầu, (3) quá trình toàn cầu hóa toàn diện – nhất là về kinh tế - tạo ra những ràng buộc khó phá vỡ, vân vân…
Đánh giá tình hình mọi mặt trên bàn cờ thế giới hiện nay cũng có thể nhận định: Hiện nay và trong một tương lai có thể xác định được – ví dụ từ nay đến giữa thế kỷ 21 hay xa hơn nữa, khả năng xảy ra chiến tranh trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc có thể gần như bằng không (zero), vì nhiều lẽ, trong đó có một thực tế là: cho dù mâu thuẫn hay xung đột lợi ích giữa Mỹ và Trung Quốc quyết liệt như thế nào, và tính đến mọi mất/được nếu phải tiến hành chiến tranh, tất cả hình như đều không đủ bức thiết đến mức phải lựa chọn phương án này[11]. Kịch bản hiện thực hơn có lẽ là: Đụng độ Mỹ - Trung (xin tạm dùng khái niệm này) nếu xảy ra vì bất kỳ lý do gì, có lẽ sẽ được giải quyết trên địa bàn hay trên trận địa nước thứ ba, hoặc là thông qua những vấn đề của nước, các nước bên thứ ba.
Trong dự báo nói trên (không thể, khó có thể xảy ra chiến tranh Mỹ - Trung), có lẽ cần chú ý một ngoại lệ tuy rất khó xảy ra nhưng không phải là không tiềm tàng: Đó là tính huống một khi xảy ra sự lầm lỡ như là một tai nạn của con người, giả thử dẫn đến trạng thái không thể kiểm soát được tình hình. Thể giới đôi lúc đã mấp mé ở trạng thái này khi Bắc Triều Tiên làm nhiều việc nguy hiểm và đồng thời ngày 30-03-2013 tuyên bố chiến tranh với Hàn Quốc, bác bỏ Hiệp định đình chiến 1953.., tình hình nhạy cảm không kém khi các tầu chiến và máy bay Trung Quốc trực tiếp xâm phạm vùng đảo Senkaku / Điếu Ngư, vân vân…
Thật ra, lấy nước bên thứ ba (hoặc các vấn đề của nước bên thứ ba) làm sân chơi để các nước lớn giải quyết “nỗi buồn” của họ với nhau là một thực tiễn khá phổ biến, đã xảy ra liên tiếp trên bàn cờ quốc tế kể từ sau chiến tranh thế giới II cho đến ngày nay. Đây chính là điều các nước thứ ba ngày nay đừng quên và phải luôn luôn cảnh giác.
Những thay đổi của Mỹ trong chiến lược toàn cầu ngày nay đặc biệt quan tâm đối phó với (a) sự bành trướng ảnh hưởng quá nhanh của Trung Quốc, và (b) những thách thức toàn diện ngày càng khó kiểm soát của nước 1,3 tỷ dân này[12].
Mỹ đã công bố thẳng thắn: Những thay đổi chiến lược của Mỹ nhằm thực hiện tái cân bằng chiến lược toàn cầu, tập trung vào khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (Obama, H. Clinton, Kerry); trong đó ASEAN được Mỹ coi là một trọng tâm của chiến lược này. Yêu cầu tái cân bằng chiến lược như vậy đã trở thành một trong những yếu tố quyết định khiến cho “cuộc chơi” Mỹ - Trung có vị trí nổi bật nhất và chi phối những “cuộc chơi” khác trên bàn cờ quốc tế.
Các nước hữu quan trong khu vực với tính cách là nước bên thứ ba - trong đó có Việt Nam, đứng trước câu hỏi trực tiếp: Ngay từ bây giờ, phải ứng xử như thế nào và với bản lĩnh nào, một khi “cuộc chơi” Mỹ - Trung này đã bắt đầu và đang diễn ra ngay trên đầu mình, trên đất mình, hay là ngay trước cửa ngõ nhà mình?
Như đã nói bên trên, sẽ không có chuyện Mỹ là anh hùng cứu nhân độ thế cho tự do dân chủ và nhân quyền. Tại đây xin bổ sung: Cũng sẽ không có chuyện siêu cường Mỹ là lính đánh thuê giữ nhà cho bất kỳ ai. Và như mọi cường quốc khác, Mỹ đã cũng mắc không ít sai lầm.
(g) Chuyển hướng vào chiến lược “trục xoay CA – TBD”, không có nghĩa siêu cường Mỹ đã được rảnh tay trong nhiều vấn đề nan giải khác thuộc chiến lược toàn cầu của Mỹ. Có thể nói những vấn đề nan giải ấy chưa dịu đi bao nhiêu, thậm chí không ít vấn đề vẫn còn nguyên vẹn, tiếp tục phát triển… Thực tế này chính là một trong những nguyên nhân quyết định, dẫn tới chuyển hướng chiến lược của Mỹ. Phải chăng điều này có nghĩa: Tìm cách ngăn chặn nguy cơ lớn nhất là Trung Quốc, để giành lại chủ động trong thế bị động? Chuyển hướng của Mỹ trong tình thế như vậy, càng làm rõ thêm tầm vóc của mối nguy Trung Quốc đối với Mỹ nói riêng và đối với thế giới còn lại nói chung.
Tuy nhiên, trong giới nghiên cứu ở Mỹ cũng có những ý kiến lo ngại chiến lược “trục xoay” có thể tăng mối lo của Trung Quốc, qua đó khiến Trung Quốc có thể trở nên hiếu chiến hơn. Loại ý kiến này khuyến cáo chính giới Mỹ nên tăng cường nỗ lực lôi kéo Trung Quốc cùng đi với cả thế giới, Mỹ và cả Trung Quốc không nên rơi vào cái bẫy Thucydides (Clifford Kiracofe)[13], cả thế giới cần nỗ lực tìm cách chuyển đổi hệ thống một siêu cường hiện nay sang một hệ thống thân thiện hơn (J. Cassidy, K. Rudd, M. Jacques, C. Kiracofe…) (?!)[14]… Loại ý kiến này cần tham khảo, song khó đứng vững trước những gì đã và đang diễn ra ở Biển Đông, ở biển Hoa Đông trong suốt những năm qua và hiện nay.
Mọi nỗ lực của chính quyền Obama dành cho chuyển hướng vào chiến lược “trục xoay” đến nay vẫn kiên định. Đồng thời Mỹ cũng đẩy mạnh chính sách chia sẻ trách nhiệm trong hàng ngũ đồng minh / liên minh để bớt gánh nặng cho Mỹ. Chưa nói đến một thực tế khác rất quan trọng: CA-TBD, đặc biệt là các quốc gia phía Tây TBD, là khu vực phát triển kinh tế năng động nhất thế giới trong thế kỷ này, Mỹ nhất thiết không thể đứng ngoài.
Đối với đồng minh EU: Là đồng minh chí cốt của Mỹ, nhưng lại chìm ngập sâu vào khủng hoảng kinh tế - trước hết là khủng hoảng tài chính và vấn đề nợ công, nguy hiểm đến mức gần như đe dọa làm tan vỡ đồng Euro – khiến cho thế và lực của Mỹ cũng bị suy yếu. Hơn thế nữa các nước EU – kể cả những thành viên lớn như Đức, Anh, Pháp.., có quá nhiều mối liên hệ kinh tế với Trung Quốc, nên khó có thể có sự cứng rắn cần thiết trong đối xử với Trung Quốc.
Đối với Nhật: Tín hiệu tốt đối với Mỹ là kinh tế Nhật bắt đầu phục hồi sau 2 thập kỷ trì trệ và thắng lợi bầu cử vang dội ở cả hạ viện và thượng viện tháng 7-2013 của đảng Dân chủ Tự do (Liberal Democratic Party – LPD) của thủ tướng Abe. Đấy cũng là tín hiệu của cả nước Nhật về sự trả lời rất kiên quyết đối với những hành động hiếu chiến của Trung Quốc trong tranh chấp đảo Senkaku / Điếu Ngư. Trước bầu cử, Nhật đã ban bố sách trắng về quốc phòng, trong đó biểu thị lập trường dứt khoát của Nhật trong bảo vệ chủ quyền của mình. Sau bầu cử, LPD đang tiến hành vận động sửa đổi Hiến pháp, dự kiến sửa đổi nhiều điều quan trọng liên quan đến thể chế chính trị và kinh tế. Một trong những sửa đổi nổi bật sẽ là đòi hỏi lập lại chủ quyền đầy đủ về quốc phòng và tăng cường thực lực quân sự (bao hàm cả vấn đề tự trang bị vũ khí, vấn đề quân đội Nhật được hoạt động ngoài phạm vi lãnh thổ của mình khi tình hình đòi hỏi…) – nghĩa là xóa bỏ tất cả những ràng buộc hạn chế Nhật còn sót lại trong quá trình thi hành những quyết định của Hội nghị Teheran và Hội nghị Yalta đầu năm 1945 về chiến tranh thế giới II.
Mặc dù trong nội bộ Nhật còn những chia rẽ nhất định chung quanh việc sửa đổi Hiến pháp, song có thể nhận định: Nhật kiên trì còn nước còn tát trong duy trì hòa bình với Trung Quốc, nhưng rất quyết liệt thay đổi tất cả để đáp ứng những đòi hỏi và thách thức mới từ phía Trung Quốc. Bước phát triển mới này của Nhật là cần thiết, Mỹ hưởng ứng. Đương nhiên sự vươn lên của Nhật về quốc phòng không tránh khỏi những dị nghị hay lo ngại của 2 láng giềng là Nga và Hàn Quốc – cả 2 nước này đều có tranh chấp biển đảo với Nhật (vùng quần đảo Kurril do Nga kiểm soát; đảo Tokdo / Takeshima do Hàn Quốc kiểm soát); Nhật lại là đông minh chiến lược của Mỹ.
Đối với Nga: Do nhiều yếu tố khác nhau của lịch sử để lại – nhất là từ thời chiến tranh lạnh, do những va chạm có tính địa chính trị toàn cầu không tránh khỏi trong quá trình Nga ngày nay đang theo đuổi khát vọng lấy lại vị thế một thời đã từng ngang ngửa với Mỹ suốt thời kỳ chiến tranh lạnh.., bức tranh va chạm hay mâu thuẫn hiện nay có vẻ đậm nét hơn bức tranh hợp tác trong tổng thể mối quan hệ Nga - Mỹ.
Trong các vấn đề do lịch sử để lại có vấn đề rất nhay cảm là nhiều nước XHCN Đông Âu cũ và một số nước trong Liên Bang Xô Viết cũ nay trở thành thành viên của NATO, qua đó hình thành trên thực tế một vòng tròn NATO bao quanh Nga. Tất cả những quốc gia thành viên NATO mới này trong quá khứ có nhiều vấn đề lịch sử rất sâu sắc với Liên Xô cũ. Nước Nga bây giờ vẫn đứng trước nguy cơ ly khai của Checnya và phong trào khủng bố tại đây… Mớ quan hệ rối rắm này bây giờ được bổ sung thêm những vấn đề nhạy cảm mới như việc NATO bố trí tên lửa giáp nước Nga (phía Đông Âu, với lý do ngăn chặn khủng bố và những nguy cơ khác đến từ Bắc Triều Tiên, Trung Quốc…), đàm phán chật vật Mỹ - Nga hiện nay về cắt giảm số tên lửa chiến lược mang đầu đạn hạt nhân, vấn đề tỵ nạn của Snowden,… Những thách thức mới từ phía Trung Quốc buộc Mỹ và Nhật phải tăng cường hợp tác để củng cố sức mạnh chung; nhưng thực tế này lại kích thích sự ngờ vực của Nga, kích thích sự liên kết Nga – Trung ở mức độ nhất định. Nga và Trung Quốc gặp nhau ở chỗ cả 2 đều không muốn chính quyền Assad sụp đổ, vì Syri là vị trí duy nhất hiện nay Nga còn có được trong thế giới Ả-rập, Trung Quốc không muốn Mỹ và phương Tây tiếp tục mở rộng ảnh hưởng tại đây... Trong khi đó Mỹ và đồng mình không thể chấp nhận việc Nga cùng với Trung Quốc ngăn cản những nỗ lực của Liên hiệp quốc cho giải pháp vấn đề Syri và chống lại sự can thiệp của phương Tây.
Nhưng mối nguy hiểm lớn nhất đối với Mỹ (và phương Tây) có lẽ không nằm trong vấn đề chính quyền Assad tồn tại hay không tồn tại, mà là hiệp đồng Nga – Trung chống lại Mỹ trong vấn đề Syri đang manh nha nguy cơ hình thành một kiểu trục Nga – Trung trong những tình huống nhất định...
Những hệ quả của sự hiệp đồng Nga - Trung này đang trở thành thách thức trực tiếp đến vị thế siêu cường hiện nay của Mỹ, kể cả ở Liên hiệp quốc. Tâp trận chung hải quân Nga – Trung Quốc thượng tuần than 04-2013 tại Hoàng Hải cùng mang một ý nghĩa như vậy. Nhưng ngay sau đó tại Quân khu phía Đông (bao gồm vùng Viễn Đông và một phần Siberia), Nga đã tiến hành tập trận lớn chưa từng có trên bộ (vùng giáp ranh với Trung Quốc), bao gồm cả việc diễn tập trên biển tại vùng đảo Sakhalin. Cuộc tập trận lớn này của Nga có lực lượng thủy, lục, không quân với 10 vạn lính tham gia, có sự thị sát của tổng thống Putin. Giới nghiên cứu cho rằng: Tập trận của Nga trên bộ là nhằm răn đe Trung Quốc đang muốn dòm ngó vùng Viễn Đông, còn tập trận tại vùng đảo Sakhalin là nhằm cảnh báo Mỹ và Nhật. Thế giới quả là phức tạp.
Một số người trong giới nghiên cứu Mỹ cân nhắc trên nhiều phương diện và đi tới kết luận: Có lẽ Trung Quốc, chứ không phải Mỹ, mới là sự uy hiếp hiện hữu lớn nhất hiện nay đối với Nga. Họ tính toán xem có cách nào tận dụng thực tế này thúc đẩy quan hệ Mỹ - Nga được không?
Trong khi đó cũng ở Mỹ lại có ý kiến ngược hẳn lại: Nhìn vào chính sách của Nga trong vấn đề Syrie, vào thái độ của Nga rắn lên đối với Mỹ và một số nước phương Tây trong nhiều vấn đề kinh tế và chính trị, gần đây lại thêm vụ E. Snowden.., vào các sự việc như đang dấy lên hoài bão làm sống lại sự huy hoàng của Nga qua các thời Sa hoàng, thời Stalin… phải chăng Nga đang tìm kiếm một liên minh nào đó với Trung Quốc và thế giới đạo Hồi, với mục tiêu mau chóng lấy lại vị thế đã từng có dưới thời Liên Xô và chống trả ảnh hưởng của Mỹ - phương Tây? Chú ý: Một số nhà báo Nga và phương Tây nhìn nhận Putin như một sa hoàng mới giấu mình.
Đối với thế giới Ả-rập, vấn đề đạo Hồi, vấn đề chống khủng bố…: Sau chiến tranh Iraq và Afghanistan, Mỹ dưới thời Obama rất thận trọng trước những diễn biến ở các nước Bắc Phi, nhất là trong việc đưa quân đội thực hiện can thiệp trực tiếp. Có nhiều nguyên nhân cho sự thận trọng mới này. Nguyên nhân chủ yếu có lẽ ở chỗ: Sự nổi dậy của các nước Ả-rập Bắc Phi trước hết vì những lý do bị bần cùng hóa về kinh tế, chứ không phải khát vọng dân chủ là chủ yếu; đã thế xã hội các quốc gia Ả-rập này chia rẽ sâu sắc về tôn giáo, sắc tộc và phe nhóm hình như không một khát vọng dân chủ hay một thể chế dân chủ nào có thể vượt qua được.
Những diễn biến tại các quốc gia này còn cho thấy Mỹ và phương Tây không thể gửi gắm vào bất kể một lực lượng, phe nhóm hay sắc tộc nào… Iraq và Afghanistan đã chứng minh là như thế, bây giờ lại có thêm Ai-cập là như thế.
Với sự dính líu của Trung Quốc vào những quốc gia Ả-rập này, tình hình còn trở nên phức tạp hơn (đã lộ ra trong những vụ việc có liên quan đến Syri, Pakistan, Afghanistan...) Không phải ngẫu nhiên cuối cùng Mỹ phải tìm cách xúc tiến đàm phán trực tiếp với Taliban tại Afghanistan, vì chính quyền Karzai quá tham nhũng và bất lực, tất nhiên tổng thống Karzai rất phẫn nộ…
Việc vũ khí hóa học được sử dụng trong nội chiến ở Syri (phương Tây khẳng định thủ phạm là chính quyền Assad) đặt Mỹ và phương Tây trước sự lựa chọn khó khăn: Nga và Trung Quốc muốn cùng nhau vận động thế giới đạo Hồi chống lại mọi quyết định của Mỹ và phương Tây và cản trở HĐBA LHQ có quyết định về vấn đề nhạy cảm này; nhưng nếu Mỹ và phương Tây không can thiệp vũ trang để trừng trị chính quyền Assad cũng sẽ để lại nhiều hiểm họa khôn lường như là trường hợp can thiệp. Trên thực tế, ngoài chuyện vấn đề Syrie trước hết là của Syrie còn có vấn đề đây là địa bàn tranh chấp một bên là Mỹ và phương Tây, một bên là Nga-Trung và thế giới đạo Hồi. Nhìn theo góc độ này, Syrie đang rơi vào số phận nước bên thứ ba. Tình hình chứa đựng một nguy cơ khủng hoảng lớn có ảnh hưởng lan ra ngoài khu vực.
Vấn đề hạt nhân của Iran ngày càng nóng và bế tắc, sự phản ứng rất quyết liệt để tự vệ của Israel trước nguy cơ này (bao gồm cả tuyên bố sẵn sàng đánh đòn phủ đầu) càng như đổ thêm dầu vào lửa. Dứt khoát Mỹ không thể bỏ rơi Israel. Nhưng cũng dứt khoát Mỹ không thể chấp nhận để vấn đề hạt nhân (bao gồm cả khả năng hay nguy cơ sản xuất vũ khí A) của Iran vượt ra ngoài sự kiểm soát… Hiện nay Mỹ đang thúc đẩy hòa đàm Israel – Palestin, đồng thời đang tìm kiếm khả năng lôi kéo Iran vào một sự hợp tác hòa bình nào đó và đang ra sức khai thác việc tổng thống Hassan Rowhani thuộc phe ôn hòa ở Iran thắng cử... Vấn đề Syri đang cản trở nỗ lực này.
Vấn đề chống khủng bố có chiều hướng tích tụ thêm những hiện tượng phức tạp mới, đặc biệt do nguyên nhân buôn bán lậu vũ khí, mối nguy tán phát vũ khí A hay công nghệ quân sự cao qua đường buôn lậu, hoặc qua các con đường chính trị khác rơi vào tay các lực lượng khủng bố… Vừa qua quân khủng bố đã phá 9 nhà tù tại các nước Đông và Bắc Phi, tại Pakistan.., hàng trăm phần tử khủng bố Al Qeada đã trốn thoát, nguy cơ khủng bố có thể bùng nổ trở lại, Mỹ có lúc đã buộc phải tạm đóng cửa 19 đại sứ quán trong vùng này…
Vấn đề Biển Đông: Như đã trình bày trên, Biển Đông là một trọng tâm của chiến lược “trục xoay”. Lập trường của Mỹ là không chấp nhận đường lưỡi bò, đòi phải bảo đảm lưu thông hàng hải tự do, phản đối giải pháp vũ lực, đòi mọi tranh chấp biển đảo phải được giải quyết bằng thương lượng đa phương theo luật pháp quốc tế. Tuy nhiên Mỹ tuyên bố không can thiệp trực tiếp vào giải quyết tranh chấp biển đảo giữa các nước trong khu vực, quan điểm này không cản trở Mỹ giúp các đồng minh của mình theo thỏa thuận hợp tác song phương về quốc phòng.
Trước tình hình Trung Quốc chiếm bãi cạn gần Scarborough / Hoàng Nham (2011 – 2012) và còn lăm le mở rộng lấn chiếm nữa, Philipines và Mỹ tăng cường hợp tác quân sự với nhau trong khung khổ ký kết hiện có giữa hai nước; 2 bên đang xúc tiến đàm phán để Mỹ dưới dạng nào đó trở lại căn cứ Subic và Clark. Mỹ ủng hộ DOC và thúc giục phải sớm hoàn thành COC.
Vấn đề Đài Loan: Đây là chiến hạm không bao giờ chìm của Mỹ trên Thái Bình Dương án ngữ trước mặt Trung Quốc (Douglas MacArthur). Vì khác nhau về chế độ chính trị, trong một thời gian nhất định khó có thể xảy ra khả năng Đài Loan hòa bình thống nhất hay trở về với Trung Quốc đại lục; trong khi đó Trung Quốc dứt khoát bác bỏ quan điểm 2 Trung Quốc.
Trong giới nghiên cứu Mỹ hiện nay có mối lo ngại: Mối quan hệ kinh tế Đài Loan - Trung Quốc ngày càng lớn và mật thiết sẽ có thể gây ra những biến đổi gì? Hiện nay 2/3 số công ty của Đài Loan đang đầu tư vào Trung Quốc hay kinh doanh với đại lục, mỗi tuần có 270 chuyến bay giữa hai bờ. Trung Quốc hiện nay là khách hàng số 1 về xuất khẩu của Đài Loan, khách hàng nhập khẩu số 2 của Đài Loan. Hiện nay mỗi năm Đài Loan có trên nửa triệu khách du lịch đến từ đại lục, và khoảng 750.000 người Đài Loan vào sống 6 tháng trên đại lục. Nói khái quát, ngày nay 60 – 70% kinh tế Đài Loan là làm ăn với đại lục. Mọi tác động qua lại giữa hai bờ không hề hấn gì đối với sức mạnh của thể chế chính trị ở đại lục, nhưng cũng không thể kéo Đài Loan về chung sống dưới một mái nhà Trung Quốc… (Tình hình quan hệ giữa đại lục và Hongkong, giữa đại lục và Macao cũng tương tự).
Tuy nhiên, nên xem xét một giả thiết khác: Với những diễn biến nhất định nào đó (trong đó có sự suy yếu tiếp tục của Mỹ, hoặc giả định là Trung Quốc thay đổi chiến lược và có sự nhân nhượng nào đó đối với Đài Loan…) dẫn tới một tình huống cho phép xảy ra kịch bản một “liên bang Trung Quốc”, trong đó Đài Loan là một bang (với những quyền tự trị rất cao) và cùng đứng chung với đại lục dưới ngọn cờ Đại Hán thì sao? Bước đệm cho kịch bản này đã có sẵn rồi – đấy là quan điểm “một Trung Quốc hai chế độ” đang dành cho việc duy trì thể chế của Hongkong và Macao.
Trong một “liên bang” như vậy, cái mà Đài Loan sẽ nhận được là (a) mối nguy bị thôn tính từ phía đại lục sẽ không còn nữa, và (b) kinh doanh trên đại lục càng béo bở; cái Đài Loan sẽ mất là (c) bản thân mình không còn là một “chiến hạm không bao giờ chìm” của Mỹ nữa. Và trong một tình huống như thế, chắc gì Đài Loan muốn đóng vai trò là chiến hạm không bao giờ chìm của Mỹ? Việc Đài Loan đánh chiếm một số đảo của Việt Nam ở Hoàng Sa và đứng cùng một chiến tuyến với Trung Quốc trên Biển Đông trong một số vấn đề quan trọng cho thấy máu Đại Hán cũng tiềm tàng trong cơ thể Đài loan.
Giả thiết về một liên bang Trung Quốc như thế có thể còn xa với, nhưng trong tham vọng chính trị của cường quốc có điều gì là không muốn, không dám?..
Xin lưu ý: Trong tình huống nhất định (ví dụ: xảy ra khủng hoảng mới ở Trung Đông, trong thế giới đạo Hồi, trong lòng nội địa Trung Quốc.., hoặc trục Nga – Trung công khai xuất hiện…)., và một khi (1) sự tha hóa các giá trị của Đài Loan, (2) sức ép + sự quyến rũ (cái roi và củ cà-rốt) của đại lục, (3) cộng hưởng với sự suy yếu của Mỹ đạt tới một điểm nào đó, việc xảy ra khả năng đại lục chớp thời cơ tạo lập một “liên bang Trung Quốc” sắc thái Đại Hán có thể không hẳn là chuyện của khoa học viễn tưởng.
Một “liên bang Trung Quốc” sắc thái Đại Hán như thế, sẽ hệ lụy ra sao đối với (a) các nước Đông Nam Á, (b) so sánh lực lượng và mối tương quan giữa các cường quốc hữu quan: Mỹ, Nhật, Nga, Ấn-độ, sự tập hợp lực lượng mới… (c)toàn bộ hệ thống liên minh quân sự của Mỹ ở CA-TBD?
Xin lưu ý: Có không ít ý kiến cho rằng sự khác nhau về hệ thống chính trị giữa môt bên là Trung Quốc đại lục và một bên là các thực thể lãnh thổ Trung Quốc như Đài Loan, Macao, Hongkong là rất lớn. Do đó có thể loại trừ khả năng có một Trung Quốc thống nhất, dù là dưới dạng liên bang. Liệu suy nghĩ này có thể đứng vững?
Thực tế những thập niên vừa qua cho thấy sự khác biệt về chế độ chính trị không ảnh hưởng đến quá trình phát triển tiếp tục các mối quan hệ giữa đại lục và các thực thể Trung Quốc khác. Thậm chí, với bản chất là chủ nghĩa tư bản trong chế độ toàn trị một đảng đặc sắc Trung Quốc, khoảng không gian của đại lục dành cho các mối quan hệ hợp tác và liên kết với các thực thể lãnh thổ Trung Quốc này đang ngày càng mở rộng mà không bên nào phải thay đổi thể chế của mình.
Một khía cạnh khác: Trong giới chuyên gia quân sự Mỹ có ý kiến lo ngại từ năm 2020 trở đi khả năng của Mỹ bảo vệ Đài Loan có thể sẽ ngày càng giảm. Không loại trừ tình huống đến lúc nào đó và trong những điều kiện nhất định, đại lục có thể thống nhất Đài Loan bằng vũ lực - (theo Kaplan, dựa vào nghiên cứu của RAND[15])… Điều gì sẽ xảy ra nếu mối lo này thành hiện thực? Rồi phản ứng dây chuyền của sự đổ vỡ này đối với toàn khu vực Châu Á – Thái bình Dương?.. Đã có ý kiến đề xuất từ RAND: Đối sách của Mỹ có thể là phải bằng mọi cách kéo dài tình trạng hiện thời của Đài Loan cho đến khi có một sự phát triển dân chủ hơn xảy ra ở đại lục Trung Quốc…[16] Lại thêm một ảo tưởng nữa?
Vấn đề Đài Loan như vừa trình bầy làm rõ thêm sự bức thiết của chiến lược “trục xoay” và việc Mỹ quay lại CA – TBD.
Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ phát triển như thế nào và có thể hành động gì? – thiết nghĩ còn rất nhiều ẩn số ở phía trước. Mỹ cũng có danh mục khá dài các biện pháp đơn phương, đa phương, tổng hợp… để khống chế Trung Quốc khi tình hình đòi hỏi.
Có thể rút ra kết luận về Mỹ:
Nhìn tương quan lực lực lượng toàn cầu và xu thế vận động hiện nay của thế giới, có thể đánh giá: Chí ít cho đến giữa thế kỷ 21, Mỹ vẫn là siêu cường duy nhất, vị thế này là không thể thách thức.
1. Quá trình phạm vi ảnh hưởng của siêu cường Mỹ “đang nhỏ dần đi” là không thể cưỡng lại. Trong khi đó Mỹ vẫn chưa ra khỏi được nhiều vấn đề tồn tại lâu nay (trong đó có các vấn đề Iraq, Afghanistan, vấn đề các nước Bắc Phi, vấn đề Israel - Palestin…). Đồng thời nhiều vấn đề gai góc khác tiếp tục nóng lên (vấn đề nguy cơ vũ khí A của Iran và Băc Triều Tiên, vấn đề khủng bố, quan hệ NATO – Nga, quan hệ Mỹ - Nga, hiện nay xuất hiện thêm vấn đề Snowden với cả thế giới, vấn đề vũ khí hóa học đã được sử dụng ở Syri…). Trong bối cảnh đó từ hơn một thập kỷ nay sự vận động của siêu cường đang lên Trung Quốc tiềm tàng nguy cơ xáo trộn trật tự quốc tế hiện thời, thách thức trực tiếp nhất vị thế siêu cường của Mỹ, buộc Mỹ phải thay đổi chiến lược toàn cầu của mình.
2. Song trong cục diện quốc tế hiện tại một siêu đa cường, Mỹ và đồng minh / liên minh vẫn giữ vai trò chi phối – trong nhiều trường hợp là vai trò quyết định – đối với diễn tiến hay giải pháp của hầu hết mọi vấn đề toàn cầu hay khu vực, của mọi thách thức truyền thống hay phi truyền thống.
Về nhiều mặt đồng minh / liên minh Mỹ - phương Tây còn là lực lượng dẫn dắt trào lưu và xu thế phát triển của thế giới (trào lưu của văn minh nhân loại, của tự do dân chủ, sự phát triển của khoa học và công nghệ…). Trong mối liên kết đồng minh / liên minh này, với phương thức tập hợp lực lượng thông qua ngọn cờ dân chủ - nhân quyền và những giá trị toàn cầu khác, Mỹ có vai trò nổi bật. Toàn bộ thực tế này trong tình hình mới khách quan bù đắp lại đáng kể những hao mòn vị thế xảy ra trong quá trình “đang nhỏ đi” của siêu cường Mỹ.
3. Thay đổi triệt để nhằm tạo mọi khả năng tiếp tục giữ vị thế quyết định toàn cầu và đồng thời nắm lấy vai trò đi đầu trào lưu phát triển của thế giới với phương thức tập hợp lượng mới, đấy chính là con đường phát triển Mỹ lựa chọn để duy trì và tiếp tục phát huy vị thế siêu cường của mình, qua đó tác động vào cục diện thế giới.
4. Thách thức lớn nhất đối với Mỹ có lẽ chính là vấn đề: Thể chế chính trị Mỹ liệu có đủ sức kham nổi những thay đổi không ít đau đớn trong mọi lĩnh vực kinh tế, nội trị, quốc phòng, đối ngoại.., để cùng với cả thế giới phương Tây tiếp tục phát huy ảnh hưởng có lợi cho cục diện quốc tế chung hay không?[17].
5. Bù lại vị thế siêu cường của mình đang nhỏ dần đi, Mỹ quan tâm đẩy mạnh tập hợp lực lượng chung quanh những giá trị toàn cầu. Thực tế này khách quan có lợi cho việc mở rộng quan hệ hợp tác với Mỹ như một đối trọng có ý nghĩa quyết định cho việc xử lý ảnh hưởng bành trướng của Trung Quốc.
-----------------------------------------------------------
[1] Bài viết phục vụ công việc nghiên cứu của sinh viên và giảng viên. Tác giả giữ bản quyền.
[2] Khoảng mươi năm nay, ở Mỹ xuất bản khá nhiều sách, các bài nghiên cứu, các bài báo của những tác giả có tên tuổi nói về chiều hướng đi xuống của siêu cường Mỹ. Có thể rút ra từ những ấn phẩm này một nhận xét khái quát là: Xu thế chung đi xuống này của siêu cường Mỹ là rõ rệt, tuy có những lúc thăng trầm khác nhau, nhưng đây là một quá trình dài. Khác với sự suy vong của các đế chế trong quá khứ, siêu cường Mỹ tuy có ảnh hưởng ngày càng thu hẹp, nhưng do bản chất sự phát triển của nó nằm trong trào lưu phát triển chung của thế giới, nên trong một tương lai nhất định Mỹ vẫn giữ được vai trò đi đầu , vai trò lãnh đạo với nghĩa rất có giới hạn, trong sự vận động của thế giới; và đây là sự khác biệt quan trọng giữa siêu cường Mỹ và các đế chế trước nó. Siêu cường Mỹ chưa bao giờ là một đế chế, mặc dù có thời nó rất khát vọng điều này, “Pax Americana” vĩnh viễn chỉ là một ước mơ trong quá khứ.
[3] (1) Tham khảo: J. Bradford DeLong “The Second Great Depression - Why the Economic Crisis Is Worse than you Think” – Foreign Affairs July/August 2013.
(2) Mark Urban - “Is the United States an empire in decline?”, BBC 20-09-2012
[4] (a) Tìm xem cuộc trao đổi ý kiến tại London School of Economics giữa LAWRENCE SUMMERS, AXEL WEBER, MERVYN KING, BEN BERNANKE và OLIVIER BLANCHARD - March 25, 2013
(b) Tham khảo thêm: John Kao “Innovation Nation: How America Is Losing Its Innovation Edge, Why It Matters, and What We Can Do to Get It Back”.
© Tham khảo thêm: Các số liệu thống kê về tình hình kinh tế Mỹ trong CIA – World Factbook 2012, phần về USA - https://www.cia.gov/library/publications/the-world-factbook/geos/th.html‎
[5] Tìm xem: Charles A. Kupchan “Tình trạng bất ổn tại các nước dân chủ”, tạp chí Phía trước, do Trần Ngọc Cư dịch.
[6] Tìm xem: Nguyễn Trung, “Việt Nam trong thế giới của thập kỷ thứ hai thế kỷ 21” www.tapchithoidai.org/.../201018_NguyenTrung.htm‎
[7] Điều này không có nghĩa nếu Mỹ chẳng làm gì thì hôm nay có thể sẽ có vị thế quốc tế cao hơn. Cuộc sống thực tế của quan hệ quốc tế không có gì đứng yên một chỗ. Đứng yên và không phát triển đồng nghĩa với tụt hậu, với chết lâm sàng và dẫn tới bị lọai bỏ. Vấn đề chỉ là lựa chọn quyết định hành động nào mà thôi.
[8] Hãy đặt các vấn đề đạo lý – chính nghĩa và phi nghĩa, nhân đạo và vô nhân đạo, tiến bộ và phản động v… v… - sang một bên, tiến hành chiến tranh ở Iraq và Afghanistan có thể siêu cường Mỹ đã tính toán: Đây là bước mạo hiểm phải thực hiện, với triển vọng mở ra một cục diện mới trong trật tự quốc tế với lá cờ Mỹ sẽ được giương cao hơn, vì thời cơ xuất hiện cho Mỹ sau sự kiện 11-9 (September 11th) rất quyến rũ! Siêu cường nào mà lại chịu bỏ lỡ cơ hội nâng cao vị thế và uy quyền của mình? – còn thành hay bại lại là chuyện khác! Hơn nữa không thể bỏ qua thực tế: Sự kiện 11-9 đã thách thức Mỹ chí mạng. Là siêu cường và vì lo nhiều hậu họa khó lường, nên Mỹ không thể khoanh tay chấp nhận. Có thể xem bước phiêu lưu này của Mỹ như một nỗ lực của chủ nghĩa tân tự do, vốn hình thành từ thời Reagan – Tatcher và trở thành một nếp nghĩ sâu sắc ở Mỹ, nhất là trong kinh tế? Có thể đánh giá đấy là một phiêu lưu có tính toán, nhưng thực tế đã cho thấy Mỹ tính toán chưa hết và do đó phải trả giá? Bởi vì trước khi bước vào 2 cuộc chiến tranh này, Mỹ đã có rất nhiều bài học của chính mình, bài học thảm bại của Liên Xô cũ trong chiến tranh Afghanistan… V… v… Chú dẫn này chỉ nhằm lưu ý: Cường quốc có lối suy nghĩ riêng và hành động riêng của cường quốc – kể cả những phiêu lưu nó dám chấp nhận, người đọc không nên hiểu cường quốc theo cách nghĩ của mình, cũng không thể dậy khôn họ. Cách nhìn nhận đối với Trung Quốc cũng vậy.
[9] Có một khía cạnh cần lưu ý: Có thể phía Mỹ coi vấn đề dân chủ và nhân quyền như một cái “test”quan trọng, xem Việt Nam muốn hợp tác thực sự với Mỹ tới đâu. Bởi vì ngoài những ràng buộc về luật pháp Mỹ trong quan hệ đối ngoại của Mỹ, vấn đề dân chủ và nhân quyền liên quan đến bản chất của một chế độ. Một chế độ chính trị coi trọng vấn đề dân chủ và nhân quyền thường có phạm vi hợp tác rộng hơn với Mỹ, và ngược lại…
[10] Tham khảo thêm: Nguyễn Trung, “Diễn văn của Tổng thống CHLB Đức Joachim Gauck…”
[11] Tham khảo: (a) R. Kaplan (2010) - “The Geography of Chinese Power: How far can Beijing reach on Land and at Sea” Foreign Affairs, volume 89. Bài này đã được nhóm “Nghiên cứu quốc tế” nghiencuuquocte.net dịch ra triếng Việt. (b) Joe hung, “ Can a Thucydides trap be prevented? China Post - June 17, 2013.
[12] Cho đến nay, còn rất nhiều thách thức phi truyền thống chưa được nhìn nhận thấu đáo mà Trung Quốc có thể gây ra cho các nước khác. Đấy là những thách thức nảy sinh từ các vấn đề nhân chủng học, tôn giáo, di dân, di chuyển lực lượng lao động, cấu trúc dân số, khan hiếm năng lượng, khan hiếm nguồn nước, thiếu vùng không gian sinh tồn, ô nhiễm môi trường, vân vân… Trong những thách thức chưa hề biết đến, hay rất ít biết đến và rất khó lường này, ví dụ có câu hỏi: Giả sử vì bất kể lý do gì, nếu ở TQ xảy ra bạo loạn lớn, hay kinh tế đổ vỡ lớn, điều gì sẽ xảy ra cho các nước láng giềng chung quanh? Câu hỏi này không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng, mà đã từng xảy ra khi tại nhiều vùng biên giới Trung Quôc người dân đã ồ ạt chay sang các nước láng giềng để trốn tránh cách mạng văn hóa. Ngay trong hiện tại, các nhà chức trách ở vùng Viễn Đông của Nga vẫn chưa có cách nào khả thi và ngăn chặn hữu hiệu tình trạng nhập cư trái phép của người Trung Quốc. Trong khu vực này dân số của Nga ước khoảng 4,5 triệu người và từ nhiều năm nay vẫn đang trong xu hướng tiếp tục giảm, trong khi đó bên kia biên giới là trên 100 triệu dân Trung Quốc rất đói đất đai và cơ hội làm ăn! Việt Nam đang có nhiều mối lo lớn trước việc TQ khai thác một cách nguy hiểm vùng thượng sông Mekong, vân vân…
[13] Thucydides (460 BC – 395 BC) – sử gia Hy-lạp, đã chứng minh cuộc chiến tranh Peloponesian (499BC – 449BC) giữa Athen và Sparta lẽ ra có thể tránh được nếu không để cho nỗi sợ hãi và nghi kỵ lẫn nhau thái quá chi phối, đấy chính là cái bẫy đã dẫn đến chiến tranh mà những bên hữu quan đã vướng vào. Từ đó có thuật ngữ “cái bẫy Thucydides” trong nghiên cứu sử quan hệ quốc tế. Kinh nghiệm này cũng được một số học giả Mỹ và Trung Quốc nhắc đến nhân dịp TBT Tập Cẩm Bình đi thăm Mỹ (đối thoai kinh tế - chiến lược lần thứ 5).
[14] Tiếc rằng những tác giả của ý kiến này không nói cụ thể hơn: Hệ thống thế giới thân thiện hơn là gì? Thực hiện nó thế nào? Phải chăng đấy là mong muốn quạt mát làm dịu nỗi đói của hổ?
[15] RAND Corporation Provides Objective Research Services and ... www.rand.org/‎
[16] Tìm xem: R. Kaplan (2010) - “The Geography of Chinese Power: How far can Beijing reach on Land and at Sea” Foreign Affairs, volume 89. Bài này đã được nhóm “Nghiên cứu quốc tế” nghiencuuquocte.net dịch ra triếng Việt.
[17] Tham khảo thêm: Charles A. Kupchan, bài đã dẫn. Kupchan coi quá trình thay đổi này là liều thuốc đắng. Ví dụ: Chỉ riêng vấn đề quốc hội Mỹ đòi cắt giảm chi tiêu ngân sách, Obama bị bó tay trong không ít vấn đề…
(Còn tiếp)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"