Trên các phương tiện truyền thông quốc tế đang loan
tải những bài viết có luận điểm rằng, nền kinh tế Việt Nam đang trải
qua một giai đoạn suy thoái nghiêm trọng, báo hiệu một cuộc khủng hoảng
toàn diện, có thể dẫn tới suy sụp. Sự biến động của kinh tế sẽ dẫn tới
một sự thay đổi về chính trị, có lợi cho lộ trình dân chủ.
Bài “Việt Nam: các kịch bản thời sự sắp tới” trên BBC Việt ngữ, viết:
“Trong 2-3 năm nữa thôi, chính đảng cầm quyền ở Việt Nam sẽ có
thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế với hậu quả chưa có
tiền lệ tính từ giai đoạn lạm phát tăng đến 600% vào những năm giá –
lương – tiền 1985-1986. Trong một số trường hợp phản ứng xã hội đặc biệt
sâu sắc về nguyên nhân và tính chất, bạo động và có thể cả bạo loạn sẽ
xảy ra”.
Bài “Việt Nam: Những tiền đề khủng hoảng” trên trang web của đài VOA Việt ngữ viết:
“Chưa bao giờ nền kinh tế Việt Nam lại rơi vào tình trạng bấp
bênh nguy hiểm như giờ đây, với quá nhiều hệ lụy từ hệ thống ngân hàng
và các thị trường đầu cơ như bất động sản, vàng, chứng khoán, cùng khối
nợ xấu khổng lồ có thể lên đến trên 500.000
tỷ đồng và nợ công quốc gia có thể lên đến 95 – 106% GDP nếu tính theo
tiêu chuẩn của Liên hiệp quốc.. Ðầu năm 2013 (…)có đến 100.000 doanh
nghiệp phải giải thể và phá sản. Con số này chiếm khoảng 18-20% tổng số
doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại Việt Nam. Kể từ năm 1990 đến nay, đây
là con số ngừng hoạt động lớn nhất, cho thấy tình trạng nền kinh tế đã ở
vào thế bỉ cực”. “…Chưa bao giờ Việt Nam lại rơi vào một chu kỳ suy sụp
kinh tế và kéo theo hàng loạt mầm mống phản ứng và biến loạn xã hội như
hiện thời”.
Những phân tích
Nợ xấu của Việt Nam theo dự đoán có thể làm suy sụp hệ thống ngân hàng, tuy nhiên trong thực tế không đến mức như vậy.
Nợ xấu của Việt Nam theo dự đoán có thể làm suy sụp hệ thống ngân hàng, tuy nhiên trong thực tế không đến mức như vậy.
Công ty xử lý nợ xấu VAMC ra đời sẽ là công cụ để giải quyết món nợ
khổng lồ này. Nếu hệ thống luật pháp thay đổi thích ứng giúp VAMC và các
ngân hàng xử lý nợ xấu có hiệu quả, thì vấn đề nợ xấu cơ bản sẽ được
giải quyết.
Robert Young, giám đốc bộ phận tư vấn các tổ chức tài chính của
Deloitte (Anh) nói rằng, “tỷ lệ nợ xấu ngân hàng Việt Nam chưa đến mức
nghiêm trọng nhưng thay vì nhìn vào con số, hãy xem các ngân hàng nỗ lực
như thế nào trong việc thiết lập các bộ phận tái cơ cấu và xử lý nợ
xấu” (Vneconomy 15/08/13).
Bà Karin Finkelston, Phó chủ tịch Công ty Tài chính quốc tế (IFC),
thành viên của Nhóm Ngân hàng thế giới (WB), cho rằng, điều quan trọng
là không chỉ xử lý nợ xấu bằng sổ sách, nếu các khung cải cách được xây
dựng nhanh chóng, việc xử lý nợ sẽ hiệu quả” (Vneconomy 19/08/13).
Bà cũng cho hay, “hiện nay có nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư
vào các tài sản nợ xấu ở Việt Nam. Tuy nhiên, cần có các khung pháp lý
rõ ràng hơn”.
“IFC đã đầu tư vào các chương trình xử lý nợ xấu ở các quốc gia, và
IFC hy vọng giải quyết vấn đề nợ xấu ở Việt Nam dựa trên điều kiện thị
trường. IFC muốn dành nguồn lực đầu tư và tư vấn cho vấn đề thách thức
nhất mà Việt Nam đang gặp phải”, bà Karin nói.
Kỳ vọng nâng mức đầu tư tại Việt Nam lên trên 1 tỉ USD, bà Karin
Finkelston cho biết: “Trong thời gian tới, IFC sẽ tập trung vào những
hoạt động thúc đẩy cải cách cơ cấu cần thiết trong khu vực doanh nghiệp
Nhà nước và ngân hàng, để giúp nền kinh tế Việt Nam duy trì sức cạnh
tranh và tăng trưởng trở lại”.
So với tổng dư nợ cấp tín dụng cho nền kinh tế Việt Nam, tỷ lệ nợ xấu
hiện nay ở mức 4,47% theo báo cáo của tổ chức tín dụng, hay 8,6% theo
kết quả giám sát, vẫn thấp hơn so với tỷ lệ nợ xấu của một số nước, cụ
thể: Hàn Quốc 17% (3/1998), Thái Lan 47,7% (5/1999), Malaysia 11,4%
(9/1998), Indonesia trên 50% (1999), Albania 18,8%, Latvia: 17,5%,
Lithuania 16,4%; Montenegro 15,5%, Romania 14,1%; Serbia 18,8%,
Kazakhstan 30,8%, Tajikistan 14,9%, Ukraine 14,7%; Pakistan 16,2%
(sukienhay.com 14/07/12)…
Theo đồng hồ nợ công của tạp chí kinh tế nổi tiếng thế giới “The
Economist”, tính đến thời điểm 11/3/2013, nợ công của Việt Nam là 71,749
tỉ USD, chiếm 49,4% GDP, tăng 12,7% so với năm 2012. Ðiều đó đồng nghĩa
với việc mỗi người dân Việt đang gánh trên vai mức nợ công là 800,7
USD.
Theo các nhà phân tích của tạp chí này, nợ công của Việt Nam trong
năm 2013 sẽ có thể đạt mức 79,827 tỉ USD. Khi đó, mỗi người dân sẽ gánh
khoản nợ lên tới gần 900 USD/người.
Tuy nhiên, cần lưu ý là “The Economist” chỉ dựa trên các con số thống
kê công khai. Nếu gộp thêm cả số nợ của các doanh nghiệp nhà nước, vốn
không được kể đến theo cách tính nợ công của Việt Nam, con số này sẽ
tăng lên đáng kể. Theo Báo cáo tài chính hợp nhất toàn tập đoàn, tổng
công ty nhà nước năm 2012 công bố hồi tháng 1/2013, tổng nợ phải trả của
các đơn vị này là hơn 1,33 triệu tỷ đồng, hay khoảng hơn 60 tỷ USD,
bằng 44% GDP 2012.
Dẫn tính toán của chuyên gia Liên Hiệp Quốc, ông Nguyễn Trọng Hậu,
tiến sĩ Ðại học Almamer, Ba Lan, cho biết nếu theo chuẩn quốc tế thì nợ
công VN lên đến khoảng 128 tỉ USD, bằng khoảng 106% GDP năm 2011 – gần
gấp đôi mức VN công bố chính thức.
Dựa trên con số đó, cho thấy nợ công của Việt Nam không phải nằm
trong ngưỡng an toàn như “The Economist” nhận định. Tuy nhiên, con số nợ
công vẫn là chủ đề bàn cãi, khó đi đến thống nhất.
Theo khẳng định của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, chiếu theo Luật nợ
công năm 2009, tại Khoản 2 Ðiều 1, thì nợ công của Việt Nam gồm có nợ
Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ Chính quyền địa phương. Tính
đến 31/12/2012, nợ công tương đương 55,5% GDP, trong đó nợ Chính phủ là
43,1%, nợ được Chính phủ bảo lãnh là 11,5% và nợ địa phương là 0,9%
GDP. Với con số trên, nợ công Việt Nam hiện vẫn nằm trong tầm kiểm soát,
mặc dù đây là con số khá cao (Dantri 31/05/13).
So với các nước trong khu vực, Việt Nam có mức nợ công tính theo đầu
người khá thấp. Con số này ở Indonesia là 917,69 USD/người, ở Philippine
là 1.213,74 USD/người, ở Thái Lan là 2.640,8 USD/người, Malaysia là
5.936,87 USD/người. Tuy vậy, nếu xét theo tỷ lệ nợ công trên GDP,
Indonesia là nước có tỷ lệ này thấp nhất trong khu vực, chỉ khoảng
24,8%, Malaysia 56,8%, Philippines 49,5% hay Thái Lan là 48%.
Nếu như số doanh nghiệp khó khăn, ngừng hoạt động là 28.755, trong
đó, có 4.499 doanh nghiệp đã chính thức giải thể hẳn, thì song song,
trong 6 tháng đầu năm 2013, cả nước có 39.000 doanh nghiệp thành lập
mới, tăng 15,5% so với 6 tháng cuối năm 2012, với tổng số vốn đăng ký là
193,5 ngàn tỉ đồng, (giảm về vốn đăng ký 19,9%) (Nld 16/08/13)
Tình hình ngưng hoạt động hoặc giải thể của các doanh nghiệp là xấu nhưng không đến mức “bỉ cực”.
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng của Việt Nam đạt
khoảng 5,5% trong năm 2013, còn theo Ngân hàng Phát triển châu Á, thì
5,7%. Quỹ tiền tệ Quốc tế nhận định tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm
2013 sẽ phục hồi cùng mức như năm 2011, đạt mức 5,9%.
Nhìn vào toàn cảnh kinh tế, Việt Nam thực sự gặp khó khăn chưa từng
có, tính từ khủng hoảng năm 2008, nhưng để sụp đổ là điều khó xảy ra.
Có khoảng 60% nợ công là vay nước ngoài, chủ yếu là vay dài hạn với
lãi suất thấp 1%-2%. Ước tính khoản nợ phải trả mỗi năm tương đương gần 5
tỉ USD, nhà nước Việt Nam vẫn dùng chính sách vay nợ mới để trả nợ cũ,
cho dù số nợ cứ ngày càng lớn, đè nặng lên thế hệ tương lai.
Chưa có phong trào xã hội
Trong thời gian qua, giá xăng, điện, viện phí, v.v… tăng, nhưng cuối cùng dân chúng vẫn móc tiền chi trả, sau những kêu ca, thậm chí chửi bới một cách bất lực trên các diễn đàn Internet.
Trong thời gian qua, giá xăng, điện, viện phí, v.v… tăng, nhưng cuối cùng dân chúng vẫn móc tiền chi trả, sau những kêu ca, thậm chí chửi bới một cách bất lực trên các diễn đàn Internet.
Ý thức phản kháng chính trị của đại đa số dân chúng rất kém. Dường
như họ chấp nhận một đời sống như thế. Dù sao so với thời chiến tranh
vẫn khá hơn rất nhiều. Dân oan hay công nhân bị bóc lột thậm tệ đình
công hay khiếu nại cũng chỉ vì miếng ăn. Bà Nguyễn Thị Cúc, một dân oan,
mặc dù trần tình rằng bản thân phải đi ăn xin, và “Ðảng và Nhà nước
chẳng ai quan tâm đến” bà vẫn “tin đường lối của Ðảng và tin sẽ giải
quyết”! (BBC 12/1/12). Bà con Vụ Bản treo khăn tang đòi đất mà vẫn với
khẩu hiệu ngây ngô “Thủ tướng đâu, cứu chúng tôi”! Tâm lý này là phổ
biến.
Cho nên, những ngọn lửa Ðoàn Văn Vươn, Văn Giang hay Dương Nội, hay
vụ tự thiêu của bà Ðặng Thị Kim Liêng không thể bùng lên được. Sự gắn
kết vào một lực lượng phản kháng thống nhất rời rạc, manh mún. Một cuộc
biểu tình chống quân Trung Quốc xâm lược cao nhất cũng chỉ có đến một
ngàn người tham gia.
Ðã có những tiếng nói của giới trí thức, nhưng đa phần họ vẫn là đảng
viên cộng sản. Sự phản kháng thông thường dừng ở mức đòi hỏi Ðảng CSVN
thay đổi, thiếu tính cương quyết và dứt khoát về sự thay đổi cả hệ thống
chính trị.
Những cá nhân, các nhóm trẻ, có tinh thần tranh đấu, cũng chỉ đủ để
tác động vào một phần dư luận xã hội và quốc tế, chưa có tính rộng khắp,
bao quát xã hội, trong khi ở Việt Nam, dân chúng sống ở nông thôn chiếm
hơn 70%.
Kết
Vô cảm, thờ ơ với chính trị, ngậm miệng ăn tiền, hoặc sống trong văn
hoá sợ hãi, cam phận với cuộc sống hiện tại, là những điều cho thấy dù
kinh tế khó khăn, khó có thể có một cuộc cách mạng xuống đường ở Việt
Nam. Sự chịu đựng của người Việt dường như vô tận.
Kinh tế suy thoái chỉ là một trong những điều kiện thúc đẩy cách
mạng. Một cuộc cách mạng chỉ có thể nổ ra khi phong trào tranh đấu vì tự
do, dân chủ và nhân quyền được nhân rộng, có tổ chức và tạo ra một trào
lưu xã hội rộng khắp, thu hút mọi thành phần. Ðó là điều chưa có ở Việt
Nam.
Nguồn: Nhật báo Người Việt