Trần Văn Huỳnh (Danlambao) - Chủ nhật ngày 26/5/2013, gia đình tôi đến trại giam Xuân Lộc thăm Thức
như định kỳ hàng tháng. Nhưng lên đến nơi, các quản trại cho biết gia
đình không thể gặp Thức và hẹn 10 ngày sau mà không nói lý do, ngày hôm
đó phải ra về.
Không yên tâm, gia đình tôi lại tiếp tục đi thăm Thức ngày 31/5/2013 và
được biết, họ kỷ luật Thức là do đã phát hiện Thức sử dụng một chiếc
điện thoại di động và cũng yêu cầu gia đình quay về và chỉ cho thăm gặp
vào ngày 4/6/2013. Gia đình vô cùng ngỡ ngàng trước thông tin này, bởi
trong tù thì Thức tìm đâu ra một chiếc điện thoại di động để mà dùng? Và
nếu quả đúng như vậy, thì theo lẽ thông thường Thức sẽ liên lạc ngay về
cho gia đình, nhưng đằng này gia đình đã không nhận được tin nhắn hay
cuộc gọi nào. Các quản trại cho hay hình thức kỷ luật là biệt giam và
kéo dài trong 10 ngày - bắt đầu từ ngày thứ Sáu 24/5 cho đến hết ngày
2/6/2013. Lo lắng về tình trạng Thức lúc đó, gia đình đã cố gắng tìm
hiểu rõ hơn nguyên nhân sự việc, cũng như hỏi thăm về điều kiện ăn uống,
sinh hoạt khi biệt giam, nhưng các quản trại không cung cấp thông tin
gì thêm và chỉ nói gia đình quay lại sau khi hết kỷ luật. Gia đình có
yêu cầu họ lập biên bản ghi nhận việc gia đình không được gặp Thức do
Thức đang chịu kỷ luật, tuy nhiên họ từ chối. Nhưng họ cho phép gia đình
viết thư tay theo yêu cầu của gia đình để chuyển vào cho Thức và hứa
rằng chắc chắn sẽ đưa đến tay Thức khi hết thời gian kỷ luật.
Mười ngày chờ đợi trong thấp thỏm dài tựa như một tháng trời đằng đẵng.
Cảm giác của mười ngày đó chẳng khác gì quãng thời gian bặt vô âm tín từ
Thức sau khi Thức bị bắt tại nhà riêng rồi đưa đến trại tạm giam B34.
Có một điều kỳ lạ rằng thứ Sáu 24/5/2013 – ngày Thức bị chuyển vào biệt
giam, cũng chính là ngày Thức bị bắt cách đây 4 năm trước (24/5/2009).
Đồng thời, cũng vào hôm 24/5/2013 vừa qua, cháu Lê Thăng Long đã có bài
viết “Chọn đường”
kỷ niệm 4 năm ngày chính quyền bắt giữ Thức, thế rồi cùng ngày hôm đó
Thức chịu kỷ luật. Trong điều kiện không được cung cấp đầy đủ thông tin
từ trại giam, những sự trùng hợp lại càng khiến gia đình thêm bất an.
Cuối cùng, mười ngày rồi cũng trôi qua, sáng hôm qua ngày 4/6/2013, gia
đình trở lại trại giam Xuân Lộc như lời hẹn của các quản trại. Mọi âu
lo, phiền muộn đều tan biến hết khi gia đình trông thấy lại Thức sau
nhiều ngày không được gặp. Tinh thần Thức vẫn minh mẫn, lạc quan, Thức
vẫn hỏi thăm từng người một trong gia đình như thường lệ và rất vui mừng
khi gặp lại con gái lớn đang về Việt Nam trong thời gian nghỉ hè. Thế
nhưng, sắc diện Thức có phần xanh xao, Thức sụt cân thấy rõ. Thức kể là
đã trở về khu ở trước khi chịu kỷ luật và trở lại điều kiện giam giữ
bình thường, nhưng hiện giờ toàn bộ sách báo, họ đã tịch thu, không còn
để lại một thứ gì. Đến lúc này, họ mới giải thích rõ hơn về nguyên nhân
kỷ luật. Họ cho biết sự việc là do một người tù bằng cách nào đó đã có
được một chiếc điện thoại di động nhưng chiếc điện thoại này bị khóa
bằng mật khẩu nên không mở được, vì vậy biết Thức rành về công nghệ, kỹ
thuật, anh ta đã tìm đến Thức. Tuy nhiên, anh ta vừa mới gặp Thức thì
các quản trại phát hiện, sau đó họ kỷ luật Thức cùng với người tù kia.
Nhìn thấy Thức ốm hơn và có quầng thâm ở mí mắt, gia đình hỏi về điều
kiện sinh hoạt trong thời gian biệt giam thì được biết, Thức ở trong một
buồng rất nhỏ, trong khu kỷ luật, không có cửa sổ, không được ra ngoài
trong suốt 10 ngày, mỗi ngày được ăn 2 bữa với mỗi bữa là 1 chén cơm
trắng và được phát 1 chai nước khoảng 1 lít mỗi ngày dùng chung cho mọi
nhu cầu sinh hoạt. Thức còn bị cùm chân trong ngày đầu tiên biệt giam.
Dẫu vậy, vì không muốn gia đình lo lắng cho mình, Thức đã nhanh trí ứng
biến ra những dòng thơ lạc quan để trấn an mọi người.
“Chốn tù đày ngày cũng như đêm
Màn tăm tối đêm cũng như ngày
Bão tố mưa giông sóng dữ thác ghềnh
Không ngăn được bước đi về phía trước”
Sau sự việc kỷ luật, dường như các quản trại có phần khắt khe hơn. Lần
này, họ ngồi cạnh Thức theo dõi sát sao câu chuyện trao đổi, không như
những đợt trước gia đình được tự nhiên trò chuyện. Khi hỏi về bức thư
tay của gia đình Thức nhận được chưa. Vì không nhận được, gia đình có
khiếu nại và chỉ nhận được sự trả lời người giữ thư đó đi công tác (?!)
và lại hứa sẽ chuyển lại cho Thức. Họ tỏ ra chú ý và thường xuyên cản
trở làm gián đoán những đối thoại giữa Thức và gia đình. Gia đình thiết
nghĩ lỗi được cho là của Thức trong sự việc vừa qua so với hình phạt
biệt giam trong tình trạng thiếu thốn điều kiện ăn ở căn bản là quá khắt
khe và không cho gia đình thăm gặp vừa qua là không công bằng. Tôi nghĩ
cho dù như thế nào đi nữa, việc cầm cái điện thoại mà họ lại dùng hình
thức kỷ luật như thế thì thật nhẫn tâm.
Vừa hết biệt giam được 1 ngày nhưng Thức cũng đã kịp biết về diễn đàn an
ninh đối thoại Shangri-La ở Singapore mấy hôm rồi. Thức nhận định bài
phát biểu của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho thấy một sự thay đổi
trong chiến lược đối ngoại. Tuy nhiên, khi nhắc đến niềm tin chiến lược
thì Thức chỉ cười nhẹ, ánh nhìn đăm chiêu. Để động viên tinh thần Thức
sau những ngày biệt giam, gia đình đã tranh thủ báo Thức biết việc vận
động trong thời gian qua của gia đình cùng những bằng hữu đã có kết quả.
Bộ Ngoại giao Mỹ và Ủy ban đối ngoại Hạ viện nước này đã xác nhận sẽ có
hành động cụ thể đối với trường hợp của Thức. Thức nhờ gia đình cảm ơn
nỗ lực và sự giúp đỡ của mọi người thời gian qua. Trước khi gia đình ra
về, Thức nhắc lại câu nói trước đây của mình như một lời nhắn gửi: “Cứ ước nguyện chính đáng và quyết tâm làm thì điều đó sẽ đến.”