Bản dịch của Lê Anh Hùng
Associated Press, 11.6.2013
Hà Nội, Việt Nam – Các nhà lập pháp Việt Nam đã dành cho Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng một sự ủng hộ miễn cưỡng trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm
đầu tiên diễn ra ở đây, cuộc bỏ phiếu được xem như một bước tiến nhỏ
hướng tới một phong cách quản trị quốc gia đa nguyên hơn tại đất nước
cộng sản độc đảng này.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang phải chịu áp lực do thành tích điều
hành kinh tế kém cỏi, một nền kinh tế trước kia nằm trong số vận hành
tốt nhất ở Châu Á nhưng hiện đang ngập chìm trong nợ xấu và có môi
trường đầu tư ảm đạm. Năm ngoái, ông đã thoát hiểm khi bị thách thức vị
trí lãnh đạo trong một cuộc hội nghị của giới lãnh đạo đảng.
Nguyễn Tấn Dũng cùng 46 bộ trưởng và quan chức nhà nước cấp cao khác
phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu của các vị Đại biểu Quốc hội, cuộc bỏ
phiếu đầu tiên trong một quy trình thường niên kể từ nay về sau hầu cho
một công chúng đang ngày càng tỏ ra tự tin thấy rằng các nhà lãnh đạo
phản ứng nhanh nhạy hơn trước đòi hỏi của họ. Cuộc bỏ phiếu kín diễn ra
trong ngày thứ Hai và kết quả được loan báo trong ngày thứ Ba.
Với việc trên 90% trong tổng số 498 Đại biểu Quốc hội là những người
giữ thẻ đảng, không ai kỳ vọng một quan chức nào đó nhận được kết quả
nghèo nàn đến mức có thể dẫn đến chuyện từ chức.
Dù vậy, trên 30% đại biểu vẫn dành cho Nguyễn Tấn Dũng lá phiếu “tín
nhiệm thấp”, dấu hiệu chia rẽ rõ ràng trong nội bộ đảng về nhiệm kỳ thứ
hai (kết thúc vào năm 2016) của ông. Theo các nhà phân tích, kết quả đó
tự nó không ảnh hưởng đến vị trí của Thủ tướng, song lại có thể được các
đối thủ sử dụng trong các cuộc điều đình nội bộ về tương lai của ông.
Các thành viên Quốc hội phải bỏ phiếu để thể hiện xem là họ “tín
nhiệm cao”, “tín nhiệm” hay “tín nhiệm thấp” các quan chức. Nguyên tắc
bỏ phiếu kín quy định rằng những quan chức với trên 60% “phiếu tín nhiệm
thấp” có thể sẽ phải từ chức.
Nguyễn Tấn Dũng nhận được 160 phiếu “tín nhiệm thấp” trên tổng số 492
phiếu, đứng vị trí thứ ba trong số những người có số phiếu tiêu cực cao
nhất. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, người được nhìn nhận rộng rãi như
là đối thủ chính trị chính của ông phía sau cánh cửa khép kín của các
cuộc hội họp trong đảng, chỉ phải nhận 28 phiếu “tín nhiệm thấp”.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận được 209 phiếu “tín nhiệm thấp”,
được cho là phản ảnh kết quả điều hành nền kinh tế của ông. Bộ trưởng
Giáo dục và Đào tạo nhận được 177 phiếu “tín nhiệm thấp”. Ngoài nền kinh
tế, chuẩn mực nghèo nàn của các trường học từ tiểu học đến đại học cũng
là một mối quan ngại chính của công chúng.
Edmund Malesky, chuyên gia về Việt Nam tại Đại học Duke (Hoa Kỳ),
bình luận: “Điều này thực sự cho thấy các vị Đại biểu Quốc hội đang làm
công việc của mình. Ở đây chắc chắn đã xuất hiện một phản ứng nhanh nhạy
nào đó trước đòi hỏi của các cộng đồng cử tri. Hai nhân vật gắn liền
với kết quả vận hành nền kinh tế đạt tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp dưới mức
trung bình.”
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nhận xét rằng cuộc bỏ phiếu đã
phản ảnh “thực tế cuộc sống cùng những chủ đề thúc bách và… phần nào
phản ảnh những nỗi bất bình của nhân dân”.
Những vấn đề về cấu trúc đang hoành hành trong nền kinh tế và sự chỉ
trích cũng như giám sát ngày càng tăng của đảng đối với mạng Internet đã
châm ngòi cho những lời kêu gọi cải cách từ một số người trong đảng.
Trong khi vẫn tiếp tục bắt bớ các nhà bất đồng chính kiến, đảng lại sửa
đổi hiến pháp, và có thể sẽ giảm nhẹ ngôn từ về vai trò của nhà nước
trong nền kinh tế.
Jonathan London, một chuyên gia về Việt Nam từ Đại học Hồng Kông,
nhận xét rằng cuộc bỏ phiếu cho thấy “Việt Nam đang vạch ra lộ trình cho
riêng mình”, cho dù chậm chạp. Ông khẳng định rằng sự kiện tương tự sẽ
không thể xẩy ra ở Trung Quốc, quốc gia cộng sản láng giếng lớn hơn
nhiều so với Việt Nam.
“Có lẽ do sự cần thiết mà Việt Nam đang tỏ ra ưa thích một thứ nhãn
hiệu chính trị mang nhiều đặc điểm của một hệ thống chịu trách nhiệm bán
phần (semi-accoutable system)”, ông nói. “Đối với một đảng vốn có
truyền thống coi các nhà lãnh đạo của nó là trong sạch và có phẩm chất
xuất chúng thì đây quả là một sự thay đổi về quan điểm.”
(c) Defend the Defenders
Nguồn: Washington Post