AFR Dân Nguyễn
Dân Luận: Báo chí Việt Nam không thấy đả động đến
phần hỏi đáp sau bài phát biểu của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Thủ tướng
đã nhận được 3 câu hỏi, trong đó một câu hỏi của Trung Quốc đặt thẳng
vấn đề "ông có nói tới cường quốc gây hấn ở biển Đông, ông có thể cho
một vài ví dụ cụ thể đó là ai không?" và một của Hàn Quốc: "Giữa Trung
Quốc và Hoa Kỳ ông tin ai hơn?".
Cách trả lời của thủ tướng là nước đối, tránh ko mất lòng ai: "các
bạn đã biết đó là ai rồi, tôi ko phải trả lời nữa" và "Trung Quốc và Hoa
Kỳ phải biết vị trí của mình để có hành động phù hợp".
Với cách trả lời nước đôi này, liệu Việt Nam có thể xây dựng được
lòng tin - chưa nói tới lòng tin chiến lược - không, thật khó nói!
NQL: Đề tài “lòng tin” được bàn tán khá nhiều quanh phát biểu của thủ tướng, đây là một góc nhìn khác.
Tại Singapore, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (NTD) đã vinh dự
được mời đọc bài diễn văn khai mạc Đối thoại Shangri –La 2013. Trong
diễn văn của mình, thủ tướng NTD đề cập nhiều vấn đề Quốc tế (QT) và khu
vực Đông nam Á (ĐNÁ).
Đặc biệt, qua bài diễn văn này, khái niệm “lòng tin” được nhắc đi
nhắc lại nhiều lần, và được nhấn mạnh. Cũng qua bài diễn văn này, một
khái niệm rất mới - “lòng tin chiến lược”, có lẽ người ta lần đầu tiên
được nghe thấy tại diễn văn này.
Một điểm nữa, thiết nghĩ cũng không nên bỏ qua, là việc thủ tướng
khẳng định lập trường của VN trong vấn đề giải quyết tranh chấp Biển
Đông (BĐ), cũng như việc khẳng định “… VN không là đồng minh quân sự của
nước nào…”.
Về “lòng tin”, bài diễn văn của thủ tướng nói thế này: “Đối với Việt
Nam chúng tôi, lòng tin chiến lược còn được hiểu trên hết là sự thực
tâm và chân thành…”.
Bỏ cái: chiến lược” to tát khó hiểu kia đi, thì rõ ràng, ai cũng
thừa nhận “lòng tin” chỉ có thể được xây dựng trên nền tảng của “thực
tâm và chân thành”. (hay chỉ cần nói “chân thành” là đủ), vì thực tâm
với chân thành đâu khác gì nhau…
Điều đáng nói ở đây là đòi hỏi, hay chỉ đơn thuần là ước muốn trong
quan hệ quốc tế luôn phải có sự “thực tâm và chân thành”, có là sự “ngây
thơ chính trị” không!? Đấy là chưa kể khi anh luôn luôn là người “nói
dzậy mà không phải dzậy” trong “đối nội”, thì việc anh “chủ trương” về
cái gọi là “lòng tin” trong quan hệ quốc tế, chỉ là điều anh tự nói và
tự mình nghe mà thôi. Một kẻ “đi nói dối cha, về nhà nói dối chú”, liệu
có nói chuyện về “lòng tin” được với ông láng giềng không? Chính trong
nước, chưa bao giờ chính phủ của thủ tướng, đảng của thủ tướng bị mất
lòng tin đối với dân chúng như hiện nay. Chính những người đứng đầu
đảng, nhà nước VN thừa nhận niềm tin của nhân dân vào chế độ, vào đảng
chưa bao giờ sụt giảm như hiện nay. Cái lý do làm mất lòng tin của nhân
dân VN vào đảng và chế độ, chưa hẳn là do yếu kém về TRÍ TUỆ nói chung,
mà là bởi thiếu hẳn cái “…trên hết là sự thực tâm và chân thành…”.
Thủ tướng cũng nói trong diễn văn của mình: “Chúng ta không quên nhưng cần khép lại quá khứ để hướng tới tương lai”.
Nếu đây là thông điệp mà thủ tướng NTD muốn gửi “trực tiếp” cho hai
cường quốc có mặt trong Dialogue này, (Trung Quốc và Mỹ) thì cường quốc
láng giềng của VN không có lý do để từ chối, trong khi cường quốc bên
kia Thái Bình Dương có lý do để không nhận, cho dù rất muốn thông điệp
này hiện hữu.
Chính phủ của thủ tướng NTD đã “khép lại quá khứ” đối với cuộc chiến
tranh đẫm máu, tàn bạo hiểm độc của những người anh em cùng chung ý
thức hệ cộng sản Trung Quốc; Trong khi vẫn luôn khơi dậy hình ảnh cuộc
chiến tranh Việt Mỹ đã lùi vào quá khứ gần nửa thế kỷ. Thử hỏi, với
“đường lối đối ngoại” như trên, thủ tướng NTD có lý do gì đòi hỏi “xây
dựng lòng tin” (chứ đừng nói “lòng tin chiến lược” với cường quốc bên
kia đại dương…
Về quan điểm “chính sách quốc phòng của VN là hòa bình, tự vệ. VN
không là đồng minh quân sự của nước nào…Vn không liên minh với nước này
để chống lại nước khác…”.
Thoạt nghe, chẳng ai có thể chỉ trích CHÍNH SÁCH QUỐC PHÒNG này của
thủ tướng NTD. Nó khiến người ta liên hệ tới cái gọi là HÒA BÌNH, HỢP
TÁC và HỮU NGHỊ. Thì ai chẳng muốn thế. “Chính sách quốc phòng” này lấy
hòa hảo làm trọng đây!
Ai cũng biết, sống ở đời cần tử tế. Với láng giềng cần “tối lửa tắt
đèn”, cần giúp đỡ lẫn nhau. Cần “thực tâm và chân thành” (theo cách nói
của TT NTD…).
Thế nhưng, gặp láng giềng xấu tính thì sao? Gặp khi “cây muốn lặng, gió chẳng muốn đừng” thì phải làm thế nào?
Trong cuộc sống, việc sống hòa hảo, “phải đạo” với láng giềng, với
thiên hạ là điều cần thiết. Nhưng thiết nghĩ xây dựng cho mình một mối
quan hệ đặc biệt với một người, một nhóm người, bằng vào những Giao ước,
những Cam kết cụ thể, hòng có những người BẠN TỐT, cũng là điều cần
thiết chứ. Thực tế cuộc sống dạy chúng ta, có những người bạn tốt là hết
sức cần thiết. Muốn có những người bạn tốt, chúng ta, ngoài việc phải
“thực tâm và chân thành”, còn cần có những CAM KẾT đặc biệt. Gặp hoạn
nạn, ta sẽ có người BÊNH VỰC. Gặp cướp, có người cùng ta làm ĐỒNG MINH
đứng đấu lưng “so gươm” với kẻ thù.
Thực tế những năm gần đây, và rất có thể trong tương lai, Trung Quốc
chính là kẻ đã và đang gây ra tình trạng căng thẳng, mất ổn định tại BĐ
cũng như toàn khu vực ĐNÁ, điều mà chính TT NTD đã cảnh báo trong diễn
văn khai mạc của mình: “…Tuy nhiên, nhìn lại bức tranh toàn cảnh khu vực
trong những năm qua, chúng ta cũng không khỏi quan ngại trước những
nguy cơ và thách thức ngày càng lớn đối với hòa bình và an ninh…”.
Nhưng với “…những nguy cơ và thách thức ngày càng lớn đối với hòa
bình và an ninh…”, thì thủ tướng NTD vẫn khẳng định “VN trước sau như
một kiên trì nguyên tắc giải quyết bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ
luật pháp quốc tế…”, và TT NTD (cũng chỉ “kiên trì nguyên tắc” đòi)
“…các bên liên quan đều phải kiềm chế, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử
dụng vũ lực…!?”.
Một câu hỏi được đặt ra: Thế “những bên liên quan” (trên thực tế có
thể hiểu “các bên” ở đây chỉ là Trung Quốc mà thôi) không “kiềm chế” thì
sao? Phải có biện pháp “chế tài” họ chứ! Làm sao có thể chỉ đấu võ mồm
với kẻ đang cầm dao xông vào mình với bộ mặt đầy sát khí?
Thực tế cho thấy, Trung Quốc chưa có dấu hiệu gì từ bỏ mưu đồ bành
trướng ở BĐ. Họ vẫn chứng tỏ cho quốc tế thấy rằng, họ không “kiềm chế”
sử dụng vũ lực, phải chăng cũng một phần biết rằng VN “…Trước sau như
một kiên trì nguyên tắc giải quyết bằng biện pháp hòa bình…”, mà điều
kiện kèm theo chỉ đơn giản là đòi “các bên liên quan phải kiềm chế…!”.
Mặt khác, liệu có thể hiểu rằng, việc khẳng định “…VN không là đồng minh
quân sự của nước nào”, hay “…kiên trì nguyên tắc giải quyết bằng biện
pháp hòa bình…” có thể được xem như là hành động tự trói mình? Và hiển
nhiên, kẻ hưởng lợi từ chính sách quốc phòng mang tính “nguyên tắc” đó
của VN, không ai khác, chính là Trung Quốc! Cũng chính bởi điều này mà
có thêm một câu hỏi nữa mà dư luận đặt ra bấy lâu nay, là liệu có phải
đảng cs VN đã bị lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc?…Điều này cũng lý
giải vì sao họ tỏ ra rất nhu nhược về vấn đề BĐ trong những năm qua…
Với chính sách quốc phòng như trên, cho thấy một tất yếu khách quan,
là VN hiện không có nước nào sẵn sàng “sắn tay” giúp đỡ khi gặp hoạn
nạn; Bởi họ chẳng có ràng buộc gì trong việc phải “cứu” Vn của TT NTD!
Vấn đề ở đây là TT NTD có xác định rõ kẻ thù trước mắt và lâu dài của VN hay không?
Nhân dân VN thì đã nhận rõ chân tướng kẻ thù đó- kẻ thù trước mắt và
lâu dài, hơn thế, có thể nói là kẻ thù truyền kiếp- Đó chính là chủ
nghĩa bành trướng bá quyền Trung Quốc.
Vậy thì, ngoài thế trận lòng dân, vốn là di sản quý báu của dân tộc,
ta cần thẳng thắn nhìn nhận về một đồng minh rất nên có trong công cuộc
chống kẻ thù lâu dài này.
Đồng minh đó là ai, nếu không phải là Hoa Kỳ, là các nước thịnh vượng về kinh tế, văn minh về xã hội?
Nếu trước đây, đánh Mỹ được coi là đúng, thì ngày nay hợp tác với Mỹ còn đúng đắn hơn nhiều.
Nếu trước đây đánh Mỹ có thể là để bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ, bảo
vệ chủ nghĩa, thì ngày nay, hợp tác với Mỹ là vì chủ quyền quốc gia, là
vì toàn vẹn lãnh thổ, cũng là vì một VN văn minh thịnh vượng.
Thực tế chứng minh Hoa Kỳ đã và đang muốn Vn là một đồng minh chiến lược.
Nhưng không phải là vô điều kiện.
Điều kiện đó chính là “lòng tin”. Lòng tin từ hành động cụ thể, chứ không phải lời nói.
“Lòng tin” đó phải được đặt để trên những biểu hiện cụ thể của “khép
lại quá khứ”, và những bước đi cho thấy sự xích lại gần nhau.
Và cũng được đặt để trên một Việt Nam dân chủ, nhân quyền, nơi mà
các quyền căn bản của người dân như quyền biểu tình, quyền tự do ngôn
luận, tự do tư tưởng, tôn giáo… không chỉ là có trong Hiến Pháp.
Myamar đang chứng tỏ nhận định này.
Những gì đang xảy ra trong nước, có lợi cho TT NTD “xây dựng lòng tin chiến lược” tại The Shangri-La Dialogue không?
Chính sách quốc phòng mà TT NTD vừa khẳng định tại ĐỐI THOẠI Shangri-La, có lợi gì cho quốc gia, dân tộc?
Đó là những câu hỏi không thể không được đặt ra.
1/6/2013
Tác giả gửi Quê Choa, bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả