Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

Tác dụng phản kháng trong một chế độ toàn trị

Ung dung ta nói điều ta nghĩ Cúi ngửa theo người quyết chẳng theo
Nguyễn Trãi
Danh sách mỗi ngày một dái...
Danh sách mỗi ngày một dài…
Có nhiều hình thức phản biện lại một xã hội tùy theo hoàn cảnh mỗi người và tùy hoàn cảnh xã hội và ngày nay tùy thuộc vào tình hình thế giới nói chung.
Nhưng nguyên tắc ngàn đời vẫn đúng là ở đâu có đàn áp, có bất công, có độc tài thì ở đó có tiếng nói phản biện cất lên. Chế độ cộng sản từ khi có mặt ở Việt Nam- nhất là là từ khi chiếm được miền Bắc năm 1954 và miền Nam năm 1975- thì chưa bao giờ người dân được yên và cũng chưa bao giờ chế độ ấy có được sự đồng thuận của người dân.
Dân sống trong lo sợ thì họ-người cộng sản, kẻ cầm quyền- sống trong bất an!

Sự phản kháng diễn ra miên tục dưới nhiều dạng thức.
Có người lên tiếng công khai, trực diện như những nhà chính trị, những nhà lãnh đạo của đảng. Sự lên tiếng này diễn ra ngay trong nội bộ của họ. Có người như các nhà văn như Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương dùng tác phẩm như một thông điệp gián tiếp lên án chế độ.
Nhưng có một đa số thầm lặng mà cơ may phản biện hầu như không có thì sự phản kháng là những phản ứng tiêu cực. Điều này xem ra vô hại đối với kẻ cầm quyền, nhưng lại là những đà cản bước tiến và xói mòn xã hội. Một người không sao- 10 người cũng không sao. Nhưng triệu người và hàng chục triệu người cùng một phản ứng tiêu cực thì sức phá là không lường được. Và ngày nay, người ta mới dần hiểu được sự phản kháng này nó tai hại như thế nào. Đó là sự vô trách nhiệm, sự thản nhiên( Indifférence) trước bất cứ tình huống nào.
Những người lãnh đạo cộng sản đã tưởng rằng có thể dùng bạo lực cưỡng chế và yên trí rằng họ đã thành công.
Thành công theo nghĩa ổn định, dẹp yên chỉ là cái nhất thời. Vì không phải lúc nào xử dụng bạo lực cũng có kết quả, vì nó là con dao hai lưỡi như kẻ dùng gươm sẽ chết vì gươm.
Nhưng nhiều khi phải nhiều năm sau, người ta mới nhận ra hậu quả của sức cản tiêu cực nó như thế nào..
Và đối với kẻ viết bài này thì chế độ cộng sản đã lung lay, đã có nguy cơ sụp đổ, chỉ vì những sức cản tiêu cực này.. Và nếu nói theo ngôn ngữ của giáo sư G.Chang tiên đóa rằng, nước Tàu sẽ sụp đổ trong cuốn sách The coming collapse of China( 2001)
Đó là sự thờ ơ của dân chúng, đó là sự bất cần, sự thiếu trách nhiệm, sự thiếu niềm tin của dân chúng..
Lãnh đạo nói, dân chúng không nghe.
Đảng nói một đàng, dân chúng làm một nẻo. Càng nhiều luật lệ, càng nhiều thúc ép, càng thêm rắc rối. Đó là một cái cây đã rỗng ruột. Một bộ máy đã ì ạch, đã en panne. Đó là một cơ cấu đã mục rỗng.
Không phải cứ bắt giam tù, không phải cứ tống xuất, không phải cứ triệt tiêu tài sản, không phải cứ bịt mồm bịt miệng bằng những biện pháp thể lý là xong.
Chưa bao giờ cộng sản thành công trong việc cầm tù được tư tưởng người khác. Và xin nói thẳng, họ chưa bao giờ có thể cải tạo được những người tù cải tạo trước 1975.
Họ chỉ đào sâu thêm sự hận thù. Hận thù chồng chất.
Sau năm 1975, nhiều bất hạnh đã xảy đến cho miền Nam như các chính sách Học Tập cải tạo, đánh tư sản, đổi tiền, đi kinh tế mới, truy lùng sách báo cũ «phản động và đồi trụy », chính sách xô đẩy thuyền nhân đi ra biển mà sau được gọi là « Boat people »thuyền nhân.
Trong bấy nhiêu nỗi khổ đau tôi nhìn lại thì nỗi khổ đau lớn nhất là nỗi bị xỉ nhục.
Nỗi nhục ấy một phần bắt nguồn từ phía người thua cuộc tự cảm thấy bị xúc phạm. Nhưng phần lớn do kẻ thắng cuộc gây ra bằng những tên gọi mới. bằng thứ ngôn ngữ xúc phạm đến toàn miền Nam và bằng những chính sách đối xử.
Chính vì không chịu đựng nổi liên tục ngày này qua tháng nọ- mỗi ngày mỗi hà khắc- mỗi ngày thấy sự bất công phi lý- mỗi ngày thấy tương lai vô định mà họ mang nỗi nhục ấy phải liều mình ra đi. Hành lý mang theo không phải tiền bạc mà là cái đầu- một ý chí quyết vươn lên làm lại cuộc đời- và một trái tím rướm máu.
Sự đối kháng của người dân miền Nam là chọn sự ra đi thay vì ở lại đối đầu.
Việc ra đi là một bước đường cùng, tìm trong cái chết một lẽ sống. Ra đi hay là chết là quyết tâm không thể sống chung. Đó là sự đối kháng quyết liệt nhất, sự phủ nhận toàn diện sự hiện hữu của chế đố ấy, sự không khoan nhượng.
Xem lại những đoạn phim về hình ảnh người vượt biển với bao gian nan mới thấy hết được sự tàn bạo của kẻ tự nhận là chiến thắng.
Tất cả những chính sách bất nhân, vô nhân đạo ấy đều được kẻ chiến thắng- ngay cả đối với thành phần trí thức tiến bộ nhất của chính quyền cộng sản- coi như những biện pháp chính đáng phải thi hành. (Mesures légitimes)-
Thật ra nó chỉ là Cái chính đáng của kẻ chiến thắng-.
Trong khoảng thời gian ít nhất 15 măm, toàn dân miền Nam chịu đựng những trù dập, những biện pháp được coi như trả thù của kẻ chiến thắng mà người ta bắt buộc phải làm như vậy và không thể làm khác được.
Trong suốt những năm ấy, người ta không nhận được bất cứ tín hiệu phản kháng chính thức nào của nạn nhân cũng như của thành phần trí thức tiến bộ !! Đó là một thời gian dài một bên chịu đựng, một bên áp đặt mà không một ai nhận thức ra được sự bất công tàn bạo trong mối tương quan giữa kẻ chiến thắng và kẻ chiến bại.
Sau 38 năm nhìn lại, người ta dần dần mới nhận thức rõ được đó là sự say mê điên cuồng chiến thắng, tiếp theo là sự bất lực và yếu kém trong quản lý và nhất là sự vô trách nhiệm vô giới hạn(Irresponsabilité illimitée) từ trên cao đến xuống thấp đã đưa đất nước đến bên bờ vực thẳm.
Vì thế, cho đến nay không biết ai là người trực tiếp trách nhiệm về những tội ác đổ trên đầu con dân miền Nam.
Từ 1975-1990-, con dân miền Nam bị rơi vào tình trạng tâm sinh lý bất động co dúm lại mà không có một phản ửng nhỏ dù là tự vệ.(Immobilisme convulsionnaire). Mặc cho kẻ chiến thắng bạo hành.
Thế giới bên ngoài không biết đến. Trí thức, nhà văn phía bên kia im lặng đồng lõa!
Và nay cho thấy là những bất mãn, những lên tiếng, những phản biện, những đòi hỏi đều xuất phát từ nội bộ cơ cấu tổ chức đảng. Người dân nói chung và người dân miền Nam nói riêng- nhất là những thành phần dân quân cán chính trước 1975- Cho đến giờ phút này vẫn chưa hề có tiếng nói.
Mặc dù những thiệt thòi như thế- một cách nào đó đả đẩy một cách tự nhiên tất cả người dân miền Nam đứng sang bên lề mọi diễn biến chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước mình. Đất nước ấy thay đổi, tiến hay lùi, phát triển hay thụt lùi, đã không có mặt của người dân miền Nam.
Thật vậy, chúng ta thử nhìn xem đã có một đại biểu nào thuộc thành phần dân quân cán chính miền Nam trước 1975 nằm trong Quốc Hội? Đã có một người trí thức nào của miền Nam trước 1975 nằm trong vị trí lãnh đạo của chính quyền? Và một câu hỏi tiếp, đã có một con em nào thuộc thành phần con cháu các thành phần lãnh đạo miền Nam trước 1975 trở thành người lãnh đạo trong chính quyền cộng sản?
Câu hỏi tất nhiên là không. Trong số 15 triệu người miền Nam, họ chỉ là những công dân bậc hai.
Trong khi đó hằng trăm ngàn giới trí thức trẻ, con em của các vị ấy- nếu chẳng may còn bị kẹt ở lại trong nước thì chỉ là thành phần cu li, cu leo, đĩ diếm-. Nhưng ra hải ngoại, họ lại là những chuyên viên hàng đầu đang tham gia trong các cơ cấu tổ chức của xã hội Mỹ và các nước khác
Chất xám của Việt Nam đã được sử dụng đúng người, đúng chỗ.
Một bằng chứng hùng hồn nhất tại Học khu Garden Grove mới đây trong số 13 em đứng đầu bảng trong trường học của mình thì đã có 11 em học sinh người gốc Việt. Giả dụ ngay sau 1975, họ đã có chính sách hòa giải, biết dùng người, biết sử dụng chất xám vốn có của miền Nam thì nay tương lai đất nước đâu đến nông nỗi này !!
Có gia đình một vị trung tá quân đội miền Nam, sau nhiều năm cải tạo được ra định cư ở nước ngoài và vị sĩ quan ấy đã đi học y khoa trở thành bác sĩ và các con cái ông nối nghiệp cha anh cũng trở thành những bác sĩ nổi tiếng ở Mỹ. Giả dụ ông ở lại trong nước thì số phận của ông và con cái ông sẽ ra sao?
Điều gì khác biệt giữa liều mình đi và ẩn nhận chịu đựng ở lại? Có nên chăng thấy xấu hổ vì là một người VN sống trong xã hội cộng sản không?
Cho nên nói cho cùng 38 năm nay Việt Nam cũng vẫn chỉ là một Nhà Nước của một nửa chưa bao giờ thực sự thống nhất, chưa bao giờ có sự đồng thuận của người dân. Một đất nước mà một nửa dân chúng vẫn âm thầm chịu đựng, vẫn ẩn nhẫn chờ đợi những thay đổi, hy vọng chế độ ấy phải sụp đổ thì đất nước ấy đi về đâu?
Mà nay thì không phải một nửa mà là toàn dân muốn cộng sản phải bị biến dạng.
Đó là sự đối kháng thầm lặng của những tảng đá ngầm- một sự đối kháng tiêu cực- một đối kháng có ý nghĩa nhất- một đối kháng có tác dụng làm sói mòn và trì trệ bước tiến xã hội. Đáng nhẽ đó là những nhân tố có nhiều tiềm năng góp bàn tay xây dựng, tái thiết đất nước sau chiến tranh. Nhưng nó đã bị bỏ quên một cách lãng phí chỉ vì bệnh vĩ cuồng.
Người ta giả dụ rằng vai trò chiến thắng được đổi ngược lại thì VN ngày nay đâu có thua gì Nam Hàn, Đài Loan.
Đó là bài học đắt giá mà cho đến nay các người lãnh đạo đang trên bờ vực của sự sụp đổ hầu như vẫn chưa nhận thức ra được.
Cho nên những ai chủ trương dễ dãi xóa bỏ quá khứ, chủ trương hòa hợp hòa giải chỉ là những kẻ ở ngoài cuộc- Hoặc họ là người vô trách nhiệm, hoặc họ ở thế kẻ thắng trận miệng hô hòa hợp, hòa giải, tay dùng súng đạn bắt tù đầy, cải tạo.
Cho nên câu trả lời là sau 38 năm độc lập và thống nhất, theo nhật báo NewYork Times, mới đây nhất, ngày thứ tư 24/4 thì ở Việt Nam hiện nay  « Bất mãn chưa từng thấy ». Nghĩa là nay sự bất mãn không phải giới hạn vào một nửa nước mà cả nước. Bất mãn từ trên xuống dưới, từ kẻ thua cuộc đến kẻ thằng cuộc, từ mọi tầng lớp dân chúng.
Bài báo trích dẫn lời nói của ông Nguyễn Phước Tương, tức giáo sư Tương Lai, cựu cố vấn hai đời Thủ Tướng Việt Nam.
Giáo sư Tương Lai cũng như nhiều nhân vật chính trị cao cấp lên tiếng phản đối chính quyền V.N. Cũng giống như nhiều người khác, ông nói :
« Chế độ của chúng tôi là độc tài toàn trị », ông nói tiếp : «Tôi là người sống trong lòng chế độ- Tôi biết tất cả những khiếm khuyết, những sai lầm, sự suy thoái của nó ». Ông nói thêm :
«Nếu chế độ này không được sửa đổi thì tự nó sẻ sụp đổ ».
Đây được coi là những lời chỉ trích và cảnh báo được coi là nặng nề nhất từ trước tới nay.
Ông Peter R. Ryder, Giám Đốc điều hành Quỹ Đầu tư Indochina Capital cho hay trong 21 năm ông sống ở Việt Nam, ông chưa hề thấy mức độ bất mãn của giới trí thức và doanh nhân như ngày nay.
Một người khác không kém quan trọng là tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho hay tại Diễn Đàn Kinh Tế Mùa Xuân do Ủy Ban Kinh tế của Quốc Hội tổ chức, ông Lê Đăng Doanh cho hay người ta đã tranh dành nhau lên nói trước Micro để phát biểu.
Đó là sự khủng hoảng niềm tin.
Những người trí thức tiến bộ như giáo sư Tương Lai, tiến sĩ Lê Đăng Doanh đã một thời là những cán bộ nòng cốt của đảng và họ đã viết cả trăm bài báo về kinh tế, chính trị nhằm chấn chỉnh đảng, nhằm sửa đổi diện mạo Đảng cho đẹp hơn, sáng sủa hơn và một phần những bài báo ấy được đăng trong bốn tập sách : Một góc nhìn của trí thức, do Tia Sáng xuất bản.
Giáo sư Tương Lai đã có những bài viết như : Vấn đề của mọi vấn đề. Marx- sửa chữa nhanh hơn hình thành. Động lực xã hội và phát triển kinh tế. Tôn trọng sự khác biệt. Lương không đủ sống, nhưng vẫn sống đàng hoàng. Cần nhìn lại việc giáo dục nhân cách cho sinh viên.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh với những bài biên khảo sâu sắc như Kinh tế thị trường- vai trò của nhà nước và sáng tạo.
Thiện chí ấy đã không được dáp lại và như đàn gẩy tai trâu!!
Vì thế có hằng trăm các nhà trí thức khác cũng mang một hoài bão như hai vị trên đã lên tiếng cảnh báo như Chu Hảo, Nguyên Ngọc, Nguyễn Kiên, Bùi Trọng Liễu, Phạm Toàn, Lâm Võ Hoàng, Trần Đình Hượu, Đặng Nhật Minh, Trần Quốc Vượng, Dương Trung Quốc, Phan Dình Diệu, Hoàng Tụy, Nguyễn Bỉnh Quânvv..
Họ đã lên tiếng như thế từ mấy chục năm nay và chắc sẽ còn phải tiếp tục lên tiếng. Và lên tiếng cho đến bao giờ!!
Phải chăng đã đến lúc cần đặt câu hỏi, đây là một niềm hy vọng cải tiến đất nước hay chỉ là một ảo tưởng của giới trí thức- một thứ loyal dissident- một thứ chân trong chân ngoài-một thứ vẫn ăn thóc nhà Chu mà vẫn chửi nhà Chu-?
Phê phán, phản biện, phản kháng phải chăng chỉ để yên lương tâm, nhưng đằng khác lại cúi đầu chấp nhận cuộc sống để thỏa mãn cái dạ dầy.
Vấn đề đặt ra là kể từ năm 1954, đã hai lần chính quyền cộng sản đã có kinh nghiệm nắm chính quyền. Mà lần nào cũng thất bại- mà thất bại càng lấn sâu và nặng nề hơn trước- .Thất bại của giai đoạn 1954-1975 còn có thể hiểu được và châm chế được.
Nhưng giai đoạn từ 1975 đến nay- đã 38 năm-. Không thể một lần nữa chấp nhận sự thất bại và sự ngu dốt của họ.
Đó là thứ thất bại không chấp nhận được.
Cho nên chỉ lên tiếng thôi là chưa đủ. Phải biết bất nhẫn, Indignez-vous. Phải có can đảm xóa bỏ và làm lại. Vấn đề không phải sửa chữa mà xóa sạch. Vấn đề không phải chỉ là đưa ra ý kiến mà sắn tay xuống đường, dấn thân, nhập cuộc để rồi lên đường. Tại Trung Quốc, năm 2010, đã có 150.000 cuộc đấu tranh, biểu tình và bạo loạn, đánh bom và tự thiêu. Năm 2011, có tăng gần gấp đôi, có 280.000 ngàn cuộc.
Đặc biệt năm 2012, có nhiều cuộc tự thiêu của thanh niên và nhà tu hành tây Tạng.
Đất nước ấy vẫn không giải quyết được những vấn đề căn bản của đời sống con người : như vấn đề cơm áo, nhà cửa, đất đai, ruộng vườn, vấn đề giáo dục con em, vấn đề công ăn việc làm, vấn đề an sinh xã hội và những quyền căn bản của con người.
Vậy thì liệu phải cần bao nhiêu thời gian nữa để giải quyết bài toán ra cho Việt Nam.
Và sự lên tiếng của các nhà trí thức, các cựu viên chức chính phủ có thể là quá trễ chăng? Nếu không thì tại sao bây giờ mới lên tiếng!!
Và sự lên tiếng phản biện đó là để chống Đảng hay để cứu Đảng hay là để cứu chính mình?
Sự đối kháng của những người trong Đảng
Trong nhiều năm nay, người ta đã có dịp chứng kiến nhiều tiếng nói phản biện xuất phát từ những thành phần trong nội bộ đảng- phần lớn là những vị có chức quyền, đã nhiều năm phục vụ cho đảng.
· Thoạt đầu là những vị trong MTGPMN như các bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, Trương Như Tảngvv..Sự chống đối của họ nhằm chia phần trong chiến thắng vì cho rằng Hà Nội đã phản bội miền Nam.
· Sự phản kháng tiếp theo là của Nhóm Kháng chiến Nam Bộ mà đại diện là Nguyễn Hộ, Trần Văn Giàu, Trần Văn Trà, Đỗ Trung Hiếu, Phạm Văn Kiết, Lý Chánh Trung là muốn đổi mới đảng, đòi hỏi thêm tự do dân chủ. Sự đòi hỏi ấy vẫn nằm trong khuôn khổ luật pháp và định chế xã hội chủ nghĩa.
Cao trào văn nghệ phản kháng các năm 1986-1989
Cao trào phản kháng này mang dáng dấp của Phong trào Nhân Văn Giai phẩm của những năm 1956-1957 vì đều do các nhà văn chủ xướng. Tuy nhiên nó không mang tính tổ chức và không có chủ trương đường lối rõ rệt. Nói đúng ra nó là một tập hợp một số nhà văn có chung một nguyện vọng là mong muốn được cởi trói văn nhệ, được tự do sáng tác mà những khởi xướng có thể là Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu và một số nhà văn nổi tiếng như Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, Lưu Quang Vũ, Hà Sĩ Phu, Trần Mạnh Hảo và rất nhiều các văn nghệ sĩ khác.
Họ hơn ai hết nhận thức ra được sự biến chất và suy đồi của đảng. Nguyễn Huy Thiệp hạ bệ các thần tượng đảng. Dương Thu Hương trong các bài tham luận muốn phủ định vai trò lãnh đạo của đảng.
Và mỗi nhà văn nói theo cái cách của mình đã viết.
Nhưng như chúng ta thấy rõ, số phận các nhà văn trong giai đoạn này đã không phải chịu đựng một số phận nghiệt ngã, cay đắng và thống khổ suốt đời đã dành cho những người như Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Phùng Cung trong giai đoạn trước.
Điều đó không có ý muốn nói làm giả giá trị phản kháng của các nhà văn trong giai đoạn này. Nhưng nó nói lên được một điều: Đảng không còn có quyền sinh sát trên
con người như 21 năm về trước.
Giai đoạn hiện nay
Những phản biện chính trị với Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, Phan Đình Diệu, Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Hộ, Trần Độ ngay cả với nhóm trí thức Bô Xít với Nguyên Ngọc, Lê Đặng Doanh đã có cái thời của nó và nhiều phần nay đã bị vượt qua hay không còn thích hợp nữa.
Thư ngỏ gửi Bộ Chính trị của Bùi Minh Quốc ngày 3-10-1993. Trần Độ Vai trò của Quốc Hội và Đảng cộng sản, 1997-1998. Phan Đình Diệu, Nhu cầu đổi mới trong giai đoạn hiện tại, 12-13 tháng 12 1997. Nguyễn Thanh Giang
Một tướng Trần Độ khi viết cho Bộ chính trị rằng : Tôi vẩn chấp nhận và đồng ý ủng hộ vai trò của lãnh đạo chính trị của đảng và cho rẳng vai trò đó vẫn cần thiết. Nhưng lãnh đạo không có nghĩa là áp đặt, không có nghĩa là đảng vẫn lãnh đạo tất cả. Tôi chỉ yêu cầu có sự cải tiến, đổi mới đảng bằng cách từ bỏ tính cách độc tôn trong mọi lãnh vực.
Nhìn nhận có những thiện chí nơi họ. Nhưng từng đó chưa đủ. Những tiếng nói phản biện đó ngày nay tỏ ra yếu ớt và không gây được một chuyển biến nào về phía chính quyền cộng sản.
Nhận xét ấy thật là sát sự thật. Vì đối với cộng Hà sản Nội hay cộng sản Tàu cũng giống nhau. Những phản biện như trên không đủ liều lượng làm họ lung lay. Trung Cộng từng dửng dưng trước nhiều vụ tự thiêu vào năm 1912 tại tây Tạng thì nhằm nhò gì những Kiến Nghị của giới trí thức?
Cho nên không thể được coi là bình thường, những nhà trí thức như Tiến sĩ Nguyễn Đình Lộc, TS Nguyễn Quang A, Ts Lê Đăng Doanh, Gs Nguyễn Huệ Chi, Nhà báo Tống Văn Công, giáo sư Tương Lai, lâu lâu lại gửi một bản «  Thư Ngỏ » một « Kiến Nghị », như Kiến Nghị 72 yêu cầu nhà nước hay Quốc Hội điều này, điều kia.
Mới đây nhất, giáo sư Tương lai đã viết bài: Việt Nam và những bàn chân nổi giận để lên tiếng ca ngợi những người tuổi trẻ như Nguyễn Phương Uyên mà ông gọi là Những bàn chân nổi giận.
Chắc là họ đã vứt chúng vào sọt rác và không thèm đọc.
Nhưng Kiến Nghị gửi đi mà không có hồi đáp thì phải có thái độ gì, phải làm gì? Viết Kiến nghị thì dễ, nhưng làm gì mới thật là khó. Các ông đã làm gì cụ thể khi chính quyền im lặng?
Ấy là không nói đó là những phản biện theo ngôn ngữ của Dương Thu Hương là : Những sự lạc quan vô tận. Các người trí thức ấy vẫn ôm hy vọng tin tưởng rằng Đảng có thể thay đổi, đảng có thể sửa chữa được. Theo Dương Thu Hương, chống đối như thế là để cứu Đảng, duy trì sự tồn tại của Đảng. Chống đối bằng cách yêu cầu Đảng nhường lại một vài mét vuông chính trị cho những kẻ ngoài đảng có đất để sống. Đó là một cuộc giải phẩu thẩm mỹ để làm đẹp chế độ hơn. Đó là mong muốn thầm kín một chủ nghĩa xã hội mang bộ mặt người thay vì bộ mặt cầm thú như hiện nay.
Phần kẻ chống đối, vẫn giữ vững được vị trí ưu đãi của mình. Vẫn nhận gratuit những đãi ngộ mà đảng vẫn dành cho họ. Vẫn được cung cấp nhà cửa, vẫn có lương bổng, lương hưu, con cái vẫn được ưu tiên có chỗ ngồi thuận tiện trong guồng máy chính quyền hoặc vẫn được chọn lựa ưu tiên ra ngước ngoài. Nghĩa là họ đã tôn trọng một thỏa thuận « ngầm »- như một thứ kỷ luật, hai chân vẫn không dám bước ra khỏi vị trí ranh giới được cho phép, vẫn biết điều gì được phép nói và điều gì không được phép nói.
Đôi khi họ có xuống đường, có tuyên bố, nhưng công an phải « né » họ, không được đụng tới. Đối diện với công an, họ chỉ cần nói : Chúng mày có biết bố mày là ai không? Chúng mày về hỏi chủ chúng mày trước khi đụng vào tao!!
Tại sao cùng đi biểu tình chống Trung Quốc mà có những người sẵn sàng « Nằm xuống cho tổ quốc đứng lên » bị đấm đá túi bụi xưng mày xưng mặt, bị bắt hàng loạt như Nguyễn Hữu Vịnh, Bùi Minh Hằng, Trương Dũng, Lã Việt Dũng, Thúy Nga, Trần Thị Nga bị bắt bế cả con vào tù. Và đây là lần thứ hai, bé Tài vào tù với mẹ. Trong khi đó, nhà văn Nguyên Ngọc ở đâu mà không bị bắt- Người đi hàng đầu-?
Mà cần gì bắt tại nhà. Công an sợ gì mà không đến thẳng nhà của Nguyên Ngọc, còng tay nhà văn lão thành, người cộng sản kiên trì đưa ra tòa thử xem?
Phần những người trí thức như giáo sư Tương Lai, nhà văn Nguyên Ngọc, dù không bị bắt có lẽ nên tình nguyện đi tù thay cho giới tuổi trẻ. Cả hai nên tự trói tay mình đến trại Lộc Hà xem sao.
Và theo lý luận hiện nay thì sự chống đối đó của các trí thức chỉ là sự phản biện phải đạo. (Loyal opposition) giữa xã hội cộng sản, giữa người trong Đảng với nhau mà không phải là hình thức phản biện trong một xã hội dân sự (Civil society).
Trong một xã hội dân sự, sự chống đối phải bắt đầu từ những phong trào, từ những tầng lớp đông đảo dân chúng như thợ thuyền, giới trẻ như thanh niên, sinh viênvv.
Chống đối với họ là một quyền, một đòi hỏi, tạo một thế áp lực bằng rất nhiều phương tiện như xuống đường, biểu tình, truyền đơn, nằm ăn vạ ở đường, chấp nhận ngay cả những hiểm nguy như bị đánh đập, ra tòa, ngồi tù, bỏ vợ con nheo nhóc.
Đó mới là sự chống đối đích thực trả giá bằng cuộc đời của mình, tương lai của mình và sinh mệnh chính trị của mình.. Đó là sự chống đối như một thỏa thuận ngầm không nói ra muốn làm tan băng chính quyền hiện tại, một mong muốn một sự sụp đổ không hồi tố để tiến tới một xã hội dân sự đúng nghĩa trong đó có sự tôn trọng tự do, dân chủ, tôn trong quyền con người.
Nhưng nói chung họ thường tranh đấu rất vô tư và ít có những ẩn ý chính trị và mưu đồ như người ta tưởng hay gán ghép cho họ.
Sự chống đối với đầy lòng can đảm ấy biểu tượng nơi các người trẻ, những nông dân đòi đất, những thành phần tôn giáo hay người thiểu số.
Tên họ và danh sách của họ mỗi ngày mỗi dài. Họ là những Cù Huy Hòa Vũ, Phong Tần, Phạm Hồng Sơn, Trẩn Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Hồ Thị Bích Khương(Hiện bị kết án hai năm tù, nhận giải thưởng Nhân quyền Hellman, năm 2011), Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Văn Hải, Phan Thanh Hải, Huỳnh Thục Vy,Tạ Phong Tần ( bị bắt giam từ ngày 24 tháng 9, năm 2012) xứng đáng với nhân cách của họ khi ngồi tù, khi ra tòa.
Họ tất cả chỉ có một tội là yêu nước. Yêu nước không đúng cách của cộng sản.
© Nguyễn Văn Lục
© Đàn Chim Việt

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"