Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

Nông dân Việt Nam và đất đai: Đảng Cộng sản không giữ lời hứa

David Brown
Huỳnh Phan chuyển ngữ
danluan_d00123.jpg
Ngay cả sau khi Đoàn Văn Vươn và em trai là Quý bị kết tội âm mưu giết người hồi tháng 1 năm 2013, có vẻ hợp lý để hy vọng rằng họ sẽ được tòa án Việt Nam xử nhẹ tay. Vươn, một nông dân Việt Nam, cuối cùng được rất nhiều người cho là anh hùng. Một năm trước đó, hàng trăm cảnh sát và dân quân đã được huy động để tước lấy khu đất nuôi tôm cá 21 ha, vốn là đầm lầy mà Vươn và gia đình đã bỏ công khai phá và đấp đê. Các quan chức muốn lấy đất của họ bán lại cho các nhà đầu tư chuyển thành sân bay, nhưng gia đình họ Đoàn đã chống lại. Sáu công an và bộ đội bị thương – lý do để buộc tội anh Vươn. Trong nhiều tuần sau “sự cố Tiên Lãng,” sự chú ý của cả nước đã tập trung vào các vụ cưỡng chế lấy lại đất mà không có đền bù. Chính Thủ tướng đã lên án cuộc tấn công vào khu đất nuôi tôm cá của anh Vươn. Ông nói đó là một việc trục xuất bất hợp pháp.

Từ lúc đó trở đi, gia đình họ Đoàn đã được so sánh với một gia đình nông dân mà việc họ tuyệt vọng chống lại hiến binh thuộc địa vào năm 1926 (sự cố Nọc Nạng) đã làm họ được CHXHCNVN tôn vinh như những anh hùng kháng chiến.
Nhưng điều mọi người tưởng tượng này đã chẳng cứu được Vươn. Cách đây vài tuần, gia đình họ Đoàn và các quan chức đã âm mưu lấy đất của họ đã bị tuyên án. Vươn và Quý lãnh 5 năm tù vì tội “âm mưu giết người” trong khi vợ và anh em của họ bị kết án nhẹ hơn. Trong khi đó Phó Chủ tịch huyện đã chịu một án tù 30 tháng vì ‘huỷ hoại tài sản’. Bốn quan chức địa phương khác được xử với án tù treo. Còn những người khác chỉ bị khiển trách về mặt Đảng và chính quyền. Đối với tài sản bị phá hủy – môt ngôi nhà bị san bằng và cá tôm cá chờ thu hoạch bị đánh cắp có giá thị trường khoảng 250,000 đô la – gia đình họ Đoàn dường như không gặp may khi nói về việc bồi thường.
Kết quả của vụ án là một tín hiệu rõ ràng rằng Hà Nội sẽ không thực hiện thay đổi cơ bản nào trong cách quản lý đất đai trong nền ‘kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa’. Hiến pháp Việt Nam cho rằng Nhà nước thay mặt nhân dân quản lý đất đai. Về mặt nào đó, hệ thống đã có tác dụng. Chính quyền xã thương lượng ra hợp đồng cho thuê đất 20 năm trên một cơ sở khá công bằng. Gia đình nông dân thường kỳ vọng rằng việc họ sẽ được cho thuê lại đất chỉ là một vấn đề thủ tục. Nhưng vấn đề sẽ nẩy sinh khi có ai đó muốn lấy đất dùng cho mục đích khác. Nếu một nhà đầu tư háo hức muốn xây dựng một khu chung cư, một nhà máy thậm chí một sân golf, các quan chức địa phương sẽ đảm nhận công việc thuyết phục dân làng chấp nhận đổi lấy mảnh đất của họ với món đền bù rẻ mạt.
Khắp Việt Nam, nông dân đang bị các quan chức địa phương thúc ép. Tòa án đang bị bế tắc với nhiều vụ kiện và báo chí đầy rẫy những câu chuyện về các cuộc biểu tình chống việc cưỡng chế đất đai.
Điều trùng hợp là cả Luật Đất đai lẫn Hiến pháp của Việt Nam đang được xem xét sửa đổi. Trong vài tháng qua, khi cải cách thực chất có vẻ vẫn còn có thể xảy ra, các chuyên gia ngoài đảng và phi chính phủ đã cổ vũ mạnh mẽ ý niệm cấp tiến rằng cần để cho thị trường tự do chứ không phải các quan chức địa phương quyết định giá đất nông nghiệp khi được dự định chuyển đổi sang mục đích nào đó khác. Các chuyên gia lập luận rằng nếu các nhà đầu tư bị buộc phải thương lượng trực tiếp với nông dân, thì ‘việc giải toả đất’ sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên. Các nhà đầu tư có thể khởi công trong thời gian chỉ vào khoảng một nửa hoặc ít hơn.
Nhưng trong trường hợp đó, không phải ai cũng được hưởng lợi. Các quan chức địa phương sẽ không còn bỏ túi các món tiền ‘thuê’ kếch xù từ các nhà đầu tư định ra giá thấp cho đất nông nghiệp chính và trục xuất những nông dân vẫn không chịu nhượng bộ, chờ đợi đền bù công bằng.
Từ cuối năm 2012, các bài trên báo chí của Đảng đã cho thấy rõ rằng Việt Nam sẽ không sớm loại bỏ vai trò trung gian của Nhà nước trong thời gian tới. Kiểu tiếp cận theo thị trường tự do để giải toả đất có thể tốt cho phát triển kinh tế và công bằng xã hội nhưng nó sẽ làm suy yếu nền móng tư tưởng của Đảng. Vì vậy, thay vì cho phép nông dân được tự thương lượng, chính phủ đã quyết định hướng dẫn các quan chức địa phương chi tiết hơn về cách định ra “giá cả phải chăng”.
Năm ngoái là năm khó khăn đối với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông ta đã giữ được ghế của mình nhưng vây cánh của ông đã bị các đối thủ trong Bộ Chính trị cắt bớt. Do đó, có thể là quyết định của Thủ tướng đã bị xoá bỏ. Có thể ông cũng có ý như đã nói khi kêu gọi công lý cho Đoàn Văn Vươn. Có thể ông thật sự muốn gửi một thông điệp không sai lệch tới các quan chức địa phương đã thông đồng để o ép giá đất thấp hơn giá hợp lý. Hoặc giả Thủ tướng chưa bao giờ có ý nói những gì được tường thuật là ông đã nói.
Dù cách nào đi nữa, mọi thứ đã thay đổi, đặc biệt là từ khi gia đình anh Vươn chống trả lại. Ngày nay tin tức lan truyền nhanh chóng. Mười sáu năm trước, khi hàng vạn nông dân tỉnh Thái Bình tuần hành để đòi được đối xử tốt hơn – về khía cạnh tin tức lan đi – phải mất vài tháng đến khi người dân ở xa mới nắm được điều gì đã diễn ra. Trong thời đại Internet và điện thoại di động, tin về vụ phản kháng việc cưỡng chế đất nông nghiệp lan truyền ngay lập tức.
‘Nông dân’ là xương sống của chế độ Đảng Cộng sản. Công nhân thì ít ỏi vào thời Hồ Chí Minh và các đồng chí của ông lãnh đạo cách mạng. Ba thế hệ sau này, Việt Nam tương đối thịnh vượng, dù vậy nước dâng vẫn chưa nâng đều được mọi con thuyền. Một nửa dân số Việt Nam vẫn còn dựa vào đất, và so với người dân thành thị họ vẫn còn nghèo khổ và bị bóc lột. Trớ trêu thay, không còn là bọn địa chủ tàn ác hoặc bọn đế quốc tham lam đang bóc lột nông dân – mà đó lại là cái đảng đã thề nguyền giải phóng cho họ.
Nguồn: East Asia Forum
David Brown là một nhà ngoại giao hưu trí Mỹ chuyên viết về Việt Nam đương đại. Nghiên cứu sáu phần của ông, “Luật Đất đai gây tranh cãi của Việt Nam” đã được Asia Sentinel và blog Ba Sàm đăng tải ở đây: Phần 1Phần 2Phần 3Phần 4Phần 5Phần 6.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"