Dân Choa
Mấy ngày qua bài viết về Trương Duy Nhất đã tạm lắng. Báo chí chính
thống cũng không có thông tin gì thêm. Tuy vậy, mọi người quan tâm đến
cựu nhà báo Trương Duy Nhất vẫn còn câu hỏi: Tại sao Trương Duy Nhất bị
bắt.
Tôi cũng vậy. Dù đã đọc rõ thông tin qua báo chí. Blogger Trương Duy
Nhất vi phạm điều 258 của bộ luật hình sự. Nhưng tôi vẫn lấy làm ngạc
nhiên, nhất là phải áp dụng hình thức „ bắt khẩn cấp“ đối với một người
như Trương Duy Nhất.
Tuy không phải là bạn của Nhất, cũng không phải là fans của Nhất nhưng tôi vẫn đọc những bài viết trên Blog của Nhất.
Tôi đã từng đọc bài của Nhất viết trên báo chí, khi anh còn là phóng
viên của tờ Đại Đoàn Kết. Rồi cũng đọc những bài ngắn trên Blog riêng
của anh. Ngay từ lúc này tôi đã thấy Nhất có hai giọng văn khác nhau.
Trên báo chí chính thống các bài đều giống như các bài viết như các
phóng viên khác. Nhưng trong Blog thì khác hẳn. Nhất có một thái độ dứt
khoát, có chính kiến mạnh và đi sâu vào các vấn đề chính sự nóng hổi.
Anh đả phá quan niệm vốn có của hai phía, phía trong nước và hải ngoại, phía chính thống và phía „ lề trái“.
Điều này gây ngờ vực cho nhiều người đọc. Có nhiều người còn cho rằng
Nhất là người của anh ninh mạng nhà nước, viết những bài như thế để làm
con mồi, nhử những nhà „ hoạt động dân chủ“ trên mạng. Sự nghi ngờ của
dân mạng không phải là không có lý, vì Nhất đã từng 8 năm làm phóng viên
cho báo CA Đà Nẵng. Nhất chắc chắn phải là người được nhà nước tin
tưởng và cũng từng tháp tùng chủ tịch nước trong chuyến công tác ở nước
ngoài.
Nhưng bài của Nhất không phải luôn được tung hô. Cả hai phía, trong
nước và nước ngoài, đều có khen và cũng đả kích Nhất tơi bời. Trong
nhiều Entry Nhất bị công kích mạnh, thậm chí bị thóa mạ, buộc anh phải
khóa comments.
Dù khen hay chê nhưng người đọc đều phải thừa nhận, Nhất là một người
có cá tính mạnh, có chính kiến riêng và có kiểu suy luận vấn đề khắc
hẳn với số đông khác.
Nhất cũng đã làm cho giới báo Việt Nam một cú shock khi anh tuyên
bố, bỏ viết báo chính thống, chuyển sang chuyên tâm viết Blog. Có lẽ anh
là người duy nhất từ trước đến nay dám bỏ công việc phóng viên một cách
tự nguyện trong khi anh là một cây bút đang ăn khách, sức viết tràn
trề. Không kinh doanh hay làm một việc gì khác, anh bảo là chỉ chuyên
tâm viết Blog. Đây cũng là một điều gây ngờ vực cho mọi người. Từ trước
đến nay có ai ở Việt Nam mà sống bằng cách viết Blog đâu, cũng không có
doanh nghiệp nào quảng cáo ở Blog cả. Vậy thì thực sự Nhất kiếm tiền
nuôi thân bằng cách nào?
Nói thì dễ nhưng muốn duy trì Blog cũng khó. Blog của anh luôn gặp
khó khăn. Luôn bị các Hacker đánh phá, chiếm đoạt, phá hủy dữ liệu. Ngay
thời anh liên kết với trang VnWeblogs, nơi sân chơi của nhà văn nhà báo
cũng bị „ Sinh tử lệnh“ tấn công. Họ cũng bị vạ lây. Sau nhiều tuần
trang ngừng hoạt động, nhiều người phải rơi bỏ sân chơi này, nhưng không
ai trách Nhất cả.
Nhất có yêu nước không?
Có! Điều này thể hiện qua các bài viết trên Blog. Nhất yêu nồng nàn
quê hương thành phố nơi Nhất đang ở. Nhiều bài Nhất viết khen Đà Năng mà
những người nơi khác đọc cũng chạnh lòng. Nhất khen những gì mà lãnh
đạo địa phương làm được, Nhất chê những gì còn yếu kém. Nhưng Nhất viết
theo kiểu của Nhất, thẳng băng, rạch ròi, không cả nể hay né tránh.
Nhất có phản động không?
Phản động hiểu theo kiểu triết học thì không, thậm chí là rất cách
mạng nữa là khác. Nhất muốn cho đất nước thay đổi tiến lên cho bằng các
nước khác. Nhất hay so sánh cách này với cách khác, nước Việt Nam với
các nước khác. Ngay cả tầng lớp lãnh đạo của quốc gia Nhất cũng không
tha, so sánh tất. Nhất đả phá lề lối cũ, Nhất mạnh dạn đưa ra ý tưởng
mới, phải đổi thay xã hội. Xét cho cùng thì đấy là rất cách mạng.
Trong các bài viết của mình, Nhất không tung hô chào đón „ dân chủ „
và cũng không hô hào kéo bè, lập hội để lật đổ hay chống phá chế độ.
Vậy thì sao phải bắt Nhất?
Theo thông tin báo chí thì Nhất đã vi phạm điều 258, Bộ luật hình sự:
„. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân
1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do
tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ
khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ
chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm
hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.“
Như vậy Nhất đã bị bắt vì „ lợi dụng báo chí…vi phạm quyền lợi của Nhà nước…“ khi viết Blog trên mạng.
Nhất không gây gổ với ai cả. Nhất không lập hội, không biểu tình,
không chống đối, không hô hào lật đổ, cũng không nhập hội hè. Mỗi tội
viết Blog.
Nếu xem kĩ trên mạng thì có đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn bài
viết của vô số Blogger hết sức phản động, thậm chí vô cùng cự đoan. Họ
hô hào lập hội, hô hào lật đổ chính quyền, thậm chí còn hô hào cả những
biện pháp bạo lựu. Hằng hà vô số bài viết có tính kích động hay bôi nhọ
cá nhân các lãnh đạo với lời lẽ hết sức miệt thị. Thế nhưng họ không bị
bắt, không bị hacker tấn công. Chung quy là sức lan tỏa của các trang
này kém. Người đọc biết chọn lọc thông tin, biết điều gì hay, mới và
cũng biết điều gì là thị phi.
Chính quyền cho bắt một người viết báo mạng. Trước tiên họ phải thứa
nhận thành công lan tỏa của người đó, ảnh hưởng của người đó đối với
truyền thông.
Những bài viết của Nhất đã gây khó chịu cho chính quyền. Không nhất
thiết là Nhất phản động hay có ý thức thù nghịch, nhưng lối viết của
Nhất đã có sức thuyết phục người đọc và đưa cho họ một kiểu tư duy mới,
khác hẳn với tư dư giáo điều của chính thống.
Ngay trong trang của mình, Nhất cũng đã từng kể vắn tắt về chuyện đã
bị an ninh của công an sách nhiễu. Thậm chí đã bị cảnh cáo qua mạng.
Nhất không chịu quy phục, vẫn cứng rắn theo kiểu của Nhất.
Rất có thể công an đã lập hồ sơ theo dõi, sàng lọc bài viết, tập trung tư liệu và chỉ có chờ dịp mà thôi.
Lệnh bắt Truong Duy Nhất được tiến hành theo „ bắt khẩn cấp“. Đây là
một hình thức chỉ áp dụng cho đối tượng đặc biệt nguy hiểm. Bơi vì theo
điều 81, Bộ luật tố tụng hình sự quy định:
1. Trong những trường hợp sau đây thì được bắt khẩn cấp:
A) Khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội
phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Khi người bị
hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và
xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn
ngay việc người đó trốn;
C) Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người
bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó
trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ.“
Nhất đang sống ở Đà Nẵng, mọi hoạt động vẫn như thường lệ, vẫn chăm
chỉ đọc báo, viết Blog và giao du với bạn bè. Nhât không cướp đoạt,
không uy hiếp cá nhân hay tổ chức nào cả. Hơn nữa cũng không có ai bị
thiệt hại hay đe dọa nghiêm trọng cả.
Thế nhưng Nhất vẫn bị bắt khẩn cấp.
Lý do tại sao Trương Duy Nhất bị bắt khẩn cấp đã được nhiều người đề
cập đến. Chung quy là từ lâu Nhất đã rơi vào vòng ngắm của an ninh, chỉ
cần một lý do cụ thể thì Nhất sẽ rơi vào vòng lao lý.
Lối viết của Nhất sắc sảo. Nếu quy tội cho Trương Duy Nhất cũng khó.
Nhiều lúc người ta ngờ rằng, Nhất phải có một nguồn thông tin cực kỳ
phong phú, hoặc là đằng sau Nhất phải có ai đó mà thành ra Nhất mạnh
mồm.
Các điều Nhất viết trước hầu như là khá đúng. Nhưng có lẽ đó là do tư
duy sắc sảo của Nhất. Người phóng viên hay Blogger muốn viết điều tiên
lượng về vụ việc chưa xảy ra thì phần lớn đều „ nghe nhạc điệu, đoán
chương trình“. Nhưng có thể điều này Nhất hơi xuất sắc do tư duy logic
của anh.
Nhưng dù sao thì Nhất cũng đã quá đà trong những bài viết nói về Hội
nghị trung ương 7 của Ban chấp hành ĐCS. Anh không bình luận nhiều mà
chuyên về đưa tin, tin gần như mới nhất công bố trên mạng. Tai hại hơn
là anh lại cho cập nhật cả thời gian, lịch trình như một hotline. Nếu
thông tin kia chính xác thì chắc chắn Nhất phải có một nguồn tin nội bộ
nào đó. Vì Nhất ở Đà Nẵng, không liên quan gì đến đại hội. Dù có quen
biết đến đâu, Nhất không có quyền công bố những thông tin như vậy.
Nếu bên an ninh kiểm tra thông tin trên trang của Nhất, thấy trùng
hợp với lịch trình của hội nghị và tần suất thông tin nhanh nhạy phù hợp
thì họ bắt buộc phải bắt Nhất. Từ đó họ sẽ khai thác Nhất lấy thông tin
ở đâu, từ ai. Quy chế bảo mật cho thông tin và quy chế bảo mật cho hội
nghị hết sức nghiêm ngặt. Vậy thì việc để lọt thông tin nội bộ ra ngoài
thì hết sức nghiêm trọng.
Việc công an khám xét , bắt Nhất và cho di lý ngay ra Hà Nội cho
thấy rằng bắt Trương Duy Nhất không phải từ Đà Nẵng mà từ những cấp cao
hơn ở Hà Nội. Có nghĩa là họ cũng ngại có những can thiệp từ địa phương,
vì địa phương không có chủ trương này.
Mấy hôm nay vắng tin Nhất. Chắc Nhất đang đối đầu với cáo buộc mình.
Tôi tin một người như Nhất thì cũng đủ lý lẽ để bác bỏ các cáo buộc đó.
Một người từng viết báo cho công an có thâm niên, hiểu cách điều tra,
hiểu tâm lý người điều tra thì cũng không sợ hãi gì về chuyện „phản
động“. Nhất đủ bản lĩnh để vượt qua điều đó.
Nhưng nếu Nhất vướng vào chuyện tiết lộ thông tin thì sẽ rất khó cho Nhất và cũng sẽ khó cho những người liên quan.
Cũng tiếc cho Nhất.
Người viết báo và viết Blog có bản lĩnh như Nhất không nhiều.