Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

Câu chuyện "Bụi Đời Chợ Lớn" - Kịch bản nào phản ánh chân thực cuộc sống?

Gladiatore Anarchia

Hồi tớ còn đi học phổ thông, nhà ơớ kinh doanh sách và băng đĩa nhạc... đó là những vật phẩm văn hóa thường xuyên bị kiểm tra. Hồi đó Việt Nam nghèo, điện còn chẳng có mà dùng, buổi tối mùa hè thường trải chiếu trước sân, cả nhà nằm quạt mát, hóng gió, tán gẫu. Một hôm, tớ đưa ra đề tài để cả nhà tranh luận: "Giả sử đang ngủ mà có một bọn cướp bao vây quanh nhà, chúng dọa phóng hỏa nếu không mở cửa thì phải làm như thế nào". Bố, mẹ, anh chị em... mỗi người đưa ra một kịch bản đối phó... tớ cũng không nhớ hết, chỉ nhớ kịch bản của bố tớ là: "Tao sẽ giả vờ đồng ý mở cửa, sau đó tao rút cái then cửa bằng sắt bất ngờ lao ra vung tới tấp vào mặt bọn cướp"... cả nhà tớ lại tranh cãi, phản bác vì hành động đó quá nguy hiểm bởi đó là cuộc đối đầu không cân sức. Tất nhiên bố tớ cũng bảo vệ quan điểm nhưng rốt cục câu chuyện kết thúc chẳng đi đến đâu, mọi người cười, tán phét, rồi vao nhà đi ngủ.
Vài hôm sau có đoàn kiểm tra liên ngành của bên văn hóa, thuế, quản lý thị trường gì đó đến cửa hàng nhà tớ, họ lôi ra mấy cái băng casset của mấy ông Chế Linh, Tuấn Vũ, Hương Lan, Khánh Ly... tóm lại là nhạc vàng, nhạc cấm cho dù chúng vô hại (tớ lớn lên cùng chúng mà tớ có trở thành người có hại với ai đâu, thậm chí vô hại với cả chó mèo). Họ lập biên bản, phạt một số tiền lớn chắc tương đương vài triệu bây giờ. Gia đình tớ nói chung là nghèo, bố mẹ rất tiết kiệm. Mất một số tiền lớn như vậy là một sự cố rất buồn.
Hôm sau, khi tớ đi học về, bố tớ bảo: "Hôm trước bố và các con tranh luận về chuyện đánh nhau với bọn cướp đang bao vây quanh nhà vào lúc nửa đêm. Hôm qua có một nhóm người vào đây giữa ban ngày lấy đi tiền của nhà mình mà chúng ta không làm được gì cả..."
Jonny Trí Nguyễn là anh hùng trên màn bạc với những pha võ thuật thượng thừa, Charlie Nguyễn cũng tạo ra những câu truyện võ thuật hoành tráng trên phim ảnh... họ dùng võ nghệ cao cường đấm đá hạ gục hàng chục tên lưu manh có vũ khí... nhưng họ chả là cái đinh gì ở ngoài đời khi đối mặt với những kẻ chân yếu tay mềm nhưng quyền lực thuộc hàng "bá đạo", những kẻ mà "chẳng cần nói ra mà ai cũng biết - trích lời của X-man". Jonny, Charlie đã tạo ra một kịch bản cho "Bụi Đời Chợ Lớn", một tác phẩm rất có thể là xuất sắc nhất của họ từ trước tới giờ nhưng họ đã bị đo ván trong một bộ phim đời thực mà kịch bản của nó thuộc hàng "cũ rích".
Thiên hạ thường nói "Ngu thì đừng tỏ ra nguy hiểm", nhưng có sự nguy hiểm đáng sợ hơn là cái "tỏ ra nguy hiểm cho dù ngu dốt", đó là cái sự nguy hiểm đến từ sự ngu dốt, và nó nguy hiểm ở chỗ ban đầu nó chẳng "tỏ ra nguy hiểm" chút nào. Như là hổ mọc thêm cánh, cái sự nguy hiểm do ngu dốt ấy được tăng lên gấp bội nhờ sự
quan liêu và thậm chí còn bậy bạ hơn mà "chẳng cần nói ra mà ai cũng biết".
Cách đây vài năm, em Lê Kiều Như (LKN) có phát hành cuốn "Sợi Xích", không bàn tới chất lượng cuốn sách, xin kể câu chuyện thế này. Sau khi dư luận bàn tán không hay về "Sợi Xích", nó đã bị cấm phát hành. Khi đó mới vỡ lẽ ra rằng cuốn sách chưa được cấp phép xuất bản. Tại sao lại có chuyện đó? Sự thật sẽ theo "quy trình" như thế này:
"Em LKN sau khi sáng tác xong tác phẩm của mình thì đến một Nhà Xuất Bản (NXB) không phải là bán bản quyền (ai điên mà mua) mà xin giấy phép xuất bản dưới dạng "liên kết xuất bản" giữa tác giả và NXB rồi tự bỏ tiền ra in sách (2000 cuốn kịch lắm hết 50tr), tổ chức event giới thiệu, vừa bán, vừa tặng sách... đại loại thế. Vai trò của NXB thực chất chỉ là làm dich vụ xin giấy phép xuất bản. Nhưng vấn đề là em ấy tự động in sách trước khi có giấy phép, vì sao em ấy liều như thế? Là bởi vì có bác nào đó cam kết bằng mồm rằng: "Sách của em ok, được duyệt rồi, sẽ có giấy phép XB sớm. Cứ in sách và phát hành đi. Mọi việc coi như ok rồi". Nó giống như việc ngày nay có một số đôi cưới rồi mới đăng ký bởi họ đã ngủ với nhau bét nhè rồi, lại còn cưới xin đàng hoàng thì đăng ký chỉ là thủ tục tất yếu... Nhưng đời ai biết chữ ngờ, sau vài ngày phát hành, "Sợi Xích" bị liệt vào dâm thư và chất lượng quá tệ, bên quản lý văn hóa tuýt còn, báo chỉ chửi rủa, Facebook cũng chửi rủa... bên NXB bèn tuyên bố: Cô LKN đã vi phạm, chưa được cấp phép xuât bản đã dám phát hành sách.
Đó là cách của một số người làm trong ngành văn hóa (tớ nói là "một số người" cho nó an toàn, còn thực ra là một số hay tất cả thì "chẳng cần nói ra mà ai cũng biết"), họ nắm đằng chuôi, những quyết định họ đưa ra là quyết định bằng mồm, hoặc có giấy tờ gì đó chung chung để hiểu sao cũng được. Chuyện trót lọt thì ok, không xuôi thì họ chẳng chết... cái đó là cách làm thể hiện sự quan liêu và ngu dốt.
Chúng ta thấy có một câu chuyện rất hài, siêu hài ở Việt Nam là ông nào muốn được trở thành NSUT, NSND (nghệ sỹ ưu tú, nghệ sỹ nhân dân) thì phải nộp hồ sơ và xin đăng ký. Chúa ơi! Liệu Messi có phải làm đơn xin quả bóng vàng với Platini hay Blatter không? Tại sao lại có chuyện vớ vẩn như vậy? đáng ra khi khen thưởng, công nhận ai thì những người chịu trách nhiệm phải tự đánh giá, đủ năng lực đánh giá, phải quản lý được thông tin của người được đề cử ví như hội đồng bỏ phiếu cho quả bóng vàng là các HLV, nhà báo, cầu thủ của các quốc gia, họ biết Messilaf ai, họ đã xem Barcelona thi đấu cùng Messi... nhưng những người quản lý văn hóa thì khác... họ đếch biết gì, chẳng biết ai giỏi trong thiên hạ và họ giỏi ra sao... vì đếch biết gì nên họ làm động tác đơn giản là: OK man, muốn làm NSUT? Nộp hồ sơ cho tôi xem ông có thành tích gì?
Trường hợp của ông Jonny và ông Charlie là như vậy. Ai thẩm định duyệt phim của họ? Là một số người trong đó có bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, tác giả kịch bản phim "Ký ức Điện Biên", bộ phim tiêu tốn 12 tỷ VNĐ(2004) và lập kỷ lục tại các phòng vé HN: bán được những... 60 vé(khoản 1.5tr VNĐ). Với tất cả sự tôn trọng, tớ nghĩ rằng bộ phim đó có kịch bản hơi bị thối... Với LHP Cannes, giám khảo là các ông/bà Chương Tử Di, Trương Nghệ Mưu, Quinn Tarantino, Steven Spieldberg... còn quản lý điện ảnh VN là những con người mà trình độ "chẳng nói ra mà ai cũng biết". Ông Charlie gửi kịch bản "Bụi Đời Chợ Lớn (BĐCL)", họ xem qua, chẳng biết góp ý gì vì chẳng đủ trình độ mà góp ý nhưng để an toàn cho cái ghế của họ thì cứ phang một vài lời khuyên chung chung: "Hạn chế bạo lực. Phải phán ánh chính xác thực tế". Anh em ông Charlie hý hửng về bỏ ra 16 tỷ làm xong bộ phim. Sau đó quảng cáo, trailer đẫm máu quá, các sếp nhíu mày, một số chiếc ghế bị lung lay, bên quản lý điện ảnh quay lại phản đòn: "Cấm chiếu vì quá bạo lực, không phản ánh đúng thực tế". Vậy đó, văn hóa truyền khẩu và những văn bản có nội dung chung chung là tấm khiên bảo vệ cho sự quan liêu, vô trách nhiệm và kém hiểu biết.
Thế nào là bạo lực? tát một cái cũng là bạo lực, đánh bom chết vài trăm mạng cũng là bạo lực. Bạo lực trên phim chỉ mang tính tiêu cực khi nội dung bộ phim đó cổ súy cho bạo lực. Ví dụ như truyện Tấm Cám đoạn kết con Tấm luộc thịt con Cám làm mắm chính là cổ súy cho bạo lực. Nhưng nếu bộ phim có câu chuyện một người đi chém giết nhưng cuối cùng nhận ra mình sai và hoàn lương, đó là sự hướng thiện.
Thế nào là không phản ảnh thực tế? Văn học, phim ảnh, nghệ thuật có quyền dùng cái không có trong thực tế để phản ảnh thực tế, có quyền hư cấu. Ví dụ như trươc năm 1945 có một chị Tuất phải bán con đi để trả nợ, chị Mão phải bán sữa đi để nuôi con, chị Sửu phải bán chó đi để mua gạo, chị Ngọ bị lính ức hiếp tức quá đánh lại... ông Ngô Tất Tố không thể mô tả quá nhiều chị và phải tạo ra nhân vật điển hình nên gom hết Tuất, Mão, Sửu, Ngọ... vào một chị Dậu. Đó là sự hư cấu cho phép. Điện ảnh cũng vậy, nếu không con cháu Bá Kiến có thể kiện hãng phim VN vì cụ Bá ngoài đời chắc chỉ ác bằng một phần lão Bá Kiến trong phim. Đạo diễn nó gộp nhiều thằng ác ôn vào một vai Bá Kiến để tạo ra nhân vật điển hình, đỡ tốn tiền thuê diễn viên...
Có bài báo đăng lời nghệ sỹ Chánh Tín nói rằng: "Tôi đã khuyên các cháu (Jonny, Charlie) rằng đây là VN, ko phải nước Mỹ... giờ thì các cháu làm sai thì ráng chịu". Tớ không tin ông Chánh Tín phát biểu như vậy, báo chí rất láo, nhưng nhắc đến ông Chánh Tín thì mới nhớ ra giờ đây ông cũng đang chịu một hoàn cảnh tương tự nhưng còn bi đát hơn cả Jonny và Charlie.
Với ươc mơ sản xuất rau sạch, công nghệ cao, Nghệ sỹ Chánh Tín đã huy động vốn, lập dự án khả thi để thuê đất ở một xã tại Lâm Đồng. UBND xã ok, sở tài nguyên môi trường ok... coi như vấn đề đã xong, chỉ chờ giấy phép của UBND tỉnh như một thủ tục đương nhiên. Thế là ông Chánh Tín lao vào huy động vốn, vay ngân hàng, kêu gọi nhà đầu tư để xan ủi đất, thuê tư vấn, nhân công...tốn nhiều tỷ đồng, nhưng chờ hết 3 năm, UBND tỉnh vẫn không chịu cấp phép và còn bật lại cho rằng ông Chánh Tín đã làm sai, chưa có giấy phép mà đã xây dựng... giờ thì ông Chánh Tín chỉ còn nước tuyên bố phá sản mà thôi.
Bụi Đời Chợ Lớn chẳng có gì liên quan đến dự án trồng rau của Chánh Tín cả, Jonny, Charlie không chết bởi cái kịch bản "không phản ảnh hiện thực cuộc sống mà họ viết ra nhưng cả 3 đều chết bởi cùng một kịch bản cũ rích ở đời thực, cái kịch bản tạo ra bởi những nhà biên kịch "chẳng nói ra mà ai cũng biết", cái kịch bản đó "phản ánh rất chân thực cuộc sống". Đáng trách khi họ không chịu "thuộc bài", nghệ sỹ là vậy. Lúc trước ông Phương khói lửa chết vì bom tự chế, ông Jonny còn hồ hởi khoe rằng cho nhân vật BĐCL dùng dao, kiếm mà không dùng súng nên tiết kiệm chi phí khói lửa vốn rất tốn kém và nguy hiểm. Jonny không biết rằng có quả bom nổ chậm đã cài sẵn cho BĐCL, đáng ra phải tháo cái kíp nổ đó ra: chỉ cần sửa bối cảnh phim BĐCL ngay trước khi bấm máy cho lui về trước 1975 là ok.
Thương thay những nghệ sỹ, anh hùng màn bạc. Họ bỗng dưng chẳng khác gì những chú cừu non trong cuộc đời thực, quá ngây thơ, thậm chí ngây ngô.
Nguồn: FB Gladiatore Anarchia

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"