Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

Bệnh tiểu đường - cái giá Việt Nam phải trả cho phát triển

Diên Vỹ chuyển ngữ


Phu Thi Hong Thuy, bệnh nhân tiểu đường 48 tuổi bị cắt chân sau vì một vết đứt khi va chân vào kệ tủ
Ông đã sống sót qua cảnh đói khát ở miền quê Việt Nam và sau những thập niên chiến tranh, nhưng Pham Van Dang, 70 tuổi, hiện đang nằm mê man trên giường bệnh, khúc chân vừa bị cắt của ông được khâu lại như đường may của một chiếc túi da.
Ông Dang và nhiều bệnh nhân trẻ tại phân khoa tiểu đường của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương là những nạn nhân của cuộc sống khấm khá hơn, bác sĩ của ông nói.
“Tôi thấy ngày càng có nhiều bệnh nhân tiểu đường,” Bác sĩ Tran Quan Khanh, trưởng khoa nội tiết nói, khoa của ông nhận đến 20 bệnh nhân mới mỗi ngày.
Lý do chính xác vì sao bệnh tiểu đường tăng vọt thì khó mà xác định được - một là người dân sống lâu hơn - nhưng các bác sĩ ở Việt Nam nói rằng thủ phạm chính là “quá trình tây phương hoá và thành thị hoá.”

“Giờ đây chúng tôi có nhiều nhà hàng thức ăn nhanh và KFC,” Bác sĩ Khanh nói.
Trong một đất nước mà tứ chi con người từng bị cắt nát bởi bom mìn, các bệnh viện ở Việt Nam hiện đang phải chữa trị các ca về hội chứng “bàn chân đái tháo đường” đang tăng một cách báo động, đây là một dạng nhiễm trùng thường bắt đầu bằng một vết xước nhỏ nhưng sau đó phát triển thành một vết thương lở loét vì chứng bệnh này khiến bệnh nhân mất đi độ nhạy cảm và ngăn trở quá trình làm lành vết thương.
Trong những trường hợp nghiêm trọng thì phải cắt cụt chi. Nếu ống chân có thể cứu được, các bác sĩ sẽ tiến hành nạo vét, một phẫu thuật ghê rợn dường như phù hợp ở các chiến hào trong Chiến tranh Thế giới thứ Nhất hơn là ở một khu đô thị hiện đại và năng động như Thành phố Hồ Chí Minh. Phẫu thuật này bao gồm việc cắt bỏ những vùng thịt thối và được tiến hành vài lần mỗi ngày tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương và bốn bệnh viện khác tại Thành phố Hồ Chí Minh có khu điều trị riêng dành cho bệnh đái tháo đường.
Các bác sĩ và chính quyền nói rằng không có dữ kiện thống kê về con số những trường hợp cắt cụt chi liên quan đến bệnh tiểu đường tại Việt Nam, nhưng Bác sĩ Thy Khue, một nhà nghiên cứu hàng đầu về tiểu đường của quốc gia nói rằng tình trạng đang trở nên “cấp bách” và đặc biệt đặt gánh nặng lên hệ thống y tế vì các bệnh nhân bị cưa chân thường phải điều trị tại bệnh viện trong nhiều tuần. Biến chứng chân đái tháo đường cũng có ở phương Tây, nhưng tỉ lệ ở Việt Nam cũng như tại các quốc gia nhiệt đới thì cao hơn vì người dân thường mang dép bên ngoài và đi chân đất trong nhà, khiến cho bàn chân họ dễ bị tổn thương, bác sĩ Khue nói.
Tỉ lệ tiểu đường đang tăng cao ở nhiều quốc gia, nhưng điều nghịch lý đầy cay đắng là, sau nhiều năm chiến tranh tại Việt Nam, cuộc sống hoà bình lại bị ảnh hưởng bởi những tai hoạ của sự tăng trưởng ấm no: nghẽn tim, béo phì và tiểu đường.
Thống kê của chính quyền Việt Nam cho thấy một mức độ tăng trưởng chung chóng mặt về bệnh tiểu đường loại 2, một căn bệnh liên quan đến chế độ ăn uống và lối sống, vốn đã đạt đến mức báo động ở phương Tây, đặc biệt là trong thành phần người bị béo phì. Từ mức 1% trong dân số người Việt trưởng thành vào năm 1991 - năm đầu tiên Việt Nam tiến hành thống kê bệnh tiểu đường trên toàn quốc - tỉ lệ này đã tăng lên đến 6% vào năm ngoái. Và tại Thành phố Hồ Chí Minh, một điều tra vào năm 2010 dự tính cứ trong 10 người lớn thì có 1 người bị tiểu đường.
Bác sĩ Khue nói bệnh tiểu đường từng chỉ xảy ra trong tầng lớp vô cùng giàu có. Nhưng khi người dân chuyển từ ruộng vào nhà máy và văn phòng thì bệnh nhân của bà hiện nay thuộc mọi thành phần.
“Nó không còn là căn bệnh của những người rất giàu nữa,” bà nói. “Giờ đây mọi người bất kể giàu nghèo đều có thể mắc bệnh tiểu đường.”
Jesper Hoiland, phó chủ tịch cao cấp của Novo Nordisk, nhà sản xuất thuốc chữa bệnh tiểu đường lớn nhất thế giới nói rằng con số người mắc bệnh tiểu đường ở Việt Nam sẽ còn tăng cao hơn nữa khi nền kinh tế đất nước tiếp tục phát triển và người dân đón nhận lối sống thành thị hiện đại.
“Chúng ta sẽ chứng kiến một đại dịch thực sự ở Việt Nam trong những năm tới,” ông nói.
Hiệp hội Tiểu đường Quốc tế, một tổ chức chuyên lưu trữ thông tin về căn bệnh này cho biết rằng năm ngoái đã có 371 triệu người bị mắc bệnh tiểu đường trên toàn thế giới. Bốn trong năm người mắc bệnh sống tại những nước có thu nhập thấp hoặc trung bình như Ai Cập, Guyana hoặc Việt Nam, hiệp hội cho biết.
“In today’s world, many more people are dying from overeating than from starvation,” Mr. Hoiland said.
“Trong thế giới hiện tại, nhiều người chết vì ăn nhiều hơn là chết vì đói,” ông Hoiland nói. Bị ảnh hưởng trầm trọng nhất là khu vực các vùng Đảo Thái Bình Dương, nơi mà tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường chiếm gần một phần ba dân số, như trường hơp của hòn đảo Naru nhỏ bé thuộc Micronesia. Các quốc gia Ả Rập cũng có tỉ lệ mắc bệnh rất cao, theo thông tin của hiệp hội. Gần một phần tư dân số trưởng thành tại Ả Rập Saudi bị tiểu đường, báo cáo cho biết.
Tiểu đường ảnh hưởng đến khả năng quản lý lượng đường trong cơ thể và có thể hạn chế được bằng việc tập luyện cơ thể, thay đổi chế độ ăn uống và nhất là tiêm insulin để điều chỉnh lượng đường trong máu. Nhưng các chuyên gia nói rằng các triệu chứng của bệnh đái tháo đường, bao gồm đi tiểu và khát nước liên tục, giảm cân, thường diễn tiến chậm khiến nhiều người mắc phải bệnh trong nhiều năm nhưng không phát hiện được, đặc biệt là tại những quốc gia mà hệ thống y tế còn sơ khai.
Nguyên nhân về sự chênh lệch tỉ lệ tiểu đường giữa các quốc gia - và giữa các sắc dân trong cùng một quốc gia - thì liên quan đến bệnh di truyền, chế độ ăn uống và việc có hoặc không vận động thân thể, các chuyên gia cho biết.
Nhưng các bác sĩ tại Việt Nam nói rằng sự tăng vọt của bệnh tiểu đường vẫn chưa được giải thích rõ ràng.
“Bệnh nhân của chúng tôi không bị béo mập. Một số thì rất gầy,” bác sĩ Khanh nói.
Vì những thể trạng khác nhau, tiêu chuẩn đánh giá mức độ béo phì ở châu Á thì thấp hơn ở phương Tây - các bệnh nhân béo phì ở châu Á có thể chỉ được xem là hơi mập so với tiêu chuẩn phương Tây. Nhưng điều này vẫn không giải thích được nhiều trường hợp mà ông thấy, Bác sĩ Khanh nói.
Trong một lần đến thăm, phóng viên gặp một thiếu nữ 26 tuổi mặc quần jean túm và áo ca rô tên Lam Loc Mui, cô được chẩn đoán là mắc bệnh tiểu đường.
Mui xuất thân ở tỉnh nhưng hiện đang làm nghề phụ tá nha khoa ở Thành phố Hồ Chí Minh, cô gầy như que tăm với vòng hông chỉ 68,5cm.
“Điều này thật sự sốc,” cô nói. “Tôi hiếm khi ăn đồ ngọt.”
Bác sĩ Khanh đoán rằng cô nằm trong dạng bệnh nhân mà các chuyên gia gọi là “hiệu ứng nhập cư”. Cô Mui từng làm công việc nhà nông khi còn nhỏ. Giờ đây sống ở thành phố, cô rất ít khi đi bộ và hầu như chẳng bao giờ tập thể dục.
Hans Duijf, giám đốc điều hành của Novo Nordisk tại Thái Lan nói rằng một số bệnh nhân xuất thân từ vùng quê đã mắc bệnh tiểu đường sau khi vào sống trong môi trường thành thị với những thay đổi giới hạn về chế độ ăn uống. “Nếu cơ thể bạn được lập trình để sống với ít thức ăn thôi, thì bạn có cơ hội cao để mắc bệnh tiểu đường dù chỉ có những thay đổi tương đối nhỏ trong lối sống,” ông nói.
Bác sĩ Khue, nhà nghiên cứu bệnh tiểu đường nói rằng một yếu tố khác nữa có thể là do việc tiếp xúc với hoá chất và ô nhiễm. Vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về những ảnh hưởng này, bà nói.
Chẳng có giả thuyết nào ở trên làm cho Phu Thi Hong Thuy an tâm, nữ bệnh nhân tiểu đường 48 tuổi này ngồi trên giường bệnh lắng nghe một bác sĩ nói chuyện với phóng viên về những nguyên nhân có thể đã ảnh hưởng đến trường hợp của bà.
Vài tuần trước, bà Thuy va vào kệ tủ ở nhà và bị đứt chân.
“Tôi chẳng nghĩ nó nặng đến thế,” bà nói. Nhưng sau khi nhập viện, các bác sĩ đã quyết định cắt chân bà.
“Tôi vẫn năm mơ thấy chân mình còn nguyên,” bà nói. “Thỉnh thoảng tôi thấy ngứa dưới chân - nhưng khi nhìn xuống thì nó không còn ở đấy.”

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"