Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013

Bài viết đã biến mất sau 6 giờ trên Tuần Việt Nam: "Cầu nối giữa hai siêu cường?"

Lê Thành
Bằng hiệp định TPP, Hoa Kỳ đang lôi kéo các nước trong khu vực kinh tế Đông Á dần xa ra khỏi vòng tay của Trung Quốc và bước dần vào quỹ đạo mà Washington đang toan tính định hình.
Muốn khẳng định chỗ đứng và vai trò “minh chủ” của mình tại Châu Á – Thái Bình Dương, dù là Washington hay Bắc Kinh cũng đều cần xây dựng một thể chế kinh tế chung đặt dưới sự lãnh đạo của mình và có những luật chơi do mình viết nên.
Đánh vào lợi ích kinh tế luôn là một nước cờ vô cùng cần thiết cho những toan tính lâu dài của hai siêu cường. Vậy nên bên cạnh chiến lược củng cố đồng minh quân sự và mở rộng các cam kết hợp tác quốc phòng, yếu tố kinh tế chính là thành tố quan trọng thứ hai đối với chiến lược “trở lại châu Á” của Hoa Kỳ. Và cũng bởi lý do đó, Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang thu hút sự chú ý không phải của riêng các nhà hoạch định Hoa Kỳ, mà từ cả giới lãnh đạo Trung Quốc.

Một nước đi nhiều toan tính

Ta khó có thể trách các học giả Trung Quốc khi đa số đều có quan điểm Hiệp định TPP chính là một phần công cụ mà Hoa Kỳ sử dụng trong chiến lược kiềm chế sự trỗi dậy của “con rồng châu Á”. Một hiệp định nối liền hai bờ Thái Bình Dương, nối liền Châu Mỹ với khu vực kinh tế Đông Á giàu tiềm năng, mà lại do Hoa Kỳ dẫn đầu thì chắc chắn phải khiến cho người Trung Quốc dè chừng và có phần lo sợ.
Kể từ lâu, Trung Quốc đã nuôi tham vọng tạo dựng ảnh hưởng và vị thế “đầu tàu” của mình tại khu vực kinh tế Đông Á. Họ đã rất nỗ lực trong quá trình này khi “lật đổ” vị trí nền kinh tế thú hai thế giới của Nhật Bản, hay nỗ lực thành lập một hiệp định tự do thương mại chung Đông Bắc Á.
Bên cạnh mục tiêu đảm bảo sự phồn thịnh của riêng mình, sự chuyển mình thần tốc về kinh tế của Trung Quốc còn nhắm đến một mục đích cao hơn: trở thành “trái tim và khối óc” của khu vực kinh tế Đông Á – khu vực nhiều hứa hẹn sẽ vươn lên trở thành trung tâm kinh tế mới của thế giới. Tuy nhiên, những diễn biến này đương nhiên không thoát khỏi tầm mắt của Washington, và giới lãnh đạo Hoa Kỳ đương nhiên không thể để Châu Á – Thái Bình Dương rơi vào tay Trung Quốc.

Trung Quốc, Mỹ, TPP. Ảnh: Getty Images
Hiệp định TPP luôn được các nhà kinh tế và những nhà vận động chính trị Hoa Kỳ tuyên bố chỉ đơn thuần nhắm đến mục tiêu thương mại. Mục đích của TPP là nhằm tạo dựng một môi trường hoàn toàn tự do, giàu tính cạnh trạnh, và tồn tại những luật chơi công bằng cho tất cả các quốc gia thành viên. Thế nhưng, ta khó có thể làm lơ trước những tác động địa chính trị của Hiệp định này.
Sự trở lại của trên “mặt trận” kinh tế của khu vực sẽ mang lại cho Hoa Kỳ cùng lúc nhiều lợi ích. Thứ nhất, TPP sẽ mở đường cho Hoa Kỳ thật sự hội nhập vào nền kinh tế Đông Á, một lực đẩy vô cùng cần thiết cho bài toán khôi phục nền kinh tế nội địa và đảm bảo vị thế nền kinh tế số một thế giới. Thứ hai, bằng con đường thương mại, Hoa Kỳ sẽ giải quyết được mối lo những người đồng minh tại Châu Á, như Nhật Bản, Philipinnes hay Australia, hiện nay đang dần bị nền kinh tế Trung Quốc hấp dẫn. Thứ ba, các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực đương nhiên cũng bị lôi cuốn vào “cuộc chơi lớn” TPP, khi đứng trước lợi ích từ việc phát triển thương mại với những thị trường “chịu chi” như Hoa Kỳ, New Zealand hay Nhật Bản. Như vậy Hoa Kỳ sẽ trực tiếp tác động đến nhóm các quốc gia hiện khó lòng thoát khỏi sự ảnh hưởng kinh tế từ gã láng giềng khổng lồ Trung Quốc. Và thứ tư, TPP sẽ giúp cho Hoa Kỳ định hình được sự vận động của nền kinh tế Đông Á, và có thể là cả thế giới trong, tương lai khi luật chơi là do chính người Mỹ tạo dựng. Đây là nước đi cần thiết để đảm bảo cái mà người ta gọi là “quyền lực cấu trúc” của Hoa Kỳ về lâu về dài.
Bằng hiệp định TPP, Hoa Kỳ đang lôi kéo các nước trong khu vực kinh tế Đông Á dần xa ra khỏi vòng tay của Trung Quốc và bước dần vào quỹ đạo mà Washington đang toan tính định hình. Nếu như kịch bản này thành công, và Hoa Kỳ tạo lập được sự ảnh hưởng gần như tuyệt đối lên nền kinh tế khu vực, Trung Quốc sẽ buộc phải đứng trước sự lựa chọn khó khăn: hoặc chấp nhận luật chơi của Hoa Kỳ, hoặc bị bỏ rơi và cô lập ngoài cuộc chơi chung của khu vực. Hiệp định TPP lúc này đây có lẽ vẫn chưa gọi là “bao vây” Trung Quốc, nhưng chắc chắn nó sẽ kiềm hãm được sự trỗi dậy về vị thế của Trung Quốc tại khu vưc và thế giới.

Con đường nào cho Bắc Kinh?

Nhận thức được những hệ quả mà Hiệp định TPP có thể gây nên đối với quá trình khẳng định vị thế của mình, Bắc Kinh đang nỗ lực đẩy mạnh các biện pháp có thể để bản thân mình không rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Một bộ phận các học giả Trung Quốc đã cho rằng, Trung Quốc cần phải nhanh chóng bước chân vào quá trình đàm phán TPP để có thể hạn chế tối đa những mặt bất lợi mà hiệp định này có thể gây nên cho Trung Quốc trong tương lai.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cũng đang suy xét việc tham gia vào TPP một cách nghiêm túc. Nhật Bản đã chính thức đề nghị được tham gia vào quá trình đàm phán. Hàn Quốc đang nhận đươc sự lôi kéo mạnh mẽ từ Hoa Kỳ, và nếu như điều này xảy ra thì giấc mơ FTA Đông Bắc Á của Trung Quốc đang đứng trước thách thức lớn. Thế nhưng, những quốc gia thành viên Hiệp định TPP hiện nay đa phần hoặc muốn thoát khỏi sự ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc, hoặc không mấy thiện cảm trước những chính sách kinh tế của Bắc Kinh, chắc chắn sẽ tạo rất nhiều khó khăn cho quá trình gia nhập của nền kinh tế thứ hai thế giới.
Một con đường khác để Trung Quốc có thể thoát khỏi “gọng kiềm” TPP chính là chiến lược phát triển các Hiệp định thương mại tự do của riêng mình. Hay nói cách khác, là tiếp tục cuộc chạy đua ảnh hưởng kinh tế với người Mỹ tại khu vực. Dẫu gì đi chăng nữa, Đông Á vẫn là “sân nhà” của người Trung Hoa và họ chắc chắn sẽ tận dụng mọi lợi thế mà mình đang có, từ các ưu thế địa lý tự nhiên đến nguồn lực kinh tế khổng lồ, để đẩy mạnh các FTA và thiết lập “luật chơi” của riêng mình lên nền kinh tế khu vực.
Những FTA song phương của Trung Quốc với các quốc gia trong khu vực sẽ đảm bảo duy trì sức ảnh hưởng kinh tế của Bắc Kinh lên các thị trường, các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực. Việc phá vỡ đi sự chênh lệch về cán cân thương mại mà Trung Quốc đã tạo lập là vô cùng khó khăn đối với các nước này. Mặt khác, Trung Quốc cũng đồng thời đẩy mạnh việc củng cố và tạo mới các FTA đa phương như ACFTA (ASEAN – Trung Quốc) hay FTA Đông Bắc Á (Nhật Bản – Trung Quốc – Hàn Quốc).
Đặc biệt, Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) với nền tảng là sáng kiến ASEAN + 6 đang được giới nghiên cứu quốc tế đánh giá như một tham vọng cạnh tranh trực tiếp với Hiệp định TPP của Hoa Kỳ. Với sự tham gia của tất cả các nền kinh tế lớn Đông Á (Nhật, Hàn, Úc, New Zealand, Ấn Độ và Trung Quốc), RCEP có thể xem như một TPP mà Bắc Kinh để bảo vệ Đông Á khỏi tầm tay của Hoa Kỳ.
Cuộc chạy đua giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trên mặt trận thương mại đang diễn ra dồn dập. Nhìn chung, dù là Hiệp định TPP của Hoa Kỳ hay là những lời đề nghị hợp tác thương mại từ phía Trung Quốc, toàn bộ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương mà đặc biệt là khu vực kinh tế Đông Á đang đứng trước một cuộc “đấu giá” lớn với hai đối tác khổng lồ hai bờ Thái Bình Dương là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Cuộc mặc cả này, chưa thể xác định khi nào bước đến hồi kết, nhưng chắc chắn sẽ định hình trật tự khu vực và trật tự thế giới.
Lê Thành (Irys)
Nguồn: Yahoo News

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"