Trịnh Hội
Một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc
UPR là tên viết tắt của 3 chữ: Universal Periodic Review mà
tôi xin tạm dịch là Tổng Xét Định Kỳ được Liên Hiệp Quốc cho ra đời vào
năm 2006. Từ đó, cứ mỗi 4 năm rưỡi Liên Hiệp Quốc thông qua Hội Đồng
Nhân Quyền (HĐNQ - Human Rights Council) lại tổng xét các quốc gia thành
viên (như Việt Nam chẳng hạn) về vấn đề nhân quyền để xem các nước có
thi hành đúng các hiệp ước quốc tế mà họ đã ký kết hay không.
Tháng 1 năm 2014 sắp tới đây sẽ tới phiên Việt Nam được đem lên bàn
mổ ở Geneve, Thụy Sĩ. Trong lần tổng xét này, HĐNQ sẽ dựa vào 3 bản báo
cáo trước khi thảo luận với chính phủ Việt Nam. Sau đó họ sẽ tổng kết và
đưa ra kiến nghị yêu cầu chính phủ Việt Nam thực hiện.
Ba bản báo cáo đó bao gồm: báo cáo của quốc gia thành viên (the
State's national report), báo cáo của Liên Hiệp Quốc (UN report on the
State) và báo cáo tổng kết của các thành viên liên quan (Summary of
other relevant Stakeholders' information) bao gồm đệ trình (submission)
của các tổ chức phi chính phủ (NGOs) hay của các nhà hoạt động dân chủ,
xã hội, về vấn đề nhân quyền ở nước này.
Vì vậy, nói một cách tóm tắt, đây là cơ hội để những người dân Việt
Nam, những nhóm hoạt động xã hội dân sự (civil society groups) trực tiếp
lên tiếng một cách chính thức với Liên Hiệp Quốc về tình trạng nhân
quyền ở Việt Nam trong 4 năm vừa qua.
Nếu chúng ta không lên tiếng, chắc chắn Liên Hiệp Quốc sẽ dựa vào bản
báo cáo của Hà Nội để đưa ra nhận định. Và chắc chắn một điều là trong
những nhận định đó sẽ hoàn toàn không có những cái tên như Cù Huy Hà Vũ,
Điếu Cày, Trần Huỳnh Duy Thức, Tạ Phong Tần hay Việt Khang.
Nếu muốn cho thế giới biết, chúng ta phải lên tiếng. Nếu muốn thấy
thay đổi ở Việt Nam, chính chúng ta phải bỏ công, bỏ sức viết và đệ
trình những kiến nghị nghiêm túc, đưa ra những bằng chứng cụ thể. Để từ
đó thế giới có thể hiểu rõ vấn đề. Có thể biết chắc ở đâu có đàn áp. Và
ai mới là người đang lộng ngôn, tuyên truyền cần được giáo dục lại.
Đã đến lúc chúng ta, những con dân xứ Việt, dành lại quyền tự do ngôn
luận, để không phải chỉ nói cho chúng ta nghe, chỉ rầm rĩ trên các
trang mạng Facebook, ở trong nhà, với bạn bè thân thiết ở đầu phố, mà
đường đường chính chính chúng ta sẽ nói rõ, nói thật cho tất cả các quốc
gia thành viên của Liên Hiệp Quốc cùng nghe. Vì đơn giản đó là quyền
của chúng ta.
Ở Việt Nam có thể chúng ta không có quyền lên tiếng. Nhưng ở Geneve,
Thụy Sĩ, vào tháng 1 năm 2014 sắp tới đây chắc chắn tiếng nói của chúng
ta sẽ được tôn trọng.
Các bạn sẵn lòng nhập cuộc chứ?
OK. Nếu sẵn lòng thì trước tiên chúng ta cần phải biết và tuân theo một số thủ tục cần thiết.
Thứ nhất, đệ trình của một tổ chức NGO không được dài hơn 2.815 chữ
(khoảng 5 trang). Nếu đây là một đệ trình chung (joint submission) của
nhiều NGO khác nhau thì nó không được dài hơn 5.630 chữ (khoảng 10
trang).
Thứ hai, vì đây là những đệ trình chính thức cho Liên Hiệp Quốc nên
nó không thể được cho là bí mật (confidential) hay ẩn danh (anonymous).
Tên của tổ chức và bản đệ trình sẽ được đăng tải chính thức trên website
của HĐNQ về vấn đề UPR nếu hội đủ các tiêu chuẩn. Vì vậy, nếu sợ bị đàn
áp hoặc trả thù, các tổ chức hay cá nhân có thể nộp đệ trình thông qua
một tổ chức phi chính phủ quốc tế như VOICE chẳng hạn.
Thứ ba, khi viết đệ trình, bạn chỉ nên chú trọng đến một vài vấn đề
nổi bật. Không nên ôm đồm quá. Từ 5 đến 10 vấn đề là nhiều nhất cho một
đệ trình (1 - 2 vấn đề cho mỗi trang).
Thứ tư, khi viết về một vấn đề, đầu tiên bạn đưa ra bối cảnh chung
(general statement) kế tiếp là đưa ra những thí dụ cụ thể (supportive
examples). Sau đó là các đề nghị thực hiện (recommendations).
Thứ năm, khi viết các bạn nên tránh dùng những từ ngữ quá xúc cảm
(emotional) hoặc chủ quan (subjective). HĐNQ cần biết những con số, tên
tuổi, thí dụ điển hình hơn là cảm nhận của bạn về vấn đề đó. Bạn cũng
đừng gửi hình ảnh hoặc biểu đồ hay các bản báo cáo thường niên khác của
ai đó.
Thứ sáu và cũng là quan trọng nhất, bạn cần phải nộp đệ trình này cho
Văn Phòng Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc về Nhân Quyền (Office of the High
Commisioner for Human Rights) trước ngày 17 tháng 6 tới đây. Nếu muốn
biết thêm chi tiết, bạn có thể truy cập vào trang mạng này của Văn Phòng
Cao Ủy:
Một khi làm xong bản đệ trình, bạn cần viết một lá thư đính kèm
(cover letter) trong đó ghi rõ tên và hoạt động của tổ chức, logo hoặc
website (nếu có), ngày thành lập cũng như người liên lạc. Nếu có thể,
bạn nên tóm tắt nội dung bản đệ trình trong lá thư này, đánh dấu trang
(pages), đoạn (paragraphs) trước khi gửi toàn bộ (dưới dạng word
document) về địa chỉ email của Văn Phòng Cao Ủy là: uprsubmissions@ohchr.org.
Trong email gửi đi, trong phần tên (title) của email, bạn nên ghi
theo thứ tự như thế này: tên tổ chức/loại đệ trình/tên nước liên
quan/tháng năm tổng xét. Riêng trong phần email message, bạn có thể viết
tóm tắt lại lá thư (cover letter) mà bạn gửi đính kèm đó là tên và hoạt
động của tổ chức cũng như người thay mặt liên lạc.
Thí dụ, nếu lần này tôi quyết định thay mặt VOICE làm đệ trình cùng
với Phong Trào Con Đường Việt Nam ở trong nước thì tôi sẽ viết trong
phần title của email thế này: VOICE - Joint UPR Submission - Vietnam -
January 2014. Một khi nhận được, Văn Phòng Cao Ủy sẽ gửi email trả lời
xác nhận.
Thế đã nhé. Đương kim Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc ông Ban Ki-moon đã
từng nhận xét: “the UPR as great potential to promote and protect human
rights in the darknest corners of the world” (Tiến trình tổng xét định
kỳ có tiềm năng quảng bá và bảo vệ nhân quyền ở những nơi đen tối nhất
trên thế giới).
Mong là bạn và tôi sẽ cùng nhau biến tiềm năng đó trở thành những cơ
hội thật sự trên đất nước mình. Nếu muốn cùng làm chung, bạn có thể
email cho tôi qua địa chỉ: hoitrinh@gmail.com.